Người tội lỗi có thể nên thánh được không?

Một vị thánh đã được chính thức tuyên thánh, thì vị ấy có bao giờ phạm tội không? Có phải các vị ấy khi sinh ra, đã có sẵn một vầng hào quang trên đầu? Có phải các vị hoàn hảo về mọi đàng hết sức có thể? Theo quan điểm của nhiều Kitô hữu, các vị thánh xem chừng quá ư “thiêng liêng” hay là quá “hoàn hảo” nên không thể noi gương bắt chước được. Khi đọc tiểu sử một vị thánh, người ta rất dễ có cảm tưởng sai lầm rằng, nếu muốn trở thành thánh, bạn phải được sinh ra vô nhiễm nguyên tội giống như là Đức Trinh Nữ Maria vậy.

Thậm chí còn có một tương truyền thế này, có một vị thánh đã không chịu bú mẹ hồi còn bé, để giữ luật ăn chay ngày Thứ Sáu hàng tuần.

Có đúng là như vậy không? Có phải tất cả các vị thánh đều sinh ra vô tội và sống một đời hoàn hảo theo thánh ý Chúa?

Tạ ơn Chúa, không phải là như vậy. Hầu như tất cả các vị thánh cả nam cả nữ mà chúng ta tôn kính trong Giáo hội Công giáo đều đã từng là những tội nhân như bạn và tôi (cũng có ngoại lệ là Đức Mẹ và có lẽ cả thánh Gioan Tẩy Giả nữa).

Nếu các vị ấy đã từng là tội nhân, vậy tại sao các vị ấy lại được tuyên thánh?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem qua một chút các luật lệ đủ loại quy định ai sẽ được gọi là “thánh” trong Giáo hội Công giáo Rô-ma (những luật lệ, quy định này không áp dụng cho các Giáo hội Chính thông Đông phương, vì họ có quy định và tiến trình riêng).

Trước tiên, “Các giám mục giáo phận… và các vị có thẩm quyền tương đương… trong quyền tài phán của các vị ấy, hoặc là chính các vị hoặc là thể theo yêu cầu của các tín hữu, hoặc các các hội đoàn hợp pháp hay các người đại diện của các hội đoàn này, có quyền thẩm tra về cuộc đời, các nhân đức hay việc tử đạo, về danh thơm tiếng tốt… của Vị Tôi Tớ Chúa đang tiến hành thủ tục xin tuyên thánh” .

Về căn bản, giám mục địa phương (hoặc bề trên dòng tu) là người chịu trách nhiệm điều tra về cuộc đời của một người. Đây thực sự là một tiến trình, và không bao giờ bị xem nhẹ cả.

Công việc thường làm đầu tiên là tìm hiểu về các bút tích.

“Nếu Vị Tôi Tớ Chúa đã ấn hành bất kỳ tác phẩm, bài viết nào, thì vị giám mục có trách nhiệm kiểm tra xem chúng đã được kiểm duyệt về mặt thần học hay chưa”.

“Nếu các trước tác này không có gì đối nghịch lại với đức tin hay đạo đức phong hóa, thì sau đó, vị giám mục sẽ truyền cho những người có đủ khả năng thâu tập tất cả các trước tác chưa được xuất bản (thư từ, nhật ký,…) và tất cả các tài liệu khác, có liên quan. Sau khi đã trung tín hoàn thành nhiệm vụ được giao, những người này phải viết một bản báo cáo về những gì họ thẩm tra, điều nghiên được” .

Sau khi các trước tác, bài viết được điều nghiên, và sau khi xác nhận rằng, vị này không viết bất cứ điều gì đối nghịch lại với đức tin và đạo đức phong hóa, bước tiếp theo, nếu có thể, là bước thẩm vấn những người có quen biết Vị Tôi Tớ Chúa.

“Quả vậy, nếu e ngại có thể một số bằng chứng sẽ bị mất nếu không mau chóng phỏng vấn các nhân chứng, thì họ cần phải được thẩm vấn”. 

Một tiểu sử sẽ được viết ra dựa trên tiến trình này, và những người có liên hệ sẽ có những dòng mô tả về việc thực hành các nhân đức của vị này. Lưu ý: những người này không nhắm xem xét tới sự tinh ròng khỏi tội lỗi, cho bằng sự trổi vượt nhân đức.

Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích, “Thời nào cũng thế, Thiên Chúa chọn lựa những con người, những vị sống triệt để gương sống của Đức Kitô, làm chứng một cách mạnh mẽ, rõ ràng về Nước Chúa bằng việc đổ máu mình ra, hoặc là bằng việc thực hành các nhân đức một cách quả cảm, anh hùng”. 

Ở đây hiểu là những thực hành các nhân đức tin, cậy, và mến cũng như các nhân đức khôn ngoan, công bình, can đảm, và tiết độ… cũng như các nhân đức khác nữa.

Có dễ dàng sống một đời nhân đức không? Không. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho biết: “Muốn có được các đức tính luân lý này, con người phải cố gắng tập luyện… Ân sủng Thiên Chúa thanh luyện và nâng cao các đức tính mà con người có được nhờ giáo dục, nhờ các hành vi chủ ý và nhờ kiên trì tập luyện. Nhờ Thiên Chúa trợ giúp, các đức tính tôi luyện tính tình và giúp ta dễ dàng làm điều thiện” (SGLHTCG số 1.804, 1.810).

Cụm từ khóa, cụm từ mấu chốt trong khi bàn thảo về nhân đức của vị này chính là từ “anh hùng”, ám chỉ tới khả năng của vị này trong việc vượt qua những khuynh hướng hay những cám dỗ tội lỗi. Các vị không vô nhiễm khỏi tội lỗi và nhiều vị đã phải chiến đấu nhiều năm trường mới thắng được các đam mê tội lỗi của mình.

Các vị thánh không hoàn hảo. Các vị cũng phạm lỗi như bất kỳ ai khác. Các vị được gọi là thánh, và điều làm nên sự khác biệt nơi các vị hệ tại ở chỗ các vị đã không ở lì lại trên vũng tội của mình. Nhờ ơn Chúa giúp, những người nam nữ thánh này đã đứng dậy, tẩy sạch mọi nhơ uế và dấn bước tiến lên. Và đây chính là lý do chúng ta noi gương các vị ấy.

Như lời cổ nhân nói,“Không quan trọng bạn té ngã bao nhiêu lần, quan trọng là bao nhiêu lần bạn đã đứng dậy sau khi té ngã”.

Philip Kosloski – Đaminhvn

Chia sẻ Bài này:

Related posts