Đạo Đức và Luật Qủa Báo

Trả lời câu hỏi của phóng viên: Đạo đức xã hội xuống cấp, suy đồi đang trở thành vấn nạn đáng báo động. Tăng cường nhiều công an tư tưởng cảnh sát, xây nhiều nhà tù có thể  là nơi giáo dục đạo đức, răn đe cộng đồng bớt phạm tội lâu dài được hay không?

TSKH Phan Hồng Giang  từng là viện trưởng Viện Văn Hóa  cho biết đại ý không nên làm như vậy bởi vì xét trên phương diện pháp luật thì mới suy nghĩ trong đầu hoặc thể hiện bằng lời nói hoặc chữ viết thì không thể được coi là hành vi phạm tội và rồi ông nêu lên quan điểm của mình: “ Về lâu dài thì cần áp dụng biện pháp căn cơ sâu xa hơn: Tính của con người chủ yếu là do hoàn cảnh tạo ra, muốn cải tạo tính cách theo chiều hướng Chân – Thiện – Mỷ thì trước tiên phải tập trung cải tạo hoàn cảnh sao cho môi trường xã hội trở nên tử tế, hợp đạo lý hơn” ( Việt Nam Thời Báo – TSKH Phạm Hồng Giang – Làm thế nào để chấn hưng đạo đức dân tộc ? ).

Để cải tạo đạo đức mà lại đòi hỏi  phải cải tạo  hoàn cảnh thì lập luận  như thế phải chăng đã đặt cái cày trước con trâu ? Tại sao ? Bởi vì chính con người tạo nên hoàn cảnh chứ không phải hoàn cảnh tạo nên con người. Mặt khác đề nghị cải tạo hoàn cảnh tức  thay đổi thể chế chính trị hiện nay là điều …không tưởng.

Đưa ra một đề nghị không tưởng như thế mà lại trông chờ ở đó cho việc cải tạo đạo đức thì  thật…không  sao hiểu nổi. Có câu chuyện xảy ra ở bên…Tàu cho thấy chính con người  tạo ra hoàn cảnh  chứ không phải ngược lại. Văn Cường nguyên giám đốc Sở Tư pháp  sau là  phó giám đốc Sở Công An TP Trùng Khánh do phạm tội tham ô hủ hóa bao che cho  bọn Mafia đã bị tòa án thành phố này tuyên án tử hình ngày 07/7/2010.

Trước khi lãnh án hắn ta có để lại một thư tuyệt mệnh trong đó phân trần “ Nói Văn Cường ta đây cưỡng hiếp, ta mà lại phải cưỡng hiếp à ?  Ai chẳng biết cán bộ hiện nay nếu không tham ô không háo sắc thì ai dám tin dám trọng dụng anh ? Dù anh làm việc có tốt đi nữa cũng chẳng có ích gì ! Loại cán bộ giống như ta trong cả nước nếu không nói là mấy triệu thì chí ít cũng phải đến mấy chục vạn người. Chỉ bêu xấu  rồi giết một mình Văn Cường thì giải quyết được gì ?

Đúng là chẳng giải quyết được gì bởi chế độ là như thế, nó chỉ tin dùng những  người vô đạo. Chỉ tin dùng những người vô đạo đây là trường hợp không chỉ xảy ra đới với Trung Quốc nhưng là cho tất cả các chế độ CS duy vật vô thần. Nhận ra như thế để cho thấy đối với  những chế độ chủ trương duy vật vô thần thì không thể nói đến chuyện đạo đức  bởi  điều ấy hoàn toàn trái ngược với bản chất của nó.

Vì  tính chất vô đạo của các chế độ CS duy vật thế nên không thể nói đến chuyện đạo đức ở đây được. Tuy nhiên trong vấn đề này chúng ta cần nhận ra sự thật đó là hễ ai  phạm tội  thì cũng sẽ bị pháp luật trừng trị dù y ta có  sống trong bất cứ chế độ nào dù là dân chủ Mỹ hay Tây Phương. Có tội thì bị phạt đó là luật quả báo không bao giờ sai chạy. Chính  Văn Cường  đã xác nhận điều ấy “ Biến ta thành người như thế này là do chính  xã hội chính chế độ này. Ta nói như vậy không phải là muốn đẩy hết trách nhiệm cho người khác. Nếu như năm đó ta không rời huyện Ba, yên tâm làm một anh cảnh sát bình thường ở đó thì hôm nay ta đã không phải như thế này” ( Dương Danh Dy giới thiệu “ Thư để lại của một kẻ bị tử hình ở Trung Quốc ).

Hoàn cảnh góp  phần quan trọng tạo nên số phận của một con người điều ấy không ai phủ nhận. Tuy nhiên trên cõi đời này còn có biết bao người  đã biết vượt trên số phận không để hoàn cảnh lôi cuốn. Văn Cường tỏ ra hối hận khi đưa ra giả dụ nếu không rời bỏ công việc cảnh sát viên bình thường ở huyện Ba thì đâu  nên nỗi, tất cả chỉ  vì đã không thể cưỡng lại được lòng tham mà thôi

Không ai giết Văn Cường chỉ có lòng tham đã giết Văn Cường, gây nhân nào thì gặt quả đó không  cách  chi thoát khỏi. Tin và nhận ra luật nhân quả báo ứng đó là vấn đề hết sức  quan trọng không những chỉ cho tôn giáo nhưng là cho hết thảy mọi người. Sống tôn giáo mà không tin nhân quả báo ứng thì đời sống ấy chỉ có cái vẻ đạo đức bề ngoài không ích lợi gì về mặt tâm linh. Tại sao ? Bởi  không tin nhân quả thì không cố gắng làm lành lánh dữ, làm lành sẽ được hưởng quả lành còn làm ác sẽ  phải lãnh quả ác.

Trong việc tin nhân quả này thì không chỉ có những kẻ vô thần không tin mà ngay cả các loại thần giáo cũng không tin vì cho rằng đấng thần linh sẽ quyết định tất cả. Không tin nhân quả thì cứ mặc tình phạm tội cho đến khi lãnh nhận quả báo thì lại buông lời trách trời trách  hoàn cảnh này nó.  Gây tội mà không ai biết thì không sợ thế nhưng dù có lách luật hoặc có…ô dù che chở thì tội cũng vẫn còn đó vì chưng hết thảy tội lỗi đều do ở nơi Tâm và một khi tội đã ở  nơi Tâm thì làm sao …né được ?

Họa hay phúc đều do ở nơi Tâm bởi  vậy Sách Minh Tâm Bửu Giám viết “ Người làm thiện như cỏ vườn xuân không thấy lớn mà ngày vẫn tăng lên. Kẻ làm ác như đá mài dao không thấy mòn mà ngày càng hao mãi. Một mảy thiện cũng nên giúp người làm. Một mảy ác cũng nên khuyên người tránh.  Ăn mặc vừa phải tự nhiên vui vẻ tính số làm gì hỏi bói mà chi ? Dối người là họa giúp người là phúc. Lưới trời lồng lộng báo ứng thật nhanh. Cẩn thận nghe lời ta nói thì thần kính ma sợ”.

Làm thiện hay làm ác quyết định đều do ở nơi Tâm. Tâm có nghĩ thiện thì mới làm được điều thiện. Trái lại Tâm nghĩ ác thì thế nào cũng làm việc ác. Chúa nói “ Không có cây tốt lại sinh trái xấu. Cũng không có cây xấu lại sinh trái tốt. Vì xem quả thì biết cây. Người ta không thể hái trái vả nơi lùm gai cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện  do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện kẻ ác do lòng chứa ác  mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy rẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).

Tâm có chứa thiện mới làm được điều thiện trái lại Tâm chứa ác sẽ làm điều ác. Sự việc chứa hay chất chứa ở đây sẽ tạo thành Nghiệp và chính cái Nghiệp  đó sẽ quyết định số phận  mỗi người. Nói cho dễ hiểu thì Nghiệp là do tập quán thói quen lâu ngày mà  thành. Người ta nói nghề nghiệp điều ấy có nghĩa bất cứ một nghề nào kết quả cũng là do học tập lao động  dù là lao động phổ thông hay  chuyên môn cũng vậy. Mặt khác Nghiệp còn là do tập nhiễm, một người lúc còn thiếu niên chưa biết hút thuốc, uống rượu  nhưng theo bạn bè rủ rê tập hút tập uống thành ra nghiện  ngập không sao bỏ được

Xét trong lãnh vực tâm linh thì có  hai thứ Nghiệp một là Nghiệp Thế Gian và hai là Nghiệp Xuất Thế Gian. Trong hai thứ Nghiệp này thì Nghiệp  Thế  Gian thuộc luân lý còn Nghiệp Xuất Thế Gian thuộc đạo đức. Lý do nói Nghiệp Thế Gian thuộc luân lý chứ không phải đạo đức là vì  luân lý là những tập tục những  ước lệ do  người đời đặt định ra và vì thế nó có thể thay đổi  nơi này nơi khác hoặc lúc này lúc khác. Chẳng hạn ở Việt Nam cách nay  chưa đầy  một trăm năm  thì đàn ông  tóc búi tó củ hành còn đàn bà thì ăn trầu nhuộm răng đen cho là đẹp. Nhưng bây giờ nếu có ai làm như thế thì sẽ bị cho là khùng là dở  v.v…

Để phân ra sự khác biệt giữa luân lý và đạo đức  xin được dẫn chứng câu chuyện của người thanh niên đến  cầu đạo nơi Chúa Giê Su. Ngài hỏi: Ngươi biết các điều răn = Chớ giết người chớ gian dâm chớ trộm cắp chớ làm chứng dối chớ gian lận. Hãy hiếu kính cha mẹ rồi chứ ? Người ấy đáp: Thưa Thầy mọi điều ấy tôi đã tuân giữ từ nhỏ. Chúa Giê Su nhìn người bèn thương yêu người mà bảo: Ngươi còn thiếu một điều đó là hãy đi về bán hết của cải ngươi mà phân phát cho kẻ nghèo rồi hãy đến theo Ta. Những lời ấy làm cho người sầm mặt xuống rồi buồn rầu mà đi vì người có tài sản nhiều lắm” ( Mc 10, 19 -22 ).

Giữ các điều răn: Không giết người , trộm cắp, tà dâm làm chứng dối v.v…là điều rất tốt chính bởi vậy mà Chúa Giê Su mới nhìn người thanh niên với ánh mắt yêu thương. Tuy nhiên những việc ấy vẫn còn bị giới hạn trong phạm vi luân lý lý do là vì còn thấy có mình. Người thanh niên không thể theo Chúa vì còn bám giữ vào tài sản cho nó là thật. Bao lâu còn thấy có mình còn thấy tài sản sự nghiệp là của mình thì không cách chi có thể bước vào con đường đạo đức là đường bỏ mình “ Ai muốn theo Ta  thì hãy từ bỏ mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được. Bởi chưng lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Mt 16, 25 -26 ).

Lời Chúa cho thấy có hai thứ mạng một giả một thật.  Mạng sống giả tức là sự sống vật chất xác thân còn mạng sống thật là phần linh hồn bất tử. Người đời vì u mê chỉ biết lo ( cứu ) cái phần xác thân giả tạm sống nay chết mai này mà quên đi phần linh hồn. Lo cho xác thân  tức chỉ biết lo sao cho mình có nhiều tài sản, chức quyền danh vọng ở đời. Một khi chỉ biết lo như thế tức đã tạo cho mình một cái Nghiệp xấu ác và như đã biết, tạo Nghiệp nào sẽ có cái quả tương ứng của Nghiệp đó. Cái anh chàng Văn Cường phó giám đốc Công An thành phố Trùng Khánh đã tạo cho mình Nghiệp xấu như vậy thì không thể oán trách ai được.” Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” ( Nguyễn Du – Truyện Kiều ).

Nếu Nghiệp do mình tạo thì đương nhiên mình cũng có thể cải tạo được nó. Không một ai khác có thể cải được cái Nghiệp mà mình đã tạo ngoài ra là mình. Mặc dầu về…lý nó là như vậy  nhưng  thực tế đây là việc hết sức khó khăn  bởi  không dễ gì  có thể  thay đổi một quan niệm  một ý hệ mà  con người đã huân tập nhiều đời nhiều kiếp. Người CS vì chấp vào Duy Vật Biện Chứng thế nên mới ra sức triệt hạ tôn giáo cho đó là thuốc phiện đầu độc quần chúng nhân dân lao động. Người theo Do Thái giáo vì chấp vào quan niệm Đấng Messia mà đã đang tâm giết hại Chúa Giê Su Nazareth  đích thực là Cứu Chúa của họ. Người Hồi giáo vì chấp vào quan niệm Thánh Allah  để rồi đã gây ra biết bao thảm nạn khủng bố giết hại ngay cả những tín đồ Hồi giáo khác không cùng giáo phái.

Tôn giáo nếu chỉ là ý hệ thì xét ra  đó chỉ là những cái chấp và một khi đã là những cái chấp thì làm sao có thể tránh khỏi xung đột giữa tôn giáo này với tôn giáo nọ ? Để hiểu cho đúng về tôn giáo thì cần phải xét đến cái mục đích sâu xa của nó chính là để tạo lập một cái nhân lành  tối thượng để hưởng quả lành tối thượng. Nhân lành tối thượng trong Đạo Chúa đó chính là thuận theo Thánh Ý Thiên Chúa “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu  nhưng  chỉ kẻ nào làm theo ý chỉ của Cha Ta ở trên trời mà thôi”( Mt 7, 21 ).

Thực thi Thánh Ý Chúa đó chính là việc phá chấp. Tại sao vậy ? Bởi vì Thánh Ý Chúa mặc dầu  cũng là một thứ tư tưởng nhưng như trời cao hơn đất thế nào thì tư tưởng của Chúa cũng cao hơn như vậy “ Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi. Đường lối của các ngươi không phải là đường lối  của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối  các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. Cũng như mưa với tuyết sa xuống  cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc, cho kẻ gieo có hạt giúp cho người đói có bánh ăn thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất ra từ miệng Ta thì sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” ( Es 55, 6 -11 ).

Thuận theo Thánh Ý Thiên Chúa tức đi trên đường  Đạo và đi trên đường  Đạo đó không phải là điều chi bắt buộc nhưng là một niềm vui “ Đạo chi tôn  Đức chi quý. Phù mạc nhi mạng nhi thường tự nhiên” (  Đâu phải tôn Đạo quý Đức       là phận sự bắt buộc mà là một chiều hướng tự nhiên – ĐĐK – Chương  51 ).

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts