- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 21

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Tư, ngày 21/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 15,1-8

1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

 

3. SUY NIỆM

 “Ai ở lại trong Thầy, Thầy ở lại trong người ấy
thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

Như Mẹ: Chúng ta chỉ tìm được bình an thật sự khi gắn kết cuộc đời mình vào Thiên Chúa, nhất là khi biết lắng nghe và thực hành những điều Chúa dạy, qua gương sống của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu chính là trung tâm đời sống của chúng ta và là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, nhiều lúc vì sự nhỏ nhặt và tự mãn, con đã không mở cánh cửa tâm hồn mình trước tiếng gọi của Chúa qua đời sống cầu nguyện. Xin Chúa biến đổi con, để con biết sống gắn bó với Chúa và thân thiện với mọi người.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp con theo Mẹ đi đến với Chúa Kitô trên hành trình lên đỉnh thập giá bằng sự từ bỏ những lợi ích cá nhân mà sống bác ái vị tha với mọi người.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 41: TRONG CUỘC TIẾN DÂNG CHÚA GIÊSU VÀO ĐỀN THỜ,

CHÚA BÀY TỎ SỰ HỢP TÁC CỦA “NGƯỜI NỮ”

VÀO VIỆC CỨU CHUỘC

Trong trình thuật tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ, chúng ta thấy sự có mặt của hai phụ nữ: Đức Maria và bà Anna. Đức Maria dâng tiến Đức Giêsu cho Thiên Chúa, tiên báo việc liên kết với hy lễ thập giá của Chúa Kitô mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Bà Anna tượng trưng cho biết bao phụ nữ dâng hiến cuộc đời để phụng sự Chúa qua việc cầu nguyện và thực hành các nhân đức.

1.- Những lời của cụ Simêon báo cho Đức Maria việc Người tham gia vào sứ mạng cứu chuộc của Đấng Mêsia, đã làm sáng tỏ vai trò của người phụ nữ trong mầu nhiệm cứu chuộc.

Thực vậy, Đức Maria không phải chỉ là một cá nhân mà thôi, nhưng còn là “thiếu nữ Sion”[1], người phụ nữ “mới” được đặt bên cạnh Đấng Cứu thế để chia sẻ cuộc khổ nạn và tái sinh trong Thánh Thần những người con của Chúa. Thực tại này đã được lòng đạo đức bình dân diễn tả qua “bảy lưỡi gươm” đâm thâu qua trái tim của Đức Maria[2]: hình thức này muốn nói lên mối liên kết sâu xa giữa bà mẹ, – được đồng hóa với thiếu nữ Sion và với Hội thánh -, và số phận đau khổ của Ngôi Lời nhập thể.

Khi trao trả lại người Con mà mình vừa được nhận lãnh bởi Thiên Chúa, để hiến dâng Người cho sứ mạng cứu chuộc, Đức Maria cũng dâng hiến chính mình cho sứ mạng đó nữa. Đây là một thái độ chia sẻ nội tâm chứ không nguyên chỉ là hoa quả của tình mẹ; nhất là nó biểu lộ sự thỏa thuận của người đàn bà “mới” vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô.

2.- Trong lời phát biểu của mình, ông Simêon đã bày tỏ mục tiêu của hy lễ của Đức Giêsu và của Mẹ Maria: những điều này sẽ xảy đến “ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm của nhiều người phải lộ ra”(Lc 2,35).

Đức Giêsu “dấu hiệu bị chống báng” (Lc 2,34), Đấng lôi cuốn bà mẹ mình vào vòng đau khổ, sẽ là kẻ bắt buộc con người phải bày tỏ thái độ đối với Người, mời gọi họ hãy dứt khoát lập trường. Thực vậy, Người là “duyên cớ cho nhiều người phải vấp ngã hay được chỗi dậy ở Israel (Lc 2,34).

Do đó, đối với công trình cứu chuộc, Đức Maria kết hiệp với Con của mình “trong sự chống báng”. Đành rằng sẽ có nguy cơ bị hủy diệt dành cho những ai khước từ Đức Kitô; tuy nhiên, công hiệu tuyệt diệu của cuộc cứu chuộc là sự chỗi dậy của nhiều người. Nguyên chỉ lời loan báo này đã đủ gợi lên một niềm hy vọng lớn lao trong con tim của những người được chứng kiến hoa quả của hy lễ.

Khi đặt trước mắt Đức Trinh nữ Maria viễn ảnh của ơn cứu rỗi trước khi tiến dâng hy lễ theo luật truyền, ông Simêon xem ra gợi ý cho Người hãy thực hiện cử chỉ này để đóng góp vào việc cứu chuộc nhân loại. Thực vậy ông không ngỏ lời với ông Giuse hay là về ông Giuse; những câu nói của ông chỉ hướng về Đức Maria, mà ông đã liên kết với số phận của Con mình.

3.- Xét theo thời gian, việc dâng hiến của Đức Maria đi trước việc dâng hiến của Đức Kitô, tuy nhiên nó không làm mờ ám hy lễ của Đức Kitô. Công đồng Vatican II khi định nghĩa vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu chuộc, đã nhắc nhở rằng Đức Maria “đã hiến dâng mình … cho bản thân và sự nghiệp của Con mình, phục vụ chương trình cứu chuộc ở dưới Đức Kitô và cùng với Đức Kitô” (HT 56).

Khi tiến dâng Đức Giêsu vào đền thờ, Đức Maria đã phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc ở dưới Đức Kitô và cùng với Đức Kitô: chính Đức Kitô là nhân vật chính của cuộc cứu rỗi, và Người cần được chuộc lại bằng một cuộc dâng hiến theo luật truyền. Đức Maria kết hiệp với hy lễ của Con mình bằng lưỡi gươm đâm thâu qua tâm hồn.

Địa vị tối thượng của Đức Kitô không những không gạt bỏ nhưng còn nâng đỡ và đòi hỏi người phụ nữ một vai trò riêng biệt không thể thay thế được. Khi lôi cuốn bà mẹ vào hy lễ của mình, Đức Kitô đã muốn tỏ lộ cho thấy hy lễ mang bộ mặt nhân đạo và tiên báo hy lễ tư tế trên thập giá. Việc Thiên Chúa mong mỏi người phụ nữ đóng góp vào công tác cứu chuộc được bày tỏ qua sự kiện là lời tiên báo của ông Simêon chỉ hướng tới Đức Maria, cho dù lúc ấy ông Giuse cũng có mặt vào nghi thức tiến dâng.

4.- Kết luận của câu chuyện tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ xem ra xác nhận ý nghĩa và vai trò của sự hiện diện của người phụ nữ trong chương trình cứu chuộc.

Sự gặp gỡ một người phụ nữ tên là Anna đã kết thúc những hồi quan trọng của việc chuyển tiếp từ Cựu ước sang Tân ước.

Cũng như ông Simêon, bà Anna không phải là một nhân vật nổi nang trong xã hội, nhưng cuộc đời của bà đã có một giá trị lớn lao trước mặt Chúa. Ông Luca gọi bà là “nữ ngôn sứ”, có lẽ bởi vì bà đã được nhiều người đến tham vấn khi thấy bà được đặc sủng phân định và bởi vì cuộc sống thánh thiện của bà dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa.

Bà Anna là người cao niên, lúc ấy bà đã 84 tuổi và đã góa chồng từ lâu năm. Bà đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, “bà không rời bỏ đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm phụng thờ Thiên Chúa” (Lc 2,37). Bà tượng trưng cho biết bao nhiêu người sống trong niềm hy vọng mãnh liệt chờ đợi Đấng Mêsia, và đã được diễm phúc đón nhận sự hoàn tất của lời hứa trong niềm hân hoan vô tận. Thánh sử kể lại rằng “lúc ấy bà đã tới nơi, và bà đã cảm tạ Thiên Chúa “(2,38).

Vì sống thường ngày trong đền thờ, bà đã có cơ hội, có lẽ còn dễ dàng hơn ông Simêon, để mà gặp gỡ Chúa Giêsu vào lúc cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa sắp chấm dứt, cuộc đời đã được tô điểm bằng việc lắng nghe Lời Chúa và bằng sự cầu nguyện.

Vào lúc bình minh của thời cứu chuộc, chúng ta có thể nhận thấy nơi bà ngôn sứ Anna tất cả những phụ nữ, bằng cuộc sống thánh thiện và lời cầu nguyện tha thiết, họ đã mau mắn đón tiếp sự hiện diện của Đức Kitô và hằng ngày ngợi khen Thiên Chúa vì những kỳ công và lòng lân tuất của Ngài đã thực hiện.

5.- Được Thiên Chúa chọn lựa để gặp gỡ Hài nhi Giêsu, ông Simêon và bà Anna đã sống xứng đáng với hồng ân đó, họ đã chia sẻ với Đức Maria và ông Giuse niềm vui của sự hiện diện của Chúa Giêsu và đã chiếu tỏa niềm vui đó ra chung quanh. Cách riêng bà Anna đã bày tỏ lòng hăng say khi nói về Đức Giêsu, chứng tỏ cho lòng tin đơn sơ và quảng đại. Niềm tin của bà chuẩn bị cho những người khác đón nhận Đấng Mêsia vào cuộc đời của mình.

Kiểu nói của ông Luca, “bà ta nói về Hài nhi cho những người đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc dân Israe”(2,38), xem ra giới thiệu bà như là biểu tượng của những phụ nữ đã dấn thân loan truyền Phúc âm, khơi dậy và nuôi dưỡng niềm hy vọng vào ơn cứu độ.

 

BÀI 42: ĐỨC GIÊSU BỊ LẠC MẤT

VÀ ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG ĐỀN THỜ

Sau khi thuật lại việc tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ, nơi mà Mẹ Maria nhận được một mặc khải về vai trò của mình qua miệng ông Simêon, thánh sử Luca còn kể lại một biến cố khác xảy ra tại đền thờ, vào lúc Đức Giêsu lên 12 tuổi (Lc 2,41-50). Qua câu trả lời của Chúa cho bà Mẹ đang xao xuyến, chúng ta có thể nhận ra một lời “mặc khải” về sứ mạng của Đức Maria trong công trình cứu chuộc. Đức Giêsu phải thực hiện kế hoạch của Chúa Cha, vì thế Người phải lìa xa các mối dây ràng buộc gia đình. Mẹ Maria được yêu cầu vượt lên tình cảm tự nhiên của người mẹ, để hợp tác với Chúa trong việc thực hiện kế hoạch của Chúa.

1.- Thánh sử Luca đã đặt cuộc hành hương của Đức Giêsu lên đền thờ Giêrusalem như là trang cuối của những trình thuật của thời thơ ấu, trước khi ông Gioan Tẩy giả bắt đầu giảng thuyết. Đây là một hoàn cảnh độc đáo chiếu lên một tia sáng vào những năm tháng dài dẵng của cuộc đời ẩn dật tại Nazaret.

Vào dịp này, Đức Giêsu đã tỏ ra bản lĩnh cương nghị của mình, ý thức về sứ vụ của mình, và mang lại cho chuyến đi lần thứ hai “vào nhà Cha” ý nghĩa của một việc dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, một đặc tính đã được gợi lên vào lúc Người được dâng tiến vào đền thờ.

Đoạn văn này có vẻ tương phản với lời chú dẫn của ông Luca, theo đó Đức Giêsu phục tùng ông Giuse và bà Maria (xc. 2,51). Thế nhưng nếu nhìn kỹ hơn, xem ra ở đây Đức Giêsu đã chủ ý muốn đối chọi lại với điều kiện là một người con bình thường, nhằm nêu bật sự xa lìa bà Maria và ông Giuse. Đức Giêsu tuyên bố rằng tiêu chuẩn cho hết mọi cách cư xử của mình ở chỗ mối liên hệ với Chúa Cha, chứ không phải là những mối dây tình cảm gia đình dưới thế.

2.- Qua biến cố này, Đức Giêsu đã chuẩn bị cho mẹ mình đến mầu nhiệm cứu chuộc. Bà Maria, cùng với ông Giuse, đã sống ba ngày thổn thức khi mà Con của mình đã xa lánh để ở lại trong Đền thờ, tiên báo ba ngày khổ nạn, chết và sống lại.

Khi để cho mẹ mình và ông Giuse trở về Galilêa mà không nói cho họ ý định của mình ở lại Giêrusalem, Đức Giêsu đã dẫn họ đi vào mầu nhiệm của cuộc đau khổ đưa tới vinh quang, tiên báo điều mà sau này Ngài sẽ nói với các mộn đệ khi loan báo mầu nhiệm Vượt qua.

Theo trình thuật của ông Luca, trên đường trở về Nazaret, sau một ngày đường, bà Maria và ông Giuse bồi hồi lo lắng cho số phận của Hài nhi Giêsu, hai ông bà đã tìm kiếm Người giữa họ hàng thân thuộc. Khi quay lại Giêrusalem và gặp thấy Người trong đền thờ, hai ông bà bỡ ngỡ vì thấy Người “ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,46). Thái độ của Người rất là khác thường. Và dĩ nhiên việc tìm gặp Người vào ngày thứ ba đã trở thành một cơ hội để cho hai ông bà khám phá ra một khía cạnh khác liên quan đến bản thân và sứ mạng của Người.

Đức Giêsu đóng vai trò của một thầy dạy, như Người sẽ thực hiện sau này trong cuộc đời công khai. Người nói những lời gây ra sự kinh ngạc: “Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu” (2,47). Khi bày tỏ một sự khôn ngoan gây kinh ngạc cho các thính giả, Chúa Giêsu khai mào nghệ thuật đối thoại, một đặc trưng của sứ mạng cứu rỗi của Người.

Bà mẹ hỏi cậu Giêsu: “Con ơi, sao Con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng đi tìm Con!”(Lc.2,48). Ở đây chúng ta có thể bắt được tiếng vang của câu hỏi “tại sao” của biết bao bà mẹ đứng trước sự khổ tâm do con cái gây ra, cũng như tiếng vang của những câu hỏi nảy lên trong con tim của mỗi người khi gặp cơn thử thách.

3.- Câu trả lời của Đức Giêsu dưới thể chất vấn cũng đầy ý nghĩa không kém: “Tại sao các vị lại tìm Con ? Các vị không biết rằng Con phải quan tâm đến những sự việc của Cha Con hay sao?” (Lc 2,49).

Như vậy, một cách bất ngờ và không lường được, Đức Giêsu đã bày tỏ cho bà Maria và ông Giuse biết mầu nhiệm về Thân thế của mình. Người mời hai ông bà hãy vượt qua những dáng vẻ bên ngoài và Người mở cho họ những viễn ảnh mới về tương lai. Trong câu trả lời với bà mẹ đang xao xuyến, Đức Giêsu đã giải thích lý do của cách cư xử của mình. Mẹ Maria đã nói “cha của con” ám chỉ ông Giuse; còn Đức Giêsu trả lời “Cha của Con” nhưng lại hiểu về Cha trên trời.

Khi đề cập đến nguồn gốc thiên tính của mình, Đức Giêsu không muốn khẳng định rằng Đền thờ là nhà của Cha mình, nơi mà Chúa hiện diện; đúng hơn, Người muốn nhấn mạnh rằng mình phải bận tâm tất cả những gì liên quan tới Cha và kế hoạch của Cha. Duy chỉ có ý muốn của Cha mới là tiêu chuẩn ràng buộc sự vâng phục của mình.

Việc nhắc tới sự hiến thân hoàn toàn cho kế hoạch của Thiên Chúa lại càng được rõ rệt nơi bản văn Phúc âm qua dụng ngữ đặt ở đầu câu trả lời “con cần phải”, dụng ngữ này về sau sẽ được sử dụng khi loan báo cuộc khổ nạn (xc. Mc 8,31).

Do đó, Đức Giêsu yêu cầu song thân hãy để cho mình ra đi chu toàn sứ mạng tới nơi mà ý muốn của Cha trên trời sẽ dẫn mình tới.

4.- Thánh sử chú giải rằng: “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói”(Lc 2,50).

Bà Maria và ông Giuse không hiểu được nội dung của câu trả lời của Đức Giêsu, cũng như không hiểu được cách thức mà Đức Giêsu đã phản ứng lại mối băn khoăn của hai ông bà, dường như là Người làm ngơ không biết. Qua thái độ này, Đức Giêsu có ý mạc khải những khía cạnh huyền nhiệm của mối tương quan thân mật giữa Người với Chúa Cha, những khía cạnh mà Đức Maria chỉ mới linh cảm nhưng chưa biết móc nối với sự thử thách mà mình đang trải qua.

Những lời của thánh sử Luca cho phép chúng ta biết Đức Maria đã sống tình tiết độc đáo này như thế nào trong thâm tâm của mình: “Người ghi nhớ tất cả những sự việc đó trong tim của mình” (Lc 2,51). Thân mẫu của Đức Giêsu đã chắp nối tất cả những sự kiện về mầu nhiệm của Con mình, đã được mặc khải vào lúc Truyền tin, và đào sâu những biến cố đó trong sự thinh lặng chiêm niệm, hiến dâng sự cộng tác của mình trong tinh thần ”xin vâng” được lặp lại thêm một lần nữa.

Từ đây bắt đầu một xâu chuỗi dài những biến cố dẫn đưa Đức Maria dần dần vượt qua vai trò tự nhiên của tình mẹ, để tiến tới việc phục vụ sứ mạng của Con mình là Thiên Chúa.

Tại đền thờ Giêrusalem, trong buổi khai mào sứ mạng cứu độ của mình, Đức Giêsu đã muốn kết hợp bà Mẹ với mình; bà không phải chỉ là kẻ đã sinh ra mình, mà còn là người Phụ Nữ, qua việc tuân phục chương trình của Chúa Cha, có khả năng cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ.

Và như thế, Đức Maria khi lưu giữ trong con tim một biến cố đầy ý nghĩa như vậy, đã đạt thêm một chiều kích mới trong việc cộng tác vào việc cứu độ.



[1] Xem lại bài 17-18.

[2] Chủ đề này cũng gắn liền với việc tôn kính “bảy sự đau đớn” của Đức Mẹ.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]