- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Năm đóa hồng đỏ dâng Mẹ

Đức Gioan Phaolô II chỉ bị trọng thương qua vụ ám sát. Và việc ngài sống sót là cà một phép lạ. Dĩ nhiên, sức khỏe vốn cường tráng trước kia của ngài đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi vụ ám sát, khiến ngài phải chịu đau đớn thường xuyên, kéo dài mãi cho tới lúc ngài băng hà năm 2005. Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Đức Gioan Phaolô II đã đích thân vào phòng giam thăm tên khủng bố Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là ngài đã tha thứ cho y.

ĐHY Stanislaw Dziwisz tường thuật lại là trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện này tại nhà tù, Ali Agca chỉ lặp đi lặp lại với Đức Thánh Cha một câu hỏi duy nhất: «Tại sao Ngài lại không chết? Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn ra có hiệu quả tàn phá và gây tử thương một cách chắc chắn. Nhưng tại sao Ngài lại không bị tử thương?»

Về phần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì hoàn toàn xác tín rằng chính nhờ bàn tay hiền mẫu của Đức Mẹ Fatima che chở nên ngài mới có thể thoát chết một cách lạ lùng như thế. Bởi vì, ngày ngài bị ám sát tại Rôma , ngày 13 tháng 5 (1981) chính là ngày Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên năm xưa tại Fatima, ngày 13 tháng 5 (1917). Hơn nữa, theo Đức Gioan Phaolô II, thì vị Giám Mục mặc áo trắng phải chịu đau khổ nhiều mà Đức Mẹ đã cho ba trẻ trông thấy trong một thị kiến khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, chính là ngài. Do đó, đúng một năm sau vụ ám sát (1982), Đức Gioan Phaolô II đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn cứu sống của Đức Mẹ và trong dịp này ngài cũng mang theo một trong các đầu đạn mà Mehmet Ali Agca đã bắn vào ngài để dâng kính Đức Mẹ. Và kìa một sự lạ lùng đã làm chính Đức Gioan Phaolô II và tất những người chứng kiến không khỏi sửng sốt và kinh ngạc, là đầu viên đạn mà ngài mang theo kia khi được gắn vào một lỗ hổng duy nhất còn sót lại ở mão triều thiên trên đầu tượng Đức Mẹ Fatima, mà các đoàn thể phụ nữ Bồ Đào Nha đã dâng cúng cho Đức Mẹ vào năm 1946, thì hoàn toàn vừa vặn như thể người ta đã cốt ý làm cái lỗ hổng đó sẵn cho viên đạn vậy. (Lm Nguyễn Hữu Thy, Nhắc lại vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II)

Năm đóa hoa đỏ bi thương nhuộm máu đào Con Chúa kính dâng lên Mẹ Sầu Bi. Toàn thể Kitô xin hữu hiệp thông cùng Mẹ với tấm lòng sám hối, ăn năn, để xoa dịu nỗi đau tột cùng của Mẹ.

Đóa hồng Sám hối

Ðức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

Trong bao lần Mẹ hiện ra tại Fatima với ba trẻ Lucia, Jacinta và Phanxicô, và tại Lộ Đức với chị Bernadette, Mẹ đã luôn nhắc nhở loài người hãy ăn năn, sám hối đền tội, canh tân đời sống, để làm dịu đi những đau khổ mà Chúa Giêsu vẫn đang phải chịu đựng vì tội lỗi loài người.

Đừng vô cảm như các tông đồ hồn nhiên ngủ say ngay bên Đức Giêsu đang đổ mồ hôi máu sợ hãi cuộc khổ nạn, vâng theo Thánh Ý Chúa. Kitô hữu sống là luôn khiêm nhường sám hối như Hội Thánh đã răn dạy“Đời sống của người Kitô-hữu phải là một cuộc ăn năn đền tội suốt đời” (CĐ Triđentinô)

“Sự ăn năn hối cải của con không phải là “hát bội,” khóc lóc não nùng xong rồi hết tuồng, hạ màn, và đâu lại vào đó.” (Đường Hy Vọng, số 893).

Đóa hồng Xả kỷ

Ðức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

Chịu hành hạ đòn roi, khổ hình và nhục hình, Đức Giêsu hoàn toàn im lặng bỏ mình, không một lời than thở, trách móc hay phản đối. Một sự bỏ mình trọn vẹn bình thản và bằng lòng, toàn tâm toàn ý, như lời mời gọi Người từng rao giảng, như lời tiên báo của ngôn sứ Isaia đã nói về Người: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” (Is 50, 6)

“Con có uống nổi chén đắng của Thầy không?” Con hãy thưa: “Con tình nguyện uống chén đắng đến giọt cuối cùng, vì là chén đắng của Thầy, vì Thầy đã uống trước con!” Chén càng đắng, càng đầy, chứng tích tình yêu của con càng rõ rệt. Chứng tích tình thương của Chúa muốn cho con chia sẻ, Chúa tín nhiệm con càng thắm thiết.” ( Đường Hy Vọng, số 716)

Đóa hồng Nhẫn nhục

Ðức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

“Ecce homo!” Đây là Người! Quan Tổng trấn Philatô đã giới thiệu với dân chúng Đức Giêsu đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Trước đó, trong ngục tù, Người đã chịu lính La Mã đánh đập, chê giễu là Vua Do Thái. (Ga 19, 1-5) Đức Giêsu vẫn im lặng kiên trì nhẫn nhục chịu đựng.

“Nếu con hiểu biết hạnh phúc được làm con Chúa, thì những điều sỉ nhục không thấm gì con và những lời hoan hô cũng chẳng thêm gì cho con.”(Đường Hy Vọng, số 506)

Đóa hồng Đền tội

Ðức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin được vác Thánh giá theo chân Chúa.

Nếu chỉ dừng lại việc ăn năn, sám hối tội lỗi mà thôi, thì Kitô hữu mới chỉ đi được phân nửa chặng đường trở về với Chúa. Chặng kế tiếp là đền tội qua việc vác Thánh giá hằng ngày theo Chúa.

“Thử thách gian khổ là “giấy phép theo Chúa”để hưởng hạnh phúc hân hoan với Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá…” (Đường Hy Vọng số 714)

Đóa hồng Hiến tế

Ðức Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa.

Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng : “Êli, Êli, lêma xabácthani”, nghĩa là : “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con… Đức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.” (Mt 27, 45-50)

Đức Giêsu mời gọi tín hữu hãy đóng đinh bản thân Kitô hữu vào thánh giá, đóng đinh những đam mê xác thịt, đóng đinh tính kiêu ngạo, tham sân si, chịu chết đi làm hạt lúa mục nát để góp phần vào Ơn Cứu độ, tái sinh muôn hạt lúa giống cho Nước Trời.

“Vì Chúa yêu thương môn đệ, Ngài đã yêu thương đến tận cùng!” Tận cùng ấy là Thánh giá. Hy sinh của con phải trọn vẹn, phải là lễ toàn thiêu, nếu “con yêu tận cùng.” (Đường Hy vọng, số 161)

Lạy Chúa Giêsu, Năm Sự Thương Khó là chặng đường cuối cùng của Tình Yêu Cứu Độ, mà Chúa muốn chúng con bước theo. Xin Chúa ban cho chúng con lòng trung tín, sự can đảm và tình yêu nồng cháy để trọn vẹn theo Chúa.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã gắn bó đồng hành cùng Con Mẹ trên mọi nẻo đường dẫn đến núi Can vê. Kính xin Mẹ cầu bầu cho chúng con đủ tin cậy mến để luôn theo Mẹ mãi. Amen.

AM Trần Bình An

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]