Con Đường Bỏ Ngỏ Của Têrêsa

Nếu hội thánh còn là hội thánh của Chúa Kitô, nếu hội thánh còn là thân mình của Đấng cứu chuộc ở trần gian, thì hội thánh phải cho thế gian thấy mình là một Đức Giêsu Kitô nối dài, một Đức Kitô nhỏ bé khiêm hạ giầu lòng thương xót như trong thư Philiphê 2,1-11. Nếu không, thì hội thánh chỉ còn là một cộng đoàn với những nhà thờ nguy nga lộng lẫy làm hoa mắt thế gian, với những phẩm phục long trọng, những lễ nghi trang hoàng tốn kém, những thứ bậc chồng chất lên nhau. Rốt cuộc tất cả những thứ ấy đã che lấp mất Đức Giêsu Kitô là đầu, là sự sống của hội thánh. Kinh nghiệm đau xót của hội thánh thời trung cổ đã chứng minh điều ấy. Vậy Đức Giêsu được diễn tả trong thư Philiphê là Đức Giêsu thế nào? Xin đọc lại lời Chúa : “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2, 5- 11) và Thánh Phaolô đã nhấn mạnh bằng câu này: “Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã trong Đức Giêsu…” 

Hội thánh bất kỳ ở đâu, toàn cầu hay địa phương, bất kỳ là cộng đoàn đông số hay ít ỏi, hay là ngay cả là một cá nhân Kitô hữu, thì tất cả và từng người phải có như nhau Một Tấm Lòng, Một Suy Nghĩ, Một Tình Cảm, Một Tâm Tư như Đức Giêsu Kitô. Và từ trong tâm tư ấy mới xuất phát việc làm, mới hướng dẫn mọi hành động. Như thế mới công chính, mới tinh tuyền, mới duy nhất, mới thánh thiện được.

Vậy tâm tư của Đức Giêsu là tâm tư gì? Tấm lòng của Đức Giêsu là tấm lòng gì mà hội thánh và mỗi người trong hội thánh phải có?

Tấm lòng Đức Giêsu là tấm lòng bỏ ngỏ cho Cha của Ngài hoạt động. Đức Giêsu xuống thế gian không phải để làm một cái gì theo ý mình mà là bỏ ngỏ tất cả để chỉ làm theo ý của Cha. Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu chỉ có thế. Một tấm lòng như thế, thì người đạo đức ngày nay không thể chấp nhận được, không thể chịu được. Nhưng Đức Giêsu đã chịu được và đã công bố cho cả thế gian biết như vậy: “Phần ta, ta chẳng làm gì cả, Cha bảo sao ta làm vậy…Lương thực của ta là làm theo ý Cha ta. Vì ta đến, không phải để làm theo ý của ta, mà làm theo ý Cha, Đấng đã sai ta”.

Những người đạo đức hôm nay nôn nóng cộng tác với Thiên Chúa, chỉ muốn làm một cái gì cho sáng danh Chúa, nhưng thực ra là làm sáng danh mình, cho nên sinh hoạt cộng đoàn cứ loạn xà ngầu lên. Têrêsa, thánh nữ của tình yêu, của lòng thương xót, cũng chỉ có một tâm tư như Đức Giêsu Kitô. Têrêsa nhỏ bé đơn sơ như đứa trẻ hoàn toàn tín thác vào cha của mình. Cuộc đời của Têrêsa trước mắt những người đạo đức có thể bị lên án là một cuộc đời thụ động, chẳng được tích sự gì cả, cái gì cũng ỷ vào Chúa, để cho Chúa làm. Chính một chị dòng kín ở Lisieux khi được lệnh viết về tiểu sử của Têrêsa đã : “Cuộc đời Têrêsa có gì đâu mà viết! Cuộc đời quá bình thường, đến độ tầm thường nữa”. Thế nhưng, hội thánh đã tuyên xưng người phụ nữ chẳng làm gì ấy nên một người làm nhiều việc lớn lao quá sức tưởng tượng : “Têrêsa, bổn mạng các xứ truyền giáo”.  

Têrêsa đã có một tâm tư như đã có nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu đã bỏ ngỏ đời mình cho Cha, nên công việc 3 năm rao giảng của Ngài chẳng có bao nhiêu mà đã cứu cả nhân loại. Têrêsa cũng bỏ ngỏ cho Chúa Giêsu, thì qua tấm lòng rỗng không chẳng có đạo đức gì, chẳng có công nghiệp gì, chỉ biết tín thác, Đức Giêsu đã lấp đầy bằng lòng thương xót của Ngài, và làm cho Têrêsa thành quyền năng, kéo bao nhiêu linh hồn về với hội thánh, ngang ngửa với Thánh Phanxicô Xaviê, suốt đời bôn ba vất vả ngược xuôi.

Ngày nay có nhiều người không muốn đi vào con đượng thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa, không muốn tín thác như Faustina, họ cứ muốn phải làm một cái gì đó để “lưu danh hậu thế” và vì hăng say quá cho nên những “cái tôi” to lớn ấy dễ va chạm nhau cứ rối tinh rối mù lên. Bởi vì ai cũng muốn tâm tư của mình là nhất, không ai muốn có nơi mình một tâm tư như đã có nơi Đức Giêsu Kitô. Nếu chỉ với tấm lòng của riêng từng người mà cải tạo được thế giới, cải tạo được giáo hội, và nói thẳng ra, cải tạo được chính bản thân mình, thì Ngôi Hai Thiên Chúa khỏi cần phải xuống để chết tủi nhục thập gía.

Suốt đời Đức Giêsu chỉ dạy một lời cầu nguyện: “Xin cho ý của Cha trên trời được thể hiện khắp mặt đất, khắp cõi lòng”. Khi lòng tôi không phải lòng của Đức Giêsu, không phải tâm tư của Đức Giêsu thì dù tôi có đạo đức đến mấy, có hăng say hoạt động tông đồ đến mấy cũng chẳng được ích gì. Cái gọi là đạo đức, là hoạt động tông đồ ấy thực chất chỉ để vinh danh “cái tôi” của mình hơn là “vinh danh Chúa”. Tôi giống như những người nói với Chúa: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ qủi, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Nhưng Đức Giêsu đã thẳng thắn nói với họ rằng: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23). Đức Giêsu khẳng định: “Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy mới được vào Nước Trời mà thôi.”

Hội thánh Đức Giêsu không phải là Hội của những người “đạo đức thông thái”, “giầu sang phú quý”, “nhà cao cửa rộng” họp nhau lại để Danh Chúa nhờ những người đó mà được hiển vinh. Hội thánh Đức Kitô gồm những người tội lỗi, cần lòng thương xót của Chúa, được Chúa xót thương, và sẵn sàng để cho Chúa xót thương cứu vớt.

Hội thánh của Đức Giêsu không khuyên bảo ai, không dạy dỗ ai, mà chỉ đi loan báo về một Đức Giêsu, giầu lòng thương xót, vì xót thương nhân loại mà chịu chết trên thập giá và phục sinh. Ai chịu lấy Đức Giêsu Kitô thì được cứu. Chịu lấy Đức Giêsu là phải bỏ ngõ đời mình để Đức Giêsu đổi lòng dạ của mình thành tâm tư của Ngài. Khi ấy sẽ có mọi sự tốt lành, sẽ xót thương nhau, yêu thương nhau không thể tưởng tượng được. Nếu không bỏ ngỏ đời mình như Têrêsa, cho Thiên Chúa tái tạo cái tâm tư của mỗi người, thì một ngàn năm, một vạn năm, chúng ta chỉ là những hòn đá rắn chắc cô đơn không thể nên một với nhau được, có đụng vào nhau thì chỉ toé lửa mà thôi.

Lạy Cha, ngợi khen Cha đã ban cho chúng con một tấm lòng, để những lúc thất vọng chán nản, chúng con có chỗ tín thác nương nhờ. Tấm lòng ấy là Trái Tim Đức Giêsu, Đấng giầu lòng thương xót.

Lm. Giuse Trần Đình Long. Sss

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment