Chánh Giáo, Tà Giáo

Chắc hẳn ở đâu đó đã có tình trạng cải đạo, vì vậy người ta mới có lời nhắc nhở nhau thế này “ Phật tử không bao giờ được nói câu = Đạo nào cũng tốt” ( Nguồn Nguyễn Hữu Đức sinh năm 1977 – Hà Nội ). Sở dĩ không được nói đạo nào cũng tốt bởi vì có đạo tốt, đạo xấu. Đạo…tốt ở đây tất nhiên phải là Phật giáo, còn đạo…xấu là Công giáo “ Có đạo trong lịch sử truyền đạo của mình sẵn sàng gây chiến tranh hoặc theo gót thực dân để mở mang nước đạo. Có đạo khi truyền vào nước khác sẵn sàng hủy diệt văn hóa bản địa quay lưng lại truyền thống dân tộc, đưa ra tuyên ngôn thuộc linh sẵn sàng dâng đất nước này cho thượng đế” ( Nguồn Nguyễn Hữu Đức đã dẫn ). Xin hãy tạm gác qua bên cái lập luận phê phán Đạo Công Giáo vừa nêu bởi thiên hạ đã nói quá nhiều rồi. Tuy nhiên dù sao thì với lời nhắc nhở Phật tử không bao giờ được nói câu “ đạo nào cũng tốt” ấy, thiết nghĩ chúng ta cũng nên đặt lại vấn đề tốt xấu khi đề cập tới tôn giáo này, tôn giáo khác.

Cũng với luận điểm tốt xấu ấy, có vị tỳ kheo đã phân biệt tà giáo, chánh giáo để ám chỉ cho …tà giáo Công giáo và chánh giáo Phật giáo như sau “ Tà giáo phát triển phạm vi giới hạn không gian thời gian. Không thể phát triển trên khăp hoàn câu nếu không xử dụng chiến tranh xâm lược, thủ đoạn tinh thần mê hoặc nhân tâm, linh thiêng huyền bí cưỡng ép hôn nhân chính trị kinh tế. Khoa học nhân loại ngày càng phát triển, tà giáo lu mờ, niềm tin lung lay tín đồ giảm sút, giáo chủ lo ấu” ( Nguồn TK Thích Chân Tuệ – Lương Tâm và Phật Tâm – Cư Trần Lạc đạo Tập 2 ).

Cho rằng đạo Công giáo sẽ không thể phát triển khắp hoàn cầu nếu không sử dụng chiến tranh xâm lược, thủ đoạn tinh thần ( ? ) linh thiêng huyền bí…” Lập luận này có thể nói là quá ư hàm hồ. Bởi nếu nói Đạo Công giáo phát triển là do xử dụng chiến tranh xâm lược, vậy tại sao sau khi cuộc chiến xâm lược bị đánh bại mà đạo ấy chẳng những vẫn tồn tại mà còn phát triển ngày càng mạnh mẽ ? Lấy ví dụ cụ thể như Đạo Công giáo tại Việt Nam chúng ta. Nếu bảo rằng đạo này theo gót quân Pháp mà vào thì lẽ ra khi quân ấy bị đánh bại rút hết về nước thì Công giáo cũng phải tan rã chứ ?

Mặt khác nói khoa học ngày càng phát triển thì tà giáo lu mờ, niềm tin lung lay, tín đồ giảm sút…. Nhận định này xét ra cũng không …sai đối với Công giáo. Tuy nhiên không vì vậy mà có thể kết luận đạo ấy là …tà giáo. Tại sao ? Bởi vì khoa học và tâm linh là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau. Khoa học thuộc phạm vi hiện tượng giới. Còn tâm linh siêu vượt hiện tượng để bước vào bản thể giới. Đạo Công giáo là con đường thực hiện tâm linh. Chính vì vậy ta cũng chẳng lạ gì khi khoa học càng phát triển thì đức tin phải bị lu mờ.

Đức tin lu mờ khi khoa học phát triển, điều ấy chẳng những chứng tỏ Đạo Công giáo không phải tà giáo nhưng là chính giáo đích thực. Đang khi đó Phật giáo theo quan điểm của vị tỳ kheo sở dĩ là chánh giáo bởi vì nó ám hợp với khoa học “ Chánh giáo chủ trương tự do tín ngưỡng, phát triển tâm linh tự nguyện tự tin. Chánh giáo luôn luôn đem lại cho người những niềm an ủi ngay trong đời sống, những niềm vui đưa cho những tâm hồn đang bị nhiệt não vì các hệ lụy của thế gian này. Khoa học nhân loại ngày càng phát triển chánh giáo sáng tỏ chứng minh rõ ràng niềm tin vững chắc nhờ các phát minh khoa học kỹ thuật. Dĩ nhiên tín đồ ngày càng nhiều hơn, niềm tin vững hơn có nhiều lợi ích thực tế rõ ràng ngay trong cuộc sống” ( Nguồn TK Thích Chân Tuệ đã dẫn ).

Nói rằng niềm tin vững chắc nhờ các phát minh khoa học kỹ thuật thì chẳng hiểu đó là niềm tin nào, tin vào cái gì ? Thế nhưng nếu cho rằng nhờ có niềm tin ấy mà số tín đồ ngày càng nhiều hơn, niềm tin vững hơn có nhiều lợi ích thực tế rõ ràng ngay trong cuộc sống thì phải chăng đó chỉ là một thứ Phật giáo…phi Phật giáo ? Sao có thể nói thế ? Bởi vì ai có đôi chút tìm hiểu thì cũng biết việc tu tập Phật giáo dựa trên năm thứ Thừa là Nhân thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Bồ Tát thừa và Phật thừa. Thừa tức là cỗ xe hay cũng gọi là những bậc thang dẫn đưa người tu hầu đạt tới quả vị cứu cánh là Giác Ngộ Phật Tánh ở nơi chính mình. Nguyên nhân khiến phải phân ra thành năm thừa như thế là bởi có nhiều căn cơ khác nhau và cũng chính vì những căn cơ khác biệt ấy mà Phật giáo lại phân thành ba thời đó là chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Chánh pháp là thời có nhiều người tu Phật và đắc quả vị Phật. Tượng Pháp là thời chỉ…na ná giống Phật chứ không phải Phật. Còn thời Mạt Pháp là thời chúng ta đây đã diễn ra cả ngàn năm chẳng mấy ai tu Phật và như thế cũng chẳng thể đắc quả vị Phật.

Ngũ thừa nói cho cùng đó cũng chỉ là những phương tiện cho việc giác ngộ và con đường thích nghi nhất cho thời mạt pháp này chính là Pháp Môn Tịnh Độ, bởi đó cho nên trong Kinh Đại Tập Đức Phật mới nói “ Trong thời mạt pháp ức ức người tu hành rất ít kẻ đắc đạo, chỉ những ai nương theo Pháp Môn Niệm Phật mới có thể thoát khỏi luân hồi” ( Mạt pháp ức ức nhơn tu hành hãn nhất đắc đạo chỉ y Niệm Phật Pháp Môn liễu sanh thoát tử). Liễu sanh có nghĩa thoát khỏi Ta Bà để sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Việc sanh về ấy chính là toàn thể mục đích của những người con Phật cần hết lòng mong cầu ( Tín – Nguyện – Hạnh ). Đang khi đó vị tỳ kheo nọ lại cho rằng chỉ cần “ giữ tâm thanh tịnh” chứ chẳng cần mong cầu = Sống trên thế gian này giữ tâm thanh tịnh là điều khó khăn nhất. Bản tâm thanh tịnh là tâm thể của mọi người khi đã dẹp hết phiền não khổ đau, không còn dấy niệm hoặc khởi bất cứ niệm nào dù thiện hay bất thiện dù trong giây phút dù ở bất cứ nơi đâu dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bản tâm thanh tịnh chính là cảnh giới Niết Bàn, dó là mục đích cứu kính của Đạo Phật. Người không biết sống với bản tâm thanh tịnh hàng ngày thời là người thế gian ở trên đời dù là người có lương tâm hiền thiện chăng nữa cũng vẫn còn phiền não khổ đau. Tại sao vậy ? Bởi vì tuy những người đó đã dẹp được tâm tham tâm sân tâm si thường tình của người thế gian nhưng họ vẫn còn tâm tham tâm sân tâm si một cách vi tế ẩn tàng dưới hình thức tín ngưỡng. Chẳng hạn như họ không còn tâm tham ngũ dục thế gian gồm có tiền tài sắc đẹp danh vọng ăn uống ngủ nghỉ nhưng họ vẫn còn tham sự sung sướng ở cõi cực lạc hay thiên đàng” ( Nguồn TK Thích Chân Tuệ đã dẫn ).

Còn tham sự sung sướng ở cõi Cực lạc, theo vị này là vẫn còn sống trong mê muội. Như vậy thử hỏi có mâu thuẫn quá lắm với điều mà tỳ kheo đã nói “ Chánh giáo luôn luôn đem lại cho người những niềm an ủi ngay trong đời sống, những niềm vui đưa đến cho những tâm hồn đang bị nhiệt não vì các hệ lụy ở thế gian này….? Không mong cầu liễu sanh thoát tử về cõi Cực Lạc nhưng lại muốn có được những niềm an ủi, những niềm vui tươi ngay trong đời sống thế tục, đó chẳng những không phải chánh giáo mà hơn nữa còn là sự phỉ báng Phật vì đã không tin lời Phật, không nghe theo Phật. Nói Đạo Phật là chánh đạo, điều ấy rất đúng nhưng đối với những kẻ bác bỏ lời Phật thì chánh đạo lại trở thành tà đạo.

Nguyên nhân khiến cho cả Đạo Phật cũng như Công giáo không được nhìn nhận là chánh đạo đó là vì người ta đã không biết được rằng chủ trương rốt ráo của hai đạo này là để cho con người có thể tạo lập được cái nhân lành tối thượng hầu hưởng quả lành tối thượng. Nhân nào thì quả ấy, nhân lành thì được quả lành và cái quả lành của Phật giáo là được về sống ở cõi Tây Phương Cực Lạc, còn của Công giáo là Nước Thiên Đàng Đời Đời.

Việc tạo lập nhân lành tức các phương pháp tu tập hành đạo tuy có khác nhau về hình thức nhưng tựu chung cũng không ngoài bốn đại sự nhân duyên này. Trong Kinh Pháp Hoa Phật nói “ Mục tiêu các Đức Phật ra đời chỉ nhằm khai mở Tri Kiến Phật, chỉ cho chúng sanh thấy Tri Kiến Phật, làm cho chúng sanh nhận rõ Tri Kiến Phật và giúp chúng sanh đi vào con đường Tri Kiến ấy nghĩa là thành Phật” ( HT Thích Trí Quảng – Lược giải kinh Pháp Hoa). Nếu có thể gạt bỏ được giới hạn của ngôn ngữ thì sẽ thấy Tri Kiến Phật ở đây cũng chính là sự thấy biết Đấng Cha mà Đức Ki Tô đã đề cập “ Hễ ai Cha đã ban cho Con thì Con ban cho họ sự sống đời đời. Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha tức Chân Thần duy nhất cùng Giêsu Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 2 -3).

Một khi nhận ra Tri Kiến Phật cũng là một không khác với nhận biết Thiên Chúa Đấng là Cha ở nơi mình thì chắc chắn cũng không còn có sự phân biệt chánh tà, tà chánh giữa Đạo Phật và Đạo Chúa chi nữa. Mặc dầu vậy đây là việc hoàn toàn không dễ với cả hai phía Phật giáo và Công giáo bởi lẽ cái màn u minh trong thời mạt pháp này đã quá ư dày đặc thật khó mà phá vỡ. Để có thể từng bước phá đi sự u minh đó đòi hỏi cần có những con người thành tâm thiện chí đến với nhau trong tinh thần đối thoại thẳng thắn./.

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment