- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Giáo Hội và … Lòng Thương Xót Chúa

Trong  bài thuyết trình của hồng y Walter Kasper về “ Lòng Thương Xót Chúa” tại Boston College  Hoa Kỳ ngày 01/5/2014 có nói “ Giới điều  Thương Xót áp dụng không những cho các Ki Tô Hữu mà cho cả Giáo Hội như một toàn thể. Nhiều người hỏi = Nếu Thiên Chúa luôn có lòng thương xót thì tại sao Giáo Hội lại không như vậy ? Hoặc tại sao GH xem ra không có lòng thương xót như Thiên Chúa ? Câu hỏi này tự nó nói lên sự băn khoăn của nhiều Ki Tô Hữu”.

Vin vào Lòng Thương Xót Chúa để rồi phê phán Giáo Hội không có lòng thương xót như Thiên Chúa. Lập luận này thực sự không có giá trị bởi vì nó đã đặt trên một  giả thiết = Nếu Thiên Chúa luôn có lòng thương xót…Tuy nhiên cũng  chính trên cái giả thiết đó mà đã đưa đến một quan niệm  hết sức nguy hại khác cho rằng Giáo Hội phải là Giáo Hội của và cho người nghèo “ Ở đây chúng ta không bàn về  từng mỗi chiều kích trên mà chỉ đề cập tới một khía cạnh rất quan trọng đối với đức giáo hoàng Phan Xi Cô. Giáo hội  như chứng tá của lòng thương xót  vốn là điều chủ yếu  trong chương trình muốn trở thành một Giáo hội nghèo cho người nghèo của ngài. Chương trình này không mới  như người ta tưởng. Nó vốn là chương trình của chính Chúa Giê Su Ki Tô. Người đến để rao giảng tin vui cho người nghèo ( Lc 4, 18) Không những  Người rao giảng. Người vốn là  đấng giàu  có đã trở thành nghèo  để chúng ta trở nên giàu có ( 2Cr 8, 9). Công Đồng Vatican II tiếp nhận sứ điệp này trong một chương HC Tín Lý về Giáo Hội, một chương hay bị quên  lãng sau CĐ nhưng đã trở nên quan trọng đối với nền thần học Nam Bán Cầu. Nay  đức giáo hoàng Phan Xi Cô đặt nó lên bàn để GH khắp thế giới đọc. Chúng ta thường quên mất rằng hai phần ba anh chị em Ki Tô Hữu  và Công giáo của chúng ta hiện đang sống ở Nam Bán Cầu và chúng ta quên  khuấy các nhu cầu của họ, các vấn đề  và các đòi hỏi của họ. Họ nghèo về vật chất nhưng sự thiêng liêng họ là các Giáo Hội quan yếu và đầy sinh động mà ta cần phải  chú ý lắng nghe. Họ tượng trưng cho tương lai của Giáo Hội” ( Nguồn Vietcatholic News 12/8/2015 – Vũ Văn An – Đức hồng y Walter Kasper – Lòng thương xót có nghĩa gì với đời sống và sứ vụ Giáo Hội ? ).

Chủ trương Giáo Hội là của và cho người nghèo, ai cũng biết đó là của Thần Học Giải Phóng xuát phát từ Mỹ Châu La Tinh một lục địa mênh mông của bất công và nghèo đói. Thứ thần học này trước đây đã từng bị Giáo Hội kết án và sự kết án đó là hoàn toàn xác đáng. Tại sao ? Bởi vì nó đã ngang nhiên chối bỏ Tin Mừng của Đức Ki Tô để theo một thứ Tin Mừng khác “ Tôi lấy làm lạ cho anh em sao lại vội lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh em bởi ơn sủng của Đức Ki Tô mà theo Tin Mừng khác. Nhưng không có Tin  Mừng nào khác đâu chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em muốn canh tân Tin Mừng của Đức Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ  từ trời xuống rao giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -8).

Đức Ki Tô xuống thế là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đây chính là sứ mạng được trao của Ngài “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng kéo đi tìm Ngài theo kịp muốn giữ Ngài lại không muốn Ngài đi khỏi họ. Nhưng Ngài nói với họ = Ta cũng còn phải rao giảng Tin Mừng Nước ĐCT cho các thành thị khác vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43). Dân chúng muốn giữ Chúa Giê Su ở lại để cứu chữa bệnh tật cho họ nhưng Ngài đã dứt khoát ra đi. Qua thái độ  của Chúa đối với dân thành Caphanaum cho thấy rõ ràng  mục đích khi đến thế gian của Ngài  không phải để chữa trị phần xác nhưng là phần tâm linh. Nếu không nhận ra như thế thì sẽ không có cách chi hiểu được lời Chúa nói với người đàn bà có đứa con bị kinh phong “ Ớ dòng dõi vô tín và bội nghịch kia Ta  còn ở cùng các ngươi và nhịn chịu các ngươi cho đến chừng nào ?( Lc 9, 41 ). Lại có người đàn bà xứ Canaan đến sụp lạy van xin cứu chữa cho đứa con bị quỷ ám. Chúa từ chối một cách thẳng thừng “ Chẳng lẽ Ta lại lấy bánh của con cái mà quăng cho chó sao ? ( Mc 7, 27 ).

Mặc dầu nói cứng cỏi  như thế nhưng trong mọi trường hợp Chúa  vẫn cứu chữa. Tuy nhiên có điều nên nhớ sự  cứu chữa ấy  thuần tuý chỉ  là lòng xót thương chứ không  phải mục đích đến của  Ngài. Mặt khác cũng chính vì  để cứu chữa phần tâm linh nên  Chúa  mới quở trách những kẻ đến tìm chỉ vì đã được Ngài  cho bánh ăn “ Quả thật  Ta nói cùng các ngươi, các ngươi tìm Ta chẳng phải  vì đã được thấy những dấu lạ bèn là vì đã được ăn bánh no nê. Chớ làm việc vì của ăn hay hư mất nhưng hãy vì của ăn còn lại đến sự sống đời đời là thứ Con Người sẽ ban cho các ngươi vì ấy  là Người mà Cha tức là ĐCT đã ấn chứng cho” ( Ga 6, 26 -27).

Đừng làm việc vì của ăn hay hư mất nghĩa là đừng tìm kiếm những lợi lộc địa vị công danh ở đời bởi lẽ tất cả những thứ đó chỉ là phù phiếm chóng qua.  Chẳng những chúng chẳng có giá trị gì mà còn là một trở ngại lớn lao cho con đường tìm  kiếm chân lý. Chúa Giê Su nói với  những người Do Thái đã tin Ngài rằng = Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32).  Đạo mà Chúa nói đây tức con đường  thực hiện tâm linh hầu nhận biết Sư Thật. Con đường này ngay khi còn tại thế Chúa đã thiết lập và đặt nền móng trên tảng đá Phê Rô “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng = Ngươi là Phê Rô Ta sẽ lập Hội Thánh ta trên vầng đá này cửa Hoả Ngục cũng chẳng thắng được nó” ( Mt 16, 18).

Lời Chúa nói Cửa Hoả Ngục cũng chẳng thắng được nó để ám chỉ cho những bách hại ghê gớm mà Giáo Hội sẽ phải gánh chịu trên bước đường rao giảng Tin Mừng “ Hãy ra đi khắp thế gian  rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt( Mc 16, 15). Mệnh lệnh của Chúa ai tin sẽ được cứu  còn ai không tin sẽ bị luận phạt vậy  đó là lòng tin nào ? Xin thưa đó là tin vào Tin Mừng Nước Trời “ Thời đã mãn Nước ĐCT đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15). Ăn năn sám hối tội lỗi mình và tin vào Tin Mừng đó là hai điều kiện thiết yếu để được cứu. Giữa hai điều = Ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng có một mối liên hệ khăng khít. Có  thực tình ăn năn sám hối thì mới có được lòng tin vào Tin Mừng. Càng có lòng ăn năn sám hối bao nhiêu thì càng có lòng tin vào Tin Mừng bấy nhiêu. Ngược lại không có lòng ăn năn sám hối thì không thể có lòng tin vào Tin Mừng. Lý do sự ăn năn sám hối và lòng tin vào Tin Mừng có sự liên hệ khăng khít như thế là bởi Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng là nước…nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước ĐCT  không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng không thể nói = Đây này hay đó kia vì này Nước ĐCT ở trong  các ngươi” ( Lc 17, 20 -21).

Đây này, đó kia là để chỉ cho không gian và thời gian. Nước Trời là …nước siêu việt cả không gian lẫn thời gian. Mặc dầu siêu việt như thế nhưng mầu nhiệm thay nước ấy lại hiện hữu ngay ở nơi cung lòng  mỗi người chỉ cần có lòng tin và sự ăn năn sám hối tất sẽ gặp được. Khi nói đến Nước Trời người ta hình dung ngay ra…nước ấy có một nơi chốn trong không gian nào đó. Điều này có thể tốt mà cũng không tốt. Sở dĩ tốt là vì nó khiến con người dễ dàng quy hướng nhưng lại không tốt khi người ta vin vào khoa học thiên văn để  cho rằng chẳng hề có một thứ Nước Trời hay Thiên Đàng nào trên các tầng không gian đó. Cũng vì không tin nên  Các Mác mới nặng lời kết án Công giáo cho đạo này chỉ la thứ thuốc phiện đầu độc quần chúng  nhân dân lao động.

Vì tính chất khó tin của Tin Mừng như thế nên công cuộc truyền giáo của Giáo Hội ở bất cứ phương trời nào cũng luôn bị chống đối bách hại. Sự bách hại ấy  là đương nhiên bởi lẽ thế gian u mê không bao giờ có thể chấp nhận Sự Thật.” Con đã ban đạo Cha cho họ mà thế gian ghen ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy. Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ  cho họ khỏi sự ác” ( Ga 17, 14 -15).

Chúa gìn giữ khỏi sự ác không có nghĩa là tránh cho Giáo Hội khỏi bị bách hại nhưng là thoát khỏi những mưu kế hãm hại của kẻ thù và kẻ thù đây chính là Sa Tan “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9). Lịch sử trong bấy lâu nay cho thấy Giáo Gội đã thoát khỏi biết bao cơn hiểm nạn là các tà thuyết và lạc giáo. Sự thoát hiểm ấy hoàn toàn không phải do nơi tài trí khôn ngoan của Giáo Hội nhưng tất cả là do Lòng Thương Xót Chúa. Đối với từng mỗi cá nhân hay toàn thể Giáo Hôi  thì Lòng Thương Xót Chúa  “ Từ đời nọ tới đời kia vẫn dành cho những kẻ kính sợ Ngài” ( Lc 1, 50). Lòng Thương Xót Chúa  không phải là vô điều kiện nhưng chỉ dành cho những ai có lòng kính sợ Ngài. Sự kính sợ ở đây không hề mang tính hãi sợ đối với một Đấng  Thiên Chúa quyền uy nào đó nhưng là lòng yêu mến do việc tuân giữ các giới răn “ Ai có các điều răn Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 21).

Chỉ những ai  tuân giữ giới răn  mới thật sự có lòng yêu mến Chúa bởi lẽ giới răn  gìn giữ ta trên con đường  trở về với Đấng Chúa ở nơi mình. Trong dụ ngôn “ Người con hoang đàng trở về” cho thấy người cha không khi nào không thương xót chờ đón  đứa con tội nghiệp  nhưng người cha  chỉ ôm vào lòng khi nó trở về “ Vì con ta đã chết mà  lại sống. Đã chết mà nay  tìm lại được” ( Lc 15, 24).

Lòng Thương Xót Chúa hẳn nhiên dành cho tất cả nhất là các tội nhân nhưng nếu họ không quyết tâm trở về sống đời sống tuân giữ các giới răn thì Lòng Thương Xót Chúa cũng chỉ vô ích thôi. Sống mà không có các giới răn gìn giữ thì không thể  không sống trong tội mà đã sống trong tội thì chẳng có ơn nghĩa gì với Chúa “ Hễ ai cứ ở trong Ngài thì  không phạm tội còn hễ ai phạm tội thì  đã không thấy Ngài và cũng chẳng từng biết Ngài. Hỡi các con bé mọn chớ để ai lừa dối mình. Kẻ làm sự công chính thì là người công chính cũng như chính Ngài là công chính vậy. Kẻ nào phạm tội  thì thuộc về ma quỷ vì ma quỷ phạm tội từ ban đầu. Con ĐCT đã hiện ra cốt để trừ diệt công việc của ma quỷ” ( 1Ga 3, 6 -8).

 

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]