Cầu Nguyện Sống Động

Cầu nguyện là một trong những phương thế tuyệt vời để tiến vào vùng trời Tâm linh

Tuy nhiên, người ta có 2 quan niệm về Cầu nguyện

I. Cầu nguyện theo lối nhìn cũ: Thiên Chúa ở ngoài ta

Thường thường, chúng ta tin rằng Chúa ở trên cao, vì vậy chúng ta thường nhắc nhở nhau rằng: Hãy siêng năng cầu nguyện bằng cách tạm dành một vài giây phút xuất thế để nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Lối cầu nguyện này có những trình độ khác nhau từ thấp lên cao

1. Cầu nguyện ngoài môi miệng:

Chúng ta chỉ biết đọc kinh rang rang hoặc nhắc lại những lời nguyện của các cha, các thầy hoặc đọc hết kinh ngày tới kinh kia một cách máy móc, miệng đọc nhưng tâm trí tha hồ lang thang khắp nơi. Đúng như lời Chúa Giêsu than thở:

” Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. ” (Mt 15:8)

2. Chúa biến thành ông thần đèn

Bình thường chẳng khi nào ta nhớ tới Chúa, chỉ khi nào gặp rắc rối, khó khăn, bước đường cùng – không còn cách nào giải quyết, lúc đó ta mới chạy đến Chúa để tỉ tê tâm sự thật thiểu não đủ cho Chúa nghe, sao cho Chúa mủi lòng và ta thường dụ Chúa bằng những lời nghe có vẻ rất quyết tâm hoặc bằng những điều kiện như :

Nếu Chúa nhận lời thì con sẽ ăn chay 2 ngày, hay lần hạt 5 chục kinh.

Có vài lần ta thực hiện lời hứa, nhưng có nhiều lần ta vui quá, quên béng đi luôn. Quả thật là vô ơn, ăn cháo đá bát!

Cầu nguyện kiểu này có khác gì biến Chúa thành ông thần đèn phải làm thỏa mãn ý muốn của ta. Nếu không được như ý. Ta đâm ra âm thầm phhiền trách Chúa!!

3. Cầu nguyện âm thầm một mình với Chúa

Có một thời, rất có thể, ta thường tới nhà thờ viếng Chúa vào giờ vắng vẻ. Một mình ta đối diện trước mặt Chúa và thả tâm hồn theo dòng tâm tình yêu mến trong không khí yên tĩnh của buổi xế chiều, lòng nhẹ tênh như cánh mây bay bồng bềnh trong bầu trời bình yên. Lâu lâu, vào khoảng 8 giờ tối, ta còn lên tận nhà tạm, trong không khí tĩnh mịch khi màn đêm khẽ buông với đèn chầu leo lét, ta yên lặng nhìn Chúa và cảm thấy lòng ấm hẳn lên. Đây là những giây phút rất riêng tư giữa Chúa và ta và nó mãi mãi là những kỷ niệm ngọc ngà lấp lánh trong tâm hồn mình.

Thêm vào những lời thì thầm tâm sự, ta viết nhật ký. Ta kể cho Chúa nghe những việc xảy ra trong ngày kèm theo cảm tưởng vui buồn. Thời gian viết nhật ký giúp ta gắn bó với Chúa hơn vì ta thường viết trong nhà thờ lúc vắng người, nên ta cũng nếm được những giây phút ấm áp bên trái tim Chúa yêu nhân hiền.

4. Cầu nguyện chia sẻ

Rồi vào ngày đẹp trời, chúng ta gia nhập một cộng đoàn nào đó. Và làm quen với cách cầu nguyện chia sẻ. Để mở đầu một buổi họp hàng tuần, chúng ta thường hân hoan hoà ca hai bài chúc tụng ngợi khen tình yêu Chúa trong bầu khí vui tươi phấn khởi, bài thứ ba mang âm hưởng trầm lắng trong tâm tình yêu mến tôn thờ. Sau khi đọc Lời Chúa, chúng ta có dịp cầu nguyện lớn tiếng. Thường mở đầu bằng :

Chúng con xin ngợi khen và cảm tạ Cha vì …

rồi sau đó: Xin Chúa ban cho … Xin Chúa nhận lời chúng con.

Một người dâng lời cầu nguyện, những người khác hiệp ý trong tâm tình cảm mến sâu xa. Đây là những lời cầu nguyện tự phát trong các nhóm cộng đồng cơ bản. Những lời cầu nguyện này thường xuất phát từ những nhu cầu cả tâm linh lẫn thực tế, liên quan tới việc sống đạo và sinh hoạt thường ngày. Chúng ta đã dùng lối cầu nguyện này với tình con thảo của Cha trên trời và đầy ắp tình anh em hiệp nhất, nên chúng ta đã nhận được rất nhiều ơn và ngày càng tin tưởng tình yêu vô biên của Chúa luôn bảo vệ, chở che, giúp cho chúng ta tìm được niềm vui và bình an trong cuộc sống.

Qua những lời cầu nguyện chân thành này, mỗi người trong chúng ta còn cảm thấy mình tiến bước trên đường sống đạo mạnh mẽ hơn. Tình Chúa và ta gắn bó hơn. Từ đó, vợ chồng hiểu nhau hơn, anh em quan tâm tới nhau hơn, tình huynh đệ cũng nhờ vậy mà thân thiết hơn, ngọt ngào hơn. Mọi người xích lại gần nhau hơn, xoá bỏ những ngăn cách giàu nghèo ..anh giám đốc, anh bác sĩ, anh giáo sư, anh làm đậu hũ .. thế mà đã đối xử với nhau như bạn hữu thân tình trong cùng trong một nhóm. Thực là kỳ diệu!!

5. “Lectio divina” nghĩa là “đọc sách thánh trong tinh thần cầu nguyện”.

Đây là một danh xưng dùng cho việc vừa đọc vừa suy gẫm Thánh kinh. Phương pháp cầu nguyện bao gồm bốn gian đoạn hay bốn yếu tố chính.

Đức Guigo II mô tả phương pháp cầu nguyện này như là bốn nấc thang dẫn đưa chúng ta lên với Thiên Chúa.

Lectio, Đọc

Đọc, theo truyền thống đan tu đòi hỏi đặt lời Chúa trên môi. Đó là một cách tập trung. Người ta thường đọc thong thả một đoạn Thánh kinh, và khi một tư tưởng, một hàng, hoặc một chữ nổi bật và thu hút sự chú ý của người đọc, họ thường dừng lại đó và lưu lại trên bản văn ấy, cẩn thận lập đi lập lại nó mãi. Hễ bị chia trí, họ cứ trở về với việc lập đi lập lại ấy. Họ ở lại với cùng bản văn ấy cho đến khi nó cạn hẳn, và rồi họ đọc tiếp cho đến khi tìm được một bản văn hấp dẫn khác. Theo cách cổ điển, đan sĩ thường đọc đi đọc lại lớn tiếng, loan báo Lời Chúa cho giác quan của mình, cầu nguyện với tất cả thân xác.

Yếu tố thứ nhất này rất đơn giản, không gì khác hơn là tập trung bằng lời nói trên một tư tưởng Thánh kinh, như đặt thức ăn vào miệng vậy. Bằng cách này, các đan sỹ giao cho ký ức Lời Chúa từng mảnh một.

Meditatio, Suy Gẫm

Một khi Lời Chúa ở trên môi và trong miệng rồi, ta bắt đầu cắn và nhai nó; ta bắt đầu suy gẫm trên đó. Suy gẫm nghĩa là suy đi nghĩ lại, nhai Lời Chúa, ung dung lưu lại trên một mẫu để rút tỉa ý nghĩa của bản văn. Mỗi lời Thánh kinh được xem như có dụng ý cho mình. Mỗi bản văn đều nói về Đức Kitô và về cầu nguyện. Đan sĩ nhân cách hoá bản văn, đi vào trong ý nghĩa và đồng hoá với nó.

Đây là yếu tố thứ nhì của “lectio divina”. Suy gẫm sử dụng một cách trực giác tất cả các quan năng. Ta không vất vả làm việc trong nguyện ngắm này, nhưng chỉ luôn lắng nghe những lời được lập lại, để cho những lời ấy gợi lên những hình ảnh, suy tư, tư tưởng trực giác của chúng. Toàn bộ tiến trình đều chủ yếu trực giác, giống như đọc đi đọc lại mãi một bức thư tình vậy. Mỗi lần được nhấm nháp và mỗi tư tưởng được xem như của mình vậy. (Thậm chí những người yêu còn học thuộc lòng những đoạn mình ưa thích nữa). Người suy gẫm cân nhắc và nhận ra những bài học ẩn giấu trong Lời Chúa đến nỗi học được sự khôn ngoan suốt đời. Suy gẫm tìm kiếm đạt được tâm tư của Đức Kitô. Ta từ từ bắt đầu thấy những điều Thánh kinh nói. Người suy gẫm bắt đầu công việc cả đời là nghe Lời Chúa để giữ lấy lời ấy. Suy gẫm chủ yếu là nghe Lời Chúa được “lectio” lập đi lập lại.

Orattio, Cầu nguyện

Nhờ ơn Chúa giúp, tư tưởng sốt sắng sinh ra cầu nguyện, yếu tố thứ ba của “lectio divina”. Lời Chúa chuyển từ môi đến tâm trí, và bây giờ đến con tim. “Oratio” hoặc cầu nguyện là lời đáp trả của con tim đối với chúng ta qua Thánh kinh. Trong cơ bản, cầu nguyện theo nghĩa này, ước muốn ân sủng của bản văn cách nhiệt tình đến nỗi cầu xin các ơn cần thiết của Chúa. Ở đây cầu nguyện là tất cả thành phần tâm tình của suy gẫm. Đó là cầu xin, là đàm thoại với những tình cảm yêu mến, là quyết tâm tăng trưởng trong các nhân đức của Chúa Kitô, là thống hối của con tim về tội lỗi của mình, là thinh lặng yêu nhau, là ánh mắt trìu mến, giống như các yếu tố khác của “lectio”, chiều kích tâm tình tăng trưởng và phát triển. Nó tiến đến sự đơn giản và đến một thứ chiêm niệm thủ đắc. Cầu nguyện khát khao Thiên Chúa.

Contemplatio, Chiêm niệm

Yếu tố thứ tư là chiêm niệm. Ở đây Thiên Chúa làm cho linh hồn đỡ khát và bớt đói, theo như Guigo II. Thiên Chúa ban cho kẻ suy gẫm một thứ rượu mới và nâng họ lên trên cái ta suy niệm bình thường, đưa vào lãnh vực siêu việt được cảm nghiệm. Cuối cùng đây là một yếu tố nguyện ngắm thiên phú. Ở đây Thánh Linh cầu nguyện trong tâm trí con người. Ta cảm nghiệm một trạng thái hài hoà nội tâm, những chuyển động của xác thịt được lắng xuống, xác thịt không còn kình địch với tinh thần nữa, con người ở trong một trạng thái thống nhất tâm linh. Ánh sáng của sự hiện diện của Thiên Chúa chiếu toả qua linh hồn cách cảm nghiệm được. Tình yêu Thiên Chúa không còn trừu tượng nữa, nhưng đựơc cụ thể để vào cái ta đang đón nhận. Ta có thể nhìn thấy mình được thương yêu và yêu mến đáp lại. Rõ ràng, ở điểm này, chúng ta đang nói đến một hồng ân nhưng không. Những giây phút này có thể chóng qua hoặc kéo dài, tinh vi hoặc rõ nét. Chúng có thể biến mất và trở lại. Chúng có thể lẫn lộn với các lời suy niệm được lập đi lập lại, những tư tưởng được suy nghĩ, những trực giác được thưởng thức, những quyết tâm được đưa ra. Nhưng người ấy yên tĩnh và thụ động hơn; Thiên Chúa chúng ta đi ngang qua.

Chúng ta có thể tóm tắt những gì Guigo II nói về bốn yếu tố của “lectio divina” như thế này; việc đọc tìm kiếm, việc suy gẫm tìm thấy (ý nghĩa); việc cầu nguyện xin ơn; chiêm niệm nếm (Thiên Chúa). Hoặc nữa, việc đọc ở trên bề mặt, việc suy gẫm đi vào thực chất bên trong, việc cầu nguyện xin ơn nhờ ước muốn; chiệm niệm cảm nghiệm bằng thích thú.

II. Cầu nguyện theo lối nhìn mới: Thiên Chúa sống trong ta

Theo ánh mắt tâm linh, Chúa không còn hình tướng như vua chúa cao sang, người cha nhân lành, người bạn thân thương, người tình chí ái….mà Chúa chính là nguồn sống của ta, nguồn sức mạnh của ta, là chủ đích thực cuộc đời ta. Vì thế ta có thể cầu nguyện bằng cảm nghiệm tâm linh và cầu nguyện bằng chính cuộc sống phàm trần này.

1. Cảm nghiệm sống động

Trước kia, sau khi rước Chúa, chúng ta đọc kinh Cám ơn Sau khi Rước lễ. Lớn lên một chút, chúng ta biết cảm tạ, xin ơn theo sách đạo đức hướng dẫn. Rồi chúng ta biết tâm sự tỉ tê với Chúa đủ điều … Lớn hơn nữa, ta lên rước Chúa như người máy, về chỗ ngồi, ta tiếp tục để tâm trí bay vởn vơ như cánh bèo trôi dạt trên dòng đời không định hướng.

Sau khi khám phá ra Ngài, ta không tâm sự, không suy niệm, nhưng ta thường lắng lòng xuống, “nghe” sự sống của Chúa lan toả trong ta. “Cảm” sự sống của Chúa thấm nhập từng tế bào thân thể ta. Toàn thân ta đắm chìm trong Ngài, hoà tan trong Ngài đến nỗi ta không còn là ta nữa, mà chính là Chúa đang hiện diện và sống động trong ta. Ta sung sướng nếm hưởng bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.(Rm 14:17)

Trong ngày, thỉnh thoảng ta cũng dành vài phút chìm vào trong Ngài – chìm thực sự chứ không phải rước lễ thiêng liêng hình thức như ta đã từng làm, mà chắng cảm nhận được gì – Và đặc biệt là trước khi đi ngủ, ta thường ngồi hoặc nằm thư giãn để nghe và cảm nhận sự sống thần linh của Ngài lan tỏa khắp châu thân rồi từ từ đi vào giấc ngủ bình an.

2. Cầu nguyện bằng cuộc sống

Làm sao có thể cầu nguyện liên lỉ được? Quả thực là khó, nhất là khi chúng ta làm việc bằng trí óc thì con trí nào nữa để cầu nguyện? Ngày xưa, linh mục Matthew Phạm Hảo Kỳ – linh hướng chủng viện Thánh Giuse Saigon, nổi tiếng với phương pháp cầu nguyện liên lỉ với câu niệm: Cùng với Mẹ Maria và Thần Linh Đức Kitô, con làm việc này vì yêu mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Ở đâu, làm gì, cũng có thể niệm lời nguyện đó một cách chậm chậm. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, chúng ta chỉ thực hiện được một thời gian ngắn rồi dường như không thấy kết quả, thế là chúng ta từ từ bỏ quên luôn.

Mãi cho tới lúc quyết tâm lên đường tìm Chúa, ta bắt đầu áp dụng lại phương pháp cầu nguyện này nhưng với câu niệm khác: Chúa thấm nhập con, con thấm nhập Chúa. Quý vị có thể tìm cho mình một câu nào hợp với mình nhất. Thí dụ như: Chúa sống trong con, con sống trong Chúa; Chúa yêu con, con yêu Chúa…Và con cả trăm lời nguyện khác mà chúng ta có thể sáng chế ra sao cho phù hợp với tâm trạng của mình. Vài tháng đầu, nếu mỗi ngày ta dành ra nửa giờ tới một giờ càng về sau càng tăng lên. Sau một năm, câu tâm niệm thần thánh đó trở thành tiếng khánh vàng leng keng nhè nhẹ dịu dàng thường xuyên thức tỉnh tâm hồn mình với cảm nhận rõ ràng: Chúa đang hiện diện trong tâm hồn và cùng hoạt động với mình trong niềm vui an bình thư thái.

Tới giai đoạn này, người ta không còn phân biệt một cách rõ ràng dứt khoát giữa nhập thế và xuất thế, giữa làm việc và cầu nguyện. Bởi vì ngay lúc ta nhập thế tức là ta xuất thế, ngay lúc ta làm việc tức là ta cầu nguyện.

Đây là tâm tình Sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17:16).

Nói cách khác, cả đời ta là một lời cầu nguyện liên lỉ : dù ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc, kể cả việc vợ chồng yêu nhau trên giường (tất nhiên là cả 2 vợ chồng đều cùng đi chung một con đường, cùng một lối nhìn và cùng đồng cảm với nhau)… tất cả đều được thực hiện trong tâm tình kết hợp nên một với Chúa. Thánh Phaolô đã viết lại kinh nghiệm này trong Thesalonica 5:10 : Dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người.

Xin lưu ý:

Nói thì dễ như húp cháo, nhưng khi thực hành mới thấy chua hơn dấm,

đặc biệt trong năm đầu tiên. Nhưng càng về sau càng thấm..

Lời Chúa quả thực là Thần Khí và là Sự Sống. Cảm nhận Chúa hiện diện ngày càng rõ nét, ngày càng sống động hơn. Cho tới một lúc nào đó ta ngộ ra, ta gặp gỡ Ngài. Chính lúc đó ta mới thấm được tâm tình của Gioan:

Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. (1Ga 3:2)

Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. (Ga 14:21)

Tất nhiên cuối cùng, đỉnh cao nhất vẫn là cuộc sống hiệp nhất nên MỘT với Chúa…để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha

để họ cũng ở trong chúng ta. (Ga 17:21)

Tóm lại, tùy trình độ mỗi người, chúng ta cứ cầu nguyện theo cách nào mà ta cảm thấy thoải mái nhất..

Thỉnh thoảng, chúng ta cũng thử những lối cầu nguyện khác xem sao?

Biết đâu, nhờ đó mà tình giữa ta với Chúa ngày càng sâu sắc và thân mật hơn.

Khổng Nhuận

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment