Ăn Chay trong tính chất tâm linh

          Hầu hết các tôn giáo đều chủ trương việc ăn chay. Tuy nhiên về cách thức thực hiện  thì rất khác biệt.Người Hồi giáo có tháng chay Ramadan, trong tháng này tín đồ không được ăn uống tắm rửa hút thuốc lá hay sinh hoạt tình dục từ lúc mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn. Trong đạo Phật thì tuỳ theo mỗi tông phái, có phái thì cho ăn thịt như PG Tây Tạng hoặc Nam tông. Ngược lại Bắc tông thì cấm. Lại nữa có phái thì ăn trường trai không ăn cả thịt lẫn cá. Có phái thì thì quy định chỉ ăn chay sáu ngày trong một tháng v.v…Riêng với đạo Công giáo chúng ta thì giáo luật quy định = Những ai từ 18 tuổi cho tới 60 tuổi phải ăn chay kiêng thịt trong hai ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Đặc biệt năm nay vì ngày Thứ Tư Lễ Tro ( 10/2/2016) lại …rớt vào ngày mùng ba Tết âm lịch thế nên đã…rộng phép được dời lại  sau đó hơn một tuần tức thứ sáu ( 19/2/2016)

Nếu việc ăn chay mà giới hạn trong khuôn khổ thời  gian  như thế  thì đó thuần tuý chỉ là một thứ hình thức vụ luật  hoàn toàn không mang một tính chất tâm linh nào cả.  Đang khi đó mục đích việc ăn chay là để cho ta có thể trở về với Đấng Chúa ở nơi mình “ Bấy giờ Chúa phán = Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh nước mắt và than van. Hãy xé lòng chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân hậu từ bi nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ” ( Ge 2, 12 -13).

Lời mời gọi trở về luôn vang vọng trong suốt cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa và lời mời ấy đã được khởi sự ngay từ  tổ phụ Apraham “ Đức Chúa Giêhova phán cùng Apram rằng = Ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con  và nhà cha ngươi mà đi đến Xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ trở thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2).

Điều kiện đưa ra ở đây là Đức Chúa Giêhova sẽ chỉ ( chỉ đường dẫn lối) cho Xứ phải đến sau khi đã từ bỏ quê hương bản quán cha mẹ họ hàng thân thuộc. Tin vào lời hứa, tổ phụ đã từ bỏ tất cả để ra đi đến một Xứ mà thực tình ông cũng chưa biết nó ở đâu, rộng hẹp thế nào “ Bởi đức tin Apraham khi được gọi bèn vâng lời ra  đi  đến chỗ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. Người ra đi mà không biết mình đi đâu. Bởi đức tin người kiều ngụ trong Xứ  đã hứa mà như trong xứ lạ, ở trong trại với Isaac và Giacop là kẻ đồng thừa  thọ cùng một lời hứa với mình. Vì người trông đợi một thành có nền tảng mà Đấng kiến trúc và tạo thành ấy là ĐCT” ( Dt 11, 8 -10).

Lý do khiến tổ phụ ở trong Xứ đã hứa mà như trong xứ lạ bởi vì Xứ đã hứa ấy không phải là đất Canaan nơi miền Trung Đông đầy dẫy sự tranh chấp thù hận xưa cũng thế mà nay cũng vậy. Xứ đã hứa không phải là đất Canaan mà cũng chẳng phải  bất cứ một lãnh thổ nào trên cõi thế gian hư phù sanh diệt này. Tuy sống ở cõi thế gian nhưng tâm trí tổ phụ lại luôn trông đợi một thành ( Xứ) bền vững mà Đấng kiến tạo nên nó là chính Thiên Chúa Đấng bất sinh bất diệt. Xứ được hứa ấy trong thời Cựu Ước Dân Chúa cứ đinh ninh đó là đất Canaan nhưng thật ra đó chỉ  là báo biểu của Nước Trời mầu nhiệm nội tại mà Đức Ki Tô rao giảng “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được = Đây này hay đó kia vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21).

Bởi vì Xứ đã được chỉ cho trong Cựu Ước ấy cũng chính là Nước Trời nội tại thế nên tiên tri Gioen mới thay lời Thiên Chúa nói “ Hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi” Ăn chay bằng cách ngồi trên đống tro và xé rách áo mình đó chỉ là một thứ hình thức bề ngoài chẳng có ích lợi chi cho việc trở về. Đối với Đức Ki Tô, ăn chay là để trở về, nếu không đó chỉ là sự giả hình  “ Khi các ngươi ăn chay chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình vì họ nhăn mặt để tỏ vẻ ăn chay với người ta. Quả thật Ta nói cùng các các ngươi họ đã được phần thưởng của họ rồi. Còn ngươi khi ăn chay hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt hầu không tỏ vẻ ăn chay với người ta nhưng chỉ tỏ cho Cha ngươi là Đấng  ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 16 -17).

Theo Đức Ki Tô thì việc ăn chay nếu chỉ  có những hình thức bề ngoài mà khôbng nhắm đến mục đích trở về với Đấng Cha ở nơi mình thì vô ích. Chúa nói như thế không phải để bác bỏ việc ăn chay nhưng là để đem lại cho nó một ý nghĩa mới là sự từ bỏ “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình hàng ngày vác thập giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu được. Vì chưng lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Lc 9, 23 -25).

Cái khó của sự từ bỏ không phải là bỏ đi của cải danh vọng chức quyền nhưng là bỏ đi  “ Cái Tôi” tức bỏ mình đi. Của cải danh vọng chức quyền là những cai dù không muốn cũng có lúc phải bỏ đó là khi phải đối diện với cái chết. Trái lại “ Cái Tôi” tuy vô hình  dù cho đến chết vẫn không thể  bỏ. Chẳng những “ Cái Tôi” đến chết vẫn không thể bỏ mà nó còn theo đuổi ám hại con người hết kiếp này sang kiếp khác. Chính vì tác hại của “ Cái Tôi” ghê gớm như thế nên Đức Ki Tô mới dạy cần  dũ bỏ nó đi. Việc bỏ “ Cái Tôi” là khó, rất khó  do đó chúng ta cần phải dốc lòng theo Đức Ki Tô. Lịch sử Giáo Hội cho thấy đã có không ít tấm gương  bỏ mình theo Chúa và một trong số đó là Thánh An Tôn ẩn tu ( 251 – 356 ).

Trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật, sáu tháng sau khi cha mẹ đã lần lượt qua đời. An Tôn khi nghe đoạn Tin Mừng nói về cuộc đối đáp giữa anh thanh niên giàu có với Đức Ki Tô ( Mt 19, 16 -21) chàng đã đi đến một quyết định  quan trọng = Bán hết gia sản mà cha mẹ đã để lại và tức thì trở nên nghèo khó. Tuy nhiên sự nghèo khó ấy  vẫn chưa đủ để theo Chúa bởi đó trong Thánh Lễ Chúa Nhật kế tiếp  chàng  khó nghèo ấy lại được nghe tiếng Chúa thôi thúc “ Anh em đừng lo lắng chi về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó” ( Mt 6, 34).

Lo lắng cho ngày mai tức là lo cho một cái gì đó chưa xảy đến. Chưa đói nhưng vẫn lo đói, chưa chết nhưng vẫn lo chết, chưa chiến tranh nhưng vẫn lo chiến tranh.v.v…Suy cho thật thấu đáo thì tất cả những nỗi lo lắng ấy đều diễn ra ở nơi tư tưởng. Nếu những nỗi lo diễn ra ở nơi tư tưởng đã làm khổ mình thì muốn dứt khổ thì đương nhiên cũng phải  từ trong tư tưởng mà dứt. Có nhận ra như thế mới hiểu được ý nghĩa  sâu xa của việc ăn chay = Phải xé lòng chứ không xé áo các ngươi”. Ăn chay mà xé lòng có nghĩa phải  quyết chí từ bỏ những tư tưởng tham lam ganh ghét đố kỵ  dâm ô trộm cắp v.v…ngay từ khi nó vừa phát khởi. Ăn chay mà vẫn giữ trong lòng những tư tưởng  xấu xa độc ác đó thì không thể đẹp lòng Chúa.

Con người sống không ai lại không lo lắng. Người nghèo lo mà người giàu cũng lo. Người trẻ lo mà người già cũng lo. Người đời lo người tu trì cũng lo…Lý do của muôn vàn nỗi lo ấy  chung quy cũng chỉ vì ai ai cũng chấp  cho xác thân này là mình. Nhà đại minh triết Đông phương Lão Tử  nói “ Ngô sở dĩ đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân ngô hữu hà hoạn” ( Ta sở dĩ có lo lớn là vì có thân. Nếu ta không có thân  thì làm gì có lo. ĐĐK chương 13).

Thân ở đây bao gồm cả Thân lẫn Tâm  để nên một “ Cái Tôi” ảo tưởng. Bởi đã chấp xác thân này là mình thế nên  muốn nó được  khoẻ  mạnh sống lâu

Nhà cao cửa rộng  tiền bạc đầy đủ.  Nếu được thì muốn  thêm mãi. Không  được thì giận dữ…Mặt khác cũng bởi chấp tâm tưởng này là mình nên kiêu căng ngạo mạn không muốn ai làm trái ý mình….

Tất cả những nỗi lo muôn hình vạn trạng ấy đều do hai cái chấp  đó mà ra gọi là  ngã chấp. Mùa chay là thời gian của Ơn Cứu Độ “ Đây là cơ hội thuận tiện, đây là giờ giải thoát” ( 2C 6, 2). Trong Mùa của Ơn Cứu Độ này Giáo Hội đã đề ra rất nhiều hình thức hầu giúp cho tín hữu kín múc được Ơn Chúa hầu nhắc nhở chúng ta mau mau quay về. Trong Lễ Tro đầu  Mùa Chay  = Tro được rắc trên đầu nhắc nhở cho ta nhớ về thân phận tro bụi rồi sẽ trở về tro bụi, cuộc sống chóng qua nay còn mai mất. Ngắm chặng đường Thánh Giá để cho ta nhớ được công ơn vô cùng  lớn lao của Chúa Giê Su đã chịu nạn chịu chết cho phần rỗi loài người. Năng lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải để cho ta nhận ra Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Mùa Chay  rồi cũng sẽ qua đi chúng ta có nhận ra dịp thuận tiện  này không hay cũng chỉ như bao Mùa Chay khác trong đời qua đi cách vô ích  chẳng để lại dấu ấn nào trong tâm tưởng. Lời cầu của Dân Chúa  trong thời Cựu Ước  có nhắc nhở cho Giáo Hội, cho mỗi một người chúng ta điều gì chăng ? “ Lạy Chúa xin thương xót  Dân Chúa. Xin đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ họ lại dám nói rằng = Chúa của chúng ở đâu ?” ( Ge 2, 17).

 

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:

Related posts