Đối Thoại Tôn Giáo

Trong hội nghị các tôn giáo ngày 9-9-2003 tại Aachen (Đức) Giám mục Heinrich Mussinghoff nói “Đối thoại không có nghĩa pha trộn các tôn giáo mà đúng hơn chính là cổ vũ sự tôn trọng hỗ tương” (xem tb CGDT số 1425 tháng- 2003 ).

Làm sao để cổ vũ sự tôn trọng hỗ tương đó phải là tất cả mục đích của đối thoại. Điều này chẳng những cần thiết cho các tôn giáo mà còn cho hết thảy mọi cá nhân – Cứ đảo mắt thoáng qua các phương tiện truyền thông bây giờ sẽ thấy đời sống con người cả thể chất lẫn tinh thần cơ cực biết chừng nào. Cùng với nỗi cơ cực ấy ta thấy cũng đã có không ít những nỗ lực từ nhiều phía trong đó tất nhiên là có phần của giáo hội được dốc ra hòng giải quyết nó nhưng đành phải bất lực – Chiến tranh tôn giáo – Chủng tộc – Bạo lực khủng bố thảm sát con tin vẫn diễn ra đều khắp ngày càng dữ dội mà không có gì có thể ngăn cản.

Nguyên nhân tại sao mà với bao nỗ lực thiện chí như thế lại vẫn cứ thất bại? Đó là bởi con người ngày nay từ cá nhân cho đến cộng đồng từ đời đến đạo không thực sự tôn trọng lẫn nhau – Trong gia đình thì  cha mẹ không tôn trọng con cái – Ngược lại con cái cũng chẳng tôn trọng cha mẹ – Chồng vợ – vợ chồng – anh em – chú bác – dì dượng v.v.. cũng thế – ngoài xã hội thày không tôn trọng trò – trò chẳng tôn trọng thày – chủ thợ – cấp trên, cấp dưới v.v… cũng thế. Trong đạo giáo thì bề trên không tôn trọng bề dưới – bề dưới chẳng tôn trọng bề trên, giáo sĩ, giáo dân v.v… cũng vậy.

Phải tôn trọng lẫn nhau đó là điều kiện không thể thiếu cho con người nếu muốn có được cuộc sống an vui đích thực. Tuy nhiên để có được điều này thì nhất thiết cần phải nhận chân được giá trị ở nơi tha nhân và giá trị ấy không phải chi khác mà đó chính là danh phận con Thiên Chúa ở nơi mỗi người. Tất cả đều là con cái Thiên Chúa dù cho đó có là kẻ nghèo hèn đói cơm rách áo hay vua chúa quan quyền giàu sang phú quý – dù cho đó có là kẻ tội lỗi đầu trộm đuôi cướp hay là bậc chân tu thánh thiện – có đối xử với nhau trong tính chất con cái Chúa như thế mới gọi là tôn trọng thực. Còn nếu không thì tất cả chỉ là vờ vịt ngoại giao chính trị cả đấy thôi.

Ai ai cũng đều là con Thiên Chúa nhưng để có thể nhận biết điều này đó lại là điều bất khả nếu  không nhờ lòng tin vào Đức Kitô “Bởi chưng anh em hết thảy đều là con cái Thiên Chúa do Đức tin đến Đức Giêsu Kitô” Gal 3 – 26.

Tại sao phải tin vào Đức Kitô ta mới có thể nhận biết mình là con Thiên Chúa? Đó là bởi mặc dầu Thiên Chúa quả thật là Cha còn mình là con nhưng tất cả phàm phu chúng ta nào đã có ai nhận biết Thiên Chúa là Cha ngoài ra Đức Giêsu Kitô như chính Ngài khẳng định “Cha Ta đã giao mọi sự cho TA – ngoài CHA không ai biết CON. Ngoài CON và người nào mà CON muốn mạc khải cho cũng không ai biết CHA” LC 10 – 22

Một khi chính Đức Kitô đã khẳng định như thế thì điều ấy có nghĩa là gì nếu chẳng phải chỉ trong Ngài mà con người mới có thể nhận biết Thiên Chúa Đấng CHA của mình? Nếu ngoài Đức Kitô mà con người hoặc triết gia hoặc khoa học gia cũng có thể nhận biết Thiên Chúa thì Lời Chúa chẳng hóa ra hư dối hay sao?

Đức Kitô chỉ mạc khải cho những ai dám tin vào Ngài – mặc dầu vậy lòng tin ấy không phải để dành riêng cho nhóm người hay dân tộc nào nhưng cần phải được loan truyền cho đến cả muôn dân “Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân – Ai  tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin thì bị định tội” MC 16 – 15.

“Ai tin thì được cứu – Ai không tin thì bị luận phạt”. Những lời này thật quá rõ ràng đến nỗi có thể nói nó là nguyên tắc bất di bất dịch – căn cứ nơi nguyên tắc này về sau như ai cũng biết đã được giáo hội triển khai thành định lý “Ngoài Hội Thánh không thể có ơn cứu độ” (Extra Ecclesiam nulla salus).

Nói triển khai có nghĩa giáo hội chỉ thực thi cách trung thực mệnh lệnh của Đức Kitô chứ chẳng thêm chẳng bớt gì cả – Tuy nhiên một vấn nạn không thể không được đặt ra đó là căn cứ vào đâu giáo hội lại có thễ đưa ra nguyên tắc ấy? Xin thưa đã căn cứ vào sự trao quyền của Đức Kitô cho Thánh Phêrô “Còn TA lại bảo ngươi rằng ngươi là Phêrô. TA sẽ lập hội thánh TA trên vầng đá này. Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thắng được TA sẽ trao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Hễ điều gì ngươi cầm buộc đưới đất thì trên trời cũng cầm buộc – Hễ điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” MT – 16 – 18 – 19.

Một lần nữa ta thấy lời Chúa thật đã quá rõ. Có ai có thể nghi ngờ gì về việc Chúa trao quyền cho Thánh Phêrô và như vậy thì có gọi Thánh Phaolô là vị Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội đâu có chi không đúng? Trải từ Thánh Phêrô – giáo hoàng thứ nhất đến nay đời đức Benedicto XVI giáo hội Lamã vẫn là giáo hội duy nhất và tông truyền – Những ai không công nhận tính tông truyền này thì đó không phải con cái Hội thánh nhưng nếu công nhận thì đương nhiên cũng phải tuân thủ lệnh truyền của Chúa – “Ai tin thì được cứu ai không tin thì bị luận phạt” Công nhận giáo hội tông truyền mà lại không tuân lệnh Chúa truyền điều ấy thật vô nghĩa .

Lệnh truyền của Chúa buộc phải tin – có tin thì mới được cứu bởi thế cho nên Đạo Công giáo cũng còn được gọi là đạo đức tin và đức tin ấy không hề vu vơ nhưng nhắm đến một nội dung rõ rệt đó là mạc khải của Đức Kitô về Đấng CHA nội tại – Đấng ấy có thể tùy lúc – tùy nơi – tùy đối tượng mà thể hiện dưới những danh xưng khác nhau chẳng hạn Đức Chúa Trời – Nước Trời – Nước Thiên Chúa – Nước Thiên Đàng – ĐẤT HỨA hoặc cũng có thể còn được gọi là ĐẠO. “Đạo ở gần ngươi – ở trong miệng ngươi – và ởtrong lòng ngươi tức là đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giêsu là Chúa và lòng ngươi tin Đức Chúa Trời để khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu – vì bởi lấy lòng tin mà được nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” RM 10 – 8 – 10

Về chữ “ĐẠO” mà Thánh Phaolô nói ở đây là do Ngài trích sách Đệ Nhị Luật (ĐNL 30 -11 – 14). Điều ấy chứng tỏ chân lý Đấng Thiên Chúa nội tại đã bao trùm xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh từ sách Sáng Thế cho đến Khải Huyền của Thánh Gioan – để có thể hiểu tinh thần của chữ “ĐẠO” ta cần phải theo nghĩa của minh triết Đông Phương “Đạo Khả Đạo phi thường ĐẠO – Danh Khả Danh phi thường Danh” (Đạo mà có thể nói được thì đó không phải là Đạo thường – Danh mà có thể gọi tên đó không phải là Danh thường).

“THƯỜNG” tức thường hằng bất biến – bất cứ cái gì mà có thể nói – viết hoặc có thể gọi tên ra được thì đó là đã đi vào đối đãi nhị nguyên phân biệt như vậy thì không phải  THƯỜNG.

“ĐẠO” mà Kinh Thánh nói “Ở gần trong miệng trong lòng người” tức ám chỉ cho THỰC TẠI vô thủy vô chung (THƯỜNG). Thực tại thường hằng ấy tuy vậy lại không hề cách biệt với mỗi một người trong chúng ta – Không cách biệt nhưng nếu cho rằng nó ở trong – ở ngoài hay ở giữa cũng đều không đúng. Với THỰC TẠI (ĐẠO) không thể nói gọi tên như thế thì phải làm thế nào để truyền Đạo ấy ra nếu không dựa vào đức tin và duy chỉ đức tin thôi?

Chính bởi lẽ truyền chỉ có thể dựa trên đức tin để truyền bởi thế cho nên có thể nói lịch sử truyền giáo trải dài suốt hai ngàn năm qua là lịch sử của những cuộc gặp gỡ đối thoại giữa bên này là đức tin của Hội Thánh Đức Kitô – còn bên kia là các nền văn hóa cũng như tôn giáo khác.

I. VỚI DO THÁI GIÁO

Hội Thánh Đức Kitô thoát thai từ Do thái giáo để rồi sau đó đã trở thành tôn giáo phổ quát mang tính toàn cầu gọi là Công giáo – Điều ấy thì đã rõ thế nhưng có một điều mà cho đến nay vẫn chưa được làm cho sáng tỏ đó là thật sự thì có sự khác biệt nào  giữa  Do Thai giao  va Cơng giao  ?

Để có thể trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này ta cần phải tìm xem đâu là nội dung đích thực mà Kinh Thánh chứa đựng?

Có rất nhiều quan điểm khác biệt nhau về nội dung Kinh Thánh – với Khoa Tu từ học thì “Kinh Thánh là một sứ điệp mang theo mình một sức mạnh lập luận và một chiến lược tu từ học nào đó” còn với khoa ký hiệu (?) thì Kinh Thánh lại là một Lời nói về cái thực mà Thiên Chúa đã loan ra trong lịch sử” (xem việc giải thích KT trong HT của UBKTGH) Lại có người thì cho “Tất cả TK đều nói về huyền nhiệm Đức Kitô” (Lm ASV. Tin mừng về Chúa Cha). Người khác lại nói “Cựu ước doãn lại (?) lịch sử của một dân tộc – dân Itsraen của TC còn Tân ước là sử hạnh của một nhân vật – đó là Chúa Giêsu” (N.T.T tiểu dẫn vào Tân ước).

Với những quan điểm rối tinh rối mù về nội dung Kinh Thánh, như thế thử hỏi làm sao mà có thể nhận ra được mối liên hệ giữa Cựu và Tân ước. Một khi mà đã không nhận ra được mối liên hệ ấy thì cũng chẳng  thể  nào thấy được sự khác biệt sâu xa giữa Do Thái giáo và HT Đức Kitô tức giáo hội Công giáo và tông truyền.

Sự khác biệt giữa Do Thái giáo và HT Chúa Kitô chính là ở chỗ Do Thái giáo đến nay sau hai ngàn năm họ vẫn không hề công nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế – Mà đã không công nhận thì đâu có thể có đức tin vào Ngài?

Không tin nhận Đức Kitô tất nhiên Do Thái giáo  chẳng chấp nhận Tân ước – Mà không chấp nhận Tân ước thì rút cục Kinh Thánh của họ trước sau vẫn chỉ là sách các lề luật – có nghĩa chẳng liên quan gì đến giao ước – Đang khi đó chúng ta ai cũng biết Kinh Thánh trọn vẹn bao gồm cả sách Cựu ước lẫn sách Tân ước – Sách Cựu ước đúng như tên của nó là sách chép những giao ước cũ – Còn sách Tân ước là sách chép giao ước mới – Tuy có cũ – có mới nhưng hai phần này lại không thể tách rời – Nếu tách rời bất cứ phần nào thì phần còn lại sẽ vô nghĩa – Kinh Thánh ví như dòng sông mà Cựu ước là thượng lưu còn Tân ước là hạ lưu – Có thượng thì mới có hạ ngược lại không có hạ thì làm gì mà có cái gọi là thượng? Tính chất thông lưu giữa thượng và hạ đã được thánh Augustin nói vắn gọn và rất đúng thế này “Tân ước giấu ẩn trong Cựu ước – Cựu ước tỏ hiện trong Tân ước” (NovumTestamentum in vetere et in Novo etus patet).

Thánh Augustin muốn ám chỉ điều gì khi nói Tân ước giấu ẩn trong Cựu ước còn Cựu ước tỏ hiện trong Tân ước? Đó chính là Lời Hứa. Cả Cựu và Tân ước đều có chung với nhau một di sản là Lời Hứa và Thánh Phaolô – một kẻ trước đây đã từng ra tay bắt bớ Đạo Thánh Chúa cách dữ dội nay được ơn trở lai sau biến cố Damas đã là người có đủ tư cách nhất để đối thoại với người Do thái về cái di sản chung ấy “Phaolô đầy tớ của Chúa Giêsu Kitô được gọi làm sứ đồ biệt riêng ra cho Tin lành của Đức Chúa Trời mà trước kia NGÀI đã  dùng các  tiên  tri  của  NGÀI  mà  hứa  trong  Kinh Thánh” Rm 1 – 1

Thiên Chúa đã Hứa điều gì? Với ai? “Vả Đức Giêhova có phán cùng Apram rằng ngươi hãy ra khỏi vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến xứ mà TA sẽ chỉ cho – TA sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc lớn – TA sẽ ban phước cho ngươi – cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành nguồn phước đức” SKT 12 – 1 – 2Qua lời hứa của Giêhova Thiên Chúa ta thấy NGÀI có ban ra hai giao ước – một là giao ước ban Đất Hứa và hai là giao ước thành lập Dân Riêng.

ĐẤT HỨA được nói tới trong Kinh Thánh Cựu ước là miền Canaan (SKT 17 – 7 – 8) nhưng Canaan chỉ là hình bóng của Nước Trời trong Tân ước – Nước Trời này là nước nội tâm  – nước ấy cũng chính là chốn nghỉ ngơi đời đời – Nước hằng sống – Nước Thiên Đàng vui vẻ vô cùng (cực lạc).v.v..

Do Thái giáo cho đến giờ phút này vẫn cứ còn chờ đợi một thứ Đất Hứa ở nơi trần gian tức một nhà nước Itsraen vinh quang hùng mạnh bá chủ hoàn cầu. Để thực hiện giấc mộng bá vương đó họ cho rằng có thể thực hiện để tiến tới Đất Hứa ấy bằng việc nghiêm chỉnh giữ giới luật. Nhưng Phaolô một cựu trí thức Do Thái giáo trong nhiều thư gửi các giáo đoàn Ngài đã vạch trần sự sai lầm của người Do Thái muốn theo đuổi sự công chính hóa bằng việc làm “Dân Itsraen theo đuổi sự công chính của luật pháp mà lại không đạt đến sự công chính ấy – Tại sao? Tại họ chẳng nhờ đức tin mà tìm nhưng nhờ công việc  – Họ đã vấp phải hòn đá vấp chân” Rm 9 – 31 – 32

“Hòn đá vấp” đây ám chỉ Đức Giêsu Kitô nhưng tại sao Đức Kitô lại là hòn đá vấp? Đó là bởi trong quan niệm của người Do Thái thì Đất Hứa trước sau vẫn chỉ có thể là một đất nước vinh quang hùng mạnh và họ sẽ thống trị hết thảy các dân nước khác – Giờ đây Chúa Giêsu lại rao giảng Nước Trời với những đòi hỏi phải nhỏ bé khiêm nhường – phải yêu thương kẻ thù nghịch cùng mình … thì đời nào mà họ lại có thể chấp nhận?

Đức Kitô rao giảng Tin Mừng Nước Trời và Nước Trời này hẳn nhiên phải là Nước Trời mầu nhiệm nội tại (Lc 17 – 20). Cũng là danh phận con Thiên Chúa ở nơi mỗi người. Nước Trời vốn vẫn hằng hữu ở nơi ta từ thuở đời đời nhưng bởi mê nên không biết. Nay Đức Kitô đến mạc khải nước ấy Ngài đòi hỏi con người phải tin  – Nếu trước đây Do Thái giáo cho rằng giữ giới luật được nên công chính thì nay trong Đức Kitô – Công chính chỉ có thể đạt được nhờ đức tin thôi, “ V? trước khi đức tin chua đến chúng ta bị lề luật giam nhốt cho tới khi đức tin phải hiển hiện – dường ấy lề luật đã là giáo sư để dẫn chúng ta đến Đức Kitô hầu cho chúng ta được nên công chính nhờ đức tin – Nhưng nay đức tin đã đến thì chúng ta không còn ở dưới giáo sư ấy nữa. Bởi chưng anh em hết thảy đều là con cái Thiên Chúa do đức tin đến Đức Giêsu Kitô – vì hễ bao nhiêu người trong anh em đã chịu phép rửa trong Đức Kitô thảy đều đã mặc lấy Đức Kitô – Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Kitô thì anh em là dòng dõi Apbraham những kẻ thừa kế theo lời hứa” GL 3 – 23 – 29.

Chỉ những kẻ nào thừa kế theo lời hứa mới được kể là dòng dõi Abraham. Ơ đây Thánh Phaolô đã cho ta một cái nhìn mới về tính chất dân riêng cũng gọi là dân CHÚA hay Itsraen. Chẳng phải hễ  cứ  mang  dòng  máu  Do thái đều là dân riêng cũng như chẳng phải bất cứ đứa con nào của Abraham đều được thừa kế – chẳng hạn như Itmaen đích thực là con trai của tổ phụ cũng chẳng được kể là Dân Riêng “Vì những kẻ ra từ Itsraen chẳng phải hết thảy đều là người Itsraen đâu cũng chẳng phải vì họ là dòng giống Abraham mà hết thảy đều là con cái đâu – bởi duy kẻ ra từ Isaac mới gọi là dòng giống ngươi –  có nghĩa chẳng phải con cái thuộc xác thịt là con cái Thiên Chúa – duy con cái thuộc Lời Hứa mới được kể là dòng giống vậy” Rm 9 – 6 – 8.

Chỉ có con cái thuộc Lời Hứa mới là dòng giống nghĩa là Dân Riêng Thiên Chúa. Qua lời khẳng định này ta thấy giữa Cựu ước và Tân ước vừa có sự nối kết lại vừa khác biệt – Nối kết là do có chung một Lời Hứa còn khác biệt là ở đức tin.Do nơi đức tin mà thành ra có sự khác biệt lớn lao giữa Do thái giáo và Đạo Thánh Đức Kitô cũng là giáo hội công giáo tông tryuền – Do Thái giáo không thể và cũng chẳng  cần chi tới đức tin bởi chủng ĐẤT HỨA của họ trước sau vẫn chỉ là một thứ chủ nghĩa bá quyền Do Thái (Sionisme) có thể đạt  được  bằng phân biệt chủng tộc cùng với quân sự ngoại giao chính trị – Còn ĐẤT HỨA trong Đạo thánh Đức Kitô thì nhất thiết phải tin bởi vì ĐẤT mà Thiên Chúa HỨA ấy không phải là HỨA cho một thực tại nào mà mắt có thể thấy –tai có thể nghe.

Với một thực tại mà mắt không thể thấy tai không thể nghe cũng chẳng nói, chẳng gọi tên thì ta còn có thể làm gì hơn ngoài ra sống niềm hy vọng cậy trông “Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là sự hy vọng. Vì ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” Rm 8 – 24 – 25.

Sống tôn giáo là sống trong niềm  hy vọng nhưng để hy vọng thì cần có lòng tin – Chính bởi đó mà nói đức tin là nền tảng làm nên tôn giáo – Dân Do thái trải hàng ngàn năm trông đợi Đấng Cứu Thế nhưng khi Ngài đến lại vấp phạm chung quy cũng chỉ vì họ đã không thể tin vào Tin Mừng.

Tin vào Tin Mừng của Đức Kitô trở về với Nước Trời cũng tức là ĐẤT HỨA nội tại ở nơi mình đó phải là tất cả sứ mạng rao giảng của Hội  Thánh  Đức Kitô.

Một khi đã hiểu như thế thì phải chăng công cuộc truyền giáo dù là với đối tượng tôn giáo hoặc triết học nào giáo hội cũng phải dựa trên cơ sở đức tin ấy để mà đối thoại?

II. VỚI TRIẾT HỌC HY LẠP

Lấy đức tin làm cơ sở cho đối thoại lẽ ra đó phải là tất cả công cuộc truyền giáo của giáo hội – Thế nhưng công cuộc này đã bước vào một ngã rẽ nghiêm trọng mà tác hại của nó đến nay sau gần hai ngàn năm vẫn còn tiếp diễn bởi sự dung hòa đức tin với lý trí.

Người Hy lạp thuở ấy rất chi quan tâm bàn tán về đạo lý Kitô vừa truyền đến với họ “Hết thảy người Athen và kiều dân tại đó chẳng để thì giờ về việc gì khác chỉ nói và nghe về điều mới đó thôi” (CV 17 – 21).

Hơn ai hết Phaolô biết rõ về lòng mong mỏi kiếm tìm chân lý của giới trí thức thế nên Ngài đã giảng giải Đấng Thiên Chúa là nguồn cội của muôn loài. Chắc chắn thoạt đầu họ đã rất chăm chú lắng nghe nhưng khi vừa nghe đến Đức Giêsu Kitô “Đấng đến để dẫn dắt nhân loại Đấng ấy đã từ kẻ chết sống lại để làm bằng cớ đáng tin cho mọi người thì có kẻ nhạo cười có kẻ thì nói rằng: “Thôi để lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc ấy nữa” CV 17 – 31 – 32.

Nghe nói đến việc kẻ chết sống lại họ nhạo cười bởi nó quá ư phi lý. Một đàng não trạng của con người nói chung và của người Hy lạp nói riêng không bao giờ chấp nhận điều gì ngoài phạm vi lý trí – Đàng khác tôn giáo lại đòi hỏi đức tin – nghĩa là một cái gì đó siêu lý. Đây chính là một thách đố rất lớn cho công cuộc truyền giáo và thực tế cho thấy giáo hội xét trên phương diện thần học đã không thể vượt qua – Do bởi không vượt qua nên mới có sự dung hòa lý trí với đức tin như đã và đang thấy.

Trên đường kiếm tìm chân lý con người bất kể thuộc thời nào dân tộc nào cũng đều có chung khát vọng muốn biết nguyên ủy của đời sống này là gì. Triết Hy lạp trả lời cho khát vọng ấy bằng học thuyết Hữu Thể Học (Ontologi ) và đã trải qua nhiều thế kỷ đến nay thuyết ấy vẫn còn giữ địa vị khai sáng độc tôn đầy tính thuyết phục.

Người đầu tiên bị thuyết phục và để lại ảnh hưởng sâu đậm lâu dài nhất cho Kitô giáo chính là Philon (Phỏng năm 20 TCN – 40 SCN) thường được gọi là Philon le Juif hoặc Philon d’Alexandrie. Ông là triết gia Do Thái nhưng lại thấm đậm tinh thần Hy lạp – Công trình để đời của ông chính là cuộc tổng hợp (đối thoại) triết học với Do Thái giáo và cũng từ ở nơi công trình này mà nó đã tác động để làm nên một biến chuyển không thể đảo ngược trong thần học tức là việc dung hòa đức tin với lý trí – Bởi đó mà triết sử gia H.A Wolfson mới nói: “Tất cả triết học trung cổ đều mang bản chất Philon” (LTN – LSTHTP.I).

Thật ra thì ảnh hưởng của Philon không chỉ bắt đầu và chấm dứt trong thời Trung Cổ – Nhưng nó đã có ngay từ thời sơ khai các giáo phụ và còn nối tiếp đến tận bây giờ – Anh hưởng của việc “Dung hòa đức tin với lý trí” trong thực chất chỉ là việc giải thích Thánh Kinh theo hướng duy lý – Với việc giải thích này ta thấy Kinh thánh đã bị biến đổi nội dung – Thay vì là các giao ước lại đã thành ra Đấng Thần linh Tạo Hóa tự mạc khải – Với giao ước thì đức tin là điều cần thiết bởi đó là tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ còn với Đấng Thiên Chúa tự mạc khải một khi đã tự cho mình là thế này thế khác rồi thì có tin hay không đâu còn ý nghĩa gì nữa?

Mạc khải (Revelation) là danh từ Hán – Việt. MẠC có nghĩa là tấm màn. Còn KHẢI là vén lên để chỉ cho thấy. Nói Thiên Chúa tự mạc khải điều ấy thật vô nghĩa – chẳng lẽ Thiên Chúa vừa là chủ thể vén màn vừa là đối tượng ở đằng sau tấm màn?

Thật sự thì quan điểm Thiên Chúa tự mạc khải chẳng qua chỉ là tên gọi khác của thần học vốn vẫn tự nhận là một thứ khoa học hiểu biết về Thiên Chúa. Với thứ … khoa học này thì thay vì tin người ta lại diễn tả điều mình tin và đây chính là thần học “Thần học phát sinh và sống nhờ một nỗ lực của  con người để suy tư và diễn tả đức tin theo cách của lý trí và bằng cách tận dụng các năng lực của lý trí” (Ives Congar – Dẫn vào Thần học).

Thay vì tin lại diễn tả điều mình tin – Đó là một bước ngoặt khiến cho tôn giáo bị biến dạng để trở thành triết học. Đức tin sở dĩ là nền tảng bởi như trên vừa nói, sống tôn giáo là sống niềm hy vọng vào cái chưa có – mặc dầu chưa có nhưng bởi tin vào lời hứa của Đấng Thiên Chúa chân thật thế nên điều chưa có ấy sẽ trở thành ắt có.

Đức tin hoàn toàn khác với diễn tả – nếu đối tượng của đức tin là tin vào cái chưa thấy, chưa biết thì của diễn tả lại là những cái gì đó đã thấy đã biết.  Phải là những cái đã thấy đã biết mới diễn tả được chứ không thấy không biết làm sao diễn tả?

Thần học đã thấy đã biết gì về Thiên Chúa chưa mà hòng diễn tả? Tuyệt nhiên không, bởi vì cái mà thần học tưởng rằng thấy biết ấy chỉ là cái biết của trí phân biệt. Nói theo E.Kant (1724 – 1804) thì cái biết ấy thuần túy chỉ là “Cái tôi tưởng” (Le je pense). Tôi tưởng – Tôi cho – Tôi quan niệm rằng Thiên Chúa là như thế chứ đâu phải Thiên Chúa đúng như thực tại Ngài là .

Philon tổng hợp triết Hylạp với Do Thái giáo thật sự cũng không ngoài mục đích diễn tả Đấng Thiên Chúa. Và để thực hiện cuộc tổng hợp ấy ông đã pha chế gia giảm vài ba khái niệm triết sao cho có thể thích hợp được với Kinh Thánh. Trước hết đó là ảnh hưởng bởi thuyết “Những Lý Tưởng” của Platon –Học thuyết này cho rằng có một thực tại (Lý Tưởng) thường hằng bất biến siêu việt bên ngoài nhưng lại là nguyên nhân của thế giới giác quan  hiện  tượng. Tiếp  đó  lại  phối  hợp khái niệm  “Những Lý Tưởng” với Noũs (Tinh Thần) tức ý thức suy tư của Aristote để xây dựng nên một thứ thần học về “Logos Thần linh” là Lời của Thiên Chúa đồng thời cũng là trung gian giữa Thiên Chúa và thế giới.

Thoạt đầu quan niệm Logos nói riêng và triết Hy lạp nói chung đã không được giáo hội chấp nhận mà người phản đối mạnh mẽ ngay từ đầu chính là thánh giáo phụ Justino (TK thứ II) Ngài nói “Nhiều Kitô hữu sợ triết học như trẻ con sợ ngáo ộp. Sợ bị triết học này chinh phục .Nếu đức tin của chúng ta là như thế nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận thì hãy để cho nó sụp đổ bởi lẽ qua đó chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý”  (giáo phụ I).

Sợ bị chinh phục nhưng rồi điều gì phải đến đã đến. Triết học Hy lạp trải qua nhiều giai đoạn khác nhau hầu như đã chiếm lĩnh toàn bộ trận địa tư tưởng Kitô giáo mà ảnh hưởng quan trọng mang tính quyết định nhất phải kể đến đó là quan niệm về Logos.

Thực vậy có thể nói Kitô giáo đã bị chinh phục để rồi gánh chịu hết cơn khủng hoảng này đến khủng hoảng khác chính do bởi đã du nhập quan niệm Logos này đây.

Niềm tin tôn giáo không phải một cái gì đó mù quáng cố chấp. Tuy nhiên nó cần phải được giải thích nhất là niềm tin Kitô bởi vì nó chứa đựng ở nơi mình quá nhiều nghịch lý và điều nghịch lý mang tính căn bản nhất lại chính là Đức Giêsu Kitô – Ngài là ai là Đấng nào trong tương quan với Thiên Chúa và con người?

Thần học cho biết Ngài là Logos tức Ngôi Lời (Verbe) một trong ba ngôi Thiên Chúa. Với câu trả lời này lập tức ngay trong lòng giáo hội đã nảy sinh những chia rẽ bè dối ly khai hết đợt này đến đợt khác trong suốt hai ngàn năm tồn tại. Nên nhớ cho đến nay giáo hội có tất cả 21 cộng đồng chỉ trừ có mỗi công đồng Vatican II còn hai mươi công đồng trước đều được triệu tập để kết án các bè rối và bè rối đầu tiên bị kết tội bởi cộng đồng Nicea năm 325 là Ario.

Bè rối Ario cho rằng “Chúa Cha là Đấng tuyệt đối siêu việt so với Chúa con. Chúa con thấp hơn với Chúa cha về bản tính – Uy quyền và vinh quang – Chúa con được gọi là Thiên Chúa thực ra là một vị thần linh thấp hơn – Thiên Chúa thực là Đấng duy nhất tuyệt đối đó là Chúa Cha – Ngoài Ngài ra bất cứ thực tại nào cũng chỉ là tạo vật được dựng nên từ hư vô – Ngôi Lời là tạo vật hoàn hảo của Thiên Chúa không đồng vĩnh cửu với Thiên Chúa” (xem B.V – Đọc Đức Giêsu hôm qua hôm nay và mãi mãi).

Ở đây ta thấy quan điểm của Ario trước hết không khác với quan niệm Logos bởi Logos theo Philon như đã biết là do ảnh hưởng của Platon về thực tại bất biến siêu việt tách biệt hẳn thế giới hiện tượng. Tiếp đến cũng không khác với Kinh Thánh bởi lẽ chính Đức Kitô đã rất nhiều lần nhận mình chỉ là thiên sai và một lời hết sức rõ “Bởi Cha lớn hơn ta” GA 14-28 v.v…

Tuy không khác với Kinh Thánh theo một nghĩa nào đó nhưng nếu nói Đức Kitô cũng chỉ là một tạo vật đươc dựng lên từ hư vô thì hiển nhiên là đã rối đạo có bị công đồng kết án cũng là đúng. Dẫu vậy vấn đề vẫn còn đó và lần này lại chuyển sang một hướng khác – bè rối do Apolinaire Giám mục Laodicea đưa ra một thứ Kitô học gọi là Logos Sarx “Ngôi Lời đảm nhận một bản tính nhân loại không có linh hồn Đức Kitô là Ngôi Lời Thần linh nhập thể nghĩa là ở trong thân xác con nguời (Logos ensarkos – Verbe incane’” (B.V.Đọc sđd).

Từ thái cực Ngôi Lời sinh ra bởi hư vô chuyển thành Đấng Tạo Hóa. Bè rối Apolinaire cũng vẫn bị công đồng Constantinople (381) kết tội bởi vì mới chỉ công nhận Đức Kitô là Thiên Chúa thật nhưng lại không phải người thật “Chúng tôi không đồng ý với chủ trương Ngôi Lời đảm nhận một thân xác không có linh hồn không có trí tuệ vì biết chắc rằng Ngôi Lời Thiên Chúa trọn hảo từ muôn thuở đã trở thành con người cách trọn vẹn vào thời sau cùng để cứu độ chúng ta” (B.V. Đọc Sđd).

Chúa Giêsu Ngôi Lời nhập thể vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật có nghĩa Ngài là Đấng Tạo Hóa thần linh trở thành tạo vật – điều ấy lý trí con người không bao giờ có thể hiểu – thế nhưng có một câu hỏi cần phải đặt ra: Đấng Tạo Hóa ấy đã trở thành tạo vật như vậy để làm gì?

Trả lời câu hỏi này Thần học cho biết Thiên Chúa xuống thế làm nguời trước hết để dạy cho con người bài học làm người và sau nữa là để cho chúng xây dựng cuộc sống thế trần ngày càng tốt đẹp hơn “Thiên Chúa muốn cho chúng ta làm người và làm người một cách viên mãn – Trần thế xét là một lãnh vực độc lập có những quy luật riêng có giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa – Những nỗ lực xây dựng trần thế làm chủ vũ trụ và thiên nhiên – làm đẹp xã hội loài người chẳng những không ra ngoài mà còn nằm trong logic của mầu nhiệm nhập thể” (B.V.Đọc Sđd).

Dạy cho con người bài học làm người để xây dựng cuộc sống trần thế ngày càng tốt đẹp hơn đó đúng là logic nhập thể nhưng là nhập thể theo quan điểm Hữu Thể học chứ không phải của Kinh Thánh.

Hữu thể nói cho dễ hiểu là có vật thể. Một khi đã chấp nhận có vật rồi thì tất nhiên phải có nguyên nhân của vật – Nguyên nhân ấy Thần học gọi là Đấng Thần Linh Tạo Hóa. Với Đấng Tạo Hóa ấy thì mục đích của nhập thể chỉ có thể là để xây dựng con nguời cho nó biết cách làm chủ thiên nhiên vũ trụ chứ còn gì nữa?

Quan điểm nhập thể của thần học trong thực tế không thể đứng vững – hãy thử rảo mắt lắng tai để tâm một chút thôi sẽ thấy thế giới này – nhân loại này cả đời lẫn đạo đang cận kề bên vực thẳm diệt vong nguy hiểm biết  chừng  nào! Nếu  bảo  rằng  Ngôi  Lời Nhập Thể để dạy cho con người bài học làm người thì cả thầy lẫn trò đều đã thất bại – Vì sao? Bởi vì làm người trong phạm vi ở đây là làm người có đạo mà người có đạo thì phải có đức tin – Đức tin như Đức Kitô nói một khi đã mất thì làm sao mà làm người cho ra hồn được? “Dầu vậy khi con người đến há sẽ tìm được Đức Tin trên đất này sao” LC18 – 8.

Con người mất đức tin là bởi đã không còn tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa – Trong thời Cựu – Lời Hứa ấy là của Giavê Thiên Chúa cho tổ phụ Abraham còn trong thời TÂN thì đó là của Đức Kitô “Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ – Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta – Hầu cho Ta ở đâu thì các nguơi cũng ở đó” Ga 14 – 2 – 3.

Một chỗ mà Đức Kitô hứa đây chính là Nước Thiên Đàng – Nước ấy trong niềm tin bấy lâu của giáo hội rất chi là kiên vững – Bằng cớ của niềm tin ấy ta thấy rõ nhất nơi các Kinh nguyện – Hầu như bất cứ Kinh nào cũng đều kết thúc bằng lời nguyện xin cho được hưởng Nhan Thánh Chúa đời đời trên Nước Thiên Đàng – Xưa là vậy nhưng nay niềm tin ấy đã hầu sụp đổ – Lý do sâu xa của sự sụp đổ ấy chính là bởi con người thời đại đã không còn tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa – Thiên Chúa mà không hiện hữu thì tất nhiên cũng chẳng làm gì có Thiên Đàng – có hỏa ngục. “Nếu Thiên Chúa hiện hữu thì con người không hiện hữu mà vì không có Thiên Chúa vậy hãy vui lên – hãy khóc vì sung sướng Alleluia không còn Thiên Đàng – Không còn Hoả ngục – Chẳng còn gì khác” J.P. Sartre –Le diable et le bon Dieu (B.V. Đọc Sđd).

Thiên Chúa nếu không hiện hữu thì cũng chẳng thể có Thiên Đàng – Hỏa Ngục – điều ấy rất đúng – Thế nhưng có quả thật Thiên Chúa không hiện hữu?

Vấn đề Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu thật ra không phải đến bây giờ trong cái thời đại đủ thứ duy này người ta mới đặt ra – Nhưng nó đã có từ muôn thuở – Chính Philon le Juif rồi tiếp đó là Thần học trong suốt hai chục thế kỷ qua đã sử dụng triết Hy lạp để hòng chứng minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa và tất cả đều đã thất bại – Nguyên nhân của thất bại ấy như đã nói là do thần học đã có cái nhìn không đúng về nội dung Kinh thánh – Thay vì các giao ước lại là Đấng  thiên  Chúa  Tạo  Hóa – Bởi  cứ tưởng Kinh thánh chứa đựng Thiên Chúa Tạo Hóa thế nên Thần Học mới ra sức chứng minh tức chú giải để hòng có được cái mà mình muốn chứng minh. Rút cục thì Đấng mà Thần học muốn chứng minh ấy chỉ là một quan niệm mà con người có về Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của thực tại đúng như Ngài là – Để có được Thiên Chúa của thực tại thì không thể có cách nào khác ngoài ra phải thực hiện các giao ước – Tại sao? Bởi vì thực hiện giao ước chính là điều kiện duy nhất để giúp ta kiếm tìm Đấng Thiên Chúa Hằng Hữu Chân Thật.

Với Đấng Thiên Chúa hằng hữu chân thật thì phải hết lòng tìm kiếm mới có thể gặp – Không tìm không kiếm mà cũng gặp đó là điều không bao giờ có – Mặt khác người ta chỉ tìm kiếm cái chi đó còn đang bị giấu ẩn chứ có ai lại mất công tìm cái đang ở trước mắt bao giờ? Chính bởi Thiên Chúa là Đấng ẩn dấu “Chẳng ai từng thấy biết” Ga 1 – 18. thế nên đường tâm linh tôn giáo mới khác hẳn với triết học là sự giải nghĩa

Tìm kiếm Đấng Thiên Chúa giấu ẩn (Deus absconditus) đó phải là công việc duy nhất của tôn giáo – Đi chệch con đường này ắt hẳn khó mà tránh khủng hoảng – giáo hội mở ra cuộc đối thoại có lẽ cũng không ngoài mục đích kiếm tìm sự tuơng đồng nơi các tôn giáo – Thế nhưng theo tôi sự tương đồng ấy chỉ có thể tìm thấy ở nơi Phật giáo.

III. VỚI PHẬT GIÁO

Đối thoại như ĐGM Heinrich Mussinghoff nói không có nghĩa pha trộn các tôn giáo nhưng là tôn trọng hỗ tương – Pha trộn tức coi đạo nào cũng như đạo nào – Câu mà chúng ta thường nghe nhất đó là đạo nào mà chẳng dạy người ta ăn ngay ở lành xem ra có vẻ đúng đấy. Thế nhưng thât sự ẩn chứa trong câu nói ấy là tất cả sự mù mờ lẫn lộn – Mù mờ cả về tôn giáo nói chung cũng như nói riêng về đạo của mình – của người nhất là trong tình hình bát nháo loạn xà ngầu của các giáo phái đã và đang nhan nhản mọc ra như nấm gặp mưa rào hiện nay. Có những đạo mang những cái tên quái gở như đạo Satan hoặc giáo phái Ngày tận thế – Đạo sờ – Đạo hít v.v…

Pha trộn theo cái kiểu như thế thì không thể đối thoại bởi chưng để có thể đối thoại thì nhất thiết cần phải biết mình – biết người . Không biết mình biết người thì không thể đối thoại – Cứ cố mà … đối thì đó không phải là thoại mà chỉ là … chọi – đối chọi – Trái lại đối thoại mà biết mình biết người thì trăm trận trăm thắng – Thánh Phaolô khi làm cuộc đối thoại với người Do thái giáo – Ngài không một chút nương nhẹ sính sái (pha trộn) dù họ là người đồng hương đồng đạo cũ nhưng thẳng thắn quyết liệt vạch ra những sai trái của họ – Sở dĩ Thánh Phaolô có thể thẳng thắn như thế là bởi Ngài đã biết mình – biết người và chẳng những Thánh Phaolô mà toàn thể các nhà thừa sai truyền giáo các thánh tử Đạo đông tây kim cổ đều như vậy cả.

Trong việc biết mình này có một câu hỏi không thể không đặt ra đó là giáo hội đứng ở vị thế nào trong cuộc đối thoại tôn giáo hiện nay?

Đây là câu trả lời của thần học “Nếu chúng ta tượng trưng hội thánh bằng vòng tròn trong cùng gần trung tâm điểm nhất và các tôn giáo khác là những vòng tròn ở ngoài và sau hết vòng tròn ngoài cùng tuợng trưng cho toàn thể vũ trụ – Điều đó có ý nghĩa là tất cả mọi tôi giáo cũng như tất cả vũ trụ quy hướng về HT và Đức Kitô  cho dù  họ  không  công  nhận  hay chưa biết HT và Đức Kitô” (T.C. Kitô giáo và các tôn giáo khác).

Lý do khiến Thần học đưa ra khẳng định = tất cả mọi tôn giáo đều phải quy hướng về HT Công giáo và Đức Kitô đó là bởi không những vũ trụ mà bất cứ con người nào – tôn giáo nào cũng đều do bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa – Nếu quả thật toàn thể là do Đấng Tạo Hóa tạo nên như thế thì các tôn giáo có phải quy hướng về Hội Thánh mà HT cũng là do Tạo Hóa thiết lập thì âu cũng là đương nhiên – Thế nhưng thật sự thì Thiên Chúa Sáng tạo không hơn không kém trước sau chỉ là một quan niệm Thần học mà quan niệm như đã biết đó thuần túy chỉ là “cái tôi tưởng” (le je pense) tôi cho – tôi nghĩ như thế chứ đâu có phải thực tại. Không phải thực tại mà lại cứ cho cứ tưởng là thực tại để rồi áp đặt người khác phải theo – phải quy hướng – đó là điều khiến cho Thần học đã lâm phải tình cảnh không biết mình không biết người thật tai hại mà không biết .

Không biết mình là bởi Hội thánh Đức Kitô là Đạo đức tin chứ không phải đạo làm người và cũng chính bởi đã lấy đạo làm người làm xuất phát điểm thế nên Thần học đã đánh giá không đúng về mối tương quan với các tôn giáo – Xa lại cho là gần – Gần lại cho là xa – Do Thái giáo – Hồi giáo cho là gần với lý do là vì cả hai đều nhận Abraham làm tổ phụ. Thế nhưng họ lại xa lắc xa lơ bởi họ đâu có chung cùng một đức tin nghĩa là tin vào Lời Hứa. Chẳng những chỉ Do Thái giáo – Hồi giáo mà tất cả những tôn giáo hữu thần khác như An độ giáo – Bà La môn giáo – Bái Hỏa giáo – Khổng giáo v.v… cũng vậy.

Không tương đồng trong đức tin thì cũng không thể đồng trong hành động tức phương pháp để đạt đức tin ấy. Trái lại nếu đức tin đồng thì hành động cũng đồng. Đối với các tôn giáo hữu thần tưởng là đồng nhưng lại bất đồng lý do là bởi có sự khác biệt sâu xa về đức tin hay nói cho đúng – các tôn giáo ấy chẳng có quan hệ gì với đức tin cả. Những tôn giáo hữu thần không cần gì tới đức tin nên không thể đồng. Trái lại với Đạo Phật vô thần không chấp nhận Đấng Thần Linh Tạo Hóa nhưng lại đồng bởi Đạo này toàn bộ được xây dựng dựa trên nền tảng đức tin “Phật pháp như biển cả – phải có lòng tin mới vào được” (Đại Trí Độ luận).

Lý do nói Đạo Chúa và Đạo Phật đồng trong đức tin là bởi cả hai đều chủ trương con người cần phải quay về với bản tâm chân thật . Mà Chân tâm là cái không thể cảm nhận không thể nghĩ suy duy chỉ có tin thôi – Chân Tâm ấy Đạo Phật gọi là Phật Tánh – Viên giác tánh v.v… còn Đạo Chúa gọi là hình ảnh Đức Chúa Trời (Thiên Tánh) là Nước Trời – Nước Hằng sống Thiên Chúa Tình Yêu v.v… Tuy danh từ ngôn ngữ có khác nhưng trong thực tại thì hoàn toàn không khác vẫn chỉ là một – Tại sao nói chỉ là một? Bởi đó là thực tại TÂM – và nếu là Chân Tâm thì tất cả  đều đồng một thể tánh dù đó có là Phật Thích Ca – là Chúa Giêsu Kitô – Đức Thánh Khổng hay chỉ là một tên ăn mày mạt hạng ở nước Somali nghèo đói giặc giã quanh năm kia cũng đều hệt như nhau – không mảy may khác biệt – có khác biệt là bởi vọng tâm (các quan niệm – lập trường – ý hệ đủ thứ) chứ Chân Tâm thì không thể khác.

Chân Tâm ấy dù có gọi là Phật là Chúa là Đấng Tỳ lô giá na – là Đấng Tạo Hóa – Đấng Cha Nhân Lành v.v… cũng là để chỉ cho một thứ thực tại hằng hữu bất sinh bất diệt cũng là nguồn cội phát sinh muôn loài – Thực tại ấy dù hằng hữu ở nơi mỗi người nhưng bởi mê nên phàm nhân chúng ta lại một chẳng ai hay biết – Do bởi chúng sinh mê muội như thế nên mười phương chư Phật mới ra đời để khai ngộ (mạc khải).Còn nếu nói lý trí con người cũng có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn thì sự xuất hiện nơi đời của Đức Giêsu Kitô chẳng còn nghĩa lý chi cả.Chúa Giêsu luôn nhận mình là Thiên Sai nghĩa là người mang theo mình một sứ mạng – Chính Ngài đã xác nhận một cách hết sức rõ ràng về sứ mạng ấy “Có quần chúng kéo đi tìm Ngài theo kịp – muốn giữ Ngài lại không cho Ngài đi khỏi họ –Nhưng Ngài nói cùng họ rằng “Ta cần phải rao giảng Tin Mừng của Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác – Vì cốt tại việc đó mà Ta đã được sai đến” LC 4 – 42 – 43. Quần chúng muốn níu giữ Chúa Giêsu ở lại để cứu chữa cho họ khỏi bệnh tật hoặc cho họ bánh ăn (LC 9 – 10 – 17) hoặc xử kiện (LC 12 – 13 – 14) nhưng Ngài dứt bỏ để ra đi thực hiện công việc đã được Đấng Cha trao phó – Điều ấy chứng tỏ sứ mạng của Đức Kitô khi đến cõi thế này là để rao giảng Tin Mừng chứ không phải là để thiết lập Nước Trời ở nơi gian trần này – Giữa rao giảng Tin Mừng và thiết lập là hai việc hoàn toàn khác – Ý nghĩa của Tin Mừng ở chỗ nó có thể khiến cho người tiếp nhận nó có được sự vui mừng lớn lao – Được nghe Chúa báo cho biết một cái tin rằng Nước Trời là Nước hằng sống – hằng vui đã hiện hữu từ thuở đời đời ngay ở trong tâm hồn mình thử hỏi còn có nỗi vui nào lớn hơn? Ngược lại nếu nói Chúa đến để thiết lập Nước Trời – biến trần gian thành Nuớc Thiên Chúa và nước ấy nếu có thiết lập được cũng là nhờ vào hành động (làm người) của các tín hữu cho một tương lai xa xăm mịt mù nào đó thì đối với bản thân tôi – bản thân anh có gì đâu để vui – để mừng?

Đối thoại tôn giáo trong thực chất chính là việc rao giảng Tin Mừng – có nghĩa là đem cái tin mà mình đã nhận lãnh nơi Đức Kitô đến cho mọi người – Ai tin nhận thì  được cứu tức là được vui – vui mãi – Ngược lại không tin sẽ bị luận phạt – tức là phải khổ – khổ đời đời.Giáo hội đã mở ra cuộc đối thoại và đã trao công cuộc ấy cho toàn thể Dân Chúa bất luận giáo sĩ giáo dân như một bổn phận phải làm “Tiếp xúc đối thoại và cộng tác với tín đồ các tôn giáo khác là một công việc mà công đồng VAT2 đã giao cho toàn thể giáo hội thi hành như một bổn phận và một thách đố” (Tông huấn giáo hội tại Á châu)

Mỗi một tín hữu chúng ta không ai được quyền chối từ bổn phận mà Hội thánh đã trao. Tuy nhiên làm sao mà có thể loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho người khác một khi chính mình đã không tin nhận. Không tin, không nhận thì không thể mừng. Mà đã không mừng thì chắc chắn cũng không thể vượt qua được thách đố của việc rao truyền.

Phùng  văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment