Ba Được Làm Từ Gì?

“ Búp bê xinh được làm từ nhựa và quần áo.

Máy chơi trò chơi điện tử được làm từ nhựa và điện.

Kẹo ngon được làm từ đường và mùi thơm.

Còn Ba vĩ đại cuả mình được làm từ gì vậy kìa?

Và đây là câu trả lời của Thượng Đế- Người làm ra Ba.

Dáng vóc của Ba được làm từ sự hiên ngang, hùng vĩ của dãy núi lớn.

Đôi tay nồng ấm của Ba được làm từ cái ấm áp của mặt trời mùa hè.

Tính cách của Ba được làm từ sự bình yên của biển cả, sự rộng rãi bao dung của thiên nhiên.

Trí thông minh của Ba được đúc kết từ sự khôn ngoan của nhiều thế hệ.

Kho tàng những truyện vui hóm hỉnh trong đầu Ba được làm từ những niềm vui của một buổi sáng mùa xuân.

Máu trong tim Ba là nước Sông Ngân nên lúc nào cũng sục sôi, rào rạc.

Còn một tí nước sông làm nên nước mắt của Ba, vì vậy khi Ba khóc, nước mắt mới chảy ngược vào tim.

Tất cả những vật liệu ấy làm ra một tác phẩm tuyệt vời, hoàn hảo. Tác phẩm ấy có tên là: BA VĨ ĐẠI CỦA MÌNH.”

Có thể nói, trong kho tàng văn chương của nhân loại hay trong những tác phẩm văn học, hình ảnh của người đàn ông, người cha dường như mờ nhạt hơn hình ảnh của người phụ nữ, của người mẹ. Nếu như trong năm,ngoài ngày Quốc Tế phụ nữ (8/3) dành để tôn vinh phụ nữ thế giới, thì ở mỗi quốc gia đều có ngày dành riêng để tôn vinh người phụ nữ của nước mình. Chẳng hạn tại Việt Nam thì có ngày Phụ Nữ Việt Nam (20/10), ở Trung Phi có ngày bà mẹ (29/5), ngày (1/8) thì lại là ngày Phụ Nữ Hy Lạp, ngày Người Mẹ Thái Lan thì được mừng vào ngày (12/8), và sau này có một ngày đang được cả thế giới hưởng ứng rầm rộ đó là Ngày của Mẹ được mừng vào Chúa Nhật thứ 2 của tháng 5…Còn ngày dành riêng để tôn vinh những người Cha thì sao? Nếu bạn vào Google và tìm “Những ngày lễ dành cho Cha” thì chỉ tìm thấy một ngày duy nhất đó là Ngày của Cha. Ngày của Cha (Father’s Day) được mừng vào Chúa nhật thứ ba của tháng 6 do cô Sonora Smart Dodd tổ chức lần đầu tiên tại Washington vào ngày 19/6/1910 và được mừng rộng rãi ở Mỹ bắt đầu từ năm 1972. Đây là ngày dành để tôn vinh sự hy sinh, vị tha, bao dung của những người Cha. Tuy nhiên ở Việt Nam, ngày lễ này vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Nếu như dịu dàng, mềm dẻo, đảm đang và sống bằng con tim được coi là đặc tính của người phụ nữ,thì mạnh mẽ, cương trực, bao dung, trầm lặng và sống bằng lý trí lại là tính chất của người nam. Chính vì vậy mà trong gia đình, con cái dễ gần gũi tâm sự với mẹ hơn cha. Tuy nhiên, vai trò của người cha trong gia đình là không thể thiếu.

Ca dao Việt Nam thường ví von:

Con có Cha như nhà có nóc

Con không Cha như nòng nọc đứt đuôi.

Còn Cha gót đỏ như son,

Đến khi Cha mất gót mẹ gót con đen sì

“ Con giống Cha là nhà có phúc.

Con không Cha như nhà không nóc”, để cho thấy tầm quan trọng của người Cha trong gia đình. Thật vậy, người đàn ông trong gia đình thường được ví như thuyền trưởng của con thuyền. Thuyền có vững vàng lướt trên sóng to, gió lớn để cập bến bình an hay không là nhờ ở sự lèo lái, chèo chống khéo léo của thuyền trưởng. Về mặt tâm lý, vai trò người cha cũng ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách của những đứa con.

Khi nói về công ơn của mẹ, người ta dùng những hình ảnh rất dịu dàng, dung dị như “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, như cánh đồng, hay ngọt ngào như khúc dân ca…” Còn với Cha, tưởng chừng như là rất khó để tìm những hình ảnh so sánh cụ thể và chính xác. Ấy vậy mà, trong ca khúc Bông Hồng Dâng Cha, tác giả Chúc Linh đã khắc họa hình ảnh một người Cha tuyệt vời, một cột trụ trong gia đình rất hoàn hảo, có thể nói: cha là như vậy nhưng không phải là vậy : “ lòng cha sâu lắng âm thầm/ tình cha núi cao nào hơn. Hùng vĩ che chắn cho con trước cơn bão tố…” Và tiếp theo là một loạt hình ảnh được ví von: “Cha là đuốc sáng, là thác rộng, là kim cương trong lửa rực muôn màu. Cha là đất nước, là tiếng sáo, là giọng hò cho con nụ cười. Cha là nghiêm khắc nhưng lại thiết tha mong con bằng người. Cha là bóng mát để che chở con suốt cả cuộc đời.” Và tiếp theo, tác giả lại dùng một loạt hình ảnh rất lãng mạn, dễ thương để phác họa hình ảnh của Cha: “ Cha là trái tim cho con nhịp thở, là ánh sáng, là bầu trời, là sông biếc, là cánh gió nâng con đến tận trời cao”. Và cuối cùng, tác giả đã kết luận rất ngắn gọn nhưng bộc lộ trọn vẹn đặc tính vốn “là” của người cha: “ Cha là mãi mãi, là vô cùng, là cho đi không đòi lại bao giờ…”. Vâng! Cha là thế, là mãi mãi hy sinh, là mãi mãi bảo vệ và chăm sóc cho đàn con mà không cần được đền đáp. Cho dù ta có dùng bao nhiêu hình ảnh để so sánh, có dùng bao nhiêu lời nói để ca tụng, thì mãi mãi vẫn không thể nói cho hết, kể cho cùng công ơn trời bể của Cha. Muốn hiểu cho tường tận về tình cha chỉ có thể dùng trái tim để cảm nhận mà thôi.

– Cám ơn cuộc đời đã cho con có Cha để yêu thương, nuôi nấng, chở che.

– Cám ơn vì những nhọc nhằn, vất vả của Cha để con được ấm no, sung sướng.

– Cám ơn vì những lời dạy dỗ nghiêm khắc của Cha để con được trưởng thành.

– Cám ơn vì những hy vọng và lòng tin Cha đã đặt nơi con để con tự tin, ung dung bước vào đời…

Cha ơi, có những lời cám ơn tưởng chừng như đơn giản, vậy mà đến hôm nay con mới dám nói ra.

Sr. Ter. Trúc Băng

Nguồn : gpcantho.com

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment