- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Sự và Lý của Kinh Mân Côi

          Có thể nói Kinh Mân Côi là đặc  trưng của Đạo Công giáo và Đức Mẹ đã sử dụng Kinh này để cứu thế giới “ Xem ra không thể nghi ngờ được rằng ngày nay Đức Mẹ  muốn dùng chính Kinh Mân Côi để cứu chúng ta và đổ tràn đầy Ơn Thánh cho chúng ta. Thật thế chúng ta hãy nghĩ xem, không phải tình cờ mà Mẹ Maria Rất Thánh muốn tự giới thiệu mình ở  Fatima với tước hiệu “ Đức Bà Mân Côi”. Chúng ta thấy các điều quan trọng nhất đối với thời đại chúng ta được gắn liền với Kinh Mân Côi. Có ai hỏi tại sao mỗi ngày phải lần nhiều tràng hạt Mân Côi như vậy thì cha Pio thành Pietrelcina trả lời “ Nếu Trinh Nữ Thánh đã luôn luôn nồng nhiệt xin chúng ta lần hạt Mân Côi ở bất cứ nơi đâu Mẹ hiện ra thì con lại không  nhận thấy là có một lý do đặc biệt hay sao ? Và chị Lucia thành Fatima  bảo đảm với chúng ta rằng trong thế giới khốn khổ này. Nếu tất cả mọi người lần hạt Mân Côi mỗi ngày  thì Đức Mẹ sẽ có được các phép lạ” ( Nguồn Conggiao. Info – 6/9/2013 – Linh Tiến Khải – Tình Yêu của các Thánh đối với Kinh Mân Côi )

          Lý do đặc biệt nào đã khiến Đức Mẹ  khuyên nhủ con cái mình phải siêng năng lần hạt  mỗi ngày ?  Đó là vì  mục đích của kinh nguyện này được ban ra là để đối trị lại với  duy lý. Thật vậy chúng ta biết nguồn gốc Kinh Mân Côi là do Đức Mẹ đã truyền trao cho Thánh Đa Minh  vào thế kỷ XII để chống trả lại bè phái lạc giáo  Albigense. Hầu hết các lạc giáo  đều do bởi ảnh hưởng của Duy Lý để chống phá Đạo Công giáo. Sự chống phá ấy nổi lên mạnh nhất  trong thế kỷ 18 còn được mệnh danh là  thế kỷ…Ánh Sáng do nhóm Bách Khoa ( Encyclopedistes ) khởi xướng với những tên tuổi lớn như Diderot, Volaire, Montesquieux v.v…Trong cuộc cách mạng Pháp  1789 một tôn giáo mới đã được thành lập để thờ thần Lý Trí và Thánh đường Notre Dame ( Paris ) được đổi thành đền thờ Thần Lý Trí !!!

          Ảnh hưởng của thuyết Duy Lý ngày càng mạnh mẽ và con đẻ của nó chính là phong trào Tục Hóa đã và đang lan tràn  ngay cả trong Giáo Hội hiện nay. Tục Hóa cũng  tức là Giải Thiêng ( desacralisation ) có nghĩa cần cởi bỏ tất cả n hững gì là Thánh thiêng để chỉ còn là  cõi đời duy vật này thôi.Chính vì tính chất Giải Thiêng ấy mà việc cầu nguyện nói chung và cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi nói riêng chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Một đàng Đức Mẹ truyền dạy phải siêng năng lần hạt thì người ta  lại…biến cải Kinh này  thành một thứ suy niệm thần học hoàn toàn không thể áp dụng trong thực tế và như vậy thật là vô bổ.

          Với Kinh Mân Côi truyền thống thì khởi đầu là Ngắm, tiếp đó là Kinh Lạy Cha, mười Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và lời than Phatima….Từ xa xưa tín hữu chúng ta  dù cùng với cộng đoàn hay khi ở một mình đều tuân thủ theo thứ tự đó mà thực hành. Thế nhưng ngày nay người ta đã đề nghị nhiều cách  đọc khác chẳng hạn:

          Bắt đầu  làm dấu Thánh Giá và đọc kinh Tin Kính. 2- Đọc Kinh Lạy Cha. 3- Đọc 3 Kinh Kính Mừng. 4- Đọc Kinh Sáng Danh ( Xem Congiao. Info – Cách thực hành Kinh MC ).

          Hình thức là để chuyên chở nội dung. Ngược lại nội dung quyết định cho hình thức. Kinh Mân Côi truyền thống với  cấu trúc đặc biệt của nó  có mục đích là để cho ta từ bỏ ý riêng hầu thực thi Thánh Ý Chúa. Trái lại với những …biến cải như đang thấy,  đó chỉ là do nơi ảnh hưởng  của duy lý đưa đến sự …suy niệm chứ hoàn toàn không phải là sống Lời Chúa.

          Cũng do bởi cái sự…suy ấy mà người ta đã đưa ra những cách…đọc  Kinh Mân Côi mang tính chất ….cảm tính thế này “ Ta hãy khơi dậy những cảm tình cao đẹp từ mầu nhiệm đang suy để tạo những mối dây thân tình bằng hữu với các nhân vật trong đó. Về ý chí và hành động, điều kiện tiên quyết cũng như mọi việc thờ phượng khác là phải biết vận dụng ý chí để lựa chọn, quyết định và hành động trong cuộc sống hàng ngày sao cho phù hợp với Lời Chúa”

          Kinh Mân Côi được Đức Mẹ truyền dạy tuy đơn sơ bất cứ ai ai dù  thông minh  trí thức hay ngu dốt thất học  đều có thể thực hành nhưng lại là  mầu nhiệm lớn lao  đem lại ơn ích  không xiết kể. Để nhận lãnh những ơn ích ấy chúng ta chỉ cần tin tưởng cố gắng thực hành. Thế nhưng với những cách …canh tân ngày nay, người ta đã làm cho việc thực hành thành ra bất khả. “Trước hết hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn giúp sức  để có thể thông hiệp vào việc lần chuỗi MC cách thánh thiện. Sau đó  thầm thĩ một phút  và đặt mình trước Nhan Thánh Chúa. Rồi trước khi bắt đầu mỗi chục kinh, ngừng lại một lúc lâu mau  tùy nghi có thể để nhìn ngắm Chúa Giê Su và Mẹ Maria trong mầu nhiệm Mân Côi mà ta sẽ kính nhớ” ( Nguồn: mancoichihoa. Com.18/4/2017 – Phương pháp thực hành Kinh MC ).

            Kinh Mân Côi nói riêng và kinh nguyện nói chung một khi  đã biến thành suy niệm  thì  chẳng khác nào  không ăn cơm, ăn bánh để cho nó no cái bụng  mà cứ ngồi đó để…suy về cơm về bánh. Suy về cơm về bánh  dù có suy hết ngày này tháng khác  mà chẳng chịu ăn thì …no sao được ?

          Phải ăn mới no, không ăn thì không thể no. Đối với việc cầu nguyện cũng thế, không cầu không  nguyện  thì làm sao  được Chúa nhậm lời ? Có siêng năng lần chuỗi thì mới  có thể nhận lãnh được những  ơn lành mà Đức Mẹ  đã hứa và ơn lành lớn lao nhất  đó là  sau khi chết sẽ được  về hưởng Nhan Thánh Chúa trên Nước Thiên Đàng đời đời “ Những con cái nào thành tâm với Kinh Mân Côi của Mẹ thì sẽ được  thừa hưởng vinh quang trên Thiên Đàng” ( Lời hứa thứ 10 ).

            Để có thể có được sự thành tâm như Đức Mẹ nói thì trước hết cần phải tin có Nước Thiên Đàng và  thể hiện lòng tin ấy ra bằng việc  làm tức siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Mặt khác cũng chính vì  tin và lòng ước nguyện Thiên Đàng  ấy mới khiến chúng ta  cố gắng thực hành Kinh Mân Côi. Ngược lại không tin, không ước nguyện thì  đâu cần lần chuỗi Mân Côi làm  gì ?. Chẳng những thế việc lần hạt còn bị giới trí thức…nửa mùa ra mặt chê bai cho đó là loại sống đạo nhà quê dốt nát chẳng  biết …suy biết nghĩ  gì cả !!!

          Mặc dầu vậy hiển nhiên sự phê phán Kinh Mân Côi cũng phải có  nguyên nhân của nó  và nguyên nhân ấy chính là vì  con người ngày nay đã đánh mất đức tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một khi Thiên Chúa không hiện hữu thì tất nhiên cũng chẳng có Thiên Đàng, Hỏa Ngục  cùng sự thưởng phạt  đời đời.

          Kinh Mân Côi rất dễ thực hành và đem lại vô vàn ơn phúc. Thế nhưng lại là lời chúc dữ cho những kẻ nào chê bai khinh miệt nó. Thánh Maria Grignon de Monfort  đã mạnh dạn quả quyết = Những kẻ hư thân mất nết thường là kẻ khinh miệt việc đọc kinh Mân Côi. Ngược lại ai có dấu hiệu nên Thánh đều là những người có lòng mộ mến Kinh Mân Côi” ( Nguồn Đa Minh Cao Tấn Tĩnh – Bí Mật Kinh Mân Côi ).

          Trong thời Tục Hóa cao độ này đức tin hầu như đã biến mất và như thế Kinh Mân Côi cũng  chẳng còn chỗ đứng. Để có thể vực dậy đức tin Công giáo thì nhất định cần khôi phục lại Kinh Mân Côi  truyền thống của Đức Mẹ. Tuy nhiên để khôi phục thì chúng ta không thể không biết đến Sự và Lý của kinh  nguyện này. Sự tức chỉ cần  cố gắng siêng năng mà không cần biết đến  cái lý  tại sao của  nó. Còn Lý  tức là biết rõ lý do  và kết quả  tất nhiên  của việc lần hạt. Dẫu vậy,  dù là Sự hay Lý thì cũng phải thực hành trong  tính chất nhất tâm. Sự được ví như  đôi chân còn Lý thì ví như cái đầu. Có chân mà không có  đàu  thì bước đi mà chẳng biết đi đâu ắt sẽ không khỏi lạc đường, sa hầm sụp hố. Trái lại có đầu mà chân bị liệt thì chẳng thể bước đi một bước. Bởi đó cho nên Sự và Lý cần phải hoàn mãn ( viên dung ) cho nhau mới có kết quả.

 

I/.  Sự Nhất Tâm

          Các Thánh hết lời ca tụng Kinh Mân Côi cho  đó là phương thế sống đạo bảo đảm nhất. Thánh Teresa HĐ Giê Su ví Chuỗi MC  như sợi giây nối trời với đất “ Theo một bức hình duyên dáng, nó là một dây xích dài nối liền trời với đất, một đầu dây xích ở trong tay chúng ta và đầu kia ở trong tay Trinh Nữ Rất Thánh. Kinh Mân Côi bay lên như hương trầm tới chân Thiên Chúa Toàn Năng. Mẹ Maria gửi lại ngay như một trận mưa ơn phước giúp tái sanh các con tim” ( Nguồn: Cùng Mẹ Đồng Hành – Linh Tiến Khải – Kinh MC trong cuộc đời các Thánh ).

          Mỗi khi lần hạt là chúng ta nắm chắc một đầu  sợi giây bên này còn đầu bên kia  chính là Đức Mẹ. Nói cách khác  Đức Mẹ là Đấng bảo đảm phần rỗi cho những ai siêng năng lần hạt. Cần siêng năng trung thành với việc lần hạt. Thế nhưng để có thể có được sự trung thành này thì  nhất thiết cần có ba điều kiện. Một là lòng tin chắc vào sự hiện hữu của Thiên Đàng. Hai là  thiết tha ước nguyện về đó và ba là  cố gắng siêng năng lần hạt mỗi ngày.

          Tín – Nguyện – Hạnh  được ví như chiếc kiềng ba chân. Bỏ đi một chân nào thì ắt kiềng sẽ đổ chỏng. Tin có Nước Thiên Đàng  mà không có lòng ước nguyện về đó thì lòng tin ấy không thật. Lại nữa có lòng tin có ước nguyện mà không thực hành  thì chẳng bao giờ có thể đến được nơi mình muốn đến.

          Phân tích việc cầu nguyện ta thấy  có hai yếu tố. Một là Cầu hai là Nguyện. Chỉ có  cầu xin ơn này ơn kia cho mình cho gia đình mình mà không ước nguyện được về Thiên Đàng  thì lời cầu ấy không đúng Ý Chúa. Tại sao ? Bởi vì Đức Ki Tô  từ trời xuống thế  chịu nạn chịu chết chỉ có một mục đích là để đem chúng ta về Thiên Đàng “ Lòng các ngươi đừng bối rối, đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ bằng chẳng vậy Ta đã nói với các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ và khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi  thì Ta sẽ trở lại  tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).

          Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta một chỗ  là Nước Thiên Đàng. Còn về phần mình lẽ ra chúng ta  cũng phải có lòng ước ao được về đó  mới hợp với Đại Nguyện Cứu Độ của Ngài.  Thế nhưng sự thực thì con người  đã  đang tâm từ chối. Tại sao vậy ?  Đó là vì  chúng ta đã bị vô minh che lấp không thể nhận biết con đường về.

          Không biết con đường về, chết rồi không biết đi đâu thì ắt sẽ không khỏi sa đọa vào các con đường dữ ác ( ác đạo ). Chuỗi Mân Côi như Thánh Teresa HĐ Giê Su nói  đó là sợi giây nối chúng ta với Đức Mẹ chính là Cửa Thiên Đàng. Có đường giây rồi chúng ta chỉ cần nắm chắc lấy và lần từng hạt để về Quê Trời mà lòng chúng ta hằng ao ước, đấy chẳng phải là hạnh phúc lắm sao ?

          Chuỗi Mân Côi là sợi giây dẫn đưa ta về Thiên Đàng cần nắm chắc lây. Thế nhưng khi lần chuỗi không ai lại không chia lòng chia trí và mỗi khi chia trí như thế là chúng ta đã bị cám dỗ hướng chiều về thế gian. Hướng  về thế gian tất sẽ bị thế gian dẫn dắt. Ngược lại biết cầm lòng cầm trí trở lại  với  Lời Chúa trong từng lời kinh  thì sẽ được Chúa dẫn đưa bởi vì Lời Chúa là đường soi dẫn con đi ( Tv       )

          Cầu nguyện trong sự nhất tâm đó chính là cầm lòng cầm trí trong từng mỗi hạt của Kinh Mân Côi.

 

II/-  Lý Nhất Tâm

          Kinh Mân Côi đã bị chê trách ở chỗ sao cứ lập đi lập lại mãi một Kinh Kính Mừng. Sở dĩ có sự chê trách đó là vì người ta không biết đến mục đích của Kinh Mân Côi  như đã nói là để đối trị lại duy lý tức là Tâm Phân Biệt. Do bởi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ  nên Tâm con người luôn hướng chiều nơi ngoại vật để tìm cầu và sự tìm cầu ấy đã làm cho ta  mất đi  Tâm Vô Phân Biệt cũng là Đấng Chúa là Cha  ở nơi mỗi người.

          Tôn giáo  tức con đường thực hiện tâm linh chỉ có một mục đích đó là trở về bằng  sự nhất tâm. “ Có luật sư hỏi thử Chúa Giê Su : Thưa Thầy trong luật pháp, giới răn nào là trọng nhất. Chúa đáp: Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết ý chí mà thương yêu Chúa là ĐCT ngươi. Ấy là điều răn lớn hơn và đầu nhất” ( Mt 22, 35 -38 ).

          Chúng ta chỉ có thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết ý chí…một khi Thiên Chúa là Đấng nội tại ở trong ta. Bằng như nếu Thiên Chúa lại ở…ngoài ta thì làm sao và cần chi phải yêu ? Thiên Chúa là Đấng nội tại và chính vì tính chất nội tại ấy  mà ngoài Đức Ki Tô và những ai Ngài  muốn mạc khải  mới có thể …biết Cha “  Lúc ấy Chúa Giê Su nói: Cha ơi ! Cha là Chúa Trời Đất. Con cảm tạ Cha đã giấu điều này với những kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ. Phải, Cha ơi vì như vậy là đẹp lòng Cha. Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con  cũng như ngoài Con  và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Mt 11, 25 -27 ).

          Con trẻ ở đây ám chỉ những người dễ tin dễ nhận. Trái lại những kẻ khôn ngoan thông thái thì do chấp vào những kiến thức sở học này nọ nên không thể mở lòng ra để chấp nhận chân lý. Nhận ra như thế để cho thấy Kinh Mân Côi  chỉ có  thể được những người thành tâm đơn sơ  hoan hỷ tiếp nhận. Trái lại  đối với giới  có học  thì Kinh Mân Côi không đáng để cho họ tìm hiểu còn nói chi đến thực hành.

           Bất cứ việc gì dù là đời hay đạo có thực hành mới có kết quả, đối với Kinh Mân Côi cũng vậy có chăm chỉ thực hành mới thấy được giá trị của nó. Tuy nhiên trong việc thực hành này chúng ta cũng cần tìm ra cái Lý  của nó chính là để trở về bằng cách lắng nghe Tiếng Chúa ở nơi chính mình ( Phản Văn Văn Tự Tánh ).

          Kinh Mân Côi còn có nhiều tên gọi khác = Mai Khôi, Môi Khôi và Văn Côi. Văn là nghe, phản văn là xoay cái nghe trở vào bên trong. Chẳng phải vô tình  mà có tên Văn Côi nếu chúng ta nhận ra rằng Kinh Mân Côi chính là một phương pháp tu tập hữu hiệu để lắng nghe Tiếng Chúa ( Lời Chúa ) ở nơi mình. Tự chung có ba cách nghe. Một là nghe để phân biệt tiếng trầm tiếng bổng tiếng sóng êm ả hay ầm ào, tiếng gió vi vu hay thét gào, nghe để phân biệt lời khen hay  tiếng chê v.v…Cách nghe thứ hai là nghe mà không nghe. Đây là cách nghe của hàng nhị thừa Thanh Văn. Họ chủ trương ngăn ngừa nhĩ căn tiếp xúc với các âm thanh bên ngoài ( Thanh Trần ) . Do không nghe để phân biệt như thế  nên họ không khởi  tâm  yêu ghét lấy bỏ  và tất nhiên như thế sẽ không tạo nghiệp ác để khỏi khổ đau. Cách nghe thứ ba là nghe như không nghe mà lại nghe như thật. Cách nghe này là của hàng Đại Thừa xuất thế gian. Nghe như không nghe nghĩa là  có nghe đó nhưng không bám chấp vào âm thanh lời nói

          Đối với việc thực hành Kinh Mân Côi thì nghe như thật có nghĩa là  chỉ nghe Lời Chúa  chứ  không nghe  tiếng bên ngoài. Ví dụ như khi  đang ngồi trong nhà thờ cùng với cộng đoàn lần hạt bỗng có mấy con chim sẻ nhảy nhót trên gian  Cung Thánh  kêu chíp chíp rộn rã. Đúng là ta có nghe đấy  nhưng không dõi theo tiếng chim để bị chia lòng chia trí. Trái lại nghe tiếng chim ( Thanh Trần ) mà bị chia trí phân biệt này nọ đó là ta đã không nghe Lời Chúa như thật.

          Nếu cứ chia lòng chia trí trong khi đọc kinh lần hạt, ta sẽ quên hẳn việc đọc kinh. Đang khi đó Kinh là Lời Chúa. Quên đọc kinh tức là  đã quên mất Chúa đang hiện hữu ở trong ta. Tuy nhiên khi bị chia trí mà biết mau chóng quay về với  từng lời kinh tức là ta đã trở về với Chúa.

          Việc trở về này không phải chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian không gian nào đó nhưng phải trong suốt cả cuộc đời những khi cùng với cộng đoàn hay khi ở một mình. Cả những khi mạnh khỏe hay lúc ốm đau liệt lào….Trở về với Chúa  sẽ  gặp được Chúa bởi vì đó chính là  ước nguyện  lớn lao  của Ngài “ Cha ơi !  Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã ban cho Con cũng sẽ ở đó với Con để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con là vinh hiển mà Cha đã ban cho Con vì từ buổi sáng thế Cha đã yêu thương Con” ( Ga 17, 24 ).

          Được ở cùng Chúa đó phải là ước nguyện vô cùng thiết tha của những người theo Chúa. Thế nhưng để đạt  nguyện ước đó mỗi người trong chúng ta cần …bám chặt vào chuỗi Mân Côi  bởi không những Đức Mẹ chỉ đón đợi ở đâu giây bên kia mà còn có mặt trong từng lời Kinh Kính Mừng  chúng ta cung kính xưng tụng  hàng ngày./. 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]