- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Nghiệp và Đạo Chúa

Tình trạng quan tham Trung Quốc bỏ trốn ra nước ngoài (Mỹ, Canada v.v..) trong những năm gần đây hơi bị nhiều. Điển hình có Vương Chấn Trung , cục phó cục Công an Tp Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) năm 2002 đã cùng với người tình là Hác Văn chạy sang Mỹ. Hắn ta bỏ ra một triệu USD mua một căn hộ cao cấp để hú hí, ngày ngày cùng nhau tới các sòng bạc, trà đình tửu quán thả giàn ăn chơi. Được ít lâu thì bị bọn mafia Trung Quốc mò tới đòi trả món thù xưa, đồng thời dọa cắt gân chân tay hai người nếu không đưa cho chúng một món tiền lớn. Sợ quá y phải giấu người tình một chỗ còn mình lủi thủi trốn chạy nay chỗ này mai chỗ khác như chuột. Dẫu vậy, sự gì phải đến sẽ đến, người tình phũ phàng bỏ hắn để sống với một đại thương gia Hoa kiều khác, còn y thì sống trong cô độc lại mắc ung thư gan. Đến lúc hấp hối y đã ghi lại một lời như để thú nhận tội lỗi : “Tất cả là quả báo.” (báo Pháp luật số 271 ra ngày 4-10-2008)

Lời của người trong phút lâm chung có lẽ là thành thật, dẫu vậy sự xác nhận ấy đã quá trễ, chẳng giúp ích gì cho y, gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đó. Cả đời gây tạo nhân ác thì kết quả làm sao có thể khác được ? Nhân quả là một định luật, mà đã là luật thì nó bao trùm xuyên suốt từ thiên nhiên vạn vật cho đến con người, không có chi mà không bị chi phối bởi nhân quả. Lửa làm cho nước sôi, lửa là nhân, nước sôi là quả. Tích gió thành bão, gió là nhân, bão là quả. Định luật nhân quả còn có tên khác là nghiệp báo, gọi chung là nghiệp quả. Tuy nhiên để được phân minh, cần phân biệt tính chất khác biệt của chúng. Định luật nhân quả có phạm vi bao quát cho cả vật giới lẫn tâm giới. Còn nghiệp báo chỉ dành cho nguyên nhân và kết quả của những hành vi thiện ác ở nơi con người. Đức Kitô sau khi nặng lời phê phán cái thói giả hình của người Pharisêu,  Ngài nói “ Không có cây tốt lại sinh trái xấu, cũng không có cây xấu lại sinh trái tốt, vì cứ xem quả thì biết cây, người ta không hái trái vả nơi lùm gai, cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện, kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác, vì do sự đầy rẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”Lc 6,43-45.

Thoạt đầu Chúa đưa ra một hình ảnh cụ thể để nói về lẽ nhân quả và tiếp theo là về tính chất sâu xa của nghiệp. Nhân nào quả đó, lòng chứa thiện ( Nhân ) thì phát ra điều thiện ( Quả). Lòng chứa ác  thì phát ra điều ác. Cái sự “chứa” ở đây đó chính là NGHIỆP, nghiệp chữ Hán được dịch từ tiếng Phạn là Karma nghĩa của nó là những hành vi của con người được lặp đi lặp lại nhiều lần thành tập quán, thói quen. Nếu nghiệp là hành vi được tạo nên bởi thói quen thì mỗi người đều là chủ nhân của nghiệp và tất nhiên phải chiụ trách nhiệm về những hành vi ấy chứ chẳng phải ai khác. Mặc dù nghiệp là cái do chính ta tự tạo, nhưng một khi đã thành thói quen (tập nhiễm ) chính nó lại quay lại làm chủ chứ không phải người đã tạo ra chúng. Trước đây tôi không hút thuốc, không uống rượu nhưng theo bạn bè rủ rê lôi kéo riết rồi thành nghiện, có muốn bỏ nó cũng chẳng thể được nữa. Như thế có phải là rượu là thuốc  đã làm chủ  còn mình thì làm nô lệ cho chúng rồi không ?

Không làm chủ được mình lại để cho nghiệp dẫn dắt đó là điều tai hại vô kể. Vì chưng không những nó chỉ khiến cho mình bị dằn vặt điêu đứng vì thuốc vì rượu mà nó còn dẫn dắt  mình vào con đường ác dữ để rồi lãnh quả báo trong địa ngục muôn kiếp. Hậu quả của nghiệp xấu ác thật rất đáng sợ thế nhưng con người rất khó để mà làm chủ được nghiệp, lý do là vì không ai là không bị trói buộc bởi tội nguyên tổ là tội bất phục Thiên Chúa. Tội này khiến con người bị đảo điên không phân biệt được đâu là thật , đâu là giả, đâu là lành đâu là dữ. Một khi đã sống trong tình trạng đảo điên, điên đảo như thế thì cái việc để cho Nghiệp (hành vi thói quen) dẫn dắt là điều không thể tránh. Tôn giáo hoàn toàn không phải triết hay thần học, thần học hiểu như là một thứ khoa học giải nghĩa về Thiên Chúa. Còn tôn giáo đích thực thì không lý luận giải nghĩa TC là vầy là khác nhưng để đem con người đến với Ngài, nhận biết và yêu mến Ngài. Con đường yêu mến ấy chính là con đường sống mà TC muốn cho con người bước đi trên đó “Ngày nay  Ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng Ta đã đặt trước mặt các ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả . Vậy hãy chọn sự sống hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi  được sống, thương mến Giavê ĐCT ngươi, vâng theo tiếng phán của Ngài, trìu mến Ngài vì Ngài là sự sống của ngươi và làm cho ngươi được sống lâu dài ở trên Đất mà Đức Giavê đã thề hứa ban cho tổ phụ các ngươi là Abraham, Isaac và Giacop (ĐNL 30, 19-20.)

Thiên Chúa đặt con người trước hai sự lựa chọn, một là theo đường thiện lành để được sống và hai là theo đường ác dữ sẽ bị diệt vong. Dẫu vậy do bởi bản chất vô minh che lấp con người không thể tự chọn lấy đường đi lối bước cho mình. Tôn giáo cũng gọi là đạo tức con đường thiện lành mà con người cần thực hiện để được sống. Hiểu như vậy thì đi trên đường Đạo không phải là việc chi khác mà đó chính là tạo lấy cho mình một  cái nghiệp lành hầu hưởng quả lành.

I. Tính chất của nghiệp

Nghiệp như đã biết đó là những hành vi được lập đi lập lại thành thói quen. Tuy nhiên hành vi chỉ là biểu hiện bên ngoài của cái bên trong tức tư tưởng. Nói một cách khác tư tưởng tuy vô hình nhưng chính nó mới là cái điều khiển tất cả hành vi, lời nói của ta, có ý nghĩ đi mới đi, có ý ăn mới ăn. Mặc dầu tư tưởng là cái quyết định như thế nhưng thường thì người  ta chỉ biết đánh giá theo hình thức bên ngoài.  Đức Kitô có lần đã nặng lời phê phán thói đạo đức giả của người Pharisêu: “ Há các ngươi chẳng nhận biết vật gì từ ngoài vào trong người không thể làm ô uế người được. Vì nó không vào lòng (Tâm) ngươi nhưng xuống bụng rồi ra nơi tiêu. Vậy mọi đồ ăn đều sạch, rồi Ngài lại phán =Hễ điều gì từ trong ra ấy mới làm ô uế người, vì từ trong tức là từ lòng ngươi mà ra những ác tưởng gian dâm, trộm cắp tham lam ác độc”( Mc 7, 17-23 )

Từ trong lòng tức là từ trong tư tưởng mà phát ra hành vi bên ngoài, tư tưởng ác thì hành động ác, tư tưởng lành thì hành động lành. Dẫu vậy tư tưởng thuộc lãnh vực vô hình, ngoài những bậc có tha tâm thông không một ai có thể biết được hành trạng tư tưởng của mình cũng như của người. Vì u mê không biết được sự sinh khởi , phát triển của tư tưởng thế nên con người cứ mặc sức tạo cho mình những hậu quả tai hại mà không biết. Một người nuôi dưỡng tư tưởng tham lam, thấy tài sản của người cứ tối mắt lại thì ắt thế nào cũng có ngày trở thành tên trộm cắp cướp giật, cuối cùng là nhà tù, là án tử hình “Tư dục đã hoài thai thì sinh ra tội lỗi, tội lỗi đã lớn lên thì sản xuất sự chết” (Gc 1,15)

Nghiệp được tạo không phải chỉ trong một chốc một lát nhưng đó là một quá trình lập đi lập lại với sự cố ý (tác ý). Do nơi sự cố ý đó mà nghiệp mới có thể được tạo, bởi vậy con người không thể thoái thác trách nhiệm về những hành vi của mình. Tòa án thế gian khi xét xử bao giờ cũng phải xét tới cái động cơ phạm tội, ngộ sát không thể nặng tội bằng tội cố sát. Một người bị bệnh tâm thần không thể bị xét xử như người bình thường v.v…Người thế gian còn có thể lầm khi xét xử vì không thể thấy được động cơ của người phạm tội, trái lại Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can, không một ý nghĩ dù nhỏ nhiệm đến đâu mà Ngài lại không biết, bởi thế cho nên việc phán xét của Ngài là tuyệt đối công minh. Nếu nghiệp được tạo từ trong tư tưởng thì muốn giải được nghiệp cũng phải từ trong tư tưởng. Tôn giáo có mặt trên cõi đời này dù với nhiếu hình thái khác nhau nhưng tất cả đều phải nhắm đến mục đích làm sao để khai mở tâm linh cho con người. Bao lâu còn hướng tới mục đích ấy thì tôn giáo còn có lý do tồn tại. Ngược lại thì ắt không thể rơi vào khủng hoảng để rồi kéo theo cả nhân loại đi vào con đường diệt vong “Nếu không có sự hoán cải nội tâm phần lớn nhân loại có nguy cơ tiến từ kinh nghiệm bị bóc lột tới loại trừ, từ loại trừ tới hủy diệt” (ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận)

II. Hoán cải tức chuyển nghiệp

“ Hoán cải nội tâm”, nói cách dễ hiểu đó là chuyển cái tâm bất thiện thành ra tâm thiện. Tuy nhiên vấn đề quan trọng ở chỗ cần phải xác định thế nào là tâm thiện, tâm bất thiện? Trong tính chất sâu xa của nó, tâm bất thiện là cái tâm còn thấy (kiến chấp) có một “cái ta” (tôi mình, ngã) tự thể bất biến. Đó là sự si mê muôn thuở của con người. Bởi  thấy có Ta nên mới tham lam đủ thứ, tham của , tham sắc tham danh, tham quyền.v.v…Tham nếu được thì càng thêm tham, nhưng nếu không được thì lại đố kỵ, giận hờn ghen ghét… Si, tham, sân đó chính là ba con rắn độc nhưng con người bởi mê nên đã sống chung với nó mà không biết. Tính chất thâm độc của rắn Satan “ đứa lừa dối cả và thiên hạ” Kh 12, 9. ở chỗ nó xúi giục nguyên tổ “Hai người cứ ăn đi, chẳng chết chóc gì đâu, nhưng ĐCT biết rằng hễ hai người ăn trái cây đó mắt mình sẽ mở ra như ĐCT biết điều thiện, điều ác” Kn 3, 4-5. Qủa đúng như lời rắn, hai người vừa ăn xong trái cấm mắt liền mở ra nhưng đây không phải là con mắt tâm linh mà là mắt xác thịt. Mắt này mở ra để thấy mình lõa lồ thấy có nam có nữ, có ta có người có vật có giàu có nghèo, sang hèn thị phi v.v… Thấy có “ta”, đó là vô minh nguyên thủy. Bao lâu còn thấy có ta thì còn vô minh, chỉ khi nào không còn thấy có ta nữa  thì mới thật hết vô minh. Theo Chúa là để hết vô minh, chính bởi vậy nên Chúa mới dạy “Ai muốn theo Ta thì  phải bỏ mình đi, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” Mt 16, 24.

Trong thời tục hóa cao độ này người ta hầu như không còn nhận ra giá trị của thập giá. Tượng chịu nạn nhiều nơi đã được thay bằng tượng Phục sinh, lại còn tùy tiện thêm chặng thứ mười lăm (sống lại) vào mười bốn nơi thương khó v.v.. Đường Thánh giá là đường khổ đau, ai mà chẳng biết nhưng nên nhớ vác Thánh giá không chỉ vì thập giá, chịu khổ đau mà chỉ vì khổ đau thôi thì đó là sadisme. Chúa dạy vác thập giá là để bỏ mình. Thập giá và bỏ mình luôn phải gắn chặt với nhau, dù có chịu muôn vàn khổ đau mà không có sự  hoán cải nội tâm tức bỏ mình thì khổ đau ấy chẳng ích lợi gì cả. Chính Chúa Giêsu cũng đâu có muốn vác thập giá, nơi Vườn Cây Dầu Ngài than thở “Xin cho con khỏi uống chén đắng này”, nhưng rồi ngay tức thì lại cầu xin đừng theo ý con mà theo Ý Cha ( Mt 26, 39.)  Hiểu như vậy thì cứu cánh của Đạo Chúa không phải là thập giá là khổ đau nhưng là vâng theo Thánh ý Chúa chứ không  theo ý riêng mình trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Đó mới là  hoán cải nội tâm thật sự, khi cầu nguyện thì đừng như bọn giả hình muốn cho người khác khen mà phải vào phòng kín đóng cửa lại mà cầu. Đóng kín cửa ở đây tức là đóng các cửa giác quan lại (thu thúc lục căn) không cho tâm ý mặc tình rong ruổi chỗ này chỗ khác. Khi làm phúc bố thí cũng vậy, đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm (Mt 6 1,7) Khi yêu thì không chỉ yêu kẻ yêu mình mà phải yêu cả kẻ thù nghịch cùng mình (Mt 5, 43) Nếu thực hành Lời Chúa được như vậy thì không nghiệp dữ nào lại không chuyển thành nghiệp lành.

III. Ai tạo nghiệp ?

Khi bàn về vấn đề nhân quả nghiệp báo luôn có những câu hỏi được đặt ra và cũng không dễ để trả lời. Nói rằng nghiệp được  tạo ra là có chủ ý, vậy thử hỏi có hay không có người tạo nghiệp? Nếu chấp nhận có người tạo nghiệp thì trái với lý vô ngã. Ngược lại nói không có người tạo nghiệp thì trách nhiệm của mỗi cá nhân không thể đặt ra và như thế thì tội hay phúc cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Bao lâu con người còn sống trong vòng đối đãi nhị nguyên phân biệt, thấy có ta, có người có vật thì không thể nào có thể thoát  khỏi được sự lầm chấp rằng có một cái “ta” ẩn đằng sau tất cả mọi hành vi tư tưởng mình. Nói một cách khác, chấp có “ta” tức có nghĩa cho mình là sở hữu chủ của mọi tư tưởng lời nói hành vi rằng tôi suy nghĩ, tôi nói, tôi đi đứng … Chấp có Ta là một cái chấp có tính câu sinh (câu sinh ngã chấp) tức là từ khi sinh ra cho tới lúc chết, tất cả phàm phu chúng ta ai cũng đều sống với những tập tục cố hữu và tin tưởng một cách chắc chắn rằng ta thì khác với người, khác với cảnh vật thiên nhiên…. Cái Ta luôn là một thứ trung tâm điểm, là cái rốn của vũ trụ. Bao giờ cũng có một cái tôi ẩn đằng sau những hành vi cũng như các nỗi vui, buồn thương nhớ v.v…Với những hành vi hữu hình bên ngoài thì có vẻ như là chính tôi chứ không phải một ai khác quyết định như vậy. Tôi quyết định xem TV chứ không đọc sách, tôi đi đến nhà thờ chứ không đến quán nhậu… Nhưng với cái phần vô hình tức tư tưởng vi tế  bên trong thì khác, không thể nào bảo rằng tôi quyết định sẽ không suy tư về vấn đề này chứ không về vấn đề khác, hoặc tôi quyết định không chia lòng chia trí khi đọc kinh lần hạt… Tóm lại tôi không làm chủ được tư tưởng, như thế cũng có nghĩa không thể nói tư tưởng là của tôi giống như cái nhà của tôi được. Ta không thể làm chủ được tư tưởng, nếu làm chủ được tư tưởng mình thì tại sao trong khi buồn bã ta lại không quyết định thôi không buồn nữa? Vui hay buồn, sướng hay khổ, thánh thiện hay tội lỗi v.v… những điều này thuộc lãnh vực tâm linh và con người không một ai có thể chủ động. Thánh Phaolô đã đề cập vấn đề này một cách rất rõ “Lòng muốn thì ở nơi tôi nhưng quyền lực làm điều thiện thì lại không có, cho nên điều thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại làm. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn thì chẳng phải là tôi mà là tội lỗi ở trong tôi” Rm 7, 18-20.

Qua đây ta thấy có hai cái tôi, một thật một giả.Cái tôi thật thì muốn làm điều thiện nhưng không làm được bởi đã bị cái tôi giả nó cản trở níu kéo. Nghe chuông nhà thờ đánh, muốn dậy để đi lễ  nhưng bị cái xác thịt nặng nề ngăn cản nó đòi ngủ nướng cho đã con mắt. Xác thịt đó chính là “cái tôi” giả. Hay nói đúng hơn nó chỉ giả có, có đấy mà liền mất đấy “sự sống của anh em là chi, chẳng qua như một chút hơi nước có đấy mà liền mất đấy” Gc 4,14. Nghe theo sự cám dỗ lôi cuốn của cái tôi giả tất sẽ tạo cho mình nghiệp bất thiện, nghiệp một khi đã được tạo, bị nó cuốn lôi thì rất khó để mà cưỡng chống. Cuộc chiến giữa cái tôi thật (chân ngã) và cái tôi giả (phàm ngã) là một cuộc chiến cam go trường kỳ. Để có thể dành được phần thắng trong cuộc chiến ấy thì duy chỉ có một con đường đó là bỏ mình theo Đức Kitô “Ôi tôi là kẻ khốn nạn dường nào ? Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này? Cảm tạ ĐCT chỉ nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” ( Rm 7, 24-25. )

IV. Nghiệp và giải thoát

Ai cũng biết Thánh Phaolo trước biến cố Damat  là một người rất nhiệt thành trong việc bắt bớ hòng tiêu diệt Đạo Thánh Chúa (Cv 8, 1-3) Thế nhưng qua lời tuyên xưng chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới là Đấng có thể cứu thoát mình, đã cho chúng ta một bằng chứng chân thực và rất mực đáng tin về tính giải thoát trong Kitô giáo. Tuy nhiên ta cần phải xác định về tính giải thoát ấy, nếu không sẽ chẳng bao giờ có thể  giải quyết được cái nạn tục hóa mà nguyên nhân gây ra cho nó chính là Thần học giải phóng. Khi Đức Kitô nói “Nếu các ngươi cứ ở trong Đạo Ta thì thật là môn đệ Ta , các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi”  (Ga 8, 31-32.)   Vậy sự thật ấy là gì? Giải thoát đương nhiên là giải thoát khỏi khổ, không có khổ thì ai cầu giải thoát làm gì? Dẫu vậy con người thường sống trong khổ lại chẳng biết đó là khổ nên cứ mãi sống trong khổ. Muốn chữa khỏi bệnh thì phải biết nguyên nhân gây bệnh. Cũng vậy muốn hết khổ thì không thể không biết đến nguyên nhân gây ra khổ. Nguyên nhân ấy Lão Tử nói là do có thân “ Ta có cái khổ lớn vì ta có thân, nhược bằng nếu không có thân thì đâu có khổ (Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân, cập ngô vô thân ngô hữu hà hoạn). Chữ thân ở đây cần phải  hiểu theo cái nghĩa sâu xa bao gồm cả thân lẫn tâm. Thân với Tâm luôn gắn chặt với nhau như bóng với hình. Tâm (tâm linh) tuy phi vật chất nhưng nó lại là cái quyết định và làm nên Thân (thân xác) vật chất hữu hính. Cái quyết định và làm nên Thân ấy chính là Nghiệp. Thân xác thuần túy chỉ là vật chất vô tri bởi đó mà không thể làm thiện hay làm ác cũng như lãnh nhận hạnh phúc hay khổ đau. Tạo thiện tạo ác, phúc hay họa tất cả đều ở nơi Tâm. Chính bởi vậy nên có những trường hợp thân bị cột trói đánh đập nhưng Tâm không hề có khổ, Phaolo và Sila sau khi bị đánh bầm dập, bị bỏ đói giam nhốt trong lao ngục nhưng hai ngài vẫn vang lời cầu nguyện  tạ ơn TC (Cv 16, 23-24)

Khổ hay vui, tất cả đều do Tâm nhưng người đời bởi mê không biết nên đã lầm chấp xác thân này là mình. Một khi đã cho xác thân này là mình thì không thể không bị cái khổ buộc ràng, lý do là vì hễ đã có thân thì tất nhiên phải chịu sự tác động của ngoại cảnh như là nóng lạnh, bệnh tật đói khát chết chóc đủ thứ…. Mặt khác chấp thân là mình thì phải lo lắng tạo mọi điều kiện cho thân được sung sướng thoải mái chẳng những cho mình mà còn muốn cho cả cháu con đòi này đời kia nữa…. Chấp xác thân là sai lầm căn bản của mọi sai lầm bởi cũng chính do đó mà con người đã tạo cho mình cái nghiệp xấu ác. Nghiệp nhân đã xấu thì quả sao có thể khác đi được ? “Chớ hề dối mình, ĐCT không chịu khinh nhạo đâu, vì ai gieo giống chi thì  gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát. Song kẻ gieo cho Thánh linh thì gặt sự sống đời đời. Chớ mỏi mệt làm lành vì nếu chúng ta không sờn lòng thì đến kỳ chắc chắn sẽ gặt…(Gal 6, 7-9). Gieo nhân nào sẽ gặt quả đó, có gieo Thánh linh thì mới gặt được Thánh linh tức hưởng phúc thanh nhàn đời đời. Thế nhưng gieo Thánh linh là việc rất chi là khó vì phải dám bỏ mình đi mà bỏ mình  thì cũng giống như cái việc trèo nước ngược (ngược dòng mê lưu) Thế gian hầu như tất  cả đều sống thuận theo dòng đời tức sống trong mê muội cố chấp (thuận dòng mê lưu) do đó cũng chẳng lạ gì cái việc thiên hạ ở đâu, thời nào cũng ghét và muốn tru diệt đạo Thánh Chúa “Ví bằng thế gian ghét bỏ các ngươi thì hãy biết rằng họ đã ghét bỏ Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc hẳn  là sẽ yêu mến kẻ thuộc về mình .Nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian  song TA đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi( Ga 15, 18-19).

Sống thuận theo thế gian thì cơ hồ họ sẽ để yên, thế nhưng cái sự yên đó chỉ là giả tạo và rồi sẽ không thể thoát hậu quả của nó. Còn sống ngược với thế gian sẽ bị người đời ghét  đấy nhưng lại được Chúa thương yêu. Có được thế gian yêu vì nể trọng cũng chẳng nên lấy gì làm quý bởi chưng nó thật sự chẳng có chút giá trị gì, chỉ là bèo bọt thôi . Được Chúa yêu mới thực là quý, bởi phần thưởng của nó là đời đời. Tuy nhiên để có được lòng Chúa yêu thì cần phải sống ngược dòng tức chiến đấu với ba thu thế gian ma quỷ, xác thịt.

V. Đức Maria và cuộc chiến

Có một cuộc chiến đã được tiên báo từ trước  muôn đời giữa Đức Maria và quỷ Satan. Giavê Thiên Chúa phán cùng con rắn “Ta sẽ làm cho mày cùng người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì rình cắn gót chân Người ( St 3,15) Thánh kinh ghi lại nhiều lời hứa của Thiên Chúa, chẳng hạn hứa ban cho Abraham làm tổ phụ một Dân gọi là Dân riêng. Cùng với lời hứa ấy còn có lời hứa ban đất gọi là giao ước ban  Đất Hứa. Ngoài hai lời hứa được ban trực tiếp cho con người này còn có một lời hứa khác đó là lời hứa ban Đấng Cứu Thế. Sở dĩ nói gián tiếp bởi hai lẽ, một là Thiên Chúa không ban nó trực tiếp cho con người và hai là trong lời hứa ấy không nói gì đến Đấng Cứu Thế. Không nói đến vậy tại sao lại cho rằng đó là giao ước hứa ban Đấng Cứu Thế? Lý do bởi vì theo như hoạch định của Thiên Chúa = Đấng Cứu Thế  chỉ có thể sinh xuống cõi đời bởi tiếng Xin Vâng của Đức Maria. Phần khác cùng với tiếng Xin Vâng này mà một cuộc chiến giữa dòng dõi Satan tất phải xảy ra. Chúng ta chỉ có thể  hiểu đúng về bản chất cuộc chiến ấy khi phân tích trình thuật Khởi Nguyên bằng biểu tượng= Người Nữ tức là Đức Maria, rắn Satan  tức là các thế lực chống lại Thánh ý Thiên Chúa. Trái cấm tức là sự phân biệt. Có hiểu như thế thì ta mới nhận ra rằng cuộc chiến giữa Đức Maria và rắn già Satan trong thực chất chỉ là cuộc chiến diễn ra ở nơi nội tâm con người.

Với Mẹ trong Mẹ và bởi Mẹ Ngài đã phát sinh ra cái kiệt tác là một Thiên Chúa làm người và ngài sẽ còn sinh ra mọi ngày cho đến tận thế các kẻ tiền định  và là chi thể của Thân vị thủ lãnh đáng tôn thờ đó( Thánh Grignon Maria de Monfot- Trích Mẹ trong đời tôi của Mv Bernadot O.P )

Mẹ còn sinh trong ta Đức Kitô mọi ngày cho đến tận thế và để cho cuộc sinh này có thể thành tựu, Đức Maria cần phải chiến đấu với Satan và dòng dõi của  nó trong từng phút giây. Khi ta cầu nguyện thì đó chính là Mẹ cầu ở trong ta, khi ta với lòng trong sạch lên rước Mình Máu Thánh đó chính là Mẹ thực hiện một lần nữa sự kết hợp với Giêsu con yêu dấu của ngài, khi ta thực hành các việc lành phúc đức thì đó chính là Mẹ trong ta làm. Mặt khác những khi ta bị cám dỗ cách này cách khác hoặc sa ngã lỗi phạm thì Mẹ luôn ở đó vừa như một Mẹ hiền nâng giấc ủi an đứa con thơ dại lại vừa như một dũng tướng oai hùng vì ngài cũng chính là Người Nữ đạp giập đầu rắn.

VI. Cận tử nghiệp

Có khi bằng dụ ngôn, có khi bằng lời nhắc nhở, Đức Kitô đã không ít lần nói đến sự tỉnh thức . Trong dụ ngôn “ Mười cô trinh nữ” Chúa đã dùng hình ảnh rất sống động  để phân tích thế nào là khôn thế nào là dại rồi kết luận “ Vậy hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết ngày cũng không biết giờ” (Mt 25, 13). Ngày giờ không ai biết ấy chính là cái chết của mỗi người. Sự chết luôn là một bí ẩn và đó cũng là một trong ba vấn đề lớn của triết học= Con người bởi đâu sinh ra (nhân sinh hà tại) sống trên đời này để làm gì (tại thế hà như ) và chết rồi đi đâu( hậu thế như hà ). Có một thi sĩ người Ba Tư đã nói giở đùa giở thật rằng triết lý là bản thảo lúc đem đi in đã để lạc đâu mất trang đầu và trang cuối. Điều ấy có nghĩa là triết học đã thất bại không giải quyết được vấn đề sống chết của con người. Một khi việc sống chết đã không thể giải quyết được thì cũng chẳng thể biết con người ta sống trên đời này để làm gì. Lý do thất bại của triết học đó là đã lấy khái niệm để thay cho thực tại. Cái gọi là “con người nói chung” của triết học thuần túy đó chỉ là một khái niệm, một thứ ngôn từ rỗng tuếch. Suy niệm về sự chết, trước hết đó chỉ có thể là hành vi của  mỗi một cá nhân đồng thời nó cũng là khởi điểm làm nên tôn giáo. Đức Kitô nói với chị Mattha “Con lo lắng bối rối về nhiều điều quá, nhưng chỉ có một điều cần yếu mà thôi” Lc 10, 41-42.

Điều cần yếu phải lo ấy chính là lo phần rỗi linh hồn mình trong giờ sau hết cũng là giờ phán xét riêng của mỗi người. Giờ phán xét ấy thật đáng kinh sợ, Thánh nữ Madalena de Pazzy bị ốm liệt giường bèn nghĩ đến giờ phán xét mà run rẩy cả người đến nỗi đã phải thốt lên “Lạy Chúa phải đến trước tòa phán xét của Chúa là điều sợ hãi biết bao, kinh khủng dường nào”( Thánh Alphongsô – Đường rỗi linh hồn ) Với một bậc Thánh còn vậy huống hồ chúng ta tại sao không lo đến cái giờ kinh khủng ấy? Tuy nhiên vào thời tục hóa này khi mà niềm tin Thiên Đàng đã và đang bị xói mòn đến tận gốc rễ thì nên chăng cần có một cách giải thích khác mang tính triết lý về Tòa phán xét.

Tòa phán xét Chúa, đó chính là  “cận tử nghiệp.” Con người bởi nghiệp mà sinh ra, theo nghiệp mà sống ở đời và cuối cùng Nghiệp sẽ dẫn  đến  cái nơi  mà nó phải đến là tòa phán xét để được luận công định tội “ Ta sẽ tùy công việc mỗi người mà báo ứng” ( Kh 2, 23). Không phải một thế lực ngoại lai  nào phán xét về những tư tưởng lời nói việc làm của mỗi người mà đó chính là sự báo ứng của nghiệp và điều ấy mới thực sự là chí công vô tư. Các đấng Thánh mặc dù khi sống mặc dù rất đẹp lòng Chúa nhưng trước tòa phán xét vẫn không tránh khỏi run sợ nhưng sự run sợ ấy hoàn toàn khác với sự khiếp hãi của những kẻ cố tình đi trên đường tội. Các Thánh sợ vì thấy mình bất xứng trước Tôn Nhan Thiên Chúa, chính điều này đã lôi kéo được lòng xót thương nơi Đại Nguyện Cứu Độ của Đức Kitô. Còn với những kẻ tội đồ thì sự kinh hoàng ấy thuần túy chỉ là sự báo ứng của nghiệp. Nghiệp và sự báo ứng của nghiệp không bao giò sai chạy dù chỉ một hào ly, thế nhưng Nghiệp không phải bất  di bất dịch (định mệnh) mà luôn là cái trở thành. Nói cách khác, bằng hành động, chúng ta có thể góp phần vào sự luôn trở thành của nghiệp. Một tên trộm cắp cướp giật bị bắt vào tù nhưng nếu biết thực tâm ăn năn hối cải cũng có thể trở thành  một người hiền lương mẫu mực. Thậm chí  ngay cả  trong phút lâm chung hấp hối mà có được một niệm tâm hướng về Chúa cũng sẽ được cứu, trường hợp kẻ trộm lành mà kinh Thánh ghi lại là một dẫn chứng đầy sức thuyết phục của lòng cậy trông (Lc 23, 29-43). Tôn giáo trong tính chất cứu độ của mình chính là để giúp cho con người biến cải từ nghiệp dữ sang nghiệp lành bằng vô số phương tiện khác nhau. Đạo Thánh Chúa có mười điều răn ĐCT và sáu luật điều Hội Thánh đó là những phương linh nghiệm giúp ta cải nghiệp một cách hữu hiệu. Dù nhiều nhưng như mọi người đều biết toàn bộ giới răn chỉ tóm trong hai điều đó là “ Mến Chúa yêu người” Mt 22,4o. Thật phúc đức cho  những ai hết lòng thực thi hai giới răn ấy vì họ sẽ thuộc về những kẻ đứng bên hữu Chúa để được nghe những lời vô cùng êm ái “Hỡi những kẻ được phước của Cha Ta, hãy đến mà thừa thọ Nước đã sắm sẵn cho ngươi từ buổi sáng thế” Mt 25, 34. Trái lại với những kẻ cố tình khinh khi giới răn của Chúa mải mê ngụp lặn trong tội là những kẻ phải đứng bên tả để nghe những lời cay đắng này “ Ớ kẻ bị nguyền rủa, hãy lìa khỏi Ta mà vào lửa đời đời là nơi đã sắm sẵn cho ma quỷ cùng với quyến thuộc của nó.” (Mt 25, 41)

Ở bên tả hay bên hữu Chúa, ngay hôm nay từ giây phút này mỗi người cần phải quyết định lấy cho mình bởi vì “ Đêm sắp tàn, ngày hầu đến.” (Rm 13, 12)

 Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]