Lời tỏ tình tuyệt diệu

Không ít bạn trẻ hiện nay đặt vấn đề rằng họ không có nhiều thời gian để làm việc đạo đức, tại sao họ lại phải đọc hết kinh này đến kinh khác ; và nếu phải đọc kinh, thì tại sao không để họ đọc kinh cầu nguyện thẳng với Chúa, mà phải qua trung gian Đức Mẹ, bằng những kinh Kính Mừng dài và buồn chán. Thật ra thì thắc mắc này đã được giải đáp từ lâu đời rồi, tuy thế vẫn có một số đông người Công giáo chúng ta đang sống đạo với những thắc mắc ấy. Tôi thiết tưởng có lẽ vì những anh chị em ấy không không hiểu hết được giá trị của việc cầu nguyện, của kinh hạt ; nhất là họ đã không hiểu được vai trò quan trọng của Đức Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Để giải đáp phần nào những thắc mắc này, tôi xin đề cập đến 3 vấn đề : 1/ Đọc kinh và cầu nguyện khác nhau thế nào? 2/ Giá trị của Kinh Kính Mừng ? ; 3/ Tại sao phải cầu nguyện qua Đức Mẹ?

1/ Đọc kinh và cầu nguyện khác nhau thế nào ?

Trước khi nói đến sự khác biệt này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cầu nguyện là gì. Có nhiều định nghĩa về việc cầu nguyện, nhưng theo tôi có lẽ định nghĩa hay nhất là thế này : cầu nguyện là nâng hồn trí lên tới Chúa, là cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa – Đấng đã ban sự sống cho ta và tỏ bày tình yêu mãnh liệt của Ngài cho ta trong mỗi một biến cố của cuộc đời. Tình yêu của Ngài là tình yêu dâng hiến đến tận cùng và cũng là tình yêu ước mong được đáp trả. Hiểu như thế thì ai trong chúng ta cũng muốn cầu nguyện với Chúa, đáp trả tình yêu của Ngài cả.
Thế nhưng kinh nghiệm sống đạo cho thấy là việc nâng hồn trí lên tới Chúa, trò chuyện với Chúa chẳng dễ dàng tí nào. Chỉ có những ai có một đời sống nội tâm sâu xa, hoặc sống gần gủi với Chúa như các vị thánh, các bậc chân tu ; hoặc ít ra phải được hướng dẫn, luyện tập hẳn hoi thì mới biết cầu nguyện cho phải cách. Biết được những khó khăn đó trong việc cầu nguyện nên Mẹ Giáo Hội đã khuyến khích con cái mình tập thói quen cũng như sống tâm tình cầu nguyện bằng việc lặp đi lặp lại những kinh có sẵn trong lịch sử Giáo Hội. Những kinh này là những tâm tình cầu nguyện hoặc được rút ra từ Kinh Thánh hoặc do những vị thánh, do những người đã tiến xa trong đời sống siêu nhiên biên soạn. Tập diễn tả tâm tình của mình bằng những kinh có sẵn mà Giáo Hội đề nghị, chúng ta sẽ dần dần biết tự mình trò chuyện, tâm sự cùng Chúa. Tôi chợt nhớ hồi còn bé, để luyện môn Việt văn cho tôi, hồi đó là môn tập viết thư, bố tôi đã bắt tôi học thuộc lòng nhiều mẫu thư có sẵn trong các sách làm luận mẫu. Nhờ những bài luận mẫu nhớ như in trong trí mà về sau tôi viết thư cách dễ dàng và được điểm cao trong môn học này.
Nói tóm lại, đọc kinh cũng là một cách thức cầu nguyện. Và cách thức cầu nguyện đơn sơ, dễ thực hiện này, tuy thường được áp dụng trong bước đầu của đời sống kết hiệp với Chúa, nhưng nếu chúng ta biết đặt hết cả tâm hồn mình vào trong từng lời kinh, thì có giá trị không thua kém gì việc cầu nguyện đích thực. Lời kinh của ta cũng có thể được xem là lời tỏ tình đáp trả tình yêu vô bờ của Chúa.
Trong tất cả các kinh mà Mẹ Giáo Hội đề nghị với con cái mình, thì kinh Kính Mừng được đề cao và trân trọng hơn cả. Để biết được vì lý do của sự ưu ái này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem giá trị của kinh Kính Mừng.

2/ Giá trị của Kinh Kính Mừng ?

Khi nói đến những bức thư tình hay nhất thế giới, có người cho rằng những bức thư của hoàng đế Napoléon (1769-1821) gởi cho Joséphine de Beauharnais (một góa phụ đã có hai con) là hay nhất. Cũng có người cho rằng lời tỏ tình của G.K. Chesterton (1874-1936, một văn sĩ lỗi lạc của Anh, trở lại Công Giáo năm 1922) với Frances Blogg, người vợ tương lai của ông, là hay nhất. Chesterton viết thế này :” Có bốn cây đèn tạ ơn đang cháy trước mặt tôi. Thứ nhất đó là tôi đã được sinh ra trong cùng một thế giới với em. Thứ hai, tôi cố yêu tất cả mọi thứ trong vũ trụ này như là một sự chuẩn bị cho tình yêu em. Thứ ba, tôi không bao giờ theo đuổi một phụ nữ xa lạ nào. Em không thể hiểu được ý nghĩa của điều này đâu, vì nó chuẩn bị cho tình yêu thật sự của một người đàn ông. Thứ tư, sự hiện hữu của tôi được coi như kết thúc nơi đây, vì nó đã dẫn đưa tôi đến với em”. Thế nhưng, theo tôi, lời tỏ tình tuyệt diệu nhất, được sử dụng nhiều nhất, mang lại nhiều ơn ích thiết thực nhất, và nội dung được đúc kết bằng ý tưởng của toàn vũ trụ, các thiên thần và toàn nhân loại, đó là kinh Kính Mừng.

Kinh gồm 2 phần. Phần đầu của kinh gồm những lời chào của sứ thần khi đến truyền tin cho Đức Maria và những lời chúc tụng của bà Isave khi bà được Mẹ đến viếng thăm, được rút ta từ Tin Mừng Luca 1,28 và Lc 1,42. Không rõ nguồn gốc của kinh từ đâu, nhưng kinh đã được sử dụng trong kinh nguyện từ thế kỷ 11. Phần thứ hai là những lời nguyện xin của Giáo Hội, được thêm vào từ thế kỷ 12. Có thể nói kinh tổng hợp được ý tưởng của Thiên Chúa (Thiên Thần chuyển tải lời của Thiên Chúa) trong cả thời Cựu Ước lẫn Tân Uớc (Gioan Tiền hô là tiên tri cuối cùng của Cựu ước, bà Elizabeth là mẹ của Gioan Tiền hô) và của cả toàn nhân loại. Rõ ràng Kính Mừng là một lời cầu nguyện, lời đáp trả tình yêu đẹp nhất và cũng là thứ vũ khí bách chiến bách thắng của Giáo Hội Công Giáo.

Cầu nguyện là nâng hồn trí ta lên tới Chúa. Nói cách nôm na, khi cầu nguyện ta cố vươn lên tới Chúa như đang với cho được một vật đang treo lơ lửng trên cao. Và như thế dĩ nhiên bạn có nhiều cách để cầu nguyện, để vươn cho tới vật đó. Nếu bạn khỏe mạnh, lắm tự tin thì có thể chạy lấy trớn từ xa và phóng lên; hoặc có khi chỉ cần đứng tại chỗ, búng người lên v.v… Còn nếu bạn đã có tuổi, không còn mấy tin vào khả năng của mình nữa, hẳn sẽ đi tìm một cái thang để leo lên. Cuối cùng thế nào bạn cũng chạm đến được vật đó, dù có chậm đôi chút. Qua hình ảnh minh họa này tôi muốn nói rằng cái thang đó chính là Đức Trinh nữ Maria, là kinh Kính Mừng vô địch mà tôi gọi là “Lời tỏ tình tuyệt diệu”.

3/ Tại sao phải cầu nguyện qua Đức Mẹ?

Thời Cựu ước, trong bối cảnh tôn giáo của lề luật, để rèn luyện dân được tuyển chọn, Giavê Thiên Chúa thường thi hành một đường lối giáo dục cứng rắn. Có lắm khi Ngài tỏ ra mình là một vị Thiên Chúa cả giận, hay ghen và đòi hỏi dân Ngài không được thờ bất cứ ngẫu tượng hay thần minh nào của dân ngoại. Đường lối này đã dường như gặp không ít thất bại, vì dân được chọn lại là một dân cứng đầu, hay thay lòng đổi dạ. Thí dụ Ngài ban cho Salômôn đại đế, trí khôn ngoan minh mẫn, trước đó không ai sánh bằng, sau đó không ai bì kịp. Thế nhưng cuối đời, lúc về già, thật không ai có thể ngờ ông lại trở nên hư đốn cách thảm hại : theo đạo của các bà vợ, xây nhiều đền thờ cho các thần ngoại giáo. Thiên Chúa đã trừng phạt nặng nề bằng cách chỉ để lại cho con Salômôn một chi tộc mà thôi. Thế nhưng đến thời Tân Ước, Chúa Kitô nhập thể, qua cái chết khổ nhục của mình : đã biến tôn giáo của lề luật thành tôn giáo của yêu thương. Theo thiển ý của tôi, Ngài không can thiệp, xử phạt trực tiếp như xưa, mà lại trao tất cả quyền hành cho Mẹ Ngài. Phải chăng vì Mẹ Ngài vốn rất nhân từ ; hơn nữa cũng là tạo vật nên ngài dễ tiếp cận, đồng cảm và dẫn đưa nhân loại đến với Chúa dễ dàng hơn ?

Ngay lúc còn ở thế gian Đức Mẹ đã có uy quyền với Con mình rồi, chính trong tiệc cưới Cana, vì Đức Mẹ yêu cầu mà phép lạ đã xảy ra. Lúc đó Con Mẹ đã không hề từ chối Mẹ điều gìï, huống gì bây giờ trên thiên quốc : mọi ân sủng đều nằm trong tay Mẹ, Mẹ toàn quyền ban phát, dù cho nhiều khi chúng ta chưa xin. Thánh Bênađô, Tiến sĩ Hội Thánh dạy rằng :”Những lời tán tụng Đức Mẹ đều thuộc về Con Mẹ”. Ngài còn xác quyết “Trên thiên đàng Đức Mẹ được trao hết tất cả quyền hành”, và “Đức Mẹ chính là Đất Hứa cho mọi người”. Theo thánh Ambrôsiô, Tiến sĩ Hội Thánh thì Thiên Chúa được tôn vinh một cách đầy đủ, xứng đáng, khi chúng ta tôn vinh ĐưÙc Mẹ. Cũng hãy nghe Thánh Antôn Prađua, Tiến sĩ Hội Thánh nói về Đức Mẹ :” Mẹ là niềm vui sướng trong tâm hồn, làm cho miệng chúng ta đầy mật ngọt, làm cho tai chúng ta ngập tràn âm điệu ngọt ngào, du dương”. Nếu chúng ta cho rằng cứ cầu nguyện thẳng với Chúa, kết quả sẽ nhanh hơn, thì điều này không chắc đúng ; vì Đức Mẹ đã được trao hết quyền hành và nắm giữ kho ân sủng của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục viết rằng :”Có ai nghĩ rằng lòng sùng kính Đức Mẹ sẽ tách rời người đó với lòng sùng kính dành cho Chúa Kitô, và xuyên qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, để đến với Thiên Chúa Cha không ? Nguời đó có khi nào nói rằng lòng sùng kính Đức Mẹ là không cần thiết, trong khi thực chất lòng sùng kính này phản ánh kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Mẹ Ngài ?…Chúng ta tin chắc, không một chút nghi ngờ : lòng sùng kính Đức Mẹ là cốt lõi của sự nối tiếp với lòng tôn sùng Thiên Chúa, nó bảo đảm một cách chắc chắn cho niềm tin vào Ngài và Giáo Hội của Ngài; và nếu chúng ta không sùng kính Đức Mẹ đó sẽ là điều cơ cực và tổn thương”.

Về việc cho rằng thật nhàm chán khi cứ đọc lui, đọc tới kinh Kính Mừng dài, tôi xin nhắc lại một câu chuyện do Đức Cố Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen kể : “Có một cặp nam nữ kia, ở tuổi trung niên, một hôm nọ thình lình đến phòng của Đức Cha Sheen và nói với ngài :
-Thưa Đức Giám Mục, không bao giờ tụi con theo đạo Công Giáo !
-Tại sao vậy ? Đức Cha hỏi lại.
-Tại vì chỉ có một kinh cứ đọc lui, đọc tới hoài, lải nhải cả ngày, nghe chán lắm, đúng là không tôn trọng người nghe !

Đức Cha không nói gì cả, Ngài hỏi sang chuyện khác :
-Người đi chung với chị là ai đây ?
-Đây là hôn phu, chồng sắp cưới của con.
-Thế anh ta có yêu chị không ?
-Có chứ, anh ta yêu con nhiều lắm.
-Làm sao chị biết anh ta yêu chị ?
-Anh ta vẫn nói với con “Anh yêu em”.
-Ồ hay nhỉ, mà anh ta nói câu đó với chị lúc nào ?
-Anh ta vẫn nói thường xuyên, kể từ khi mới quen, và mới đây, tối hôm qua anh ta lại nói.
-Thế khi chị nghe như thế, chị có thấy chán không ? Cứ lải nhải hoài một câu, đúng là anh ta không tôn trọng chị tí nào !!!.

Nghe đến đó, hai anh chị vội vàng rút lui !”

Tôi tin chắc rằng sự mong muốn lớn nhất của Đức Mẹ là thấy chúng ta yêu mến Con Mẹ, bởi vậy sứ mạng duy nhất của Mẹ là lôi kéo và hướng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Mẹ muốn có trong tay tất cả tình yêu của chúng ta, để Mẹ đem đến cho Con Mẹ. Mẹ muốn chúng ta thuộc về Mẹ, để Mẹ biến đổi tất cả chúng ta thuộc về Chúa hoàn toàn. Bởi vậy càng yêu mến Đức Mẹ, chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn.

Những giây phút cuối cùng trên thập giá Chúa đã trối Gioan cho Đức Mẹ, và Đức Mẹ cho Gioan, nghĩa là chúng ta chính thức trở thành con cái Mẹ, cũng như con cái của Giáo Hội. Mẹ trở thành Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của chúng ta. Khi yêu, người ta thường sẵn lòng hy sinh, phục vụ, thỏa mãn nhu cầu của nhau, nhưng lại ít khi đòi hỏi ở nhau. Mẹ hết lòng yêu thương chúng ta và sẵn lòng làm mọi sự vì lợi ích thiêng liêng của chúng ta. Phần chúng ta là con cái Mẹ, nếu như do bản tính nhân loại yếu đuối, dễ thay đổi, không có nhiều khả năng hy sinh, phục vụ sứ mệnh của Mẹ, thì ít nhất cứ tỏ lòng yêu mến Mẹ bằng lời nói đã. Hãy cứ dùng lời tỏ tình tuyệt diệu mà ngỏ với Mẹ. Hãy cứ thường xuyên nói “Con Yêu Mẹ” bằng những kinh Kính Mừng cũng được. Chính vì ơn phước do lời tỏ tình này đem lại, mà chúng ta lần hồi sẽ nhận ra những điều Chúa muốn ta làm. Rồi Đức Mẹ sẽ thôi thúc, làm biến đổi từ suy nghĩ đến hành động nơi mỗi chúng ta, những người con cái Mẹ.

Thật đáng tiếc, nhiều người trong chúng ta đã không nhận ra Đức Mẹ là người Mẹ quyền thế đầy ân sủng. Mẹ là lá chắn kiên cố nhất bảo vệ cho con cái Mẹ trong ngày phán xét của Thiên Chúa. Mẹ là đấng gìn giữ con cái mình khỏi những ác thù, tấn công của ma quỷ vô hình. Trong giờ chết, Mẹ là người đến giúp con cái chống đỡ các cơn cám dỗ, Mẹ sẽ theo linh hồn, và bào chữa cho linh hồn đó trước tòa Thiên Chúa. Có thể nói rằng người Công giáo hôm nay, khôn ngoan hơn Salômôn thuở trước vì chúng ta may mắn có Mẹ Maria dẫn đường, bầu cử, dìu dắt, bảo bọc. Là những con cái tội lỗi, bất xứng, chúng ta chỉ cần chạy theo Mẹ, nắm lấy gấu áo Mẹ là sẽ “được tất cả”. Hãy bám chặt vào Mẹ, bằng cách thường xuyên ngỏ “Lời tỏ tình tuyệt diệu”. Chỉ có Mẹ là điểm tựa chắc chắn, bảo đảm nhất cho hạnh phúc bây giờ và mai hậu, vì Mẹ rất Thánh là điểm hẹn của chúng ta và Con Mẹ.

Phaolo Ngô Suốt

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment