- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời

Để chứng minh Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa người ta đưa ra một Tam Đoạn Luận thế này “ Vì Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu, vậy phải kết luận rằng Đức Maria cũng là Mẹ Thiên Chúa. Nếu Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là Thiên Chúa, vậy Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Không còn cách suy luận nào hợp lý hơn, dạng lý luận này được các nhà luận lý học đã chấp nhận từ trước thời điểm Chúa Giêsu giáng sinh” ( Nguồn Trầm Thiên Thu – Chuyển ngữ từ Catholic.Com ). Ai cũng biết một Tam Đoạn Luận luôn gồm ba phần = tiền đề, phản đề và tổng hợp đề. Với tiền đề Chúa Giêsu là Thiên Chúa còn phản đề Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu để rồi đưa đến kết luận Đức Maria đương nhiên phải là Mẹ Thiên Chúa. Kết luận ấy xem ra quá ư đơn giản. Thế nhưng trong  thực tế lịch sử thì đây là cả một tiến trình thần học đưa đến những cơn khủng hoảng  triền miên trong Giáo Hội suốt từ những thế kỷ đầu đến nay vẫn chưa kết thúc.. Nguyên nhân  khủng hoảng tất cả cũng không ngoài một thứ thần học gọi là Ki Tô Học.  Xuất phát điểm của Ki Tô Học là do đã có sự tách biệt Thánh Danh Giêsu với Đức Ki Tô. Giêsu chỉ là cái tên như bao tên khác chẳng hạn Giuse, Gioan, Phêrô v.v…Còn Ki Tô là tước hiệu ám chỉ Đấng được xức dầu.  Nói tới Giêsu là nói lên khía cạnh cụ thể và lịch sử của con người Giêsu thành Nazareth. Còn Ki Tô thuộc khía cạnh siêu lịch sử mang nơi mình sứ mạng có tính thiên sai.

Sở dĩ có sự tách biệt giữa danh Giêsu với tước hiệu Ki Tô là bởi ngay từ  những thế kỷ đầu đã có những tranh luận về vai trò của Chúa Giêsu, Ngài có phải là Đức Ki Tô hiểu như Ngôi Lời trong Ba Ngôi Thiên Chúa hay không. Với nhóm Ofites thuộc phái Ngộ Đạo ( Gnosticisme ) tuy công nhận Đức Mẹ thụ thai Đức Giêsu bởi quyền năng Thánh Thần nhưng vẫn coi Đức Giêsu chỉ như một con người. Dù có nhiều khác biệt, các nhóm này chủ trương ba điều chủ yếu giống nhau = Đức Giêsu chỉ là một con người. Sự kết hợp giữa ông Giêsu và Đức Ki Tô trong phép rửa ở sông Gióc Đan chỉ là tạm thời. Đức Ki Tô rời bỏ ông Giêsu trước cuộc khổ nạn. Ngược lại với phái Ngộ Đạo, phái Nhất Chủ Thuyết ( Monarchiabisme ) thì lại cho rằng Chúa Cha và Chúa Con chỉ là những danh xưng tương ứng với nhau. Trong cõi vĩnh hằng Thiên Chúa là Cha. Trong  công cuộc tạo dựng Ngài là Con. Trước mầu nhiệm Nhập Thể Ngài là Cha, sau Nhập Thể Ngài là Con. Tuyên xưng Đức Ki Tô là Thiên Chúa đó là tuyên xưng Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Những người theo thuyết Nhất Chủ công nhận thần tính của Đức Giêsu nhưng họ coi đó là bản tính cũng là Ngôi Vị duy nhất của Thiên Chúa.

Theo quan điểm của phái Ngộ Đạo thì Đức Mẹ chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu. Còn Ki Tô Ngôi Lời thì chỉ mượn tạm…cái xác của Giêsu để hành động.  Khi Chúa Giêsu chết thì Ngôi Lời liền rời bỏ. Còn với phái Nhất Chủ Thuyết thì lại đưa đến điều ngược lại =Chúa Cha chịu khổ nạn, chịu chết và tự mình sống lại. Đối với thuyết này thì đương nhiên phải coi Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nhưng lại là một thứ Thiên Chúa chịu khổ nạn.

Cuộc  tranh luận xoay quanh chủ điểm Đức Maria có phải là Mẹ Thiên Chúa hay chỉ là mẹ của một con người có tên là Giêsu càng trở nên gay gắt với sự xuất hiện của Nestorio ( 380 – 440 ) giám mục thành Constantinople ông này đưa ra câu hỏi… hóc búa “ Đức Maria là Théotokos nghĩa là sinh ra Thiên Chúa hay là Antropotokos nghĩa là sinh ra con người ? Thiên Chúa có một người mẹ sao ? Các người Hy Lạp vẫn gán cho thần linh những người mẹ, vậy họ  không có gì đáng trách sao ? Đức Maria không sinh ra “ thần tính” đâu ? Tạo vật không sinh ra Đấng không được tạo thành đâu ! Chúa Cha không sinh ra Ngôi Lời Thiên chúa bởi Đức Maria ( khiến Ngôi Lời chỉ hiện hữu từ lúc bấy giờ ) Tạo vật không sinh ra Tạo Hóa nhưng sinh ra con người là dụng cụ của thần tính” ( Đgm Phaolô Bùi Văn Đọc – Đức Ki Tô hôm qua, hôm nay và mãi mãi).

Sự tranh cãi thần học trong những thế kỷ đầu ấy không phải chỉ diễn ra bằng ngôn từ xuông nhưng đó là những cuộc chiến thực sự đưa đến li khai, bắt bớ. Ario rồi Nestorio v.v..đã bị bắt bị nhục hình và đi đày….Để giải quyết những lạc giáo đó Giáo Hội đã tổ chức những Công Đồng. Công Đồng NiXê ( 325 ) để chống lại phái Ario. Công Đồng Constantinop ( 381) để chống lại phái Apolinaire. CĐ Epheso ( 431) chống lại phe Nestorio v.v..Chính tại CĐ Epheso Gíao Hội đã công bố Tín Điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và được toàn thể giáo dân trong thành vừa rước kiệu vừa tung hô Mẹ Thiên Chúa “ Thánh  Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng tôi là kẻ có tội”.

Tín điều đã được  ban ra  thế nhưng không vì vậy Giáo Hội  có thể thoát  khủng hoảng, trái lại ngày càng trầm trọng.  Liên tiếp sau đó là các CĐ Chalcédoine ( 451) khẳng định sự phân biệt của hai bản tính. CĐ  Constantinop II ( 553) chống lại Nhất Tính Thuyết. CĐ Constantinople III khẳng định ý chí nhân loại nơi Đức Giêsu Ki Tô. CĐ Latran ( 649) khẳng định hai ý chí nơi Đức Ki Tô v.v…

Tất cả các Công Đồng được tổ chức về sau và cho tới hiện nay đều khẳng định về hai bản tính nơi Đức Giêsu Ki Tô = Bản Tính Thiên Chúa và bản tính con người cùng tồn tại. Tuy nhiên sự tồn tại ấy chỉ diễn ra nơi một con người là Đức Giêsu Ki Tô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Thiên Chúa…thật ở đây chỉ có thể là Đấng Tạo Hóa ? Còn người thật là như thế nào, thế nào là người …thật ? Tất cả vấn đề chỉ đưa đến sự lúng túng của thần học  một khi đồng hóa Thiên Chúa với Đấng thần linh Tạo Hóa ngoại tại bên ngoài con người. Với sự đồng hóa  ấy, thần học đã khiến Đức Ki Tô Đấng mạc khải Thiên Chúa Cha lại trở thành Đấng Tạo Hóa tự mạc khải chính mình. Thiên Chúa tự mạc khải đó chỉ là quan niệm của thần học và chính do nơi quan niệm này mà đã phá hỏng con đường của Đức Ki Tô là đường dẫn tới Chúa Cha “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6).

Đức Ki Tô khẳng định mình là con đường và đường này chỉ có thể là đường dẫn vào nội tâm nơi Đấng Cha ngự trị “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6) Phòng kín tức bản tâm mỗi người. Vào phòng kín đóng cửa lại có nghĩa phải quay cái tâm trở vào bên trong đừng cho nó phóng túng ( chia lòng chia trí ) ra bên ngoài nơi ngoại vật. Đấng…ở bên trong đó Đức Ki Tô có khi gọi là Đấng Cha, có khi gọi là Nước Trời. Tuy khác về danh nhưng thực tại vẫn chỉ là một. Thực tại ấy chúng ta chỉ có thể nhận biết  khi xoay cái tâm trở vào bên trong bằng cách mau mắn bỏ đi ý riêng mình. Mặc dầu vậy bỏ ý riêng là việc vô cùng khó khăn bởi lẽ đây chính là Tội Nguyên Tổ tức cây phân biệt mà  Thiên Chúa đã cấm “ Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Còn về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi  ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17).

Nguyên tổ nghe lời xúi giục của rắn Satan cố tình ăn trái cấm và rồi đã chết tức bị đuổi ra khỏi Địa Đàng. Tuy bị đuổi nhưng vẫn còn đó lời hứa cho trở lại với điều kiện là phải nỗ lực chiến đấu trong trận chiến của Người Nữ với quỷ dữ Satan “ Đức Chúa Giêhova phán với con rắn = Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ). Người Nữ ám chỉ cho Đức Maria, còn rắn biểu thị cho lý trí phân biệt. Cuộc chiến của Đức Maria với Satan đã diễn ra nơi các tâm hồn không ngơi nghỉ  dù chỉ trong một phút giây. Một đàng Đức Maria dũng mãnh như Người Nữ đạp giập đầu rắn. Một đàng lại như Mẹ Hiền luôn bảo bọc nhắc nhở giữ gìn con cái kẻo phải sa chước cám dỗ của ba thù = thế gian ma quỷ xác thịt luôn lôi kéo con người vào các nẻo tối tăm độc dữ.

Phải chăng chính vì cảm nhận được tấm lòng từ bi nhân hậu của Đức Mẹ nên giáo hữu thành Epheso năm xưa mới cùng nhau chúc tụng cùng cầu xin  Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng tôi là kẻ có tội ? Lời cầu xưa cũng như nay khi chúng ta lần chuỗi Mân Côi đó hoàn toàn không mang bóng dáng một chút gì là thần học. Với thần học thì Đức Maria không thể là Mẹ Thiên Chúa hiểu như Đấng Tạo Hóa hay Đức Chúa Trời. Trái lại với các giáo hữu lại được bởi thuần túy đó chỉ là một lời cầu khẩn. Con ngưiời trong những lúc nguy nan sầu khổ mà còn có nơi để quy hướng nương tựa thì hạnh phúc biết dường nào. Hơn nữa nơi nương tựa ấy lại là Mẹ của Đức Chúa Trời Đấng muôn trùng cao cả thì còn chi hơn nữa ? Mặt khác là Mẹ Thiên Chúa cũng có nghĩa là Mẹ của Thiên Tính. Đang khi đó mỗi một người trong chúng ta  đều được dựng nên là Hình Ảnh của Thiên Chúa ( St 1, 26 ) tức mang Thiên Tính ở nơi mình. Không ai là không mang Thiên Tính, duy chỉ có điều là có nhận biết hay không nhận biết nó mà thôi.  Đức Ki Tô mạc khải Đấng Cha cũng có nghĩa là Ngài chỉ cho chúng ta hết thảy đều mang Thiên Tính. Tuy nhiên dù Thiên Tính có đấy, luôn hiện hữu đấy nhưng nếu không nhận biết và trở về với nó thì cũng kể như không có. Đức Ki Tô  chẳng những luôn thúc giục con người trở về mà  còn ban Đức Mẹ cho chúng ta khi nói với Gioan lúc còn trên Thánh Giá hầu cho ta có thể thực hiện cuộc trở về chứa đầy cạm bẫy khó lường “ Này là Mẹ con” ( Ga 19, 27 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]