Giáo hoàng của lòng dũng cảm và khiêm tốn

“Cha còn có chỗ để ra đi.
 Còn chúng con, bao người đau khổ chẳng có chỗ nào để mà ra đi.”

Ngày… tháng… năm…

Cha kính yêu,

Khi ở Việt Nam mọi người đang vui vẻ ăn Tết thì vào ngày Mồng Hai Tết 11-02-2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, chúng con nhận được một tin bất ngờ gây bàng hoàng trong ngày đầu năm với lời tuyên bố rõ ràng của cha trước Công nghị các hồng y được triệu tập về Vatican:

“Trước một thế giới với quá nhiều thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu xa đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các hồng y ngày 19-4-2005…”

Sau những giây phút ngỡ ngàng, ngẫm nghĩ lại, con thấy cảm phục cha vô cùng vì đây là một quyết định hết sức dũng cảm, sáng suốt và khiêm tốn, không phải ai cũng có thể làm được. Chính vì thế mà con muốn gọi cha là “GIÁO HOÀNG CỦA LÒNG DŨNG CẢM VÀ KHIÊM TỐN”. Khiêm tốn vì cha đã thành thật nhìn nhận “năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình”. Có mấy người đang ngồi ở địa vị cao nhất mà dám khiêm tốn nhìn nhận sự bất lực của mình không thể đáp ứng được sứ vụ. Dũng cảm vì cha đã “tha thiết nài xin Chúa soi sáng cho tôi bằng ánh sáng của Người để tôi quyết định đúng không phải vì lợi ích của tôi, nhưng vì lợi ích của Hội Thánh. Tôi đã thực hiện bước này trong ý thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng cũng như sự mới mẻ của nó, nhưng với một sự bình an sâu xa trong tâm hồn. Yêu Hội Thánh cũng có nghĩa là có can đảm để có những lựa chọn khó khăn, đau khổ, nhưng luôn luôn đặt trước mặt mình lợi ích của Hội Thánh chứ không của bản thân mình”. Một lựa chọn khó khăn và đau khổ để có một quyết định không vì lợi ích bản thân nhưng vì lợi ích của Hội Thánh, đó không phải là một hành động dũng cảm mà chúng con phải nghiêng đầu kính phục sao?

Hôm nay con mạo muội viết thư này cho cha như một người con viết cho cha của mình với tình con thảo không chút ngại ngùng vì như cha đã nói trong buổi tiếp kiến cuối cùng: “Tôi cũng nhận được rất nhiều thư từ những người bình dân, họ viết cho tôi chỉ đơn thuần từ tấm lòng và làm cho tôi cảm thấy tình cảm của họ phát sinh từ việc cùng nhau ở với Chúa Giêsu Kitô trong Hội Thánh. Những người này không viết cho tôi theo cách một người viết cho một hoàng tử hoặc một vĩ nhân mà họ không biết. Họ viết cho tôi như anh chị em, như con cái trong nhà với ý thức về những mối liên hệ gia đình rất trìu mến.”

Trong lúc mọi người đang hoang mang không biết tương lai Giáo Hội Công Giáo sẽ đi về đâu sau khi cha từ nhiệm, thì cha đã khẳng định rõ ràng với 170.000 khách hành hương, đặc biệt có rất đông sinh viên học sinh và các bạn trẻ từ khắp nơi kéo đến dự buổi tiếp kiến chung cuối cùng của cha tại Quảng trường Thánh Phêrô vào sáng thứ tư 27-2-2013: “Tôi luôn biết rằng có Chúa ở trong thuyền, và tôi luôn biết rằng thuyền Hội Thánh không phải là của tôi, không phải là của chúng ta, nhưng là của Chúa. Và Chúa sẽ không để nó bị chìm.” Rất tiếc hôm đó con không đến được để cùng với hàng trăm ngàn người bày tỏ lòng yêu mến, sự gắn bó thân thương và lòng biết ơn vì tất cả những gì cha đã cống hiến cho Giáo Hội và cho toàn thế giới trong gần 8 năm trị vì. Hôm đó có khoảng 70 hồng y, hàng chục tổng giám mục, giám mục, các đức ông thuộc các cơ quan trung ương Toà Thánh, hàng ngàn linh mục tu sĩ nam nữ các dòng tu. Và trong các phái đoàn hành hương đến chào tạm biệt cha hôm ấy cũng có một nhóm Công giáo Việt Nam từ Đức.

Chắc cha cũng cảm thấy được an ủi rất nhiều khi các đoàn hành hương đã mang theo cờ Toà Thánh và cờ của mỗi quốc gia. Họ giăng nhiều biểu ngữ viết tên thành phố của họ và các câu như: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con yêu mến ngài”, “Cám ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI”, “Cha luôn luôn là Phêrô và giới trẻ chúng con yêu mến cha”, “Chúng con gần gũi cha luôn luôn”, “Cám ơn Đức Thánh Cha nhiều lắm”…

Con nhớ buổi tiếp kiến chung lần đầu tiên trong cương vị Giáo hoàng của cha là ngày 27-4-2005, và trong gần 8 năm trị vì cha đã có 348 buổi tiếp kiến chung với 5.116.600 tín hữu tham dự. Số tín hữu tham dự đông nhất là vào năm 2006 với con số 1.031.500 người trong 45 buổi tiếp kiến.

Con nói rằng đây là buổi gặp gỡ cuối cùng, vì vào lúc 20 giờ tối thứ năm 28-2-2013 giờ Roma, cha kết thúc nhiệm vụ Chủ Chăn Giáo hội Công giáo hoàn vũ và chúng con dù có thương nhớ cha cách mấy cũng sẽ không thể gặp cha như hôm nay được nữa.

Con may mắn được gặp cha 2 lần tại Roma. Lần đầu tiên lúc con theo phái đoàn linh mục tu sĩ Việt Nam tháp tùng Đức Tổng Giám mục Gioan B. Phạm Minh Mẫn qua Roma nhận mũ và gậy hồng y. Lúc đó cha còn là hồng y phụ trách Thánh Bộ Giáo lý Đức tin đứng bên cạnh Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong suốt thánh lễ ngày 21-10-2003. Lần thứ hai khi con đi tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới từ ngày 16 đến 21-8-2005 tại chính quê hương của cha ở bên Đức. Lúc này cha đã lên ngôi Giáo hoàng với danh xưng Bênêđictô XVI nhưng chúng con thấy cách tiếp xúc của cha rất giản dị và nồng nhiệt. Chúng con đã có một đêm canh thức ngoài trời để cầu nguyện cùng với cha và hôm sau con được đồng tế với cha trong thánh lễ bế mạc đại hội.

Con chắc chắn sẽ không có cơ hội gặp lại cha lần thứ ba nữa rồi, vì vào lúc 11 giờ sáng thứ năm 28-2-2013 cha đã gặp các hồng y trong Phòng Clemente để chào từ biệt. Sau đó lúc 5 giờ chiều, cha lấy trực thăng bay đến dinh nghỉ mát Castel Gandolfo. Nửa tiếng sau, cha ra bao lơn Castel Gandolfo để chào các tín hữu và đây là lần xuất hiện cuối cùng của cha trong tư cách là Giáo hoàng Roma.

Trong tình yêu mến quý trọng, chúng con vẫn tiếp tục được gọi cha là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, hay Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, hay Đức nguyên Giáo hoàng, nhưng cha sẽ chỉ mặc áo chùng trắng, không có mảnh áo khoác ngắn trên vai, không có nhẫn Giáo hoàng, cũng không mang giày màu đỏ. Cha cởi bỏ đôi giày màu đỏ của một giáo hoàng để mang vào chân đôi giày da, không thắt dây, màu huyết dụ hay màu nâu được làm tại Mexicô. Những chiếc giày da này là quà của một người dân Mễ tặng cha trong chuyến du hành cuối cùng thăm nước Mễ hồi tháng 3-2012.

Con không thể gặp cha được nữa vì hiện nay cha cư ngụ tại Castel Gandolfo vài tháng rồi cha sẽ về sống ẩn dật trong tu viện của các nữ tu Dòng Kín đang được tu sửa lại ở nội thành Vatican trong thinh lặng và cầu nguyện. “Tôi không từ bỏ Thánh Giá, nhưng tôi ở lại một cách mới mẻ với Chúa Chịu Đóng Đinh. Tôi không còn mang quyền bính của chức năng điều hành Hội Thánh nữa, nhưng vẫn còn ở lại trong sứ vụ cầu nguyện…Tôi sẽ tiếp tục đi theo cuộc hành trình của Hội Thánh bằng cầu nguyện và suy niệm.”

Cha kính yêu,

Rời ngôi vị Giáo hoàng, cha để lại cho chúng con nhiều ấn tượng lắm:

– Một loại bia có tên “Bia Giáo Hoàng” được hãng bia Weideneder Brau Vertriebs Gmbh bên Đức tung ra thị trường và trên nhãn hiệu dán ở mỗi chai có ghi đậm hàng chữ “Dành riêng cho Đứa Con Vĩ Đại của Tổ Quốc: Giáo hoàng Bênêđictô XVI”.

– Tính đến ngày thoái vị, cha đã ở ngôi giáo hoàng được 2.873 ngày, tức là 7 năm, 8 tháng và 10 ngày, đã thực hiện 24 chuyến tông du đến 6 lục địa và 3 lần chủ trì Đại hội Giới trẻ Thế giới. Hàng triệu người trẻ đã đánh giá cao nụ cười của cha và những lời tâm sự chân thành phát xuất từ con tim chứ không phải là ngôn ngữ ngoại giao.

– Cha là vị hồng y cao tuổi nhất được bầu làm Giáo hoàng kể từ năm 1730. Cha thông thạo các thứ tiếng Latinh, Đức, Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, và một ít tiếng Bồ Đào Nha.

– Cha là người con út trong 3 người con của Ông cố Josef Ratzinger. Cả ba người con không ai chọn nghề cảnh sát của ông cố. Người anh cả trở thành Đức ông Georg Ratzinger, cô em gái thành Nữ tu Mary, và cậu em trai thành Giáo hoàng. Như vậy là dòng họ Ratzinger của cha không có người “nối dõi tông đường” nữa rồi, giống như gia đình của con vậy!

– Cha thích nuôi mèo nên có tới hai con mà một con là mèo hoang cha đã bắt gặp trong thành phố Roma. Cha giải trí bằng đàn piano, nghe nhạc Mozart và Beethoven mỗi ngày. Vào lúc thoái vị, cha vẫn còn giữ được các con thú nhồi bông do chính tay mẹ của cha làm cho lúc cha còn thơ ấu.

– Cha thụ phong linh mục ngày 29-6-1951. Ba năm sau lấy bằng Tiến sĩ Thần học. Từ 1957 đến 1969 làm Giảng sư Thần học tại các tu viện ở Freising, Bonn, Munster, và Tubinga. Từ năm 1969, cha làm Viện Phó và Giảng sư Thần học Viện Đại học Regensburg.

– Năm 1981, cha được bổ nhiệm làm Chủ tịch Bộ Giáo lý và Đức tin, Chủ tịch Uỷ ban Kinh Thánh kiêm chủ tịch Uỷ ban Thần học Quốc tế của Giáo hoàng. Năm 1988, cha được chọn làm phó chủ tịch, rồi 4 năm sau trở thành Chủ tịch Hồng y đoàn.

– Cha được báo Time bầu chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới. Trong cuộc bầu cử của Mật nghị Hồng y, cha được chọn với kết quả nhanh một cách kỷ lục, chỉ vào ngày thứ nhì, ở vòng bầu cử thứ tư.

Thưa cha,

Thường những người “làm lớn”, những người “quyền cao chức trọng” hay cảm thấy cô đơn vì không ai dám gần gũi, không có người để cảm thông chia sẻ. Có khi do cách sống của người ấy quan liêu quá, xa cách quá, độc quyền, độc đoán, độc tài và tỏ ra quyền hành hống hách quá nên không ai dám lại gần. Thế nhưng với cha lại khác, cha nói: “Một Giáo hoàng không hướng dẫn thuyền của Thánh Phêrô một mình, ngay cả khi trách nhiệm đầu tiên là của ngài. Tôi đã không bao giờ cảm thấy cô đơn trong việc gánh vác niềm vui và gánh nặng của sứ vụ giáo hoàng. Chúa đã gởi nhiều người đến giúp đỡ và gần gũi tôi với lòng quảng đại và tình yêu đối với Thiên Chúa và Hội Thánh.”

Vào ngày lịch sử 27-2-2013, trong suốt mấy tiếng đồng hồ chờ đợi, các sinh viên học sinh và bạn trẻ đã liên tục gọi tên cha, hát xướng và vỗ tay. Chiếc xe díp trắng chở cha đi một vòng các lối đi ở quảng trường để cha vẫy tay chào giữa tiếng vỗ tay của mọi người, cha cho chúng con thấy thế nào là Gia Đình Hội Thánh: “Vào lúc này, tôi muốn hết lòng cảm ơn tất cả mọi người trên thế giới, trong những tuần gần đây đã gửi cho tôi những bằng chứng cảm động của sự quan tâm, tình bằng hữu và cầu nguyện. Vâng, Giáo hoàng không bao giờ cô đơn, giờ đây tôi lại cảm nghiệm nó một lần nữa một cách quá tuyệt vời đến nỗi nó chạm vào trái tim tôi. Giáo hoàng thuộc về tất cả mọi người và rất nhiều người cảm thấy rất gần với ngài… Ở đây người ta có thể trước hết cảm nhận được thế nào là Hội Thánh. Đó không phải là một tổ chức, một hiệp hội với mục đích tôn giáo hay nhân đạo, nhưng là một thân thể sống động, một cộng đồng anh chị em trong Thân Thể của Chúa Giêsu Kitô, Đấng hợp nhất tất cả chúng ta. Để kinh nghiệm Hội Thánh theo cách này và hầu như có thể sờ bằng hai bàn tay của anh chị em quyền năng của chân lý và tình yêu của Hội Thánh, đó thực sự là một nguồn vui, trong thời kỳ mà nhiều người nói về sự suy thoái của Hội Thánh. Chúng ta hãy xem Hội Thánh vẫn sống động hôm nay như thế nào!”

Năm 2006, trong một buổi nói chuyện truyền hình, cha nói về giáo hội trong thế giới hôm nay như sau: “Kitô giáo, Công giáo không phải là một tổng thể những điều cấm đoán, nhưng là một sự lựa chọn tích cực. Và làm sao để điều này nhìn thấy được là một việc rất quan trọng, bởi vì ngày nay, ý thức này đã gần như biến mất hoàn toàn.”

Cha kính yêu,

Nhiều người nuôi những tham vọng có được chức tước địa vị, và tìm mọi cách để thoả mãn khát vọng ấy, không phải chỉ những người sống ở ngoài đời mà còn ngay cả trong những người tu trì nữa. Họ chỉ biết sống cho mình, lo cho bản thân mình, lo hưởng thụ, vinh thân phì gia. Thế nhưng khi lãnh nhận trách nhiệm trong giáo hội vào ngày 19-4-2005, cha đã cảm nhận được sự từ bỏ hoàn toàn, cha thuộc về chúng con, và cho đi là nhận lại, chúng con thuộc về cha: “Người nào đảm nhận sứ vụ Giáo hoàng không còn có bất kỳ sự riêng tư nào. Người ấy hoàn toàn thuộc về mọi người, thuộc về toàn thể Hội Thánh. Có thể nói nói rằng đời sống của người ấy hoàn toàn bị mất đi chiều kích riêng tư. Tôi đã và đang kinh nghiệm chính lúc này rằng một người nhận được sự sống khi cho nó đi. Tôi đã nói trước đây rằng nhiều người yêu Chúa cũng yêu người kế vị Thánh Phêrô và thích ngài, rằng Giáo hoàng thực sự có anh em và chị em, con trai và con gái trên toàn thế giới, và rằng ngài cảm thấy an toàn trong vòng tay hiệp thông của họ, bởi vì ngài không còn thuộc về mình, mà thuộc về tất cả, và tất cả thuộc về ngài.”

Con còn nhớ tám năm trước đây, vào ngày 19-4, dù đã 78 tuổi nhưng cha vẫn can đảm chấp nhận gánh vác sứ vụ nặng nề với niềm tin chắc chắn vào sự sống của Hội Thánh và vào Lời Chúa. Cha đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Đây là một gánh nặng lớn mà Chúa đặt trên đôi vai con, nhưng nếu đây là điều Chúa muốn con làm, thì vâng lời Chúa, con sẽ thả lưới, với niềm tin tưởng chắc chắn rằng Chúa sẽ hướng dẫn con, ngay cả với tất cả những yếu đuối của con.”

Trong lời tuyên bố đầu tiên tại quảng trường Thánh Phêrô, cha tự nhận: “Tôi là người thợ hèn mọn trong vườn nho của Thiên Chúa.” 5 năm sau, cha vẫn khiêm tốn tâm sự: “Mỗi ngày có một nỗi lo là đủ cho một con người, và không thể chịu đựng hơn. Bên cạnh những vị Giáo hoàng vĩ đại, thì cũng có những vị Giáo hoàng nhỏ bé chỉ đóng góp được những gì ngài có.” Cha đã chia sẻ với nhà báo Peter Seewald: “Phải quan tâm dành thời gian để nghỉ ngơi và cũng phải hiện diện một cách thích đáng khi người ta cần đến mình.”

8 năm sau, chính cha đã cảm nghiệm được rằng Chúa thực sự hướng dẫn cha, gần gũi cha. Trong cuộc hành trình theo Chúa phục vụ Hội Thánh có những lúc vui mừng rực sáng, được đón tiếp nồng nhiệt, nhưng cũng có những lúc khó khăn đen tối, gặp chống đối tư bề.  Cha đã đồng cảm như Thánh Phêrô và các Tông đồ trong thuyền trên Biển Hồ Galilê là có lúc Chúa cho biển êm sóng lặng, bắt được rất nhiều cá, rồi có những lần biển động sóng gió dữ dội mà dường như Chúa vẫn ngủ. Nhưng cha xác tín: “Tôi luôn biết có Chúa ở trong thuyền, và tôi luôn biết rằng thuyền Hội Thánh không phải là của tôi, không phải là của chúng ta, nhưng là của Chúa. Và Chúa sẽ không để nó bị chìm. Chính Người dẫn đạo nó, chắc chắn là qua những kẻ mà Người đã chọn, bởi vì Người muốn như thế. Đây là một điều chắc chắn mà không có gì có thể làm lu mờ. Và đó là lý do tại sao hôm nay tâm hồn tôi tràn đầy lòng biết ơn Thiên Chúa vì Ngài đã không bao giờ để cho toàn thể Hội Thánh hoặc tôi thiếu sự an ủi, ánh sáng và tình yêu của Ngài.”

Cha kính yêu,

Người đời luôn mong ước “phải có danh gì với núi sông”, phải có địa vị chức tước nào đó, phải có vai vế nào đó để hãnh diện với mọi người, mà không thấy rằng ơn lớn nhất là được làm con Chúa, làm một Kitô hữu. Đó là ơn lớn hơn cả làm giáo hoàng, làm hồng y, làm tổng thống, làm chủ tịch, làm bề trên… như cha viết: “Tôi muốn mọi người cảm nhận được niềm vui của việc là một Kitô hữu. Trong một kinh nguyện đẹp được đọc hàng ngày vào buổi sáng, có nói rằng: “Lạy Thiên Chúa của con, con thờ lạy Chúa, con yêu mến Chúa hết lòng hết sức. Con cảm tạ Chúa vì đã dựng nên con, đã cho con làm Kitô hữu…” Phải, chúng ta rất vui mừng vì hồng ân đức tin, là điều quý giá nhất mà không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta được!”

Sự kiện cha từ chức “là một tiếng sét đánh giữa trời quang” – nói như lời một nguyên thủ quốc gia. Các quốc gia lên tiếng, các giới chức sắc của Giáo Hội lên tiếng. Con đọc ở trong Ephata 550, Cha Vinh Sang, DCCT, viết: “Quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI làm hình ảnh một ông cụ (theo cảm nhận của tôi) khô cứng, không gần gũi với quần chúng, quá lý trí, đã vụt sáng, trở thành một bài học sống động, hùng hồn, cụ thể và mạnh mẽ về sự khiêm tốn thánh thiện. Giữa lúc việc rời khỏi các vị trí lãnh đạo quyền cao chức trọng khó khăn biết chừng nào, nhất là trong xã hội Việt Nam, một xã hội ganh đua nhau quyền chức, hại lẫn nhau để tranh dành, bám quyền bám ghế… thì biến cố con người số một trong thế giới tinh thần, quyết định rời chức để lui vào cầu nguyện là một quyết định quá khiêm tốn và gương mẫu.”

Đây là sự kiện lịch sử vô cùng hiếm, lần cuối cùng xảy ra hồi Đức Giáo hoàng Gregory XII từ chức vào ngày 4-7-1415. Cha muốn biết giáo dân Việt Nam nghĩ gì về trường hợp của cha không?

“Bất ngờ nhưng cần thiết!” Ông Phêrô Nguyễn Văn Đỉnh cư ngụ ở Gò Vấp, dù chỉ là một người chạy xe ôm nhưng khi hỏi về vấn đề này, ông đã nói như thế. Ông cho biết, giới xe ôm rất thạo tin, sáng sớm khi chưa có khách chạy, họ thường ngồi đọc báo và đón khách. Buổi sáng 11-2-2013, khi đọc tin Đức Giáo Hoàng sẽ từ nhiệm, ông và bạn bè rất bất ngờ và ngạc nhiên, vì từ thuở bé đến giờ chưa thấy sự như thế. Sau này ông tìm hiểu và biết rằng cả 600 năm nay mới lại có một quyết định như thế của người đứng đầu toà Phêrô. “Nhưng cần thiết” – người lái xe ôm gật gù – “Trong tình trạng hiện nay là cần thiết!” Cũng theo cắt nghĩa của người lái xe ôm, “thời bây giờ ngoài trần thế, ai mà có tí chức quyền, bẩy cũng không đi, muốn mọc rễ, vì ngồi lì ở địa vị đó là có lợi, có danh, có uy lực, ngồi trên đầu trên cổ mà bắt nạt thiên hạ. Còn trong Giáo Hội đó cũng là vấn đề tế nhị và nan giải. Bởi thế, Đức Thánh Cha làm việc này thật là một bài học cho những ai “tham quyền cố vị”. Nói nôm na, cha dạy cho người ta: cứ mọc rễ ì ra đó mà mình thực sự yếu kém thì chẳng ra cái gì. Nhổ cái rễ từ chính ý thức hệ của mình là rất cần thiết!”

Trong cuộc phỏng vấn với ký giả Peter Seewald vào năm 2010, chính cha cũng trả lời về vấn đề đó như sau: “Nếu một vị Giáo hoàng rõ ràng nhận thấy mình không còn đủ thể chất, tâm lý và tinh thần để cáng đáng các nhiệm vụ của mình, ngài có quyền, và thậm chí, trong một số hoàn cảnh, có nghĩa vụ phải thoái vị.”

Tại khu chợ Tân Phú, con tìm gặp các chị em tiểu thương, đang lo tính bạc tiền tích góp trong một ngày. Khi được hỏi về vấn đề Đức Giáo Hoàng, các chị ngại ngần: “Chúng em biết gì đâu mà nói!” Được động viên rằng “ thì các chị cứ nói thật suy nghĩ của mình, nghĩ sao nói vậy”. Một chị tên Lộc, bán cá khô, cho hay: “Mình làm dân chả biết gì, nhưng nghe thế cũng lo!” Hỏi sao lo, thì chị bảo: Đạo với đời cũng nhiều sự giống nhau, đi bán buôn cũng có phường bạn đàng hoàng, cũng phải có một người cầm trịch. Đạo mình đông như thế, mà Đức Giáo hoàng từ nhiệm khi chưa có người thay, sợ loạn lắm. Hỏi sợ loạn gì, chị bảo: “Giá ngài nghỉ mà có chuẩn bị cắt cử người thay thế thì không sao, chớ đàng này ngài nghỉ cái đùng, nghe bảo còn phải họp phải bầu, lỡ xảy ra tranh giành quyền lực, chạy chọt vận động theo kiểu thế gian. Đạo khác dòm vô, đẹp không sao, chớ không ra gì là cũng xấu hổ chứ. Người ta bảo là rắn mất đầu mà!” “Lo gì, có Chúa liệu rồi thì cũng xong!” một chị khác bảo với con như thế.

Gọi cửa một nhà giáo dân tương đối khấm khá, cũng tham gia sinh hoạt ở nhà thờ. Khi hỏi về vấn đề Đức Giáo Hoàng từ nhiệm, con nhận được sự thờ ơ: “Xời ơi! Sức đâu mà lo chuyện bao đồng. Cứ chăm chỉ đi nhà thờ, cha xứ dạy sao nghe vậy tốt rồi. Biết chi cho lắm!”

“Ngài trở nên vĩ đại bởi khiêm nhường”, gặp Đỗ Minh Hội, thủ khoa trường Lao Động và Xã hội, bạn kết luận một câu như thế. Hội là một tân tòng và có nhiều hoạt động xã hội cùng với các thanh niên Công giáo. Theo Đỗ Minh Hội, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI là con người rất dũng cảm. Ngài đã dũng cảm thừa nhận yếu kém của bản thân, dũng cảm nhận mình không còn đủ sức gánh vác công việc mà Giáo Hội giao phó. Đó là điều rất khó khăn xét về thân phận con người bình thường, có lẽ Chúa Thánh Thần đã soi sáng để Giáo hoàng nói ra điều đó. Tinh thần khiêm nhường của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã thể hiện rạng ngời trong sự kiện từ nhiệm này. Theo Minh Hội, thế gian sẽ không nhớ nhiều nếu ngài là một Giáo Hoàng mệt mỏi trì trệ, bám chắc lấy ngôi cao – vì thực ra ngài hoàn toàn có quyền ngự lãm như thế tới mãn đời như một chúa sơn lâm lụ khụ già nua giữ rịt lấy ngôi Chúa tể! Nhưng nhân loại sẽ nhớ, sẽ yêu, sẽ tôn quý một cha già Bênêđictô tự ý về vườn vì ý thức rất rõ riệc mình cần phải làm, ý thức rất rõ việc khiêm nhường lùi lại phía sau chính là góp thêm một ngọn gió lành đẩy con thuyền Giáo Hội vượt thắng gian lao đi về phía trước.

Người cuối cùng mà con gặp là một người phụ nữ làm công tác xã hội, chị đề nghị giấu tên. Ý kiến của chị: “Đây là một sự kiện vĩ đại!” Theo chị, phải có một sự kiện như thế, mà sự kiện này chắc chắn không ngoài thánh ý Chúa. Thông qua sự kiện này, cha gửi một cái tát thực sự choáng váng nhưng ẩn chứa yêu thương tới con người: Phải đổi mới, canh tân, từ bỏ những xưa cũ trì trệ, không tham quyền cố vị, bám lấy lợi lộc trần gian. Chức quyền cũng chỉ là phương tiện Chúa ban để phục vụ anh em. Làm hết mình, và khi mệt mỏi thì hãy lui vào một chốn kín đáo mà ngơi nghỉ.

Một ngơi nghỉ đúng lúc, trong sáng, cũng là một nguồn sức mạnh tuyệt vời phải không cha. Và chúng con hy vọng sẽ có một chuyển giao mới đầy sinh khí trong Giáo Hội và hoàn vũ.

Cha ơi,

Thư của con khá dài rồi đó, nhưng bây giờ cha có nhiều thì giờ để đọc, con không lo bị bỏ xó. Tâm trạng của con bây giờ cũng gần giống tâm trạng và hoàn cảnh của cha, cho nên con xin mượn lời Đức cha Bùi Tuần viết đôi lời từ biệt cha, cũng chính là nỗi lòng hiện thời con muốn tâm sự với cha để xin cha cầu nguyện cho con:

“Cha ra đi khi đã thoái vị giáo hoàng, nhưng cha không thể từ nhiệm ơn gọi bước theo Chúa Kitô. Tối Thứ Năm đó, Đức Kitô đã một mình ra đi. Người một mình vào vườn Cây Dầu. Ở đó, Người sợ hãi xao xuyến. Người đã xin Đức Chúa Cha, nếu có thể, thì cho Người khỏi uống chén đắng đang kề. Nhưng sau cùng, Người đã xin vâng ý Chúa Cha. Người không từ chối trách nhiệm đớn đau mà Chúa Cha muốn Người phải thi hành. Người đi vào cuộc tử nạn một mình. Người vác thánh giá một mình. Người chịu đóng đinh trên thánh giá một mình giữa hai phạm nhân tử tội. Người một mình chịu thương khó để dâng mình đền tội cho nhân loại.

Cha đi, nếu cha cũng sẽ được ơn gọi bước theo Đức Kitô như thế, thì thiết tưởng đó là một vinh quang mà năm Đức Tin cần tuyên xưng. Bởi vì theo đức tin, ơn cứu độ sẽ đến từ Thánh Giá Đức Kitô.

Từ nay, trong cảnh tĩnh mạc của cuộc đời hưu, cha sẽ có hoàn cảnh thuận lợi để cầu nguyện nhiều hơn. Trong đời cầu nguyện thẳm sâu ấy, xin cha thương nhớ đến chúng con, nhất là những đứa con đang hấp hối, quằn quại rên siết trong gian nan, thử thách muôn vàn. Cha còn có chỗ để ra đi. Còn chúng con, bao người đau khổ chẳng có chỗ nào để mà ra đi.”

Người con xứ Việt

Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment