- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 27

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Ba, ngày 27/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 16,5-11

5 Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: “Thầy đi đâu?6 Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền.7 Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.8 Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử:9 về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy;10 về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa;11 về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

 

3. SUY NIỆM

 “Nếu Thầy không đi
thì Đấng phù trợ sẽ không đến với các con” (Ga 16,7).

Như Mẹ: Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã không còn trực tiếp dạy dỗ, dẫn dắt các môn đệ của mình nữa. Người trở về và sai Đấng Phù Trợ, là Chúa Thánh Thần, ngự xuống. Chính Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục làm cho ơn cứu độ của Thiên Chúa được nảy nở và ngày càng lan rộng qua Hội Thánh mà Chúa Giêsu đã thiết lập.

Với Mẹ: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã thương gửi Thánh Thần đến để soi sáng và chỉ bảo cho chúng con phải làm gì, để tiếp tục sứ mạng tông đồ và hoàn thành ơn gọi làm sứ giả loan báo Ơn Cứu Độ mà Chúa Kitô đã trao phó cho mỗi người chúng con khi chịu phép Rửa Tội.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ luôn đặt đời sống của mình trong sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 53: GIẤC NGỦ CỦA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI

Kinh thánh không nói gì về sự kết liễu cuộc đời dương thế của Đức Maria. Truyền thống Hội thánh tin rằng Mẹ đã được Chúa đưa cả hồn xác về vinh quang thiên quốc. Đây là chủ đề của ba bài huấn giáo (số 53-56). Lần này, Đức Thánh Cha tìm hiểu ý nghĩa cái chết của Mẹ Maria, một điểm đã được nhiều giáo phụ bàn đến.

1.- Về việc kết liễu cuộc đời dương thế của Đức Maria, Công đồng Vaticanô II lấy lại những lời lẽ của sắc chiếu định nghĩa tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời như sau: “Đức Trinh Nữ Vô nhiễm được gìn giữ cho khỏi tội nguyên tổ, sau khi đã mãn cuộc đời dương thế, đã được đưa cả hồn lẫn xác về vinh quang thiên quốc”(HT 59).

Qua những lời đó, Hiến chế về Hội thánh, theo gót Đức Giáo Hoàng Piô XII, đã không muốn lên tiếng về vấn đề cái chết của Đức Maria. Thực ra Đức Piô XII không chủ ý phủ nhận cái chết, nhưng Người nghĩ rằng không nên tuyên bố cái chết của Đức Mẹ Chúa Trời như là một chân lý buộc hết mọi tín hữu phải chấp nhận.

Thực vậy, một vài nhà thần học đã chủ trương rằng Đức Maria được miễn khỏi phải chết và Người đã được đưa thẳng từ cuộc sống đời này về vinh quang trên trời. Tuy nhiên, ý kiến này chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ XVII, trong khi mà đã có một lưu truyền lâu đời coi cái chết của Đức Maria như là sự dẫn đưa vào vinh quang trên trời.

2.- Có thể nào Đức Maria Nazaret lại phải trải qua thảm cảnh chết chóc nơi thân xác mình hay không?

Khi suy nghĩ tới số phận của Đức Maria và mối tương quan với Chúa Con, xem ra có thể đưa ra câu trả lời khẳng định như sau: chính vì Đức Kitô đã chết, vì thế khó lòng chủ trương một điều trái ngược đối với Thân mẫu của Chúa.

Các giáo phụ đã lập luận theo đường hướng đó, và họ không mảy may nghi ngờ gì về điểm này. Chỉ cần trích dẫn thánh Giacôbê Sarug (+ năm 521), theo đó “ca đoàn mười hai Tông đồ”, khi Đức Maria đã đến “thời đi vào con đường của hết mọi thế hệ”, nghĩa là con đường của sự chết, thì đã tụ họp để an táng “thân xác trinh khiết của Đấng đáng chúc tụng” (Diễn từ về sự an táng Đức Thánh mẫu, 87-99). Thánh Modestô Giêrusalem (+ năm 634), sau khi đã dài dòng bàn về “giấc ngủ hạnh phúc của Đức Mẹ Chúa Trời”, đã kết luận “lời từ giã” qua việc tán dương sự can thiệp diệu kỳ của Chúa Kitô, Đấng đã cho Đức Maria “chỗi dậy từ ngôi mộ” để đưa Người về với mình trong vinh quang. Thánh Gioan Đamascêno (+ năm 704) đã tự hỏi: “Tại làm sao mà Đấng vào lúc sinh hạ đã vượt qua hết mọi giới hạn của thiên nhiên, giờ đây lại phải chịu khuất phục những luật lệ của thiên nhiên, và làm sao thân thể vô nhiễm của Người lại có thể khuất phục cái chết?”. Và ông đã trả lời: “Chắc hẳn là cái phần hay chết cần phải được chôn táng để có thể mọc lên sự bất tử, xét vì chính Chủ tể thiên nhiên cũng đã không muốn khước từ cảm nghiệm cái chết. Thực vậy, Người đã chết theo xác thể và bằng cái chết Người đã hủy diệt cái chết, Người đã mang lại sự bất diệt cho sự hủy hoại, và Ngài đã biến cái chết thành nguồn của sự sống lại” (Diễn từ về Lễ an giấc của Đức Mẹ Chúa Trời, 10).

3.- Đành rằng, dựa theo mặc khải, cái chết được trình bày như là án phạt của tội lỗi. Tuy vậy, sự kiện Hội thánh tuyên bố Đức Maria được giải thoát khỏi tội nguyên tổ do một đặc ân của Chúa, không đưa đến một kết luận rằng Đức Maria cũng đã lãnh nhận đặc ân bất tử về thân xác. Bà Mẹ không thể hơn Con mình được, Đấng đã lãnh nhận cái chết, để ban cho nó một ý nghĩa mới và biến đổi nó thành một dụng cụ của sự cứu rỗi.

Được lôi cuốn vào công trình cứu chuộc và được kết hợp với hy lễ cứu độ của Đức Kitô, Mẹ Maria đã được chia sẻ sự đau khổ và cái chết ngõ hầu cho nhân loại được cứu rỗi. Đối với Mẹ, có thể áp dụng những gì mà ông Sêvêrô Antiôkia khẳng định về Đức Kitô: “Nếu không có một cái chết đi trước thì làm sao có sự sống lại được?” (Antijulianistica, Beirut 1931, 194). Để có thể thông dự vào sự sống lại của Đức Kitô, tiên vàn Đức Maria cũng phải chia sẻ cái chết của Chúa nữa.

4.- Tân ước không cung cấp cho chúng ta một tin tức nào về những hoàn cảnh của cái chết của Đức Maria. Sự thinh lặng này đưa đến giả thiết rằng sự chết đã diễn ra một cách thường tình, không có gì đáng nói. Nếu không, thì thử hỏi làm sao nó có thể giấu kín đối với người đương thời và không được truyền lại cách nào đó cho chúng ta?

Bàn về những nguyên nhân đưa tới cái chết của Đức Maria, những ý kiến muốn loại trừ những nguyên nhân tự nhiên thì xem ra không có cơ sở. Điều quan trọng hơn là đi tìm hiểu thái độ thiêng liêng của Đức Trinh nữ lúc Người sắp ra đi khỏi đời này. Về điểm này, thánh Phanxicô de Sales cho rằng cái chết của Đức Maria đã xảy đến như là hậu quả của một cuộc thăng tiến về tình yêu. Ông ta nói đến một cái chết “trong tình yêu, do tình yêu gây ra và vì tình yêu”. Vì thế ông đã kết luận rằng Đức Mẹ Chúa Trời đã chết vì yêu mến quý tử Giêsu của mình (Traité de l’Amour de Dieu, lib. 7, c. XIII-XIV).

Cho dù cuộc đời của Đức Maria đã chấm dứt do một sự kiện hữu cơ hay sinh lý nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể nói rằng việc chuyển bước từ cuộc đời này đến cuộc đời bên kia đối với Đức Maria là một sự trưởng thành của ơn thánh tiến tới vinh quang; vì thế cái chết của Người có thể được quan niệm như là một “giấc ngủ”[1].

5.- Nơi một vài giáo phụ, chúng ta thấy mô tả cảnh Chúa Giêsu đến để đem mẹ mình về vinh quang thiên quốc vào chính lúc chết[2].

Như vậy, họ đã trình bày cái chết của Đức Maria như là một biến cố tình yêu dẫn Người tới gặp gỡ Con yêu dấu của mình để chia sẻ cuộc sống bất tử. Vào cuối cuộc đời dương thế, Đức Maria đã nếm thử, cũng như thánh Phaolô và còn hơn thánh Phaolô, ước ao được rời bỏ thân xác này để có thể ở với Chúa Kitô luôn mãi (Pl 1,23).

Cảm nghiệm về sự chết đã làm cho bản thân Đức Maria được thêm phong phú: bởi vì đã nếm số phận chung của hết mọi người, Đức Maria có khả năng thực hiện một cách hữu hiệu hơn chức vụ làm mẹ tinh thần của mình đối với những người đi tới giây phút chót của cuộc đời.

 

BÀI 54: ĐỨC TIN VỀ VIỆC MẸ MARIA ĐƯỢC ĐƯA VỀ TRỜI

Trong bài huấn giáo hôm nay, Đức Thánh Cha phân tích những điểm chính của sắc chiếu định nghĩa tín điều Đức Maria hồn xác lên trời. Văn kiện này nhắc đến hai luận cứ thần học chính: 1/ Niềm tin của Dân Chúa từ lâu đời; 2/ Sự liên kết chặt chẽ của Đức Maria vào công cuộc cứu thế của Chúa Kitô, trong cái chết cũng như trong sự sống lại.

1.- Hoạ theo sắc chiếu Munificentissimus Deus của Đức Piô XII, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định rằng Đức Trinh Nữ Vô nhiễm, “sau khi mãn cuộc đời dương thế, được đưa về trời cả hồn lẫn xác” (HT 59).

Các nghị phụ muốn nêu bật rằng Đức Maria, khác với các tín hữu khác đã chết trong ân nghĩa với Chúa, đã được đưa về vinh quang thiên quốc kể cả với thân xác của mình. Đây là một niềm tin có từ lâu đời, được diễn tả kể cả qua truyền thống những bức họa phẩm, trình bày Đức Maria “đi vào thiên đàng” cùng với thân xác.

Tín điều về Đức Mẹ hồn xác lên trời khẳng định rằng thân xác của Đức Maria đã được vinh hiển liền sau khi chết. Thực vậy, đối với những người khác, sự phục sinh thân xác sẽ chỉ xảy ra vào lúc tận thế; còn đối với Đức Maria, sự tôn vinh thân xác đã được nếm hưởng trước do một đặc ân đặc thù.

2.- Ngày 01.11.1950, khi định nghĩa tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, Đức Piô XII đã tránh dùng từ ngữ “phục sinh” (resurrectio)[3], cũng như tránh việc xác định vấn đề cái chết của Đức Maria như là một chân lý đức tin. Sắc chiếu Munificentissimus Deus chỉ giới hạn vào việc khẳng định thân xác Đức Maria được đưa lên vinh quang trên trời, và tuyên bố rằng chân lý này là một “tín điều được Thiên Chúa mạc khải”.

Làm sao không ghi nhận rằng chân lý Đức Maria về trời vốn nằm trong đức tin của toàn dân Thiên Chúa? Khi khẳng định Đức Maria đi vào vinh quang Thiên quốc thì cũng đồng thời tuyên xưng rằng thân xác của Người cũng được tôn vinh.

Dấu vết đầu tiên của lòng tin nơi Đức Maria hồn xác lên trời đã xuất hiện nơi những bản văn ngụy thư mang tựa đề là “Transitus Mariae” (Đức Maria qua đời), mà nguồn gốc đã lên tới các thế kỷ thứ II-III. Đó là những lối trình bày bình dân và đôi khi mang tính chất truyền kỳ, nhưng cũng chứa đựng một trực giác đức tin của dân Chúa.

Tiếp đến là sự phát triển những suy tư chung quanh số phận của Đức Maria ở bên kia thế giới. Điều này đã dẫn đưa các tín hữu tới đức tin về Đức Maria được cất nhắc hồn xác, và đưa tới việc thiết lập những lễ phụng vụ bên Đông phương kính việc Đức Maria “An nghỉ” (Dormitio) hoặc là “Được đưa lên trời” (Assumptio).

Niềm tin về số phận vinh hiển cả hồn lẫn xác của Thân mẫu Chúa sau khi chết, từ bên Đông phương đã tràn qua Tây phương một cách nhanh chóng, và trở thành phổ quát từ thế kỷ XIV. Sang thế kỷ XX, vào những năm trước khi định tín, chân lý này đã được đón nhận và tuyên xưng nơi tất cả cộng đoàn Kitô hữu khắp thế giới.

3.- Vì thế vào tháng 5 năm1946, với thông điệp Deiparae Virginis Mariae, Đức Piô XII đã phát động một cuộc thăm dò ý kiến rộng rãi, thỉnh vấn các giám mục và qua các ngài, tới các giáo sĩ và Dân Chúa, về việc có thể và có nên định nghĩa Đức Maria hồn xác về trời như là chân lý đức tin hay không. Kết quả thực là rất tích cực: duy chỉ có 6 ý kiến trên tổng số 1181 đã bày tỏ vài sự dè dặt đối với nguồn gốc mặc khải của chân lý này.

Khi trưng dẫn dữ kiện này, sắc chiếu Munificentissimus Deus quả quyết như sau: “Sự nhất trí của Huấn quyền thường xuyên của Hội thánh cung cấp một luận cứ chắc chắn và vững bền để chứng minh rằng việc Đức Maria hồn xác lên trời là một chân lý do Chúa mặc khải, và vì thế cần phải được tất cả các con cái của Hội thánh tin chắc chắn và trung thành” (AAS 42, 1950, 757).

Việc xác định tín điều, dựa trên niềm tin phổ quát của Dân Chúa, đã loại trừ vĩnh viễn tất cả mọi nghi vấn, và đòi hỏi sự tin nhận minh nhiên của tất cả các Kitô hữu. Sau khi đã nói tới đức tin của Hội thánh vào việc Đức Maria hồn xác lên trời, sắc chiếu đã nhắc tới nền tảng Kinh Thánh của chân lý này.

Tuy Tân ước không khẳng định rõ rệt về việc Đức Maria lên trời, nhưng đã cung cấp nền tảng để làm nêu bật sự kết hiệp khắng khít giữa Đức Trinh nữ với số phận của Chúa Giêsu. Sự kết hiệp này, được bộc lộ ngay từ khi thụ thai Chúa Cứu thế, trong việc tham gia của người Mẹ vào sứ mạng của Con, và nhất là trong việc kết hiệp với hiến tế cứu chuộc, không thể không đòi hỏi một sự tiếp nối sau khi chết. Đức Maria đã được kết hợp khắng khít vào cuộc sống và công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, cho nên cũng chia sẻ số phận trên trời cả hồn lẫn xác.

4.- Sắc chiếu Munificentissimus Deus, khi nhắc tới sự tham dự của người nữ ở trong Phúc âm tiên khởi và cuộc chiến đấu chống lại con rắn, và khi nhìn nhận nơi Đức Maria như là bà Evà mới, đã trình bày việc Đức Mẹ lên trời như là kết quả của sự kết hiệp của Người vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Sắc chiếu nói như sau: “Do đó, cũng như sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô là một phần cơ yếu và giải thưởng sau cùng của cuộc chiến thắng này, thì cuộc chiến đấu mà Đức Maria tham gia cùng với Con cũng phải kết thúc với việc tôn vinh thân xác trinh khiết của Người như thế”[4] (AAS 42, 1950, 768).

Vì thế việc Đức Maria lên trời là đích điểm của một cuộc chiến đấu đã lôi cuốn tình yêu quảng đại của Đức Maria vào việc cứu chuộc nhân loại, và là hoa quả của sự tham dự cách vô song vào cuộc chiến thắng Thập giá.



[1]  “Dormitio”: giấc ngủ, an nghỉ. Đây cũng là tên đặt cho lễ phụng vụ kính ngày tạ thế của Mẹ Maria bên các Giáo hội Đông phương.

[2]  Xem các tư tưởng giáo phụ được trích dẫn ở bài 55.

[3] Các văn kiện của Hội thánh dành từ  “Phục sinh” (resurrectio: sống lại, chỗi dậy)  và “Lên trời” (Ascensio)  cho Đức Kitô; còn Đức Maria thì “được đưa về trời” (assumptio).

[4] Có thể đọc văn kiện này trong bài đọc hai Giờ Kinh Sách, ngày 15 tháng 8.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]