Kinh Mân Côi và lý nhân qủa nghiệp báo

          Kinh Mân Côi truyền thống có một cấu trúc khác  biệt với các kinh nguyện khác ở chỗ có chia ra từng Mùa từng Thứ và từng chục. sở dĩ cần nhấn mạnh Kinh Mân Côi truyền thống bởi hiện nay Kinh này đã bị biến thể có khi chẳng còn Mùa và Thứ nào nữa  hoặc lại thêm một Mùa nữa là Năm Sự Sáng v.v…

          Do ảnh hưởng của  duy lý  thế nên có quan niệm cho rằng  cần phải…thêm 5 mầu nhiệm  nữa vào số 15  mầu nhiệm đã có “ Theo truyền thống ngay từ đầu cho tới ngày nay Kinh Mân Côi chỉ có 15 mầu nhiệm mỗi mầu nhiệm gồm có 10 kinh Kính Mừng tạo nên tổng số là 150 Kinh Kính Mừng tương đương với 150 TV Đa Vít. Tuy nhiên giữa năm mầu nhiệm Sự Vui và năm mầu nhiệm Mùa Thương theo cảm nghiệm cá nhân của  tôi hình như còn thiếu một cái gì đó chưa đủ chưa trọn cần phải thêm vào khoảng trống này một số mầu nhiệm Mân Côi nữa cho hợp tình hợp lý….” ( ĐM Cao Tấn Tĩnh – Bí Mật Kinh Mân Côi ).

          Cứ theo cái kiểu…suy này thì có khi còn thiếu có khi lại…thừa nữa không biết chừng ? Thật sự thì nếu người ta biết được nguồn gốc cũng như mục đích của Kinh Mân Côi  thì chẳng thể có vấn đề …thiếu hay thừa gì ở đây cả. Vào khoảng thế kỷ thứ sáu, Thánh nữ Brigitta dùng những viên đá nhỏ màu sắc khác nhau để đếm  Kinh Lạy Cha. Đến thế kỷ thứ mười Kinh Kính Mừng mới được phổ biến. Thế kỷ thứ mười một mới có trọn cả Kinh Kính Mừng như ngày nay.

          Phát xuất của Kinh Mân Côi như đã biết là do việc đếm những  viên đá  màu sắc khác nhau. Có thể nói chính cái việc đếm và ghi nhớ số này đã làm nên bản chất của Kinh Mân Côi. Nói cách khác nếu không có  việc ghi nhớ Mùa nhớ Thứ và nhớ hạt thì không phải là Kinh Mân Côi.

          Tại sao việc lần chuỗi MC lại phải ghi nhớ số như vậy ? Đó là vì nó mang mục đích rõ ràng là để dứt trừ sự phân tâm. Sự phân tâm ấy con nhà đạo gọi là chia lòng chia trí còn nhà Thiền gọi là niệm chúng sinh. Phàm phu chúng ta không ai là không sống với niệm chúng sinh và bao lâu còn sống với niệm chúng sinh thì bấy lâu còn sống trong vô minh điên đảo. Vì vậy thiền sư Lâm Tế  nói “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề. Ông một niệm  không thể dừng được là cây vô minh”.

          Để có thể …dừng một niệm thì  cần phải TU, không TU  thì không  ai có thể dừng một niệm. Phép lần hạt Mân Côi cần nên hiểu đó là một pháp môn TU  mục đích là để lìa niệm tức bỏ đi ý riêng mình hầu thực thi Thánh Ý Chúa. Thực thi Thánh Ý Chúa đó là việc quan hệ bậc nhất của việc sống đạo “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu. Nhưng chỉ những kẻ biết vâng theo Thánh Ý Cha Ta ở trên trời mà thôi” ( Mt 7, 21 ).

          Bỏ ý riêng để vâng theo Ý Chúa là việc cốt yếu  của việc sống đạo. Thánh Alphongso de Liguori nói “ Tất cả sự lành thánh tóm lại là kính mến Chúa và cả sự kính mến Chúa  hệ tại  ở sự tuân theo Thánh Ý Người”.

          Về lý thì việc  thực thi giới răn yêu thương là như vậy nhưng trong đời sống thực hành đây là điều vạn nan. Tại sao vậy ? Bởi lý do là vì con người không ai lại không vương mang Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt. Chính vì phân biệt vọng cầu nơi ngoại giới mà con người không có cách chi để nhận biết và  yêu mến Đấng ở nơi mình.

          Cái điều khó không thể làm được ấy nhưng nhờ thực hành Kinh Mân Côi  lại được. Lý do bởi vì chúng ta đã tin vào lời hứa của Đức Mẹ  để rồi kiên tâm  thực hành. Đức Mẹ thông qua Thánh Alano ban cho con cái mười lăm lời hứa và lời hứa sau đây theo tôi là quan trọng nhất “ Kinh Mân Côi sẽ khiến nhân đức và các việc lành  phát triển. Sẽ đem lại nhiều lòng thương xót của Chúa xuống trên các linh hồn. Sẽ rút lòng họ  khỏi sự yêu mến thế tục và sự hư ảo của nó  đồng thời dẫn đưa họ đến ước ao những sự vĩnh cửu. Ôi, những linh hồn ấy sẽ được Thánh hóa biết bao bởi những ý nghĩa này”.

          Kinh Mân Côi rút lòng khỏi sự yêu mến thế tục bởi vì với việc siêng năng thực hành kinh này sẽ giúp chúng ta lần hồi dứt bỏ được sự chia trí có nghĩa không còn hướng chiều về thế gian nữa. Thế gian là hư ảo bởi vậy cần   thoát ra khỏi sự quyến rũ của nó bằng cách siêng năng lần chuỗi.

          Trong tất cả những lần hiện ra Đức Mẹ luôn ân cần nhắc nhở con cái nên chuyên tâm thực  hành với tất cả con tim của mình. Mẹ  nói với Ivanka một thị nhân Mễ Du “ Các con thân mến, Mẹ mời các con cầu nguyện nhưng các con vẫn đứng ngoài xa ( Không nghe ). Vậy từ hôm nay hãy quyết tâm nghiêm chỉnh hiến dâng thời giờ cho Thiên Chúa để cầu nguyện. Mẹ xin với các con, Mẹ dạy các con cầu nguyện bằng trái tim. Chỉ khi nào cầu nguyện bằng trái tim các con mới gặp được Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện và hãy cầu nguyện”.

          Đức Mẹ truyền trao việc cầu nguyện và chỉ trong cầu nguyện  như thế con người mới có thể gặp gỡ được với Thiên Chúa Đấng ở nơi mình. Cầu nguyện nếu ví như hơi thở của linh hồn thì làm sao có thể gián đoạn ? Nguyên nhân khiến con người gián đoạn hoặc bỏ luôn không cầu nguyện  là vì  họ cho rằng mình không có đức tin.

          Cho rằng vì không có đức tin nên không cầu nguyện. Điều ấy xét ra cũng ví như việc đặt cái cày trước con trâu. Không thể đòi hỏi cần có đức tin trước khi cầu nguyện  bởi đó là phi lý. Tại sao ? Bởi vì cầu nguyện chính là việc tìm kiếm Thiên Chúa đúng như Ngài là. Con người chỉ tìm kiếm cái mà mình chưa biết chưa gặp chứ có ai lại cầu cái mà mình đã  biết  đã gặp rồi  ư ?

          Phương thế  để thể hiện đức tin cách rõ ràng nhất  là việc cầu nguyện. Không phải vì đã có đức tin chúng ta mới cầu nguyện. Trái lại  cầu nguyện và chuyên cần cầu nguyện sẽ làm  cho đức tin từ chỗ chưa có trở thành có và có rồi thì ngày càng tăng trưởng. Kinh Mân Côi chính là phương thế cầu nguyện tối hảo đúng như lời đức Leo XIII một vị giáo hoàng nổi tiếng nhất về lòng tôn sùng Đức Mẹ đã nói “ Kinh Mân Côi là  cách sùng kính từ trời ban xuống, chẳng con phương pháp nào tốt lành  và giá trị bằng”.

          Lý do khiến Kinh Mân Côi  trở thành  phương pháp cầu nguyện tốt lành và giá trị nhất đó là vì có thể tạo cho  chúng ta một thứ nghiệp lành tối thượng. Nghiệp nói cho dễ hiểu đó là một thứ  hành vi cứ được lặp đi lặp lại mãi  để thành thói quen thuần thục. Một người học sư phạm, tốt nghiệp xong ra dạy học suốt năm này tháng khác thành ra nghiệp thầy giáo. Một người học y khoa hành nghề chữa bệnh trở thành nghiệp bác sĩ v.v…Những người cùng một nghề người ta gọi là  đồng nghiệp …..

          Nghiệp được tạo là do có chủ ý. Không có chủ ý thì không thành ra nghiệp. Chính bởi vậy không ai có thể thoái thác trách nhiệm về những hành vi của mình. Một tên nghiện sì ke ban đầu do bạn bè xấu rủ rê nhưng nếu y ta nhất định không nghe thì làm sao có thể vướng vào tệ nạn xấu xa đó ?

          Nguyên nhân  của nghiệp là do có sự chứa chấp ( huân tập ). Chứa chấp cái gì sẽ có cái đó, chứa thiện có thiện chứa ác có ác “ Không có cây tốt lại sinh trái xấu. Cũng không có cây xấu lại sinh trái tốt. Vì cứ xem trái thì biết cây. Người ta không thể hái trái vả nơi lùm gai. Cũng không thể hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).

          Chứa là chứa nhóm là huân tập. Nói đến huân tập đó không phải ngày một ngày hai mà thành “ Bầy tôi giết vua, con giết cha không phải một buổi sớm một buổi tối. Cái căn do dần dần tích tụ đã lâu mà thành ra vậy” ( Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố. kỷ sở do lai giã tiệm hỹ. Do biện chi bất tảo biện dã – Dịch – Văn Ngôn truyện ).

          Nếu việc ác đã vậy  thì việc thiện cũng thế cũng không thể chỉ trong một sớm một chiều mà thành ra bậc thiện nhân được. Kinh Mân Côi được Đức Mẹ hết lời khuyên nhủ siêng năng thực hành bởi vì Ngài đã thấy được những ơn ích lớn lao cả thể do nó đem lại. Tuy nhiên để có thể hưởng nhờ những ơn ích ấy thì cần có hai điều kiện. một là phải có lòng kiên trì  tu tập. Hai là phải phát xuất từ nơi nội tâm.

          Trong việc kiên trì này chúng ta có rất nhiều gương sáng để noi theo chẳng hạn như Thánh Alphong so hoặc Thánh Pio Năm Dấu, vị này trước khi qua đời hai ngày còn nói: Hãy yêu mến Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu mến. Hãy lần chuỗi Mân Côi luôn luôn càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

          Để có thể lần chuỗi càng nhiều càng tốt trước hết cần lập ra thời khóa công phu hàng ngày và dù cho có trở ngại đến đâu cũng nhất định không bỏ. Ban đầu có thể chỉ lần chuỗi năm mươi và mấy thứ kinh cần thiết sau đó tăng lên 03 chuỗi mỗi lần hoặc nhiều hơn nữa.

          Việc đặt ra công khóa thực hành mỗi ngày và kiên quyết thực hành  sẽ giúp tạo được một thứ tập quán tốt lành và nó chính là một thứ nghiệp  hướng dẫn  chúng ta đi vào con đường thiện hảo một cách chắc chắn nhất. Mặt khác Kinh Mân Côi là một thứ Tâm Pháp có mục đích để cho ta bỏ đi ý riêng mình. Việc bỏ ý riêng  là rất khó nhất là trong cầu nguyện. Thánh Ignatio de Loyola nói: “ Trong số một trăm kẻ nguyện ngắm thì đã có tới hơn chín mươi người chỉ nguyện ngắm theo ý riêng mình”.

          Nguyện ngắm theo ý riêng có nghĩa trong khi đọc kinh cầu nguyện người ta cứ để cho ý tưởng mặc tình lôi cuốn. Để cho ý tưởng dẫn dắt trong khi cầu nguyện thì ngày càng xa rời Chúa thật rất đáng bị quở trách “ Dân này chỉ kính thờ Ta ngoài môi miệng, còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm” ( Mc 7, 6 -7 ).

          Mục đích của cầu nguyện  là để sao cho lòng trí chúng ta được gần Chúa tức được luôn nhớ Chúa. Nhớ tới Chúa cũng tức là  ước ao sự vĩnh cửu trên Nước Hằng Sống. Ước ao điều gì tất sẽ được điều  ấy và đây chính là lẽ nhân quả báo ứng chẳng bao giờ sai chạy dù chỉ mảy may./.

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts