- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Canh tân đời sống Thánh Hiến

Thư Mục vụ 2014 của HĐGMVN “TÂN PHÚC-ÂM-HÓA ĐỜI SỐNG CÁC GIÁO XỨ VÀ CÁC CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN” (số 7) đã viết: “Với anh chị em sống đời thánh hiến, xin chia sẻ niềm vui với anh chị em vì Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã quyết định chọn năm 2015 là “Năm của Đời sống thánh hiến”. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội thuận lợi để anh chị em đào sâu căn tính của mình, để sống “trải nghiệm không ngừng được đổi mới về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Ki-tô” (T/H Niềm Vui Tin Mừng “Evangelii Gaudium”, số 264). Chính trải nghiệm này thúc giục chúng ta ngày càng yêu mến Đức Ki-tô nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, nghĩa là dấn thân cho sứ vụ Phúc-âm-hóa cách mạnh mẽ hơn, trong sự hợp tác chặt chẽ với Giáo hội địa phương.”

Đó là lý do khiến HĐGMVN ấn định chủ đề mục vụ tháng 9/2015 là “Tân Phúc-Âm-hóa giáo xứ: canh tân đời sống thánh hiến – “Hãy đi bán những gì anh có… rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).” (xc Gợi ý Mục vụ “Năm Tân Phúc-âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn). Xin cùng tìm hiểu:

I. Ai được thánh hiến?

Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến – Vita Consecrata” (số 31) cho biết: “Sứ mạng của các giáo dân, những người “có nhiệm vụ tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo kế hoạch Thiên Chúa”, đặt nền tảng trên sự thánh hiến do bí tích Rửa tội và Thêm sức, chung cho tất cả các thành phần của Dân Thiên Chúa. Ngoài sự thánh hiến căn bản ấy, các giáo sĩ được thánh hiến bằng bí tích Truyền chức Thánh để nối tiếp sứ vụ tông đồ qua dòng thời gian. Những người tận hiến cam kết sống các lời khuyên Phúc Âm, được thánh hiến một cách mới mẻ và đặc biệt; sự thánh hiến này, tuy không mang tính bí tích, nhưng ràng buộc khiến họ chấp nhận lối sống độc thân, khó nghèo, vâng phục đã được Đức Giê-su đích thân thể hiện và đề nghị cho các môn đệ. Cho dù cả ba bậc sống khác nhau đều biểu lộ mầu nhiệm duy nhất của Đức Ki-tô, nhưng các giáo dân thì có đặc tính riêng biệt tuy không độc hữu là sinh hoạt giữa trần thế; còn các mục tử thì mang trách nhiệm về tác vụ, còn những người tận hiến thì cố gắng nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục.”

Như vậy, tất cả mọi Ki-tô hữu đều là những người được thánh hiến nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức; sau đó sự thánh hiến được nâng tầm cao hơn tùy theo bí tích hoặc lời tuyên khấn do cá nhân hay cộng đoàn Ki-tô hữu tự chọn. Sắc lệnh về Canh tân Thích nghi Ðời sống Dòng Tu “Perfectæ Caritatis” (số 5-11) đã phân định ra nhiều hình thức thánh hiến: Đó là những “Hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm”, những “Hội dòng dấn thân làm việc tông đồ”, những “Tập thể trung thành với đời sống đan viện và cộng đồng”, những tập thê sống “Ðời sống tu trì giáo dân”, kể cả những “Tu hội triều”. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 920-930) cũng phân định nhiều thành phần thánh hiến: * Đời sống ẩn tu; * Các trinh nữ và góa phụ sống đời thánh hiến; * Các tổ chức sống đời sống tu sĩ; * Các Tu hội đời; * Các hiệp hội có đời sống tông đồ.

II. Vì sao cần canh tân đời sống thánh hiến?

Sống trong một thế giới luôn biến chuyển không ngừng (cả mặt tốt lẫn mặt xấu), Giáo hội Công Giáo gặp không ít những khó khăn thách đố, đòi hỏi phải canh cải theo trào lưu tiến bộ chung, vì thế yêu cầu đổi mới thật cần thiết. Cũng bởi đó là:

Một cuộc canh tân Hội Thánh không thể trì hoãn được: Tôi mơ ước một lựa chọn truyền giáo có sức biến đổi mọi sự, để những thói quen, những phong cách, thời gian, ngôn ngữ, và tất cả các cơ cấu Hội Thánh trở thành một kênh thích hợp cho việc truyền giáo cho thế giới ngày nay, hơn để tự bảo toàn. Việc cải tổ các cơ cấu, đòi hỏi bởi việc chuyển hướng mục vụ, chỉ có thể được hiểu theo nghĩa này: là thành phần của một cố gắng làm cho chúng có tính “quy truyền giáo” hơn, làm cho việc mục vụ bình thường trong mọi trường hợp được mở rộng và cởi mở hơn, tạo nên trong những người làm mục vụ một thái độ liên tục “đi ra”, và như thế thúc đẩy một đáp ứng tích cực từ tất cả những người mà Chúa Giê-su ban cho tình bằng hữu của Người. Như Ðức Gio-an Phao-lô II đã nói với các Giám Mục Châu Ðại Dương: “tất cả mọi canh tân trong Hội Thánh phải có truyền giáo như mục đích, để không rơi vào nguy cơ của một Hội Thánh quy về chính mình.” (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng “Evangelii Gaudium”, số 27).

Hội Thánh còn “không thể trì hoãn” việc canh tân, huống hồ là những người sống đời thánh hiến. Muốn canh tân, cần phải vượt qua những thách đố. Căn cứ vào Tông huấn “Evangelii Gaudium” (số 52-102), những thách đố thường gặp phải trong đời sống thánh hiến hiện nay, có thể kể:

1- Những khó khăn và thách đố đến từ hoàn cảnh của một xã hội với những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của thời mở cửa, với nhiều cám dỗ đầy mầu sắc, với nhiều khuynh hướng nghiêng chiều về những giá trị vật chất hơn là những giá trị tinh thần; đó là những khuynh hướng thực dụng, khuynh hướng tục hóa, dẫn đến lối sống chủ nghĩa duy cá nhân, duy vật chất, duy khoái lạc…

2- Tiến trình toàn cầu hoá kinh tế – nhất là sự khủng hoảng kinh tế tại những nước chậm phát triển – làm phương hại rất nhiều đến người nghèo. Hố ngăn cách giữa người giầu và nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Trong thực tế, không thiếu những cung cách hưởng thụ, tiêu xài xa xỉ hoang phí đối nghịch với tình cảnh thiếu thốn cơ cực của lớp người cùng khổ.

3- Thế giới cũng đang bùng phát phong trào di dân, lưu dân, do hoàn cảnh chính trị, kinh tế, người dân từ nông thôn đổ xô vào thành phố lớn, từ nước có chiến tranh hoặc nền kinh tế sa sút, khủng hoảng… tìm về  những quốc gia được coi như đất hứa.

4- Về văn hoá giáo dục: các dịch vụ internet nở rộ ngay cả nơi các vùng nông thôn, và qua đó phổ biến những hình thức văn hoá không lành mạnh. Việc giáo dục (như ở Việt Nam hoặc các nước chậm tiến) dường như chỉ tập trung đáp ứng nhu cầu chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, hơn là giáo dục toàn diện cả về nhân bản và tri thức, để xây dựng những con người chân chính, trưởng thành trong đạo đức, gia tăng lòng nhân ái. Thách đố này tác động không nhỏ tới nền văn hóa của nhân loại.

Những khó khăn và khủng hoảng nêu trên đã làm ảnh hưởng đến những người thánh hiến – nhất là giới trẻ – trong các tu dòng, hiệp hội khiến họ không muốn dấn thân trong ơn gọi tu trì. Quan trọng hơn là như đang làm cho những người tận hiến mất phương hướng, những người trẻ mất dần niềm hy vọng vào tương lai của Giáo hội. Nó cũng gây ảnh hưởng cả đến những người đang sống trong ơn gọi linh mục, tu sĩ… Như vậy thì “một cuộc canh tân đời sống thánh hiến cũng không thể trì hoãn được”:

III. Canh tân đời sống thánh hiến như thế nào?

ĐGH Phao-lô VI đã cho biết: “Các hội dòng đã được Thánh Công Ðồng có ý đề cập đến khi ấn định những tiêu chuẩn canh tân thích nghi này, hãy mau mắn đáp ứng ơn thiên triệu và phận vụ mình trong Giáo hội thời hiện tại. Thực vậy, Thánh Công Ðồng ngưỡng mộ cuộc đời trinh khiết, khó nghèo và vâng lời của họ, đó là cách sống mà chính Chúa Ki-tô đã nêu gương; Thánh Công Ðồng vững lòng kỳ vọng nơi những công cuộc rất hữu hiệu của họ, dù âm thầm hay công khai. Vậy, hết thảy các tu sĩ hãy nhờ đức tin trọn hảo, đức mến Chúa yêu người, lòng mến thánh giá và niềm cậy trông vinh quang đời sau mà truyền bá Phúc Âm Chúa Ki-tô trên toàn thế giới, để mọi người thấy dấu chứng của họ và ngợi khen Cha chúng ta trên trời (Mt 5, 16). Như thế, nhờ lời cầu bầu của Ðức Trinh Nữ Maria rất dịu hiền, Mẹ Thiên Chúa, “mà cuộc đời của Mẹ là khuôn mẫu cho mọi người”, các hội dòng mỗi ngày một bành trướng và trổ sinh những hoa trái cứu rỗi dồi dào hơn.” (SL “Perfectæ Caritatis – Đức Mến Trọn Lành”, số 25),

Cũng trong SL “Perfectæ Caritatis” (số 17-24), ĐGH đã nêu rõ 3 điểm trọng yếu cho việc canh tân:

1- Các phần tử các Dòng tận hiến nên chú ý đến trọng tâm (điều cốt yếu) của việc canh tân đời sống thánh hiến: Phải nhớ rằng: nhờ sự khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm (Khiết tịnh – Khó nghèo – Vâng phục) mà mình đã đáp lại tiếng Chúa gọi, để chẳng những đã chết cho tội (Rm 6, 11) mà còn từ bỏ cả thế gian nữa, nên chỉ còn sống cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Quả thực, họ đã tận hiến đời sống để phụng sự Chúa, và việc tận hiến ấy rõ ràng là một việc hiến tế đã làm khi chịu phép Thánh Tẩy, và biểu chứng việc hiến tế ấy cách rõ rệt đầy đủ hơn.

2- Việc Phụng sự Chúa như thế vừa đòi buộc, vừa giúp họ thi hành các nhân đức, nhất là đức Khiêm nhường và đức Vâng lời, đức Can đảm và đức Trong sạch, là những nhân đức làm cho họ được tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Ki-tô (Pl 2, 7-8) và đồng thời được sống với Người trong Chúa Thánh Thần (Rm 8, 1-13). Tiên vàn, những người khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm hãy lo tìm và yêu mến Chúa trước đã, vì Chúa đã thương yêu chúng ta trước (1Ga 4, 10) và bất cứ trong hoàn cảnh nào, họ phải tâm niệm sống với Chúa Ki-tô trong Thiên Chúa (Cl 3, 3). Nhờ đó mới phát sinh tình yêu đồng loại thúc bách họ lo cứu rỗi thế gian và xây dựng Giáo hội. Cũng chính nhờ ở Đức ái ấy mà việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm được sống động hơn.

3- Phải lấy việc chiêm niệm kết hợp lòng trí với Chúa mà phối hiệp với lòng yêu mến việc Tông đồ, để gắng hòa mình vào công cuộc Cứu thế và mở rộng Nước Chúa. Phải chuyên chăm luyện cho có tinh thần cầu nguyện và biết cầu nguyện thật, chuyên chăm suy niệm Lời Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, dự các lễ nghi Phụng vụ, nhất là Bí tích Thánh Thể (lễ Mi-sa) để miệng đọc lòng suy (“khẩu tụng tâm suy”), mà cầu nguyện theo tinh thần Giáo hội và nhờ ở nguồn sống vô tận đó, mà nuôi dưỡng được đời sống thiêng liêng. Có vậy mới thực sự là canh tân thích nghi đời sống thánh hiến.

Cũng trong chiều hướng “canh tân sâu xa đời sống thánh hiến”, tại buổi tiếp kiến (ngày 26/11/2010) dành cho các Bề Trên Tổng Quyền tham dự Tổng Hội Nghị Liên Hiệp các Bề Trên Tổng Quyền, ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI đã nhấn mạnh 3 yếu tố quan trong:

a- Trước hết là ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa và “cách cụ thể hơn, của Tin Mừng”. Việc canh tân sâu xa đời sống thánh hiến khởi đi từ trọng tâm Lời Chúa, đặc biệt từ Tin Mừng, là quy luật tối thượng của anh em… Tin Mừng được sống thường ngày là yếu tố mang lại sự cuốn hút của nó cho đời sống thánh hiến và giới thiệu anh em cho thế giới như là một thế chọn lựa đáng tin cậy… Đó là nhu cầu của xã hội, cũng là những gì mà Giáo hội mong đợi từ anh em: trở nên một chứng nhân Tin Mừng sống động.

b- Khía cạnh thứ hai để canh tân là tình hiệp thông huynh đệ. Tình huynh đệ là một trong những khía cạnh mà các bạn trẻ đa số tìm kiếm khi họ đến gần với đời sống của anh em; đó là một yếu tố ngôn sứ quan trọng mà anh em đề tặng trong một xã hội rất cá nhân chủ nghĩaTôi biết những nỗ lực mà anh em đang thực hiện trong lãnh vực này, như tôi cũng biết các khó khăn mà cuộc sống cộng đoàn chứa đựng; nên rất cần khơi lên tầm quan trọng của một “sự phân định nghiêm chỉnh và liên lỉ để lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với các cộng đoàn, để nhận ra những gì đến từ Chúa và những gì trái ngược với Ngài”. Thật vậy, “không có sự phân định được đi kèm với việc cầu nguyện và suy nghĩ, đời sống thánh hiến có nguy cơ bằng lòng với những tiêu chí của thế giới này: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa duy vật.”

c- Yếu tố thứ ba giúp canh tân đời sống thánh hiến là “sứ vụ”. Sứ vụ thuộc về  căn tính và thúc đẩy cộng đoàn tu trì mang Tin Mừng cho hết mọi người. Được nâng đỡ bằng một kinh nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa và bởi một sự huấn luyện chắc chắn đời sống chung, sứ vụ là chìa khóa để hiểu và làm hồi sinh đời sống thánh hiến. Vậy, anh em hãy ra đi và trong sự trung tín sáng tạo, hãy biến thách đố của việc tân Phúc-Âm-hóa thành của anh em. Hãy canh tân sự hiện diện của anh em nơi đâu ngày nay có thể loan báo Thiên Chúa vô hình, như thánh Phao-lô đã làm ở Athènes.

Cuối cùng, ĐTC nhấn mạnh: “Những khó khăn không được làm chúng ta quên rằng đời sống thánh hiến có nguồn gốc của mình nơi Chúa: nó được Ngài muốn cho việc xây dựng và sự thánh thiện của Giáo hội của Ngài, và vì thế, chính Giáo hội sẽ không bao giờ bị lấy đi. Sự cần thiết và cấp bách đặt ra vấn đề canh tân sâu xa đời sống thánh hiến” cũng là vì thế.” (nguồn: xuanbichvietnam.net).

Rõ ràng, để canh tân đời sống thánh hiến, những người sống đời thánh hiến cần: “Liên tục đào sâu căn tính của minh: Căn tính của đời sống thánh hiến bao gồm hai chiều kích “thánh hiến” và “sứ mệnh” được gắn chặt với nhau, bổ túc cho nhau. Sự thánh hiến bao hàm sứ mệnh, vì việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô cũng có nghĩa là tham gia vào sứ mệnh của Ngài. Và sứ mệnh lại dẫn đến thánh hiến, vì việc truyền giáo của đời sống thánh hiến thiết yếu ở chứng tá của chính sự tận hiến.” (T/H Vita Consecrata”, số 76); “Chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến là sự thánh thiện.” (T/H “Vita Consecrata”, số 32-35).

Canh tân phải là kiên trì sống “trải nghiệm không ngừng được đổi mới về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Ki-tô” (T/H “Evangelii Gaudium”, số 264). Việc “trải nghiệm tình bạn và sứ điệp của Đức Ki-tô” không gì khác hơn là tính hiệp thông của Hội Thánh trong mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi, sẽ đưa đến kết quả là thúc giục người thánh hiến ngày càng yêu mến Đức Ki-tô nhiều hơn, và thúc giục chia sẻ tình yêu ấy cho tha nhân (“mến Chúa yêu người”). Nói cách cụ thể thì đó là:

* Triệt để dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng ngày một hăng say tích cực hơn;

* Hợp tác chặt chẽ với Giáo hội địa phương, với cộng đồng thừa sai Giáo xứ ngày một sâu sắc hơn.

 

JM. Lam Thy ĐVD.

 

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]