Đức Tin là lễ vật

Kính thưa quý vị, năm Đức Tin 2012-2013 đã đi qua, vừa được Tổng Giáo Phận Sài Gòn dâng Thánh Lễ bế mạc ngày 19/10/2013. Trộm nghĩ rằng, Thánh Lễ bế mạc năm Đức Tin không phải là Thánh Lễ kết thúc năm Đức Tin, theo đó, chỉ là thời gian có mở ra, có đóng lại vậy. Nhưng chiều kích Đức Tin thì chính là thời gian mở ra. Vì Đức Tin là một vấn đề luôn đồng hành cùng tôn giáo, tôn giáo mà không có, còn niềm tin thì không còn là tôn giáo nữa. Từ ý nghĩa cao trọng đó, mà Đức Bênêđíctô XVI, Nguyên Giáo Hoàng đã thiết lập “Năm Đức Tin”.

Nếu năm Đức Tin chỉ mở ra và khép lại, thì không còn ý nghĩa to lớn của nó, mà chỉ là một động thái bình thường của tự nhiên mà thôi. Nhưng Đức Tin là một phạm trù tối quan trọng cho đời sống tín ngưỡng tôn giáo. Vì sao thưa quý vị? Thưa bời vì : “ĐỨC TIN LÀ LỄ VẬT”.

Vâng, chúng ta lướt qua Cựu Ước, chúng ta thấy Tổ Phụ của lòng tin là Apbraham, Aprabham đã hành động như thế nào? Ông đã đặt niềm tin vào Thiên Chúa một cách trọn vẹn, đã dám dâng chính con trai một của mình là Isaas. Một lễ vật duy nhất, có một không hai, ông đã đặt sự tôn thờ Thiên Chúa trên hết, lễ vật của ông dâng không mua được bằng tiền. Nhưng bằng chính sinh mạng của ông (của con trai ông cũng như của chính ông). Vâng, đức tin chính là lễ vật, hay nói cách khác lễ vật thể hiện niềm tin. Vâng, lễ vật cụ thể chính là hành động, nếu cứ ngồi yên đó mà nói tôi tin hoặc là tuyên xưng bằng môi miệng mà thôi thì chưa đủ. Tuy rằng: “Tuyên xưng ngoài miệng thì cũng được cứu rỗi” (Rm 10.10), nhưng phải “TIN trong lòng thì được công chính”. Nhưng quan trọng hơn chính là HÀNH ĐỘNG, vì Đức Tin không hành động là Đức Tin Chết (Gc 2, 23). Vì sao? Thưa quý vị, thưa vì đức tin là một khái niệm trừu tượng, một ý thức thuộc tâm linh, siêu nhiên không có hình ảnh. Nên chi, Đức Tin đòi buộc phải có nghĩa cử cụ thể, để sáng soi, để minh bạch hóa vấn đề.

Vâng! Kính thưa quý vị, Đức Tin luôn luôn đi kèm với lễ vật, không phải Thiên Chúa cần lễ vật, nhưng niềm tin của con người cần đến lễ vật để minh chứng niềm tin. Lễ vật ở đây không hẳn nhiên là sản vật, hay đồ vật, không do số lượng hay chất lượng, mà là “định lượng”, có nghĩa là phải thể hiện bằng sự có được của chúng ta. Như sự hy sinh bằng chính cuộc đời mình, giây phút hiện tại khó khăn, nghèo túng, hay vui mừng, hạnh phúc, tất cả và tất cả.

Cũng vậy, một ví dụ cụ thể không phải tôi xin lễ năm ngàn, hay năm mươi ngàn, hoặc năm trăm ngàn, mà là lòng thành tôi sở hữu được do nhu cầu hiện hữu của tôi. Nhưng lòng tin của tôi cần phải thể hiện như thế, vì lễ vật là vật trao đổi thuận chiều, bằng sự hy sinh của chính cá nhân tôi lên trước Đấng toàn năng cao cả. Ví dụ: Nguyên cả cuộc đời tôi hiến dâng cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo, thì đó là lễ vật tôi tiến dâng lên Thiên Chúa. Tất cả những hy sinh thầm lặng trong dòng kín của Chị Thánh Têresa Hài Đồng là lễ vật của Đức Tin Chị dâng lên Thiên Chúa. Hay Máu các Thánh Tử Đạo chính là lễ vật dâng lên trước Nhan Thiên Chúa, hoặc cuộc đời ăn mày, nghèo khổ của Lazaro, sau nầy được ngồi vào lòng Tổ Phụ Đức Tin.

Theo đó, chính Thiên Chúa đã sai Đấng Cứu Thế làm Người đến với nhân loại là một lễ vật cao cả, thể hiện niềm tin của Thiên Chúa vào con người dù là tội lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn tin để cứu chuộc họ. Vâng, không phải chỉ có nhân loại “TIN” vào Thiên Chúa, mà là Chính Thiên Chúa cũng phải tin vào con người, vì sao? Thưa vì Thiên Chúa đã quá yêu thương con người. Tình yêu không thể tách rời khỏi niềm tin, vì không ai “yêu” một ai đó, mà không “tin” người ấy. Thiên Chúa luôn tin chúng ta, dù chúng ta bội phản Ngài nhiều lần và sau cùng, Thiên Chúa vẫn “TIN” chúng ta, bởi vì, chúng ta vẫn “TIN” vào ơn Cứu chuộc của Người. Tình yêu và niềm tin không thể tách rời, bởi vì, nguyên lý “TIN-YÊU” do bởi Thiên Chúa mà ra chứ không do bởi con người. Đây là một nguyên lý mặc nhiên thuộc về chân lý, chỉ có vậy thôi, vì con người là loài thụ tạo, còn Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành.

Vâng, trên hết Đức Tin và Lễ Vật là LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa. Chúa ta thấy, lễ vật là thước đo của lòng tin, lòng tin càng lớn thì giá trị của lễ vật càng cao, như lòng tin của Aprabham được Thiên Chúa thử thách bằng chính con trai một của ông, nhưng Thiên Chúa lại không cần lễ vật ấy, vì lòng xót thương của Thiên Chúa lớn hơn lễ vật Ngài muốn. Và cuối cùng Thiên Chúa đã ưng thuận lễ vật thay thế khác. Như vậy, khi Thiên Chúa chấp nhận lễ vật là Thiên Chúa chấp nhận lòng tin, Thiên Chúa chấp nhận lòng tin là Thiên Chúa tha thứ, Thiên Chúa tha thứ là Thiên Chúa yêu thương. Và như vậy, LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa, thì lớn hơn lễ vật của con người.

Còn lại là: Đức Tin của con người là sự đáp trả tượng trưng đới với LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa mà thôi. Vì Thiên Chúa không một mực đòi lễ vật như lòng tin đòi, mà là Thiên Chúa đã chọn một sáng kiến khác. Nhưng khi Thiên Chúa “TIN” vào con người, thì Thiên Chúa đã dùng chính Lễ Vật tuyệt hảo và tối cao đó là chính Hy Lễ muôn đời là “CON MỘT THIÊN CHÚA”. Thiên Chúa đã chối từ lễ vật từ lòng tin của Aprabham, nhưng Thiên Chúa không chối từ Lễ Vật “Con Một” của Thiên Chúa, bởi vì sự “Chết” và “Phục Sinh” chỉ đến từ Người Con của Thiên Chúa mà thôi. Bởi vì Đức Kitô chính là Lễ Vật, là bàn thờ và là Chủ Tế, nơi Người có giá trị cứu độ muôn đời. Nên chi, mỗi một Kitô hữu, hay là Giêsu hữu là một hành trình bước theo Đức Kitô phải là một cuộc đời Hy Lễ như Đức Kitô, vì họ được thông phần vào mầu nhiệm Tin – Yêu và trở nên Lễ Vật như Thầy mình là Con Một Thiên Chúa.

Như vậy, nếu chúng ta không tin vào Đức Kitô thì chúng ta không thể nào tin vào Thiên Chúa, vì chúng ta không có lễ vật để mính chứng niềm tin vào Thiên Chúa. Vì lễ vật giá trị và vĩnh cửu trước Đấng Tối Cao chính là Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa. Lễ Vật tinh tuyền và vĩnh cửu ấy mới có giá trị Cứu Chuộc và mang lại niềm tin cho chúng ta. Vì Người đã “TIN” và đã thể hiện niềm tin ấy bằng một Hy lễ tuyệt diệu là Hy lễ vâng lời và vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá, để từ đây ai nghe Tên “Giêsu” , mọi loài trên trời đưới đất sẽ suy tôn người.

Như vậy, năm “ĐỨC TIN” đã bế mạc, nhưng không phải kết thúc, bởi vì sẽ mở ra cho nhân loại một sự bắt đầu một hành trình sống. Muốn vậy, mọi Kitô hữu phải trở nên lễ vật cho lòng tin của mình, để từ đó chúng ta luôn luôn nhận được ánh sáng của Đức Tin soi rọi trên con đường bước theo Đức Kitô.

Mong Thay!

21/10/2013
P. Trần Đình Phan Tiến

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment