Kính Mừng Maria Đầy Ơn Phước, Thiên Chúa Ở Cùng Mẹ!

Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X (1903-1914) thường lập đi lập lại:
– Sau Thánh Lễ thì không có lời cầu nguyện nào hữu hiệu cho bằng lời Kinh Mân Côi.

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, các thánh là những vị làm chứng cho lời khẳng định của Đức thánh Giáo Hoàng Pio X. Thật vậy, Các Vị là những người hết lòng yêu mến tràng chuỗi Mân Côi và đọc Kinh Mân Côi. Đối với Các Vị, Kinh Mân Côi bảo đảm cho phần rỗi, là suối nguồn của ơn thánh và là bó hoa hồng lan tỏa mùi hương thiên quốc!

Đức Thánh Cha Lêô XIII (1878-1903) định nghĩa Kinh Mân Côi:
– Kinh Mân Côi diễn tả cùng lúc: hương thơm hoa hồng và tràng hoa ơn thánh. Từ ”Mân Côi”, một đàng diễn tả thật đúng tâm tình mộ mến các tín hữu Công Giáo bày tỏ cùng Đức Trinh Nữ Vương MARIA – HOA HƯỜNG MẦU NHIỆM THIÊN QUỐC – đàng khác biểu tượng cho những tràng hoa ơn thánh mà Đức Mẹ MARIA muốn ban cho các tín hữu thân yêu của Đức Mẹ.

Trong sử truyện Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X người ta đọc như sau. Một ngày kia, trong một buổi tiếp kiến chung các tín hữu, một cậu bé tiến đến bên Đức Thánh Cha. Chung quanh cổ của cậu bé có quấn tràng chuỗi Mân Côi. Trông thấy cậu, Đức Thánh Cha âu yếm chăm chú nhìn cậu bé một hồi lâu, rồi nói với cậu:
– Hỡi con, Cha khuyên con nên làm mọi sự .. với tràng chuỗi Mân Côi!

Câu nói của Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X giúp hiểu rằng: Khi chúng ta yêu mến lần chuỗi Mân Côi thì chúng ta nhận được tất cả: sự an ủi và ơn thánh, ơn hoán cải và sự thánh hóa, sự nâng đỡ và ơn trợ giúp, sự khuyến khích và niềm hoan lạc. Nói tóm một lời, tất cả những gì là tốt đẹp nhất, là thánh thiện nhất, chúng ta sẽ nhận được từ tràng chuỗi Mân Côi, mỗi khi chúng ta sốt sắng đọc Kinh Mân Côi.

Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU (1873-1897), Tiến Sĩ Hội Thánh, quả quyết:
– Với Kinh Mân Côi, các tín hữu xin gì cùng THIÊN CHÚA, Ngài cũng nhận lời.

Thánh nữ dùng một định nghĩa thật hay để nói về Kinh Mân Côi như sau. Theo một hình ảnh duyên dáng dễ thương nhất thì Kinh Mân Côi giống như một xâu xích dài, nối liền Trời với đất. Một đầu xâu xích nằm trong tay chúng ta, còn đầu kia nằm trong tay Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Kinh Mân Côi dâng lên như hương thơm tỏa lan nơi bàn chân của Đấng Toàn Năng Chí Tôn Chí Thánh. Đức Mẹ MARIA liền tức khắc chuyển lại cho chúng ta thành những hạt sương phúc lành, có sức biến đổi tâm lòng chúng ta.

Thánh Vinh Sơn Phaolô (1581-1660) gọi Kinh Mân Côi là Kinh Nhật Tụng của người tín hữu giáo dân. Thánh Giáo Hoàng Pio X thì gọi Kinh Mân Côi là lời Kinh tuyệt hảo nhất.

Nếu các tín hữu Công Giáo muốn yêu mến Kinh Mân Côi một cách tinh tuyền và đẹp lòng Đức Mẹ MARIA nhất, thì phải theo học nơi trường Các Thánh. Các Vị là những người con đặc biệt dấu ái của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA. Tất cả Các Vị đều là những người luôn yêu mến Kinh Mân Côi. Cùng với thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU, Các Vị như bảo đảm với các tín hữu Công Giáo:
– Không có lời kinh nào đẹp lòng THIÊN CHÚA cho bằng Kinh Mân Côi.

Trong Kinh Mân Côi, Đức Mẹ MARIA trao hiến hoàn toàn cho chúng ta. Cuộc đời, công nghiệp, các đặc ân và các ơn lành của Đức Mẹ MARIA nằm trong 15 khung cảnh Phúc Âm lần lượt diễn lại nơi Kinh Mân Côi và giúp suy gẫm theo nhịp điệu đáng mến của những lời kinh Kính Mừng MARIA.

Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978) nói:
– Với trọn lòng tin, lòng mến, lòng tin tưởng và tri ân, chúng ta hãy năng đọc Kinh Mân Côi. Đó là lời kinh hoàn hảo nhất của đời sống tín hữu Công Giáo.

Vì thế, mỗi ngày mỗi người được khuyên nên đọc ít nhất một tràng chuỗi 50, lập đi lập lại lời kinh dâng lên Mẹ THIÊN CHÚA và cũng là Hiền Mẫu của mỗi một người:

Kính Mừng MARIA đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và GIÊSU Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh MARIA Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. AMEN.

(”Le Christ au Monde”, Mai+Juin/1993, trang 241-242)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nguồn: RV

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment