Đức Maria Đấng đồng công cứu chuộc

          Từ  khi Chúa Giê  Su ra công khai giảng đạo thì người ta đã nhiều lần thắc mắc về Ngài “ Ai nấy đều sững sờ đến nỗi hỏi nhau rằng: Cái gì vậy ? Giáo lý mới hay sao ? Người này lấy quyền bính truyền cho uế linh đến nỗi chúng cũng phải vâng phục ? ( Mc 1, 27 ). Chẳng những dân chúng ngay cả  các môn đệ cũng ngơ ngác hỏi nhau sau khi Chúa làm phép lạ dẹp yên gió bão “ Họ sợ hãi quá đỗi nói với nhau rằng: Vậy người này là ai mà gió và biển cũng  đều phải vâng phục ? ( Mc 4, 41 ).

Một lần kia khi ở trong sân đền thờ dân chúng vây quanh  Chúa và thẳng thắn  đưa ra lời chất vấn “ Thầy để chúng tôi vơ vẩn đến chừng nào. Nếu Thầy là Đức Ki Tô thì hãy nói tỏ tường cho chúng tôi đi.” ( Ga 10, 24 ). Từ bao đời nay người Do Thái vẫn một lòng mong đợi Chúa Cứu Thế và khi được nghe những lời  giảng dạy những phép lạ  Chúa làm  thì nghĩ chắc hẳn Đấng Ki Tô đã đến với  dân tộc họ. Chúa Giê Su không xác nhận mà cũng không phủ nhận Ngài nói: “ Ta đã nói cho các ngươi mà các ngươi không tin. Những việc Ta nhân danh Cha ta mà làm đều làm chứng cho Ta. Nhưng các ngươi không tin vì các ngươi chẳng thuộc về đoàn chiên của Ta. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết nó và nó theo Ta” ( Ga 10, 25 -28 ).

Đức Ki Tô biết dù có nói thì người Do Thái vẫn không tin và sở dĩ như thế là vì trong quan niệm  Đấng Ki Tô ( Messia ) của họ hoàn toàn khác với Đấng đang hiện diện ngay ở trước mặt, là con của bác thợ mộc Giu Se và bà  Maria. Điều này cho thấy  một khi đã chấp chặt vào một quan niệm nào đó thì thật rất khó để mà nhận ra sự thật.

Trải qua 20 thế kỷ, từ lúc đương thời Đức Ki Tô cho đến tận bây giờ, thần học vẫn chưa nhìn nhận Chúa Giê Su là Đấng Cứu Độ như đích thật Ngài là. Tại sao ? Bởi vì người ta vẫn theo đuổi một thứ thần học gọi là Ki Tô Học ( Christologia ). Ki Tô Học là cái học về Đức Ki Tô được phân chia làm hai khuynh hướng. Một là khuynh hướng chia cắt và hai là không chia cắt.

Với khuynh hướng chia cắt còn gọi là thần học từ dưới lên  người ta muốn tách biệt Chúa Giê Su ra khỏi danh hiệu Ki Tô có nghĩa muốn đặt lại cho đúng vị trí ông Giê Su thành Nazareth  đưa ông ấy trở lại với thế giới loài người. Việc đạp đổ tín điều Ki Tô là cần thiết để xây dựng lại hình ảnh Giê Su khả dĩ có thể chấp nhận được vì phù hợp với …lý trí.

Ngược lại với phương pháp chia cắt lại cho Chúa Giê Su chính là Ngôi Lời ( Logos ) là Đấng  Tạo Hoá  nhập thể làm người “ Đới với niềm tin của chúng ta giữa Chúa Giê Su Nazareth và Con Thiên Chúa không còn một khoảng cách hữu thể nào nữa: Giê Su Nazareth là Con Thiên Chúa và Con Thuiên Chúa đã trở nên Giê Sư Nazareth. Giê Su Nazareth là Con và mãi mãi là Con  Thiên Chúa và từ lúc làm người, Con Thiên Chua không bao giờ rời bỏ nhân tính của mình nữa” ( Đgm Phaolô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác – Đức Ki Tô hôm qua hôm nay và mãi mãi ).

Bởi đâu Chúa Giê Su lại đã trở thành  Đấng Tạo Hoá như thế ? Tất cả chỉ là do cách giải  Kinh Thánh theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral )  về Đấng Thiên Chúa Sáng Tạo của thần học. Một khi đã theo nghĩa này thì không bao giờ có thể hiểu Kinh Thánh  cả phần Cựu lẫn Tân Ước trong tính nhất thống của nó là cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa suốt từ thời tổ phụ Apraham cho đến thời tận cùng Ơn Cứu Độ là thời hiện nay chúng ta đang sống.

Trong cuộc hành trình đức tin này, vai trò của Đức Maria là vô cùng quan trọng và có thể nói mà không sợ sai lầm rằng nếu không có  Đức Maria Đấng Đồng Công Cứu Chuộc thì không thể có Ơn Cứu Chuộc. Sao có thể  khẳng định như thế ? Đó là vì Đức Maria chính là Người  Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan đã được tiên báo từ muôn thuở. “ Đức Chúa Giêhova phán với con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

Trước đây các nhà chú giải  Kinh Thánh cho rằng  trình thuật này chưa đựng Lời Hứa Ban Đấng Cứu Thế. Mặc dầu trình thuật không có lời nào nói đến Đấng Cứu Thế  nhưng giải như thế là rất chính xác bởi chưng Đấng Cứu Thế sẽ chỉ ra đời sau lời Xin Vâng của Đức Maria “ Này tôi là tôi  tá ĐCT, tôi  Xin Vâng như lời sứ thần truyền” ( Lc 1, 38 ).

Nếu Thiên Chúa đã ban cho con người tự do tại sao chúng ta không thể đưa ra giả thiết rằng Đức Maria  có thể…không nói lời Xin Vâng ? Tuy nhiên Đức Maria đã Xin Vâng và chốc ấy Ngôi  Hai đã xuống thế làm người ( Kinh Truyền Tin ) “ Lời Xin Vâng của Đức Maria là hành vi cao cả nhất mà Người đã làm. Lời đó đã đem Người nào trong công cuộc thực hiện các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Nhập Thể sẽ không thể phát triển nếu không có lời ấy; bởi lời ấy sẽ thực hiện mầu nhiệm to tát của Ngài: Làm sáng chói ánh vinh quang của Ơn Thánh là mầu nhiệm Chúa Ki Tô nghĩa là sự Chúa Ki Tô hiện diện trong chúng ta” ( MV Bernadot O.P Mẹ Trong Đời  Tôi ).

Tại sao  không có lời Xin Vâng thì mầu nhiệm Nhập Thể sẽ không  thể phát triển ? Lý do là vì mục đích của Nhập Thể là để sản sinh  Ki Tô khác ( Alter Christus ) trong tâm hồn các tín hữu. Một lần kia Đức Mẹ nói với Thánh Getrude “ Giê Su con rất dịu dàng của mẹ không là con độc nhất ( Unigenitus ) nhưng thật là con đầu lòng ( Primo Genitus ). Vì Mẹ đã thụ thai Ngài đầu hết trong dạ Mẹ. Nhưng sau Ngài đúng hơn bởi Ngài Mẹ đã thụ thai chúng con tất cả khi nhận lấy chúng con làm con cái trong dạ đầy tình hiền mẫu Mẹ để chúng con nên anh em Ngài đồng thời là con của Mẹ” ( MV Bernadot O.P SĐD ).

Đức Maria cưu mang sinh hạ Đức Ki Tô là để  sinh ra chúng ta là những Ki Tô khác. Nếu không phải là mục đích ấy làm sao có thể gọi Đức Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế  ? Nói cách khác công cuộc cứu thế của Đức Ki Tô chính là qua Mẹ Maria để sản sinh Giê Su nơi các tâm hồn. Mặt khác cũng vì lý do Đức Mẹ sinh Chúa Giê Su là để sinh các Ki Tô khác thế nên Ngài mới vui lòng dâng Người Con rất yêu dấu vào trong đền thờ.

Việc dâng con  này là theo luật định. Thế nhưng bên trong việc giữ luật ấy còn ẩn chứa một sự hy sinh  vô cùng cao cả. Từ trong cõi thâm sâu của lòng mẹ Đức Maria biết rằng rồi đây Chúa Giê Su  con Mẹ sẽ phải hiến dâng làm của lễ hy sinh trên thập tự đớn đau. Cùng với việc hiến dâng này Đức Maria  cũng phải chịu một nỗi thống khổ lớn lao đúng như lời tiên tri Simeon “ Này người con này đã được lập nên để khiến cho nhiều người trong Itsraen vấp ngã và đứng dậy. Cũng là một dấu lạ bị nói nghịch. Còn ngươi một thanh gươm sẽ  đâm thấu tâm hồn ngươi để ý tưởng của nhiều tâm hồn được bày tỏ” ( Lc 2, 34 -35 ).

Với  những lời của tiên tri Simeon, Đức Mẹ đã linh cảm được tất cả những đớn đau mà con của Mẹ phải chịu. Những nỗi  đớn đau đến tận tâm can ấy đã theo Mẹ trong suốt cuộc hành trình của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên cũng như Chúa Giê Su, Đức Mẹ không hề chùn bước sợ hãi trái lại còn mong mỏi cho ngày ấy đến “ Ta đến đem lửa xuống thế gian và mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên. Ta  phải chịu một phep rửa và Ta khắc khoải biết bao đến khi nó được hoàn thành” ( Lc 12, 49 -50 )/

Chúa Giê Su cũng như Đức Mẹ không sợ hãi bởi vì các Ngài biết rõ sự hy sinh  đớn đau tột bực ấy sẽ là nguồn ban sự sống và là sức mạnh thần linh cho một đoàn dân đông đảo sẽ  đến là Hội Thánh sau này. Sức mạnh ấy ta thấy ở nơi Đức Mẹ khi Ngài đứng vững dưới chân Thánh Giá. Thử hỏi có bà mẹ nào lại không sụp đổ khi chứng kiến cảnh con mình chịu chết cách ghê rợn như vậy hay không ? Đức Mẹ đứng vững và nghe lời trối của Chúa Giê Su “ Khi thấy Mẹ và môn đệ mình yêu dấu đứng bên cạnh, Chúa nói với Mẹ rằng: Này đây là con Mẹ. Rồi Người  nói với môn đệ: Đây là Mẹ con. Kể từ giờ đó người môn đệ rước bà về nhà mình” ( Ga 19, 25 -27 ).

Lời trối của Chúa Giê Su khi còn ở trên Thánh Giá đã cho thấy Đức Mẹ là Mẹ thật về phần hồn của  mỗi tín hữu chúng ta. Hành vi  của Thánh Gioan rước Đức Mẹ về nhà mình cũng phải là của chúng ta. Không có Đức Mẹ trong cuộc sống tâm linh của mình thì làm sao Chúa Giê Su có thể được sinh ra trong ta ? Cũng như Thánh Gioan chúng ta rước Đức Mẹ về nhà tâm hồn mình không phải để ta nuôi Mẹ nhưng là để Mẹ nuôi nấng chăm sóc cho ta. Đức Mẹ nuôi dưỡng  để cho ta được lớn lên trong Ơn Thánh bằng các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể, nguồn của sự sống thần linh “ Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời. Ta sẽ khiến kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta cũng ở trong kẻ ấy” ( Ga 6, 54 -56).

Chúa nói: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ có sự sống đời đời, vậy thịt và máu Chúa sở dĩ có là của ai nếu không phải là của Mẹ Maria và chỉ của một mình Mẹ thôi ? Nhận ra như vậy để thấy rằng với việc Rước Chúa vào lòng cùng một trật ấy ta cũng rước Đức Mẹ vào trong tâm hồn mình làm sao có thể khác được ?

Bí tích Thánh Thể  gắn liền với Thánh Lễ và nói đến Thánh Lễ tức là nói đến Đạo Công giáo Tông Truyền. Bao lâu còn Giáo Hội thì còn có Thánh Lễ. Ngược lại Thánh Lễ không còn thì Giáo Hội của Chúa Ki Tô cũng không còn. Thánh Lễ diễn lại hy tế của Chúa Giê Su trong đó có Đức Mẹ đứng kề bên Thánh Giá, Ngài đại diện cho toàn thể loài người trong tư cách Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan.

Để khởi đầu công cuộc cứu chuộc, Giêhova Thiên Chúa đã báo trước về cuộc giao  chiến giữa Người Nữ Maria và rắn Sa Tan “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ). Cuộc chiến ấy đã diễn ra một cách quyết liệt khi  có sự xuất hiện của Đức Ki Tô còn được gọi là Ađam mới “ Vì như bởi sự không vâng lời của một người ( Ađam ) mà mọi người đều trở nên tội nhân thế nào thì bởi sự vâng phục của một người ( Đức Ki Tô ) mà mọi người đều sẽ trở nên công chính cũng thể ấy” ( Rm 5, 19 ). Adđam vì nghe lời Eva cố tình ăn trái cấm là trái phân biệt  thiện ác ( St 2, 16 -17 ) mà đã phải chết.

Cái chết ở đây dĩ nhiên không phải là chết phần xác nhưng là phần tâm linh. Khi Tâm thoạt khởi phân biệt tức thời liền mất  thực tại vô phân biệt. Khi thấy một cái nhà nếu khởi phân biệt lớn nhỏ đẹp xấu đắt rẻ v.v..thì Tâm ta không nhận ra được  nhà trong thực tại nó là. Ngay sau khi nguyên tổ phạm tội ăn trái cấm liền bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng để phải  lăn lóc dấn mình vào chốn  nhị nguyên khốn khổ, đất bụi lại trở về đất bụi ( St 3, 18 -19 ).

Nếu Ađam ( cũ ) với sự cộng tác của Eva đã ăn trái cấm phân biệt và bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng thì Ađam mới với sự đồng công của Đức Maria trong lời Xin Vâng mà đã được trở lại Vườn Địa Đàng xưa đã mất. Vườn Địa Đàng xưa ấy là biểu trưng cho Thực Tại Vô Phân Biệt. Đức Ki Tô có khi gọi Thực Tại ấy là Nước Trời có khi gọi là Đâng Cha. Chính bởi Nước Trời là Thực Tại Vô Phân Biệt thế nên Chúa nói “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi hễ ai chẳng nhận lấy Nước ĐCT như một trẻ nhỏ thì hẳn không được vào đó” ( Lc 18, 17 ).

Trẻ nhỏ thì đơn sơ dễ tin dễ nhận, cha mẹ bảo gì nó nghe như vậy và cũng chính nơi sự dễ tin dễ nhận ấy mà trẻ nhỏ được sống trong vòng tay yêu thương của cha của mẹ…Đối với đời thường đã vậy còn đời tâm linh thì cũng không khác. Đức tin luôn là điều trọng yếu,  còn có đức tin thì lòng đạo còn có cơ triển nở cho đến thành toàn. Trái lại đức tin một khi đã mất thì đời sống tôn giáo chỉ còn là một thứ phô trương bề ngoài không có thực chất.

Đạo Công giáo là Đạo Đức Tin và đức tin ấy có thực chất chứ không phải vu vơ “ Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một Phép Rửa một ĐCT là Cha mọi người vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở tgrong mọi người” ( Eph 4, 4 -6 ).

Đức tin chân chính là tin nơi một Đấng Cha nội tại và cũng chính do nơi đức tin ấy chúng ta mới cần đến Đấng Ki Tô Trung Gian Cứu Chuộc cùng với sự Đồng Công của Đức Maria. Nói đến “ Chuộc” điều ấy chỉ có thể là…chuộc lại một cái chi đó rất quý. Cái rất quý ấy chính là phẩm vị Con Thiên Chúa vốn sẵn đủ ở nơi mỗi người nhưng đã bị Tội Nguyên Tổ làm cho hư mất.

Chẳng phải nhân loại  này đều là những đứa con bỏ nhà cha mình mà đi hoang sao ? Hãy tỉnh ngộ và trở về để được nghe  những lời vô cùng dịu ngọt của người cha “ Chúng ta hãy ăn mừng vì con ta đây đã chết mà nay lại sống đã mất mà lại tìm được” ( Lc 15. 23 -24 ).

 

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:

Related posts