Cha tôi

Sáng Chúa nhật nọ, xuống nhà thờ Tân Hương dâng Lễ. Vì đến khá sớm với giờ Lễ nên tôi chạy ra thăm mộ Mẹ như thường lệ. Mẹ tôi an nghỉ ở Bình Hưng Hòa, cách nhà thờ Tân Hương chưa đầy 5 phút chạy xe.

Trời vừa hừng sáng nên chỉ có mình tôi vào nghĩa trang. Đang thắp hương viếng Mẹ bỗng dưng xuất hiện một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần. Ngạc nhiên với sự xuất hiện đột ngột của anh, ngạc nhiên hơn nữa là anh cất tiếng làm dấu Thánh Giá và tự xướng kinh một mình không chờ người thân của nấm mộ.

Không ngần ngại, tôi nói :

– Xin lỗi anh, cho em được đọc kinh và viếng Mẹ em một chút.

Kinh xong, thắp hương viếng Mẹ cũng như những ngôi mộ gần mộ của Mẹ.

Nhìn thấy bộ dạng của anh. Tôi thấy trường hợp này đặc biệt bởi lẽ chẳng ai vào nghĩa trang sớm để làm gì ngoài trừ đi thăm mộ như tôi. Nhìn dáng anh thấy anh hình như là đệ tử của thần lưu linh. Anh chợt tiến tới gần, xòe tay và ngỏ ý :

– Xin cho ít ngàn mua đồ ăn sáng.

Tôi hỏi anh :

– Nhà anh ở đâu ?

– Tôi bị vợ đuổi.

– Tại sao ?

– Tôi nhậu quá nên vợ không cho ở nhà nữa.

– Nhà anh ở đâu ?

Ngần ngừ một hồi, anh đáp :

– Nhà ở giáo xứ Thiên Ân … ờ … ờ Tân Phú Hòa.

Tôi nói :

– Nếu đồng ý, anh đi Lễ ở Tân Hương với tôi, xong tôi đưa anh về nhà để nói chuyện với vợ anh.

Anh lắc đầu :

– Không được đâu, vợ đuổi rồi.

Tôi nói :

– Nếu anh ăn sáng, tôi chở anh đi mua bánh mì vì tôi chuẩn bị đi Lễ.

Chợt nhận ra rằng anh không cần ăn sáng như anh xin nhưng anh cần tiền để mua rượu uống. Nếu như cho anh tiền, anh sẽ mua ngay vài xị rượu và nhâm nhi. Và có lẽ là tên nát rượu nên vợ anh chẳng chịu nổi nên đành phải không cho anh vào nhà nữa. Chẳng mấy ai can đảm đưa người sáng xỉn chiều say vào nhà vì vừa chẳng làm được gì mà còn vừa phá vợ phá con.

Chờ phản ứng của anh. Anh không đáp lại và bỏ đi.

Tôi quay xe ra để đi Lễ.

Dâng Lễ xong, trên đường về, hình ảnh của người đàn ông cũng có tuổi lại hiện lại trong trí tôi. Nhớ và nghĩ đến anh thấy sao mà thương quá ! Thời buổi này người đã đã tiến bộ đến đâu cũng như phải nai lưng tìm kế sinh nhai và quá chật vật với đời sống kinh tế khó khăn như hiện nay nhưng anh vẫn tà tà sống qua ngày nhờ vào sự bố thí của người khác.

Nhìn hình ảnh mới sáng sớm mà loạng quạng như anh ở nghĩa trang thấy thương thật. Chẳng biết cơ duyên nào đưa anh đến với men rượu như thế. Vì chìm đắm trong men rượu nên anh không còn tỉnh táo để sống với đời và với người như bao người bình thường khác.

Nhớ đến anh tôi nghĩ đến vợ và các con của anh cũng như những người đang chìm ngập trong men rượu. Chắc có lẽ chỉ những ai có người thân là chồng, là cha, là anh lúc nào cũng bay bay bổng bổng trong men rượu mới thấu hiểu nỗi đau của người nghiện.

Thương cho anh, cho vợ con và cho người thân của anh.

Nghĩ về anh song tôi lại nghĩ đến cha của mình.

Một người cha hiền lành đến tột độ.

Không chỉ cha nhưng cả họ hàng bên nội cũng thế.

Nhớ lại tang lễ của người bác ruột cũng chính là bõ đỡ đầu của tôi tại giáo xứ Thánh Giuse Gò Vấp. Cha Xứ kể trong bài chia sẻ rằng : “Chưa bao giờ trong gia đình thấy ông T to tiếng với ai cả. Ông hiền lành vô cùng. Ông T ra đi để lại cho chúng ta hình ảnh của người cha nhân hậu, người cha nhân hiền trong gia đình …”.

Bác tôi là thế và cha tôi cũng như vậy.

Năm nay bước sang cái tuổi bát tuần với sức khỏe càng ngày càng sa sút nhưng trên gương mặt của cha toát lên hình ảnh của một người cha dịu hiền và nhân hậu. Cũng như bác T, cha tôi chưa bao giờ nặng lời với anh chị em chúng tôi cả.

Gia đình cũng không phải thuộc loại khá, chỉ ở vào cái khoản gọi là đủ ăn đủ mặc nhưng anh chị đã cố gắng lo cho cha những gì cần thiết nhất cho tuổi già. Vài ba tuần hay một tháng, tôi về thăm cha một chút. Lần nào cũng như lần nấy gặng hỏi cha cần gì nhưng cụ chỉ mỉm cười không đòi hỏi. Biết cha không đòi hỏi gì nên anh chị em chúng tôi ghẹo “Không nói mất quyền lợi đó nha”. Dù thế, cha vẫn không một lời than trách. Những dịp có thể, anh chị em mua qùa cho cha và nhận được lời đáp “mua chi cho tốn tiền, Bố không cần đâu !”

Cách đây vài năm, nhân dịp Xuân về, các cha ghé nhà thăm gia đình. Cha tôi vốn dĩ ngại khi gặp các cha cộng với hiền lành ít nói nên chẳng biết nói gì. Trong phần đáp từ sau lời chúc của cha đại diện, cha tôi chỉ biết thân thưa hai tiếng “cảm ơn” nhẹ nhàng và sâu lắng. Chắc có lẽ các cha cũng hiểu được phần nào con người nhỏ bé và ít tiếng như cha tôi.

Nhớ lại về lần đi khám bác sĩ tim mạch, khi biết phải uống thuốc huyết áp mỗi ngày hao tốn, cha bảo không uống nữa để tránh phiền toái cho các con. Nghe xong anh chị em lại chạnh lòng. Dù nghèo cách mấy đi chăng nữa nhưng chẳng lẽ nào không bù đắp được ít là bữa cơm bữa sữa và vài viên thuốc cho cha. Chỉ sợ rằng giờ không lo đến một lúc nào sữa không vào mà thuốc không trôi nữa. Giờ còn dung nạp được thì bao nhiêu cũng phải ráng bởi lẽ sống mới cần chứ chết rồi đâu ai cần nữa.

Cha tôi là thế đó ! Nhẹ nhàng, nhân hậu và lặng lẽ.

Thật may mắn khi anh chị em chúng tôi được “sở hữu” một người cha như vậy. Bên cạnh cha, chắc có lẽ không bao giờ quên ơn Mẹ dù Mẹ mất sớm.

Gia đình chúng tôi tuy nghèo nhưng chúng tôi “sở hữu” người cha người mẹ thật tuyệt vời và chúng tôi luôn hãnh diện là “con chính chủ” của hai ông bà.

Tạ ơn Chúa đã ban cho anh chị em chúng tôi có một người cha nhân hậu.

Thầm xin cho những ngày còn lại của Cha luôn được sống trong ân nghĩa Chúa và tình thương của mọi người.

Ngày người cha 2013

Lm. Anmai, CSsR

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment