Kinh Mân Côi, triết lý và thực hành

Những ai có đôi chút kinh nghiệm về cầu nguyện nhất là cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi thì đều gặp  trở ngại là sự chia lòng chia trí. Người ta có thể  đặt  câu hỏi vậy sự chia trí ấy đến từ đâu và tại sao có sự chia trí mặc dầu mình không  muốn ? Có người nêu thắc mắc này với cha linh hướng và được trả lời “ Tôi nói với ngài là tôi bị chia trí khi tôi lần chuỗi, ngài hỏi = Ai nói đó là chia trí ? Có thể những điều đó len vào ý nghĩ khi cầu nguyện là những điều mà Chúa Thánh Thần muốn chúng ta đem vào lời cầu nguyện. Tôi nói rằng đôi khi tôi thực sự lên kế  hoạch  công việc khi tôi cầu nguyện. Ngài nói rằng có thể giờ cầu nguyện đúng là lúc tôi nên có kế hoạch cho cuộc đời mình, đem Chúa vào kế hoạch  của mình”

Ở đây ta thấy chia trí trong cầu nguyện không còn là trở ngại nhưng là điều Chúa Thánh Thần…muốn. Nếu quả thật Chúa Thánh Thần muốn có sự chia trí thì tất nhiên  đó là …một ơn và để có được ơn ấy thì cần có phương pháp “ Đây là phương pháp ngài đề nghị = Hãy bắt đầu nhờ Chúa Thánh Thần rồi xét mình xin CTT soi sáng cho biết những gì tôi cảm thấy vào lúc đó và cách mà Thiên Chúa có thể nói với tôi qua cuộc sống. Rồi tôi gợi lên sự tưởng tượng mời Mẹ Maria cùng ở với tôi và xin Mẹ ở bên tôi, nắm tay tôi hoặc ôm tôi cùng cầu nguyện với tôi và dẫn tôi đến với Chúa Giê Su. Nếu tôi cầu nguyện cho người khác tôi tưởng tượng người đó cùng cầu nguyện với tôi. Rồi tôi bắt đầu lần chuỗi…” ( Nguồn Kinh Mân Côi Online – 22/9/2015 – Say Mê Chuỗi Mân Côi).

Trước khi lần chuỗi lại cứ…tưởng tượng hết điều này điều khác nào là tưởng ra cái việc Đức Mẹ cầm tay hoặc ôm vào lòng để dẫn đến Chúa Giê Su. Hoặc tưởng tượng có người nào đó cùng cầu nguyện với mình v.v…thì chúng ta có thể đoan chắc rằng sau những cái…tưởng tượng  nọ kia ấy chẳng hề có cái chi gọi là…bắt đầu lần chuỗi đâu ! Tại sao ? Bởi lẽ mục đích chính yếu của cầu nguyện nói chung và lần chuỗi Mân Côi nói riêng là để giúp ta nhận ra Thánh Ý Chúa bằng cách dứt bỏ sự chia trí ( tưởng tượng ). Đang khi đó lại chủ trương…chia trí thì còn lần hạt để chi ? Bao lâu còn chia lòng chia trí thì còn xa cách Thiên Chúa  đáng bị quở trách “ Dân này chỉ kính thờ Ta ngoài môi miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm” ( Mc 7, 6 -7).

Nguyên nhân sự chia trí khiến  phải xa cách Thiên Chúa  bởi Thiên Chúa là Đấng nội tại ở trong ta chứ không phải ở nơi nào khác. Một khi Thiên Chúa nội tại ở cùng ta thì việc cầu nguyện đương nhiên là phải quay về nơi nội tâm  mà cầu  ngoài ra không còn cách nào khác. Do nơi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thế nên tâm trí con người luôn hướng vọng ra bên ngoài nơi thế giới hiện tượng sinh diệt để tìm cầu hòng thỏa mãn  các dục vọng. Sự tìm cầu ấy  rút cục chỉ đưa đến thất vọng lý do là vì thế giới hiện tượng là thế giới của sự sinh diệt, có đấy mà liền mất đấy như giọt sương dưới ánh mặt trời như vó câu qua cửa sổ…Thế giới hiện tượng ấy con nhà đạo chúng ta gọi là thế gian là chốn khách đày không được lưu luyến  mà cần sớm lìa bỏ “ Chớ thương yêu thế gian cũng đừng thương yêu các vật ở thế gian. Nếu ai thương yêu thế gian thì tình thương yêu Cha chẳng có ở trong người ấy” ( 1Ga 2, 15).

Thế gian là chốn khách đày và nguyên nhân sâu xa khiến con người phải ở trong chốn ấy là  do ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ  vì đã không vâng lời Thiên Chúa cứ cố tình…ăn trái cấm  là trái phân biệt thiện ác  “ Giê hova phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn  hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17).

Chết ở đây cố nhiên không phải cái chết xác thân nhưng là chết về phần tâm linh. Tuy không phải là chết xác thân nhưng chính cái chết tâm linh này mới là điều khiến con người phải  hứng chịu muôn vàn sự khổ mà không biết. Hứng chịu muôn vàn sự khổ nhưng lại không cho đó là khổ thế nên ngày càng dấn sâu vào các cõi khổ mà không biết. Trái cây biết phân biệt mà Thiên Chúa cấm  nguyên tổ không được…ăn ấy chính là biểu trưng của Lý Trí. Khi con người ..ăn phải cái bả lý trí  lại cứ đinh ninh cho mình là phải là đúng ấy tức là đã sa vào chước cám dỗ của Sa Tan đứa lừa dối cả và thiên hạ ( Kh  12,9 ) Đức Ki Tô có lần đã thẳng thừng vạch mặt “ Từ ban đầu nó là kẻ giết người chẳng đứng trong lẽ thật. Vì trong nó không có lẽ thật đâu, khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của  sự ấy” ( Ga 8, 14).

Sa Tan là cha của sự dối trá và nó hầu như ngày càng thành công trong sự dối gạt con người và sự khởi đầu đem đến thành công trong thời đại ngày nay chính là ở nơi cuộc cách mạng Pháp 1789. Vào thời ấy Lý Trí đã được tôn vinh như một vị thần. Nhà thờ Đức Bà Paris ( Notre Dame De Paris ) được đổi thành đền thờ Lý Trí. Lý do khiến Sa Tan có thể lừa gạt con người một cách  hết sức tinh vi như thế là vì  nó đã đưa ra chiêu bài Tự Do – Công Bình – Bác Ái như một lý tưởng hết sức vĩ đại cao cả. Với chiêu bài hấp dẫn ấy  nó đã lôi cuốn nhân loại vào hết cuộc cách mạng này đến cuộc cách mạng khác khiến cho Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền phải lao đao chống đỡ và đức tin chân thật có nguy cơ sụp đổ.” Thượng Đế cũ té  khỏi ngai vàng cùng với dòng họ Bourbons. Thiên Đường tàn tạ thành bầu trời trống rỗng và Hỏa Ngục chỉ còn là một biểu tượng cảm xúc” ( Will Durant – Câu truyện Triết Học).

Không tin có Thiên Đàng có Hỏa Ngục và như thế cũng có nghĩa  chẳng có sự thưởng phạt  vô cùng của Thiên Chúa. Con người hoàn toàn đánh mất ý thức về tội. Trong hoàn cảnh bi đát ấy Đức Nữ Trinh Maria đã thân hành hiện ra nhiều lần để kêu gọi nhân loại hãy mau ăn năn cải thiện đời sống hầu trở về với đức tin chân thật. Trong tất cả những lần hiện ra  không lần nào Đức Mẹ lại  không khuyên nhủ con cái hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Giáo Hội đã đáp ứng lời kêu gọi này  một cách nhiệt thành. Có thể nói hầu hết các Thánh, các đấng cầm đầu Giáo Hội đều  có lòng mộ mến  và cổ vũ việc đọc kinh này. Trong số những con người sùng mộ Kinh Mân Côi chúng ta không thể không kể đến Thánh Pio Năm Dấu ( 1887 – 1968 ). Khi được hỏi di sản ngài muốn để lại cho các con thiêng liêng là gì, ngài trả lời “ Hãy lần chuỗi Mân Côi, Đức Mẹ hiện ra ở mọi nơi kêu mời người ta đọc Kinh Mân  Côi là điều chắc chắn khiến ta phải chuyên cần  đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày”.

Đức Mẹ khuyên nài con cái siêng năng đọc Kinh  Mân Côi chắc chắn cũng vì  Ngài đã biết rõ những lợi ích lớn lao của nó. Vả lại với các đấng Thánh xưa kia như các Thánh Đa Minh, Bonaventura, Benado,Mong Pho v.v…Hoặc các thánh trong thời đại ngày nay như  Bernadette  Thánh Pio năm Dấu và muôn vàn tín hữu khác cũng vậy họ cũng đều đã nhận lãnh được những ơn lành lớn do việc thực hành lời khuyên của Đức Mẹ. Làm bất cứ công việc gì người ta cũng phải thấy được  lợi ích  của việc mình làm thì mới có thể có được sự cố gắng bền bỉ. Hơn nữa những cố gắng ấy không kể các Thánh mà ngay cả đến những tín hữu bình thường những ông già bà cả….cũng không cho đó là sự cố gắng phải làm  nhưng  là niềm an vui thực sự.

Lợi ích do việc siêng năng lần hạt đem đến cho Giáo Hội và cho từng tín hữu là rất lớn. Thế nhưng ngày nay Kinh Mân Côi đã không còn được mến mộ và như thế việc thực hành rồi đến lúc cũng sẽ bị phế bỏ ? Nguyên nhân quan trọng khiến Kinh Mân Côi không được mến mộ cũng như thực hành đó là do ảnh hưởng bởi não trạng Duy Lý. Đối với Duy Lý thì Kinh Mân Côi cần phải…đổi mới” Khi cổ võ  việc lần chuỗi MC. Giáo hội không muốn người tín hữu chú trọng tới số lượng và hình thức nhưng nhắm đến khía cạnh phẩm chất và tinh thần bên trong. Thực vậy đọc Kinh Mân Côi mà không suy niệm thì chúng ta chỉ là những cái xác vô hồn những con vẹt hay những chiếc cassette mà thôi để rồi chúng ta đáng bị Chúa quở trách = Dân này thờ kính Ta bằng môi bằng miệng nhưng lòng  họ thì lại xa Ta….( Nguồn Kinh Mân Côi Online).

Phải đổi mới Kinh Mân Côi bằng cách suy niệm bởi nếu không suy niệm thì người đọc Kinh Mân Côi chỉ là những cái xác vô hồn. Nói như vậy  thì chúng ta phải hiểu thế nào về các đấng Thánh như Đa Minh, Benado, Mong Pho, Pio Năm Dấu v.v..Chẳng lẽ các ngài cũng chỉ là những… cái xác vô hồn hay sao ? Mặt khác nếu bảo rằng đọc Kinh Mân Côi không cần tới số lượng chỉ cần  chất lượng vậy phải hiểu thế nào về lời khuyên hãy siêng năng lần hạt của Đức Mẹ ? Chúng ta biết Thánh Pio Năm Dấu một ngày lần tới 40 chuỗi và theo ngài  thì Kinh MC đầy đủ không phải chỉ có chuỗi 50 nhưng là chuỗi 150. Như thế vị chi một ngày Thánh nhân đọc tới 600 Kinh Lạy Cha và 6000 Kinh Kính Mừng. Có điều chắc chắn rằng để Thánh Pio lần được  rất nhiều chuỗi như thế thì ngài không hề có cái gọi là suy niệm suy lường gì cả. Không suy không niệm nhưng có ai dám phủ nhận việc lần chuỗi của ngài là không có…chất lượng ?

Thật sự thì không có chi mâu thuẫn giữa lời quở trách của Chúa cho những kẻ cầu nguyện nhiều lời và lời khuyên hãy siêng năng lần hạt của Đức Mẹ. Lời quở trách ấy là để dành cho kẻ ngoại những người chỉ biết hướng về những thần tượng bên ngoài mình mà cầu. Trái lại Đức Mẹ truyền dạy Kinh Mân Côi  với mục đích là để giúp ta quay về với Đấng Chúa ở nơi mình. Hướng ra bên ngoài mà cầu thì tất nhiên không bao giờ có thể đưa đến  chỗ an thỏa về mặt tâm linh bởi lẽ những  cái gọi là thần ấy chẳng qua chỉ là những dục vọng đủ loại do con người phóng xuất. Đang khi đó Kinh Mân Côi là phương pháp giúp ta đi sâu vào bản tâm và chỉ ở nơi đó chúng ta mới gặp được Đấng mà mình đợi trông yêu mến.

I/-  Kinh Mân Côi, một phương pháp tu.

          Có lẽ cũng đã khá lâu rồi, để bắt đầu lần hạt thường là các ông quản bà quản vẫn xướng lên câu công thức này = Phép lần hạt ngắm tắt năm sự Vui hoặc Thương hoặc Mừng. Kinh Mân Côi là “ Phép”  có nghĩa đó là một phương pháp tu tập của người Công Giáo dành cho tất cả mọi người bất kể là giáo sĩ hay giáo dân. Nói đến “ Tu” thì người ta hay nghĩ đó là việc của các tu sĩ nam nữ trong các dòng tu. Tuy nhiên nếu hiểu “ Tu” là tu sửa là cải tạo đời sống  thì ai ai mà chẳng phải “ Tu” ?Một khi đã coi  Kinh Mân Côi như một phép “Tu”  thì không chỉ những khi lần hạt trong nhà thờ cùng với cộng đoàn mới “ Tu”. Còn khi ở nhà hay ngoài phố chợ búa thì  không “ Tu”. Tu thì phải tu ở mọi nơi mọi lúc mới  đúng thật là “Tu” Mặc dầu vậy “ Tu” là việc rất khó, chính bởi vậy ta thấy trong các tôn giáo đều có những cách  Tu ( Pháp Môn) riêng của mình. Đạo Phật quan niệm rất rộng về đường lối tu hành thế nên họ cho rằng có tám vạn bốn ngàn pháp môn để đối trị lại tám vạn bốn ngàn phiền não. Tuy rất nhiều như thế nhưng con đường Phật ( Phật đạo ) chỉ gồm thâu trong hai môn phái chính đó là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông.

Thiền tông chủ trương bất lập văn tự kiến tánh thành Phật. Còn Tịnh Độ tông lấy Tín Nguyện Hạnh làm ba món tư lương để vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đối với đạo Phật thì con đường Kiến Tánh thành Phật là rất khó bởi chỉ biết hoàn toàn dựa vào tự lực, nó chỉ thích hợp cho thời chánh pháp còn trong thời mạt pháp này thì duy chỉ có pháp môn Trì Danh Niệm Phật mới đắc dụng bởi nó vừa có tự lực lại vừa có tha lực là Đại Nguyện của Đức A Di Đà. Kinh Đại Tập nói = Thời mạt pháp ức ức người tu hành khó có một người được giải thoát. Chỉ nương nơi pháp môn Niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi” ( Thiền Tịnh Quyết Nghi – HT Thích Trí Tịnh dịch).

Đạo Công Giáo cũng có nhiều môn phái được gọi là dòng tu chẳng hạn dòng Benedicto, dòng Cát Minh dòng Đa Minh dòng Tên dòng Chúa Cứu Thế dòng Mến Thánh Giá v.v…Mỗi dòng tuy có khác biệt về hình thức về phương pháp thế nhưng tất cả đều dựa trên cơ sở của ba nhân đức Tin Cậy Mến. Đức tin là cánh cửa mở vào Đạo, bởi vậy Đạo Chúa cũng được gọi là Đạo Đức Tin “ Đạo ở gần ngươi ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giê Su là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 -9).

Về chữ “Đạo” ở đây là theo bản xưa của Hội Ghi Đê On ( Tin Lành ) do nhà văn Phan Khôi dịch còn bản của Nhóm CGKPV thì dịch là Lời Thiên Chúa tức Ngôi Lời. “Đạo” hiểu theo minh triết Đông phương đó là Thực Tại bất sinh bất diệt  vượt thoát khỏi giới hạn của ngôn ngữ không thể nói không thể gọi tên ( Đạo khả Đạo phi thường Đạo Danh khả Danh phi thường Danh – Lão Tử ĐĐK chương một ). Còn Lời Thiên Chúa ( Ngôi Lời ) tức Logos là một thứ khái niệm của triết học Hy Lạp. Chính vì “Đạo” không thể nói không thể gọi tên nên mới cần phải tin. Trái lại với cái Logos khái niệm ấy thì đức tin chẳng nghĩa lý gì. Đức tin không còn thì lòng cậy trông lòng mến Chúa yêu người cũng chẳng thể còn. Trong hoàn cảnh bi đát đó Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần trong khoảng hai thế kỷ nay  chỉ với mục đích  để  vực dậy đức tin cho con người bằng cách siêng năng lần hạt Mân Côi.

Trong những lần hiện ra tại Pha Ti Ma năm 1917 Đức Mẹ đã đề ra cho con cái ba mệnh lệnh đó là ăn năn cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch. Tuy nói là ba nhưng thật sự chỉ cần siêng năng lần hạt là đã bao gồm hai phần còn lại với điều kiện là phải nhận ra việc lần hạt ấy chính là một Phép Tu. Như đã biết “Tu” là tu sửa là cải tạo đời sống. Có hai cách tu, một là tu thân  nghĩa đen của nó là tu sửa sắc đẹp = Sửa mũi sửa cằm nâng ngực nâng mông v.v…Việc…tu thân này thường là của các chị, các bà ở nơi các thẩm mỹ viện. Còn cách khác là tu Tâm, đây chính là công việc cải tạo đời sống của các tôn giáo các dòng tu. Với việc tu thân theo nghĩa kể trên thì không có chi để nói nhưng với việc tu Tâm thì hết sức phức tạp lý do là vì Tâm là cái rất khó hiểu. Anan một đại đệ tử của Phật Thích Ca nhưng sau bảy lần gạn hỏi Tâm mà cũng vẫn chưa thể nắm bắt. Không hiểu Tâm thì làm sao…tu sửa nó được ? Mặc dầu Tâm là cái khó lãnh hội như thế nhưng chúng ta có thể và cần phân biệt hai thứ Tâm  một là Chân Tâm và hai là Vọng Tâm.

Chân Tâm là cái Tâm chân thật bất sanh bất diệt. Chân Tâm ấy Phật giáo Đại Thừa gọi là Phật Tánh còn Đạo Chúa gọi là Đấng Cha tự hữu hằng hữu. Chân Tâm ấy cũng chính là Nước Trời mầu nhiệm  nội tại mà Đức Ki Tô rao giảng = Không ở đây không ở kia mà ở trong Tâm mỗi người ( Lc 17, 20 -21). Chân Tâm ấy cũng là Sự Sống Đời Đời  trên Nước Thiên Đàng mà Chúa đã hứa ban cho những kẻ hết lòng tin theo Ngài “ Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ.Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 2 -3).

Chân Tâm là bất sanh bất diệt còn Vọng Tâm là cái sanh diệt nhưng Chân và Vọng lại không ở ngoài nhau. Khi Chân Tâm ẩn thì lại ẩn trong Vọng Tâm. Ngược lại Vọng Tâm  ẩn thì lại ẩn trong Chân Tâm. Để cho dễ hiểu chúng ta có thể ví Chân Tâm và Vọng Tâm như nước và sóng. Nước thì không có hình thù tướng mạo gì cả còn sóng thì có sóng lăn tăn sóng bạc đầu sóng thần tức là có hình thù sắc tướng lớn nhỏ. Khi sóng nổi lên thì chúng ta thấy sóng mà không thấy nước và chỉ khi nào không có sóng thì mới thấy nước. Tuy nhiên sự thật thì tất cả các loại sóng dù to hay nhỏ cũng đều là nước cả. Lý do biển có sóng nổi lên là vì có gió có bão không có gió bão thì không có sóng. Hiểu như vậy thì gió là một thứ duyên khiến cho nước biến thành sóng. Qua ví dụ này để cho thấy tất cả đều do duyên khởi, duyên khỏi cái gì thì  sẽ thành ra cái đó. Một ly nước lã nếu bỏ vào một chút đường thì sẽ thành ra ly nước đường. Một ly nước đường nếu vắt vào một vài múi chanh sẽ thành ra ly nước chanh đường v.v..

Đối với các sự vật ở đời đã vậy thì trong lãnh vực tâm linh cũng không khác. Tâm duyên theo điều ác thì sẽ thành ra Tâm ác, trái lại duyên theo điều lành sẽ có tâm lành thiện. Tâm ác có nghĩa là tâm chứa đựng toàn những tư tưởng ác độc ghen ghét đố kỵ  dâm đãng ích kỷ hại người tất sẽ phải lãnh nhận quả báo ác. Tâm lành có nghĩa là tâm chứa những tư tưởng hướng thượng  đạo đức thánh thiện mến Chúa yêu người…thì sẽ được hưởng  quả báo lành. Đạo lý nhân quả báo ứng  này Đức Ki Tô đã nói rất rõ “ Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người thiện do chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do chứa ác mà phát ra điều ác” ( Mt 12, 34 -35).

Chứa thiện thì có thiện tức được hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Chứa ác thì có ác tức gặp phải bất hạnh trong cả đời này lẫn đời sau vô cùng. Kinh Mân Côi là phương pháp tối hảo giúp cho ta tạo được những nhân quả lành. Chân lý nhân quả ấy đúng với tất cả mọi người trong mọi nơi mọi thời. Duy có điều là phải áp dụng thực hành trong chính đời sống mình nếu không chẳng những chỉ vô ích mà còn  đáng bị luận phạt vì đã nghe đã hiểu mà không  chịu  làm “ Ta thổi sáo cho bay mà bay không nhảy múa. Ta đã than vãn mà bay không đấm ngực.” ( Mt 11, 16 -17).

II/-  Thực hành Kinh Mân Côi

          Vì cho rằng Kinh Mân Côi là bản tóm lược Phúc Âm thế nên người ta đề nghị cần suy niệm  chứ không thể chỉ đọc cách máy móc như trước đây. Về cách suy niệm thì có nhiều nhưng dù thế nào cũng phải có thêm một đoạn Phúc Âm sau mỗi ngắm và tiếp đó là bài diễn giải đã được soạn sẵn do một người đọc. Việc đọc bài diễn giải Phúc Âm  ấy người ta cho đó là suy niệm Kinh Mân Côi. Thật ra việc suy niệm này chỉ là do nơi ảnh hưởng của duy lý; bất cứ kinh nào cũng đem ra…suy. Kinh Kính Mừng cũng suy, kinh Lạy Cha cũng suy. Có người ( Lm Jacques Dupont OSB) đã suy niệm Kinh Tám Mối Phúc Thật bằng  cả một cuốn sách dày gần hai ngàn trang trong đó toàn là xuyên tạc Kinh Thánh !!!

Kinh là Lời Chúa, suy niệm về Kinh thì cũng giống như không ăn cơm mà lại cứ ngồi đó suy nghĩ về cơm. Phải ăn cơm mới no chứ  suy về cơm thì no sao được ? Cùng một tính chất như vậy Đức Mẹ khuyên hãy siêng năng lần hạt thì cứ việc chân thành vâng nghe Ngài đi  chứ sao lại  cứ phải  suy cách này cách khác làm gì nào có ích lợi chi đâu?  Suy niệm chẳng những không ích lợi mà còn đi tới chỗ phá hủy tới tận nền tảng Kinh Mân Côi mà mục đích của nó là để chuyển hóa tư  tưởng từ ác sang thiện từ mê sang tỉnh. Như lời Chúa nói người thiện do chứa thiện mà phát ra điều thiện, người ác do chứa ác mà phát ra điều ác. Tất cả vấn đề là ở nơi cái sự “chứa”. Con người vì mê lầm nên cứ chứa chấp ở nơi mình những tư tưởng tham lam  ganh ghét sân giận nên phải chuốc lấy biết bao sự khổ mà không biết “ Tư dục đã hoài thai thì sanh ra tội lỗi, tội lỗi lớn lên thì sản sinh sự chết” ( Gc 1, 15).

Tư tưởng là cái quyết định cho hành động, tư tưởng nào thì hành động đó. Tư tưởng ác ( ác tưởng) thì làm điều ác. Tư tưởng thiện ( thiện tưởng) thì làm điều thiện. Làm ác thì có quả ác, làm thiện thì có quả thiện. Kinh Mân Côi là phép tu có nghĩa nó có sức chuyển hóa từ ác sang thiện từ mê sang tỉnh. Để có được sự chuyển hóa  ấy Kinh Mân Côi chủ yếu cung cấp cho người tu hai phương diện đó là Chỉ và Quán. Chỉ  nghĩa của nó là dừng là lìa bỏ còn Quán là quán xét là thấy bằng trí tuệ vô phân biệt. Phải kể là phàm phu những kẻ chỉ biết chạy theo sự lôi cuốn của tư tưởng mà không thể dừng nó lại. Tổ Lâm Tế nói “ Chỗ ông dừng một niệm là cây Bồ Đề ( Trí Huệ). Chỗ ông không thể dừng một niệm là cây vô minh”. Chỉ và Quán  tuy hai tên nhưng đồng một công dụng. Có dừng được niệm thì mới có thể quán và quán ở đây tương đương với Ngắm của Kinh Mân Côi. Ngắm không phải là tác động của lý trí phân biệt nhưng là của trí tuệ vô phân biệt. Mục đích của tất cả các Ngắm trong Kinh Mân Côi là để khắc ghi vào tâm ta những sự kiện cần ghi nhớ trong mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Ki Tô. Mục đích sự ghi nhớ này  là để chuyển hóa tư tưởng ở trong tâm ta từ ác sang thiện từ mê sang tỉnh.

Kinh Mân Côi có năng lực chuyển hóa nhờ vào hai phương diện Chỉ và Quán chính là do ở nơi cấu trúc đặc biệt của nó. Chúng ta biết Kinh MC ( truyền thống) gồm có ba mùa Vui Thương Mừng. Mỗi Mùa có một Kinh Lạy Cha năm mươi Kinh Kính mừng. Kết thúc mỗi chục kinh là Kinh Sáng Danh tiếp đó là lời cầu Pha Ti Ma hoặc cầu cho linh hồn nào đó. Thực hành Kinh MC dù ở trong nhà thờ cùng với cộng đoàn hay trong gia đình ngoài phố chợ một mình cũng đều phải tuân thủ đầy đủ và theo đúng trình tự của cấu trúc ấy. Điều này  giúp cho ta bỏ đi được ý riêng mình. Mặt khác việc từ bỏ ý riêng ấy  cũng phải thể hiện  bằng cách tuân theo quy định của Giáo Hội về các ngày trong tuần. Thứ hai thứ năm đọc Mùa Vui, thứ ba thứ sáu đọc Mùa Thương thứ bảy chủ nhật đọc Mùa Mừng. Lại nữa khi đọc kinh trong nhà thờ cùng với cộng đoàn dĩ nhiên phải đọc cùng một cung giọng để hòa chung một  điệu. Khi bè này xướng thì bè kia phải im lặng lắng nghe, việc lắng nghe này vô cùng quan hệ bởi chỉ như thế thì Lời Chúa mới thâm nhập vào Tâm ta được.

Trở ngại của việc lần chuỗi MC không ai không gặp phải  đó là sự chia trí. Tuy nhiên chính vì sự chia lòng chia trí ấy mà nếu ta biết dừng lại quay về với chánh niệm tức là câu kinh đang đọc thì nó sẽ đem lại ơn ích vô kể có nghĩa nó khiến cho lực quán sát của chúng ta càng thêm mạnh mẽ. Chính vì lực quán sát này mà Đức mẹ mới khuyên nhủ cần siêng năng lần hạt bởi lẽ nhờ có lực quán sát ấy mà chúng ta mới có thể nhận biết sự sinh khởi của tư tưởng đồng thời chấm dứt nó.

Là người  không ai lại không mang nơi mình những tư tưởng tham lam ganh ghét hận thù  nhưng nếu là người tu chúng ta có thể nhận biết và dứt bỏ được nó. Một khi không còn tư tưởng xấu ác thì không làm điều ác mà đã không làm điều ác thì cũng không  gây khổ cho mình cho người. Nguyên nhân khiến người tu có thể nhận biết sự sinh khởi của tư tưởng và chấm dứt nó là nhờ năng lực sáng suốt của Lời Chúa như một lưỡi gươm sắc bén “ Vì lời ĐCT là lời hằng sống, linh động sắc bén hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn, linh, khớp, tủy, biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người” ( Dt 4, 12).

Quả thật Kinh Mân Côi là ơn ban bởi trời không có kinh nào đem lại nhiều ơn ích cho bằng. Thánh Pio vì cảm được ơn sâu nghĩa nặng của Đức Mẹ thế nên ngay trước lúc qua đời ngài còn căn dặn = Hãy yêu mến Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu mến. Hãy lần chuỗi Mân Côi, lần luôn luôn và lần càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu”./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment