- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Hận Thù Quyết Thắng của Con Rồng Cựu Xà và Người Nữ Sa Mạc

(Đề tài chia sẻ với Đạo Binh Đức Mẹ – Legio Mariae ở Cộng Đoàn Tam Biên Giáo Phận Orange,

trong Ngày Tĩnh Tâm Chúa Nhật 30/12/2012,

nhân dịp mừng Quan Thày Lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1/2013)

Bài Trích Sách Khải Huyền

(12:1-17 – Bản dịch của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn, CSsR).

1 Một dấu lạ vĩ đại hiện ra trên trời: một Bà có mặt trời bao quanh, chân trên mặt trăng, và đầu có triều thiên mười hai sao. 2 Bà đang thai nghén, và kêu la đau đớn, quằn quại sinh con. 3 Rồi một dấu lạ khác hiện ra trên trời: Kìa, con Rồng lớn màu hung lửa, có bảy đầu và mười sừng, và trên bảy đầu, bảy vương miện. 4 Và đuôi nó quét sạch một phần ba tinh tú trên trời mà xô chúng xuống đất. Và con Rồng đứng chực trước mặt Bà sắp sinh con, để Bà vừa sinh, là nó nuốt con Bà. 5 Và Bà đã sinh con, một con trai, Ðấng sẽ lấy trượng sắt chăn dắt các dân hết thảy. Và con Bà đã được cất bổng lên nơi Thiên Chúa, lên ngai của Người. 6 Và Bà đã trốn vào sa mạc; ở đó, đã có chỗ Thiên Chúa dọn sẵn cho Bà để được cung dưỡng 1260 ngày.

7 Và đã xảy ra đại chiến trên trời. Mikael và các Thiên thần của Ngài giao chiến với con Rồng; và con Rồng và các Thiên thần phe nó nghinh chiến. 8 Nhưng nó không có sức cự lại; chỗ của chúng không còn gặp thấy trên trời. 9 Và nó bị xô nhào xuống, con Rồng lớn, con rắn thái sơ, gọi là Quỉ, là Satan, kẻ mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó đã bị xô nhào xuống đất, và các Thiên thần phe nó cũng bị xô nhào xuống làm một với nó.

10 Và tôi đã nghe có tiếng lớn trên trời, rằng: “Nay đã thành sự toàn thắng, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa ta, và quyền bính của Ðức Kitô của Người, vì nó đã bị xô nhào xuống, kẻ cáo tội anh em ta, kẻ cáo tội họ ngày đêm trước nhan Thiên Chúa. 11 và họ đã thắng được nó, nhờ máu Chiên Con, và nhờ lời đoan chứng của họ, họ đã không ham sống sợ chết, 12 Vì lẽ ấy, hãy hân hoan, hỡi các tầng trời, và các người ở nơi ấy! Khốn cho đất và biển! vì quỉ đã xuống với các ngươi, mang theo một mối căm hờn vĩ đại, vì biết rằng nó chỉ còn ít buổi nữa thôi”.

13 Và khi con Rồng thấy mình đã bị xô nhào xuống đất, thì nó đuổi theo Bà đã sinh con trai. 14 Và đã ban cho Bà hai cánh đại bàng mà bay vào sa mạc, đến chỗ dọn cho Bà; ở đó Bà được cung dưỡng một thời, hai thời, và nửa thời, xa tầm con rắn. 15 Con rắn mới phung tự mỏ nó nước chảy như sông đằng sau Bà, cho Bà chết trôi sông. 16 Nhưng đất đáp cứu Bà: Ðất đã há miệng nó mà hớp cạn dòng sông mỏ Rồng phun ra. 17 Và con Rồng tức tối với Bà, thì đi tuyên chiến với các người khác thuộc dòng giống Bà, những kẻ nắm giữ lịnh truyền Thiên Chúa và có nơi mình chứng của Ðức Yêsu.

1- Hận Thù Quyết Thắng – Căn Nguyên

Đoạn Thánh Kinh này rất thích hợp với chung những hội đoàn mang danh Thánh Mẫu, nhất là hội đoàn Thánh Mẫu mang danh là Đạo Binh Đức Mẹ – Legio Mariae hay Phong Trào Đạo Binh Xanh cũng chính là Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới (sau 1985). Bởi vì, đoạn Thánh Kinh này mang một ý nghĩa Hận Thù Quyết Thắng giữa Satan và Mẹ Maria, và đã là Đạo Binh Đức Mẹ, Đạo Binh Thánh Mẫu, thì phải là một lực lượng hiệp sĩ cảm tử tinh nhuệ chiến đấu cho Mẹ và với Mẹ, và cuộc chiến đấu ấy phải trở thành một cuộc chiến thắng chứ không thể chiến bại, kẻo làm ô danh Vị Nữ Vương Toàn Thắng của mình.

Thế nhưng, làm thế nào để các quân binh thuộc những Đạo Binh Thánh Mẫu như Đạo Binh Đức Mẹ có thể chiến thắng, nếu không phải là họ cần phải sống như Mẹ và với Mẹ. Vậy Mẹ Maria đã sống thế nào để toàn thắng Satan và bọn ngụy thần trong cuộc Hận Thù Quyết Thắng này. Thế nhưng, cuộc Hận Thù Quyết Thắng này đã gây ra bởi căn nguyên nào (1), diễn tiến ra sao (2)? và đâu là chiến thuật của nó (3)?

Trước hết, nguyên nhân sâu xa của Cuộc Hận Thù Quyết Thắng gây ra bởi Con Khủng Long, như ở phần thứ nhất cho biết, đó là do Con Khủng Long này không chấp nhận dự án thần linh của Thiên Chúa và ngang nhiên tỏ ra chống đối dự án thần linh tối cao của Ngài, qua hình ảnh được Thánh ký Gioan diễn tả là “con Rồng đứng chực trước mặt Bà sắp sinh con, để Bà vừa sinh, là nó nuốt con Bà” (câu 4).

Thật vậy, đã là loài được dựng nên có tự do, cả loài người và thiên thần, trước khi được hiệp thông thần linh đời đời với Thiên Chúa và xứng đáng được hiệp thông thần linh đời đời với Ngài, đều phải trải qua một cuộc thử thách. Nếu loài người đã trải qua cuộc thử thách liên quan đến trái cấm thì loài thần thiêng cũng đã trải qua một cuộc thử thách liên quan đến dự án thần linh của Thiên Chúa.

Dự án thần linh của Thiên Chúa đã trở thành một cuộc thử thách cho chung loài thần thiêng đó là dự án nhập thể của Ngài, một dự án đối với đệ nhất thần thiêng như Luxiphe là một dự án không thể nào chấp nhận được. Vì nếu nhập thể thì Thiên Chúa sẽ trở thành loài người có một bản tính thua kém hắn, một việc làm theo hắn không thể nào xẩy ra và nếu xẩy ra như Thiên Chúa muốn thì không thể nào chấp nhận được, bởi hắn sẽ thua kém loài người nói chung và người nữ sinh con nói riêng.

Cuộc thử thách xẩy ra với loài thần thiêng này quả thực đã xẩy ra vào ngày tạo dựng thứ nhất trong 7 ngày tạo dựng, vì trong ngày tạo dựng đầu tiên này Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng, tức là các thiên thần, vì ánh sáng đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng này biểu hiệu cho bản tính thiêng liêng sáng láng của loài thần thiêng. Nhưng cũng trong ngày tạo dựng thứ nhất này, sau khi dựng nên loài thần thiêng, Thiên Chúa liền phân ánh sáng ra khỏi bóng tối (xem Khởi Nguyên 1:4), bằng cách thử thách loài thần thiêng qua việc tỏ dự án thần linh nhập thể của Ngài ra cho các vị biết.

Trước dự án thần linh này, các thần lành chấp nhận dự án thần linh nhập thể của Thiên Chúa vẫn sáng láng và được hiệp thông thần linh đời dời với Thiên Chúa, còn thành phần thần dữ không chấp nhận và chống đối dự án thần linh nhập thể của Thiên Chúa trở thành tối tăm, thành “ma quỉ” (Khải Huyền câu 9). 

2- Hận Thù Quyết Thắng – Diễn Tiến

Cuộc Hận Thù Quyết Thắng thật sự được diễn tiến qua 4 phần của Đoạn Thánh Kinh Khải Huyền này, thứ tự như sau: ở phần nhất trong bốn phần chúng ta thấy Con Rồng rình chực trước Người Nữ sắp sinh con để khi con trẻ được sinh ra thì nuốt bé đi (câu 4). Ở phần hai Con Rồng cùng bọn ngụy thần bị Tổng Thần Micae và lực lượng thần lành đánh bật xuống đất (câu 9). Ở phần ba Con Rồng sau khi bị hất nhào xuống, mất chỗ đứng của mình trên trời, thì trở thành đại họa cho đất và biển (câu 12). Ở phần bốn Con Rồng bắt đầu trực tiếp đối đầu với Người Nữ, nhưng không làm gì được Bà thì đi giao chiến với giòng dõi của Bà (câu 17).

Như thế, theo tiến trình được đoạn Thánh Kinh Khải Huyền này diễn tả, ở phần thứ nhất trong 4 phần, thì đối tượng chính yếu của cuộc Hận Thù Quyết Thắng của Con Rồng là chính Thiên Chúa, bằng việc hắn chỉ là một tạo vật dám ngang nhiên phủ nhận dự án thần linh tối cao của Thiên Chúa và muốn hủy hoại dự án thần linh này của Ngài, nhưng chẳng những bất khả mà còn bị loại trừ nữa.

Thật vậy, phần nhất của đoạn Thánh Kinh cho thấy dự án thần linh của Thiên Chúa bao gồm cả dự án nhập thể và dự án cứu thế: dự án nhập thể được diễn tả nơi hình ảnh người nữ đang mang thai, và dự án cứu thế nơi hình ảnh người nữ rên xiết đau đớn quằn quại sinh con. Sau nữa, phần nhất còn liên quan tới cả thành phần ngụy thần phản loạn và oán thù. Thành phần ngụy thần này phản loạn, tỏ ra hoàn toàn chống đối và bất tuân phục dự án nhập thể của Thiên Chúa, qua hình ảnh con Rồng đứng chực trước mặt người nữ sắp sinh con, để bà vừa sinh thì nó nuốt con của bà.

Thành phần ngụy thần này chẳng những phản loạn với dự án nhập thể còn oán thù với dự án cứu độ của Thiên Chúa nữa, như được diễn tả qua hình ảnh con rồng có mầu hung đỏ (ám chỉ khát máu hận thù), 7 đầu (ám chỉ 7 mối tội đầu) và 10 xừng (ám chỉ 10 thứ tội phạm đến 10 điều răn), và 7 đầu có 7 vương miện (ám chỉ quyền hành và vinh quang của hắn trong việc thống trị trần gian – xem Luca 4:6).

Đối tượng thứ hai của cuộc Hận Thù Quyết Thắng này của Con Khủng Long là thành phần thần lành do Tổng Thần Micae lãnh đạo, nhưng hắn không thể nào cự lại được đạo binh các thần lành.

Đúng thế, phần hai của đoạn Thánh Kinh cho thấy cuộc đối chọi giữa thành phần thần lành với thành phần thần dữ hay giữa phe trung thần với phe ngụy thần. Thành phần thần lành hay phe trung thần do Tổng Thần Minh-Kha lãnh đạo, hoàn toàn trung thành với Thiên Chúa, chấp nhận dự án nhập thể và cứu độ vô cùng khôn ngoan và toàn thiện của Thiên Chúa. Thành phần thần dữ hay phe ngụy thần do con Rồng điều khiển, nhóm thần đã bị cái đuôi gương mù của hắn lôi cuốn, như câu thứ 4 cho biết, với tổng số là 1/3 tinh tú ám chỉ các thần trời. Kết cục phe ngụy thần của con Rồng đã bị đánh bại, mất hẳn chỗ đứng của mình trên trời (câu 8) và cả tướng lẫn quân đều bị xô nhào xuống đất (câu 9). Để rồi, sau khi bị xô nhào xuống đất, con Rồng trở thành con cựu xà, tức con rắn thái sơ, thành ma quỉ, biệt danh là Satan, nghĩa là trở thành một tên cám dỗ tất cả thế gian (câu 9).

Đối tượng thứ ba của cuộc Hận Thù Quyết Thắng do Con Rồng gây ra là chung loài người, một loài có bản tính thấp hèn hơn nó nhưng lại được Thiên Chúa ưu đãi hơn hắn, qua việc Ngài mặc lấy bản tính của họ hơn của nó.

Quả thật là như thế, phần thứ ba của Đoạn Thánh Kinh chẳng những nói về niềm vui chiến thắng của trời cao cho những ai được cứu độ mà còn v nỗi khốn đốn của thế gian trước mối căm hờn của quỉ dữ tà thần. Niềm vui chiến thắng của trời cao cho những ai được cứu độ, như được diễn tả: “hãy hân hoan, hỡi các tầng trời, và các người ở nơi ấy!” (câu 12). Thành phần thuộc về trời cao hay được cứu độ này sở dĩ chiến thắng là nhờ được hiệp thông với cuộc chiến thắng của Con Chiên: “Họ đã thắng được nó, nhờ máu Chiên Con, và nhờ lời đoan chứng của họ, họ đã không ham sống sợ chết” (câu 11).

Nỗi khốn đốn của thế gian (qua hình ảnh “đất” ám chỉ nhân tính hay bản tính tự nhiên, và “biển” ám chỉ chính thế gian hay tình trạng hỗn loạn trong giòng lịch sử) trước mối căm hờn của quỉ dữ tà thần, cũng được xác nhận ở câu 12: “Khốn cho đất và biển! vì quỉ đã xuống với các ngươi, mang theo một mối căm hờn vĩ đại, vì biết rằng nó chỉ còn ít buổi nữa thôi (ám chỉ lịch sử trần gian)”.

Đối tượng thứ bốn của cuộc Hận Thù Quyết Thắng do Con Rồng quyết chiến đến cùng đó là cả Mẹ Maria lẫn Giáo Hội là giòng dõi của Mẹ.

Trước hết, đối với người nữ, con Rồng theo đuổi săn lùng bà (câu 13) và muốn cuốn trôi bà đi bằng giòng nước phun ra từ miệng con cựu xà (câu 15). Thế nhưng, nó vẫn không làm gì được bà vì, trước hết, bà được ban cho đôi cánh đại bàng để bay về nơi trú ngụ của bà trong sa mạc (câu 14), và sau nữa, đã có đất há miệng ra nuốt lấy giòng nước phun ra từ miệng con cựu xà (câu 16), ám chỉ nhân tính nói chung, qua hai nguyên tổ đã há miệng ra ăn trái cấm theo chước cám dỗ được ám chỉ qua hình ảnh giòng nước phun ra từ miệng của con cựu xà (xem Khởi Nguyên 3:1,4). Sau nữa, đối với giòng dõi của người nữ, ở chỗ, hắn tức giận trước sự thoát thân của người nữ, đâm ra giận cá chém thớt (câu 17).

3- Hận Thù Quyết Thắng – Chiến Lược

Trong đoạn Thánh Kinh được trích từ Đoạn 12 của Sách Khải Huyền đã rõ ràng bao gồm 4 phần này, chúng ta chẳng những thấy cuộc Hận Thù Quyết Thắng của Satan đối với Mẹ Maria cũng như đối với thành phần giòng dõi của Mẹ mà còn thấy được cách thức Mẹ Maria chiến thắng Satan nữa.

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Mẹ Maria là một “điềm lạ vĩ đại” (câu 1) hoàn toàn trổi vượt hơn Con Khủng Long chỉ là một điềm lạ tầm thường (câu 1) mà lại phải chạy trốn và ẩn lánh ở nơi của mình trong sa mạc trước cuộc tấn công khủng khiếp của Con Rồng?

Thật vậy, Mẹ Maria là điềm lạ và là điềm lạ vĩ đại là ở chỗ Mẹ mặc mặt trời, đạp mặt trăng và đội triều thiên 12 tinh tú, hoàn toàn ngược lại với điềm lạ khủng long mầu hung đỏ, có 7 đầu và 10 xừng, và trên 7 đầu có 7 vương miện.

Hình ảnh Mẹ mặc mặt trời đây ám chỉ Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ở chỗ Mẹ được diễn tả là đang thai nghén (câu 2).

Hình ảnh Mẹ đạp mặt trăng đây ám chỉ Mẹ là Mẹ Giáo Hội, ở chỗ Mẹ được diễn tả là quằn quại đau đớn sinh con (câu 2), khi hạ sinh Chúa Kitô cho một Giáo Hội là “ánh sáng muôn dân – lumen gentium”, phản ảnh Mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô, nhưng lại là một Giáo Hội mô phỏng theo vai trò trinh mẫu của Mẹ và như Mẹ, đúng như ý nghĩa sâu xa của lời Chúa Giêsu trên cây thập giá đã  trăn trối tông đồ Gioan cho Mẹ và Mẹ cho vị tông đồ này.

Hình ảnh Mẹ đội triều thiên 12 tinh tú ám chỉ Mẹ là Nữ Vương Thiên Thần, một nữ vương được bảo vệ trước lực lượng ngụy thần bởi một lực lượng 12 đạo quân các thần trời (xem Mathêu 26:53), dưới quyền lãnh đạo của tổng thần Minh-Kha (Michael), đã chiến thắng con rồng và đạo binh của hắn là “1/3 tinh tú” (câu 4) bị cái đuôi của nó lôi kéo xuống đất.

Tuy là một “điềm lạ vĩ đại trên trời” trong và theo dự án thần linh của Thiên Chúa, tự bản thân là loài người thấp hèn, một loài người lại mang một bản tính bị hư đi bởi nguyên tội, Mẹ Maria vẫn là loài thua kém Con Rồng về bản tính và quyền lực. Bởi thế, Mẹ Maria vẫn trở thành đối tượng Hận Thù Quyết Thắng của nó, và vì thế vẫn cần phải làm sao để có thể vô hiệu hóa quyền lực tác hại hết sức hiểm độc đầy chết chóc của nó, như Chúa Kitô, nơi nhân tính của mình, cũng đã bị nó tấn công và đã “đạp nát đầu nó” (Khởi Nguyên 3:15) bằng Thập Giá của Người!

Mẹ đã thoát được quyền lực hãm hại của Con Rồng bằng đôi cánh đại bang và ở tại chỗ của Mẹ trong sa mạc. Thật vậy, trong câu 14, Mẹ Maria, như thị kiến cho thấy là nhờ đôi cánh đại bàng được ban cho mình mà Mẹ đã có thể bay vào chỗ của mình ở trong sa mạc, ở đó Mẹ hoàn toàn thoát khỏi tầm ảnh hưởng tác hại và việc theo đuổi ám hại của con rắn, như câu 13 cho thấy thái độ hận thù của con rắn đối với Mẹ sau khi nó vốn là Rồng ở trên trời nhưng đã bị xô nhào xuống đất thành con cựu xà. Tuy nhiên, đôi cánh đại bàng đây nghĩa là gì và chỗ của Mẹ ở trong sa mạc đó là chỗ nào để con rắn không thể nào làm gì được Mẹ?

Đôi cánh đại bàng đây nghĩa là gì? Nếu giòng nước cám dỗ vô cùng hiểm độc đã khiến cho chung nhân tính của con người bị vướng mắc nguyên tội và giòng nước cám dỗ hiểm độc này của con cựu xà không thể phun tới người nữ, thì đôi cánh đại bàng được ban cho người nữ đây (câu 14), trước khi con cựu xà phun ra giòng nước ấy (câu 15) chính là đặc ân vô nhiễm nguyên tội, nhờ đó Mẹ Maria được gìn giữ ngay từ khi được hoài thai trong lòng mẹ không bị vướng mắc nguyên tội, nhờ Mẹ được hưởng trước ơn cứu độ của Chúa Kitô, Con Mẹ.

Chỗ của Mẹ Maria ở trong sa mạc đó là chỗ nào để con rắn không thể nào làm gì được Mẹ? Nếu sa mạc là hình ảnh tiêu biểu cho một nơi chốn hoang vu và chết chóc, không có sự sống, và chỉ có các thánh mới yêu thích sống đời sa mạc mà thôi, như chính Chúa Kitô làm gương, hay Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả của Người, hoặc các thánh ẩn tu sau này ở các thể kỷ đầu của Kitô giáo, thì sa mạc ám chỉ đời sống hoàn toàn bỏ mình để có thể sống cho một mình Thiên Chúa, ở chỗ 1- chỉ khao khát một mình Thiên Chúa, 2- lấy Ngài làm gia nghiệp của mình, là tất cả của mình, và 3- từ đó hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Ngài, để Ngài toàn quyền định đoạt về mình.

Ba khía cạnh chính yếu hàm chứa nơi hình ảnh về sa mạc này được thấy rõ nơi 3 chước cám dỗ được Satan sử dụng để tấn công Chúa Kitô trong hoang địa sau khi Người chay tịnh 40 đêm ngày (xem Luca 4:3-12): trước hết là chước cám dỗ thèm khát tự nhiên hơn là khao khát thần linh; sau nữa là chước cám dỗ ham thích giầu sang quyền quí hơn là lấy Chúa làm tất cả của mình; sau hết là chước cám dỗ liều lĩnh tự tin vào bản thân mình hơn là chính đáng tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa.

Chỗ của Mẹ Maria ở trong sa mạc đó là tâm tình Truyền Tin và bài Ca Vịnh Ngợi Khen. Trong Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ Maria (Luca 1:46-55), chúng ta thấy rõ tâm tình sống sa mạc của Mẹ Maria, nhờ đó Mẹ đã xa được tầm theo dõi và ám hại của con cựu xà vô cùng tinh ranh ma quái.

Tâm tình sống sa mạc trước nhất nơi Mẹ Maria là chỉ khao khát một mình Thiên Chúa, được thể hiện qua lời Mẹ xướng lên trong Ca Vịnh Ngợi Khen: “Người đói khó Ngài cho no đầy ân phúc và kẻ giầu có Ngài để trở về tay không” (câu 53) – Mẹ Maria quả thực không khao khát gì hơn ngoài Thiên Chúa, ở chỗ, trong Biến Cố Truyền Tin, Mẹ đã bày tỏ tâm trạng của mình rằng: “tôi không hề biết đến nam nhân” (Luca 1:34);

Tâm tình sống sa mạc sau nữa nơi Mẹ Maria đó là lấy Thiên Chúa làm gia nghiệp của mình, là tất cả của mình, ngoài ra Mẹ không còn ham thích một sự gì khác trên thế gian này, như Mẹ bày tỏ trong Ca Vịnh Ngợi Khen: “Kẻ uy quyền bị Ngài hạ bệ, còn kẻ thấp hèn lại được Ngài nâng cao” (câu 52) – và Mẹ Maria, như trong Biến Cố Truyền Tin, đã luôn sống trước nhan Thiên Chúa như là một “nữ tỳ Chúa” (Luca 1:38);

Tâm tình sống sa mạc sau hết nơi Mẹ Maria là hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Ngài, để tùy Ngài định đoạt về mình, như Mẹ cho thấy trong Ca Vịnh Ngợi Khen: “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Ngài (câu 50). Ngài đã ra tay uy quyền đánh tan người kiêu ngạo với những ý nghĩ kiêu căng của chúng (câu 51)” – Mẹ Maria, như trong Biến Cố Truyền Tin cho thấy, đã luôn sống đức tin tuân phục với Chúa bằng thái độ liên lỉ xin vâng: “Xin hãy thực hiện nơi tôi những gì ngài truyền” (Luca 1:38).

Xa tầm của con cựu xà: Sở dĩ 2 nguyên tổ nói chung và nguyên tổ Evà nói riêng ở trong tầm tay nắm bắt dễ dàng của con cựu xà nơi vườn địa đường ngay từ khởi nguyên là vì các vị chưa có tâm tình sa mạc như Chúa Giêsu và Mẹ Maria sau này.

Trước hết là tâm tình chỉ khao khát Thiên Chúa, thì các vị lại thèm khát trái cấm là những gì chính các vị biết rằng không được đụng vào kẻo chết (xem Khởi Nguyên 3:6,2-3). Sau nữa là tâm tình chỉ lấy Chúa làm gia nghiệp và tất cả của mình thì các vị lại muốn nên bằng Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa trong việc biết lành biết dữ, định đoạt lành dữ theo ý muốn của mình (xem Khởi Nguyên 3:5-6). Sau hết là tâm tình chỉ tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa thì các vị lại tự tin và cậy mình trong việc tưởng mình có thể lên bằng Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, bằng việc tự động hái trái cấm mà ăn, không cần đến ân sủng của Ngài và tới thời điểm Ngài muốn.

Trong khi đất mở miệng ra nuốt lấy giòng nước gian dối phun ra từ miệng con cựu xà (câu 15) trong vườn địa đường như thế thì Mẹ Maria hoàn toàn an lành, chẳng những nhờ ơn vô nhiễm nguyên tội Chúa ban ngay từ lúc hoài thai mà còn nhờ Mẹ ở đúng vị thế của mình trong sa mạc, nơi xa tầm với của con cựu xà (câu 14).

Giòng dõi này của Người Nữ sẽ bị con rồng tấn công vì hắn không thể làm gì được Người Nữ thoát thân:  Thật vậy, con khủng long không thể nào chịu thua người nữ, một người nữ đã cưu mang và sinh hạ Con Đấng Tối Cao để loài người được cứu độ, thì hắn tìm cách phá ơn cứu chuộc, hay đúng hơn, làm vô hiệu hóa ơn cứu chuộc nơi các linh hồn. Và theo tính toán hết sức tinh khôn của mình như một con cựu xà, với cái đầu là phần thân thể chính yếu đệ nhất, hắn thấy rằng cần phải làm sao triệt hạ được thành phần chủ chốt thì sẽ vớ được trọn ổ các linh hồn.

Đối với hắn, thành phần chủ chốt mà hắn nhắm tới trước hết và trên hết đó là thành phần giòng dõi của người nữ, thành phần được Sách Khải Huyền cho biết có hai đặc điểm chuyên biệt bất khả phân ly đó là tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Kitô (câu 17). Là giòng dõi của Mẹ Maria, họ tuân giữ giới răn Thiên Chúa như Mẹ đã tỏ ra hết sức ngoan ngoãn xin vâng ở biến cố Truyền Tin (xem Luca 1:38), và họ làm chứng cho Chúa Kitô ở chỗ họ “theo Con Chiên đến bất cứ nơi nào Con Chiên tới” (Khải Huyền 14:4), chấp nhận tất cả mọi đau khổ với Chúa Kitô, như Mẹ đứng dưới chân Thập Giá Chúa Kitô (xem Gioan 19:25).

Nếu gót chân là phần thể thấp hèn nhất và bị quên lãnh nhất trong thân thể của con người, nơi dễ dàng bị cắn bất ngờ bởi loài rắn tinh khôn, nhưng cũng là phần thể được sử dụng để đạp nát đầu nó (xem Khởi Nguyên 3:15) thì thành phần sống đời khiêm nhượng tuân phục và chịu đựng hy tế như Mẹ Maria và với Mẹ Maria, cũng sẽ trở thành gót chân cho Chúa Kitô Vượt Qua đạp nát cái đầu tinh khôn của rắn quỉ Satan.

Một nhân vật tiêu biểu cho thành phần thuộc giòng dõi Người Nữ này là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng vừa Thánh Mẫu vừa Lòng Thương Xót Chúa, vị giáo hoàng đã lấy khẩu hiệu vừa Chúa lẫn Mẹ là “Totus tuus – tất cả của con là của Chúa nơi Mẹ Maria” (một khẩu hiệu được ngài lấy từ tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của Thánh Long Mộng Phố, số 233), và ngài chẳng những đã qua đời mà còn được phong chân phước vào thời điểm vừa Thánh Mẫu lẫn Lòng Thương Xót Chúa: Ngài qua đời ngày 2/4/2005, Thứ Bảy Đầu Tháng vọng Chúa Nhật Lễ Lòng Thương Xót Chúa, và Ngài được phong chân phước ngày 1/5, Thứ Bảy Đầu Thánh Hoa cũng là Chúa Nhật Lễ Lòng Thương Xót Chúa.

Đời sống của ngài đã thực sự trở thành gót chân bị rắn quỉ cắn nhưng lại là gót chân đã đạp đầu nó, khi ngài bị ám sát hụt ở Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981, để rồi nhờ đó ngài đã đáp ứng những gì được Trời Cao yêu cầu trong việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 15/3/1984 và nhờ đó Nước Nga đã trở lại.

4- Hận Thù Quyết Thắng – Phản công

Tóm lại, vấn đề được đặt ra là tại sao Mẹ Maria là “điềm lạ vĩ đại trên trời” (câu 1) mà lại phải chạy trốn (câu 6) hay ẩn lánh (câu 14) con rồng là điềm lạ bình thường không bằng mình, như thế, đã được hoàn toàn sáng tỏ? Bởi vì đó là cách Mẹ chiến thắng Satan, như Chúa Kitô vô tội và trọn hảo mà vẫn sống chay tịnh để chiến thắng hắn.

Nếu “quyền lực chiến thắng thế gian là đức tin của chúng ta” (1Gioan 5:4) thì Mẹ Maria đã chiến thắng Satan bằng đức tin của Mẹ. Bởi thế, chỗ của Mẹ Maria trong sa mạc ám chỉ đức tin tuân phục của Mẹ, ở chỗ  1- Mẹ chỉ khao khát một mình Chúa – “Tôi không hề biết đến nam nhân” (Luca 1:34), 2- Mẹ chỉ lấy Chúa là tất cả mọi sự của mình – “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Luca 1:38) và 3- Mẹ hoàn toàn tín thác vào Chúa – “tôi xin vâng như lời ngài truyền” (Luca 1:38).

Ba tinh thần có tính chất sa mạc này hoàn toàn phản nghịch lại 3 chước cám dỗ của Satan như đã xẩy ra nơi trường hợp Chúa Giêsu chay tịnh trong hoang địa và nhờ đó hắn bị khống chế dù ở thế tấn công. Như thế, chứng tỏ, nhờ đức tin, Mẹ Maria, như Chúa Kitô trong hoang địa, có một nội tâm thâm hậu đến độ bất chiến tự nhiên thành, vẻ vang hơn là phải ra tay hay xuất chiêu mới thắng được Satan!

Thành phần giòng dõi của Mẹ cũng thế, muốn chiến thắng Satan, cũng cần phải sống đức tin, chẳng những bằng việc ân cần tuân giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa, mà còn bằng việc trung thành làm chứng cho đức tin của mình nữa, bởi vì: “Ai là người chiến thắng thế gian? Đó là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa” (1Gioan 5:5).

Dưới chân thập giá của Con mình, còn ai tin Người là Con Thiên Chúa như Mẹ. Vậy giòng dõi của Mẹ, như Tông Đồ Gioan và người nữ môn đệ Mai Đệ Liên cũng ở dưới chân thập giá Chúa Kitô với Mẹ, chắc chắn sẽ chiến thắng Satan bằng đức tin cho đến cùng của mình: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mathêu 16:16), Đấng Tử Giá, Người Con được người nữ quằn quại sinh hạ cho nhân loại (xem Khải Huyền 12:2), Người Con bị con rồng rình chực nuốt đi khi Người được sinh ra (xem Khải Huyền 12:4) nhưng bất thành, trái lại, Người còn trở thành Đấng “chăn dắt tất cả mọi dân nước bằng cây gậy sắt…, được đưa lên cùng Thiên Chúa và ngai tòa của mình” (Khải Huyền 12:5), “để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2012

Bài này đã được Nguyệt San Hiệp Nhất

của CĐ CG VN GP Orange phổ biến trong số báo 2/2013

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]