- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

iPad Ai Biết gì đó!

Bài báo trên mạng kể chuyện một bà cụ Việt Nam sắp ăn mừng sinh nhật thứ 70 được cô con gái hỏi mẹ muốn món quà gì cô sẽ mua tặng. Bà cụ 70 tuổi không cần chần chừ suy nghĩ, trả lời ngay:

“Con mua cho mẹ cái iPad Ai Biết gì đó!”.

Cô con gái tưởng mình nghe nhầm hỏi lại, thì bà cụ xác nhận đúng là cái iPad rồi còn sợ cô con gái không hiểu, bà mới giải thích cho cô con gái rõ:

“Nó nhỏ nhỏ như cái netbook 10 inch này, nó vừa mỏng vừa tiện lợi không cần bàn phiếm bàn phiếc chi cho cồng kềnh này, nó nối mạng vô net chả cần dây với nhợ này, không cần chuột chiếc gì cho mất công này, chỉ dùng mấy ngón tay quét quét như vầy như vầy, banh ra kéo vô như ri như ri là xong”.

Bà còn sợ cô con gái mua lộn, nhắc đi nhắc lại, iPad 2 iPad thế hệ thứ nhì, đừng có ham rẻ mà ôm cái iPad đời cũ về cho bà.

Cô con gái giật mình ngạc nhiên, từ không ngờ tới bán tín bán nghi rồi cuối cùng cũng phải tin. Cô vừa mừng vừa buồn.

Mừng vì biết mẹ mình vẫn còn trẻ chưa già, mừng vì bà mẹ già ở nhà thui thủi một mình còn có cái thú tiêu khiển, không còn cô đơn cô độc.

Buồn vì thấy mình tuy tuổi còn trẻ mà đã lạc hậu bao nhiêu năm nay, như ếch ngồi đáy giếng, giậm chân tại chỗ, không update up điếc, không chạy theo đúng nhịp đập thời đại khoa học kỹ thuật hiện đại tiên tiến bây giờ.

Đọc xong tôi mới đưa bài báo này cho anh bạn vừa mới vào làm, tay đang sắp xếp đồ nghề linh tinh lên bàn làm việc. Anh bạn để ngay ngắn cái iPad thế hệ thứ 2, cái iPod nghe nhạc ngay dưới tấm hình bà vợ và đứa con gái, cái iPhone thế hệ mới nhất, cái iPhone 4 lên bàn.

Anh bạn đọc xong, phấn khích lại kể lể cái câu chuyện cũ mèm mà anh ta hay kể. Cái sôi nổi thời anh ta còn trẻ, cái thời anh đam mê hăm hở với cái máy computer đầu tiên trong đời.

Cái máy Commodore VIC-20 rồi Commodore 64, gọn gàng nhỏ nhắn tiện lợi, không cần monitor, chỉ việc gắn thẳng vào cái TV.

Hết Commodore 64 rồi lại tới Commodore 128.

Anh kể say kể sưa cái thời trẻ đam mê hăm hở với cái món đồ chơi điện tử đầu tiên của mình.

Anh bạn quên mất một điều! Cái thời Commodore 64 của anh, anh còn rất trẻ, còn cái thời iPad 2 của bà cụ, bà cụ đã 70.
Cái tuổi 70 là cái tuổi xế chiều, cái tuổi không còn sốc nổi, hăm hở, khoe khoang làm dáng như cái tuổi của anh thời Commodore 64.

Bà cụ có thật sự muốn cô con gái mua cho cái iPad 2 để làm dáng, để lòe người khác như cái bài báo khác cũng được đăng trên cái trang mạng nào đó hay chăng? Bài báo của một ký giả người nước ngoài phỏng vấn người Việt trong nước về điện thoại di động.

Nhà báo thắc mắc không hiểu lý do tại sao nhiều người bỏ ra số tiền lớn sắm cho được cái điện thoại di động mới nhất, phải có cho bằng được trong tay cái iPhone.

Cái điện thoại di động không những mắc tiền mà còn phải có đầy đủ tất cả chức năng, lên net, gửi email, chụp hình, coi TV…
Người viết hỏi người được phỏng vấn dùng điện thoại di động mắc tiền để làm gì và cách sử dụng ra sao, thì người được phỏng vấn trả lời chỉ dùng để gọi nói chuyện và hoàn toàn không biết cách dùng những chức năng khác ra làm sao.

Bà cụ 70 tuổi với cái iPad 2 này có phải như vậy hay không? Có phải muốn cô con gái sắm cho cái iPad 2 để lòe bà con hàng xóm láng giềng?. Tôi không nghĩ là như vậy! Tự dưng tôi tưởng tượng bà cụ phải là người miền Trung, cái miền Trung “đất cằn sỏi đá, bốn mùa hối hả, vất vả quanh năm, nhuộm màu nắng gió”, máu trộn nước mắt quyện lẫn với mồ hôi.
Quê hương bà phải nằm ven theo bờ biển dài xinh đẹp. Bà cụ đích thị phải ở ngay tại Qui Nhơn.

Hơn 30 năm trước, khi bà cụ chưa là bà cụ như bây giờ, cái tuổi chưa tới 40 mà đã một thân một mình chăm lo cho đàn con nheo nhóc.

Ông chồng vừa chết trận chưa được bao lâu thì đứa con gái út ngỗ nghịch, cứng đầu cứng cổ nhất nhà biệt tăm biệt tích.

Cái nỗi buồn của bà nhân đôi, nhưng bà cố dằn tiếng khóc, dìm cái nấc, nghẹn ngào mà chăm lo cho những đứa con còn lại.
Đúng cái ngày giỗ đầu của chồng, người phát thư ghé nhà đưa cái thư bảo đảm cho bà ký nhận. Cái thư có dán con tem nước ngoài, run run xé cái thư ra đọc mà bà khóc nức nở, ướt nhòe cái lá thư hình như chữ cũng đã nhòe nhoẹt nước mắt. Cái lá thư của cô con gái út mất tích gửi về.

Bà vừa đọc vừa khóc, xong để lá thư lên bàn thờ cho ông chồng đọc.

Từ đó về sau, xấp thư càng ngày càng dày và cứ mỗi lần thắp nhang cho chồng, bà lại lấy lá thư đầu tiên ra đọc lại.
Những tờ thư càng ngày càng mờ, những giọt nước mắt mới rơi xuống che lấp những giọt nước mắt cũ đã khô.

Hai năm trước cái ngày sinh nhật thứ 70, bà lại khóc thêm một lần nữa.

Bà ôm mấy đứa con, mấy đứa cháu đưa tiễn từ giã bà ở phi trường.

Bà khóc nức khóc nở. Khóc vì sắp gặp lại, sum họp với đứa con gái út, khóc vì lại phải xa mấy đứa con đàn cháu mà ngày ngày lúc nào cũng quây quẩn bên bà. Bà không muốn chọn lựa, bà cứ để mặc cho cuộc đời tự nó mà trôi. Đứa con út nơi xa chưa muốn trở về, mấy con chị đàn cháu ngoại của bà đâu có dễ gì mà được ra đi. Chỉ có bà là dễ dàng, thôi hãy cứ “để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.

Gió Đông Bắc sẽ đưa bà tới gặp đứa con gái út, rồi gió sẽ đổi chiều, ngọn gió Nồm sẽ mang bà về lại gặp mấy đứa con gái khác. Cuộc đời bà bấy lâu nay, đâu có cái nào mà bà được toàn quyền chọn lựa!

Bà cụ gặp được đứa con gái út, lại ôm nhau mà khóc. Sao cuộc đời bà bao nhiêu năm không có một nụ cười!

Gặp lại đứa con tưởng đâu không bao giờ gặp lại, sao không cười to lên, sao không hét lên, sao không nhảy múa vui mừng, hay sao không quỳ xuống mà cảm ơn Trời Phật, tạ ơn Thiên Chúa, mà chỉ biết ôm xiết đứa con gái út mà khóc ròng.
Mấy đứa cháu ngoại nhìn mẹ và bà mà tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên:

“Hai người lớn đang làm cái trò gì đây? Chả funny tí nào hết! What the heck! What’s going on!”

Giờ bà lại nhớ quay nhớ quắt mấy con chị, mấy đứa cháu bên kia! Bà phải làm sao đây? Tôi thấy hình như môi bà có hơi hơi mỉm cười.

Hình như mắt bà đã nhìn ra được cái ánh sáng le lói mong manh ở cuối cái đường hầm. Tôi thấy mỗi buổi sáng, khi bà thức dậy, đứa con gái út và chàng rể cùng mấy đứa cháu ngoại đã rời nhà.

Chỉ còn bà là một mình ở nhà. Bà vào bếp, hâm lại tô cháo nấu bằng Oatmeal cô con gái đã làm sẵn cho mẹ, xong mang tới bàn ăn.

Bà ngồi ngay ngắn, để tô cháo trước mặt, kê ngay ngắn cái iPad thế hệ thứ 2 cô con gái vừa mới mua tặng cho ngày sinh nhật thứ 70. Bà nhìn đồng hồ, chờ cho cây kim ngắn chỉ đúng con số 8, bà mở máy nối mạng.

Bà tằng hắng lấy giọng, sửa lại thế ngồi, mặt nhìn thẳng vào màn hình cái iPad rồi bắt đầu nói chuyện: “Mấy đứa bắt đầu ăn chưa? Đang ăn món gì đó? Thằng Linh chừng nào mới về?”.

Trên màn hình cái iPad, hiện lên cái bàn ăn với bao nhiêu người là người, lớn có nhỏ có, đang xì xụp vừa ăn vừa nhao nhao giành nhau hướng về phía bà mà nói, cứ “Má… Má… Bà… Bà… Ngoại…Ngoại”.

Bà cụ yêu cầu cái iPad 2 cho ngày sinh nhật thứ 70 đơn giản chỉ là vậy.
Bà không muốn khoe khoang, làm dáng ta đây. Bà chỉ muốn cái điều nhỏ nhoi nhất, cái điều riêng tư nhất. Bà muốn san sẻ tình cảm đồng đều cho cả hai bên.

Cái giờ con cháu ở bên cạnh không có nhà bà dành cho mấy đứa bên kia, và cái giờ mấy đứa bên kia ngủ, bà dành cho đứa con gái út và mấy cháu bên này.

Con cái đứa nào cũng như nhau, không trọng con cả hơn, không thương con út nhiều, không nâng niu chiều chuộng chỉ mấy đứa con thứ.

Tôi cứ tưởng tượng lý do bà cụ yêu cầu cái iPad 2 cho ngày sinh nhật thứ 70 phải là như vậy. Tôi chắc chắn phải là như vậy.

Tôi có cố tìm cách hỏi cho được người viết bài để xác nhận là tôi đúng mà đành chịu, vì lâu ngày tôi không còn nhớ cái địa chỉ trang mạng có đăng cái bài này.

Còn bạn thì sao? Bạn thấy thế nào? Bạn có đồng ý với tôi không?

Bạn thấy tôi tưởng tượng như vậy có hợp lý hợp tình hay không?
Nếu như bạn tình cờ có gặp hay quen biết cô con gái của bà mẹ già 70 này, nhờ bạn hỏi thăm giùm tôi chút.

Cảm ơn bạn thật nhiều.      

BCT (St)

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]