Những chứng nhân thời đại

Hiện nay tại Âu Châu đang có tình trạng thù địch với Kitô Giáo cách phi lý. Một mặt người ta lớn tiếng lên án chủ trương bài Do Thái ( Antisetimisme) và bài Hồi Giáo ( Islamophoby ), điều ấy là đúng. Tuy nhiên mặt khác, họ lại quay ra phỉ báng Kitô Giáo là Đạo đã làm nên chính nền văn hóa của họ.

Sự phỉ báng ấy biểu lộ qua nhiều hình thức khác nhau chẳng hạn như mới đây một ủy ban của cộng đồng châu Âu đã in ra hơn ba triệu cuốn Agenda ( Sổ tay ) để phân phát cho học sinh các trường trung học của Liên Hiệp Au châu trong đó hoàn toàn không nhắc gì tới các ngày lễ của Kitô Giáo kẻ cả lễ Giáng Sinh thế nhưng các lễ của Do Thái Giáo, đạo Hindu đạo người Sickhs và Hồi Giáo thì lại được ghi đầy đủ” ( nguồn Ephata số 443 ).

Là Kitô hữu hẳn nhiên chúng ta không khỏi buồn lòng nhưng cũng thật khó hiểu trước sự việc vô lý như vậy. Tại sao châu Âu từ hàng ngàn năm trước là cái nôi của đạo Công Giáo mà nay lại thê thảm đến nỗi đã phải chối bỏ cả căn tính của mình như vậy ?

Để có thể trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này thiết nghĩ chúng ta cần xác định lại căn tính của Đạo Công Giáo, nó phải chăng là một hay khác với Kitô Giáo ? Nói đến Kitô Giáo thì ai cũng hiểu là nó bao hàm cả những tông phái khác như Tin Lành, Anh Giáo và Chính Thống Giáo. Thế nhưng nếu Công Giáo mà cũng chỉ là một trong số những tông phái đó thì đương nhiên nó không còn là Công Giáo nữa. Tại sao ? Bởi vì để xứng danh Công Giáo thì nó cần gồm đủ cả ba tính chất căn bản được tuyên xưng trong kinh Tin kính đó là Duy nhất, Thánh thiện và Tông truyền. Tính Tông truyền của đạo Công Giáo đã được chính đức Kitô xác lập với Thánh Phêrô: “Simon con Giôna, ngươi có phước vì chẳng phải xác thịt bày tỏ cho ngươi điều ấy đâu bèn là Cha ta ở trên trời vậy. Còn Ta, Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phêrô, Ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá này và cả cửa hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 17 – 18 ).

Ở đây cần lưu ý, Chúa thiết lập Hội Thánh với chỉ một cá nhân chứ không phải tập thể và cũng chính trong tính chất cá nhân ấy mà Ngài trao chìa khóa Nước Trời: “Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi, điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên Trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên Trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ). Chúa lập Hội Thánh đồng thời trao chìa khóa Nước Trời cho chỉ một con người cùng với đầy đủ quyền bính và điều này đã được duy trì suốt từ Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi, cho đến nay là Đức Benedicto XVI. Đây là niềm tuyên xưng của Đạo Công Giáo từ bấy lâu nay, làm sao mà chúng ta lại phải chối bỏ điều ấy ?

Bất kể biết bao là bất toàn, nhiều khi tội lỗi nữa nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại như Hiền Thê, như Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô, lý do là vì trong suốt lịch sử của mình Hội Thánh Công Giáo chưa bao giờ vắng bóng chứng nhân theo như lệnh truyền: “Các con sẽ là những chứng nhân về mọi việc đó” ( Lc 21, 48 ).

Chứng nhân tức người làm chứng, thế nhưng tại sao Đạo Chúa lại cần làm chứng ? Bởi vì đạo ấy là đạo Đức Tin: “Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa và lòng ngươi tin Thiên Chúa đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 – 9 ).

Tin Thiên Chúa là Cha mình, đồng thời cũng chính Đấng Cha ấy đã cho Chúa Giêsu sống lại, đó là Đức Tin mà người có đạo chúng ta cần làm chứng trước mặt thiên hạ. Làm chứng cho Đức Tin mà Đức Tin ấy lại hoàn toàn trái ngược với thế gian. Vì vậy Đạo Chúa tất nhiên sẽ bị bách hại, “Ví bằng thế gian ghen ghét các ngươi thì hãy biết rằng họ đã ghét bỏ Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 18 – 19 ).

Chúa nói không thuộc thế gian chứ không phải là tách biệt khỏi nó, điều ấy có nghĩa người có đạo chúng ta vẫn sống ở đời như bất cứ người bình thường nào khác, cũng làm ăn sinh sống cũng có những nghĩa vụ với đời. Nghĩa vụ ấy trong ý nghĩa cao đẹp nhất người ta gọi đó là luân lý. Thế nhưng với Đạo Đức Tin mà nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi luân lý thôi thì chưa đủ. Hiện Giáo Hội đang có chủ trương nêu cao vai trò của luân lý bằng việc tái rao giảng Tin Mừng, nhưng như lời Đức cố Hồng Y Daneels nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bỉ đã nhấn mạnh đến sự kiện Kitô Giáo là cái gì còn hơn là một nền luân lý cho nhân loại. Ngài nói: “Một Kitô Giáo tự giản lược mình thành một nền luân lý là một Kitô Giáo ắt phải chết” ( Báo CG và DT số 958 ).

Tại sao nếu tự giản lược mình thành một nền luân lý thì ắt phải chết ? Xin thưa bởi vì Đạo Chúa là đạo làm Thánh chứ không phải… làm người. “Đạo có thể gây dựng và ban cho anh em cơ nghiệp trong vòng hết thảy những người được nên Thánh” ( Cv 20, 32 ). Nên nhớ tôn giáo là đạo là đường nhưng đường này là đường tâm linh chứ không phải đường đời. Để đi trên đường đời người ta phải dựa vào những bảng chỉ đường. Còn theo đường tâm linh thì phải biết dựa vào Đức Kitô vì Ngài chính là đường “Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Đức Kitô quả thật là đường thế nhưng làm sao chúng ta có thể bước đi theo Ngài nếu không dựa vào những chứng nhân ?. Giáo Hội là Thân Mầu Nhiệm Đức Kitô, Giáo Hội ấy trong bất kỳ thời nào, ở đâu có đứng vững được hay không là nhờ ở những chứng nhân hay nói đúng hơn là ở phẩm chất của những chứng nhân.

Để làm người chứng tốt thì trước hết cần phải biết về điều mình làm chứng, biết rõ chừng nào thì chứng tốt chừng ấy. Ngược lại không biết mà vẫn làm chứng thì chứng đó là chứng gian chứng dối. Mặt khác chỉ chứng tốt mới có giá trị có nghĩa được người ta tin theo. Trái lại chứng mà gian dối thì sớm muộn cũng sẽ bị vạch mặt chỉ tên. Đức Kitô đòi hỏi phải làm chứng và điều mà các môn đệ làm chứng ấy chính là thừa nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. “Chúng ta đã thấy và làm chứng rằng Cha đã sai Con làm Cứu Chúa của thế gian. Hễ ai thừa nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở trong người ấy và người ấy cũng cứ ở trong Thiên Chúa” ( 1Ga 4, 14 – 15 ).

Qua đây, Thánh Gioan cho thấy một điều vô cùng quan hệ đó là những ai thừa nhận Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ nhân loại thì Ngài sẽ mạc khải cho biết về Thiên Chúa, Đấng là Cha của mình. Thiên Chúa là đấng Tạo Hóa Ngài sinh con người như Hình Ảnh Ngài: “Cốt để tìm kiếm Thiên Chúa hầu mong gặp gỡ được với Ngài, dẫu rằng Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” ( Cv 17, 27 ).

Tìm kiếm và gặp được Thiên Chúa, đó phải là lẽ sống của mọi chứng nhân. Dẫu vậy thực tế cho thấy tuyệt đại đa số người có đạo chúng ta đã không tìm Chúa mà chỉ muốn làm việc Chúa. Đức cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận, khi ấy mới có 48 tuổi, là Tổng Giám Mục Phó Giáo Phận Sàigòn thì bị bắt, bị biệt giam xa Giáo Phận ( Nha Trang ) những 1.700 cây số, đã nghe Tiếng Chúa nhắc nhở: “Tại sao con quẫn trí hoang mang như thế làm gì ? con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa” ( Năm chiếc bánh và hai con cá ).I.      

I. TÌM CHÚA CHỨ KHÔNG PHẢI TÌM VIỆC CHÚA

Việc Chúa mà những người dù là Giáo Sĩ hay Giáo Dân muốn làm có thể là các chức vụ như Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, hoặc Chánh Trương, Trùm Trưởng gì đó. Sở dĩ người ta muốn làm những công việc ấy bởi vì nó đem lại nhiều danh giá và đương nhiên có cả bổng lộc. Đang khi đó Chúa đòi buộc phải là chứng nhân, mà làm chứng nhân cho Chúa thì phải lãnh nhận khổ đau. Chúa là đầu mà còn phải vâng ý Cha lãnh nhận khổ đau huống chi là các chi thể ?

“Tháng 6 năm 1954, cha Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh ( 1922 – 2007 ) tốt nghiệp master về Xã Hội Học, đang tiếp tục dọn tiến sĩ thì nhận được thư của cha Phêrô Nguyễn Huy Mai chuyển đạt lệnh truyền của Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê như sau: “Xin cha biên thư cho các cha Trương, cha Thông, cha Oánh báo tin cho các cha ấy biết tôi muốn cho các cha ấy về Bắc. Các cha bỏ đi Nam nhiều, thiếu người làm việc. Tôi muốn mở lại các Chủng Viện. Tôi để tùy ý các cha, nhưng nếu các cha ấy về thì tôi vui mừng lắm”.

Nhận được thư, ngài lo âu suy nghĩ rất nhiều vì đang học dở dang. Vì hoàn cảnh quê nhà đang rối ren và những người thân thích đều ngăn cản. Nhưng cha Thông nói với ngài: “Bỏ tất cả mà về thì được Chúa Thánh Thần”. Thế là hai cha cùng nhau quyết định vâng lời bề trên trở về Giáo Phận dù rất băn khoăn lo lắng vì biết chắc sẽ gặp nhiều khó khăn” ( Chân dung Linh Mục Việt nam – Trang thông tin điện tử Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ).

Lời cha Thông nói với cha Oánh “Bỏ tất cả thì được Chúa Thánh Thần” có thể nói đó là một nguyên tắc bất di bất dịch dành cho hết thảy mọi chứng nhân khác. Hễ còn coi bất kỳ việc của Chúa nào hơn Chúa, đó vẫn chưa phải chứng nhân. Bỏ tất cả, không những chỉ là bỏ đi những an nhàn tiện nghi vật chất, danh giá địa vị, mà có khi còn là những dự định cao cả trong ý hướng phục vụ Giáo Hội.

Cả Đức Cha Khuê lẫn cha Oánh đều trù liệu… cái sự về ấy cho công việc giáo dục. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn thì cha đã bị Nhà Nước cấm không được dạy Chủng Viện, để rồi sau đó thì bị bắt lý do là vì “Thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của ngài và vì ngài không ủng hộ Ban Liên Lạc Công Giáo nên chính quyền quyết định bắt ngài cải tạo tại chỗ. Ngày 16.8.1965 ngài bị quản chế tại Chuôn Trung với kỷ luật nghiêm ngặt không được đi ra khỏi thôn. Không được nói chuyện với bất cứ người nào trong thôn. Khách muốn đến thăm phải có phép của Công An”.

Tốt nghiệp master Xã Hội Học, đang soạn luận án tiến sĩ thì vâng lời bề trên về nước nhưng rồi bị quản chế tại một cái thôn heo hút, phải lấy sức lao động cuốc đất, đào giếng trồng khoai quanh mảnh vườn để kiếm cái ăn. Hơn nữa hàng ngày còn phải chịu đựng những thái độ lời lẽ nghi kỵ, nhục mạ luôn bị gọi lên thẩm vấn, điều tra, làm kiểm điểm, làm báo cáo liên tục v.v… ( Sđd ). Nếu không chọn Chúa và có Chúa ở cùng thì cha Oánh đã… ngã gục từ lâu, nhưng không, ngài vẫn dâng lễ cách sốt sắng vào lúc hai giờ sáng để cho vài ba Giáo Dân thân tín cùng tham dự.

Với thế gian thì công việc mà cha Oánh và bề trên dự định dường như đã đổ vỡ thất bại nhưng với Chúa thì không. Trước những đối xử hết sức bất công, cha vẫn giữ thái độ khiêm tốn nhưng rất mực cương quyết. Vì khiêm tốn nên không bao giờ chống đối hay có ý tưởng oán thù. Vẫn chấp hành mọi chỉ thị của Nhà Nước nhưng cương quyết thi hành nhiệm vụ của một Linh Mục: Không tán thành Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo và không bao giờ chịu tố cáo những người xưng tội, những người con linh hướng của ngài.

Linh Mục, như danh xưng cho thấy, đó là mục tử, là người chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Việc chăn dắt này có thể dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn coi xứ hoặc dạy học nhưng không thể không là những chứng nhân, ngay cả khi chẳng coi xứ, chẳng dạy học mà chỉ làm một người thợ… bất đắc dĩ. Đây là trường hợp xảy đến với cha Giuse Nguyễn Tiến Giản ( 1941 – 1988 ).

Cậu Giản được gửi đi tu học tại Tiểu Chủng Viện Gioan Hà Nội được bốn năm thì Chủng Viện buộc phải đóng cửa, cậu đành phải rời trường trở về gia đình vừa lao động vừa tự học triết, thần học. Trong hoàn cảnh xã hội vô cùng khó khăn tăm tối thì đêm 13.7.1964 tại Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Đức Cha Phaolo Giuse Phạm Đình Tụng đã truyền chức Linh Mục cho thầy Giản khi mới 23 tuổi, lễ truyền chức diễn ra âm thầm, đơn giản không kèn, không trống, không hương hoa.

Tuy lãnh chức Linh Mục nhưng không được dâng lễ công khai và oái oăm thay là Linh Mục thay vì lãnh bài sai nơi Đức Giám Mục đi phục vụ Giáo Xứ thì ngày 4.10.1965, cha Giản lại bị chính quyền Hà Bắc lúc đó quyết định…sai đi làm công nhân giao thông cầu đường trong phong trào “Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước”. Cha Giản đương nhiên trở thành Linh Mục “thợ” bất đắc dĩ vì chỉ được làm thợ chứ không được làm lễ. Thiên chức Linh Mục của ngài cùng với việc cử hành các Bí Tích phục vụ cộng đoàn bị khép lại vô thời hạn. Thay vào đó là đời sống của người công nhân lang thang đây đó” ( Sđd ).

Vì hoàn cảnh cha Giản không thi hành chức vụ Linh Mục nhưng ngài vẫn xứng đáng là một mục tử của Chúa. “Chính khi sống trong môi trường của những thanh niên xung phong, cha Giản lại có dịp để sống đời sống chứng nhân Tin Mừng yêu thương, cha luôn sống tinh thần yêu thương bác ái Kitô Giáo và tìm cách đưa tinh thần hướng thiện vào lao động và các phong trào văn nghệ của công nhân. Đời sống chung với những công nhân không thiếu những cám dỗ gọi mời nhưng nhờ ơn Chúa và nhờ đời sống nội tâm sâu sắc cha vẫn luôn giữ được lòng trung thành với Chúa, với lý tưởng đã chọn” ( Sđd ).

Lý tưởng của cha Giản cũng là của hết thảy mọi chứng nhân khác, đó là tìm Chúa chứ không phải việc Chúa. Đức Cha Jean Cassaigne ( 1895 – 1973 ) là một mục tử hết mình vì đoàn chiên, ngài đã dâng hiến trọn cuộc đời cho công cuộc truyền giáo nơi miền cao nguyên khi đó còn rất hoang dại. Trong bản tường trình năm 1920, Đức Cha Victor Quinton, Giám Mục Giáo Phận Sàigòn đã nói đến ý định truyền giáo cho người dân tộc trên cao nguyên Djiring Langbiang. Nhưng công cuộc truyền giáo này chỉ thực sự bắt đầu khi Đức Cha Dumortier đặt cha Jean Cassaigne một Linh Mục thuộc Hội Thừa Sai Paris đến Djiring ( nay là huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng ) vào năm 1927.

Chúng ta ngày nay sau gần một thế kỷ, thật khó mà tưởng tượng ra được những khó khăn mà một thanh niên người Âu 32 tuổi phải đương đầu. Núi rừng âm u vắt muỗi rắn độc thú dữ luôn đe dọa rình rập. Nhà ở thì toàn là tre nứa tạm bợ, còn con người thì cũng chẳng hơn gì cũng chỉ là một đám người quanh năm đói khát rách rưới hôi hám bẩn thỉu, lại còn bị lũ chấy rận, vi trùng Hansen không một lúc nào thôi hành hạ ngứa ngáy khổ đau…

Trong hoàn cảnh như vậy người Linh Mục chứng nhân của Chúa mà sau này được mệnh danh là “Ông tổ của công cuộc truyền giáo cho người dân tộc” ấy đã phải mày mò ký tự từng chữ trong ngôn ngữ của họ để rồi hai năm sau cha đã cho xuất bản cuốn Từ Điển Pháp – Koho – Việt. đây là cuốn từ điển đầu tiên hình thành chữ viết cho ngôn ngữ Koho. Thế gian và ngay cả người có đạo chúng ta cũng rất khó để mà hiểu được động lực nào đã khiến cho vị chứng nhân ấy đã sống cuộc sống hủy mình như thế ?

Mười bốn năm sau, tức vào năm 1941, Đức Cha có lệnh Tòa Thánh phải về nhận chức Giám Mục Sàigòn, ngài hết sức buồn bã vì phải xa cách con cái mà mình hết lòng yêu thương, ngài viết trong nhật ký: “Tôi là kẻ từng mơ thành một Thừa Sai tầm thường. Tôi, kẻ đã coi sự nghèo khó của mình là niềm hãnh diện và niềm vui, lại trở thành hoàng tử của Giáo Hội ( chức Giám Mục ). Nhưng dù người ta sẽ thay y phục và chỗ ở của tôi, song chẳng ai thay được con người chất phác của tôi” ( Sđd ).

Đơn sơ chất phác, đó là phẩm chất của những con người có đời sống nội tâm sâu xa. Họ không cần bất kỳ một hình thức đánh bóng nào. Dẫu vậy, với những chứng nhân, họ còn được thông phần khổ đau với Chúa như lời Thánh Phaolô đã nói: “Tôi chịu cho đủ trên thân tôi những gì còn thiếu trong sự đau khổ của Chúa Kitô” ( Cl 1, 24 ). Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh vinh quang thì không còn chịu bất cứ một thứ khổ đau nào, nhưng Kitô trong anh trong tôi thì vẫn còn thiếu, và chúng ta cần phải vui lòng chịu khổ vì Ngài.

Đức Cha Cassaigne đang khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn nhân dịp kỷ niệm ngày thụ phong Linh Mục thì phát giác tại cổ tay có một vết đỏ hồng màu rượu chát. Sau Thánh Lễ, ngài lấy kim châm vào chỗ da đó không thấy đau, biết ngay là mình đã mắc bệnh. Đức Cha đã xin Tòa Thánh và được chuẩn nhận cho từ chức Giám Mục Sàigòn để trở về với đoàn chiên thân yêu, sống và chết với họ. Đức Cha nói với chị Nữ Tu và mấy bệnh nhân chăm sóc ngài: “Suốt 47 năm dài ( 1926 – 1973 ), cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này và đã dâng hiến cho tất cả các con. Giờ đây cha không còn tiếc gì về sự dâng hiến toàn thân ấy. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy. Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo” ( Sđd ).

Một người từ ở phương trời Tây xa lạ, đến đất nước, hơn nữa lại còn là một vùng đất đầy sương lam chướng khí, thương yêu cứu vớt những con người cùng khổ bệnh nạn chẳng những khi còn sống mà ngay cả khi về Trời vẫn còn muốn lo lắng cho họ, thật không có chứng cớ nào giá trị cho bằng cuộc sống chứng nhân, sống và chết cho Tình Yêu của Đức Kitô.

II. SỐNG ĐỜI TẬN HIẾN VÌ TÌNH YÊU

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống và trong mỗi cuộc đời đó chúng ta chỉ thực sự sống trong từng giây phút hiện tại: ở đây, lúc này. Đức Cha FX. Nguyễn Văn Thuận trong hoàn cảnh phải nói là quá ư bi đát đó, ngài đã phát giác cho mình một triết lý sống tuyệt vời: “Lúc tôi bị nhốt dưới khoang tàu Hải Phòng cùng với 1.500 anh em tù nhân bị ðýa ra Bắc, tôi đã thấy trên nét mặt của họ nỗi thất vọng, lòng căm thù. Tôi chia sẻ đau khổ của họ, nhưng tôi lại nghe tiếng: “Hãy chọn Chúa chứ không phải việc Chúa”. Tôi đã thưa: “Lạy Chúa, chính đây là Nhà Thờ Chính Tòa của con. Đây là Dân Chúa trao cho con phục vụ, con phải làm cho Chúa hiện diện giữa những người anh em chán nản cùng khổ này. Đây là Ý Chúa nên con phải chọn” ( Năm chiếc bánh và hai con cá ).

Nếu đã chọn Chúa thì Chúa ngay ở trong ta, trong những người anh em bạn tù đây chứ còn tìm ở đâu khác nữa ? Chính bởi vậy mà khoang tàu chật chội nóng bức hôi hám ấy đã trở thành Nhà Thờ Chính Tòa và các tù nhân kia đã trở thành những người anh em, đối tượng cần được phục vụ. Trong hoàn cảnh bình thường có lẽ cũng chẳng cần gì đến chứng nhân. Thế nhưng Đạo Chúa lại có mặt trong điều kiện bất bình thường, có nghĩa không được thế gian tiếp nhận, do đó không thể không cần đến chứng nhân.

Miền Bắc sau 1954 và toàn thể đất nước sau 1975 đã sống dưới chế độ vô thần, đó là hoàn cảnh bất bình thường. Trường hợp Đức Cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ ( 1922 – 1998 ) là một trong vô số có thể dẫn chứng về tình trạng bất bình thường ấy. Tại Thất Khê ngày 5.3.1960, cha Dụ được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Hiệu Tòa Boseta. Thế rồi ngày 26.11.1960, cùng với việc thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, Đức Cha Dụ được đặt lên làm Giám Mục Chính Tòa Lạng Sơn.

Dù vậy Đức Cha Dụ vẫn không được đi bất cứ đâu để được tấn phong Giám Mục, ngay cả trong dịp Đức Cha Hedde qua đời tại Lạng Sơn ngày 4.5.1960, Đức Cha cũng không ( được phép ) có mặt trong lễ tang. Được đặt lên hàng Giám Mục Chính Tòa Lạng Sơn nhưng không được ở đó mà phải về Thất Khê sống âm thầm trong suốt ba chục năm. Mãi tới năm 1979, tức sau 19 năm, khi quân Trung Quốc tràn qua biên giới, ngài cùng với một số Giáo Dân chạy nạn về Tòa Giám Mục Bắc Ninh mới được Đức Cha Phạm Đình Tụng kín đáo làm lễ tấn phong trong một Nhà Nguyện nhỏ và sau đó lại trở về Thất Khê “không có sự thay đổi gì” ( x. Chân dung Linh Mục Việt Nam ).

“Không có sự thay đổi gì” dù trước hay sau khi được tấn phong Giám Mục, đó phải chăng là điều bất bình thường dưới con mắt rất nhiều người, nhưng đối với Đức Cha Dụ thì lại rất đỗi bình thường. Tại sao ? Bởi vì ngài làm chứng nhân cho Chúa. Trong ba mươi năm sống tại Thất Khê, Đức Cha đã âm thầm làm bổn phận của một Linh Mục, vẫn dâng lễ hàng ngày, vẫn chuyên cần cầu nguyện và ngay cả khi đã được Nhà Nước công nhận chức Giám Mục rồi cũng vẫn chẳng được sang Roma dự Ad Limina. “Tôi ngồi đây 30 năm rồi, có được tự do đi đến đâu đâu. Hội Đồng Giám Mục thế giới đến nơi, dĩ nhiên tôi chả hy vọng chút nào được đi. Tôi thông công bằng lời cầu nguyện vậy” ( Sđd ).

Là Giám Mục Chính Tòa tuy không được đi đến đâu ngay cả trong Giáo Phận mình nhưng Đức Cha vẫn sống tích cực là một chứng nhân với ba lời khấn Phúc Âm: vâng lời, khó nghèo, khiết tịnh. Chính đời sống ấy đã là một yếu tố quan trọng gìn giữ đỡ nâng Giáo Hội chứ không phải là những hoạt động nổi trội bên ngoài. Bằng chứng rõ rệt nhất cho sự nâng đỡ ấy là sự hấp dẫn của ngài với con chiên bổn đạo.

“Ngày 11.2.1989, Đức Cha viết: “Năm nay tôi được lên dâng lễ Giáng Sinh mãi trên Cao Bằng. Lễ nửa đêm sau vài chục năm im lặng, không khí cảm động khác thường. Đứng trên bàn thờ, tôi phải im lặng đến hơn 15 phút vì họ chen chúc nhau đông quá, tưởng như Nhà Thờ sắp bể” ( Sđd ). Sau ngần ấy năm dài dằng dặc mà Giáo Dân vẫn tuốn đến với chủ chăn của mình mặc cho bao nhiêu là khó khăn cách trở, đó không phải là do tài trí sức lực của bất cứ con người nào nhưng là chính Chúa đã hoạt động nơi chứng nhân của Ngài.

Việc Chúa làm thể hiện qua những chứng nhân chúng ta còn thấy ở nơi cha già Khiết, một cộng sự của Đức Cha Dụ mặc dù hai ngài hầu như rất ít khi có dịp gặp nhau. Cha già Quỳnh ( 1903 – 2000 ) đã trải qua thời gian 33 năm làm thầy giảng, mãi cho đến năm 1979 chạy giặc Tàu về đến Bùi Chu mới được thụ phong nhưng vẫn là… Linh Mục chui, khi làm lễ ( có lẽ cũng… chui ) chỉ mặc áo alba và đeo giây stola. Trung thành với ơn kêu gọi, mặc dù trong suốt mấy chục năm chỉ là một thầy già, dẫu vậy đến khi chịu chức rồi còn bị Giáo Dân hạch sách: “Ai truyền chức cho ông ? Ông xuống để tôi lên làm lễ cho. Ngài không thanh minh, chỉ nói: “Việc tôi làm Linh Mục không thuộc quyền các ông. Là Linh Mục tôi phải dâng lễ thế thôi. Một số khác sỉ vả ngài rằng: “Không có trình độ mà cũng đòi làm Linh Mục, nhưng ngài vẫn im lặng. Lại có những xứ không đón tiếp nhưng ngài vẫn đến đó để làm mục vụ” ( Sđd ).

Đằng đẵng hơn ba mươi năm làm ông thầy già, đến khi chịu chức lại bị chính Giáo Dân của mình nhiếc móc khinh thường, không đón tiếp vẫn khẳng khái nói: “Việc tôi làm Linh Mục không thuộc quyền các ông”. Thật chí lý, việc tôi làm Linh Mục đây không thuộc quyền các ông mà là quyền Chúa. Chúa đã chọn cha già Quỳnh làm chứng nhân cho Ngài vì cha đã trung thành với ơn gọi đó dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chức vụ nào.

III.THÁNH THỂ VỚI CUỘC SỐNG CHỨNG NHÂN

Chúa đòi buộc các môn đệ phải là những chứng nhân và việc làm chứng ấy không phải điều gì khác mà là làm chứng về sự hiện diện của Ngài nơi Bí Tích Thánh Thể: “Ta là bánh của sự sống, ai đến cùng ta hẳn chẳng hề đói, ai tin Ta thì chẳng hề khát” ( Ga 6, 35 ). Chúa ngự thật trong Phép Mình Thánh, kẻ nào tin và đến với Bí Tích cực trọng ấy thì tâm linh sẽ không còn bị đói, bị khát, trái lại, sẽ được tràn đầy sức mạnh.

Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo ( 1909 – 2001 ) là một trong số những người sùng mộ Bí Tích Thánh Thể. Một Linh Mục được ở bên ngài nhiều năm kể lại: “Năm 1975 tôi được vào học hàm thụ tại Tòa Giám Mục. Nhà Chung lặng ngắt giữa thời khó khăn, chỉ có Đức Cha, cha chính xứ và tôi là người giúp việc. Đêm đầu tiên trằn trọc khó ngủ, đến nửa đêm về sáng lại ngủ quên, tới giờ lễ Đức Cha phải từ tầng hai xuống gọi dậy giúp lễ. Thái độ ôn tồn bao dung của Đức Cha khiến tôi quyết tâm từ đây tự điều chỉnh để dậy đúng giờ. Ngày thứ hai, nghe tiếng chân Đức Cha bước lên cầu thang tôi vội bật dậy lên theo. Đồng hồ Nhà Nguyện chỉ 2 giờ, tôi hơi bỡ ngỡ, thì ra ngày nào Đức Cha cũng lên Nhà Nguyện vào giờ đó. Tôi hiểu ra sức sống nội tâm của Đức Cha và hiểu được cái bí quyết làm cho Đức Cha vừa mềm dẻo lại luôn cương quyết giữa bối cảnh xã hội đầy biến động lúc đó” ( Sđd ).

Thánh Thể là lương thực thần linh nuôi sống chứng nhân nhưng ngược lại chính là nhờ ở nơi những chứng nhân đó mà Chúa Giêsu mới có thể hiện diện. Hãy giả thử như trong những năm tháng khó khăn, Đức Tin bị thử thách nặng nề như thế mà vắng bóng chứng nhân thì đời sống Giáo Hội sẽ ra sao ? Thực tế cho thấy Giáo Hội miền Bắc tuy nói là thầm lặng nhưng Chúa không bao giờ để nó phải đắm chìm, đó chẳng phải là nhờ ở nơi chứng nhân hay sao ?

Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo trong bức thư chung đầu tiên gửi toàn Giáo Phận ngày 25.1.1957 đã khiêm nhường xác tín: “Biết mình tài hèn sức yếu, tôi hết sức từ chối nhưng La Mã đã phán, tôi nhận là Thánh Ý Chúa cúi đầu vâng theo… Con thuyền này vẫn chở Chúa Giêsu và đoàn chiên yêu dấu của Chúa, cũng không khi nào Chúa để nó đắm chìm. Bất kỳ tay lái là ai, Gioan hay Phaolô ta cứ yên tâm vì có Chúa ở bên tay lái” ( Sđd ).

Chúa bên tay lái, ở đây ngài ám chỉ Chúa Giêsu Thánh Thể. Là chứng nhân thế nên các Linh Mục hơn ai hết biết được sức mạnh mình có được là bởi đâu. Chính điều ấy đã thúc đẩy các ngài càng gắn chặt với Bí Tich Thánh Thể hơn. Mặt khác, sức mạnh, lòng can đảm, nhiệt thành, sự khôn ngoan ấy có được không phải để dành cho bản thân Linh Mục nhưng là cho đoàn chiên.

Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp ( 1897 – 1946 ) cha sở họ đạo Tắc Sậy là một tấm gương can đảm. Trong tình hình hết sức nhiễu nhương của miền quê Nam Bộ trong thời đảo chính Nhật, dân Công Giáo bị thù ghét vì họ nghi kỵ là theo Tây. Cha Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu kêu gọi cha Bửu Diệp tạm thời lánh mặt, còn người Pháp đã ba lần đem xe tới rước nhưng ngài đều từ chối và khẳng khái trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên, nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên, tôi không đi đâu hết”. Ngày 12.3.1946, ngài bị quân Nhật bắt cùng với trên bảy mươi Giáo Dân tại họ Tắc Sậy, tất cả bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Cũng theo lời kể của ông Ba Lập thì họ chất rơm chung quanh tính đốt tất cả nhưng cha Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam, cha khuyên Giáo Dân ăn năn tội và giải tội cho họ. Cha bị mời đi làm việc ba lần và lần thứ ba thì không thấy về. Sau đó vài ngày, Giáo Dân đã tìm thấy xác ngài từ một cái ao của ông giáo Sự với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá” ( Sđd ).

Chết cái chết trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá, đây thật là cái chết vinh quang của một chứng nhân. Đối với thế gian thì cái chết của cha Bửu Diệp thật đáng sợ và cũng có phần nhục nhã. Thế nhưng ngày nay cũng vì cái chết đó mà cha đã được tôn kính trên bàn thờ với hàng vạn người đến cầu khấn hàng năm. Kể từ ngày 21.1.1997, Đức Giám Mục Cần Thơ đã chính thức thành lập Trung Tâm Truyền Giáo Phanxicô tại Tắc Sậy.

Trước những khổ đau vì giam cầm, bị sỉ nhục và cái chết ai mà chẳng sợ. Thế nhưng đối với chứng nhân thì tất cả có thể vượt qua được bởi vì họ đều được thúc đẩy bởi Tình Yêu của Đức Kitô. Tình yêu ấy là sự hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. “Ta là người chăn tốt, Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha vậy. Ta vì chiên Ta mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 10, 14 – 15 ). Chứng nhân là người chăn tốt và như Chúa nói người chăn tốt thì không bỏ mặc chiên. “Trái lại kẻ làm thuê thì chẳng phải người chăn và chiên không thuộc về nó, thấy muông sói đến thì bỏ đàn chiên chạy trốn, muông sói vồ xé chiên và làm cho nó tan tác” ( Ga 10, 12 ).

Người chăn thuê bỏ mặc chiên cho muông sói tha hồ vồ xé, còn mình thì chạy thoát thân bởi chiên đâu có phải tài sản của hắn ? Kẻ chăn thuê hãi sợ muông sói để mặc đàn chiên cho nó tưởng rằng sẽ giữ được mạng sống nhưng hãy nhớ lại lời Chúa: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại được” ( Mt 16, 25 ). Vì cớ Ta tức vì Chúa mà làm chứng nhân cho Ngài sẽ được. Trái lại sẽ mất và mất đây là mất linh hồn đời đời trong Hỏa Ngục.

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment