- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Năm Mầu Nhiệm Sự Sáng

Chúa Giêsu chịu phép rửa

Thứ nhất thì ngắm : Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

(Mt 3,13- ) Bấy giờ, Chúa Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao!”

Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ để như thế. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và này có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta rất hài lòng về Người.”

Ơn lạ Mẹ ban:

Mười hai tuổi, 40 lần mổ

Người ta kể: Có một em bé tên là Nancy mới 12 tuổi mà bị mổ 40 lần. Những lúc tỉnh táo bé luôn vui và làm cho người chung quanh vui chứ không thất vọng.

Bé được rửa tội làm con Chúa lúc lên 9 tuổi. Bé nhận tên là Nancy Maria, vì bé nói: “Con muốn được nên giống Đức Mẹ Maria đồng trinh bao nhiêu có thể ngay khi con còn sống”. Vì vậy bé can đảm vô bờ, và vui chấp nhận thánh giá đau khổ như Đức Mẹ. Trong giấc ngủ, bé sờ soạng để tìm chuỗi tràng hạt hộ thân ở bên gối đầu. Nửa ngủ nửa mơ, bé bé lần hạt, môi mấp máy lời kinh Kính mừng, trong khi những giọt máu từ từ lăn qua ống nhựa chảy xuống.

Bé nói với mẹ: “Chúa Giêsu xưa bị đóng đinh trên thánh giá, còn con bị đóng đinh trên giường bệnh”

Trả lời bức thư cho một thiếu nhi ở Âu châu gửi cho bé, hỏi về bí thuật chịu đau khổ, bé nhờ mẹ viết như sau: “Nói cho anh ta biết rằng, con có nhiều điều để hạnh phúc, mỗi lần con muốn buồn vì đời mình bệnh tật, con nhớ đến Mẹ Maria. Mẹ đã đau khổ biết bao khi còn tại thế. Chẳng ai phải đau khổ như Mẹ, nhưng Người không than khóc số phận mình. Con mến Mẹ Maria lắm, và con muốn nên giống Mẹ Maria hết sức. Con nghĩ Chúa Giêsu đã yêu Mẹ Maria lắm, vì Mẹ chẳng bao giờ than vãn với ai về chuyện gì cả”.

Hai năm sau, bé được mẹ đi thăm Lộ đức, nơi Đức Mẹ hiện ra, bé nói: Con không xin Đức Mẹ chữa bệnh cho con, con chỉ xin ơn chấp nhận Thánh Ý Chúa.

Bé đã sống với Đức Mẹ bằng sự sùng kính Kinh Mân côi và sự khiêm tốn vâng theo Thánh Ý Chúa.

Lm. Đoàn Quang, CMC

Chúa Giêsu dự tiệc cưới

Thứ hai thì ngắm : Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana.

Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

(Ga 2,1- ) Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Chúa Giêsu. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.

Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.”

Chúa Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến.”

Mẹ Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo.”

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Dothái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.

Chúa Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng.

Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ.”

Ơn lạ Mẹ ban:

Cưới cho được người lần ba chuỗi mỗi ngày

Tại Giáo phận Huế có khá nhiều ông bà đạo đức đã đào tạo được ba linh mục mỗi gia đình, trong số đó có song thân cha T.

Khi hai ông bà đến ở gần nhà thờ Tây Lộc Huế vào thập niên 1950, thiên hạ bàn tán nhiều về việc sùng kính Kinh Mân Côi của hai bô lão đó: Mỗi ngày đêm lần 150 chuỗi Mân Côi.

Có nhiều lần, hai ông bà đi vắng, kẻ trộm đến rình ban đêm và nghe trong nhà vang lên liên miên những tiếng thanh tao, dịu dàng như tiếng nhạc thiên cung: Trong nhà đang lần hạt Mân Côi có hai phe nam nữ. Thế là bọn gian manh tiu nghỉu trở về, buồn phiền không làm được những mẻ lớn như họ đã rắp tâm khi khởi hành.

Sự tưng hửng nặng nề được bàn tán và hạch hỏi giữa bọn lưu manh. Tên thứ nhất:

-Sao mi bảo cả nhà đi vắng, đi vắng thì ai mà tụng kinh rang cả đêm như rứa?

Tên thứ hai đáp:

-Tau gặp hai ông bà trên xe buýt Tập Lộc-Ðông Ba, họ bảo là đi thăm 3 người con làm cha sở ở 3 họ đạo khác nhau.

Tên thứ ba giải thích:

-Nghe nói bên đạo,họ tụng cái Kinh Kính Mừng kính vui gì đó linh thiêng lắm. Biết đâu 2 ông bà thường tụng niệm Kinh đó, hay họ đi vắng và các vị thần linh xuống tụng niệm thế cho họ.

Bọn kẻ trộm gợi ý cho tôi: có mấy đêm tôi cũng đến rình chung quanh nhà song thân cha T., rình để nghe hư thật thế nào về chuyện thần thánh xuống lần hạt và đồng thời gián tiếp giữ nhà cho 2 ông bà.

Quả thật, tôi thấy trong nhà đèn sáng trưng mà không thấy người và cũng nghe cả tiếng cầu Kinh Mân Côi, nghe cả bài ca của Huyền Linh: Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ.

Lúc đầu tôi sửng sốt, tôi kinh ngạc, nhưng hồi tâm lại và lẩn thẩn về nhà, bụng bảo dạ: “Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Trời, có gì mà Ngài làm chẳng được.”

Nghĩ vậy, nhưng tôi cũng tìm gặp cho được song thân cha T.

Lúc đó, ông bà cụ đang nhổ cỏ trong vườn cam. Tôi tò mò nhìn mấy cụm cỏ cú, mỗi cũm 10 cây, và đoán: hai ông bà vừa làm việc vừa lần hạt, cứ mỗi Kinh Ave là dồn lại một cây cỏ mà các thầy lang gọi là hương phụ: Tôi kính cẩn hỏi thăm:

-Thưa hai cố, người ta đồn hai bác mỗi ngày lần 150 chuỗi Mân Côi phải không?

Ông cố vuốt bộ râu dài trắng, mỉm cười, lắc đầu:

-Làm gì có.

Tôi năn nỉ vặn hỏi, ông cố mới nhận:

-. . .À mà 50 chuỗi, thỉnh thoảng có, còn 30 chuỗi là mức trung bình. Mà đâu đã lần được cả đời! Thật tiếc. . . Nghĩa là chúng tôi mới lần được 30 chuỗi, sau khi cha T. là cha thứ ba được thụ phong, để tạ ơn Trên và cầu nguyện cho ba người con đó.

Ông cụ thêm:

-Nói ra để cám ơn Mẹ: Hồi nhỏ, tôi có thói quen lần 3 chuỗi mỗi ngày và cũng có ý ngồ ngộ là nguyện trong lòng: tìm ra được cô nào có thói quen như tôi, là lần 3 chuỗi ngày, tôi sẽ cưới cho được để làm vợ. Sau 3, 4 năm tìm kiếm, người ta giới thiệu cho tôi cái cô miền núi Sơn Quả đó.

Ông cố âu yếm liếc nhìn bà cố tiếp:

-‘Tôi dám quả quyết với anh: chắc Ðức Mẹ đã hằng ngày đếm 3 chuỗi của mỗi đứa chúng tôi, là những kẻ tội lỗi và nghèo hèn, và đã quảng đại ban cho 3 linh mục như anh biết đó. . .

Lm. Đoàn Quang, CMC

Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời

Thứ ba thì ngắm : Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối.

Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng

(Mc 1,14- ) Sau khi ông Gioan bị nộp, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Ơn lạ Mẹ ban

Một đại úy bay qua đường

Khi chúng ta cầu nguyện với Mẹ Maria là hiền mẫu, không những Ngài giúp ta hối cải trở về với Chúa, mà còn tránh cho ta những sự nguy hiểm làm ta tái phạm. Câu truyện lý thú sau đây minh chứng điều đó.

Trong tác phẩm Người Giáo hữu Thông thái, linh mục Segneri kể:

Ở Rôma có một thanh niên, đầy tôi lỗi và nô lệ những tập quán xấu xa. Ngày kia, đến xưng tội với cha Nicola Zucchi. Ngài tiếp chàng với lòng từ ái, và cảm thông thảm trạng của chàng. Ngài quyết chắc lòng tôn sùng Ðức Mẹ có thể cứu chàng khỏi tật xấu ấy. Bởi vậy, ngài ra việc đền tội: đọc một Kinh Kính Mừng khi thức dậy, trước khi ngủ và dâng con mắt, tay chân và toàn thân cho Mẹ để xin Ngài gìn giữ như là sở hữu của Ngài, cuối cùng là hôn đất 3 lần.

Hối nhân làm đầy đủ việc đền tội, lúc đầu không thấy hiệu quả lắm. Nhưng cha giải tội buộc chàng không bao giờ bỏ, khuyên chàng can đảm và tin mạnh vào sự che chở của Ðức Trinh Nữ.

Trong thời gian kế tiếp, chàng với một số bạn hữu cùng rời Rôma chu du khắp thiên hạ.

Khi về, chàng đến trình diện cha giải tội. Ngài sung sướng và sửng sốt thấy chàng hoàn toàn thay đổi cùng lánh hẳn tật xấu.

Ngài hỏi: “Con làm thế nào mà được Chúa cho thay đổi lạ lùng như vậy?”

Chàng thưa: “Chính nhờ Ðức Trinh Nữ mà con được ơn ấy. Ngài thưởng con đã đọc kinh Kính mừng như cha đã dạy.”

Thừa thắng xông lên. Cha giải tội lên tòa giảng, trình bày sự linh nghiệm của Kinh “Kính mừng”.

Trong số thính giả có một đại úy, đã lâu sống bê bối. Viên sĩ quan liền đem ra áp dụng, quyết bứt dây ràng buộc đương sự trong nô lệ ma quỉ. Nhờ việc đạo đức nhỏ mọn đó, viên sĩ quan áp đảo được mối đam mê của mình và đổi đời.

Sau nửa năm, anh chàng, quá cậy sức mình, đã nghĩ : ta phải đến xem người đồng phạm cũ có hối cải không. Nhưng khi đến nhà bà ta tức là liều mình có thể tái phạm, chàng cảm thấy một sức vô hình tóm cổ đưa chàng qua đường bên kia, rồi để chàng trước nhà mình.

Thế là chàng hiểu rõ Ðức Trinh Nữ đã dứt chàng ra khỏi sự hư mất.

Lm. Đoàn Quang, CMC

Chúa Giêsu biến hình

Thứ bốn thì ngắm : Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi.

Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

(Mc 9,2- ) Sáu ngày sau, Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.

Ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu.

Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Chúa Giêsu với các ông mà thôi.

Ơn lạ Mẹ ban:

Người Do thái trở lại đạo Chúa Kitô

Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen lúc còn là Giám Mục phụ tá ở New York có kể lại một câu chuyện sau đây:

“Tôi biết một người Do thái, trong thế chiến thứ hai phải ẩn nấp trong một hố với bốn binh sĩ người Áo để tránh bom. Bom nổ văng mảnh ra tứ phía. Bốn người lính đồng ngũ của người Do thái ấy bị trúng mảnh bom và tử thương. Bấy giờ, người lính Do thái ấy mới cầm lấy tràng chuỗi Mân côi của một trong bốn bạn đồng ngũ và bắt đầu đọc kinh. Anh ta thuộc lòng vì đã nghe các bạn anh đọc nhiều lần. Sau khi lần xong chục thứ nhất, người lính Do thái cảm thấy phải rời hố anh đang nấp để bò sang một hố khác. Anh liền thi hành ngay ý định đó, trườn qua bùn dơ bẩn, nhào xuống một hố khác. Vừa lúc đó thì một quả bom rơi trúng hố mà anh vừa rời khỏi. Cứ sau mỗi chục kinh Kính mừng, anh lại cảm thấy phải đổi hố để tránh bom, và mỗi lần như thế, anh lại thoát chết, vì đạn rơi đúng ngay hố anh vừa rời khỏi. Sau khi được thoát chết mấy lần như thế, người lính Do thái thầm hứa sẽ dâng hiến cuộc đời để phụng sự Chúa và Mẹ của Ngài. Sau chiến tranh, anh ta khám phá ra sự thật đau đớn: Toàn gia đình anh đã bị Hitler tàn sát và đốt thành tro, nhưng anh vẫn giữ lời hứa.”

Và Đức Cha Fulton Sheen kết luận: “Năm ngoái, chính tôi đã rửa tội cho người lính Do thái đó và nay anh đang học để chuẩn bị chịu chức linh mục.”

Lm. Đoàn Quang, CMC

Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể

Thứ năm thì ngắm : Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể.

Ta hãy xin cho được siêng năng dự lễ và rước Mình Máu Thánh Người.

(Mc 14,22- ) Cũng đang bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”.

Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.

Hát thánh vịnh xong, Chúa Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu.

Ơn lạ Mẹ ban:

Cỗ tràng hạt của tôi

Một người tín hữu, ông Francois Vaudelnay, có kể lại câu chuyện sau đây:

Dạo đó, tôi đang nghỉ mát tại Arcachon (Nước Pháp). Một hôm, tôi thuê một chiếc ca-nô và cùng một người thủy thủ cho chạy ở trong vịnh. Tình cờ, trong lúc rút khăn từ trong túi ra, tôi đánh rớt cỗ tràng hạt mà mẹ tôi đã bỏ trong đó lúc sửa soạn đồ đạc cho tôi. Người thủy thủ già nhìn thấy, bảo:

-Kìa, hình như cậu đánh rớt cái gì đó!

Tôi ngượng ngùng, vội vàng nhét cỗ tràng hạt vào túi, liếc mắt nhìn ông ta, chỉ sợ ông ta chê cười: Năm đó tôi 16 tuổi. Lớn rồi mà còn mang một thứ đồ đạo đức của tụi con gái ! Nhưng người thủy thủ mỉm cười nói:

-Cỗ tràng hạt đẹp quá! Nhưng nó bằng hạt trai, dễ vỡ lắm! Không chắc và bền như cỗ tràng hạt của tôi!

Rồi ông ta rút ra từ trong túi áo trên một cỗ tràng hạt cũ kỹ, các hạt mầu đen đã phai mầu, sợi giây hoen rỉ và có chỗ đứt, được nối bằng sợi chỉ. Trên cỗ tràng hạt có mắc 4, 5 mẫu ảnh và một tượng thánh giá bằng kền. Ông ta trịnh trọng giơ ra cho tôi xem và nói:

-Chà! sợi giây đã rỉ hết, vì không khí nước biển; vả lại cũng vì tay tôi xù xì, không được mịn màng như tay cậu. Nhưng tôi nhất định không đổi nó cho ai, dù để lấy một cỗ tràng hạt bằng vàng hay bằng bạc, bởi vì lúc đó sẽ không còn phải là “Cỗ tràng hạt của tôi” nữa! Cỗ tràng hạt này, tôi có từ 34 năm nay, lúc rước lễ lần đầu. Quà của mẹ tôi đó. Tôi quen thuộc từng hạt một…Mỗi lần đau ốm, mẹ tôi lại mượn của tôi. Mẹ tôi thích thế, và lúc hấp hối, mẹ tôi cũng cầm nó ở trong tay! Biết bao nhiêu kỷ niệm trong cỗ tràng hạt này…Đây, cậu thấy không, tượng thánh giá xinh xinh này là của vợ tôi mua tặng tôi khi đính hôn; tượng ảnh này là do anh tôi tặng khi tôi chịu phép Thêm Sức, còn tượng ảnh này là do mẹ đỡ đầu của tôi cho. Chỗ đứt được nối lại này là do thằng con thứ của tôi, hôm vợ tôi đeo cho lúc nó bị đau nặng tưởng chết. Đức Mẹ đã cứu nó. Vì thế, ngày nay mỗi khi lần hạt đến chỗ đứt ấy, thì kinh Kính Mừng tôi đọc có vẻ sốt sắng hơn…Cậu có biết không? Cỗ tràng hạt này đã theo tôi đi Lộ Đức cách đây 5 năm: Tôi đã dúng nó xuống nước suối, đã cho chạm vào hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra ngày xưa…Biết bao nhiêu kỷ niệm! Khi chết, tôi sẽ xin người ta đeo vào cổ cho tôi!

Sau khi nghe hết lời tâm sự của người thủy thủ già, tôi xúc động đến lặng người, và ngay sau khi về nhà, tôi lập tức tìm mua một cỗ tràng hạt loại chắc chắn, và từ đó tới nay, cũng như Bernard, (tên của người thủy thủ Arcachon), hằng ngày tôi lần hạt, với “cỗ tràng hạt của tôi,” và quyết định khi chết, sẽ đeo vào cổ mình, để mang theo những kỷ niệm qúy báu sang đời sống vĩnh cửu.

Lm. Đoàn Quang, CMC

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]