- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Cuối năm tính lại sổ đời

Chúng ta đang sống những ngày cuối năm với những tất bật, những tranh thủ.

Gọi là tất bật, tranh thủ vì thời khắc này là thời khắc giao thừa quý giá, để chúng ta nhìn lại một năm đã qua đi và hướng tới một vòng thời gian mới; nhìn lại những thiếu sót và quyết tâm làm mới lại cuộc đời; nhìn lại con người cũ bất toàn để khởi đầu một con người mới hoàn hảo, tốt lành; nhìn lại gia đình mình, mái nhà mình, để thăng hoa gia đình, thăng hoa mái nhà thành mái ấm hạnh phúc.

Vâng, cuối năm ngồi tính lại sổ đời, ba trăm ngày hơn đã qua mất rồi… Đó là lời bài hát quen thuộc. Bài hát nhắc nhớ chúng ta nhiều điều quý giá, nhưng, tiếc là, hầu như ai cũng chỉ dừng lại ở việc “tính lại sổ tiền”, tính lại tiền đầu tư, tính xem tiền lãi, tiền lỗ, tiền nhức óc tiền nợ nần người ta, tiền người ta nợ nần mình, mà bỏ qua nhiều thứ cần thiết khác phải tính sổ. Đúng là đồng tiền nó cuốn hút con người ta đến nỗi ai cũng xem nó như cứu cánh, như cùng đích. Cuối năm mà tích góp được khá khá, cất vào tủ sắt được năm bảy cây vàng, còn dư ở ngân hàng vài trăm triệu, thì xem như năm ấy thành công; cuối năm mà thấy còn nợ nần vương vãi chỗ này vài chục, chỗ kia vài trăm thì kể như là năm ấy thất bại. Tính lại sổ đời là tính như vậy sao?

Được mấy người dùng thời khắc quý giá này để sắp xếp lại những ngổn ngang bề bộn, những luộm thuộm lùa thùa trong tâm hồn, trong gia đình từ đời sống đạo đức đến đời sống hạnh phúc gia đình, rồi mới nói đến đời sống kinh tế. Cuối năm, sao không nghĩ đến chuyện chúng ta còn mắc nợ Chúa một lời chúc tụng, một lời cảm ơn, một lời xin lỗi. Cuối năm, sao không bận tâm tới việc chúng ta còn mắc nợ nhau, vợ mắc nợ chồng, chồng mắc nợ vợ, cha mẹ mắc nợ con cái, con cái mắc nợ cha mẹ, người hàng xóm mắc nợ nhau, người trong đoàn thể mắc nợ nhau, mắc nợ nhau một lời cảm ơn, một lời xin lỗi. Cuối năm “tính lại sổ đời”, sao lại chỉ nhớ đến cuốn sổ tiền, sổ lãi, sổ nợ, mà bỏ bẳng đi cuốn sổ hạnh phúc, cuốn sổ đạo đức? Hóa ra, đời sống của chúng ta quá nghiêng nặng về những tờ tiền, những đồng vàng, những đống vật chất chóng vánh, những thứ của cải mau qua đấy sao? Nếu chúng ta không thực sự mạnh khỏe, và hiện diện trên trần gian này để còn hít thở cái không khí giao thừa này đây, thì lấy gì, thì còn gì, thì lấy ai, thì còn ai mà ở đó tính với đếm? Ta không mắc nợ một lời chúc tụng, lời tạ ơn, lời xin lỗi tình yêu quan phòng của Chúa đấy sao?

Thiết tưởng, trong cái không khí tống cựu nghinh tân này đây, chúng ta được mời gọi “tính lại sổ đời”, nhưng không phải sổ tiền, mà là sổ đạo đức, sổ hạnh phúc. Bởi nếu không có đạo đức, nghĩa là không có đời sống công giáo công chính, và cũng không có hạnh phúc gia đình, thì mớ bạc tiền kia cũng chẳng có giá trị gì.

Có người được lời lãi cả đôi ba chục tỷ bạc trong năm, có thể sẵn sàng sắm một mùa xuân sang trọng thoải mái, nhưng vẫn cố tình không đến nhà thờ, chưa xưng tội, chẳng bận tâm đến Chúa, chẳng bận tâm đến Hội Thánh, chẳng bận tâm đến việc lành phúc đức, nghĩa là chưa sẵn sàng nếu Chúa gọi ngay phút này đây, ngay mùa xuân này đây, thì đôi ba chục tỷ kia có ý nghĩa gì với một sự sống đời sau? Cái nào quý giá hơn? Chúa nói: “Được lời lãi cả thế gian này mà mất linh hồn thì nào có ích chi?”.

Có người được nhà được cửa, được xe hơi, được tài sản kếch xù, nhưng mất vợ, nhưng thiếu chồng, nhưng vợ chồng bất tín, phản bội, con cái hoang đàng bất hiếu bất nghĩa, thì thử hỏi, nhà để làm gì, xe để mà chi, tài sản kếch xù kia có làm cho cuộc đời này thực sự là bình an, là hạnh phúc không?


 

Quả thực, chúng ta đang lâm vào tình cảnh ảo tưởng bình an, nhầm lẫn hạnh phúc, mụ mị về chân giá trị đích thực của cuộc sống này. Hãy khẩn cấp chấn chỉnh ngay từ tấm lòng, chấn chỉnh ngay từ não trạng, rồi đến việc chấn chỉnh cách sống của mình, sao cho có được bình an hạnh phúc thật.

Bình an đích thực, hạnh phúc đích thực của chúng ta phải là bình an của Thiên Chúa, hạnh phúc từ Thiên Chúa đến với chúng ta ngang qua gia đình: Gia đình Thiên Chúa, gia đình Hội Thánh, Gia đình Giáo xứ, Gia đình đoàn thể, và cụ thể nhất là gia đình ruột thịt của chúng ta.  

Gia đình ruột thịt của chúng ta là địa chỉ của hồng ân Thiên Chúa, hồng ân sự sống và hồng ân cứu rỗi. Mỗi chúng ta được làm người, được hiện hữu, được thành người trưởng thành, được thành người con Chúa, được ân sủng đời này và được cứu rỗi đời sau, tất cả đều ngang qua gia đình. Vì thế, Bí Tích Hôn Phối là quà tặng của Thiên Chúa để con người tiếp nối công cuộc sáng tạo, và công trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Từ đó, gia đình công giáo là Hội Thánh tại gia, là Hội thánh thu nhỏ, là Hội Thánh sống Tin Mừng Tình Yêu. Giáo Hội là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của tình yêu cứu chuộc, mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa tại thế gian này thế nào, thì người sống trong gia đình công giáo cũng chính là sống trong Mầu Nhiệm Giáo Hội vậy. Chính nơi đây, chính tại gia đình này, là địa chỉ trước tiên mà mỗi con người được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa: ân sủng bình an và hạnh phúc.

Cuối năm ngồi tính lại sổ đời, sao không lấy cuốn sổ gia đình ra mà xem lại chúng ta đã lời lãi bao nhiêu tình thương, bao nhiêu hy sinh, bao nhiêu tôn trọng, hay là đã vô tình để cho mớ vốn liếng yêu thương, tôn trọng thuở ban đầu mỗi năm mỗi hao hụt dần, đến nỗi yêu thành ghét, tôn trọng thành xem thường, thiếu điều khinh bỉ. Rõ ràng là chúng ta quá ảo tưởng, nhầm lẫn, hoặc mụ mị về chân giá trị đích thực của cuộc sống này, và biến cuộc sống chung cơ bản nhất trong gia đình thành một tập đoàn kinh tế mà ai cũng phải đóng góp phần mình vào việc phát triển cho được giàu có, cho được vênh vang nở mặt nở mày với thiên hạ.

Xin đừng đổ thừa cho hoàn cảnh, mà thiết tưởng, hãy khiêm tốn nhận ra rằng: chính chúng ta tạo nên những khủng hoảng, những thách đố lớn lao trong gia đình chúng ta. Bao lâu còn yêu tiền, yêu phương tiện, yêu tiện nghi, yêu vật chất, thì bấy lâu ta chỉ có thể yêu chồng, yêu vợ khi chồng, vợ làm ra vật chất, làm ra kinh tế, làm ra của cải. Bằng không, thì xem như người bạn đời chẳng có giá trị gì, chẳng còn yêu, cũng chẳng còn tôn trọng gì. Vợ làm được đôi ba đồng, đã bắt đầu coi thường người chồng ế nghiệp, thất nghiệp, hay đau bệnh, thì còn gì là tình chồng, nghĩa vợ. Chồng làm ra tiền, mà không thấu cảm với vợ những công việc trong nhà lo cho con nhỏ, lo cho mẹ già… không ai cáng đáng được, lại còn đay nghiến nặng lời “đồ ăn bám” thì còn gì là yêu thương, tôn trọng, thấu cảm.


 

Nếu “lòng yêu tiền” đã bị bắt quả tang là thủ phạm gây nên những nỗi bất hạnh trong gia đình chúng ta, thì xin hãy dứt khoát bỏ cái “lòng yêu tiền” ấy đi, và thay vào đó, là “lòng yêu Chúa”, “lòng yêu người”.

Chắc hẳn là chúng ta đã thấy, và đang thấy còn có biết bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình, chung quanh chúng ta đây, họ không giàu có nứt đố, đổ vách; họ không có của cải kếch xù; họ không có nhà lầu, xe hơi; họ không se sua đua đòi phương tiện vật chất; họ không bằng ai, không giống ai, có khi họ chẳng xinh đẹp kiêu chảnh sang trọng như nhiều người, nhưng họ có cái quý giá mà nhiều người không có. Đó chính là họ có “lòng yêu Chúa, lòng yêu người”, và từ hai lòng yêu ấy, họ bình an, gia đình họ hạnh phúc.

Họ sống an nhàn thư thái bởi họ chẳng ước mơ cao chuyện phàm trần, chẳng khát khao chuyện đánh bóng tên tuổi. Họ chẳng nặng lòng yêu chuộng của cải tiền bạc thế gian. Họ chăm lo sống Lời Chúa dạy. Họ siêng năng tham dự Thánh Lễ và khát khao sốt sắng lãnh nhận Thánh Thể Chúa là nguồn sống cho cuộc đời của họ. Họ sống vui trong cảnh thanh bần, không để lòng tham lam mê muội những bã phù vân danh vọng chóng vánh, mau qua. Và cuối cùng là, họ có thấp bé nghèo hèn hơn nhiều người, không sang trọng bằng người, nhưng, họ bình an và hạnh phúc.

Giữa cái bất an và bình an, người khôn ngoan chọn cái nào. Giữa cái bất hạnh và hạnh phúc, người khôn ngoan chọn cái nào?.

Chúa Giê-su muốn chúng ta hãy khôn ngoan mà chọn cái bình an, cái hạnh phúc đích thực. Chúa không muốn chúng ta dại dột chọn cái bất hạnh, bất an cho mình. Đừng đổ thừa cho Chúa sao để con nghèo nàn đói khổ. Hãy tạ ơn Chúa vì đó là hồng ân. Đừng đâm đơn kiện Chúa sao để cho con phải thất bại, phải thua thiệt, phải bất hạnh, bất an, vì đó cũng là hồng ân Chúa ban để chúng ta biết đâu là bình an thật, là hạnh phúc thật.

Giây phút này đây, giây phút giao thừa giữa năm cũ và năm mới, giao thừa giữa con người cũ và con người mới. Biết rằng, không dễ gì xếp lại một quá khứ, và cũng không dễ mở ra một tương lai, phút giao thừa bỗng dưng thành phút luẩn quẩn. Cách nào đó, mỗi chúng ta đều tự làm khó cho mình, hoặc vì mụ mị, không phân định được điều phải làm và điều thích làm, hoặc vì nghiêng về điều mình thích, nghiêng về phía đam mê hơn là hướng lòng về chân lý. Xin đừng luẩn quẩn nữa. Thời gian là cơ hội thuận tiện, là hồng ân Chúa ban để chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống đời đời.

Hãy hân hoan đón nhận “Tám Mối Phúc Thật”, còn gọi là “Bản Hiến Chương Nước Trời”, mà Lời Chúa gửi đến cho chúng ta trong giây phút này: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Người có tinh thần nghèo khó là người dám buông bỏ mọi sự phù phàm, dám cắt đứt mọi ràng buộc của bất chính, dám khiêm nhượng thấu hiểu cái nhỏ bé, giới hạn, mong manh của mình để tín thác đặt đời mình trong tay Chúa. Tinh thần khó nghèo ấy là chìa khóa thực hiện trọn vẹn 7 mối phúc còn lại. Món quà Xuân của Thiên Chúa trong năm mới, chính là Lời của Chúa Giê-su, là chính Chúa Giê-su. Hãy thành tâm kêu xin Chúa Thánh Thần soi sáng, để chúng ta đón nhận Lời Chúa, và dùng Lời Chúa định hướng cho năm mới của mỗi người, mỗi nhà trong suốt 365 ngày sắp đến. Hãy yên tâm tin tưởng nghe và sống Lời Chúa. Hãy dứt khoát từ bỏ cái “lòng yêu tiền” của năm cũ, của những năm cũ, và quyết tâm để cõi lòng của chúng ta yêu mến Chúa, yêu mến nhau thật nhiều trong năm mới.

Ước gì năm nay, mỗi người, mỗi nhà, sẽ ghi thêm vào cuốn sổ đạo đức của mình, của gia đình mình những việc thờ phượng yêu mến tín thác vào Chúa, những việc lành phúc đức dành cho mọi người, và nhất là ghi vào cuốn sổ gia đình những kỷ niệm yêu thương, tôn trọng và hy sinh xây dựng mái nhà thành mái ấm bình an hạnh phúc. 

PM. Cao Huy Hoàng, 27 Tết Mậu Tuất, 12-02-2018

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]