Có Mẹ trong đời

Sau biến cố bảy lăm vì không còn được ở trong  Trại Gia Binh BTTM nên mình đã phải dắt díu vợ con về  khu vực Hố Nai sinh sống để gần ông bà nội. Ngày ấy cả nước như đang trong cơn mê cuồng tương lai mịt mờ, ai nấy nhìn nhau ngơ ngác. Nhưng  rồi cũng phải sống  phải lo chứ biết sao bây giờ ?

Cả hai vợ chồng đều là… dân văn phòng. Bà  ấy làm thư ký cho đại tá William trưởng phòng nhân viên không lực Mỹ tại Tân Sơn Nhất. Còn mình  từ năm một chín bảy mươi biệt phái sang Bộ Ngoại Giao làm ở Tòa Đại Sứ VNCH tại Nam Vang đến khi  chế độ Lon Nol sụp đổ thì về lại TĐ Truyền Tin BTTM.

Vợ thì gầy ốm con  thì  nhỏ dại còn mình  như một …trích tiên từ trời rơi xuống  lớ ngớ chẳng  biết  làm gì để sống. Thế nhưng như người ta nói trời sinh voi sinh cỏ, bà vợ không biết xoay  trở cách nào đã có một tủ bán bánh mì trên chợ ( cũ ) Trà Cổ. Còn mình thì …chạy đến ông anh kết nghĩa khi ấy đang ở Long Xuyên được cho một số tiền kha khá mua rẻ được năm sào đất rẫy trồng mì.

Tháng ngày trôi qua, mưa nắng đăp đổi, việc làm rẫy tuy vất vả  nhưng với mình lại  lấy đó làm một niềm vui thật sự. Sáng sớm tinh mơ, vai vác cuốc trên đó treo một bình hai lít, chiếc điếu cày và một lon guigoz bắp hầm thế là đủ cho một ngày. Công việc làm cỏ chẳng có gì phải để tâm thế nên mình cứ  mặc tình mông lung hết chuyện này chuyện khác liên miên. Thế nhưng trong cái  dòng vẩn vơ vơ vẩn ấy  đôi khi nó vẫn khởi lên ý nghĩ : Mình sống và chịu đựng tất cả những điều này để chi, thật sự thì nó có ý nghĩa gì không ?

Trước đây cũng có đi tu, năm đầu ở Huyện Sĩ học trường Nguyễn Bá Tòng  ba năm sau ở Phước Tỉnh – Long Hải. Chủng viện là một dãy nhà dài nằm sát bờ biển ngày đêm nghe sóng vỗ dạt dào. Tính vốn mơ mộng thế nên việc học hành cũng chẳng ra sao. Thân ngồi trong lớp còn tâm thì cứ dõi tận ngoài khơi xa không biết ở chốn mịt mùng đó có còn gì không ?

Xuất tu  lại tiếp tục học Nguyễn Bá Tòng đến năm đệ nhị thì ốm phải nghỉ học rồi bị động viên khóa 10 HSQ Trừ Bị. Hết ba tháng Quang Trung chuyển về Trường Truyền Tin Vũng Tàu  học giai đoạn hai và trong những ngày nghỉ phép ngắn hạn chủ nhật mình lại gặp gỡ với biển, một mình ngồi ở bãi trước ngắm cảnh hoàng hôn mà lòng thì trĩu nặng ưu tư về ý nghĩa cuộc đời.

Còn nhớ trong suốt quãng thời gian đằng đẵng đó khi sống tại Gia Nghĩa ( Quảng Đức ) một thị trấn cao nguyên heo hút hoặc tại Nam Vang  đô hội mình không hề tham dự gì với Giáo Hội cũng như  niềm tin thuở ấu thời. Thế nhưng từ trong thâm tâm dường như vẫn có một tiếng  nói lặng lẽ hãy mau quay về. Kêu gọi trở về nhưng  về đâu  đó là nỗi niềm thao thức khôn nguôi cứ theo đuổi mình mãi chẳng biết tự bao giờ ? Tiếng gọi của biển khơi hay của hư vô làm sao biết được ?

Khi còn ở Gia Nghĩa mình có viết bài cho BNS Tinh Thần của Nha TUCG và từ  đó quen thân với  chủ biên Lý Minh Tuấn một trung úy ngành TLC. Sau ngày về Hố Nai được  vài năm gì đó thì Tuấn không biết tin ở đâu đã mò đến thăm. Chắc hẳn cũng có cơ duyên nào đó nên hai người rủ nhau đến gặp một …đạo sư chuyên nhịn đói và tu Thiền vô vi  người Tàu  làm nghề sạc bình ác quy tại chợ Trảng Bom. Ông này …nói thì ra vẻ lắm nhưng quen được hai năm thì  được tin đã chết vì sơ gan cổ chướng khi mới chưa đầy năm mươi.

Câu chuyện dài lắm không cần kể, chỉ biết sau những lần gặp gỡ  với Tư Hon và vài ba nhân vật ,,, tầm cỡ khác như Sáu Quán, châm y sư Lưu Được  thiền sư Trình ở Quảng Biên v.v…Cuộc đời mình  kể từ  đây đã  chuyển hướng theo con đường …gạo lức muối mè và  …Thiền.

Trong những tháng đầu tu tập ấy mình theo đuổi loại Thiền có tên là Thiền vô vi. Cứ vào nửa đêm đầu giờ Tý canh ba thì thức dậy quạt pháp luân. Một đêm kia sau khi  nhịn  đói hoàn toàn chỉ uống nước chanh đường  được chín ngày mình thức dậy đang quạt pháp luân thì bị  chảy nước mũi hắt hơi liên hồi. Sau đó thì nhức đầu kinh khủng như bị hàng nghìn mũi kim châm  đau nhói giật thót  cả người.

Đêm hôm đó lại là đêm mưa bão, một mình ở trong cái lán dưới  dốc cầu Suối Đỉa,  vợ con thì đã lên ở trên chợ Trà Cổ từ mấy tháng nay. Chợt thoáng có ý nghĩ hay là bị …tẩu hỏa nhập ma rồi, cố nhớ nghĩ  mình đang làm gì,  ở đâu …nhưng  chỉ thấy lơ mơ. Nghe tàu lá dừa cọ vào mái tôn mà nghĩ  đang lưu lạc  ở một cõi xa  xăm mơ hồ nào đó…..

Thú thật khi đó mình cũng hơi hoảng không biết  phải làm gì nhưng  trong khoảnh khắc nguy cấp ấy mình lại nghe được tiếng nói nhắc nhở hãy mau  quay về.  Bỗng nhiên  mình mò mẫm đến bàn viết  bật đèn  và ngẫu nhiên cầm lấy  một cuốn trong tủ sách  với ý nghĩ là nếu còn đọc và hiểu được thì cũng chưa  sao. Đó là  cuốn Thánh Kinh dày cộm có cả phần Cựu và Tân Ước của Tin Lành  ai đó đã vứt bỏ lẫn lộn giữa đám quần áo, lon ngù giày bốt đờ sô … trên khoảng  đất trống  trong  Trại Gia Binh.

Rất vô tình lật sách ra và mình  nhớ đã đọc được lời  Chúa “ Lạy Cha Con ngợi khen Cha vì Cha đã  giấu những  điều này với kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho kẻ bé mọn. Phải Cha ơi ! Như thế là đẹp lòng Cha” ( Lc 10, 21 ). Vừa đọc xong lời này thì một nhận thức chợt lóe lên, vậy thì  ra trong bấy lâu nay mình đã tìm kiếm chân lý trong vô vọng chỉ vì kiêu ngạo. Có một động lực nào đó thúc đẩy khiến mình quỳ  xuống xin được Chúa thứ tha.

Trời đã mờ sáng mưa vẫn rả rích mình bỏ một nhúm gạo nấu cháo  lấy nước húp cho tỉnh định bụng chờ sáng hẳn sẽ lên cha cố Nghi xưng tội. Choàng áo mưa lên gặp cha lúc ấy đang ngồi ở ghế salon lần hạt. Dù rằng trong mấy năm ở xứ mình không đi lễ nhà thờ nhưng với cha vẫn rất mực thân tình vì  đã được cha bố Thiện biên thư gửi gấm. Cha cười cười  chỉ vào ghế đối diện nói xưng tội đi. Mình không ngồi mà quỳ ngay xuống  xưng vắn tắt nhưng chứa đựng tất cả tấm lòng của đứa con hoang trở về.

Mình đã thực sự trở về, điều ấy không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu trên con đường dài thăm thẳm với biết bao trở ngại chờ đón. Trên đường về lán mình tạt qua ông bạn già hàng xóm hiện đang là trùm  giáo họ. Thố lộ với ông  về ơn lành mới vừa đón nhận và ngỏ ý mượn cuốn sách kinh về học.

Ngay buổi tối hôm đó  ông  trùm Nam sang rủ mình  đi đọc kinh gia đình trong Tháng Mân Côi. Trước giờ đọc kinh mình được tặng một cỗ tràng hạt  cùng với lời trịnh trọng rằng  cha đã làm phép rồi đó. Có lẽ đây là lần đầu tiên  trong đời có tràng hạt, một thứ bửu bối sẽ theo mình trong suốt quãng đời còn lại ở cõi dương gian này.

Cùng với mọi người sốt sắng đọc kinh thì bất giác ngước lên bàn thờ mình bắt gặp ánh mắt Mẹ trong ảnh Trái Tim  đang  chăm chú nhìn với  tất cả trìu mến. Khi ấy mình cứ  chăm chắm nhìn vào đôi mắt Mẹ  và cảm thấy như đang lặn hụp trong một biển khơi mênh mông dạt dào.

Gia đình về ở bên giáo xứ Trà Cổ còn mình thì vẫn ở lại Tân Bình làm vườn trồng hoa nuôi cá. Bữa sáng nấu cơm gạo lức ăn với muối mè bữa trưa và tối về ăn với gia đình bình thường. Trong khoảng thời gian hơn một năm đó ngoài việc làm vườn  ra mình để hết tâm lực  cho hoạt động Legio, dự các phiên họp, đi công tác thăm viếng  các gia đình. Có lẽ  mình là một trưởng Curia Junior đầu tiên của Viết Nam  thời đó ?

Phần khác  trong nhiều năm mình đã đi…lùng kiếm  kinh sách Phật để đọc có khi thì vào chùa sư Liêm có khi  đạp xe về Sai Gòn  đến các chùa Ấn Quang, Dược Sư, Vĩnh Nghiêm ….đến nỗi  quen mặt có cô  còn cho mua thiếu, thật là hy hữu. Có hai cuốn sách ảnh hưởng sâu đậm đến việc Tu của mình. Một là cuốn Quán Thế Âm Bồ Tát Tín Luận của cư sĩ Tịnh Danh Đỗ Văn Du và hai là cuốn Niệm Phật Thập Yếu của hòa thượng Thiền Tâm.

Đối với bất kỳ ai thì việc đọc sách, nghiên cứu triết học cũng  chỉ có thể đem lại lợi ích thật sự nếu được gắn liền với sự tu tập. Cái tiến trình Văn Tư Tu là đương nhiên không thể nào thiếu. Nghiên cứu mà không TU thì những kiến thức ấy chỉ làm tăng trưởng tà kiến. Trái lại TU mà không có kiến thức chỉ là TU…mù. Đa văn quảng kiến không Tu  thì  đức tin dù có rồi cũng  sẽ mất đi thôi.

Ngay từ đàu  khi mới được ơn trở lại mình đã xác định sẽ lấy việc thực hành Kinh Mân Côi  làm phương thế tu tập với mục đích để xoay cái nghe trở vào bên trong hầu  nhận biết bản tánh mình ( Phản Văn Văn Tự Tánh ).

Để có thể đạt mục đích này ngoài việc kiên trì lần ba chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Hàng năm mình đều đến nhập thất ít nhất một tuần tại  chùa Sư Liêm trong một cái cốc biệt lập nằm khuát trong vườn điều. Ngoại trừ ba bữa cơm chay đạm bạc và  vài giờ ngủ ban đêm. Tất cả thời giờ mình để dành cho việc lần chuỗi Mân Côi trong tư thế hoa sen kiết già.

Một chiều nọ  tay lần tràng hạt, mình đi kinh hành diễu chung quanh tượng Đức Quán Thế Âm  đọc được mấy vần thơ của sư Liêm đề dưới chân tượng:

Ta có Mẹ Hiền Quán Thế Âm

Ngày đêm tưởng nhớ mãi âm thầm

Lòng ta khoái lạc thân yên ổn

Thật đáng Mẹ Hiền Quán Thế Âm

Đức Maria quả là Mẹ Hiền và  bà Mẹ Hiền đó là của hết thảy mọi người không trừ một ai nhất là của những con người tội nghiệp đáng thương. Dẫu vậy Mẹ chỉ có thể cứu vớt những ai biết chạy đến cùng Người. Mẹ ơi !  Có Mẹ trong đời là diễm phúc lớn lao của đời con. Con cảm tạ Mẹ.

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts