Mệt mỏi và quá tải

Mệt mỏi và căng thẳng gần như là một phần không thể thiếu của nếp sống thời nay. Stress là một ngôn từ thường xuyên được nhắc tới. Cảm giác quá tải thường xuyên được biểu lộ trên những khuôn mặt và trong những cử chỉ mà ta có thể thấy khắp nơi. Nếu như sự ô nhiễm về môi trường và sự giả dối của thực phẩm góp phần tạo nên bệnh ung thư, thì nếp sống rối loạn và phức tạp góp phần làm nên chứng bệnh trầm cảm và những gì xáo trộn liên quan.

Thuốc kháng sinh rất có hiệu quả và hữu ích, nhưng nếu lạm dụng, sẽ là con dao hai lưỡi cho sức khỏe. Vắc xin để phòng bệnh, nhưng nếu lạm dụng, có thể góp phần tạo nên những vi rút nguy hiểm hơn. Sở thích và đam mê là tốt khi được làm chủ, còn nếu khai thác và thỏa mãn quá mức, thì chỉ còn sự trống rỗng của tâm hồn kèm theo một sức khỏe kiệt quệ.

Một nếp sống quân bình dường như trở nên quá xa vời đối với người dân lao động. Bởi lẽ, họ phải vất vả làm việc, đổi ca sáng, chiều hay đêm còn tùy vào công việc và công ty của họ. Nhịp làm việc, nhịp ăn ngủ cứ thế bị xoay theo công việc, chứ không còn theo nhịp ngày đêm của thiên nhiên đất trời, cũng không còn theo nhịp sinh học của cơ thể. Đời sống gia đình cũng xáo trộn. Bởi lẽ mỗi người mỗi việc mỗi giờ khác nhau. Người ta không còn dễ dàng gặp gỡ, nói chuyện và chia sẻ đời sống gia đình với nhau nữa. Thời gian cứ thế trôi, những xáo trộn kia trở thành chuyện rất quen thuộc, quen thuộc đến nỗi người ta bị cuốn vào cái vòng xoáy của công việc như một cái máy. Vì quá xáo trộn như thế, người ta không còn giờ và không còn dịp để xây dựng những tương quan bền vững, những kỉ niệm thân thương, những tình cảm quý giá.

Với một số người khá giả, nếp sống quân bình là điều gì đó nhàm chán và không đáng để làm, vì khi có những điều kiện dư dật, người ta dễ nghĩ tới việc thưởng thức và hưởng dùng theo sở thích. Một khi đề cao và quá tập trung vào sở thích, người ta rất khó gặp nhau, vì sở thích thường mỗi người mỗi khác. Giữa những người cùng sở thích, cũng không dễ có được tương quan bền vững, bởi lẽ sở thích thường dễ thay đổi theo thời gian. Nếu có sở thích bền vững, thì sở thích cũng ít chấp nhận thất bại, ít đón nhận khác biệt. Vì rất đơn giản, thích hay không thích là rất tự do tùy người.

Có những người khao khát cuộc sống bình dị, và việc thực hiện niềm mơ ước này cũng nằm trong tầm tay, thế mà thực tế lại không hề dễ dàng. Có em học sinh nọ khi nói chuyện với bạn bè về việc họp phụ huynh, người bạn hỏi lại: Ai đi họp phụ huynh cho bạn? Bạn này trả lời: Mẹ của mình. Bạn kia hỏi: Thế thôi sao. Bạn này ngơ ngác: Bạn nói thế nghĩa là sao? Thì mình muốn nói là bạn không có mẹ kế hoặc bố 2 bố 3 gì đó à! Sao bạn quê thế! Khúc này, em nhỏ treo máy vì cuộc sống bình dị của gia đình mình lại trở thành vấn đề để chọc quê đối với những bạn trong các gia đình tan vỡ.

Có cô gái nọ, rất xinh đẹp và tốt lành, thế nhưng cuộc sống lứa đôi không mấy thuận buồm xuôi gió. Có nhiều chàng trai ngỏ lời, nhưng tất cả họ không sẵn sàng tiến tới đời sống vợ chồng, mà chỉ muốn sống chung một thời gian, rồi sau sẽ tính tiếp. Lý do chính đối với họ là công việc chưa đủ để đảm bảo cuộc sống, và họ cũng nghĩ xa hơn, là chưa đủ sẵn sàng để cam kết lâu dài trong đời vợ chồng. Thế đó, cô gái ấy sống trong một bối cảnh xã hội chẳng dễ dàng gì!

Tuổi cao niên, bây giờ cũng rất khó nghĩ. Trước đây, cao niên thường đồng nghĩa với dày dạn kinh nghiệm và khôn ngoan và thường được kính trọng. Tuổi già thường là vui thú điền viên và vui khi ở giữa cháu con. Thế nhưng, ngày nay, nhiều người sợ tuổi già, vì tuổi già thường đồng nghĩa với bệnh tật và cô đơn. Con cháu thời nay thường không sống cùng ông bà cha mẹ nữa, mà mỗi người mỗi nơi. Con cháu thời nay cũng không dành nhiều thời gian để thăm hỏi chuyện trò với ông bà cha mẹ nữa, vì nhịp sống bận rộn bao điều.

Nói như thế, không có nghĩa là chê nếp sống hiện tại và khen nếp sống thời xưa. Nói như thế chỉ muốn diễn tả rằng, đời sống xưa và nay đều vất vả. Sự mệt mỏi, căng thẳng vẫn có đó, và dường như thời nay còn mệt mỏi hơn thời xưa. Nếu ai đó biết chút lịch sử, thì đều nhận thấy, thời nào cũng có nỗi khổ riêng của thời ấy.

Cách đây hai ngàn năm, người ta cũng rất vất vả đấy thôi. Khi ấy người Do Thái sống dưới sự cai trị của đế quốc La Mã. Các vua quan bù nhìn như Herode cũng chẳng tốt đẹp gì. Đời sống đạo của các vị luật sĩ và biệt phái cũng chẳng mấy là gương sáng cho dân. Bao nhiêu chuyện khác nữa. Trong bối cảnh ấy, tiếng mời gọi của Thầy Giêsu vang lên dành cho hết mọi người: Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Một lời mời nhẹ nhàng và đầy an ủi.

Cách thực hiện lời hứa của Vua Giêsu rất bình dị và rất lạ. Đó là con đường của hiền hậu và khiêm nhường. Người không đi theo con đường kinh tế và chính trị. Cũng không hẳn đây là con đường của đạo đức và tôn giáo. Người ta dễ nối kết hiền hậu và khiêm nhường với những giá trị đạo đức, nhưng ở đây, còn hơn thế rất nhiều, vì hiền hậu và khiêm nhường ở đây không là nhân đức để thủ đắc trong quá trình tu tập, mà là là lòng hiền hậu và khiêm nhường nơi Vua Giêsu và cùng với Giêsu, là đồng cam cộng khổ, là đồng lòng, là cùng chung sứ mạng và chung vận mạng với Vua Giêsu, cùng chết với Người và cùng phục sinh với Người.

Cái êm ái nhẹ nhàng, không phải vì không còn vất vả, nhưng là cùng với Thầy Giêsu, có sức đón nhận và hóa giải những vất vả ấy, để mưu ích cho tha nhân và cho bản thân. Khi có tình yêu mến ấy, mọi vất vả thành êm ái, mọi gánh nặng thành nhẹ nhàng. Từ tâm điểm này, người ta biết làm thế nào để biến đổi xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa. Nếu bạn chưa tin, cứ thử tìm hiểu về những vị thánh và những vĩ nhân tin vào Chúa Kitô trong lịch sử nhân loại.

Tứ Quyết SJ

http://dongten.net

Chia sẻ Bài này:

Related posts