Con đường Thập Gía Đức Kitô và… thiền

          Có hai vụ việc mới đây tại TGP Sai Gon khiến người Công giáo ngạc nhiên và bức xúc đó là tượng ( bằng gỗ ) Chúa Giê Su khoác áo cà sa ngồi thiền trong tư thế kiết già, hai ngón tay chỉa lên trời …bắt ấn được trưng bày tại cuộc triển lãm liên tôn giáo và cũng hình ảnh tượng này được in trong quyển lịch 2016 dành để biếu tặng…Giải thích cho việc Chúa…ngồi thiền, người ta nói “ Bạn thử hình dung Chúa ở trong hoang địa bốn mươi đêm ngày thì Chúa đứng, ngồi hay nằm ? Và thiền định là  một phương pháp đã có khoảng ngàn năm trước biến cố Giáng Sinh. Vậy nếu Chúa có ngồi theo kiểu toạ thiền  thì đó là dấu chỉ sự nhập thế  và nhập thể của Con Thiên  Chúa vào thế giới và lịch sử đầy tương tác của loài người chúng ta” ( Nguồn Conggiao.Info News – Lời Giải Thích).

Theo sự giải thích thì việc Chúa Giê Su ngồi thiền bốn mươi đêm ngày trong hoang mạc là đương nhiên và chính việc ấy đã chứng tỏ cho sự nhập thế và nhập thể của Con Thiên Chúa làm người. Thực ra cho Chúa nhập thế thì phải…ngồi thiền đó là quan niệm của trào lưu Hội Nhập Văn Hoá được TGP Sai Gon bảo trợ  từ vài năm nay. Nghe nói Nhà Mục Vụ Liên Tôn đã và đang tổ chức những cuộc giảng thuyết về Thiền do các thượng toạ, ni sư Phật giáo cho các linh mục, đại chủng sinh v.v..nghe và thảo luận…?

Chẳng biết kết quả của những buổi thuyết giảng này có đem lại hiểu biết chi về Thiền cho người Công giáo hay không nhưng có điều chắc chắn là nó đã làm thui chột đức tin nếu không muốn nói là một sự đổ vỡ không thể hàn gắn. Đạo Công giáo trong thời buổi hội nhập này có cần đến Thiền hay không đó là vấn đề cần phải  xet lại. Tuy nhiên thật là quái gở khi người ta cho rằng chính Chúa Giê Su cũng đã phải học Thiền trước khi  ra đi công khai giảng đạo “ Chưa ai rõ Đức Chúa Giê Su  từ vương quốc Kaschmir trên Himalaya đã  học bửu pháp trong tu viện mà ngài đã học tiếng Sankrit từ nhỏ, học tiếng Hebreux do Đức Bà Maria dạy học làm  thợ làm nhà với ông Josef và khi về nước Do Thái thì ngài phải giả dạng dân nghèo đi làm thợ cất nhà thợ mộc và  lần chót ngài lên núi Zion ở bán đảo Si Nai ngồi thiền bằng pháp Vô Uý là nhịn ăn 40 ngày để khu trược lưu thanh những gì còn trược trong xác  phàm lúc ngài trên đường  về cố quốc thì Thánh Gia Thất phải xin ăn ( khất thực ) dọc đường ai cho gì ăn nấy kể cả đồ mặn có thịt” ( Nguồn Cao Đài giáo trong Tam Kỳ Phổ Độ – Thiền theo Thiên Chúa giáo ( Thánh Đạo).

Chúa Giê Su ngồi thiền và trước đó Ngài đã phải học Thiền trong một tu viện Phật giáo bên Pakistan. Quan điểm này đối với người Công giáo  thật là lố bịch và không thể chấp nhận. Thế nhưng chúng ta cũng cần bình tâm  tìm xem đâu là nguyên nhân đưa đến cái gọi là Hội Nhập Văn Hoá nói chung và việc ..ngồi Thiền của Chúa Giê Su nói riêng.

I/-  Nguyên nhân của hội nhập.

          Công đồng Vatican II được mệnh danh là Đại Kết và Đối Thoại. Để đối thoại  Giáo Hội có đưa ra một Tuyên Ngôn trong đó công nhận giá trị của các tôn giáo “ Giáo Hội Công giáo không bao giờ phủ nhận những gì là chân thật và Thánh thiện  nơi các tôn giáo ấy” ( Nostra Aetate ). Công nhận giá trị nơi các tôn giáo khác. Điều ấy vô hình chung Giáo Hội đã gạt sang một bên nguyên lý “ Ngoài Hội Thánh không có Ơn Cứu Độ” ( Extra ecclesiam nulla salus ). Thế nhưng cũng chính vì không coi trọng nguyên lý ấy mà công cuộc truyền giáo của GH không thể tiến triển. Một khi  đã công nhận  các tôn giáo khác cũng có chân lý và Thánh thiện  thì còn nỗ lực truyền giáo để làm gì. Sao không để họ sống với chân lý và Thánh thiện của họ ? Nên nhớ động lực của truyền giáo là do được thúc đẩy bởi chân lý mà mình tin tưởng. Có tin chắc vào chân lý  mình được  thông truyền thì mới hăng hái ra đi truyền giáo bất kể những gian lao khổ cực  kể cả hiểm nguy tính mạng.

Không hăng say truyền giáo để thay vao đó là bước đường hội nhập với tất cả sự trăn trở nghi nan về chính tôn giáo mình. Mặc dầu  công nhận sự thật nơi các tôn giáo nhưng GH vẫn  cứ rao giảng Chúa Ki Tô “ Giáo hội vẫn rao giảng Chúa Ki Tô Đấng là đường sự thật và sự sống” ( Ga 14,6). Để ý câu Kinh Thánh mà Tuyên Ngôn  Aetate trưng dẫn  đã bỏ sót một vế vô cùng quan trọng. Nguyên văn câu KT đầy đủ  phải là “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6).

Phân tích câu Kinh Thánh hoàn chỉnh này ta thấy có hai mệnh đề. Một là   khẳng định của Đức Ki Tô = Ta là đường là sự thật và là sự sống. Hai là = Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Hai mệnh đề này có sự liên kết chặt chẽ với nhau, Bỏ đi mất  vế hai thì con đường của Đức Ki Tô đương nhiên trở thành…đường cụt tức không còn có Đấng Cha để trở về. Không còn có Đấng Cha để …về Giáo Hội không thể không lâm cơn khủng hoảng và thực chất của cơn khủng hoảng này chính là do con người ngày nay không còn tin vào Con Đường Thập Giá của Đức Ki Tô. Cũng bởi không tin  thế nên người ta mới bày đặt ra cái việc Chúa Giê Su…ngồi thiền  và tự hỏi trong thời gian bốn mươi đêm ngày trong hoang mạc Ngài ngồi nằm hay đứng ….!!!???.

Thật ra cái việc gán ghép Chúa Giê Su …ngồi thiền như thế chẳng có quan hệ gì đến Thiền Phật giáo. Hay nói cho đúng đó hoàn toàn chỉ là một thứ …tà Thiền của thần giáo ngoại đạo “ Các phép thiền  trong Phật Đạo không còn như thời Đức Lục Tổ Huệ Năng về trước nên việc thiền định chỉ là pháp tiệm tiến  đợi nhiều kiếp thăng hoa từ  từ khi còn phải luân hồi nữa. Đa số Phật tử tin trời tin Chúa mà chư tăng thì không tin Trời như cuốn sách do một nhà sư tại Pháp viết là không tin Trời chỉ tin Phật, tin thập nhị nhân duyên xoay tròn mãi chứ không có đấng nào sáng tạo nhưng khi có ai hỏi lại Đấng nào sanh ra loài người để loài người tu thành Phật thì không ai trả lời được” ( Nguồn Cao Đài giáo trong Tam Kỳ Phổ Độ)

Cho rằng phải có đấng nào sanh ra loài người  thì con người  mới có thể…tu thành Phật. lập luận theo kiểu này người ta gọi đó là đặt cái cày trước con trâu. Trâu phải đi trước cày mới cày được, chứ còn cày ở trước trâu thì lấy cái chi để  kéo cày ? Tu thành Phật không phải là thành cái ông Phật Thích Ca ở tít bên Ấn Độ nhưng là để trở về sống với Giác Tánh ở nơi mình. Phật là Giác là Tánh Biết chứ chẳng phải là…ông  Phật bà Phật nào đó. Bao lâu còn chấp có một Đấng Tạo Hoá sinh ra loài người thì không thể nói chi đến Thiền đến tu tập. Tại sao thế ? Bởi vì mục đích  rốt ráo của Thiền ( Tông ) là Kiến Tánh Thành Phật. Khi sang Trung Hoa tổ Bồ Đề Đạt Ma dõng dạc tuyên bố về phép Thiền  đốn ngộ  này rằng “ Bất lập văn tự giáo ngoại biệt truyền trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật”.

Kiến tánh có nghĩa là thấy biết được bản tính chân thật ở nơi chính mình. Có nhận ra  mục đích của Thiền như thế chúng ta mới có thể phân định được Chúa Giê Su có cần phải …ngồi mới Thiền được hay không. Nếu  kiến tánh là thấy biết Bản Tánh ở nơi mình thì phải thấy biết trong mọi thời mọi nơi chứ đâu phải chỉ…ngồi mới thấy Tánh ? Hãy nghe Lục Tổ Huệ Năng giải nghĩa về việc ngồi ( Toạ ) Thiền “ Tổ dạy chúng rằng = Này thiện tri thức ! Sao gọi là Toạ Thiền ? Trong pháp môn này không chướng không ngại. Ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là Toạ. Trong thấy tự tánh chẳng động gọi là Thiền. Này thiện trí thức sao gọi là Thiền Định ? Ngoài lìa tướng là Thiền, trong  không  tán loạn là Định” ( Pháp Bửu Đàn Kinh – Phẩm thứ năm ).

Qua giải nghĩa  của tổ Huệ Năng cho thấy Toạ Thiền là Tâm không hướng ra bên ngoài để phân biệt cảnh giới thiện ác và khi không phân biệt như thế thì Tâm trở về trạng thái như như bất động đó tức là Thiền. Trạng thái như như bất động ấy chính là cái Tâm Chân Như là Phật Tánh là Tánh Bản Nhiên v.v…mà bất cứ ai ai cũng có, bậc Thánh không tăng mà kẻ phàm cũng không bớt đi một mảy. Tuy bản tánh con người vốn là cái Tâm chân thật như thế  nhưng vì u mê ám chướng nên hầu như  con người đã hoàn toàn quên mất. Cũng vì quên  Bản Tánh thế nên phàm phu đã sống trong lầm lạc, phạm phải vô số điều ác mà không biết. Vì mê nên đã gây tội để tự làm khổ cho mình cho người. Tôn giáo  có mục đích để giải mê khai ngộ cho con người và việc khai ngộ ấy Đạo Phật tuỳ theo đủ loại căn cơ thích hợp mà có các loại Thiền. Còn Đạo Chúa thì có mạc khải của Đức Ki Tô.

II/- Về mối tương đồng  giữa Thiền và mạc khải của Đức Ki Tô.

          Trong  thời toàn cầu hoá này thì chủ trương hội nhập của Giáo Hội  là rất cần thiết. Tuy nhiên không vì thế mà việc hội nhập có thể tuỳ tiện nghĩa là với bất cứ tôn giáo nào cũng có thể hội có thể nhập. Mặt khác hội nhập cũng không thể chỉ là cái hình thức bề ngoài. Mặc áo dài khăn đống cho Đức Mẹ, Thánh Giu Se, xây nhà thờ với mái cong như đình chùa làm tượng Chúa Giê Su ngồi thiền v.v..Tất cả những  thứ đó chẳng những chẳng ích lợi gì cho việc hội nhập mà còn làm mất đi bản sắc Tông Truyền của Giáo Hội. Lại nữa hội nhập cũng không phải là để cho có sự hoà đồng đại kết, đạo nào cũng  quý cũng  dạy con người ăn ngay ở lành; cứ cố gắng …làm tốt là được, những kẻ vô thần cũng được vào …Thiên Đàng v.v…

Đạo vốn được hiểu là tôn giáo nhưng đồng thời cũng là con đường thực hiện tâm linh. Có nhiều con đường khác nhau nhưng không phải đường nào cũng dẫn đưa con người về tới đích an lành. Cái đích an lành tuyệt đối không gì bằng đó là trở về với  Bản Tánh chân thật ở nơi mình. Cái đích điểm an lành  tức Bản Tánh chân thật ấy  minh triết Đông Phương gọi đó là Đạo và đức Khổng Phu Tử  đã rất mong mỏi  có ngày gặp được  Đạo ấy dù có chết cũng cam “Buổi sáng được nghe  mà hiểu  Đạo buổi tối chết cũng thoả lòng” ( Triêu văn Đạo tịch tử khả hỹ – Luận Ngữ ). Cái đích an lành ấy triết học Tây Phương cũng có đề ra “ Hãy tìm cho biết về chính mình mày” ( Connais toi, Toi – même )nhưng đã không tìm ra được để rồi cứ mãi đoạ vào  cái vòng khốn quẫn của Duy Lý đến nỗi đã nảy sinh một thứ thần học gọi là về cái chết của Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu).

Thiên Chúa một khi đã…chết thì đương nhiên cũng chẳng còn có con đường để trở về. Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội hiện nay sở dĩ ngày càng sâu sắc chính là bởi đã đánh mất con đường trở về với Thiên Chúa đấng là Cha mình “ Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” ( Ml 3, 7). Từ khi nguyên tổ Ađam Eva phạm tội không vâng lời Thiên Chúa cố tình …ăn trái cây  Phân Biệt Thiện Ác ( St 2, 16 -17)  và rồi từ đó đã phải xa lìa Thiên Chúa lãnh chịu mọi khổ đau phiền não. Để hiểu câu chuyện sa ngã của nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng  này nhất thiết cần lý giải theo lối minh triết. Vườn Địa Đàng  ám chỉ cho  Bản Tâm Vô Phân Biệt . Con rắn là Lý Trí Phân Biệt. Khi Tâm khởi phân biệt  thì lập tức Tâm Vô Phân Biệt  liền mất . Câu chuyện đầy tính minh triết  của Sách Sáng Thế Ký cho thấy về nguyên nhân của khổ đau và sự chấm dứt nó. Nếu Tâm khởi phân biệt đưa đến khổ đau thì muốn thoát khỏi khổ đau  chỉ còn phương cách  duy nhất là dứt bỏ nó đi. Tâm Vô Phân Biệt ấy nhà Phật gọi là Tâm Chân Như Phật Tánh. Còn Đạo Chúa chính là Đấng Vô Phân Biệt “ Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho người công chính cùng kẻ bất chính “ Mt 5, 45).

Sống với tâm phân biệt là sống trong vô minh điên đảo, lấy  giả làm thật và như thế làm sao mà có thể trở về với Tâm Vô Phân Biệt ? Đây chính là thời cơ của chư Phật  xuất hiện nơi đời  “ Mục đích các  Đức Phật ra đời chỉ nhằm khai mở Tri Kiến Phật. Chỉ cho chúng sinh thấy Tri Kiến Phật. Làm cho chúng sinh nhận rõ Tri Kiến Phật và giúp chúng sinh đi vào con đường Tri Kiến ấy nghĩa là thành Phật” ( Kinh Pháp Hoa – Phẩm Phương Tiện ). Tri Kiến Phật ( Giác Tánh )  là cái sẵn có ở nơi mỗi người nhưng không một ai nhận biết. Bởi đó cho nên mục đích của các đức Phật ra đời là muốn chỉ bày ( Khai Thị ) cái mà các Ngài đã chứng ngộ.

Sự tương đồng của Thiền Tông đối với mạc khải của Đức Ki Tô chính là ở chỗ khai thị này đây. Khai thị hay mạc khải có nghĩa là vén tấm màn lên để chỉ cho thấy Sự Thật còn ẩn giáu ở bên trong. Sự Thật mà Đức Ki Tô mạc khải chính là mỗi một người trong chúng ta đều là Con Thiên Chúa. Người Do Thái ném đá Chúa Giê Su vì cho Ngài là lộng ngôn phạm thượng và Chúa đã trích dẫn Kinh Thánh để đáp trả họ “ Trong Sách Luật của các ngươi há chẳng chép rằng Ta đã nói các ngươi là Con Đấng Chí Tôn hay sao ? Nếu Chúa gọi những kẻ được nghe đạo ĐCT là Con Đấng Chí Tôn ( Mà KT không thể bãi bỏ được ) thì Ta đây là Đấng đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con ĐCT  cớ sao các ngươi lại cáo buộc Ta là nói lộng ngôn ?” ( Ga 10, 34 -36 ). Hết thảy con người đã được tạo dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa “ ( St 1, 26) nhưng do ảnh hưởng  bởi Tội Nguyên Tổ nên không một ai biết ngoại trừ Đức Ki  Tô và kẻ nào Ngài muốn mạc khải “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và kẻ nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22).

Về sự “ Biết” ở đây trong biết Cha không phải là cái biết bằng tri thức phân biệt. Tri thức là cái biết của phàm phu; sở dĩ chúng ta biết cái nhà là…nhà bởi có sự phân biệt nhà với núi sông cây cỏ vườn tược xe cộ v.v…Biết ông A là …ông A bởi  có sự phân biệt với ông B bà C v.v.Tất cả những cái biết có tính phân biệt đó  khiến cho ta không… thấy được Thực Tại. Nếu do tri thức mà biết Thiên Chúa  thì Thiên Chúa  đó  chỉ là một thứ khái niệm về Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của Thực Tại Ngài Là ( Ego sum qui sum ). Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha tức là Ngài nói cho ta biết về một Thực Tại từ muôn thuở vẫn hiện hữu ở nơi ta mà ta không biết. Thực tại ẩn giấu ấy có khi Chúa Giê Su gọi là Nước Trời, có khi  gọi là Đấng Cha. Nước Trời là một mầu nhiệm ẩn giấu thế nên khi rao giảng Chúa chỉ dùng dụ ngôn “ Chúa dùng thí dụ mà phán  mọi điều cùng quần chúng. Ngoài thí dụ Ngài chẳng phán gì cùng họ hầu được ứng nghiệm lời tiên tri nói rằng Ta sẽ mở miệng mà nói thí dụ. Ta sẽ thốt ra những điều đã giấu kín từ buổi sáng thế” ( Mt 13, 34 -35).

Đối với dân chúng thì vậy còn với các Tông Đồ, Chúa Giê Su nói thẳng ( Trực chỉ ) “ Những điều ấy Ta đã nói với các ngươi bằng dụ ngôn. Giờ đến, Ta chẳng còn nói cùng các ngươi bằng dụ ngôn nữa nhưng sẽ nói tỏ tường về Cha cho các ngươi” ( Ga 16, 25). Chúa Giê Su  nói tỏ tường về Cha, điều ấy có nghĩa trước đó khi rao giảng về Thiên Chúa về Nước Thiên Chúa thì Ngài chỉ nói bằng dụ ngôn tức một dạng ngôn ngữ có tính biểu thị mà Thiền gọi là “ Tử Ngữ” tức ngôn ngữ khái niệm. Chấp vào ngôn ngữ khái niệm thì không bao giờ có thể nhận biết Thực Tại. Nhiều lần Chúa Giê Su nói về một Đấng Cha…ở trên trời chẳng hạn “ Ta nói cùng các ngươi hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi  ở trên trời” ( Mt 5, 44 -45). Hoặc dạy cầu nguyện “ Lạy Cha chúng tôi ở trên trời…( Mt 6, 9 ) v.v…Lại nữa đức Ki Tô chỉ dùng dụ ngiôn để rao giảng Tin Mừng Nước Trời mục đích là để người nghe đừng có chấp trước Nước Trời như là một thứ ….đất nước một thứ lãnh thổ ở trần gian. Mặc dầu vậy người ta kể cả thần học vẫn không thể thoát khỏi cái chấp ấy = Chúa Cha vẫn cứ …ở trên trời còn Nước Trời vẫn là nước thế gian đến nỗi thần học Giải Phóng quả quyết rằng Nước Trời là tình trạng ở thế gian khi người nghèo hết nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức….!!!.

Chấp vào lời nói dù đó là lời của Chúa thì cũng không bao giờ có thể nhận biết Thực Tại Thiên Chúa là Cha mình. Tuy rằng Chúa Giê Su nói tỏ tường cho các tông đồ về  Cha nhưng không phải vậy là đã đủ cho việc biết Cha. Khi nghe Chúa Giê Su nói Ngài ra đi để sắm sẵn một chỗ rồi sẽ trở lại đón các ông thì Thomas thắc mắc “ Thưa Chúa chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu thì làm sao biết đường được. Chúa Giê Su đáp Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Ví bằng các ngươi đã biết Ta thì cũng đã biết Cha Ta nữa. Từ nay các ngươi biết Ngài cũng đã thấy Ngài” ( Ga 14, 1 -7).

Để đến được với Cha thì không thể bằng con đương tri thức ( Thần học) mà  duy chỉ có con đường thập giá Đức Ki Tô tức con đường bỏ mình theo Chúa “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình đi vác thập giá mình mà theo” ( Mt 16, 24). Thập giá là một loại khổ hình của người Do Thái cổ dành cho những tội nhân bị khép án tử hình. Chúa Giê Su đã bị kết án tử và chết treo trên thập giá cách hoàn toàn tự nguyện  để nên giá cứu chuộc loài người “ Khi Ta bị treo lên thì Ta sẽ lôi kéo mọi sự lên cùng Ta” ( Ga 12, 32).

Nếu Chúa chỉ cứu được con người bằng con đường Thập Giá thì chúng ta những con người theo Chúa  cũng chẳng có con đường nào khác là vác thập giá  mình đi theo Ngài. Để vác thập giá cho nên thì phải yêu mến Thánh Giá Chúa gửi đến. Thánh Phao lô trở lại chẳng những  không chỉ yêu mến mà còn khoe khoang về thập giá Đức Ki Tô “ Về phần tôi, tôi quyết chẳng khoe khoang về điều gì chỉ khoe khoang về thập giá của Chúa chúng ta là Chúa Giê Su đó thôi. Vì nhờ thập tự giá mà  thế gian đối với tôi  đã bị đóng đinh và tôi đối với thế gian cũng vậy. Vì chịu cắt bì hay không chịu cắt bì đều chẳng quan hệ gì, quan hệ là người được dựng nên mới” ( Gal 14, 15 )./.

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:

Related posts