- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Những Lời Gĩa Từ

“Phần tôi, tôi biết rằng, khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đoàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng. Vì vậy anh em phải canh thức…” (Cv 20,29-30).

Trước khi rời Miletô, thánh Phaolô đã mời gặp riêng những người có trách nhiệm lo cho giáo đoàn Ephêsô. Ngài đã nói với họ những lời giã từ tha thiết. Với những lời giã từ đó, ngài gởi lại tất cả tấm lòng của ngài. Một tấm lòng yêu thương mục tử mong muốn mọi con cái mình ở lại luôn sẽ được bình an trong Chúa. Những lời giã từ ấy đã giúp rất nhiều cho các mục tử của Hội Thánh, nhất là trong những tình hình bất ổn.

Tình hình Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay cũng rất cần đến sự soi sáng của những lời giã từ đó. Vì thế, tôi xin phép được chia sẻ suy nghĩ của tôi về vài điều, mà thánh Phaolô đã nhấn mạnh trong bài giã từ nổi tiếng ấy.

1. “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình” (Cv 20,28)

Trong Kinh Thánh, sự ân cần có nghĩa như sự tỉnh thức. Thánh Phaolô khuyên các mục tử hãy ân cần tỉnh thức lo cho chính mình, để có thể lo cho giáo đoàn.

Mải miết lo cho giáo đoàn mà quên tỉnh thức lo cho chính mình là điều dễ xảy ra. Tình trạng đó là mất cân đối, vừa gây hại cho giáo đoàn, vừa gây hại cho chính bản thân người mục tử.

Tỉnh thức lo cho chính mình là thế nào? Thưa là cầu nguyện, suy gẫm, học hành, sống kỷ luật và làm các việc tu đức khác, nhất là tu đức của người môn đệ Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24).

Nói cách khác, tỉnh thức lo cho chính mình là phải hết sức lo cho đời sống nội tâm của mình. Sao cho tâm hồn mình biết đón nhận Chúa, biết sống mật thiết với Chúa, biết thuộc trọn về Chúa, biết để Chúa đổi mới toàn thể con người bên trong của mình, nhất là biết vâng phục thánh ý Chúa.

Những mục tử thiếu tỉnh thức lo cho đời sống thiêng liêng của mình thường dễ rơi vào những tình trạng thê thảm sau đây:

a) Tình trạng nguội lạnh

Chúa nguyền rủa tình trạng nguội lạnh như sau: “Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hâm, chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,15).

b) Tình trạng dễ sa chước cám dỗ

Các cơn cám dỗ nhắm vào mọi người thường nhiều và mạnh. Riêng các cơn cám dỗ nhắm vào các mục tử lại rất tinh vi. Chúa Giêsu luôn cảnh báo về sự chống lại các cơn cám dỗ bằng sự cầu nguyện và chay tịnh. Nếu sơ hở, ma quỷ sẽ lẻn vào tâm hồn, có khi một mình, có khi với nhiều quỷ khác. Chúng cư ngụ tại đó, làm cho tâm hồn mục tử trở nên tồi tệ (x. Lc 11,24).

c) Tình trạng biến chất

Chúa phán: “Muối quả là cái gì tốt. Nhưng chính muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặm lại? Nó chẳng còn thích hợp để bón đất hay trộn gì nữa, nên người ta quẳng nó ra ngoài” (Lc 14,34). Mục tử ví như muối. Nếu biến chất, họ sẽ bị Chúa loại trừ.

d) Tình trạng dại khờ nguy hại

Phúc Âm gọi những người không tỉnh thức hầu biết đón Chúa đến trong lúc bất ngờ là những người khờ dại. Hậu quả của sự khờ dại đó là sẽ bị Chúa loại bỏ (x. Mt 25,1-13).

Sau lời khuyên mục tử phải tỉnh thức ân cần lo cho chính mình, thánh Phaolô đưa ra lời khuyên tiếp, đó là phải tỉnh thức ân cần lo cho đoàn chiên.

2. “Anh em hãy ân cần lo cho đoàn chiên” (Cv 20,28)

“Hãy ân cần lo cho đoàn chiên, mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc. Hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh mà Người đã cứu chuộc bằng máu của chính mình” (Cv 20,28).

Với những lời trên, thánh Phaolô nêu lên lý do siêu nhiên để mục tử có một cái nhìn trân trọng về đoàn chiên. Lý do thứ nhất là chính Chúa Thánh Thần đặt các ngài coi sóc đoàn chiên. Lý do thứ hai là đoàn chiên được Chúa cứu chuộc bằng máu của Người.

Chiều kích siêu nhiên đó buộc mục tử phải nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển đoàn chiên một cách đặc biệt về đàng thiêng liêng. Khi  nhắc đến việc đoàn chiên được Chúa cứu chuộc bằng máu của Người, thánh Phaolô rõ ràng nhìn về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên thánh giá. Cái nhìn đó nhắc cho mục tử phải yêu thương đoàn chiên đến mức phải bỏ ý riêng mình, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đoàn chiên, như Chúa Giêsu đã yêu thương.

Trong việc hy sinh cho đoàn chiên, người mục tử phải ân cần lo cho đoàn chiên tránh được những sai lầm. “Phần tôi, tôi biết rằng, khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đoàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng. Vì vậy anh em phải canh thức…” (Cv 20,29-30).

Những người như sói dữ thì dễ thấy. Còn những người giảng dạy những điều sai lạc lại có sức lôi cuốn, thì không dễ nhận ra. Họ là những người giảng dạy khó xa tránh, nhưng nhất định không được tin theo, vì họ nguy hiểm.

Về vấn đề này, người mục tử phải có ơn phân định thiêng liêng. Ơn phân định này rất cần để phân biệt điều đúng điều sai, người tốt người xấu. Trong một môi trường đạo đời đã bị ô nhiễm, nếu người mục tử không soi sáng cho đoàn chiên biết cái gì là phải cái gì là trái, thì còn gì là hướng dẫn đoàn chiên.

3. “Xin phó thác cho Chúa” (Cv 20,34)

“Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20,32).

Những lời tạ từ trên đây là một tuyên xưng đức tin đầy khiêm tốn, bình an và nhung nhớ khôn nguôi.

Ra đi, nhưng hẹn sẽ gặp lại nhau trên cõi thiên đàng.

Ra đi, mà vẫn lo cho nhau trong cuộc sống còn nhiều gian khổ.

Giã từ trên đây của thánh Phaolô cũng đã và đang diễn lại nhiều nơi trong Hội Thánh khắp nơi.

Người mục tử ra đi đã làm trọn sứ vụ của mình, ngay trong chính lúc giã từ. Đoàn chiên ở lại sẽ giữ mãi hình ảnh đẹp của mục tử, ngay trong chính lời từ giã.

Đẹp thay những lời chia ly đầy sức sống đức tin.

Đức Cha J.B. Bùi Tuần

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]