Hai lời di chúc

Mặc dù xuất hiện rất ít trong Tin Mừng của Gioan nói riêng và của các tác giả khác nói chung, nhưng Đức Maria luôn có mặt tại những thời điểm rất quan trọng. Có hai thời điểm quan trọng Thánh Gioan tường thuật, và Đức Maria đã có mặt: trong phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu tại Cana trong 3 năm rao giảng, và trên đồi Gôngotha, dưới chân Thánh giá, nơi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng.

Lần xuất hiện thứ nhất, Đức Maria đã nói và cũng là câu cuối cùng Mẹ để lại cho chúng ta. Lần thứ hai, Chúa Giêsu cũng truyền lại câu cuối cùng cho hậu thế. Đó là hai câu di chúc có ý nghĩa  to lớn đối với mọi Kitô hữu.

Di chúc thứ nhất: “Người nói gì, các anh cứ làm theo.” (Ga 2,5)

Các Kitô hữu đang quây quần trong một gia đình, mà Chúa Giêsu là Cha, Đức Maria là Mẹ. Các Ngài luôn yêu thương và giàu lòng thương xót. Trong cuộc đời mỗi người, chuyện thăng trầm luôn là một quy luật và chúng ta đã vài lần cạn rượu trên con đường này. Rượu có thể là trí tuệ, hy vọng, sức khoẻ… Những lúc ấy, nếu người con biết chạy đến khẩn cầu với Cha Mẹ, chúng ta mới thấu hiểu tình yêu, sự quan phòng và quyền năng của các Đấng. Đức tin nhờ đó mà tạo ra một bước ngoặc hoặc chí ít cũng tăng trưởng.

Cách tăng trưởng đức tin như trên không đáng ca ngợi và không là cách tăng trưởng duy nhất. Nhưng thà rằng, chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa với một cách tiếp cận non kém, như người con thứ hai trong câu chuyên “người cha nhân lành”, còn hơn người con thứ nhất, không nhận ra tình yêu to lớn mà Cha dành cho chính mình và cả cho những người khác nữa.

Dân gian ta nói rằng, có hai thứ mà ta chỉ dễ nhận ra khi đã mất đi: tình yêu và sức khoẻ.

Thiên Chúa có cách dẫn dắt để đưa đức tin một cá thể được trưởng thành từ các tình huống cụ thể của cuộc sống đời thường. Ví dụ, Ngài dùng việc xin nước uống với người phụ nữ Samaria để diễn tả nguồn nước thiêng liêng, trường sinh; hoặc qua việc hoá nước thành rượu Ngài muốn hướng người nghe đến một tiệc thiên sai mà Ngài sẽ ban cho tràn trề qua sứ mệnh tử nạn và phục sinh của Ngài. Như thế, nước, rượu vật chất được Chúa Giêsu dùng để nâng lên ở mức cao hơn – mức tâm linh. Đây là cách dẫn dắt tự nhiên, phù hợp với giác quan hữu hạn của con người khi tiếp cận với thế giới thần trí.

Diễm phúc của Đức Maria không chỉ dừng lại ở mẫu tính về thể lý của Mẹ đối với Chúa Giêsu mà quan trọng hơn, chính Mẹ là người có phúc “vì biết nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Kinh nghiệm xin vâng của cả cuộc đời chính mình cũng chính là câu di chúc của Đức Maria để lại cho các Kitô hữu.

Rất kỳ lạ, nếu chúng ta cố gắng dùng 2 từ để tóm tắt lời di chúc của Đức Maria, thì đó là cụm từ xin vâng.

Xin vâng nghĩa là gì? Nghĩa là: một theo ý Cha đừng theo ý con; nghĩa là hình ảnh Ngài thì lớn lên còn hình ảnh con thì bé lại. Đạt tới trạng thái xin vâng đúng nghĩa là một quá trình, quá trình mà cái tôi của mỗi người phải tự hủy. Cũng vì lý do này, mà Thiên Chúa hay dùng những người khiêm hạ để là hoàn tất các công trình vĩ đại theo ý Ngài. Thánh Phaolô nói, nếu anh em có tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.

Đức Maria bảo: “Ngài bảo gì các anh cứ làm theo.” Còn Chúa Giêsu lại ân cần mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,29). Đây là 2 câu “thần chú” tuyệt vời mà mỗi chúng ta phải để nó thường trú trong tâm trí.

Thánh Don Bosco quả quyết: “Hãy tin tưởng vào Mẹ Maria, bạn sẽ thấy phép lạ là gì?”

Di Chúc thứ hai: “Này là con bà,… đây là mẹ con.” (Ga 19,26)

Có ít nhất 2 đặc điểm thể hiện mối tương quan với nhau giữa đoạn Tin Mừng mô tả tiệc cưới Cana và lúc Chúa Giêsu trên Thập giá, đó là từ “giờ” và từ “bà” trong hai văn bản này. Trong khi Đức Maria muốn nói đến rượu vật chất thì Chúa Giêsu muốn hướng tới rượu tâm linh, biểu hiện hoàn hảo cho ơn cứu độ. Khái niệm “giờ” trong câu “giờ tôi chưa đến” trong tiệc cưới Cana hàm quy chiếu đến giờ chết và tôn vinh Ngài trên Thập giá. Danh xưng “bà” trong tiệc cưới Cana làm chúng ta hơi lúng túng khi giải thích nếu chỉ xét trọng bối cảnh tiệc cưới, lại được giải thích một cách rõ ràng bởi một mạc khải trong đoạn Tin Mừng sau đó qua câu di chúc thứ hai, mà Chúa Giêsu nhắn nhủ lại cho con cái Người: “Này là con bà,… đây là mẹ con.” Chiều kích Thánh Mẫu học nhờ đó được lộ dần ra và chức năng mới của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu chuộc cũng được tỏ hiện. Mẹ Maria trở thành Mẹ của Gioan – đại diện cho các Tông đồ – cũng là đại diện cho thành phần ưu tú nhất của Giáo Hội thời sơ khai. Thánh Gioan được Đức Giêsu chọn lựa như là người mẫu mực của Giáo Hội vì lòng mến và đức tin của ngài là không quanh co và không buộc cần chứng cứ.

Mạc khải quan trọng này được tỏ ra muộn màng và bố trí ở phần cuối của Tin Mừng là hợp lý. Vì sao? Vì Thiên Chúa muốn nhấn mạnh: nhân vật chính của Tin Mừng là Chúa Giêsu, tâm điểm của Tin Mừng là cuộc Khổ nạn và sự Phục sinh vinh quanh của Ngài.

Trong lời di chúc thứ nhất, Đức Maria nhắn nhủ các gia nhân (đại diện cho chúng ta) hãy nhanh chóng vâng lời Đức Giêsu, như thế, Mẹ Maria đã thực hiện chức năng quan trọng nhất về mẫu tính siêu nhiên của mình. Đức Maria mong ước chúng ta thi hành một cách trọn vẹn những gì Thiên Chúa giảng dạy, và những người thực thi này sẽ tạo ra một cộng đoàn mới của Giao Ước Mới, đó là Giáo Hội.

Với di chúc thứ hai, Chúa Giêsu hàm ý cho chúng ta biết rằng, để trở nên con cái Thiên Chúa, là anh em với Đức Kitô, chúng ta phải đón nhận Đức Maria là Mẹ và là thành viên của Giáo Hội.

Di chúc thứ hai chỉ ra cho chúng ta một con đường ngắn để đến với Chúa, là hãy đón Đức Maria về nhà mình, đúng hơn là vào tâm hồn mình. Mẹ sẽ hướng dẫn và cầu nguỵện giúp chúng ta phương cách “xin vâng” đẹp lòng Thiên Chúa nhất.

Nhờ logic suy diễn, chúng ta sẽ trở thành người có phúc, nếu biết rước vào lòng mình Đức Maria – “Đấng mà muôn đời luôn khen Bà là người có phúc”.

Di chúc của một cá nhân được xem là tri thức tinh hoa và cần thiết nhất sau nhiều năm trải nghiệm, mà một người trước khi nằm xuống cần truyền cho thế hệ sau. Và nếu nhìn ở góc độ này, chúng ta mới đánh giá mức độ quan trọng của 2 câu di chúc và ý nghĩa của nó trong đời sống của mỗi Kitô hữu.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: “Chúng ta không thể đón nhận trọn vẹn Đức Trinh Nữ Maria là mẹ mà lại không ngoan ngoãn nghe lời Người, là lời chỉ cho chúng ta thấy Đức Giêsu là Thầy chân lý, là lời phải nghe và làm theo: Ngài bảo gì các anh cứ làm theo.”

Lạy Mẹ Maria, dù ngôi nhà, tấm lòng của con thật nhỏ bé, thậm chí rách nát, xấu xí và chẳng xứng đáng, chúng con vẫn luôn khao khát được Mẹ thường trú trong không gian này.

G. Tuấn Anh
Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment