ĐẠO CÔNG GIÁO VÀ ĐẠO…ÔNG BÀ

Lý do quan trọng được nêu khiến Đạo Công Giáo bị cấm cách ở Việt Nam trong các thế kỷ mười tám, mười chín là vì  vua chúa thời ấy cho rằng đạo này không thờ kính ông bà tổ tiên. Năm 1833 vua Minh Mạng  ra chiếu chỉ nói “ Người Tây phương đến đây rao giảng Đạo Ki Tô. Chúng đánh  lừa ngu dân bằng giáo huấn về Thiên Đàng và Hỏa Ngục. Chúng không tôn kính  và không cúng giỗ tổ tiên. Chúng  thật là bọn vô đạo. Cũng cùng một lý do ấy vào năm 1848 vua Tự Đức đưa ra khẳng định: Ki Tô giáo là tà đạo vì các tín đồ không thờ kính tổ tiên và có nhiều điều mê tín” ( Nguồn Cong giáo.Info – 25/6/2016 – Lm Giuse Nguyễn Văn Chữ O.P ).

Đạo Công Giáo bị bách hại không những chỉ riêng tại Việt Nam vào thời ấy nhưng có thể nói đó là cái định mệnh của Giáo Hội trong khắp mọi nơi mọi thời. Trước khi được hình thành Đức Ki Tô đã tiên báo những gì Giáo Hội sẽ phải gánh chịu sau này “ Ví bằng thế gian ghen ghét các ngươi thì hãy biết rằng  họ đã ghét bỏ Ta trước. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc  sẽ yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi. Hãy nhớ lại lời Ta đã nói cùng các ngươi: Tớ chẳng lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Ta thì  ắt cũng sẽ bắt bớ các ngươi. Bằng họ giữ lời Ta ắt cũng sẽ giữ  lời các  ngươi” ( Ga 15, 18 -20 ).

Sở dĩ Đạo Công Giáo bị ghét bỏ là vì như lời Chúa nói chúng ta không thuộc về thế gian. Không thuộc thế gian có nghĩa là không có những quan niệm và lối sống  như người đời. Chúa Giê Su bị ném đá rồi bị giết chết chính vì Ngài đã rao giảng những điều người Do Thái không sao có thể chấp nhận. Còn Đạo Công Giáo bị nhà cầm quyền  Việt Nam thời đó ghét bỏ cho là vô đạo chỉ vì đã không thờ …Đạo Ông Bà.

Tuy được gọi là Đạo Ông Bà nhưng thực chất đây chỉ là một thứ tín ngưỡng dân gian  bắt nguồn từ quan niệm cho rằng  con người ta được sinh ra ai cũng có cha có mẹ có ông bà tổ tiên thì phải  tưởng nhớ đến công ơn sinh thành của các ngài. Sự nhớ ơn ấy cần phải được thể hiện ra bên ngoài bằng nhiều cách  chẳng hạn  tổ chức  giỗ kỵ, lập  bàn thờ tổ tiên, thắp nhang vái lậy những khi cần cầu khẩn điều gì v.v…

Về những cách tưởng nhớ  như thế người ta tin rằng những con người ấy vẫn còn tồn tại ở đâu đó sau khi chết. Cũng chính  vì tin tưởng như vậy  nên phải chăng Khổng Tử mới đưa ra nguyên tắc có tính  nền tảng  đạo hiếu cho Nho Giáo thế này “ Kính kỳ sở tâm, ái kỳ sở thân. Sự tử như sự sinh sự vong như sự tồn, hiếu chi giã” ( Trung Dung ) Coi cha mẹ ông bà tuy đã chết nhưng như vẫn còn sống để phụng dưỡng tôn kính đó là đạo hiếu của con người. Sự tôn kính  ông bà cha mẹ như thế gọi là Đạo Thờ Ông Bà. Tuy nhiên cái gọi là Đạo  Thờ Ông Bà ấy nói  cho đúng đó chỉ  có thể gọi là nét văn hóa của người Việt  cổ xưa chứ không thể  theo nghĩa tôn giáo được.

Mặc dầu vậy những hình thức tưởng nhớ ấy thường là pha màu sắc mê tín dị đoan chẳng hạn trong những ngày giỗ chạp lễ tết con cháu thắp nhang  bày lễ ( con gà chén rượu ) trên bàn thờ hoặc dựng cây nêu ngoài vườn để …mời ông bà về dự với con cháu. Nếu điều tin tưởng ấy có thật thì chẳng lẽ sự tồn tại của những con người đã khuất ấy chỉ tồn tại một cách,,,vất vưởng ở đâu đó  hay sao ? Con cháu có mời mới được…về còn sau đó lại phải  lang thang vật vờ nơi chốn mồ mả hoang lạnh  hay sao ? Lại nữa cũng do nơi sự tin tưởng chẳng hề có cơ sở ấy  người ta mới  sinh ra các tục lệ đốt vàng mã, ngựa xe, tiền bạc áo quần để người chết có cái để …dùng và nếu chẳng có những thứ đó thì vong hồn tổ tiên sẽ ra sao  v.v….

Thờ kính trong tình cảnh như vậy thật chẳng ích lợi gì cho cả người thờ lẫn đối tượng được thờ là ông bà tổ tiên. Sự có mặt của Đạo Công Giáo dù ở bất cứ nơi đâu cũng không ngoài mục đích để tạo cho con người có được niềm tin vào sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng hầu hưởng phước lạc đời đời. Tin có Thiên Đàng có Hỏa Ngục và sự thưởng phạt vô cùng của Thiên Chúa đó là đức tin căn bản của người có đạo. Thế nhưng cũng chính vì giảng dạy niềm tin ấy  mà Đạo Công Giáo đã bị vua chúa quan quyền thời đó quyết tâm cấm đoán, triệt hạ. bởi cho là việc…ngu dân.

Cha ông trong nhiều thế hệ đã trải qua biết bao gian lao nguy hiểm đến hy sinh cả tính mạng  làm chứng nhân cho Chúa thì con cháu là người Công Giáo chúng ta hôm nay mới có được đức tin chân chính để theo để giữ. Dẫu là như thế nhưng trong cái thời gọi là Hội Nhập Văn Hóa này người ta đang muốn đặt lại tính chính đáng của việc bắt đạo khi xưa “ Trở lại lịch sử Giáo Hội những thời kỳ đầu ta thấy Giáo Hội được đón nhận rộng rãi ở Âu Châu có một phần đóng góp không nhỏ là Giáo hội đã chấp nhận cái hay cái tinh túy của văn hóa đó, thánh hóa nó và mặc cho nó một ý nghĩa mới phù hợp với Tin Mừng. Ví dụ lễ giáng Sinh vốn là lễ thờ  Thần Mặt Trời của người Ro Ma. Deus từ tiếng Zeus trong thần thoại của La Hy. Tục ngữ Việt Nam có câu “ Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”. Các vị chức trách trong Giáo Hội thời đó chẳng thấy được rằng các quốc gia Đông Phương đã có một nền văn hóa đã định hình và phát triển lâu đời không giống với các miền mà nền văn hóa đang còn buổi ban sơ, Các ngài muốn truyền đạo đã thấm nhuần nền văn hóa phương tây, thiếu tôn trọng nếu không muốn nói là coi thường nền văn hóa phương Đông. Chúng ta không nên trách họ ( các thừa sai ) nhưng phải nhận rằng họ đã để lại cho Giáo Hội Á Châu một di sản nặng nề. Vốn sẵn có ác cảm với Đạo Công Giáo lại thêm sự khắt khe cấm đoán trong việc thờ cúng ông bà tổ tiên, các nhà Nho lên án đạo này và cho đó là một thứ đạo ngoại lai, những người theo đạo là những người bất hiếu với ông bà tổ tiên. Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu một nhà Nho yêu nước đã viết mạnh mẽ rằng:

Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”

( Nguồn TTHV Đa Minh – Lm Phan Cường O.P – Đạo Ông Bà với người Ki Tô Hữu Việt Nam ).

Đối với “ Đạo” mà nói “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”  thì chẳng còn gì là “Đạo”. Tại sao thế ? Bởi nên nhớ “ Đạo” là con đường thực hiện tâm linh và mỗi con đường đều có bản sắc riêng của mình có nghĩa đường ấy dẫn ta tới đâu, về đâu ? Bằng như không phải như vậy thì dù có cho có gọi là đường ( đạo ) đi nữa thì đó chỉ là đường quẩn quanh vơ vẩn hoặc …đường cụt. Nếu cứ theo câu nói của ông đồ Chiểu thì chẳng làm gì có các Thánh Tử Đạo hơn nữa cũng chẳng có ai theo và như thế làm gì mà Đạo Thánh Chúa có thể duy trì và phát triển cho tới hôm nay ?

Sở dĩ ông bà cha mẹ tổ tiên xưa kia và con cháu là chúng ta ngày nay còn giữ và sống đạo là vì đây đích thực là con đường mà Đức Ki Tô truyền dạy là đường về với Đấng Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

Đường Chúa muốn dẫn chúng ta đi là đường về với Cha, đó là thực tại siêu việt khỏi giới hạn của lý trí con người. Thực tại ấy tùy từng trường hợp hoặc đối tượng mà Chúa Giê Su có khi gọi là Nhà Cha hay Nước Trời, Nước Thiên đàng. Cũng vẫn là thực tại ấy Thánh Phao Lô gọi là Nhà Trại : Đức Ki Tô đã đến làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của sự tốt đẹp hầu đến, đã trải qua Nhà Trại lớn hơn và trọn  vẹn hơn không phải bởi tay người ta làm nghĩa là không thuộc về cõi thọ tạo này” ( Dt 9, 11 ).

Nước Thiên Đàng là một nơi chốn một quốc độ không do bàn tay khối óc con người  tạo lập nhưng là do công nghiệp của Chúa Ki Tô “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha ta có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ  trở lại để tiếp các ngươi về với Ta. Hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).

Chúa đã về Trời ngự bên hữu Chúa Cha và chúng ta cũng sẽ được về đó theo như lời Ngài đã hứa. Các Thánh Tử Đạo dù có chịu những cực hình ghê gớm nhưng vẫn giữ vững đức tin vào Đấng Cứu Chuộc mình. Thánh Emmanuel Phụng là ông trùm họ trước khi bị siết cổ đã trao cho con gái mình một ảnh Thánh Giá và nói: “ Con hãy nhận lấy kỷ vật của cha. Đây là ảnh Chúa Giê Su Ki Tô Chúa chúng ta. Ảnh này quý  giá hơn vàng bạc châu báu bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé”

Ôi ! Công ơn các Thánh Tử Đạo Việt Nam đối với chúng ta lớn lao biết chừng nào bởi chính là do máu đào của các ngài đã đổ ra để cho chúng ta có được Đạo Công Giáo duy nhất Thánh Thiện tông truyền ngày hôm nay./.

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts