- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Phải chăng người ta có thể trả giá cho một Thánh Lễ?

Bình thường, hầu như tất cả các tín hữu Công Giáo đều đầy lòng tin tưởng khi họ đến xin một vị Linh Mục dâng Thánh Lễ để cầu nguyện cho một ý nguyện nhất định nào đó của họ, như cầu xin ơn bình an cho gia đình, cho con cái hay cầu nguyện cho linh hồn các người thân đã qua đời, v.v… Và những ý nguyện ấy thường được gọi là “ý lễ” (Meßintentionen). Trên thực tế, người tín hữu thường đến văn phòng giáo xứ để gặp cha Quản Xứ hay thư ký giáo xứ và trình bày ý nguyện xin lễ của mình và sau đó dâng một số tiền nào đó theo quy định của Giáo Phận, của Giáo xứ hay tuỳ lòng hảo tâm của đương sự, số tiền này được gọi là “bổng lễ”.

Vấn đề tiền xin lễ hay bổng lễ này đã khiến không ít người từng thắc mắc tự hỏi: Phải chăng người ta có thể mua được ơn thánh và sự chúc phúc của Thiên Chúa? Phải chăng con người có thể mặc cả với Thiên Chúa về ân sủng thiêng liêng bằng tiền bạc vật chất? Nói cách khác, phải chăng người ta có thể trả giá cho một Thánh Lễ?

Một thoáng nhìn lui lại dấu ấn lịch sử

Để có cái nhìn khách quan và đúng đắn hơn về vấn đề “tiền xin lễ” hay “bổng lễ” người ta cần nhìn lại dấu tích lịch sử của vấn đề ngay từ thời Giáo Hội tiên khởi. Vào thời kỳ này của Giáo Hội, các tín hữu thường tập trung tại một địa điểm nhất định nào đó để cùng nhau cử hành “Lễ Bẻ Bánh” mà sau này được gọi là “Thánh Lễ Mi-sa”, hay đơn giản hơn: “Thánh Lễ”; theo ngôn ngữ tân thời người ta còn gọi là “Cử hành Bí tích Thánh Thể”, thì họ không chỉ cử hành các Lễ Nghi Phụng Vụ theo nghĩa chúng ta hiểu ngày nay, nhưng cuộc cử hành Lễ Bẻ Bánh đó còn được gắn liền với một bữa ăn chung thân mật trong tình huynh đệ, bữa ăn A-ga-pê, giữa các tín hữu có mặt, mà các thức ăn thức uống cho bữa ăn ấy đã được các tín hữu tự nguyện mang theo khi họ đến tham dự Lễ Bẻ Bánh, tức Thánh Lễ. Dĩ nhiên lắm lúc họ cũng đã không tránh được những thiếu sót và những xử sự lệch lạc trong bữa ăn chung này, nên đã gây ra nhiều tiêu cực và thái độ thiếu thông cảm trong cộng đoàn, giữa những tín hữu giàu và những tín hữu nghèo, khiến thánh Phaolô phải viết thư cảnh tỉnh và nhắc bảo họ (x.1Cr 11,17-34).

Trong số các thức ăn thức uống hay các hoa quả khác được các tín hữu mang đến cho bữa ăn A-ga-pê ấy trong Ngày Của Chúa, Ngày Chúa Nhật, ngày cộng đoàn các tín hữu cử hành Thánh Lễ Mi-sa, người ta trích ra một số nào đó để giúp vào cuộc sống vật chất của vị Trưởng Lão coi sóc cộng đoàn, tức vị Linh Mục, với những công tác như: Chủ sự các Thánh Lễ cũng như công việc săn sóc và thăm viếng an ủi các thành viên trong cộng đoàn, nhất là những người già nua, neo đơn hay bệnh tật, v.v…, mà ngày nay người ta gọi là “công tác Mục Vụ.” Tiếp đến, khi các gia đình muốn xin vị Linh Mục dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho những ý nguyện riêng của mình, thì để tỏ lòng biết ơn vị Linh Mục và để giúp đỡ ngài trong cuộc sống hằng ngày, họ đã mang đến cúng biếu ngài các thứ thổ sản mà họ có được từ các nghề sinh sống của họ, chứ tuyệt đối không phải để trả thù lao cho ngài đã dâng Lễ cầu nguyện cho họ.

Đàng khác, trong các thế kỷ đầu, các vị Linh Mục cũng phải kiếm ăn sinh sống bằng một nghề nghiệp như bao người khác, và các ngài chỉ nghỉ việc khi trong cộng đoàn có nhu cầu khẩn cấp cần đến sự giúp đỡ của các ngài, như: thăm viếng và xức dầu bệnh nhân, các cuộc họp mặt của các tín hữu, nhất là trong ngày cử hành Thánh Lễ cho cộng đoàn các tín hữu. Và vì phải lo cho cộng đoàn như thế, nên đời sống của vị Linh Mục không tránh được sự chật vật và vất vả. Về sau, để giúp giải quyết những khó khăn phát sinh từ công việc làm ăn kiếm sống hằng ngày và nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn của vị Linh Mục, hầu để ngài được toàn tâm toàn lực chỉ lo cho công việc của cộng đoàn mà thôi, các tín hữu đã tự động đóng góp tiền bạc hay các thổ sản vật chất do họ làm ra được từ các nghề nghiệp khác nhau của họ, để bảo đảm cuộc sống kinh tế của vị Linh Mục Quản Xứ cũng như để giúp ngài trong việc trang trải các chi phí cho đèn nến, hoa hòe hay các chi phí khác thuộc lãnh vực trang trí và phụng vụ trong nhà thờ. Đây cũng là lý do cắt nghĩa tại sao các Giáo Xứ thường chiếm giữ một số bất động sản nào đó, như vườn tược, ruộng nương hay nhà cửa.

Vào thời trung cổ, hình thức giúp đỡ các vị Linh Mục bằng cách xin lễ với bổng lễ kèm theo đã trở thành một tập tục rất phổ thông. Nhiều người còn xin vị Linh Mục trong một lần nhiều ý lễ khác nhau để ngài cầu nguyện theo ý chỉ của họ, và đồng thời họ cũng dâng cúng cho vị Linh Mục một số tiền nhất định nào đó. Dĩ nhiên, trong trường hợp một lần xin nhiều lễ như thế, người xin lễ không thể đích thân tham dự các Thánh Lễ mà vị Linh Mục dâng để cầu nguyện cho họ. Ngày nay thói quen “xin lễ” và “dâng lễ” theo hình thức này hầu như vẫn còn được thực hành ở nhiều nơi trong Giáo Hội.

Sự phản đối và sửa sai

Ở điểm này, đặc biệt Martin Luther và các anh em Tin Lành đã cực lực phản đối vấn đề bổng lễ. Theo họ, kiểu thực hành việc xin lễ và dâng lễ như thế, tức dâng lễ kèm theo bổng lễ, sẽ làm cho sự cứu rỗi của con người không còn là ơn thánh nhưng không (gratuit) của Thiên Chúa ban cho con người nữa, nhưng là một điều người ta có thể chiếm đạt được bằng tiền bạc vật chất. Có lẽ sự phản đối này của Luther và của các anh em Tin Lành không phải là sự phản đối duy nhất và đầu tiên, nhưng là một sự phản đối quen thuộc nhất chống lại Giáo Hội Công Giáo, và nhất là sự phản đối ấy không hoàn toàn thiếu cơ sở. Chính thánh Thomas Aquinô, nhà thần học thời danh thời trung cổ cũng đã cảnh cáo trước những thực hành có thể gây nên sự hiểu lầm này. Ngay cả Công đồng Trient (1545-1563) cũng dạy rằng sự tham dự vào việc cử hành Thánh Lễ một cách thực tiễn và thái độ cơ bản đích thực (Disposition) đóng vai trò quyết định để Bí tích thực sự trở nên có hiệu quả.

Ở đây, khoa thần học thế kỷ 20 còn nhấn mạnh đến nhiều phương diện khác nữa. Trước hết, khoa thần học nhắc lại rằng ơn thánh Chúa không được nhìn và đánh giá theo khía cạnh giá trị vật chất mà người ta có thể cầm được trong tay như một đồ vật hay có thể đếm được như các của cải vật chất. Ơn thánh Chúa không phải là một đồ vật, nhưng là một mối tương quan, mà Thiên Chúa vì lòng yêu thương vô biên của Người đã thiết lập với con người.

Nếu vậy, câu trả lời cho vấn nạn được nêu ra “phải chăng người ta có thể trả giá cho một Thánh Lễ” đã quá rõ ràng. Tự bản chất, việc cử hành Thánh Lễ và tiền bổng lễ là hai lãnh vực hoàn toàn khác biệt và độc lập với nhau. Ân sủng siêu nhiên là ơn nhưng không của Thiên Chúa ban cho nhân loại, chứ không thể mua bằng tiền bạc được. Còn bổng lễ phải được coi là tiền cúng biếu tự nguyện như vừa đề cập ở trên.

Nhưng đàng khác, trên thực tế chúng ta cũng đừng quên rằng, trừ trường hợp đặc biệt tại một số rất ít các nước – như tại CHLB Đức, Thụy Sỹ, Pháp hay Tiệp Khắc, v.v…, các vị Linh Mục Quản Xứ được cấp cho một số lương nào đó đều đặn hàng tháng – còn tại đa số các nước khác trên thế giới, nhất là tại các vùng truyền giáo như trường hợp ở Việt Nam, các vị Linh Mục phụ trách các Giáo Xứ không nhận được tiền lương nhất định, mà hoàn toàn sống nhờ vào sự giúp đỡ hay cúng biếu tự nguyện của các tín hữu, trong đó phải kể cả tiền lễ hay bổng lễ, tức tiền các tín hữu dâng cúng cho vị Linh Mục khi họ xin ngài dâng lễ cầu nguyện cho ý chỉ của họ. Nhưng tự bản chất của nó, như vừa nói, bổng lễ không phải điều kiện tiên quyết để một vị Linh Mục dâng lễ cầu nguyện cho ý nguyện một người nào đó. Vì thế, khi một người xin lễ, nhưng vì điều kiện kinh tế hoàn toàn bất khả, không thể có bổng lễ kèm theo được, thì theo quy định của Giáo Luật (GL) bó buộc vị Linh Mục liên hệ cũng phải dâng lễ chỉ theo ý người ấy (GL, điều 945, §2).

Dĩ nhiên, trong mọi trường hợp, bó buộc lương tâm các vị Linh Mục phải tuân giữ đúng theo quy định của Giáo Luật, tức mỗi ngày dù vì hoàn cảnh bắt buộc các ngài phải chỉ nhiều ý lễ trong một Thánh Lễ hay làm nhiều Lễ với các bổng lễ khác nhau, thì các ngài cũng chỉ được phép nhận một bổng lễ mà thôi, số bổng lễ còn lại các ngài bó buộc phải gửi về Tòa Giám Mục sở tại (GL, điều 951,§1 &2). Trong trường hợp này, đương nhiên không có luật nào cấm các vị Linh Mục được phép chọn cho mình bổng lễ “béo” hơn trong số các bổng lễ, vì ngoài bổng lễ ra các ngài không còn khoản thu nhập chính thức nào khác nữa. Và chẳng những các Linh Mục Quản Xứ có quyền lo cho cuộc sống tại chức của mình, mà còn cho cả những năm tháng sau này khi các ngài về hưu. Và đó là điều hoàn toàn hợp lý, vì “thợ thì đáng được nuôi ăn.” (Mt 10,10b). Đây là điều quan trọng mà những người không đồng ý về vấn đề bổng lễ cũng cần phải khách quan nhìn nhận.

Tuy nhiên, ở điểm này, chúng ta cũng phải thành thật thừa nhận rằng tại một số ít các Giáo Xứ ở Việt Nam, đặc biệt ở các Giáo Xứ vùng quê, đã và đang có một vài áp dụng thực hành không đúng. Thật vậy, vì “nhân bất thập toàn”, đã là người thì không ai là hoàn hảo mười phân vẹn mười cả, nên dù mang trên mình ấn tín thánh chức Linh Mục, nhưng các vị Linh Mục luôn vẫn là những con người bất toàn như bao con người khác và đang bước đi trên con đường tiến về sự hoàn thiện. Bởi vậy, vì do nhu cầu hoàn cảnh sống thực tế đưa đẩy, một số các vị Quản Xứ đã không tránh được những áp dụng lệch lạc. Chẳng hạn: trong các dịp lễ an táng, lễ giỗ, nhất là lễ cưới hỏi, v.v…, ngoài các quy định chính thức của Giáo Phận ra, các ngài còn đặt thêm những tiêu chuẩn áp dụng riêng. Ví dụ: để làm cho các hình thức tổ chức bên ngoài của việc cử hành Thánh Lễ thêm phần long trọng hơn, như: thắp bao nhiêu ngọn nến trên bàn thờ, giật bao nhiêu hồi chuông, cho chạy máy điện hay chỉ sử dụng đèn dầu hoặc có treo cờ hay không, v.v…, tất cả đều tùy thuộc vào số tiền xin lễ nhiều hay ít của gia chủ. Nhưng tất cả những áp dụng này chẳng những hoàn toàn nằm ngoài các quy định của Giáo Luật, mà còn chứa đựng nhiều nguy hiểm khiến các giáo dân chẳng những đua đòi cạnh tranh nhau, mà nhất là làm cho họ hiểu sai ý nghĩa siêu nhiên cao cả của Thánh Lễ, và sau cùng có thể đưa đến chỗ “buôn thần bán thánh”, đến chỗ làm thương mại trên bổng lễ (x. GL, điều 947), gây nên xì-căn-đan. Chắc chắn rằng những áp dụng sai trái này cần phải sớm được chấn tỉnh và chấm dứt, và phải tuân thủ theo đúng các quy định của Giáo Luật hay của giáo quyền sở tại, chứ không thể ngụy biện cho rằng “lệnh vua thua lệ làng” để tiếp tục được.

Tại CHLB Đức, như đã nói trên, vì các Linh Mục Quản Xứ hàng tháng nhận được một số tiền lương vừa đủ bảo đảm cho cuộc sống và các sinh hoạt hằng ngày của các ngài, nên các ngài ít bị rơi vào sự “cám dỗ” nguy hiểm của bổng lễ và những vấn đề kèm theo. Đàng khác, số tiền lễ do các giáo dân xin – mà theo Ta-ríp chung thì thường quy định mỗi lễ chỉ vào khoảng 6 Euro – thường không do các cha Quản Xứ phụ trách, nhưng thuộc quỹ Giáo Xứ do vị thủ quỹ Giáo Xứ hay thư ký văn phòng Giáo Xứ tiếp nhận, ghi vào sổ lễ và quản lý, và hằng năm hay hằng quý họ sẽ chuyển đi để giúp đỡ Giáo Hội ở các nước nghèo trên khắp thế giới, dĩ nhiên với sự chấp thuận của Cha Xứ.

Ân sủng, một nghĩa cử của tình yêu bao dung của Thiên Chúa

Trọng tâm của ý chỉ hay ý lễ mà người giáo dân khi xin một vị Linh Mục dâng lễ cầu nguyện cho là gì? Đó chính là ân sủng của Thiên Chúa. Và như đã nói ở trên, ân sủng của Thiên Chúa không phải là một món hàng trao đổi, mua đi bán lại giữa các đối tác thương mại, nhưng là mối tương quan nghĩa thiết giữa Thiên Chúa và con người, hay nói đúng hơn là tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua sự tác động của Chúa Thánh Thần. Điều đó có nghĩa, khi chúng ta cầu nguyện hay xin lễ cho một người nào đó, chúng ta gắn bó chính mình với tình yêu Thiên Chúa trong một sự quan tâm và liên đới huynh đệ với người ấy.

Vì thế, tình yêu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người chỉ được thể hiện một cách cụ thể và cao độ nhất trong khi cử hành Thánh Lễ Mi-sa, trong khi cử hành nhiệm tích Thánh Thể, nghĩa là cử hành tình yêu Thiên Chúa. Vậy, cầu nguyện và việc cử hành Thánh Lễ Mi-sa không phải một hành động thương mại trao đi đổi lại, và hoàn toàn không được tính toán sòng phẳng theo kiểu nhân loại: “Tiền trao cháo múc”, tôi cho anh cái này, anh phải trao lại tôi cái kia, vì Thiên Chúa ban cho con người các ân sủng của Người hoàn toàn một cách nhưng không (gratuitement), chứ không dựa trên công trạng của con người. Nói cách khác, ân sủng Thiên Chúa ban cho con người hoàn toàn là một nghĩa cử của tình yêu bao dung của Người dành cho con người.

Hành động vì người khác

Tiếp đến, còn thêm một suy tư khác: Phải chăng chúng ta có thể làm được điều gì đó để giúp đỡ những người khác? Và chúng ta có thể làm được điều gì đó để giúp đỡ những người khác, khi chính những người ấy không thể tự giúp được mình nữa, như trường hợp những người đã qua đời?

Câu trả lời cho những thắc mắc trên là điều chúng ta đã, đang và sẽ làm trong chính lúc chúng ta cầu nguyện, nhất là trong lời cầu giúp nguyện thay cho các anh chị em đồng loại của chúng ta trong các Thánh Lễ hay trong khi cử hành các lễ nghi phụng vụ khác mà người ta vẫn gọi là “Lời Nguyện Giáo Dân”. Bởi vì đức tin dạy cho chúng ta biết chắc chắn rằng, với lời cầu nguyện thành tâm và đầy lòng tin yêu phó thác của chúng ta, Thiên Chúa sẽ tác động và biến đổi trong tâm hồn và nơi cuộc sống một người nào đó, mà theo sức lực tự nhiên của loài người được coi là hoàn toàn vô vọng và bất khả, như Thánh Kinh đã khẳng định: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37), hay: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở cho” (Lc 11,9-11). Ở đây, để dễ hiểu hơn, chúng ta có thể đưa ra một ví dụ cụ thể: Nếu một người vì bất lực hay vì một lý do bất khả kháng nào đó khiến anh không thể thi hành được một công tác đã được trao phó mà anh bó buộc phải hoàn thành, nhưng lại có một người khác muốn giúp đỡ anh nên đã tự nguyện làm thay cho anh và đã hoàn thành tốt công tác ấy, thì tất nhiên anh không còn phải chịu trách nhiệm về công tác đã được trao phó nữa. Vì chính anh tự chu toàn tốt công tác được trao phó cho mình hay một người khác làm thay cho anh, thì đều không có gì khác biệt.

Điều này chúng ta có thể hiểu về phương diện dâng lễ cầu nguyện cứu giúp các linh hồn trong luyện ngục. Chúng ta biết rằng, sau khi chết, các linh hồn tuyệt đối không còn làm được gì nữa để tự cứu mình: họ không phạm tội thêm mà cũng không thể làm được các việc lành phúc đức nữa. Tình trạng các linh hồn khi chết ra sao thì luôn vẫn vậy, không còn thay đổi được nữa, vì thời giờ lập công ở đời này của họ đã qua. Nhưng chúng ta, bao lâu còn sống trên cõi đời này, chúng ta luôn còn có điều kiện để lập công cho mình và lập công để cứu giúp các linh hồn trong luyện ngục bằng lời cầu nguyện sốt sắng, bằng các việc lành phúc đức của mình, nhất là bằng việc xin lễ và tham dự các Thánh Lễ để cầu nguyện cho các ngài.

Thật vậy, qua lời cầu nguyện, nhất là qua sự tham dự tích cực vào việc cử hành Thánh Lễ Mi-sa, chúng ta tín thác và tin tưởng vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Như thế chúng ta đã thực hiện một hình thức liên đới siêu nhiên với các anh chị em đồng loại của chúng ta qua một cộng đồng siêu nhiên, tức cộng đồng của những người tự liên kết với nhau trong đức tin, một cộng đồng không dựa trên nền tảng mang tính cách trần thế, nhưng dựa trên nền tảng đức tin vào Đức Kitô và tình bác ái huynh đệ. Và đương nhiên, ở đây cũng tuyệt đối không có sự tính toán và sòng phẳng theo kiểu nhân loại. Tình yêu không bao giờ là một sự tính toán, một sự sắp đặt hay một sự trao đổi sòng phẳng. Tình yêu luôn tìm kiếm những con đường cũng như bắc lên những nhịp cầu khả dĩ để nối kết giữa những người yêu nhau.

Cộng đồng tính, đặc điểm của việc cử hành Thánh Lễ

Việc cử hành Thánh Lễ là một nghi lễ phụng vụ cộng đồng các tín hữu, tức với sự tham dự thực tiễn của các tín hữu, vì thế phải được đặt lên trên các việc cử hành Phụng Vụ mang tính cách riêng tư. Ở điểm này, trong Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Consilium (SC), Công đồng Vatican II đã minh định: “Mỗi khi các nghi lễ, theo bản chất đặc biệt của chúng, gồm việc cử hành cộng đồng với sự tham dự đông đảo và linh hoạt của giáo dân thì nên nhớ rằng phải quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và riêng rẽ. Điều này có giá trị đặc biệt cho việc cử hành Thánh Lễ, dầu bản tính cộng đồng và xã hội của Thánh Lễ vẫn luôn luôn được duy trì, và còn có giá trị cho việc ban phát các Bí tích” (SC, số 27).

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với những hướng dẫn tổng quát trong Sách Lễ Roma, tức theo nguyên tắc, khi cử hành Thánh Lễ nếu có các em giúp lễ thì cũng đủ để hiểu là Thánh Lễ ấy có sự tham dự của cộng đồng. Ngoài ra còn một số trường hợp hoàn toàn đặc biệt, vị Linh Mục cũng có thể được phép dâng Thánh Lễ một mình. Ở đây, chúng ta có thể liên tưởng tới trường hợp đặc biệt của Đức HY Nguyễn Văn Thuận. Suốt hơn 13 năm bị cô lập hoàn toàn trong nhà tù khắc nghiệt của CSVN, ngài đã hằng ngày dâng lễ một mình với một mẫu bánh nhỏ xíu và một giọt rượu trong lòng bàn tay. Nhưng đây là những Thánh Lễ long trọng nhất, vì đã được dâng “trên thập giá” của sự đau khổ tột cùng, như Hy Lễ Đức Kitô dâng xưa trên núi sọ.

Nhưng chúng ta cần nhắc lại một lần nữa, ngoài các trường hợp đặc biệt, thì tự bản chất của Thánh Lễ Mi-sa, việc cử hành Thánh Lễ luôn luôn phải là một việc cử hành mang tính cách cộng đồng. Để nhấn mạnh và làm sáng tỏ cộng đồng tính của việc cử hành Thánh Lễ, thì một vài chi tiết cụ thể trong công cuộc cải tổ Phụng Vụ của Công đồng là Thánh Lễ được cử hành bằng ngôn ngữ địa phương và khi dâng lễ vị Linh Mục chủ tế quay mặt xuống cộng đoàn giáo dân. Điều ấy muốn nói rằng việc cử hành Thánh Lễ là công việc của cả cộng đoàn các tín hữu và vị Linh Mục chủ tế, chứ không phải công việc riêng của vị Linh Mục chủ tế mà thôi. Vai trò chính yếu và quan trọng nhất của vị Linh Mục chủ tế là thay mặt cộng đoàn chủ sự Thánh Lễ, tức đại diện cộng đoàn tín hữu dâng lên Thiên Chúa hy lễ của cả cộng đoàn và của chính mình, như lời kêu mời của ngài trong tất cả mọi Thánh Lễ trước khi đọc lời Truyền Phép: “Anh chị em hãy cầu nguyện, để hy lễ của tôi cũng như của anh chị em được Thiên Chúa là Cha Toàn Năng chấp nhận”, và tiếp liền sau đó cả cộng đoàn phụng vụ cũng đồng thanh đáp lại: “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người.”

Tất cả những điều ấy muốn khẳng định rằng, sự tương quan của vị Linh Mục với Phép Thánh Thể, hay nói rõ hơn: với Thiên Chúa trong khi cử hành Thánh Lễ, không thể tách rời khỏi sự tương quan của ngài với cộng đoàn các tín hữu đang tham dự Thánh Lễ. Chính câu đáp lại của cộng đoàn phụng vụ vừa được trích lại ở trên: “…và mưu ích cho chúng ta…”, chứ không phải: “…và mưu ích cho chúng tôi hay chúng con…” cũng đã khẳng định rằng, khi cử hành Thánh Lễ vị Chủ Tế và các tín hữu tham dự liên kết thành một cộng đoàn phụng vụ duy nhất. Và vì thế, tự bản chất của nó, sự tương quan giữa vị Linh Mục chủ tế và các tín hữu tham dự phải thực tiễn và cụ thể trong một nghi thức cử hành chung, chứ không thể qua một sự tương quan trong tinh thần hay trong tâm trí mà thôi. Nói cách khác, người tín hữu muốn được hưởng những ơn ích của Thánh Lễ Mi-sa, thì phải hiện diện một cách thực tiễn và cụ thể trong khi cử hành Thánh Lễ, chứ không chỉ thông công kiểu “hàm thụ” bằng tâm trí.

Kết luận

Một trong những bổn phận quan trọng thuộc sứ mệnh của thiên chức làm người Kitô hữu của chúng ta, là phải cầu nguyện cho mọi người khác, nhất là qua việc tham dự các Thánh Lễ một cách sốt sắng và đầy lòng yêu mến. Tất nhiên, mỗi tín hữu còn có thể tự liên kết mình với việc cử hành Thánh Lễ một cách đặc biệt và sâu xa hơn bằng một hay nhiều ý nguyện nhất định nào đó mà người ấy đã gửi gắm nơi vị Linh Mục. Trong trường hợp này, nếu người tín hữu dâng cúng một số tiền nào đó cho việc cử hành Thánh Lễ theo ý chỉ của họ, thì nghĩa cử đó phải được hiểu là để góp phần nâng đỡ cuộc sống vị Linh Mục và các sinh hoạt của Giáo Hội (x. GL, điều 946), chứ tuyệt đối không được hiểu là để “mua” Thánh Lễ hay ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Lễ Mi-sa là một sự lặp lại Hy Lễ thập giá của Đức Kitô, nên hoàn toàn vô giá, người ta không thể trả giá hay mua bằng tiền bạc được. Và một điều khác cũng hết sức bình thường và hợp lý, là người xin lễ cần phải tham dự Thánh Lễ một cách thực tiễn và cụ thể. Trong trường hợp bất khả kháng khiến người tín hữu xin lễ không thể đích thân tham dự Thánh Lễ do vị Linh Mục mà họ xin cử hành, thì họ có thể tham dự một Thánh Lễ do một vị Linh Mục khác cử hành ở nơi họ có thể tham dự được, với ý chỉ của mình.

Và sau cùng, bạn đọc thân mến, trong mọi trường hợp bạn hãy xác tín rằng, Thiên Chúa là Cha Chung của mọi người và Người yêu thương hết mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo hay chính kiến. Vì thế, Người cũng là Người Cha dấu yêu của bạn. Tất cả những gì bạn đang có, kể cả hơi thở và sự sống của bạn, đều là ân sủng nhưng không của Người ban cho bạn. Nên dù bạn là ai đi nữa, bạn hãy chạy đến với Người một cách đơn sơ, đầy tin tưởng và đầy tình con thảo như một đứa con chạy đến với cha mình qua những giờ phút chìm sâu trong cầu nguyện khi tham dự Thánh Lễ Mi-sa. Ở đó, Người đang luôn mở rộng vòng tay chờ đợi bạn đấy. Bạn hãy đến với Người và hãy tín thác cho Người tất cả những gì bạn ôm ấp trong lòng: niềm vui cũng như nỗi buồn, sự thành công cũng như sự thất bại, điều làm bạn hài lòng cũng như điều làm bạn bất mãn và khó chịu, v.v…, dĩ nhiên cả những nông nổi, những hiểu lầm và những thiếu sót của bạn nữa. Chắc chắn Thánh Linh của Người sẽ soi sáng cho bạn cần phải cư xử ra sao và cần phải hành động thế nào cho thấu tình đạt lý trong các tương quan với Người cũng như với các anh em đồng loại, để cuộc sống chung trong xã hội luôn được hài hòa, và để bạn được an vui và hạnh phúc thực sự trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống. Tôi dám quả quyết với bạn điều đó.

Lm JB. Nguyễn Hữu Thy

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]