Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 08

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Năm, ngày 08/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 6,44-51

44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.48 Tôi là bánh trường sinh.49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

 

3. SUY NIỆM

 “Tôi là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này
sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).

Như Mẹ: Sự sống là một ân ban của Chúa. Chúng ta có nhớ đến ân ban này mỗi ngày để cảm tạ Chúa không? Mỗi khi tham dự thánh lễ, nhất là được rước Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta có ý thức đây là thứ lương thực quí giá và duy nhất để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta?

Với Mẹ: Lạy Chúa, mỗi lần đến với bí tích Thánh Thể, là mỗi lần con được đón nhận chính Chúa vào lòng. Con biết con không xứng đáng, nhưng Chúa lại chấp nhận đến với con. Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn con, và xin Chúa mặc cho con sự sống mới. Xin giúp con biết cảm tạ Chúa luôn, vì chính Chúa đã thương ban cho con biết bao hồng ân cao cả.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp con luôn nói và hành động trong thánh ý Chúa.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 15: NHỮNG PHỤ NỮ

THAM GIA VÀO VIỆC CỨU THOÁT DÂN TỘC

Trong lịch sử dân Do thái, Thiên Chúa đã gợi lên nhiều phụ nữ để giải thoát dân tộc khỏi cơn nguy biến: bà Đêbôra, bà Giuđitha, bà Ester. Thiên Chúa đã thực hiện những kỳ công qua những con người yếu ớt. Ngoài ra, không nên bỏ qua vai trò chuyển cầu của họ. Những đặc trưng này sẽ nổi bật nơi Đức Maria.

1.- Cựu ước đã khiến chúng ta khâm phục một người phụ nữ phi thường, những người dưới sự thôi thúc của Thần khí Chúa, đã tham gia vào những cuộc chiến đấu và chiến thắng của Dân Israel hoặc là đã góp phần vào cuộc cứu thoát dân tộc. Sự hiện diện của các bà vào các biến cố của dân tộc không phải chỉ ở bên lề hoặc thụ động: các bà xuất hiện như là những nhân vật chủ chốt của lịch sử cứu độ. Sau đây là một vài thí dụ điển hình.

Sau cuộc vượt qua biển Đỏ, sách thánh đã nhắc tới sáng kiến của một phụ nữ được linh ứng để ca ngợi biến cố trọng đại này: “bà ngôn sứ Maria, em ông Aharon, đã cầm lấy trống: nhiều phụ nữ theo bà cũng cầm trống họp thành nên ca đoàn nhảy múa. Bà Maria cùng với họ ca lên điệp khúc: Hãy ca ngợi Chúa vì Người đã chiến thắng lạ lùng: Người đã đẩy xuống vực sâu chiến binh với kỵ mã” (Xh 15, 20-21).

Việc nhắc tới sáng kiến của phụ nữ trong một khung cảnh cử hành lễ hội đã làm nêu bật không những là sự đóng góp của phụ nữ mà còn nói tới thái độ đặc biệt của họ trong việc ca ngợi tạ ơn Chúa.

2.- Vào thời các Thủ lãnh, bà ngôn sứ Đêbôra còn thi hành một công cuộc quan trọng hơn. Sau khi đã ra lệnh cho vị chỉ huy đạo quân hãy chiêu mộ các người nam và xuất trận, bà đã xác quyết sự thành công của quân đội Israel, khi báo trước rằng một phụ nữ khác tên là Giael sẽ giết tướng giặc.

Ngoài ra, để ca mừng cuộc chiến thắng vĩ đại, bà Đêbôra xướng lên một bài thánh thi tuyên dương hành vi của bà Giael: “Bà đáng chúc tụng giữa hàng phụ nữ, … bà được chúc tụng giữa các phụ nữ trong lều trại!” (Tl.5,24). Lời khen ấy vang vọng lên trong Tân ước qua những lời bà Isave đã ngỏ với Đức Maria: “Em đáng chúc tụng hơn mọi phụ nữ” (Lc 1,42).

Vai trò quan trọng của các người phụ nữ trong việc giải phóng dân tộc, đã được gợi lên qua những khuôn mặt của bà Đêbôra và bà Giael, lại được trưng bày một lần nữa trong tiểu sử của một bà ngôn sứ khác tên là Culda, sống vào thời vua Giosia.

Được tư tế Chelkia thỉnh vấn, bà Culda đã tuyên sấm loan báo một thời kỳ ân xá cho nhà vua đang lo sợ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Như vậy bà Culda đã trở thành sứ giả của tình thương xót và hòa bình (xc. 2V 22, 14-20).

3.- Các sách bà Giuđitha và bà Esther, với mục đích tuyên dương cách lý tưởng sự đóng góp của phụ nữ vào lịch sử của dân ưu tuyển, đã trình bày hai khuôn mẫu của phụ nữ đã mang lại chiến thắng và cứu thoát cho Dân Israel. Sách Giuđitha kể lại một quân đội hùng cường do vua Nabucôđônôso gửi đến chiếm đóng nước Israel. Đạo quân địch, dưới sự hướng dẫn của tướng Holophernê, chuẩn bị xâm chiếm thành Bêtulia vào lúc nhân dân đang bị hoảng hốt, vì họ cho rằng mọi sự kháng cự đều vô ích, và họ yêu cầu các nhà lãnh đạo hãy đầu hàng.

Trong khi những vị bô lão của thành phố, khi thấy không còn sự trợ lực nào nữa, đang chuẩn bị trao nộp thành Bêtulia cho địch quân, thì bà Giuđitha đã khiển trách sự thiếu đức tin, và bà tuyên xưng sự tín thác vào ơn cứu thoát mà Chúa sẽ ban.

Bà Giuđitha, – biểu tượng của lòng trung thành với Chúa, của lời cầu nguyện khiêm tốn và của ý chí muốn giữ khiết tịnh -, sau khi đã khẩn cầu Thiên Chúa, bà đã đi tới dinh tướng địch Holopherne, tính khí kiêu căng, thờ tà thần và sống phóng đãng.

Khi ở riêng một mình với ông, bà Giuđitha đã khẩn cầu với Thiên Chúa trước khi hạ ông ta rằng: “Lạy Chúa dân Israel, xin ban cho con sức mạnh trong giây phút này” (Gđt 13,7). Thế rồi bà đã dùng chính gươm của ông Holopherne mà chặt đầu ông ta.

Ở đây cũng như trong trường hợp của ông Đavit khi đối diện với Goliat, Thiên Chúa đã dùng sự yếu đuối để chiến thắng vũ lực. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người mang lại chiến thắng là một phụ nữ: bà Giuđitha, không bị lung lạc do sự hèn nhát và thiếu tin tưởng của các thủ lãnh nhân dân, bà đã dám tiến tới và giết Holopherne, và đã đáng được Thượng tế và các bô lão Giêrusalem cảm tạ và ngợi khen. Hướng về người phụ nữ đã chiến thắng địch quân, họ đã thốt lên: “Bà là vinh quang của Giêrusalem, bà là danh dự của Israel, bà là huy hoàng xán lạn của Dân tộc. Bà đã tự tay làm được những việc này, bà đã thực hiện được những việc vĩ đại cho dân tộc Israel, Thiên Chúa đã vui lòng với những chuyện đó. Bà đáng được Chúa toàn năng chúc lành” (Gđt 15, 9-10).

4.- Vào một hoàn cảnh khác khá bi đát đối với dân tộc Israel chúng ta thấy xuất hiện bà Ester. Trong nước Ba-tư, ông Aman một tể tướng của nhà vua đã quyết định tru diệt dân Do thái. Để tránh khỏi cơn hoạn nạn, ông Marđôkêô, một người Do thái sống tại thành Susa, đã chạy tới người cháu Ester, đang sống trong cung điện nhà vua nơi mà bà đã được phong hoàng hậu. Bà dám đi ngược lại luật pháp, đã đến trình diện với nhà vua tuy dù không được triệu đến, liều mình lãnh án tử hình, để yêu cầu nhà vua thu hồi lệnh tru diệt.

Ông Aman đã bị xử tử, ông Marđôkêô đã được chức vụ, và người Do-thái được giải thoát khỏi sự đe dọa và đã thắng được đối thủ của mình.

Hai bà Giuđitha và Ester đã dám liều mạng sống để mang lại sự cứu thoát cho dân tộc mình. Tuy nhiên, hai lần can thiệp có những điều khác nhau: bà Ester không giết đối thủ của mình, nhưng bà đóng vai trò một người trung gian để cầu bàu cho những người đang bị đe dọa phải bị tru diệt.

5.- Vai trò chuyển cầu cũng xuất hiện nơi chân dung của một phụ nữ khác tên là Abigain, vợ của ông Napan được nói tới trong sách Samuel. Ở đây cũng vậy, nhờ sự can thiệp của bà mà diễn ra một cuộc cứu thoát.

Bà ta đã đi gặp vua Đavit khi ông đã quyết tâm tiêu hủy gia đình ông Napan. Bà ta đã xin tha tội phạm của chồng mình và như vậy bà đã cứu thoát gia đình bà khỏi cảnh tan nát (1Sm 25).

Như chúng ta nhận thấy, truyền thống Cựu ước, đặc biệt là những tác phẩm viết vào thời gần kề Đức Kitô, đã nhiều lần nêu cao hành động của người phụ nữ mang lại ơn giải thoát cho Israel. Như vậy Chúa Thánh Thần, qua những sự tích của các phụ nữ Cựu ước, đã dần dần họa ra nét rõ rệt những đặc trưng của sứ mạng Đức Maria trong công cuộc cứu thoát toàn thể nhân loại[1].

 

BÀI 16: ĐỨC HẠNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

Cựu ước không chỉ ca ngợi những phụ nữ đã góp phần vào cuộc giải phóng dân tộc, nhưng còn tuyên dương những phụ nữ đức hạnh: những đức tính của đàn bà trong gia đình, và nhất là lòng trung tín với luật Chúa. Những trang này chuẩn bị cho Đức Maria, phụ nữ toàn thiện trong Tân ước.

1.- Cựu ước và truyền thống Do thái chứa đầy những lời tuyên dương đức hạnh của người phụ nữ, được biểu lộ cách riêng qua thái độ tín thác vào Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện để xin ơn làm mẹ, qua việc khẩn nài xin Chúa cứu thoát Israel khỏi những cuộc tấn công của quân thù. Đôi khi, như trong trường hợp của bà Giuđitha, những đức tính này đã được toàn thể cộng đoàn tuyên dương, trở thành đối tượng thán phục cho hết mọi người.

Cạnh những mẫu gương sáng ngời của các anh thư cũng không thiếu những chứng tá tiêu cực của một vài phụ nữ, tựa như bà Đalila người đã quyến rũ ông Samson vào chỗ diệt vong (Tl 16, 4-21), những bà ngoại kiều đã lôi cuốn lão vương Salômon xa tránh Thiên Chúa và thờ lạy tà thần (xc. 1V 11,1-8). Bà Gezabel đã tàn sát tất cả các ngôn sứ của Chúa (xc. 1V 18, 13), và đã giết ông Nabot để chiếm vườn nho cho vua Acab (1V 21), bà vợ của ông Giop đã mắng nhiếc ông ta trong cơn hoạn nạn, xúi giục ông ta nổi loạn (Giop 2,9).

Trong những trường hợp này, thái độ của người đàn bà làm ta nhớ tới bà Evà. Tuy vậy, viễn cảnh ở trong Kinh Thánh vẫn là chiều hướng được gợi lên nơi Phúc âm tiên khởi, nhìn người đàn bà như là đồng minh của Thiên Chúa.

2.- Thực vậy, nếu các người phụ nữ ngoại kiều bị tố cáo là đã làm vua Salomon xa lạ chính đạo của Chúa, thì Sách bà Ruth cho thấy khuôn mặt cao quý của một phụ nữ ngoại kiều: bà Ruth người Moap là gương mẫu của lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và của sự khiêm tốn thành thực và quảng đại. Bà đã chia sẻ đời sống và đức tin của dân Israel, bà đã trở thành bà cố nội của vua Đavit và bà tổ của Đấng Mêsia. Khi xen tên của bà vào sổ gia phả của Chúa Giêsu, ông Matthêu (1,5) đã đặt bà làm dấu chỉ của ơn cứu rỗi phổ quát và loan báo tình thương của Thiên Chúa mở rộng đến hết mọi người.

Trong hàng tổ tiên của Đức Giêsu, ông Matthêu cũng nhắc tới bà Thama, bà Racap và vợ của ông Uria, ba người phụ nữ tội lỗi tuy không phải là hạng trắc nết; họ đã được kể vào bậc tổ tiên của Đấng Mêsia để tuyên dương rằng lòng lân tuất của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi. Nhờ ân sủng, Thiên Chúa đã cho phép những cuộc kết hôn ngang trái của họ cũng góp phần vào kế hoạch cứu rỗi, và như vậy chuẩn bị cho tương lai.

Một mẫu gương tận tụy khiêm nhường, khác với bà Ruth, là trường hợp của con gái ông Giepte. Chị đã chấp nhận trả giá cuộc chiến thắng của cha mình bằng cái chết bản thân (Tl 11,34-40). Khi than tiếc số phận hẩm hiu của mình, chị ta đã không phản loạn nhưng tự nguyện chết để thực hiện một lời khấn hứa dại dột của thân phụ, trong bối cảnh của những tục lệ sơ khai (xc. Gr 7,31; Mik 6,6-8).

3.- Văn chương các sách khôn ngoan, tuy thường vạch ra các khuyết điểm của phụ nữ, nhưng cũng nhận ra nơi họ một kho tàng giấu ẩn :”Ai tìm được một người vợ là tìm được một kho tàng, tìm được một ân huệ của Chúa”(xc. Cn 18,22). Như thế tác giả sách Châm ngôn đã bày tỏ sự trân trọng đối với phụ nữ, coi như là một bảo vật Chúa ban.

Vào cuối sách, tác giả phác họa chân dung một phụ nữ lý tưởng. Đây không phải là một hình bóng xa vời, nhưng là một đề nghị cụ thể, phát xuất từ kinh nghiệm của những phụ nữ đáng giá: “Ai kiếm được một phụ nữ hoàn hảo? Giá trị của họ quý giá gấp ngàn lần trân châu ngọc bảo”(Cn 31,10).

Văn chương các sách khôn ngoan đã cho thấy nơi sự trung thành của phụ nữ đối với giao ước Chúa như là tuyệt đỉnh của mọi khả năng của họ và ngọn nguồn gây niềm cảm phục. Thực vậy dù đôi khi họ có thể gây thất vọng, nhưng phụ nữ sẽ vượt lên hết mọi kỳ vọng khi mà con tim của họ trung thành với Chúa: “nhan sắc giả dối, nhưng mà người phụ nữ nào kính sợ Thiên Chúa thì đáng được ca ngợi “(Cn 31,30).

4.- Trong bối cảnh đó, Sách ông Macabê, trong truyện một người mẹ với bảy đứa con chịu tử đạo nhân cuộc bách hại của vua Antiôcô, đã trưng bày cho chúng ta một tấm gương mẫu của tâm hồn cao thượng trong cơn thử thách.

Sau khi đã tả lại cái chết của bảy anh em, tác giả bình chú: “Bà mẹ thật là đáng ca ngợi và đáng được ghi nhớ muôn đời, bởi vì khi thấy bảy đứa con của mình chết trong một ngày, bà đã chịu đựng một cách bình thản nhờ niềm hy vọng đặt nơi Thiên Chúa. Bà đã khuyên nhủ từng đứa con một bằng tiếng mẹ đẻ, chất chứa những tâm tình cao thượng, và bà đã dung hòa vẻ dịu dàng của nữ tính với lòng can trường của nam nhân”. Bà đã phát biểu niềm hy vọng vào sự sống lại tương lai như sau: “Chắc chắn rằng Đấng tạo thành trời đất, Đấng đã dựng nên con người và đã xếp đặt sự sinh sản của mọi người, do lòng lân tuất Chúa sẽ ban lại cho chúng ta thần khí và sức sống, như các con bây giờ đã dám từ bỏ mạng sống để tùng phục luật Chúa” (2Mcb 7, 20-23).

Khi khuyến khích đứa con út chấp nhận thà chịu chết còn hơn là vi phạm luật của Chúa, bà mẹ đã bày tỏ niềm tin vào công trình của Thiên Chúa đã tạo dựng hết mọi sự từ hư không: “Con ơi, mẹ van con hãy nhìn trời đất, hãy xem tất cả mọi vật trong vũ trụ và hãy biết rằng Thiên Chúa đã làm tất cả từ hư vô; và nguồn gốc của loài người cũng vậy. Con đừng sợ tên lý hình này, nhưng con hãy tỏ ra xứng đáng với các anh của con, hãy chấp nhận cái chết, ngõ hầu mẹ có thể gặp lại con cùng với các anh trong ngày lân tuất của Chúa”(2Mcb 7, 28-29).

Sau cùng, khi tới lượt mình phải chịu cái chết dữ dằn sau khi đã chứng kiến bảy lần tử đạo trong con tim, bà đã chứng tỏ một đức tin kiên cường, một niềm hy vọng vô biên và một sự can đảm anh hùng.

Nơi những khuôn mặt phụ nữ trên đây, qua đó các kỳ công của ơn Chúa được biểu lộ, chúng ta thoáng nhìn thấy Đấng sẽ trở thành một phụ nữ vô song: Thánh mẫu Maria[2].



[1] Xem thêm GLCG số 64; 489

[2] Xem thêm: bài 20; 61.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment