Hãy thành thực với nhau

Tiểu bang Texas rộng lớn, nổi tiếng về lắm thứ, đặc biệt là cư dân ở đây thường vặn vẹo sự thật một chút để gây ấn tượng. Texas đúng là “số một,” là hơn tất cả. Chuyện kể có một cư dân Texas hàn huyên với du khách, “‘Chú có biết George Washington xuất thân từ Texas không?’ Du khách ngạc nhiên, “Ủa, có chuyện vậy à. Tôi cứ tưởng ông ấy xuất thân từ Virginia chứ. Đầu đuôi thế nào?” “Chú biết đó, gia đình Washington lúc đầu sinh sống tại một trang trại ở Texas. Một hôm, Washington lỡ tay chặt phăng cây đào thân phụ ông rất quí. Đến khi nghe cha quát hỏi ai đã chặt cây đào, Washington thành thật thú nhận, ‘Thưa cha, con không thể nói dối. Chính con đã chặt.’ Nghe con trả lời như vậy, người cha liền nói, ‘Con trai mà không biết nói dối thì không phải là dân Texas.’ Thế là họ đành phải chuyển sang sống ở Virginia.”
Dân cư Texas tự hào mình là “số một” trong việc bóp méo sự thật, nhưng họ không độc quyền nói dối. Trong đời sống văn hóa thời nay, thật không may, nói dối đã gắn liền với cuộc sống hằng ngày – trong chính trị, trong kinh doanh, trong hôn nhân, và ngay cả trong tôn giáo. Chúng ta hứng chí khoe thành tích nói dối của mình để được giảm thuế. Con cái chúng ta ngay từ nhỏ đã được dạy đừng tin quảng cáo truyền hình bởi vì phần nhiều là “nói xạo.” Trong tâm thức nhiều học sinh, việc thi cử gian dối chỉ sai trái khi nào bị bắt quả tang mà thôi. Và không cần phải nói, những lời hứa trong các chiến dịch tranh cử, người ta “nghe thì nghe” vậy thôi, bởi vì hầu hết là hứa lèo. Khuynh hướng thêm thắt hoặc bớt xén sự thật đã trở nên phổ biến trong xã hội, thành ra việc “có sao nói vậy,” hoặc “nói toạc móng heo” trong thời buổi này đúng là một luồng khí trong lành.

Châm ngôn “có sao nói vậy” hoặc “nói toạc móng heo” của thế hệ hôm nay thực ra chẳng có gì mới mẻ. Khi đề cập đến điều này, Chúa Giêsu đã khẳng định các môn đệ trung thành của Người phải là những người chính trực, có thì nói có, không thì nói không.

Phong trào “có sao nói vậy” và “nói toạc móng heo” cũng nẩy sinh vấn đề và thường dẫn đến xung khắc. Người ta đã quá quen với những buổi gặp mặt tế nhị, trong đó các thành viên – kể cả chồng và vợ – đều “mổ nhau” một cách tàn nhẫn trên phương diện tâm lý và tình cảm. Họ bêu lỗi lầm của nhau để “giã,” để “dập”: “Tôi không thể chịu nổi cái tính hống hách của anh.” “Còn cái tật nói nhiều của cô làm tôi lộn cả ruột,” v.v. và v.v., cho đến khi ai nấy không còn gì để nói. Nhiều chuyên gia tâm lý nổi tiếng đã nghiên cứu hiện tượng này và đưa ra kết luận như sau: Việc thẳng thắn và cởi mở – “có sao nói vậy” trong mọi chuyện – có thể, và thường, là một hành vi thiếu trưởng thành và ích kỷ. Đôi khi núp dưới dưới chiêu bài loại trừ tội lỗi hoặc chia sẻ ưu tư và sợ hãi. Đội lốt chiêu bài “có sao nói vậy,” chúng ta có thể trả thù một cách tinh vi hoặc đối đầu một cách vô thức với chính người chúng ta đang chủ tâm muốn xích lại gần hơn. Bị lạm dụng như một khí giới, việc “có sao nói vậy” có thể hủy diệt hơn là đề cao sự sống. Sự thật đâu phải là thứ khí giới dùng để tấn công và đả thương người khác.

Thánh Phaolô Tông Đồ đã chỉ cho chúng ta một công thức để nói thật nhằm đề cao đời sống. Ngài dạy: “Hãy nói sự thật trong yêu thương.” Sống theo sự thật và trong yêu thương, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế, Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình yêu thương (Ep 4:15-16).

Tình yêu thương thánh Phaolô nói ở đây có nghĩa là sống cho tha nhân. Nó không có nghĩa là dùng nụ cười lá mặt bề ngoài để tấn công người khác về mặt tình cảm và tâm lý, nhưng có nghĩa là nói sự thật để cuộc sống tha nhân được thăng tiến. Nói thật, nhưng phải tìm cách để nói sao cho tinh thần của tha nhân được nâng cao, để giúp họ trở nên con người hoàn thiện. Theo lời một chuyên gia tâm thần: “Trong mối giao hảo, mỗi người hãy cố gắng làm thăng tiến hơn là làm tổn thương phẩm giá của người khác.” Trước đây cả hai ngàn năm, thánh Phaolô Tông Đồ đã nói lên điều ấy.

Nếu chúng ta thực tâm muốn nói thật để làm thăng tiến cuộc sống tha nhân, thì việc phải nói sự thật thực sự là một vấn đề rất hệ trọng. Cùng một việc nhưng có nhiều cách nói. Thánh Phaolô chẳng hạn, chúng ta thấy ngài khi thì rất êm đềm, khi thì rất cứng rắn; khi thì nói gián tiếp, khi thì nói trực tiếp. Cùng một vấn đề, với giáo đoàn này, ngài dùng lời lẽ này; trong khi với giáo đoàn khác, ngài lại dùng lời lẽ khác. Rõ ràng thánh nhân cố gắng nói lên sự thật theo cách nào hữu ích nhất cho những người nghe ngài.

Viên quản đốc tại một phòng thí nghiệm hóa học nọ rất bực mình trước lề lối và thái độ làm việc của một nhân viên. Liên hệ giữa hai người căng thẳng suốt nhiều tháng trời và đến mức không thể chấp nhận nhau được nữa. Cuối cùng, viên quản đốc đành đem câu chuyện trình với cha sở. Ngài hỏi, “Anh đã cầu nguyện về chuyện này chưa?” Ái chà, chưa, và thế là anh ta liền làm theo lời khuyên của cha sở. Mấy ngày sau, anh ta giải quyết vấn đề theo tinh thần cầu nguyện. Về sau, viên quản đốc ấy kể lại, “Lúc đó tôi thấy cần phải có một cuộc trao đổi thành thật và cởi mở với anh nhân công rắc rối kia. Hơn nữa, tôi thấy mình phải chân thành nói cho anh ta biết rằng khi cầu nguyện cho mối liên hệ hai bên, tôi đã được soi sáng để hành động như vậy.” Để xúc tiến công việc một cách nghiêm túc hết sức có thể, viên quản đốc đã ghi sẵn tất cả những điều định nói với nhân viên. Anh muốn làm một cách nhẹ nhàng, nhưng cương quyết. Sau đó, anh còn cho vợ mình biết những gì anh đã viết ra, và cô đề nghị, “Tại sao mình không trao tờ giấy này cho anh ấy để anh ấy có thời giờ suy nghĩ trước khi phản ứng. Như vậy sẽ tránh được một cuộc đối đầu, chỉ làm vấn đề thêm tồi tệ.” Viên quản đốc chấp nhận đề nghị của vợ, và không bao lâu sau, anh đã nhận lại được lá thư cảm ơn của nhân viên. Trong thư, anh ta thừa nhận khiếm khuyết của mình và hy vọng sẽ sớm được giãi bày sự việc. Chỉ mấy ngày sau, hai người không những giải quyết được các vấn đề, mà tình bạn còn nẩy sinh, và họ thực sự trở nên bạn thân – một điều chẳng ai dám nghĩ tới. Tất cả là do viên quản đốc đã làm tất cả những gì có thể làm được để “có gì nói nấy” một cách sáng tạo và làm thăng tiến đời sống.

Bất cứ khi nào thấy cần phải “nói toạc móng heo” với một ai, chúng ta hãy làm mọi cách để xây dựng một cách sáng tạo, chứ không phải để tiêu diệt. Nỗ lực tốt nhất của chúng ta, dĩ nhiên, là giải quyết vấn đề từ nội tâm, trong cầu nguyện. Ở đó, chúng ta sẽ nhận thấy không chỉ có vấn đề nói ra sự thật, mà còn phải nói bao nhiêu phần trăm sự thật, nếu như chúng ta muốn thực hiện điều ấy trong yêu thương. Nếu thực tâm muốn nói sự thật trong yêu thương, không phải lúc nào chúng ta cũng trút hết ra trong một hoàn cảnh cụ thể.

Nếu như “Có sao nói vậy” là biểu hiệu đề cao sự thành thực, thì chúng ta xin ủng hộ. Chớ gì chúng ta hãy thành thực với nhau – trong nhà thờ, trong hôn nhân, và trong cộng đoàn. Nhưng Cộng Đoàn Kitô hữu cần phải đem lại cho xã hội này một công thức đã được lãnh nhận từ thánh Phaolô: “Hãy nói sự thật trong yêu thương.”

Truyền thuyết lâu đời kể rằng có một ông giáo già muốn thử đầy tớ của mình. Ông sai đầy tớ ra chợ mua một cái gì thật xấu xa. Đầy tớ ra chợ và đem về một chiếc lưỡi rồi trình cho ông giáo. Ông giáo  khen, “Khá lắm. Bây giờ ngươi hãy ra chợ và mua một cái gì thật tốt lành.” Đầy tớ lại ra chợ. Khi trở về, hắn trao cho ông giáo một cái lưỡi khác. Ông ta gật gù: “Được lắm. Cái lưỡi đúng là vừa làm chuyện tốt, vừa làm chuyện xấu.”

Câu chuyện này ngày nay vẫn còn tính cách thời sự như vài trăm năm trước. Cái lưỡi có thể là căn cớ đưa đến sự dữ hoặc nguyên do dẫn tới sự lành. Tất cả đều tùy thuộc vào việc chúng ta “có sao nói vậy” trong yêu thương. Hãy nói sự thật trong yêu thương.

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment