- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Chủ nghĩa tương đối và việc tìm kiếm chân lý

          Đời sống có muôn vàn sự khổ và sự khổ ấy đã đến ngay khi con người vừa mới chào đời “ Thoạt sinh ra thì đã khóc choé. Trần có vui sao chẳng cười khì ?” ( Nguyễn Công Trứ ). Cái gì cũng phải có nguyên nhân, vậy nguyên nhân của khổ là gì ? Mỗi truyền thống tâm linh đều có cái nhìn khác nhau  về nguyên nhân sự khổ. Với Đạo Phật  thì  hết mọi khổ não của con người là do vô minh. Còn của Đạo Chúa là do không biết đường tìm kiếm “ Từ trời cao Thiên Chúa nhìn xuống loài người xem ai là kẻ có lương tri  biết kiếm tìm Thiên Chúa. Người người đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm  chuyện suy đồi, chẳng có một ai  làm điều thiện dẫu một người cũng không” ( TV 53, 3 -4 ).

Nói là khác nhưng thật sự cũng không khác bởi vì với Đạo Phật thì cho vô minh là nguyên nhân sự khổ, còn Đạo Chúa lại cho là không có lương tri. Do nơi không có lương tri nên không biết đường tìm kiếm Thiên Chúa và vì thế mà  khổ. Con đường tìm kiếm chân lý này tuy khác về cách diễn tả nhưng thực chất  cũng vẫn là một. Đức Khổng Tử thiết tha với việc tìm kiếm đến nỗi  có lần đã nói = Buổi sáng nghe được Đạo, buổi chiều dù có chết cũng  vui ( Triêu văn Đạo tịch tử khả hỹ – Luận Ngữ ).

Đối với  dức Khổng thì chỉ cần nghe được Đạo  cũng đã vui vì đó là khởi đầu chắc chắn của việc tìm kiếm. Còn với Thánh Augustino cũng vậy ngài rất mực thiết tha muốn gặp được Chúa “ Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con vì Chúa nên tâm hồn con còn xao xuyến mãi cho tới khi  được  nghỉ yên nơi Chúa”, Đời sống chung quy chỉ là khổ nhọc bởi đó mục đích của những kẻ  kiếm tìm chân lý là để thoát khổ. Thế nhưng  để thoát được khổ thì điều kiện tiên quyết là phải nhẫn thức được khổ. Có nhận biết mình khổ thì mới tìm đường thoát khổ, cũng vậy có thấy mình  mang thân phận tù đầy thì mới khát vọng tự do. Tìm kiếm con đường  thoát khổ tức là đi trên chính lộ. Trái lại  như lời Thánh Vịnh nói người người đã rời  bỏ chính lộ để chỉ còn biết theo nhau làm chuyện suy đồi.

Bởi nguyên nhân tại sao mà con người đã từ bỏ chính lộ để theo nhau làm chuyện suy đồi ?  Đó là do nơi ảnh hưởng của Chủ Nghĩa Tương Đối ( Relativisme ) Với chủ nghĩa này thì chẳng thể có chân lý  hiểu như là một cái chi đó tuyệt đối bất biến. Thay cho chân lý tuyệt đối, chủ nghĩa này lại lấy con người để làm thước đo mọi sự ( l’homme est la mesure de toute chose ). Chủ trương lấy con người làm thước đo mọi sự là luồng tư tưởng xuyên suốt từ thời cổ đại Hy Lạp mà đại diện của nó là triết gia Protagorius ( 485 – 411 TCN ) cho đến tận ngày nay.

Trong số những triết gia ảnh hưởng của Chủ Nghĩa Tương Đối thì F. Nietzche ( 1844 – 1900 ) là người sâu sắc nhất khi đưa ra lời hô hào phải  giết chết Thiên Chúa  để con người được sống. Sở dĩ cần giết chết Thiên Chúa bởi  lẽ người ta đã không chấp nhận  một thứ Thiên Chúa được gọi là Cha !!!. S. Freud ( 1856 0 1939 ) cho rằng mình đã đưa ra bản chất đích thực của tôn giáo trong việc tôn thờ một người Cha toàn năng quan phòng và giữ gìn mọi sự để  rồi đi đến phê phán một cách cay độc đầy khinh bỉ những tôn giáo trừu tượng lý thuyết  và là những tôn giáo phi nhân nên cũng bất nhân” ( Nguồn Andre Seve, Ấn phẩm roneo – Phổ biến nội bộ ).

Lại nữa sự phê phán mang tính triệt để của chủ nghĩa Mác đối với  niềm tin tôn giáo về Đấng Cha  cho rằng đó là một thứ suy tôn làm vong thân triệt để đồng thời cũng là lời phản kháng vô hiệu và vô vọng ( thuốc phiện ru ngủ quần chúng ) trước thực tại cụ thể của kẻ bị áp bức và của những ông chủ trần thế.

Không chấp nhận Thiên Chúa là Cha bởi đó thế giới này được gọi là thế giới …không cha ( un monde sans pere ). Thế giới không Cha, điều ấy đồng nghĩa với việc chấm dứt sự tìm kiếm chân lý và hậu quả  đương nhiên đưa đến cho nó là sự suy đồi “ Trong những  thập kỷ qua có biết bao chiều gió đạo lý biết bao dòng  tư tưởng biết bao lối suy nghĩ. Con tàu nhỏ suy tư của nhiều Ki Tô hữu thường bị quăng quật giữa những con sóng này, từ cực đoan này đến cực đoan khác từ chủ nghĩa Mác đến chủ nghĩa tự do, thậm chí là chủ nghĩa tự tác. Từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân tận cùng. Từ chủ nghĩa vô thần đến một kiểu tôn giáo huyền bí mơ hồ. Từ thuyết bất khả tri đến thuyết hổ lốn và còn, còn nữa. Ngày nào cũng có những giáo phái mới nổi lên và những gì mà Thánh Phao Lô  đã nói về trò bịp bợm của con người và sự giảo quyệt khéo bày mưu ma chước quỷ để mê hoặc ( Eph 4, 14 ) giờ đã thành sự thật” ( Nguồn Phanxico. Vn 30/4/2016 – Chủ nghĩa Tương Đối – Chẩn đoán và chữa trị – Đức Benedicto XVI và sự độc tài của chủ nghĩa Tương Đối ).

Con người được lấy làm thước đo mọi sự; vậy đó là con người nào ? Tựu chung có thể nêu ra hai quan niệm về con người. Một của duy lý và hai là của hiện sinh. Theo định nghĩa của Aristote ( 384 – 322 TCN  ) thì “ Người là con vật biết suy lý” ( animal raisonnable ). Chính câu định nghĩa này đã hướng dẫn các khoa học nhân văn và cả thần học trong suốt hai mươi lăm thế kỷ. Với các khoa học nhân văn thì sự sai lầm là ở chỗ đã chỉ biết đến một thứ con người…chung chung hoàn toàn trừu tượng. Còn đối với thần học thì đó là một thứ siêu hình cổ điển đã giải quyết vấn đề trước khi đặt vấn đề có nghĩa họ lấy Thiên Chúa làm tiền đề rồi tìm cách chứng minh cho sự hiện hữu của Ngài.

Do bởi sai lầm ấy mà  câu định nghĩa đã bị Berdiaeff chỉ trích gay gắt “ Siêu hình từ Aristote cho tới Voltaire chỉ là một thứ  Nhân Bản trên mây của người mơ mộng, hơn kém vô thưởng vô phạt đã bị duy vật khinh bỉ và thải bỏ  đi như một hình thức suy tư lỗi thời một món xa xỉ cho giai cấp trưởng giả. Mặt khác đó là  thứ Nhân Bản một chiều, một  Nhân Bản trá nguỵ đã giết chết con người cá thể bởi từ chối không nhìn nhận bản tính vô cùng của con người” ( Kim Định – Nhân Bản ).

Con người của duy lý chỉ là cái khái niệm chung chung trừu tượng. Còn con người của triết Hiện Sinh  thế nào ?  Theo F. Nietzche triết gia vô thần và cả Gabriel Marcell  triết gia Công giáo  thì con người  chính là cái xác thân vật lý “ Tôi là thân xác” ( Je suis mon corps ) Do bởi tôi là xác thế nên Nietzche  mới đưa ra những lời kêu gọi rất ư nồng nhiệt thế này “ Hãy làm như tôi, hãy đem những nhân đức lạc đường trở về  với trái đất. Phải, hãy  đem nhân đức  lạc đường  trở về với thân xác và cuộc sống để  nhân đức của anh em làm cho trái đất có ý nghĩa, nghĩa nhân bản. Từ nay nhân đức và tinh thần của anh em chỉ phụng sự ý nghĩa của trái đất này mà thôi. Nhờ đó tất cả mọi sự sẽ có một giá trị mới. Tôi cậy vào anh em, anh em phải là những vị sáng tạo” ( T.T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).

Trước đây nhân đức vốn được hiểu như là con đường tìm kiếm Thiên Chúa thì nay với Nietzche lại chỉ nhắm đến việc…phụng sự trái đất. Quan niệm về nhân đức của Nietzche nói riêng và của triết Hiện Sinh nói chung xem ra có vẻ cực đoan  nhưng ảnh hưởng của nó đối với phong trào tục hoá là rất lớn. Tục hoá có nghĩa là Giải Thiêng ( Desacralisation ) mà đã Giải Thiêng thì  đâu còn tìm kiếm Thiên Chúa  làm gì ? Không tìm kiếm Thiên Chúa, tôn giáo trở thành vô nghĩa bởi lẽ mục đích chung cuộc của nó chỉ có thể là để tìm và gặp được Thiên Chúa Đấng ở nơi mình. Nếu việc tìm và gặp  được Thiên Chúa là mục đích của tôn giáo thì tại sao giờ đây lại không tìm ? Nguyên nhân của nó như đã nói là do ảnh hưởng của Chủ Nghĩa Tương Đối. Tuy nhiên đó chỉ là cái nguyên nhân gần còn nguyên nhân sâu xa là vì con người đã không nhận thức được khổ.

Thế giới hiện nay xem chừng như đang rất tự mãn về những tiến bộ mọi mặt = Khoa học, y tế, giáo dục, chinh phục không gian  v.v… Thế nhưng đó chỉ là cái mặt nổi mà ẩn sâu trong nó là cái nguy cơ của sự huỷ diệt đã đến rất gần. Làm sao thế giới này không bị diệt vong với cái tâm thức điên đảo mù quáng như vậy ? Sự mù quáng ấy khiến cho  đức tin tôn giáo không thể tồn tại “ Trong một bài báo đăng trên tờ Sunday Telegraph ngày 27/6 vừa qua vị giám mục Anh giáo Paul Richardson  đã quả quyết:

Ki Tô giáo mất dần ảnh hưởng và các giá trị luân lý ngày một xuống thấp. Chúng ta đã không hiểu đầy đủ tính chất nghiêm trọng của sự thay đổi này đối với nền văn hoá đương thời và đã không xử lý kịp thời đối với cuộc khủng hoảng đức tin nghiêm trọng hiện nay” ( Nguồn Lm Nguyễn Mạnh Tuyến – Chủ Nghĩa Tương Đối và Tình Yêu Mục Tử ). Có thấy mình khổ thì mới tìm đường thoát khổ và cái khổ này  không phải là khổ vì đói cơm rách áo, vì bị đàn áp bất công này nọ nhưng là khổ vì  không biết Sự Thật.

Người ta sống ở đời  không ai lại không lo lắng  đủ chuyện, lo cho mình chưa xong lại còn lo cho con cho cháu. Lo hiện tại chưa đủ còn lo cho tương lai mịt mờ nào đó v.v…Tóm lại sống là lo, không lo không được…Với người đời thì vậy nhưng với Chúa Giê Su thì khác, Ngài nói “ Thế thì  chớ lo lắng rằng chúng ta ăn gì  mặc gì. Vì mọi điều đó các dân ngoại vẫn lo. Song Thiên Phụ biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi” ( Mt 6, 31 -33 ).

Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng Nước Trời  nhưng tại sao Ngài lại đòi hỏi chúng ta phải hết lòng tìm  mới gặp ? Lý do là vì Nước Trời ấy là ..nước nội tại  “ Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói = Đây này hay đó kia vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ). Nói đến Nước Trời, Nước Thiên Chúa….người ta hay hình dung ra một thứ lãnh thổ có biên cương ranh giới rõ ràng. Tuy nhiên đây không phải là Nước Trời mà đức Ki Tô rao giảng. Với Nước Trời này thì không thể nói = Đây này đó kia bởi vì nó siêu việt cả không gian lẫn thời gian. Tuy vượt khỏi cả không gian lẫn thời gian nhưng mầu nhiệm thay …nước ấy lại hiện hữu ngay ở nơi cung lòng mỗi người.

Một khi Nước Trời là…nước nội tại như thế thì việc tìm kiếm đương nhiên  trong  việc tìm kiếm này không phải là tìm một cái chi đó ở bên ngoài nhưng là quay trở về nơi chính mình. Thiên Chúa  luôn chờ đợi ta ở đó và muốn ta trở về với Ngài. Đây là điều mà các ngôn sứ trải qua từ đời nọ  tới đời kia vẫn chỉ theo đuổi có một việc đó là rao giảng sự trở về “ Đức Giêhova đã sai các đầy tớ Ngài là các tiên tri đến cùng các ngươi, dậy sớm mà sai đến. Nhưng các ngươi không chịu nghe. Không để tai mà nghe các đấng ấy nói rằng = Mỗi người trong các ngươi hãy từ bỏ đường dữ mình mà trở lại. Hãy bỏ điều ác của việc  làm mình và ở trong  ĐẤT mà Đức Giêhova  đã ban cho các ngươi và tổ phụ các ngươi từ xưa cho đến đời đời” ( Gr 25, 4 -6).

ĐẤT mà Đức Chúa Giêhova hứa cho tổ phụ và  cháu con muôn đời ở đây chính là Bản Tâm mỗi người. Do nơi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ  thế nên  tâm trí con người  luôn hướng ra bên ngoài vọng cầu nơi thế giới hiện tượng để rồi quên mất Bản Tâm ( Vong Thân ) Quên Bản Tâm cũng có nghĩa là con người đã quên Thiên Chúa Đấng là Cha mình. Đang khi đó Cha là Đấng giàu có vô lượng  không một giây phút nào  lại có thể quên con mình “ Đàn bà  há dễ quên con mình được sao ? Nhưng dẫu đàn bà có quên con mình thì Ta cũng chẳng có quên ngươi đâu” ( Es 48, 14 -15).

Thiên Chúa không khi nào quên ta nhưng ta thì lại cứ  quên Ngài để rồi phãi  lăn lóc trong bùn nhơ tội lỗi chịu muôn vàn đắng cay tủi nhục. Đức Ki Tô xuống thế cũng không ngoài mục đích là để cho ta được nhớ đến Đấng Cha của mình. Cũng vì mục đích ấy Chúa dạy ta khi cầu nguyện cần phải xoay cái Tâm trở vào bên trong mà cầu “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng  ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ).Cầu nguyện là phương thế hữu hiệu nhất để tìm kiếm chân lý thế nhưng chân lý lại chỉ có thể  được khi biết quay trở về với mình./.

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]