- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Đạo Công Giáo và vấn đề môi trường

Có nghịch lý này là khoa học càng tiến bộ thì môi trường càng bị tàn phá “ Với sự phát triển của khoa học công nghiệp chưa bao giờ có thể bay xa bay cao vào vũ trụ, khoan sâu vào lòng đất, lặn xuống đáy đại dương được như hôm nay. Con người đã vẽ được bản đồ gen, nhân bản được tế bào gốc, tìm ra Hạt của Chúa ( Higgs ), Tổ chức du lịch lên mặt trăng  và làm cho cả thế giới rộng lớn trở thành một cái làng nhỏ bé…Nhưng cũng chưa bao giờ nhân loại phải đối mặt với nhiều tai hoạ khủng khiếp như hiện nay: Động đất và sóng thần, bão lụt và lở đất, núi lửa phun trào. Tiếng kêu cứu vang lên khắp nơi. Hãy cứu lấy trái đất khỏi bị ô nhiễm, tầng Ozone bị thủng, trái đất nóng lên băng Nam Cực tuôn chảy và sẽ có ¼ trái đất bị nhấn chìm xuống biển. ( Nguồn Lamhong. Org 01/6/2016 – TS Phạm Huy Thông – Giáo Hội Công Giáo với vấn đề môi trường ).

Giữa sự tiến bộ của khoa học và việc môi trường bị tàn phá hẳn nhiên phải có một mối quan hệ nào đó và quan hệ đó là như thế nào ? Chúng ta có thể …tạm phân chia nhân loại thành hai thời kỳ. Một là thời khoa học và hai là thời tiền khoa học. Thời tiền khoa học bắt đầu từ thời cổ đại khi con người còn sống cái đời hoang dã ăn lông ở lỗ, chỉ biết sống bằng cách  săn bắt hái lượm theo chu kỳ của thời tiết. Trong thời kỳ này sự cân bằng về môi sinh được duy trì và sở dĩ có được sự cân bằng  ấy là vì con người sống hoàn toàn tuỳ thuộc vào thiên nhiên, giữa con người và thiên nhiên không hề có  sự phân cách nào cả.

Thời kỳ sống …hoà với thiên nhiên ấy chấm dứt khi con người có nhận thức về mình như một chủ thể. Một khi  nhận mình như  một chủ thể thì thiên nhiên khi ấy trở thành như một thứ  đối tượng cần khám phá, chế ngự và đây chính là thời của khoa học = Thay vì săn bắt hái lượm con người biết trồng trọt, chăn nuôi. Thay vì phải đi bộ chậm chạp nhọc mệt, con người đã chế ra các phương tiện đi lại nhanh chóng  và đây chính là phát minh của xe đạp của các thứ tàu chạy bằng hơi nước v.v…

Từ những phát minh khoa học bước đầu như thế con người đã bước sang  một giai đoạn tiến bộ có thể nói là vượt bực khi khám phá ra nguồn năng lượng tưởng chừng như bất tận là dầu hoả. Công cuộc kỹ nghệ hoá mỗi ngày một phát triển tất cả là nhờ  vào nguồn năng lượng  dồi dào này. Việc sản xuất các loại giao thông đủ loại từ xe hơi máy bay cho đến các phi thuyền không gian  đã làm cho thế giới ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên cũng chính những phương tiện cơ giới ấy đã khiến  môi trường sống của con người bị ô nhiễm nặng nề. Cùng với thứ năng lượng  được gọi là…vàng đen này  còn có một thứ năng lượng nữa là  năng lượng hạt nhân, chính nó  là một thứ sản phẫm khoa học tác động đến môi trường  cách ghê gớm nhất ( vụ nổ nhà máy nguyên tử Trec nô bưn ) và sẽ là nguyên  nhân tiêu diệt  toàn thể nhân loại trong một ngày không xa.

Công cuộc kỹ nghệ hoá mang tính toàn diện và không thể thoái lui này đã khiến  môi trường bị tàn phá ngày càng trầm trọng  Khí thải carbonic không thể kiểm soát khiến  hiệu ứng nhà kính ngày càng nóng lên, sự cuồng nộ của thiên nhiên xảy đến dồn dập như đang thấy  là điều  không sao tránh khỏi.

Nhận thức được mối hiểm nguy vô cùng lớn lao tác hại đến môi trường như thế  mà ta thấy các quốc gia  đã phải cùng nhau hội họp để đưa ra hết giải pháp này đến giải pháp kia nhưng tình trạng chẳng có gì khả quan. Giáo hội Công giáo trong vấn đề này cũng không thể đứng ngoài cuộc. Trong TĐ ngày Hoà Bình Thế Giới 2002 đức Gioan Phao Lô II nói “ Việc ứng dụng khám phá mới trong lãnh vực công nghiệp và nông nghiệp cũng đem đến những hậu quả lâu dài. Từ đó chúng ta phải đau đớn nhìn nhận rằng mình không thể can thiệp vào lĩnh vực sinh thái mà không chú ý tới những hậu quả của sự can thiệp ấy nơi các lĩnh vực khác và tới hạnh phúc của các thế hệ tương lai” ( Nguồn Lamhong.Org 01/6/2016  đã dẫn ).

Những nỗ lực của các quốc gia và của GHCG rồi đây có đi đến kết quả nào không, điều ấy chúng ta hãy chờ xem. Tuy nhiên để giải quyết bất cứ cơn khủng hoảng nào dù là chính trị, kinh tế hay môi trường thì trước hết cần tìm cho ra cái nguyên nhân gây ra cho nó. Về nguyên nhân tác hại môi trường  giáo lý Công giáo dạy  rằng đó là do con người đã khai thác thiên nhiên quá mức để chiếm hữu cho mình “ Con người được  khai thác thiên nhiên để phục vụ nhu cầu chính đáng của mình nhưng không được chiếm hữu tuyệt đối mà phải chia sẻ cho mọi người với tình huynh đệ. Con người không thể làm gì nếu không có của cải vật chất là thứ đáp ứng  các nhu cầu  căn bản cho con người tồn tại. Những của cải này tuyệt đối cần thiết nếu như con người phải tự  nuôi thân, lớn lên, liên lạc hợp tác với người  khác và  thực hiện các mục  tiêu  cao cả nhất mà con người được mời gọi thi hành” ( Nguồn Lamhong.Org 01/6/2016 đã dẫn ).

“ Thiên nhiên môi trường là của cải Thiên Chúa ban cho con người”. Quan niệm này phản ảnh cách giải nghĩa  Sách Sáng Thế theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ) về Đấng Tạo Hoá. Trong đó vị trí Vườn Địa Đàng…nằm trên trái đất ( Ở chỗ nào thì không biết ) nhưng do nguyên tổ đã phạm tội nên đã bị phá huỷ “ Vườn Địa Đàng của nguyên tổ Ađam và Eva thuở ban đầu vì  đã bị phá huỷ khi ông bà phạm tôi nhưng mô phỏng Vườn Địa Đàng ở Canada ngày nay cũng làm cho bất cứ du khách nào đến đây cũng phải trầm trồ thích thú” ( Nguồn Lamhong.Org 01/6/2016  – đã dẫn ).

Nên nhớ Vườn Địa Đàng không hề bị phá huỷ nhưng chỉ vì nguyên tổ phạm tội mà đã bị đuổi ra khỏi nơi đó “ Vậy Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn rồi đặt tại phía đông vườn Eden các thần cherubin với gươm lưỡi chói loà để trấn giữ con đường đi đến Cây Sự Sống” ( St 3, 24 ).

Bị đuổi khỏi Địa Đàng đó là một  nỗi bất hạnh lớn lao:  Đàn bà thì phải đau đớn bội phần khi sinh con còn đàn ông phải vất vả mưu sinh đổ mồ hôi trán mới có cái để mà ăn ( St 3, 16 -19 ). Nếu hiểu Kinh Thánh thì phải biết rằng cái nơi chốn ( môi trường ) mà con người sinh sống sau khi phạm tội…ăn trái cấm phân biệt thiện ác  chính là cõi thế gian khốn khổ vô thường sống nay chết mai, bụi đất lại  trở về với  đất bụi này đây.

Đạo Công giáo trong tính chất Tông Truyền của mình, từ bấy lâu nay vẫn coi thế gian là chốn lưu đày khốn khổ cần mau mau tìm kiếm phương thế hầu thoát khỏi nó. Trong tất cả các kinh nguyện trước đây đều thể hiện lời cầu xin cho được  về chốn phước lạc đời đời không còn khổ đau. Nguyện xin cho thoát khỏi chốn thế gian khổ ải, điều ấy không có gì là tiêu cực nhưng đây chính là nhu cầu tâm linh của con người khi nhận ra sự thật. Có khổ và biết mình khổ  mới cầu cho thoát khổ. Trái lại khổ mà không biết mình khổ thế nên cứ chìm đắm mãi trong khổ mà không biết.

Đức Ki Tô đến với thế gian mang theo sứ mạng giải thoát  khổ đau cho con người và Ngài đòi hỏi cần có sự từ bỏ dù đó có là gia quyến thân tộc “ Đang khi đi đường có kẻ thưa Ngài rằng không cứ Ngài đi đâu tôi sẽ theo đó Chúa Giê Su đáp: Con cáo có hang, chim trời có tổ. Song Con Người  không có chỗ gối đầu. Ngài lại phán cùng kẻ khác rằng: Hãy theo Ta. Kẻ ấy nói: Thưa Chúa xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Nhưng Ngài phán: Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn ngươi hãy  đi truyền bá Nước ĐCT. Kẻ khác nữa lại nói: Thưa Chúa tôi sẽ theo  Chúa. Song xin cho tôi về từ giã người nhà trước đã. Nhưng Chúa Giê Su nói: Không ai đã tra tay cầm cày còn ngoái  lại đằng sau mà lại xứng với Nước ĐCT” ( Lc 9, 57 -62 ).

Theo Chúa thì không được ngoái lại đằng sau và đàng sau ở đây chính là cõi thế gian. Còn ngoái lại đằng sau  tức là chưa nhận ra sự cần kíp  của việc thoát khổ. Đức Ki Tô  nói những ai ngoái lại đằng sau thì không xứng với Nước Trời có nghĩa việc tìm kiếm Nước Trời phải là ưu tiên trước hết “ Thế thì chớ có lo lắng rằng chúng ta ăn gì uống gì, mặc gì vì mọi điều đó các dân ngoại vẫn lo. Song Thiên Phụ các ngươi biết các người cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi. Vậy nên chớ có lo lắng chi về ngày mai vì ngày mai sẽ tự lo cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày đó” ( Mt 6, 31 -34 ).

Một khi đã mang lấy phận người thì không ai là không khổ. Tại sao ? Bởi vì con người chúng ta đã vương mang cái ách của Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thiện ác. Khi tâm phân biệt khởi thì liền đó đã hình thành nên một cái “ Ta” ( Ngã chấp ) Cũng bởi cái chấp có “ Ta” này mà con người cứ phải lo lắng đủ điều để rồi chuốc vào mình mọi điều tai ương khổ ách.

Còn chấp có “Ta” thì còn  khổ vì vậy Chúa nói phải bỏ mình  tức bỏ đi cái “ Ta” để theo Ngài “ Ai muốn theo ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được.. Bởi chưng lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ? “ ( Mt 16, 24 -26 ).

Muốn cứu lại mất còn bỏ đi lại được, đây là một nghịch lý trong Đạo Chúa và trong lịch sử lâu dài của Giáo Hội đã có biết bao là người đã chứng minh chân lý đức tin ấy bằng cái chết của mình “ Có kẻ khác lại chịu thử thách như bị chế diễu, đòn vọt xiềng xích và lao tù nữa. Họ bị ném đá cưa xẻ cám dỗ chém giết bắt mặc da chiên da dê, lưu lạc bơ vơ chịu túng ngặt hoạn nạn ngược đãi, phiêu lưu trong đồng vắng, trên núi, trong hang đá trong hầm sâu dưới đất bởi vì thế gian không xứng cho họ” ( Dt 11, 36 -38).

Thế gian không xứng bởi đây là cõi sinh diệt vô thường khổ não. Các Thánh là những con người đã nhận ra Sự Thật này và đã quyết lòng đi theo con đường giải thoát của Đức Ki Tô. Ý nghĩa của giải thoát là thoát khỏi khổ đau nhưng để có được sự giải thoát đó thì con người phải nhận ra  Sự Thật Con Thiên Chúa ở  nơi chính mình “ Chúa Giê Su nói với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta, các ngươi  sẽ là môn đệ Ta các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải  thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

Ở trong Đạo Chúa, làm môn đệ Chúa là để nhận biết Sự Thật và Sự Thật ở đây là mỗi người trong chúng ta đều được dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa ( St 1. 26 ). Tuy được dựng nên là Con Chúa  nhưng chúng ta đâu có nhận biết Thiên Chúa Đấng là Cha mình ? Thiên Chúa là Cha, điều ấy có nghĩa Ngài là Bản Thể là nguồn cội phát sinh muôn loài.

Để có thể hiểu câu chuyện sa ngã của nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng thì nhất thiết cần theo nghĩa minh triết Đông phương. Vườn Địa Đàng tượng trưng cho Bản Thể bất sinh bất diệt. Ađam – Eva là hai nguyên lý Âm và Dương. Con rắn là lý trí phân biệt. Ađam – Eva đang  sống hồn nhiên vui thú nơi Địa Đàng nhưng rồi lại nghe theo  sự cám dỗ của con rắn, cố tình ăn trái  mà  Giêhova Đức Chúa đã cấm  là trái phân biệt nên đã bị đuổi khỏi vườn.

Một khi đã bị đuổi thì lẽ ra không bao giờ còn được trở về. Thế nhưng lại có lời hứa của Giêhova Đức Chúa sẽ cho trở về với điều kiện phải trải qua một cuộc chiến cam go. Cuộc chiến này diễn ra giữa một bên là Người Nữ Maria và một bên là rắn Sa Tan “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

Trong suốt lịch sử Ơn Cứu Độ trải dài từ tổ phụ Apraham đến  tận ngày nay cuộc chiến giữa Đức Maria  và Sa Tan đã diễn ra không một phút giây nào ngừng. Thời Cựu Ước Đức Maria đã được tiên báo “ Vậy nên chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: Này đây một Nữ Đồng Trinh sẽ chịu thai sanh một con trai và đặt tên là Emmanuel” ( Is 7, 14 ). Người Nữ Đồng Trinh sẽ sinh con và Người Con ấy là Đức Giê Su Ki Tô Đấng Cứu Độ.

Tín hữu chúng ta vẫn tuyên xưng Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ, điều ấy rất cần và rất đúng. Tuy nhiên  có điều còn cần hơn  đó là  nhận ra mục đích cứu độ của Đức Ki Tô là để dẫn đưa  con người trở về với  Chúa Cha, Đấng là Bản Thể là cội nguồn xuất sinh ra mình. Nhờ công nghiệp của Đức Ki Tô chúng ta có được ơn gọi làm Con Chúa. Thế nhưng để theo đuổi được ơn gọi cao cả ấy thì cần phải có Đức Maria bởi Ngài là Đấng đã sinh ra ta trong Ơn Thánh “ Cùng một năng lực của Đấng Chí Tôn, cùng một tác động của Chúa Thánh Thần đã làm cho Maria sinh ra Đấng Cứu  Thế cũng làm cho người tín hữu được sinh ra trong nước tái sinh” ( MV Bernado – O.P – Mẹ Trong Đời Tôi ).

Nhờ công nghiệp của Chúa Giê Su Ki Tô mà Đức Mẹ  đã sinh chúng ta là Con Chúa. Cũng như  Chúa Giê Su được Đức Maria sinh ra qua tiếng Xin Vâng thế nào thì tín hữu chúng ta  cũng vậy cũng  được sinh ra với tiếng Xin Vâng. Lại nữa Đức Mẹ  không chỉ sinh ta có một lần  trong nước tái sinh là Phep Rửa Tội  mà còn sinh ta trong tất cả mọi thời khắc mỗi khi ta biết  thực hiện lời Xin Vâng.

Biết Xin Vâng trong mọi hoàn cảnh cuộc sống là rất khó vì chưng chúng ta sống là sống giữa thế gian. Sống giữa thế gian có nghĩa phải chịu sự cám dỗ của ma quỷ và cám dỗ đó thật là ghê gớm “ Hãy dè giữ hãy tỉnh thức bởi kẻ thù nghịch của anh em là ma quỷ. Chúng như sư tử rống đi ruồng quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể ăn nuốt. Hãy vững vàng trong đức tin mà chống cự nó vì biết rằng chính các nỗi khổ ấy cũng đang hoành hành trong cả anh em mình ở khắp thế gian” ( 1Pr 5, 8 -9 ).

Sa Tan cám dỗ nguyên tổ Ađam – Eva và đã thành công khiến cả loài người lâm cảnh khốn cùng. Hiện nay sự thành công của các thế lực Hoả Ngục ngày càng khiến Giáo Hội của Chúa Ki Tô dường như đã thoả hiệp với thế gian để đi vào ngõ cụt hòng quên mất đường về ?. Mặc dầu vậy chúng ta những người Con Chúa hãy vững tin vì Ngày Của Chúa đã gần “ Hiện nay chúng ta là Con Cái Chúa, chúng ta sẽ ra thể nào thì vẫn chưa được tỏ ra. Song chúng ta biết rằng khi Ngài hiện ra thì chúng ta sẽ giống như Ngài. Vì sẽ thấy Ngài như Ngài  vốn thật là vậy” ( 1Ga 3, 2 ).

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]