- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 30

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Sáu, ngày 30/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 16,20-23a

20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa.

 

3. SUY NIỆM

 “Bây giờ các con buồn… nhưng Thầy sẽ gặp lại các con,
lòng các con sẽ vui mừng” (Ga 16,22).

Như Mẹ: Trong ánh sáng phục sinh của Đức Kitô, cùng với niềm xác tín rằng “qua đau khổ mới đến được vinh quang”, mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi đón nhận mọi đau khổ như một cơ hội Chúa ban. Như thế, chúng ta sẽ đón nhận được sức sống từ việc chiến thắng sự chết mà Chúa Giêsu đã hoàn tất.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con sống vui mừng hy vọng vì đã được cứu chuộc nhờ cái chết và sống lại của Con Chúa. Và Chúa cũng muốn chúng con biết chia sẻ ơn huệ này đến với những ai chưa biết hoặc chưa thật sự mở lòng để đón lấy ơn cứu độ của Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con mỗi ngày biết sống ý thức hơn với tình yêu cứu độ mà Chúa Giêsu đã hiến ban, qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 61: MẪU GƯƠNG THÁNH THIỆN CHO HỘI THÁNH

Đức Maria là mẫu gương cho Hội thánh về cố gắng nên thánh, nhờ việc kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô. Cách riêng, Đức Maria là mẫu gương cho việc thực hành các nhân đức tin cậy mến và nỗ lực hoạt động tông đồ.

1.- Trong thư gởi các tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô đã giải thích mối tương quan phu thê giữa Đức Kitô và Hội thánh với những lời như sau: “Đức Kitô đã yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh, Người đã thánh hóa và thanh tẩy Hội thánh bằng nước và lời hằng sống, ngõ hầu trước mặt Người có môt Hội thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5, 25-27).

Công đồng Vaticanô II đã trích dẫn những lời của thánh Phaolô, và nhắc lại rằng “nơi Đức Trinh nữ Maria rất thánh, Hội thánh đã đạt tới sự hoàn thiện rồi đang khi mà các tín hữu vẫn còn phải cố gắng để tăng trưởng trong sự thánh thiện qua việc chiến đấu với tội lỗi” (HT 65).

Như vậy Công đồng đã nêu bật sự khác biệt giữa các tín hữu và Đức Maria, tuy cả hai bên đều thuộc về Hội thánh đã được Đức Kitô biến đổi thành “không tì ố và không vết nhăn”. Thực vậy, đang khi mà các tín hữu lãnh nhận sự thánh thiện qua bí tích Rửa tội, thì Đức Maria đã được phòng ngừa khỏi hết mọi tì ố của tội nguyên tổ và đã được Chúa Kitô cứu chuộc trước khi hiện hữu. Ngoài ra, tuy các tín hữu đã được cứu thoát cho khỏi tội lỗi “lề luật của tội lỗi” (xc. Rm 8, 2), nhưng họ vẫn còn có thể chiều theo cơn cám dỗ và sự yếu đuối loài người vẫn còn được biểu lộ trong cuộc sống của họ. Lá thư của ông Giacôbê nói như sau: “Tất cả mọi người còn thiếu sót trong nhiều điều”(3, 2). Vì thế mà Công đồng Trentô dạy rằng: “Không ai có thể tránh được hết mọi tội dù là tội nhẹ trong suốt cuộc đời của mình”. Tuy nhiên, Đức Trinh nữ vô nhiễm đã được thoát khỏi quy luật này do một đặc ân của Thiên Chúa, như Công đồng Trentô đã nhắc tới[1].

2.- Bất chấp những tội lỗi của các phần tử, Hội thánh vẫn là cộng đoàn của những người được kêu gọi trở nên thánh thiện, và mỗi ngày cố gắng để đạt tới sự thánh thiện[2].

Trong cuôc hành trình cam go tiến tới sự hoàn thiện, các tín hữu được cảm thấy sự khích lệ nhờ Đấng là “khuôn mẫu của mọi nhân đức”. Công đồng Vaticanô II nhận định rằng “khi tưởng nhớ tới Đức Maria và khi chiêm ngưỡng Người dưới ánh sáng của Ngôi Lời làm người, Hội thánh thâm nhập vào mầu nhiệm cao cả của sự Nhập thể một cách cung kính và sâu xa hơn, và cố gắng mỗi ngày trở nên giống Phu quân của mình hơn” (HT 65).

Do đó Hội thánh nhìn ngắm Đức Maria. Không những Hội thánh nhìn ngắm hồng ân tuyệt diệu của Người đầy tràn ân phúc, nhưng còn cố gắng bắt chước sự hoàn thiện mà Người đã thể hiện khi tuân hành mệnh lệnh của Đức Kitô: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha chúng con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Đức Maria là Đấng Toàn thánh. Đối với cộng đoàn các tín hữu, Đức Maria tượng trưng cho khuôn mẫu thánh thiện chân chính được thể hiện bằng việc kết hiệp với Chúa Kitô. Thực vậy, cuộc đời dương thế của Đức Mẹ Chúa Trời được đánh dấu bằng sự hòa nhịp theo bản thân của Con mình và hoàn toàn hiến thân cho công trình cứu chuộc của Ngài.

Khi nhìn ngắm mối tình thân mật được phát triển trong âm thầm tại Nazarét, và được kiện toàn trong giờ hy sinh, Hội thánh cố gắng bắt chước Đức Maria trong hành trình mỗi ngày. Nhờ vậy, Hội thánh càng ngày càng trở nên giống Phu quân của mình hơn.

Giữa những khó khăn, chống đối và bách hại tái diễn mầu nhiệm Khổ nạn của Chúa trong cuộc sống của mình, Hội thánh kết hiệp cũng như Đức Maria với Thập giá của Chúa Cứu thế, cố gắng tìm cách trở nên đồng hình đồng dạng hơn với Đức Kitô.

3.-Hội thánh sống đức tin, nhận biết sự diễn tả hoàn toàn nhất của đức tin ở nơi Kẻ “đã tin rằng những lời của Chúa sẽ thực hiện” (Lc 1, 45). Trên hành trình ký thác tin tưởng vào Thiên Chúa, Đức Trinh nữ Maria đi trước các môn đệ vì Người đã gắn bó với Lời Chúa không ngừng và luôn luôn tăng tiến trong hết mọi giai đoạn của cuộc đời, kéo dài sang cả sứ mạng của Hội thánh. Tấm gương của Đức Maria khuyến khích Dân Chúa hãy thực hành đức tin, cố gắng đào sâu và phát triển nội dung đức tin, duy trì và suy gẫm trong lòng những diễn biến của ơn cứu rỗi.

Đức Maria cũng trở thành mẫu gương đức cậy cho Hội thánh. Khi nghe sứ điệp của thiên sứ, Đức Maria là người đầu tiên đã hướng niềm hy vọng về Vương triều bất tận mà Đức Giêsu đã tới để khai mào. Đức Maria đã kiên trì đứng gần Thập giá của Con mình, trong niềm trông mong thực hiện Lời của Chúa. Sau ngày lễ Ngũ tuần, Thân mẫu của Đức Giêsu nâng đỡ niềm hy vọng của Hội thánh, đang bị đe dọa bởi những cuộc bách hại. Vì vậy, đối với cộng đoàn các tín hữu và đối với từng tín hữu, Đức Maria là Mẹ của niềm cậy trông, khuyến khích và hướng dẫn con cái mình trong niềm chờ mong Nước Chúa, nâng đỡ họ trong những cuộc thử thách hằng ngày ở giữa những tình huống lắm lần bi đát của lịch sử.

Sau cùng, nơi Đức Maria, Hội thánh nhận ra khuôn mẫu của đức mến. Khi nhìn tới cộng đoàn các tín hữu tiên khởi, chúng ta nhận thấy rằng sự đồng tâm hiệp ý được biểu lộ trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, được gắn liền với sự hiện diện của Đức Trinh nữ rất thánh (xc. Cv 1, 14). Chính nhờ đức ái chiếu tỏa của Đức Maria mà sự hòa hợp và tình yêu thương huynh đệ có thể được duy trì mãi mãi trong nội bộ Hội thánh[3].

4.- Công đồng cũng minh nhiên nhìn nhận vai trò gương mẫu của Đức Maria đối với Hội thánh trong sứ mạng tông đồ với những lời như sau: “Trong hoạt động tông đồ, Hội thánh có lý để nhìn lên Đấng đã sinh hạ Đức Kitô là người thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và sinh ra bởi Đức Trinh nữ, ngõ hầu nhờ hoạt động của Hội thánh mà Ngài có thể sinh ra và lớn lên cả trong con tim của các tín hữu nữa. Thực vậy, đời sống Đức Trinh nữ Maria là gương sáng cho tình hiền mẫu. Mối tình phải là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ vụ tông đồ của Hội thánh để cho nhân loại được tái sinh” (HT 65).

Sau khi đã hợp tác vào công trình cứu chuộc bằng chức vụ làm mẹ, bằng việc kết hiệp với hy lễ của Đức Kitô và bằng việc giúp đỡ Hội thánh mới khai sinh, Đức Maria vẫn tiếp tục nâng đỡ cộng đoàn Kitô hữu và tất cả các tín hữu trong nỗ lực loan báo Tin mừng.

 

BÀI 62: MẪU GƯƠNG CHO HỘI THÁNH VỀ VIỆC THỜ PHƯỢNG CHÚA

Đức Maria là gương mẫu cho việc phụng tự vì đã lắng nghe và tuân hành Lời Chúa, vì đã suy gẫm và chia sẻ vào các mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Kitô. Ngoài ra, Đức Maria còn là mẫu gương cho việc cầu nguyện: Cuộc đời của Người diễn ra trong bầu khí cầu nguyện; Người nổi bật về sự táo bạo tín thác khi đến gần Chúa và về sự hiến dâng kết hợp với Thập giá Chúa Kitô.

1.- Trong tông huấn Marialis Cultus Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày Đức Trinh nữ Maria như là mẫu gương cho Hội thánh trong việc thực hành phụng tự[4]. Lời khẳng định này ra như là một hệ luận của chân lý về việc Đức Maria là khuôn mẫu cho Dân Chúa trên đường nên thánh: “Trong lãnh vực này Đức Maria trở thành khuôn mẫu bởi vì Người là mẫu mực tuyệt vời của Hội thánh trong hệ trật của đức tin, đức mến và của sự kết hiệp chặt chẽ với Đức Kitô, nghĩa là khuôn mẫu của những tâm tình nội tại mà Hội thánh, Hiền thê yêu dấu, kết hiệp chặt chẽ với Chúa của mình, khẩn cầu Đức Kitô và qua Đức Kitô mà dâng lên Thiên Chúa Cha việc thờ phượng” (số16).

2.- Đấng mà vào lúc Truyền tin đã bày tỏ sự ưng thuận hoàn toàn đối với chương trình của Thiên Chúa, trở thành một mẫu gương tuyệt vời cho hết mọi tín hữu về việc lắng nghe và tuân hành Lời của Chúa.

Khi đáp lại thiên sứ: “Xin hãy xảy ra cho tôi điều mà Ngài đã nói” (Lc 1, 38) và bày tỏ sự mau mắn chu toàn ý Chúa môt cách toàn hảo, Đức Maria đã đi vào chân phúc mà Chúa Giêsu đã công bố: “Phúc thay cho kẻ lắng nghe Lời Chúa và mang ra thực hành!” (Lc 11, 28).

Với tâm tình này, kéo dài suốt cuộc đời, Đức Maria chỉ tỏ cho chúng ta con đường hoàng đạo lắng nghe Lời Chúa, là một giai đoạn quan trọng của việc thờ phượng và trở thành điển hình của phụng tự Kitô giáo. Gương mẫu của Đức Maria cho chúng ta hiểu rằng việc thờ phượng tiên vàn không nằm ở chỗ phát biểu những tư tưởng và tâm tình của con người, cho bằng đặt mình trong tư thế lắng nghe Lời Chúa để mà hiểu biết, thấm nhiễm và mang ra thực hành trong cuộc sống.

3.- Mỗi buổi cử hành phụng vụ là một cuộc tưởng nhớ mầu nhiệm Đức Kitô trong việc cứu chuộc toàn thể nhân loại, và nhằm cổ võ sự tham gia bản thân của các tín hữu vào mầu nhiệm Vượt qua, được diễn tả lại qua các cử chỉ và ngôn từ của nghi thức.

Đức Maria đã là chứng tá của những biến cố cứu độ diễn ra trong lịch sử, với cao điểm là cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, và Người đã lưu giữ “tất cả những điều đó và suy gẫm trong con tim” (Lc 2,19).

Đức Maria không những có mặt ở các biến cố, nhưng Người còn cố gắng tìm hiểu ý nghĩa sâu đậm của chúng, và cố gắng với tất cả tâm hồn, gắn bó với những gì đã được diễn ra cách huyền nhiệm. Do đó, Đức Maria đã trở thành khuôn mẫu cao vời của việc tham gia bản thân vào các mầu nhiệm thánh. Người dẫn dắt Hội thánh trong việc suy niệm mầu nhiệm được cử hành và trong việc tham gia vào biến cố cứu rỗi, cổ võ nơi các tín hữu lòng ước ao được tham gia với Đức Kitô vào việc cứu rỗi nhân loại bằng cách cộng tác với sự hiến dâng đời sống của mình.

4.- Ngoài ra, Đức Maria trở nên khuôn mẫu cho Hội thánh về sự cầu nguyện[5]. Có lẽ Đức Maria đang chú ý cầu nguyện khi thiên sứ Gabriel vào nhà Nazarét và chào Người. Khung cảnh cầu nguyện chắc hẳn đã nâng đỡ Đức Trinh nữ trong việc đáp lại lời của thiên sứ và gắn bó với Mầu nhiệm Nhập thể.

Trong quang cảnh Truyền tin, các họa sĩ hầu như luôn luôn diễn tả Đức Maria trong tư thế cầu nguyện, trong số đó chúng ta nhớ tới Beato Angelico[6]. Họ đã chỉ dạy cho Hội thánh và mỗi người tín hữu rằng khung cảnh của việc thờ phượng phải là khung cảnh cầu nguyện.

Chúng ta cũng có thể thêm rằng đối với toàn thể Dân Chúa, Đức Maria trở nên mẫu mực cho hết mọi hình thái của cuộc sống cầu nguyện[7]. Cách riêng, Người dạy cho các Kitô hữu phải hướng về Thiên Chúa như thế nào để khẩn cầu sự cứu giúp và nâng đỡ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Lời khẩn nài từ mẫu của Người tại tiệc cưới Cana và sự hiện diện của Người tại nhà Tiệc ly bên cạnh các tông đồ đang cầu nguyện mong chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống gợi ý rằng lời cầu xin là một hình thức căn bản của việc hợp tác vào sự phát triển công trình Cứu chuộc trong thế giới. Theo gương của Người, Hội thánh học cách kêu xin một cách táo bạo, và bền bỉ trong việc khẩn cầu, và nhất là biết cầu xin hồng ân Chúa Thánh Thần (xc. Lc 11, 13).

5.- Hơn thế nữa, Đức Maria đối với Giáo hội cũng là khuôn mẫu của việc quảng đại tham gia vào hy lễ. Khi tiến dâng Đức Giêsu vào Đền thờ và nhất là dưới chân Thập tự, Đức Maria đã hoàn tất việc trao hiến bản thân để kết hiệp với tư cách là bà mẹ vào những đau khổ và thử thách của Con mình. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong các cuộc cử hành Thánh thể, “Đức Trinh nữ dâng hiến” (Marialis cultus, 20) khuyến khích các Kitô hữu hãy “tiến dâng những hy lễ thiêng liêng đẹp lòng Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2, 5).

 

BÀI 63: MẸ CỦA HỘI THÁNH

Công đồng Vaticanô II gọi Đức Maria là “phần tử ưu việt, điển hình, mẫu gương” của Hội thánh, nhưng không minh thị gọi Người là “Mẹ của Hội thánh”. Tuy vậy bản văn công đồng cũng nói rằng Hội thánh bày tỏ lòng yêu mến Đức Maria như bà mẹ rất đáng mến. Tuy chỉ mới xuất hiện gần đây, nhưng tước hiệu “Mẹ của Hội thánh” có nền tảng trong Thánh kinh ( đoạn 3) và các giáo phụ ( đoạn 4), khi Đức Maria được gọi là mẹ của các tín hữu, mẹ của những kẻ được cứu rỗi, mẹ của những kẻ được tái sinh.

1.- Công đồng Vaticanô II, sau khi đã tuyên dương Đức Maria là “phần tử ưu việt”, “điển hình” và “mẫu gương” của Hội thánh, đã khẳng định như sau: “Hội thánh Công giáo, được Chúa Thánh Thần dìu dắt, với tâm tình hiếu thảo tôn kính Người như là người mẹ rất đáng mến yêu”[8] (HT 53).

Nói cho đúng, bản văn Công đồng đã không minh nhiên gán cho Đức Trinh nữ Maria tước hiệu “Mẹ của Hội thánh”[9], nhưng đã phát biểu nội dung đó một cách rõ ràng, khi lấy lại tuyên ngôn của Đức Bênêđitô XIV cách đó hai thế kỷ về trước, vào năm 1748 (Bullarium Romanum, ser.2, t.2, n. 61, p. 428).

Trong văn kiện đó, vị tiền nhiệm của tôi, khi mô tả những tâm tình hiếu thảo của Hội thánh nhìn nhận nơi Đức Maria là người mẹ rất đáng mến yêu, đã gián tiếp tuyên dương Người là Mẹ của Hội thánh.

2.- Việc sử dụng danh hiệu này thực ra hơi họa hiếm trong quá khứ, nhưng gần đây đã trở thành phổ thông trong Huấn quyền của Hội thánh và trong lòng đạo đức của Dân Chúa. Các tín hữu đã kêu cầu Đức Maria dưới các tước hiệu là: “Đức Mẹ Chúa Trời”, “Mẹ của các tín hữu” hay là”Mẹ của chúng con”, để nêu bật mối tương quan bản thân Mẹ với từng con cái.

Dần dần, nhờ sự chú ý đến mầu nhiệm Hội thánh và đến những mối tương quan của Đức Maria với Hội thánh, người ta bắt đầu kêu cầu cách thường xuyên Đức Trinh nữ Maria như là “Mẹ của Hội thánh”.

Trước Công đồng Vaticanô II, thành ngữ này đã được xuất hiện trong Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, khi quả quyết rằng Đức Maria “thật đích đáng làm mẹ của Hội thánh” (Acta Leonis XIII, 15, 302). Kế đó danh xưng này được nhiều lần sử dụng trong các giáo huấn của Đức Gioan XXIII và PhaolôVI.

3.- Tuy được áp dụng cho Đức Maria khá muộn, nhưng tước hiệu “Mẹ của Hội thánh” diễn tả mối liên hệ mẹ con của Đức Trinh nữ đối với Hội thánh, đã được một vài bản văn Tân ước nhắc tới.

Ngay từ lúc Truyền tin, Đức Maria đã được yêu cầu hãy dâng sự thỏa thuận cho việc thực hiện Vương quyền của Đấng Mêsia, một Vương quyền sẽ được hoàn tất với sự hình thành của Hội thánh.

Tại Cana khi yêu cầu Đức Giêsu thi hành quyền của Đấng Mêsia, Mẹ Maria đã cống hiến cơ bản cho việc đâm rễ đức tin trong cộng đoàn các môn đệ tiên khởi, và cộng tác vào việc thiết lập Nước Chúa, một Nước đã “mang mầm mống” và “khởi đầu” trong Hội thánh (xc. HT 5).

Trên núi Calvariô, khi kết hiệp với hy lễ của Con mình, Đức Maria đã mang lại sự đóng góp của người mẹ vào công trình Cứu chuôc, dưới hình thức của một cuộc sinh hạ đau đớn, sự sinh đẻ nhân loại mới.

Khi hướng tới Đức Maria với những lời: “Hỡi người Nữ, đây là con của bà”, Chúa Cứu chuộc đã tuyên dương Đức Maria không những là Mẹ của tông đồ Gioan mà còn là Mẹ của tất cả các môn đệ. Chính thánh sử đã khẳng định rằng Đức Giêsu đã phải chết để “quy tụ tất cả con của Chúa đang tản mác” (Ga 11, 52), như thế ông ta đã ám chỉ rằng sự khai sinh của Hội thánh là hoa trái của hy lễ Cứu chuộc, mà Đức Maria đã được kết nạp như là người mẹ.

Thánh sử Luca đã nói tới sự hiện diện của Thân mẫu Chúa Giêsu ở giữa lòng cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem” (Cv 1, 14). Như vậy ông ta đã nhấn mạnh tới vai trò của Đức Trinh nữ Maria như là bà mẹ đối với Hội thánh mới khai sinh, tương tự như vai trò của Người vào lúc Chúa Cứu thế giáng sinh. Chiều kích làm mẹ trở thành một yếu tố căn bản của mối liên lạc giữa Đức Maria đối với dân tộc mới của những người được cứu chuộc.

4.- Theo gót Thánh kinh, các giáo phụ đã nhìn nhận chức làm mẹ của Đức Maria đối với công trình của Đức Kitô, và do đó đối với Hội thánh, tuy dù không phải với những từ ngữ chính xác.

Theo Thánh Irênêô, Đức Maria “trở thành nguyên nhân cứu rỗi cho nhân loại” (Adversus Haereses 3,22,4) và cung lòng thanh sạch của Đức Trinh nữ đã “tái sinh loài người cho Thiên Chúa” (Adv. Haer. 4,33,11). Thánh Ambrosiô cũng vọng lên tư tưởng đó khi khẳng định rằng: “Một Trinh nữ đã sinh ra ơn cứu rỗi cho nhân loại, một Trinh nữ đã ban sự sống cho hết mọi loài” (Ep. 66,33), và nhiều giáo phụ khác đã gọi Đức Maria là “Mẹ của ơn cứu rỗi” (Severiano Gabala, Oratio 6 de mundi creatione, 10; Fausto Riez, Max. Bibl. Patrum VI, 620-621).

Vào thời Trung cổ, thánh Anselmô đã khẩn cầu Đức Maria với những lời như sau: “Người là mẹ của sự công chính và của những người được công chính hóa, mẹ của sự hòa giải và của những người được hòa giải, mẹ của ơn cứu rỗi và của những người được ơn cứu rỗi” (Oratio 52,8), trong khi đó nhiều tác giả khác đã gán cho Đức Maria tước hiệu là “Mẹ của ơn thánh” và “Mẹ của sự sống”.

5.- Vì thế, tước hiệu “Mẹ của Hội thánh” phản ánh niềm thâm tín sâu xa của các Kitô hữu, nhìn thấy nơi Đức Maria không những là bà mẹ của bản thân Đức Kitô mà còn là mẹ của tín hữu nữa. Đấng đã được nhìn nhận như là mẹ của ơn cứu rỗi, của sự sống và của ơn thánh, mẹ của những người được cứu rỗi và những người được sống, quả là đúng lý để được tuyên dương là Mẹ của Hội thánh.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ước ao cho công đồng Vaticanô II tuyên bố Đức Maria là “Mẹ của Hội thánh, nghĩa là của toàn thể Dân Chúa, của các tín hữu cũng như của các mục tử”. Chính Người đã tuyên bố như vậy trong diễn văn bế mạc khóa họp thứ ba của Công đồng (ngày 21.11.1964), và đồng thời yêu cầu rằng “từ nay trở đi, ước chi toàn thể Dân Kitô giáo sẽ cung kính và khẩn cầu Đức Trinh nữ với tước hiệu êm đẹp đó”.

Như vậy, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã phát biểu minh thị đạo lý đã được chứa đựng trong chương thứ VIII của Hiến chế tín lý về Hội thánh, và mong mỏi rằng tước hiệu Đức Maria, Mẹ của Hội thánh, càng ngày càng chiếm một địa vị quan trọng hơn trong phụng vụ và lòng đạo đức của Dân Kitô giáo.

 

BÀI 64: ĐỨC MARIA MẸ CỦA CHÚNG TA TRONG HỆ ÂN SỦNG

Từ Thập giá, Chúa Giêsu đã đặt Đức Maria làm mẹ của hết mọi người. Đức Maria thi hành chức làm mẹ không phải chỉ bằng việc nêu gương sáng (“mẫu gương”) nhưng còn qua việc chuyển cầu cho chúng ta được lãnh ơn Chúa. Đó cũng là ý nghĩa của các tước hiệu mà các Kitô hữu gán cho Mẹ: Trạng sư, Bảo trợ, Phù hộ, Trung gian.

1.- Đức Maria là mẹ của nhân loại trong hệ ân sủng. Công đồng Vaticanô II đã nêu bật vai trò này của Đức Maria khi móc nối với sự hợp tác của Người vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô.

“Do sự xếp đặt của Chúa Quan phòng, trên trần gian này, Đức Maria đã trở nên Mẹ cao trọng của Chúa Cứu chuộc, cộng sự viên quảng đại một cách đặc biệt và là nữ tỳ khiêm hạ của Chúa” (HT 61).

Qua những lời khẳng định đó, Hiến chế tín lý về Hội thánh muốn nêu bật sự kiện là Đức Trinh nữ Maria đã được kết nạp chặt chẽ vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô, trở nên một người cộng sự viên “quảng đại” và “cách đặc biệt” của Chúa Cứu thế.

Qua những cử chỉ của mọi người mẹ, từ những cử chỉ đơn sơ cho đến những cử chỉ quan trọng, Đức Maria đã tự tình hợp tác với công trình cứu chuộc nhân loại, hòa nhịp sâu xa và bền chặt với Con mình.

2.- Công đồng cũng nêu bật rằng sự hợp tác của Đức Maria đã được thôi thúc bởi những nhân đức Phúc âm: vâng lời, tin, cậy và mến, và được thực hiện dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, Công đồng cũng nhắc lại rằng chính từ sự kết hiệp ấy mà Đức Maria đã nhận được chức làm mẹ tinh thần của hết mọi người. Được liên kết với Đức Kitô trong công trình cứu chuộc, bao hàm việc tái sinh nhân loại về đường thiêng liêng, Người đã trở thành mẹ của những người được tái sinh vào đời sống mới.

Khi khẳng định rằng Đức Maria là “mẹ của chúng ta trong hệ ân sủng”, Công đồng đã nêu bật rằng tình mẹ thiêng liêng của Người không chỉ giới hạn vào các môn đệ, theo như lối giải thích chật hẹp câu nói của Chúa Giêsu trên núi Calvariô: “Hỡi người Nữ, đây là con của bà” (Ga 19, 26). Thực vậy, qua những lời đó, Đức Giêsu trên thập giá đã thiết lập một mối tương quan thân mật giữa Đức Maria và người môn đê yêu dấu, hình ảnh tiên trưng mang tầm kích phổ quát; Chúa có ý muốn cống hiến bà mẹ của mình làm mẹ cho hết mọi người.

Mặt khác, hiệu quả phổ quát của hy lễ cứu chuộc và sự hợp tác có ý thức của Đức Maria vào hy lễ cứu chuộc của Đức Kitô, không thể nào đặt một giới hạn cho tình hiền mẫu của Người được.

Sứ vụ làm mẹ hết mọi người của Đức Maria được thực thi trong khung cảnh của mối tương quan đặc biệt của Người đối với Hội thánh. Với lòng ân cần đối với mỗi Kitô hữu, thậm chí đối với mỗi thụ tạo, Đức Maria hướng dẫn đức tin của Hội thánh tới chỗ càng ngày càng đón nhận Lời của Chúa sâu xa hơn, qua việc nâng đỡ đức trông cậy, thôi thúc đức bác ái và sự thông hiệp huynh đệ cũng như thúc đẩy nhiệt tình họat động tông đồ.

3.- Trong cuộc đời dương thế, Đức Maria đã thực hiện chức làm mẹ tinh thần với Hội thánh trong một thời gian ngắn ngủi. Tuy nhiên chức phận này vẫn giữ giá trị sau khi Người về trời, và sẽ còn kéo dài trải qua dòng thời gian cho đến tận thế.

Công đồng đã quả quyết minh thị như sau: “Đức Maria thực hiện chức vụ làm mẹ trong hệ ân sủng từ lúc Người đã tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền tin và duy trì không chút do dự dưới chân Thập giá, sẽ còn kéo dài cho tới khi tất cả mọi người được tuyển chọn sẽ được cứu rỗi” (HT 62).

Khi được vào Nước vĩnh cửu của Chúa Cha, gần gũi hơn với Chúa Con và do đó gần gũi hơn với tất cả mọi người chúng ta, Đức Maria có thể thực hiện hữu hiệu hơn trong Chúa Thánh Thần vai trò chuyển cầu từ mẫu mà Chúa Quan phòng đã ủy thác.

4.- Bên cạnh Đức Kitô và hiệp thông với Đức Kitô, Đấng “có thể cứu thoát tất cả những ai nhờ Người tới cùng Thiên Chúa, xét rằng Người luôn sống động để chuyển cầu cho họ” (Dt 7, 25), Chúa Cha trên trời đã muốn đặt Đức Maria: bên cạnh lời chuyển cầu tư tế của Chúa Cứu thế, Chúa Cha đã muốn kết hiệp lời chuyển cầu từ mẫu của Trinh nữ Maria. Đây là một chức phận mà Người thi hành nhằm sinh lợi cho những kẻ đang gặp nguy khốn và đang cần những ơn ích đời này, và nhất là ơn cứu rỗi đời đời: “Trong tình thương mẹ hiền, Người chăm lo tới những em của Con mình còn đang lữ hành trên dương thế, và đang gặp bao nhiêu đau khổ thử thách cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế Đức Trinh nữ đã được kêu cầu trong Hội thánh qua các tước hiệu là Trạng sư, Bảo trợ, Phù hộ và Trung gian”[10] (HT 62).

Những danh xưng này, phát xuất từ niềm tin của các Kitô hữu, giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của sự can thiệp của Đức Mẹ Chúa Trời vào cuộc sống của Hội thánh và của từng tín hữu.

5.- Danh hiệu “Trạng sư” bắt nguồn từ thánh Irênêô. Khi bàn tới sự bất tuân của bà Evà và sự tuân phục của Đức Maria, ông nói rằng vào lúc Truyền tin: “Đức Trinh nữ Maria trở nên trạng sư của bà Evà” (Adv. Haer. 5,19,1) Thực vậy, do tiếng “xin vâng”, Đức Maria đã bào chữa và cứu thoát bà tổ khỏi những hậu quả của sự bất tuân, trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho bà cũng như cho toàn thể nhân loại.

Đức Maria thực thi vai trò “trạng sư” bằng cách hợp tác với Chúa Thánh Linh cũng như với Đấng mà trên Thập giá đã bào chữa cho những kẻ bách hại mình (x. Lc 23, 34), và Đấng mà thánh Gioan đã gọi là “trạng sư của chúng ta trước Chúa Cha”(1 Ga 2, 1). Như một bà mẹ, Đức Maria bênh vực con cái của mình và che chở họ khỏi những thiêt hại do tội lỗi gây ra.

Các Kitô hữu kêu cầu Đức Maria như là “Bảo trợ”, bởi vì họ nhận biết rằng tình yêu hiền mẫu của Người thấy những sự cần thiết của con cái, và sẵn sàng mau mắn can thiệp để giúp đỡ họ, nhất là khi liên quan tới phần rỗi đời đời của họ.

Niềm xác tín rằng Đức Maria gần gũi những kẻ đau khổ và gặp phải cơn gian nan nguy hiểm đã gợi cho các tín hữu kêu cầu Đức Maria như là “Đấng phù hộ”. Niềm xác tín này đã được phát biểu qua một kinh nguyện cổ điển với những lời sau đây: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin mẹ đừng chê bỏ, nhưng xin hằng giải thoát khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh diêu ai bì, Trinh nữ đầy ơn phước!” (Giờ Kinh Phụng vụ)

Với tư cách là “Trung gian”, Đức Maria trình bày cho Đức Kitô những ước muốn và những lời khẩn nguyện của chúng ta, và chuyển lại cho chúng ta những ơn huệ của Chúa; Người luôn luôn chuyển cầu giúp đỡ chúng ta[11].

 

BÀI 65: ĐỨC MARIA TRUNG GIAN

Vai trò chuyển cầu của Đức Maria thường được diễn tả qua từ ngữ “trung gian”. Cần phải hiểu thế nào về tước hiệu này? Nó có trái ngược với đạo lý về “Đức Kitô là trung gian duy nhất” không? Đức Thánh Cha trả lời rằng không. Tuy Đức Kitô là trung gian duy nhất, nhưng các tín hữu cũng được mời gọi tham gia vào sự trung gian ấy, chẳng hạn như bằng việc chuyển cầu cho tha nhân, bằng việc rao giảng Tin mừng cho thế giới. Đức Maria tham gia vào sự trung gian của Đức Kitô một cách khác với các tín hữu khác, bởi vì một đàng Người đã hợp tác với Chúa Kitô trong việc thực hiện công trình cứu chuộc nhân loại; đàng khác Người được đặt làm Mẹ của các tín hữu để chuyển cầu cho họ.

1.- Trong số những tước hiệu gán cho Đức Maria trong phụng tự của Hội thánh, Chương 8 của Hiến chế Ánh sáng muôn dân nhắc tới tước hiệu “Trung gian”. Dù một vài nghị phụ đã không chia sẻ lập trường này, nhưng danh hiệu vẫn được xen vào Hiến chế tín lý về Hội thánh, xác nhận giá trị của chân lý mà nó diễn tả. Tuy nhiên văn kiện đã để ý không muốn gắn liền danh hiệu này với một ý kiến thần học nào về sự trung gian[12], nhưng chỉ liệt kê cùng với các tước hiệu đã được dành cho Đức Maria mà thôi.

Hơn nữa, bản văn Công đồng cũng đề cập tới nội dung của danh hiệu “trung gian” khi khẳng định rằng Đức Maria “do lời chuyển cầu của mình, tiếp tục cầu xin cho chúng ta những ơn lành cho phần rỗi đời đời”(HT 62).

Như tôi đã nhắc trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế, “sự trung gian của Đức Maria được gắn liền với chức vụ làm mẹ, đặc trưng của nó là tính cách từ mẫu, khác biệt với các lối trung gian của những thụ tạo khác”(số 38). Dưới khía cạnh này, sự trung gian của Đức Maria mang tính cách độc nhất vô nhị và hết sức hữu hiệu.

2.- Đáp lại những khó khăn mà một vài nghị phụ đã nêu lên chung quanh hạn từ “Trung gian”, Công đồng đã tìm cách trả lời qua việc khẳng định rằng Đức Maria là“người mẹ của chúng ta trong hệ ân sủng” (HT 61). Chúng ta nên nhớ rằng sự trung gian của Đức Maria được đặt nền tảng trên chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa. Ngoài ra, vai trò trung gian cũng được mặc nhiên nhìn nhận trong thành ngữ “Mẹ chúng ta”: đạo lý về sự trung gian của Đức Maria được giải thích dựa theo chức vụ làm mẹ. Sau cùng tước hiệu “Mẹ trong hệ ân sủng” đã làm sáng tỏ rằng Đức Trinh nữ Maria cộng tác với Đức Kitô vào việc tái sinh nhân loại về đàng thiêng liêng.

3.- Sự trung gian từ mẫu của Đức Maria không làm lu mờ sự trung gian duy nhất và toàn thiện của Chúa Kitô. Thực vậy, sau khi đã nhắc tới Đức Maria “trung gian”, Công đồng đã vội vàng xác nhận rằng “điều này cần phải hiểu làm sao để không được thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất” (HT 62).

Và Công đồng đã trích dẫn đoạn văn nổi tiếng của thư thứ nhất gửi ông Timôthêô: “Thực vậy, chỉ có một Thiên Chúa và một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với loài người, con người Kitô Giêsu, đã tự hiến mình để chuộc tội muôn người” (2,5-6).

Ngoài ra, Công đồng cũng khẳng định rằng “chức vụ từ mẫu của Đức Maria đối với loài người không thể nào làm lu mờ hoặc suy giảm, mà còn bày tỏ sự hữu hiệu của việc trung gian duy nhất của Đức Kitô” (HT 60).

Vì thế thay vì làm ngăn trở việc thực hiện tính cách môi giới duy nhất của Đức Kitô, Đức Maria đã làm nêu bật sự phong phú và hữu hiệu của sự trung gian ấy. “Bởi vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Trinh nữ trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết nào, nhưng là do ý định nhân lành của Chúa, và bắt nguồn từ sự sung mãn công trạng của Đức Kitô, đặt nền tảng trên sự trung gian của Người, hoàn toàn tùy thuộc và múc lấy sự hữu hiệu từ đó” (HT 60).

4.- Do đó, giá trị của sự trung gian của Đức Maria bắt nguồn từ Đức Kitô, và ảnh hưởng cứu rỗi của Đức Maria “không mảy may ngăn trở, nhưng trái lại còn giúp đỡ cho các tín hữu được kết hiệp trực tiếp với Đức Kitô” (HT 60).

Như vậy, Công đồng đã quy hướng toàn thể công tác “trung gian” của Đức Maria hướng về Đức Kitô, đồng thời cũng khuyến khích các tín hữu hãy chạy đến cùng Đức Maria “ngõ hầu nhờ được sự nâng đỡ từ mẫu của Người, họ sẽ gắn bó chặt chẽ hơn với vị Trung gian và Cứu thế” (HT 62).

Khi tuyên bố Đức Kitô là Đấng trung gian duy nhất (1Tm 2, 5-6), bản văn của thánh Phaolô gởi ông Timôthêô loại bỏ hết mọi thứ trung gian song hành, nhưng không gạt bỏ một sự trung gian tùy thuộc. Thực vậy, trước khi nói tới sự trung gian duy nhất và độc hữu của Đức Kitô tác giả đã khuyến khích “ai nấy hãy kêu van, khẩn nài, cầu xin và cảm tạ cho hết mọi người…” (2,1). Những lời cầu nguyện chẳng phải là một hình thức trung gian đó sao? Hơn thế nữa, theo thánh Phaolô, chính sự trung gian duy nhất của Đức Kitô nhằm thôi thúc những sự trung gian khác mang tính cách tùy thuộc và tác vụ. Khi tuyên bố tính cách trung gian duy nhất của Đức Kitô, thánh Tông đồ chỉ nhằm loại trừ những sự trung gian tự lập và song hành, chứ không loại trừ những hình thức khác có thể dung hợp được với giá trị vô tận của công trình Cứu chuộc.

5.- Có thể tham gia sự trung gian của Đức Kitô trong những lãnh vực khác nhau của công trình cứu chuộc. Hiến chế Tín lý về Hội thánh, sau khi đã nêu bật rằng không một thụ tạo nào có thể so sánh được với Ngôi Lời Nhập thể và Đấng Cứu chuộc, đã cho thấy rằng các loài thụ tạo có thể thi hành một vài hình thức trung gian tùy thuộc vào Đức Kitô. Thực vậy, Công đồng nhận định rằng “cũng như chức tư tế của Đức Kitô có thể thông dự bằng những cách thức khác nhau do những tác nhân thánh và các tín hữu, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa đã được thông đạt qua các cấp độ khác nhau nơi các thụ tạo, thì sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu chuộc không loại trừ mà còn khêu dậy nơi các thụ tạo một sự hợp tác đa dạng tham dự vào nguồn mạch duy nhất này” (HT 62).

Chính trong ý định khêu gợi lên những sự tham gia sự trung gian duy nhất của Đức Kitô, mà ta thấy biểu lộ lòng thương vô lượng của Thiên Chúa muốn chia sẻ điều mình có.

6. Thực vậy sự trung gian từ mẫu của Đức Maria là gì nếu không phải là một hồng ân Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại? Chính vì thế mà Công đồng kết luận: “Hội thánh không do dự khi nhìn nhận công khai vai trò tùy thuộc của Đức Maria, Hội thánh liên tục cảm nghiệm và giới thiệu nó cho con tim của các tín hữu…” (HT 62).

Đức Maria thực thi tác động làm mẹ tùy thuộc vào sự trung gian của Đức Kitô và từ Đức Kitô Người đã nhận lãnh tất cả những gì mà trái tim của Người muốn ban cho nhân loại.

Trong cuộc lữ hành trần thế, Giáo hội cảm thấy “liên lỉ” ảnh hưởng của tác động của “người Mẹ trong hệ ân sủng”.



[1] Xem lại bài 24.

[2] Về sự thánh thiện của Hội thánh và tội lỗi của các phần tử, xc. Sách GLCG số  823-829.

[3] Về mẫu gương tin – cậy – mến của Mẹ Maria, xem lại các bài 6 và 43.

[4] Cultus: phụng tự, việc thờ phượng.

[5] Xem thêm sách GLCG số 2617-2619: Sự cầu nguyện của Trinh nữ Maria.

[6] Linh mục tu sĩ dòng Đaminh (1387-1455), được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 30.10.1984.

[7] Về những hình thái cầu nguyện, xem sách GLCG số 2626-2643: chúc tụng, thờ lạy, cầu xin,  chuyển cầu, cảm tạ, ngợi khen.

[8] “Catholica Ecclesia, a Spiritu Sancto edocta, filialis pietatis affectu tamquam matrem amantissimam prosequitur”

[9] Nên lưu ý sự khác biệt giữa “Mẹ của Hội thánh” và “Mẹ Hội thánh”. “Mẹ Hội thánh” ám chỉ chức vụ làm mẹ của Hội thánh (xem bài 59): Hội thánh là mẹ của các tín hữu vì đã sinh sản họ nhờ Lời Chúa, các bí tích và tình thương. Còn Đức Maria là “Mẹ của Hội thánh”, mẹ của các tín hữu và của các mục tử.

[10] “Propterea B. Virgo in Ecclesia, titulis Advocatae, Auxiliatricis, Adiutricis, Mediatricis invocatur”.

[11] Chủ đề “trung gian” sẽ được khai triển trong bài tới.

[12]  Các nhà thần học đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về vai trò trung gian của Mẹ Maria: từ chỗ chỉ nhìn thấy như một tấm gương (tối thiểu) tới chỗ chủ trương rằng mọi ơn huệ Thiên Chúa ban cho loài người đều phải qua Mẹ Maria (tối đa). Giữa hai thái cực đó, còn  nhiều ý kiến trung dung khác.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]