Gia đình và Thánh Thể

Vấn đề tiếp tục gây chia rẽ trong Giáo Hội hiện nay đó là có nên cho người ly dị tái hôn được rước lễ hay không ? Theo quan điểm cấp tiến mà đại diện là  đhy Reinhard Marx, tgm Munich và Freising, chủ tịch HĐGM Đức, thành viên HĐ Hồng Y cố vấn cho ĐGH trong việc cai quản Giáo Hội…thì không những được phép mà còn cần nên…chào đón họ “Thánh Thể và hòa giải là điều cần thiết đối với người ta. Ta nói với ai đó = Bạn sẽ không bao giờ được hòa giải cho tới khi chết. Điều này không thể tin được nếu cha thấy rõ hoàn cảnh. Tôi xin đưa ra một thí dụ. Trong tinh thần “ Niềm Vui Tin Mừng” ta phải nhìn ra Thánh Thể là thuốc chữa đối với người ta để giúp người ta. Ta phải tìm cách để người ta được rước lễ chứ không phải là tìm cách ngăn cấm họ. Ta phải tìm cách chào đón họ.  Ta phải dùng óc tưởng tượng để đặt câu hỏi = Ta có thể làm được điều gì chăng ? Trong một số tình huống có thể ta không làm gì được. Đó là vấn đề  Tập Chú phải là: Làm thế nào để chào đón người ta ?” ( Nguồn Vietcatholic News 16/2/2015 – Đhy Marx phát biểu về đức Phan Xi Cô – THĐ và Phụ Nữ  trong GH )

Cuộc khủng hoảng về gia đình ngày càng trầm trọng, các con số thống kê cho thấy tình trạng ly hôn ly dị gia tăng cách đáng sợ tại các nước phương tây kể cả Mỹ. Riêng với Công giáo thì ngoài ảnh hưởng của xã hội, Giáo hội  còn phải giải quyết những vấn đề có liên quan đến mục  vụ, giáo lý. Người Công giáo không được phép ly dị bởi như thế là trái với luật Chúa “ Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không thể  phân ly” ( Mt 19, 6). Luật chúa không cho phép nhưng trong thực tế điều ấy vẫn xảy ra thậm chí ở nhiều nơi giới trẻ sống với nhau mà chẳng cần kết hôn gì cả. Không có kết hôn thì cũng chẳng làm gì có chuyện ly hôn ly dị  và như thế thì luật cấm những người ly dị tái hôn không được rước lễ đương nhiên chẳng có giá trị gì “ Trong thời gian ngắn ngay trước Thượng Hội Đồng về Gia Đình ( tháng 10/2014 ) trên các sạp báo tại Ý xuất hiện một bản báo cáo về hoạt động mục vụ do Jorge Mario Bergolio hồi đó còn là hồng y thiết lập nên  trong các vùng ngoại ô của Buenos Aires. Theo bản báo cáo này người ta biết được rằng hầu hết các cặp vợ chồng có khoảng từ 80 đến 85 % không cưới xin mà chỉ sống chung trong khi trong số các cặp vợ chồng “ đa số các cuộc hôn nhân đều bất thành vì họ cưới nhau khi chưa trưởng thành” mà họ cũng chẳng màng tìm cách có được tuyên bố tiêu hôn từ Tòa Án Giáo Phận. chính các “ Curas Villeros, linh mục khu ổ chuột” các linh mục được đức Bergoglio sai đi phụ trách các vùng ngoại ô đã cung cấp thông tin này và hãnh diện tuyên bố rằng các ngài cho mọi người rước lễ bất chấp tất cả” mà không nêu lên rào cản nào” ( Nguồn Lamhong.org 16/10/2014 – Thật sự là một nan đề; Bất khả phân ly hay ly dị ? )

Không cưới xin mà vẫn sống như vợ chồng, ly dị rồi lại kết hôn ( phần đời ) với người khác v.v…đó là những tội rất nặng bởi đã lỗi luật Chúa. Mang trọng tội nơi mình mà vẫn cứ ngang nhiên Rước Lễ đó là tội phạm Thánh không thể tha thứ. Chúa Giesu hiện ra với Thánh nữ Gridget nói “ Trên trần gian này không có một  hình phạt nào tương xứng để trừng trị tội ấy. Thánh Ambrose cho rằng những người phạm sự Thánh khi vào nhà thờ thì it  tội nhưng khi ra về thì tội nhiều chồng chất. Thánh Cyril còn viết những lời nghiêm khắc hơn nữa = Những kẻ Rước Lễ phạm Sự Thánh đón đưa cả Sa Tan và Chúa Giesu Ki Tô vào lòng. Sa Tan họ rước vào để cai trị. Còn Chúa Giesu Ki Tô thì họ bắt Người phải hy sinh như một của  lễ cho Sa Tan” ( lm Stefano Manelli OFM Conv. Yêu Mến Chúa Giesu Thánh Thể ).

Mang tội trọng rước lễ đó là đã vô tình đón Sa Tan vào lòng để nó sỉ nhục hành hạ đánh đập Chúa Giesu và rồi cuối cùng dẫn đưa người ta vào chốn  khốn nạn Hỏa Ngục đời đời. Từ muôn thuở Sa Tan là đứa lừa dối xảo quyệt và sự lừa dối tinh vi nhất của nó là làm cho con người không tin rằng nó hiện hữu. Mặc dầu vậy nó vẫn có đấy và luôn rình rập để chờ cơ hội ra tay. Trong vấn đề người ly dị tái hôn rước lễ, người ta thường viện dẫn Lòng Thương Xót  của Thiên Chúa. Thế nhưng câu trả lời của Giáo Hội là không thể được.Tài liệu của Bộ Giáo Lý Đức Tin do đức hồng y Ratzinger tổng trưởng ban bố ngày 14/9/1994 trong đó nhắc nhở = Các chủ chăn hãy tiếp nhận họ ( người ly dị tái hôn ) trong yêu thương…Hướng dẫn họ những đường hướng hối cải cụ thể nhưng nguyên tắc “ Lòng nhân từ chân chính không bao giờ tách biệt  với chân lý” nên cần nói rõ cho họ là ‘ không thể được”.

Quả thật Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, chậm bất bình và hay tha thứ nhưng Ngài cũng là Đấng tuyệt đối công bình chính trực. Tách biệt lòng thương xót khỏi sự công bình Thiên Chúa để kêu gọi cho người ly dị tái hôn rước lễ. Điều ấy không thể dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa chân thật mà chỉ là sự lừa gạt của quỷ ma. Thiên Chúa chân thật của lòng xót thương chỉ có thể là Đấng dẫn đưa con người đến với Sự Sống Đời Đời và Đấng ấy chính là Chúa Giesu Ki Tô, Ngài đã hiến chính thân mạng mình để nên giá cứu chuộc loài người. Chúa nói với dân Do Thái = “ Ta là Bánh  Hằng Sống từ trời xuống. nếu ai ăn bánh ấy thì sẽ sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian ấy là thịt Ta. Bởi đó người Do Thái tranh luận  với nhau rằng, người này lấy thịt mình cho chúng ta  ăn thế nào được ? Chúa Giesu phán cùng họ = Quả thật Ta nói cùng các ngươi nếu các ngươi không ăn thịt của Con Người và uống huyết của Người thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt Ta và uống huyết Ta thì có sự sống đời đời, Ta sẽ khiến kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn huyết Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống huyết Ta thì ở trong Ta và Ta cũng ở trong người ấy” ( Ga 6, 51 -57).

Những lời trên đây thật khó để những người đương thời có thể chấp nhận, ngay cả một số môn đệ cũng đã bỏ Ngài mà đi. Sở dĩ như thế là bởi những người ấy không hiểu được rằng đó là Chúa nói về Bí Tích Thánh Thể sẽ được thiết lập sau này. Tất cả các Bí Tích đều là mầu nhiệm do Chúa Ki Tô thiết lập mục đích là để đem lại Sự Sống Đời Đời cho con người. Vì vậy nên buộc phải tin mới có hiệu quả. Mặt khác Bí Tích Thánh Thể ngoài việc phải tin còn đòi hỏi lòng yêu mến thiết tha. Tại sao ? Bởi vì có yêu mến thì mới siêng năng đến với Chúa Giesu Thánh Thể, tham dự các Thánh Lễ, các giờ chầu. Lại nữa có yêu mến Chúa  thì mới nhận ra thân phận tội lỗi mình đồng thời hết lòng cậy trông vào Ngài “ Bỏ Thầy chúng tôi biết theo ai ? Thầy có lời ban sự sống đời đời. ( Ga 6, 68 ).

Bí tích Thánh Thể đem lại sự sống đời đời chứ hoàn toàn không phải là thứ thuốc chữa đối với người ta để giúp người ta làm hòa với nhau. Cho phép những đôi vợ chồng ly dị được rước lễ với mục đích để người ta làm hòa lại với nhau chẳng những không có tác dụng  mà còn khiến tội thêm nặng vì đã phạm sự Thánh cách nặng nề. Vì đâu lại có chủ trương muốn cho phép người ly dị tái hôn được  rước lễ ? Câu trả lời chỉ có thể là vì  đã không nhận ra mục đích Bí Tích Thánh Thể như Chúa nói là để đem lại Sự Sống Đời Đời. Hôn nhân Công giáo khác với  người đời ở hai điểm = Một là đơn hôn ( một vợ một chồng ) và hai là trọn đời. Người có đạo cần nghiêm túc tuân thủ hai  chế độ này  bởi lẽ họ thuộc dòng dõi các Thánh “ Buổi tối hôm thành hôn, Tô Bia đã nói với Sa Ra rằng = Chúng ta là con cháu các Thánh. Chúng ta không thể kết bạn như những chư dân, họ không nhìn biết Thiên Chúa” ( Tob 8, 5).

Người đời kết hôn có thể vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là để có con cháu nối dòng. Chính vì lý do đó mà người ta mới có quan niệm trọng nam khinh nữ. Có những gia đình đổ vỡ chỉ vì người vợ không sinh được con trai ! Người có đạo kết hôn dĩ nhiên cũng nhắm đến việc nối dòng. Thế nhưng cần nên nhớ…dòng đây là dòng dõi các Thánh. Chính bởi kết hôn Công giáo mục đích là để nối tiếp dòng dõi các Thánh nên các đôi hôn phối đã phải thề hứa trước cha chủ tế đại diện Giáo Hội cùng toàn thể cộng đoàn “ Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Thiên Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Ki Tô và luật Hội Thánh”.

Thực tế cho thấy lời  hứa  giáo dục con cái theo luật Chúa Ki Tô và luật Hội Thánh hầu như không thể thực hiện. Lý do đơn giản là vì phần đông nếu không muốn nói là hầu hết các bậc cha mẹ cũng chẳng  có sự hiểu biết chi về luật Chúa cũng như luật Hội Thánh. Đã không hiểu không biết thì làm sao để giáo dục con cái đây ? Đức hồng y Raymond Burke, thành viên THĐ Giám Mục về Gia đình ( 2014 )  đã nói lên sự khiếm khuyết về giáo lý trong Giáo Hội “ Một trong những thách thức lớn nhất mà các gia đình phải đối mặt là tình trạng khiếm khuyết về giáo lý trong Giáo Hội. Tôi có thể nói từ kinh nghiệm của tôi trong thời gian làm mục vụ tại Mỹ là trong vòng 40 đến 50 năm qua trẻ em và thanh thiếu niên chưa được dạy đến nơi đến chốn giáo lý liên quan đến hôn nhân” ( Nguồn Vietcatholic News – 10/11/2014 – Nhận định của hai vị hồng y Hoa Kỳ về thực trạng mục vụ gia đình tại Mỹ )

Thật ra không phải  vì thiếu hiểu biết giáo lý mà đã dẫn tới ly dị vì rằng nếu so với cha ông chúng ta trước đây thì giới trẻ ngày nay hiểu biết về mọi mặt kể cả giáo lý  đều vượt trội; thế nhưng tình trạng ly dị cứ càng ngày càng nhiều là tại sao ? Đặt ra câu hỏi như thế để cho thấy  nguyên nhân của đổ vỡ gia đình không  do thiếu hiểu biết giáo lý nhưng hệ tại ở việc không giữ luật Chúa Ki Tô. Luật Chúa là luật yêu thương và là yêu thương triệt để “ Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết ý chí mà thương yêu Chúa là ĐCT ngươi. Ấy là điều răn lớn hơn và đầu nhất. Còn điều răn thứ hai cũng vậy. Ngươi hãy thương yêu kẻ lân cận như mình. Cả luật pháp lẫn tiên tri đều tóm lại trong hai điều răn ấy” ( Mt 22, 37 -40).

Chúa truyền dạy phải yêu thương kẻ lân cận như mình thì người lân cận ấy là ai nếu chẳng phải là người vợ người chồng mà trong ngày thành hôn họ đã long trọng hứa với nhau = Sẽ giữ lòng chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời đó sao? Lời hứa ấy không thể chỉ là lời đầu môi chót lưỡi cho qua chuyện nhưng cần phải  tích cực thực hiện trong suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên điều ấy là bất khả  nếu không có sự trợ lực của Bí Tích Thánh Thể.Tại sao vậy ? Bởi vì Bí Tích Thánh Thể chính là Giao Ước Tình Yêu mà Chúa Ki Tô qua cái chết và sự Phục Sinh của Ngài đã dành cho Hội Thánh hầu để Thánh hóa Hội Thánh. Mỗi người chúng ta từ khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy đều trở nên những chi thể của Chúa mà đã là chi thể thì nhất thiết cần phải kết hợp với Chúa Gie Su Thánh Thể thì mới có được sự sống thần linh nơi mình. Con người cần cơm bánh để nuôi sống thể xác thế nào thì linh hồn cũng cần Lời Chúa và Thánh Thể như vậy.

Chúng ta  vẫn nói Gia Đình là Hội Thánh tại gia, điều ấy hoàn toàn chính xác. Thế nhưng làm sao Gia Đình có thể trở thành Hội Thánh tại gia nếu không được dưỡng nuôi bằng Bí Tích Thánh Thể ? Chúa Ki Tô đã yêu thương HT và Ngài cũng muốn người chồng phải yêu thương chăm sóc vợ  mình như vậy “ Người làm chồng hãy yêu thương vợ mình như chính Đức Ki Tô đã yêu thương HT và hiến mình vì HT. Như vậy Người thanh tẩy HT bằng nước và lời hằng sống để trước mặt Người có một HT xinh đẹp lộng lẫy không tỳ ố không vết nhăn không khuyết điểm nhưng Thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế chồng phải yêu thương vợ như yêu thương chính thân thể mình. Yêu thương vợ là yêu thương chính mình. Quả vậy  có ai ghét thân xác mình bao giờ. Trái lại người ta nuôi nấng  chăm sóc thân xác mình cũng như Đức Ki Tô nuôi nấng và chăm sóc HT vì chúng ta đều là chi thể của Người” ( Ep 5, 25 -30 ).

Nếu Tình Yêu của Chúa Ki Tô dành cho HT là Tình yêu hiến tế thì tình yêu giữa vợ chồng cũng cần sự hy sinh tha thứ. Không có hy sinh tha thứ, đó không phải  tình yêu đích thực mà chỉ là lòng vị kỷ. Còn có sức khỏe, còn có nhà cửa công ăn việc làm thì còn ở với nhau. Ngược lại thì …bỏ mà không xét chi tới cái hậu quả khổ đau đem lại cho con cái cho gia đình hai bên và nhất là đến phần phúc đời đời của chính mình.

Ly dị là trọng tội và tất nhiên không thể tránh hậu quả, thế nhưng như vậy phải chăng những con người ấy là vô phương cứu vãn ? Hoàn toàn không phải vậy bởi Chúa nói “ Ta muốn sự thương xót chứ không muốn sinh tế. Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính bèn là kẻ có tội” ( Mt 9, 13 ). Người công chính không phải  là đối tượng của lòng thương xót bởi vì họ đã tự mãn về công đức của mình. Trái lại người tội lỗi vì nhận biết tội mình nên đã xin tha thứ và được Chúa nhậm lời. Đối với những người ly dị dù trong bất cứ hoàn cảnh nào nếu họ thành tâm hối lỗi và xin tha thứ thì chắc chắn Chúa không thể không nhận lời. Về nguyên tắc lòng thương xót Chúa là vậy, còn Giáo Hội thì sao ? “ Nếu sự ly dị theo tòa đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng để lo cho các con hoặc để bảo vệ tài sản thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý. Như vậy nếu không có lỗi thì người đã ly dị tòa đời trong trường hợp này vẫn được xưng tội rước lễ” ( GLCG số 2383 ).

Việc xưng tội rước lễ nếu chỉ coi đó như một thứ nghi thức  thì thật ra dù có cho phép hay không cho phép người ly dị rước lễ cũng chẳng thành vấn đề có nghĩa chẳng mang lại ơn ích chi về mặt tâm linh. Đang khi đó thực chất việc rước lễ chính là …ăn  Thịt và Máu Thánh Chúa  để Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa ( Ga 6, 51 -57). Người đã ly dị tuy không còn chồng còn vợ nghĩa là không còn sống đời hôn nhân nhưng vẫn là những chi thể của Chúa Ki Tô và như thế họ vẫn cần sự hiệp nhất với Chúa. Bởi đó cho nên  cần sửa soạn tâm hồn cách xứng đáng  mới có thể  rước lễ “ Cho nên hễ ai không xứng đáng mà lại ăn bánh uống chén của Chúa thì mắc tội với Thân và Huyết của Chúa. Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình và như thế mới ăn bánh uống chén ấy được. Vì người nào không phân biệt Thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó tức là ăn uống án phạt cho mình.( 1C 11, 27 -29).

Không phân biệt Thân Chúa có nghĩa là không tin Chúa ngự thật trong Phép Thánh Thể. Cũng chính bởi không tin nên hiện nay thay vì cần phải lấy lòng yêu mến tôn sùng  để đến với Phép Thánh Thể thì đó chỉ còn là một thứ nghi thức …gọi là !  “ Tất cả những chuyện này đã thay đổi trong thời Công Đồng Vaticano đệ nhị và thời hậu Công đồng. tắt một lời, việc xưng tội gia tăng và việc rước lễ trở thành một hiện tượng quần chúng ồ ạt. Bây giờ mỗi người hay hầu như mọi người đều luôn luôn rước lễ. Vì trong thời gian đó sự hiểu biết về Bí Tích Thánh Thể đã thay đổi. Sự hiện diện thực sự của Mình và Máu Chúa Gie Su trong bánh và rượu được truyền phép đã giản lược thành chỉ còn là sự hiện diện tượng trưng. Việc rước lễ trở thành giống như một dấu hiệu bình an, một cử chỉ của tình bạn, chia sẻ hay huynh đệ,  “ giống như người ta hay nói: mọi người khác đi, tôi cũng đi” như đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói. Ngài là người cố gắng tái lập ý nghĩa đích thực của Thánh Thể bằng cách muốn giữa nhiều việc khác nữa – các tín hữu phải quỳ gối và chịu lễ bằng lưỡi” ( Nguồn Lamhong.Org – 16.10.2014 – Thật sự là một nan đề: Bất khả phân ly hay ly dị ? ).

Khi Rước Lễ cần quỳ gối và nhận lãnh Bánh Thánh trên lưỡi bởi vì chúng ta không đơn thuần nhận một miếng bánh hay một miếng ăn nhưng là chính Đấng Cứu Độ mình. Với cách thức Rước Lễ tỏ lòng tôn kính như thế sẽ khiến đức tin  ngày càng tăng trưởng, trái lại sẽ bị thui chột và rồi biến mất mà không biết. Một khi đức tin không còn thì cũng chẳng thể nào tin  sự hiện hữu của Thiên Đàng của Hỏa Ngục cùng với sự thưởng phạt đời đời. Không còn đức tin đây là dấu chứng của Ngày Chúa  quang lâm đã gần “ Dầu vậy khi Con Người đến há sẽ tìm được đức tin trên đất này chăng ? ( Lc 18, 8 ).

Những điềm báo về Ngày Tận Thế xuất hiện ngày càng nhiều càng rõ “ Dân này sẽ dấy nghịch cùng dân kia, nước nọ đánh nước khác, nhiều nơi sẽ có đói kém và động đất….Nhiều tiên tri giả sẽ  dấy lên và lừa dối lắm kẻ. Lại vì có sự gian ác thêm nhiều nên tình thương yêu của phần đông sẽ nguội dần….( Mt 24, 7 -12). Ngày Chúa quang lâm là chắc chắn “ Trời đất sẽ qua đi song lời Ta nói chẳng qua đâu” ( Mt 24, 35 ). Dẫu vậy người ta vẫn không tin mà đã không tin thì không thể sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Có phán xét chung trong Ngày Tận Thế nhưng cũng có phán xét riêng trong giờ sau hết của mỗi người. Mặc dầu đời sống con người chỉ tồn tại như một cái chớp mắt trong dòng thời gian vĩnh cửu  nhưng nó lại quyết định cho phần số hạnh phúc hay bất hạnh đời đời. Nhận thức sâu sắc điều này Thánh Phao lô nhắc nhở cho hết thảy mọi người trong đó dĩ nhiên có cả những   người sống bậc gia đình “ Nhưng anh em ơi tôi bảo anh em điều này = Thời giờ ngắn ngủi- Từ nay về sau kẻ có vợ hãy nên như không có. Kẻ đương khóc hãy nên như không khóc. Kẻ đương vui hãy nên như  chẳng vui. Kẻ đương mua nên như chẳng được gì. Kẻ dùng thế gian hãy nên như kẻ chẳng quá dùng nó. Vì hình dạng của thế gian này đang qua đi” ( 1C 7, 29 -31).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment