Suy Niệm Năm Sự Sáng

PHI LỘ – Năm 1917, khi hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha) với ba trẻ chăn chiên – Luxia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã nhắn nhủ: “Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày… Hãy cầu nguyện nhiều và dâng những hy sinh để cầu cho các tội nhân… Ta là Mẹ Mân Côi. Chỉ có Mẹ mới có thể giúp các con. …Cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm của Mẹ sẽ thắng!”.

Năm 2017 là dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fátima, chúng ta hãy nhắc nhở nhau về ba lời khuyên của Đức Mẹ: [1] Ăn năn đền tội, [2] Tôn sùng Mẫu Tâm, [3] Siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ đã cho biết rằng mỗi lần đọc một kinh Kính Mừng là dâng cho Mẹ một đóa hồng tươi đẹp, và đọc xong một chuỗi Mân Côi là dâng cho Mẹ một triều thiên hoa hồng.

Trong tâm tình yêu mến Đức Mẹ, đặc biệt là việc tận hiến cho Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng tìm hiểu Năm Sự Sáng. Chuỗi Mân Côi quan trọng vì là “Bản tóm lược Kinh Thánh”. Khi lần chuỗi Mân Côi với Năm Sự Vui, chúng ta thấy đời sống hằng ngày của chúng ta thêm phấn khởi, thêm nhiều lợi ích qua việc kết hiệp với Đức Kitô và lòng sùng kính Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nhờ Đức Mẹ để đến với Đức Giêsu Kitô, qua Chúa Con để đến với Chúa Cha.

DẪN NHẬP

Kinh Mân Côi là cách cầu nguyện phổ biến và quan trọng của Giáo hội Công giáo Rôma. Từ lâu, chúng ta đã “quen” với Mầu Nhiệm Vui (Mysteria Gaudiosa, Joyful Mysteries), Mầu Nhiệm Thương (Mysteria Dolorosa, Sorrowful Mysteries) và Mầu Nhiệm Mừng (Mysteria Gloriosa, Glorious Mysteries). Và từ năm 2002, Đức Gioan Phaolô II thêm Mầu Nhiệm Sáng (Mysteria Luminosa, Light Mysteries). Như vậy, Kinh Mai Côi ngày nay có 20 mầu nhiệm. Thánh GH Gioan Phaolô II cho biết: “Kinh Mân Côi là mầu nhiệm của các mầu nhiệm. Lần chuỗi Mân Côi là giao phó những gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Mẹ Maria”.

Kinh Mân Côi có lời nguyện Fátima đầy ý nghĩa: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”. Thật ra chúng ta chưa bao giờ kính mến Đức Mẹ đủ mức theo như Mẹ mong ước. Chúng ta càng kính mến Đức Mẹ bao nhiêu thì chúng ta càng kính mến Chúa bấy nhiêu. Thật tốt lành khi Thánh GH Gioan Phaolô II dùng tông hiệu cho cuộc đời mục tử của ngài: “Totus tuus – Tất cả nhờ Mẹ”.

ĐGH Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ đã chọn Ngài cách riêng. Cả thế giới đều biết Ngài, không bao giờ Ngài phát biểu lời nào, mà không nhắc tới Đức Trinh Nữ Maria. Không 1 tài liệu nào của thời đại Giáo Hoàng của Ngài, mà không kết thúc bằng lời nguyện cùng Đức Mẹ Maria, là Mẹ Thiên Chúa. Để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ, và để truyền bá lòng sùng kính Đức Mẹ cho mọi người, Ngài đã cho thành lập năm Mân Côi (có thể nói từ xưa đến nay chưa có bao giờ Hội Thánh đã cho thành lập 1 năm Mân Côi như vậy). Năm Mân Côi được Thánh GH Gioan Phaolô II mở ra từ tháng 10-2002 đến tháng 10-2003. Ngài nói: “Tôi muốn rằng Kinh Mân Côi phải được nổi bật trong các cộng đồng Kitô khắp thế giới”.

Năm Sự Sáng là năm Mầu Nhiệm Ánh Sáng. Thánh Gioan nói về Ngôi Lời Giêsu Kitô: “Nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:4-5). Tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chúa là nguồn ánh sángơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào?” (Tv 27:1). Thật vậy, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta nên Ngài để chúng ta “bước đi trước mặt Ngài trong ánh sáng dành cho kẻ sống” (Tv 56:14).

SUY NIỆM

Thứ nhất (Mt 3:13-17) – Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Chúng ta cầu xin ơn biết sống đẹp lòng Chúa.

Ngày ấy, Chúa Giêsu đến dòng sông Giođan để ông Gioan làm Phép Rửa. Ông Gioan ngạc nhiên và nói:“Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”. Chúa Giêsu nói: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Ông Gioan hiểu và chiều theo ý Ngài. Ngay khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, các tầng trời mở ra. Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài. Lúc đó có tiếng từ trời vang vọng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

Chúa Cha hài lòng về Người Con vì Người Con luôn tuân phục Thánh Ý Chúa Cha. Đức Mẹ cũng làm hài lòng Thiên Chúa vì Đức Mẹ “xin vâng” hoàn toàn.

Sống đẹp lòng Chúa là tuân giữ các giời răn và thể hiện lòng thương xót. Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Nhân từ là biết yêu thương, tha thứ, không xét đoán, không định kiến với bất cứ ai, và còn phải vâng phục.

Vâng phục là khiêm nhường, là chấp nhận, không ý kiến, không so đo, dù điều đó trái ý mình. Quả thật, cách vâng phục như vậy không dễ thực hiện chút nào ráo trọi. Còn chỉ vâng phục khi “hợp ý” thì có gì lạ đâu? Điều hợp ý mình thì rất dễ thực hiện, nhưng vì vâng phục mà làm theo điều trái ý mình thì quả là khó, phải cố gắng, phải can đảm, phải khiêm nhường và phải thực sự từ bỏ chính mình. Vâng phục (tuân phục) là nhân đức quan trọng, vì Kinh Thánh đã xác nhận: Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9).

Thứ hai (Ga 2:11) – Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu tại Cana. Chúng ta cầu xin ơnvững tin vào quyền năng Thiên Chúa.

Tại một đám cưới ở Cana, miền Galilê. Chúa Giêsu được mời dự tiệc cưới này. Đức Mẹ và các môn đệ cũng được mời. Tiệc cưới đang vui nhưng rượu lại hết. Đức Mẹ tinh ý nên biết “sự cố” này. Đức Mẹ liền nói nhỏ với Con Trai: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói: “Mẹ ơi! Chuyện đó can gì đến mẹ và con? Giờ của con chưa đến”. Tuy nhiên, Đức Mẹ vẫn tin tưởng mà nói với những người lo đám tiệc rằng hễ con tôi bảo gì thì quý vị cứ làm theo.

Thật vậy, Chúa Giêsu đến chỗ nấu tiệc và bảo họ đổ nước lã vào sáu chum đá. Theo thói tục người Do Thái, các chum đá này dùng vào việc thanh tẩy, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Họ làm theo yêu cầu của Chúa Giêsu, dù họ chẳng biết đổ nước đầy các chum để làm gì. Sau đó, Chúa Giêsu bảo họ múc nước đó đem cho người quản tiệc. Kỳ diệu quá chừng! Rõ ràng nước lã vừa đổ vào xong, múc ra liền, thế mà lại hóa thành rượu, mà đâu phải rượ thường, rượu hảo hạng đấy!

Người quản tiệc liền gọi chú rể đến mà nói: “Ai cũng thết rượu ngon trước, khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”. Dĩ nhiên chú rể cũng chẳng biết gì, chỉ có mấy người múc nước đổ vô chum thì mới biết “sự thể” ra sao mà thôi. Đó là phép lạ đầu tiên trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu.

Cứ tính trung bình mỗi chum là 100 lít, vị chi sáu chum là 600 lít. Rượu nhiều thế thì tắm cũng không hết chứ nói chi uống, phải bán thôi. Hai vợ chồng trẻ này chắc chắn có ít vốn để làm ăn nhờ… bán loại “rượu lạ” này!

Đức Mẹ tinh ý, chỉ liếc mắt là biết người ta đang “kẹt” cái gì, nhưng Đức Mẹ cũng rất tế nhị, không làm lớn chuyện, chỉ “bí mật” nói với Chúa Giêsu. Chủ tiệc và chú rể, hoặc thân nhân của chú rể, không hề nhờ vả gì, thế mà Đức Mẹ vẫn giúp đỡ tận tình, giúp họ thoát khỏi “thế bí”. Chúng ta chân thành cầu xin Đức Mẹ, chắc chắn không phải thất vọng: “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không…” (Nguồn Cậy Trông – Hoàng Vũ).

Thứ ba (Mc 1:15) – Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi thống hối. Chúng ta cầu xin ơn sửa đổi tâm hồn.

Chính Chúa Giêsu đã mời gọi: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Qua lời Chúa Giêsu, chúng ta biết chắc rằng chúng ta đang sống trong Thời Cuối Cùng, mỗi phút qua đi là thời gian ngắn hơn một chút, nghĩa là càng gần thời điểm tận thế. Không ai biết lúc nào sẽ xảy ra “khoảnh khắc” đó. Vì thế, chuẩn bị sẵn sàng là thượng sách! Giống như “mười trinh nữ” vậy  (x. Mt 25:1-13).

Chuẩn bị và sẵn sàng bằng cách nào? Sám hối và canh tân đời sống. Chúa Giêsu đã nói và Đức Mẹ cũng thường nhắc nhở. Sám hối là chấn chỉnh lối sống, bỏ đường tà, theo đường chính. Chúa Giêsu đã nói với ông Si-môn Cùi về người phụ nữ tội lỗi ngồi khóc bên chân Ngài: “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7:47-48). Nước mắt của phụ nữ này đã làm trôi bao tội tày trời của chị. Chị sám hối nên được Chúa thứ tha – tức là chị đã thú tội. Chúng ta cũng không thể làm gì khác hơn là đến với Bí tích Hòa giải – Bí tích của Lòng Chúa Thương Xót.

Tội cỡ nào cũng đừng thất vọng. Gương các thánh đã minh chứng điều đó: Dismas (người trộm lành), Phêrô, Augustinô,… Vả lại, qua Thánh Faustina Maria Kowalska (1905-1938), chính Chúa Giêsu đã minh định: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và của cả nhân loại” (Nhật Ký, số 1485). Thế thì đừng dại dột, đúng ra là ngu xuẩn, mà cứ nằm lì trong “vũng lầy tội lỗi”. Hãy chứng mình bằng lời thú tội chân thành: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:4-5).

Thứ tư (Mt 17:1-8; Mc 9:2-8; Lc 9:28-36) – Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Chúng ta cầu xin ơn luôn biết lắng nghe Lời Chúa.

Khoảng một tuần sau khi tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất, Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ tín cẩn – đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê – cùng lên núi cầu nguyện. Khi Chúa Giêsu đang cầu nguyện, Ngài biến đổi hình dạng trước mặt các ông, dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài. Quá đã! Các ông cảm thấy lâng lâng hạnh phúc, muốn làm ba lều cho ba người để các ông được tiếp tục sống trong niềm hạnh phúc kỳ diệu như vậy. Ông Phêrô nói: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Thầy muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Như vậy nghĩa là họ quên mình, không cần gì nữa, sao cũng được, chỉ cần lo cho ba vị kia thôi.

Thế nhưng khi ông Phêrô còn đang nói thì chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!”. Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Ba môn đệ ngơ ngẩn sau cơn “xuất thần”, nhưng họ cảm thấy… tiếc hùi hụi!

Cuộc đời không phải lúc nào cũng êm như đi trên thảm lụa. Cuộc đời không chỉ gập ghềnh với những ổ gà, ổ voi, mà còn phải leo đồi, vượt núi, băng ngàn, lướt sóng. Ôi thôi, đủ thứ gian nan! Tabor là nơi nếm vị hạnh phúc, nhưng không thể ở mãi đó, mà phải tiếp tục leo cho tới đỉnh Can-vê sầu thảm, đầy vết máu loang lổ! Chúa Giêsu đã nhắc nhở nhiều lần, chẳng lẽ không nghe? Mưa dầm thấm sâu. Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Chúa Giêsu đã nói và làm gương rồi đấy!

Thứ năm (Mt 26:26-29; Mc 14:22-25; Lc 22 19-20; 1Cr 11:23-25) – Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cầu xin ơn siêng năng lãnh nhận Thánh Thể.

Trong bữa ăn mừng Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”. Rồi Ngài nói như lời trăn trối: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy”.

Bí tích Thánh Thể là bí tích thứ ba trong các bí tích khai tâm (Thánh Tẩy và Thêm Sức, và Thánh Thể). Mặc dù chúng ta phải giữ luật rước lễ mỗi năm ít nhất 1 lần (luật buộc, nhiệm vụ mùa Phục Sinh), và Giáo hội khuyến khích chúng ta thường xuyên rước lễ (nên rước lễ hằng ngày, nếu có thể). Rước lễ là tiếp nhận Thánh Thể để được sống dồi dào nhờ Sự Sống của Đức Kitô.

Khi rước lễ, chúng ta ăn chính Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô, nếu không thì chúng ta sẽ “không có sự sống nơi mình” (Ga 6:53). Tiếp nhận Thánh Thể là được tiếp thêm sức mạnh, cả phần hồn và phần xác. Tuy nhiên, chúng ta hãy ghi nhớ lời căn dặn, cũng là lời cảnh báo, của Thánh Phaolô: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11:27-29). Đón nhận Thánh Thể một cách bất xứng là tự chuốc lấy án phạt.

VĨ NGÔN

Kinh Mân Côi là “bản tóm lược” của Kinh Thánh. Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi là suy niệm Tin Mừng. Kính chào Đức Mẹ để Mẹ dẫn tới gặp Con Yêu Dấu của Mẹ: Per Maria ad Jesum – Nhờ Mẹ đến với Chúa Giêsu.

Một vị thánh đã có cách nhận định tuyệt vời: “Chúng ta chào mừng Đức Mẹ bằng Kinh Kính Mừng thì Đức Mẹ sẽ chào đón chúng ta bằng ơn phúc”. Đức Mẹ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhạc sĩ và thi sĩ, và họ cũng vui mừng kính chào Đức Mẹ: “Ave Maria”.

Về thơ, chúng ta có “Ave Maria” của thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912- 1940, tên thật là Phanxicô Nguyễn Trọng Trí):

Maria, linh hồn con ớn lạnh

Run như run thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến

…….

Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel!

Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?

Người có nghe náo động cả muôn trời?

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời?

Về nhạc, chúng ta có “Ave Maria” của nhà soạn nhạc Charles-François Gounod (1818-1893, người Pháp), “Ave Maria” của nhà soạn nhạc Franz Peter Schubert (1787-1828, người Áo), và “Ave Maria” của Lm Ns Vinh Hạnh (1931-1966, tên thật là Giuse Trần Phúc Hạnh): “Ave Maria con dâng lời chào Mẹ. Ave Maria con dâng lời chào Mẹ. Khi tàn màu nắng chiều, và khi sương đêm nặng gieo, con say sưa lời ca chào: Ave Maria!… Ave Maria con dâng lời chào Mẹ. Ave Maria con dâng lời chào Mẹ. Khi trời gặp nắng hồng bình minh êm vui trời đông. Con hân hoan lời ca mừng: Ave Maria!…”.

Tháng Mười, Tháng Mân Côi, chúng ta cùng dâng lên Đức Mẹ lòng chân thành yêu mến: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

 

TRẦM THIÊN THU

Tháng Mười – 2015

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment