Năm Giáp Ngọ: Nghĩ về cú ngã ngựa lịch sử

Năm Quý Tỵ đã qua, Năm Giáp Ngọ đang đến. Con Rắn bò chậm chạp. Con Ngựa phi nước kiệu.

Thánh Vịnh 147 viết : “Vó ngựa phi Chúa không ưa chuộng, chẳng thích gì chân kẻ chạy nhanh. Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật” (câu 10-11).

Lời Kinh Thánh muốn dạy rằng: con ngựa dùng trong giao tranh thì Chúa không thích, người cậy vào sức mình thì Chúa không ưa. Chúa yêu thích những ai biết khiêm nhường trông cậy nơi Ngài.

Thánh Phaolô, Tông Đồ dân ngoại là một chứng nhân sống động của Lời Thánh Vịnh 147.

Saolô kiêu căng đã “ngã ngựa” trên đường Đamat rồi trở thành Phaolô khiêm tốn tín thác vào Thiên Chúa trong hành trình truyền giáo và trở nên cột trụ Giáo Hội.

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hy lạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Ngã ngựa là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời thánh nhân ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa.

1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời

– Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi “tại sao?” đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là “Phaolô” đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

– Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”.

– Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.

– Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

– Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi”.

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, TGP Sàigòn, tháng 01. 2008).

2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai

Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì “Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sông chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô…” ( Pl 3, 7-9). Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: “vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gal 3, 27-28). Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” ( Cl 3, 11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9, 3-18; 2Cr 11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những “… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2Cor 11, 23-27). Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng:” anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài“. Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai… (2 Tim 1, 8-12). Vì Đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (2Tim 2, 9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2Cor 12, 9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy “chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2Cor 4, 8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài ” tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”(Gal 2, 20).

3. Những cú “ngã ngựa” trong đời tín hữu

Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo…. Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (x. 2 Tm 4, 6-8; Rm 8, 18-19. 32. 33. 38. 39).

Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú “ngã ngựa”. Có những cú “ngã ngựa” trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú “ngã ngựa” trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe…

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam – Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. “Tội hồng phúc” là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

Và cú “ngã ngựa” của Thánh Phaolô là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.

Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.

4. Năm Giáp Ngọ với nhiều hy vọng

Con Rắn nham hiểm đã từng cám dỗ Evà bất tuân lệnh Thiên Chúa (x.St 3,4) và còn rình cắn gót chân người đàn bà (x.St 3,15). Nhưng chính dòng giống người nữ đã đạp nát đầu con rắn.Một người trong dòng giống người nữ, đó là Đấng Cứu Thế (Gl 4,4). Người nữ ấy chính là Đức Maria (Lc 1,30-33). Trong sách Khải huyền, Thánh Gioan viết: “Tôi lại thấy Con Thú và vua chúa trên mặt đất, cùng với các đạo quân của chúng, tụ tập lại để giao chiến với Đấng cỡi ngựa và đạo quân của Người” (Kh 19, 19). Sự can thiệp của Đức Kitô (x. Kh 19,11-21; 20, 1-10), với lối văn đặc biệt trang trọng, tác giả giới thiệu nhân vật chính, đó là Đức Kitô – Con Chiên, bằng nhiều cách: lời của Người, bằng hoạt động mục tử như cách diễn tả sức mạnh của Thiên Chúa; Người chế ngự các lực lượng thù nghịch là các vua chúa trần gian rồi con quái vật, tên ngôn sứ của nó; còn lại con mãng xà, nó sẽ bị đánh bại trong giai đoạn thứ hai của cuộc chiến vĩ đại (x. Tìm hiểu sách Khải Huyền, trang 245-284, Lm FX Vũ Phan Long, ofm).

Năm 2014 cầm tinh Con Ngựa đang chạy đến gần.

Ngựa là loài vật có thân hình to lớn, dũng mãnh, bốn chân mạnh mẽ với móng cứng bằng sừng, trên đầu có bờm và cuối thân là đuôi dài gần chấm đất. Ngựa nổi tiếng chạy nhanh, dẻo dai nên được loài người nuôi như thú vật nhà để cỡi, kéo xe, kéo cày. Ngựa có lỗ tai rất thính và đôi vành tai có thể cử động được để dựng đứng lên và xoay về hướng phát ra tiếng động như giàn rađa.Đặc tính nổi bật của ngựa là dẻo dai và chạy nhanh nhất trong các loài vật. Ngựa là con vật tinh khôn và rất trung thành với chủ.

Hy vọng năm Giáp Ngọ, rộng rãi hào phóng nhanh nhẹn, sẽ mang đến nhiều điều may mắn, phúc lành cho mọi người.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment