- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 18

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Chúa Nhật, ngày 18/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 14,1-12

1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? “6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”?10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

 

3. SUY NIỆM

 “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1).

Như Mẹ: Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy giữ vững một niềm cậy tin phó thác vào Chúa. Thiên Chúa biết rõ sự yếu đuối của chúng ta, nên Ngài sẽ ban cho chúng ta những phương tiện cần thiết để chống trả những cơn cám dỗ và thử thách mà giữ vững niềm tin.

Với Mẹ: Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con chỉ là thụ tạo đầy những bất toàn. Vì kiêu ngạo và tự phụ, nên chúng con đã đánh mất và quên đi biết bao hồng ân mà Chúa đã ban tặng cho chúng con hằng ngày. Chúa không ngừng kêu gọi chúng con đừng sa ngã nản lòng, nhưng “hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con kiên vững trong đức tin và biết sử dụng Lời Chúa như vũ khí đầy sức mạnh để chống trả các chước cám dỗ của ma quỉ.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 35: TRONG KINH MAGNIFICAT

ĐỨC MARIA CA NGỢI KỲ CÔNG CỦA THIÊN CHÚA

Trong bài ca Magnificat (Lc 1,46-55), Đức Maria ca tụng kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện ở nơi mình, đó là mầu nhiệm Nhập thể. Đồng thời, bài ca này tuyên dương Thiên Chúa là Đấng “Toàn năng” “Lân tuất”: Người lưu tâm đến những kẻ khó nghèo khiêm tốn. Đức Maria không những chỉ cảm tạ Thiên Chúa vì những đặc ân dành cho bản thân mình, nhưng còn chúc tụng Người vì tấm lòng trung tín và quảng đại dành cho dân Israel và toàn thể nhân loại. Đối lại, bài ca này mở màn cho những lời chúc tụng mà Hội thánh dâng lên Đức Maria, kẻ có phúc vì đã tin.

1.- Gợi hứng từ truyền thống Cựu ước, qua bài ca Magnificat Đức Maria cất lên lời ca tụng những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình. Bài ca này là lời Đức Trinh nữ đáp lại mầu nhiệm Truyền tin: thiên sứ đã mời Người hãy vui lên, giờ đây Đức Maria bày tỏ sự hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ. Niềm vui của Người phát sinh từ chỗ cảm nghiệm nơi bản thân cái nhìn ưu ái mà Thiên Chúa đã dành cho mình, một thụ tạo nghèo nàn và không có ảnh hưởng gì trong lịch sử.

Qua lời Magnificat (tiếng latinh chuyển dịch một từ Hy lạp với ý nghĩa tương tự), Đức Maria đã tán dương sự cao cả của Thiên Chúa, Đấng mà qua lời báo của thiên sứ, đã bày tỏ sự toàn năng, vượt xa những niềm trông mong của dân Cựu ước, vượt xa cả những ước ao quý trọng nhất trong tâm hồn con người.

Đứng trước Thiên Chúa toàn năng và lân tuất, Đức Maria bày tỏ cảm tưởng bé nhỏ của mình: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi, bởi vì Người đã đoái nhìn phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1, 47.48). Từ ngữ “tapéinosis” có lẽ đã vay mượn từ bài ca của bà Anna mẹ của ông Samuel. Nó nói lên sự “nhục nhã” “hèn hạ” của một người đàn bà son sẻ bày tỏ nỗi khổ tâm của mình với Chúa (xc1Sm 1, 11). Với lời lẽ như vậy, Đức Maria bộc lộ tình cảnh nghèo nàn và biết rằng mình bé nhỏ trước mặt Chúa, Đấng đã để mắt nhìn đến mình, một thiếu nữ tầm thường ở Nazaret, và đã gọi mình trở thành người Mẹ của Đấng Messia.

2.- Những lời “từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48) đã tiếp nối vào câu nói của bà Isave chúc tụng Đức Maria là “kẻ có phúc” (Lc 1, 45). Bài ca đã tiên báo cách táo bạo, sự tuyên dương càng ngày càng lan rộng trải qua dòng lịch sử. Đồng thời bài ca muốn nói lên lòng tôn kính đặc biệt dành cho Thân mẫu Đức Giêsu về phía công đoàn các Kitô hữu vào thế kỷ thứ I. Kinh Magnificat là khởi điểm của nhiều hình thức tôn kính mà thế hệ này qua thế hệ khác đã kéo dài trong Hội thánh lòng mộ mến đối với Trinh nữ Nazaret.

3.- “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người là Thánh: từ đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”(Lc 1, 49-50).

Đâu là những “điều cao cả” mà Đấng Toàn năng đã thực hiện ở nơi Đức Maria? Hạn từ này đã được sử dụng trong Cựu ước để ám chỉ công cuộc giải thoát Dân Israel ra khỏi Ai-cập và khỏi Babilonia; còn trong kinh Magnificat, nó ám chỉ biến cố nhiệm mầu của việc thụ thai trinh khiết Đức Giêsu, xảy ra tại Nazaret sau khi thiên sứ loan tin.

Trong kinh Magnificat, một bài ca đầy tính chất thần học bởi vì bày tỏ cảm nghiệm của Đức Maria về khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng không những chỉ là Toàn năng, không có điều gì mà Người không làm được, như thiên sứ Gabriel đã nói (xc. Lc 1, 37), nhưng còn là Hằng thương xót, tỏ lòng lân tuất và chung thủy đối với hết mọi người.

4.- “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh dẹp tan phường lòng trí kiêu căng; Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao những kẻ khiêm nhường; kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.”(Lc 1, 51-53).

Khi nhìn lại lịch sử dưới cặp mắt khôn ngoan, Đức Maria mời gọi chúng ta hãy khám phá ra những tiêu chuẩn hành động nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chúa đã lật ngược tất cả những phán đoán của thế gian, Người đã đến trợ giúp những người nghèo nàn và bé nhỏ, chẳng màng chi đến những người giàu sang quyền thế, và lạ thay, Người đổ tràn ân phúc cho những người khiêm tốn biết ký thác cuộc đời nơi Chúa (xc.Thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế số 37).

Những lời của bài ca này, một đàng trình bày cho chúng ta thấy nơi Đức Maria một khuôn mẫu cụ thể và tuyệt vời, đàng khác cho chúng ta biết rằng chính tâm hồn khiêm tốn mới lôi cuốn lòng lân tuất của Thiên Chúa.

5.- Sau cùng, bài ca đã tán dương sự hoàn tất những lời hứa và việc Thiên Chúa trung tín với dân tuyển chọn: “Chúa độ trì Israel tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta vì Người đã nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1, 54-55).

Đức Maria được đầy dẫy những hồng ân Thiên Chúa, nhưng Người không chỉ nhìn lại bản thân của mình; Người hiểu rằng những hồng ân này biểu lộ lòng lân tuất của Chúa đối với toàn thể dân mình. Thiên Chúa đã hoàn tất nơi Người những lời hứa một cách trung thành và quảng đại vô bờ bến.

Tuy dù kinh Magnificat đã được gợi hứng từ Cựu ước và linh đạo của thiếu nữ Sion, nhưng nó vượt xa những bản văn tiên tri đó, bởi vì nó cho thấy nơi Đấng “đầy ơn phước” khởi đầu của một cuộc can thiệp của Thiên Chúa vượt xa những niềm hy vọng của Israel về Đấng Mêsia: đó là mầu nhiệm thánh của Ngôi Lời nhập thể.

 

BÀI 36: ĐỨC MARIA LÚC SINH CHÚA GIÊSU

Trình thuật tả lại việc Chúa giáng sinh tại Bêlem gợi lên vài đặc trưng của sứ vụ tương lai của Chúa Cứu thế: nếp sống khó nghèo; bị đồng bào khước từ. Đức Maria cũng chia sẻ thân phận đó. Mặt khác, Người cũng chia sẻ niềm vui của các mục đồng, tượng trưng cho lớp người khiêm tốn, được Thiên Chúa lân tuất đặc biệt chiếu cố. Người cũng trở thành mẫu gương chiêm niệm cho Hội thánh, lưu giữ những mầu nhiệm trong lòng để nghiền ngẫm và loan truyền.

1.- Khi thuật lại việc Chúa ra đời, thánh sử Luca đã kể lại một vài dữ kiện giúp cho chúng ta hiểu biết thêm về ý nghĩa của biến cố này.

Trước tiên, thánh sử nói tới một cuộc kiểm tra dân số do Hoàng đế César Augustô truyền lệnh, bắt buộc ông Giuse, “từ dòng tộc Vua Đavít”, và bà Maria vợ mình phải đi về “thành của vua Đavít tên là Belem”(Lc.2,4).

Khi thuật lại cho chúng ta biết những hoàn cảnh của cuộc hành trình và việc sinh hạ, thánh sử trình bày một tình hình khổ cực và nghèo khó, hé mở cho thấy một vài đặc tính của vương quyền Đấng Mêsia: một vương quyền không có danh dự và quyền bính trần thế, đi theo Đấng sẽ tuyên bố về mình trong cuộc đời công khai rằng: “Con Người không có nơi dựa đầu” (Lc 9,58).

2.- Trình thuật của thánh Luca còn trình bày cho chúng ta một vài chi tiết, thoạt tiên xem ra không quan trọng cho lắm, với chủ ý thúc đẩy người đọc hãy đi vào sâu hơn về mầu nhiệm Chúa giáng sinh và về những tâm tình của Đấng sinh hạ Con Thiên Chúa.

Khi thuật lại cách sơ sài việc sinh hạ Chúa Giêsu, thánh sử đã mô tả Đức Maria thông dự sâu sắc vào điều đang diễn ra ở nơi Người, “bà đã hạ sinh con trai đầu lòng của mình, quấn khăn và đặt trong một máng cỏ…”(Lc 2,7). Hành động của Đức Trinh nữ là kết quả của tâm tình hoàn toàn sẵn sàng hợp tác với chương trình của Thiên Chúa, đã biểu lộ vào lúc Truyền tin với những lời: “Xin hãy xảy ra nơi tôi điều mà Ngài đã nói” (Lc 1,38).

Đức Maria đã sống cảm nghiệm của việc sinh con trong một điều kiện cực kỳ khó nghèo: bà không thể dâng cho Con Thiên Chúa những gì mà các bà mẹ thường quen cung cấp cho trẻ sơ sinh của mình. Trái lại, Người đã phải đặt con “trong một máng cỏ”, trong một cái nôi biến báo, hoàn toàn trái ngược với thiên chức của “Con Đấng Tối Cao”.

3.- Phúc âm ghi chú rằng “không còn chỗ cho họ trong quán trọ” (Lc 2,7). Đây là một câu nói nhắc tới bản văn của lời tựa của thánh Gioan: “Nhưng người nhà đã không đón tiếp Người” (1,11), ra như tiên báo nhiều lần bị khước từ mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu đựng trong suốt cuộc đời dương thế.

Khi nói “không còn chỗ cho họ” thì hiểu là sự khước từ gồm cả người con lẫn bà mẹ, và cho thấy Đức Maria đã được liên kết với số phận đau khổ của Con mình và tham gia sứ mạng cứu chuộc.

Bị “người nhà” bỏ rơi, Chúa Giêsu đã được tiếp đón bởi những mục đồng, hạng người quê mùa và tai tiếng, nhưng họ đã được Chúa chọn để trở thành những người đầu tiên tiếp nhận tin vui Chúa Cứu Thế giáng trần.

Sứ điệp mà Thiên thần ngỏ với họ là một lời mời hãy vui lên: “Này đây tôi báo cho các bạn một tin vui mừng, cũng sẽ là nỗi vui của toàn dân” (Lc 2,10), kèm theo một lời phấn chấn hãy vượt qua mọi sợ hãi: “Các bạn đừng sợ”.

Thực vậy, cũng như đã xảy ra vào lúc Truyền tin, đối với các mục đồng thì tin Chúa Giêsu giáng sinh là một dấu hiệu trọng đại của lòng Chúa lân tuất với loài người. Nơi Chúa Cứu chuộc xuất hiện dưới dạng nghèo khó trong hang Belem, ta có thể nhận thấy một lời mời hãy tin tưởng tiến lại gần với Đấng là nguồn hy vọng của nhân loại.

Bài ca của các thiên sứ: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao thẳm và bình an dưới thế cho những người Chúa yêu thương”, và cũng có thể dịch là: “cho những người thành tâm thiện chí” (Lc 2,14), bày tỏ cho các mục đồng điều mà Đức Maria đã diễn tả trong kinh Magnificat. Chúa Giêsu sinh ra là dấu hiệu của tình thương lân tuất của Thiên Chúa, được biểu lộ cách đặc biệt cho những người khiêm tốn khó nghèo.

4.- Đáp lại lời mời của thiên sứ, các mục đồng trả lời cách hoan hỉ và nhanh nhẩu: “Nào chúng ta hãy tiến về Belem, chúng ta hãy xem điều mà Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết” (Lc 2,15)

Cuộc tìm kiếm của họ đã không uổng công: “Họ đã gặp thấy Đức Maria, và ông Giuse cùng với Hài nhi” (Lc 2,16). Như công đồng Vaticanô II đã nhắc lại, “Thân mẫu Thiên Chúa đã hoan hỉ tỏ cho họ … Con đầu lòng của mình ”(HT 57). Đây là một biến cố quyết liệt cho cuộc đời của họ.

Nỗi ước muốn tự nhiên của các mục đồng muốn thuật lại “điều đã được nói về Hài nhi” (Lc 2,17), sau cảm nghiệm tuyệt diệu được gặp gỡ Thân mẫu cùng với Hài nhi, gợi ý cho các nhà truyền giảng Phúc âm của hết mọi thời đại về tầm quan trọng, – phải nói là sự cần thiết thì mới đúng -, của một mối quan hệ tinh thần sâu đậm với Đức Maria để biết rõ Đức Giêsu hơn, ngõ hầu trở nên những người phấn khởi loan truyền Tin mừng cứu độ.

Đứng trước những biến cố trọng đại này, thánh sử Luca nói cho chúng ta biết rằng Đức Maria “đã lưu giữ hết những điều này, suy niệm chúng trong tâm hồn” (Lc 2,19). Đang khi mà các mục đồng bước từ chỗ sợ hãi đến chỗ kinh ngạc và ngợi khen, thì Đức Trinh Nữ nhờ lòng tin của mình, đã duy trì cách sống động kỷ niệm về những biến cố liên quan đến Con của mình, và Người đào sâu chúng bằng cách đối chiếu trong “con tim” của mình, nghĩa là nơi thâm tâm sâu thẳm nhất của con người. Nhờ thế, Đức Maria đã gợi cho một bà mẹ khác, tức là Hội thánh, hãy biết trân trọng hồng ân và bổn phận suy niệm và suy tư thần học, ngõ hầu có thể đón nhận mầu nhiệm cứu độ, hiểu biết nó sâu rộng hơn, và loan truyền nó với nhiệt tình mới mẻ cho mọi người thuộc mọi thời đại[1].



[1]  Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cung cấp thêm chất liệu để suy niệm về Mầu nhiệm Chúa giáng sinh ở các số 525-526; 456-460.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]