Hiệp Nhất trong Chúa Giê-Su Kitô

Dù trên phương diện đời thường hay tâm linh thì con người cũng cần có sự hiệp nhất. Chẳng vậy mà người ta vẫn nói “ Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”. Câu phương ngôn hàm ý dù việc khó đến đâu cũng có thể vượt qua nếu có sự đồng tâm hiệp lực. Người CS cũng tỏ ra ý thức về sự hợp nhất này nên mới có khẩu hiệu “ Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết. Thành công thành công đại thành công” Hô hào như vậy nhưng thực tế cho thấy những người gọi là CS ấy dù trên bất cứ cương vị nào họ cũng chưa bao giờ có được sự đoàn kết và hậu quả là sự sụp đổ của các đảng CS là đương nhiên.

Lý do khiến người CS hô hào đoàn kết mà không bao giờ có thể đoàn kết đó là vì cái đích mà họ nhắm tới để xây dựng thế giới đại đồng chỉ toàn là ảo tưởng lừa bịp. Mặt khác  dù trong tính chất cá nhân hay quốc gia dân tộc, con người chỉ có thể thực hiện sự hiệp nhất khi cùng  theo đuổi một mục đích. Mục đích ấy ở nơi vợ chồng là tạo lập một mái nhà êm ấm hầu chia ngọt sẻ bùi với nhau. Ở nơi dân tộc  là cùng tranh đấu để xây dựng một thể chế công bằng dân chủ bền vững v.v…

Có xác định được mục đích thì con người mới có thể đồng tâm  hiệp lực  hầu mong đạt được mục đích  ấy ngược lại thì không. Với đời thường đã vậy thì đời tâm linh cũng không khác có nghĩa cũng cần phải xác định được mục  đích. Sự hiệp nhất mà Ki Tô giáo hiện đang chủ trương từ mấy chục năm nay sở dĩ không đạt kết quả đó là vì đã không xác định đúng mục đích ấy là gì.

Để hiệp nhất thì trước hết cần xác định mục đích và mục đích ấy Đức Ki Tô đã nói cách rõ ràng trong lời cầu nguyện với Chúa Cha trước khi đi nộp mình chịu chết “ Con chẳng những vì họ cầu xin thôi đâu nhưng cũng vì nhân lời họ mà  tin Con nữa để thảy họ đều hiệp làm một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, lại để  họ cũng ở trong chúng ta hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 20 -22 ).

Sự hiệp nhất Chúa nói ở đây là giữa các môn đệ với nhau đồng thời cũng xác định mục đích ấy là để  kết hợp với Đấng Cha ở nơi chính mình. Tôn giáo hay còn gọi là đạo tức con đường thực hiện tâm linh và con đường ấy chỉ có thể là đường về nơi nội tâm mình. Nhận ra như thế để thấy rằng Đức Ki Tô chính là con đường về “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( ga 14, 6 ).

Đức Ki Tô tự nhận là một con đường và một khi đã có đường thì phải  bước đi trên đó mới có thể đến được cái nơi mà mình muốn đến. Cái nơi muốn đến ấy Đức Ki Tô có khi gọi là Nhà Cha ( Ga 14, 2 -3 ). Có khi gọi là Nước Trời ( Lc 17, 20 -21 ) Dù là Nhà Cha hay Nước Trời thì đó cũng vẫn chỉ là một thực tại nôi tại duy nhất cần trở về.

Để có thể bước đi trên con đường trở về này thì điều kiện tiên quyết là phải  có lòng tin nơi sự dẫn đường chỉ lối của Đức  Giê Su Ki Tô “Hãy cứ ở trong Ta. Ta cũng ở trong các ngươi. Như nhánh nếu không cứ ở trong cây nho thì không thể tự kết quả được. nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta thì cũng vậy. Ta là cây nho các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì  nấy kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta  thì sẽ bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy  quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 4 -6 ).

Có “Ở” trong Chúa  thì mới sinh hoa kết quả  tức là về với Cha. Thế nhưng làm sao có thể về với Cha nếu không có Giáo Hội  như lời Thánh Cypriano nói “ Người không có Giáo Hội làm Mẹ thì cũng không thể có Thiên Chúa là Cha” ( Habere non protest Deum Patrem qui Eccleisiam non habet Matrem ).

Cần phải “Ở” tức hiệp nhất với Giáo Hội mới có thể nhận biết Thiên Chúa là Cha  của mình. Tại sao vậy ? Bởi vì Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội Tông Truyền do chính Đức Ki Tô thiết lập và trao cho quyền bính tối thượng “ Simon con Giona ơi ! ngươi có phước đó vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu bèn là Cha Ta ở trên trời vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô Ta sẽ lập Hội Thánh  Ta trên vằng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm  buộc dưới đất  thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 17 -19 ).

Việc Chúa trao chìa khóa Nước Trời cho Thánh Phê Rô cũng tức là cho Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền  hiển nhiên là phải  có mục đích và mục đích ấy chính là để thực hiện con đường trở về với Đấng Cha tuy vẫn hằng hữu ở nơi mỗi người nhưng không một ai nhận biết ngoại trừ Đức Ki Tô và người nào Ngài muốn mạc khải ( Mt 11, 27 ).

Trở về với Cha Đấng ở nơi mình đó là ơn gọi của mọi Ki Tô Hữu “ Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em được gọi đến một hy vọng một  Chúa một đức tin một Phép Rửa một ĐCT là Cha của mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6 ).

Chỉ có một Thân Thể đó là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô. Nơi Thân Mầu Nhiệm đó mỗi người chúng ta qua Phép Rửa  cũng đều là các chi thể của Chúa. Là chi thể  Chúa thì phải gắn liền với Chúa  và sự gắn liền ấy chúng ta chỉ có thể thực hiện với các Bí Tích  nhất là Bí Tích Thánh Thể là của ăn nuôi linh hồn “ Ta là Bánh hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh ấy thì sẽ sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban cho  vì sự sống của thế gian ấy là thịt Ta” ( Ga 6, 51 ).

Bí tích Thánh Thể con gọi là Bí Tích Tình Yêu bởi vì Chúa Giê Su đã lấy chính thân mình làm của ăn nuôi sống các linh hồn “ Điều răn của Ta đây này đó là các ngươi hãy thương yêu lẫn nhau cũng như Ta đã thương yêu các ngươi. Chẳng ai có sự thương yêu lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều Ta đã truyền dạy thì các ngươi là  bạn hữu của ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa. Vì tôi tớ thì chẳng biết việc chủ làm. Nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe biết nơi Cha Ta” ( Ga 15, 12 -15 ).

Chúa nói các ngươi hãy thương yêu lẫn nhau tức là giữa các môn đệ. Sự thương yêu này là hết sức cần thiết bởi vì sự thương yêu ấy chính là dấu chứng làm nên môn đệ của Chúa “ Cứ dấu này mà thiên hạ  nhận biết các con là môn đệ Thầy đó là các con hãy yêu thương nhau” ( Ga 13, 25 ). Là môn đệ thì phải có lòng yêu thương nhau. Nếu không thì  lòng yêu thương ấy đối với người khác chỉ là giả dối. Giữa những người  cùng chung một thầy một lý tưởng mà còn không thể thương yêu nhau thì còn nói chi đến người ngoài ?

Vả lại sự thương yêu giữa các môn đệ như đã nói là điều hết sức cần thiết bởi lẽ đó chính là sự hiệp nhất giữa những người cùng đi trên con đường về Nhà Cha dưới sự hướng dẫn dìu dắt của Chúa Ki Tô. Không có sự hiệp nhất này  thì chẳng bao giờ có thể có sự hiệp nhất dù  dưới bất kỳ danh nghĩa hay hình thức nào.

Có được sự hiệp nhất  với Chúa  tức là chúng ta có được sự bảo đảm  chắc chắn  không còn bị nguy hiểm lạc đường lạc nẻo. Tuy nhiên  con đường hiệp nhất ấy đòi hỏi rất nhiều khổ đau vì là Đường Thập Giá bỏ mình “ Ai muốn theo ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại được” ( Mt 16, 24 -25 ).

Lịch sử Giáo Hội cho thấy đã có không ít vị Thánh đã kinh qua con đường thập giá và đã thành công chẳng hạn như Thánh Phan Xi Cô Assise, Thánh Gioan Thánh Giá Thánh An Phong So  v.v… Thế nhưng dẫu sao đây vẫn là con đường quá  khó không dễ để mà theo. Ngoài đường thập giá còn có con đường …dễ đi khác là  con đường tôn sùng Đức Maria theo Thánh Mong Pho. Con đường tôn sùng Đức Maria này tuy dễ mà khó, khó mà dễ.Nói dễ bởi vì bất cứ ai dù là bậc cao niên hay trẻ nhỏ, trí thức hay thất học, khỏe mạnh hay ốm yếu liệt lào đều có thể thực hiện. Còn khó là bởi còn nặng óc duy lý chấp chước này nọ….

Hơn bất cứ thời nào, thời này là thời Tục Hóa, các lạc thuyết giáo phái mọc lên như nấm gặp mưa rào. Trong hoàn cảnh như vậy đức tin Công giáo hầu như biến mất và  duy chỉ có Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dạy mới có thể đánh tan lạc thuyết “ Đức giáo hoàng Leo X nói “ Kinh Mân Côi được  thiết lập để chống lại các kẻ gieo rắc lầm lạc và các lạc thuyết”/

Tất cả các thứ tà thuyết lạc giáo dù dưới bất kỳ màu sắc nào cũng đều phát xuất bởi cùng một nguyên nhân là đã xa rời sự hiệp nhất với Chúa Ki Tô là đường là sự thật và là sự sống. Một khi đã mất đi sự hiệp nhất ấy rồi thì cũng chẳng có con đường nào để trở về  và như vậy người ta nói rất đúng thế giới này là thế giới…không Cha. Một thảm kịch lớn lao sắp sửa diễn ra nhưng đồng thời  cũng là ngày công lý  được thực hiện “ Vì các sự phán xét công lý của Ngài đã được tỏ ra” ( Kh 15, 4 ).

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts