Ngàn Hoa dâng Mẹ – Ngày 06

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Ba, ngày 06/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 6,30-35

30 Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”

32 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực,33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.”34 Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.”35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

 

3. SUY NIỆM

 “Chính tôi là bánh trường sinh” (Ga 6,35).

Như Mẹ: Những lúc chúng ta rước lễ, những lúc chúng ta hướng về Thánh Thể, chính những lúc ấy, chúng ta được chạm đến tình yêu của Chúa. Vì yêu thương chúng ta, Chúa đã lo cho chúng ta có được lương thực nuôi sống linh hồn hằng ngày qua tấm bánh và ly rượu mà vị linh mục dâng lên Chúa trong thánh lễ.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chỉ mình Chúa mới đem lại cho con sự no thỏa trong tâm hồn và niềm vui đích thực. Xin Chúa cho con biết khao khát Chúa là bánh ban sự sống, là nguồn hạnh phúc đích thực của đời con. Xin cho con luôn biết kết hợp với Chúa một cách thiêng liêng qua việc siêng năng cầu nguyện.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ làm cho tâm hồn con luôn cháy lửa yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, và xin Mẹ làm cho con trở nên nơi xứng đáng cho Thánh Thể Chúa ngự vào.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”
(Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 11: ĐỨC MARIA

TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA BA NGÔI

Từ bài này, Đức Thánh Cha bắt đầu bình giảng chương VIII của Hiến chế Ánh sáng muôn dân, với những lời dẫn nhập đề cao mối tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi: “Thân mẫu của Con, ái nữ của Chúa Cha, đền thờ Thánh Thần”. Chính mối tương quan này là nguồn gốc sự cao sang của Đức Maria. Tuy nhiên, những tước vị ấy nằm trong kế hoạch mặc khải tình thương của Thiên Chúa đối với loài người, vì thế nên cũng đặt Đức Maria gần gũi với chúng ta.

1.- Chương VIII của Hiến chế về Hội thánh đã chỉ mầu nhiệm Đức Kitô như là điểm quy chiếu cần thiết cho Thánh-mẫu-học. Những lời mở đầu của chương này thật là đầy ý nghĩa: “Vì Thiên Chúa rất mực khoan dung và thượng trí đã muốn thực hiện việc cứu chuộc nhân loại, nên vào thời viên mãn Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ… ngõ hầu chúng ta lãnh nhận ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5) (HT 52). Con của Chúa chính là Đấng Mêsia mà dân Cựu ước ngóng trông, được Chúa Cha sai đến vào lúc quyết liệt của lịch sử, tức là “tới thời viên mãn” (Gl 4,4), trùng với việc Con Chúa giáng sinh vào thế giới chúng ta do một người phụ nữ. Đấng đã đưa Con hằng hữu của Thiên Chúa vào thế giới loài người không thể nào tách rời khỏi Vị được đặt vào trung tâm của kế hoạch mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

Chức thủ lãnh của Đức Kitô đã được biểu lộ trong Hội thánh, nhiệm thể của Người: thực vậy trong Giáo hội “các tín hữu gắn bó với Đức Kitô là nguyên thủ và hiệp thông với tất cả các thánh của Người” (xc. HT 52). Chính Đức Kitô đã thu hút hết mọi người đến với mình. Do chức phận làm mẹ hằng kết hiệp khắng khít với Con mình, Đức Maria đã đóng góp phần vào việc quy hướng cặp mắt và con tim của các tín hữu tới Đức Kitô.

Đức Maria là con đường dẫn tới Đức Kitô: thực vậy, Đấng mà lúc thiên sứ Truyền tin “đã đón nhận Lời của Thiên Chúa vào con tim và thân thể của mình” (HT 53) thì cũng chỉ tỏ cho chúng ta thấy cách đón nhận vào cuộc đời chúng ta Chúa Con từ trời xuống, dạy cho chúng ta biết đặt Chúa Giêsu làm trung tâm và là “quy luật” tối cao trong cuộc sống của chúng ta.

2.- Đồng thời Đức Maria cũng giúp cho chúng ta khám phá ra ở cội nguồn của toàn thể công trình cứu độ là tác động chủ tể của Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi tất cả mọi người trở thành dưỡng tử trong Con Một của Người. Khi nhắc đến những lời tuyệt tác của thư gởi Êphêsô: “Thiên Chúa giàu lòng lân tuất, do tình yêu vô biên mà Người đã yêu chúng ta, đang lúc chúng ta còn chết cho tội lỗi, thì Người đã cho chúng ta sống lại với Đức Kitô”(Ep 2,4), Công đồng đã gán cho Thiên Chúa tước hiệu là “Đấng rất mực khoan dung”: như vậy Người Con “được sinh bởi người nữ” đã xuất hiện như là hoa trái của lòng khoan dung của Chúa Cha và cho hiểu rõ hơn rằng người Nữ đó là “mẹ của lòng khoan dung”.

Cùng trong mạch văn đó, Công đồng đã gọi Thiên Chúa là Đấng “rất mực thượng trí”, ra như gợi lên cho chúng ta mối dây khắng khít giữa Đức Maria và sự cao minh của Thiên Chúa đã muốn cho Đức Trinh nữ làm mẹ theo chương trình huyền diệu của Người.

3.- Bản văn của Công đồng cũng nhắc tới mối dây đặc biệt liên kết Đức Maria và Chúa Thánh Thần, khi dùng những lời của tín biểu Nixêa Constantinôpôlis mà chúng ta đọc trong phụng vụ Thánh lễ: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Maria”.

Khi phát biểu đức tin hằng cửu của Hội thánh, Công đồng nhắc nhở cho chúng ta biết cuộc Nhập thể kỳ diệu của Chúa Con đã diễn ra trong cung lòng của Trinh nữ Maria không do sự hợp tác của người nam nhưng là do quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Như vậy, những lời mở đầu của chương VIII Hiến chế về Hội thánh đã cho thấy chiều kích Chúa Ba Ngôi là một nét căn bản của Thánh mẫu học. Thực vậy, tất cả đã diễn ra do ý định của Chúa Cha, Đấng đã sai Con mình vào thế gian, bày tỏ Người cho nhân loại và đặt Người làm đầu của Hội thánh và trung tâm của lịch sử. Đây là một kế hoạch được hoàn tất trong cuộc Nhập thể, công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng do sự cộng tác tất yếu của một người nữ, Đức Trinh nữ Maria, và như thế Người đã trở nên một thành phần của kế hoạch thông ban Chúa Ba Ngôi cho nhân loại.

4.- Tương quan của Đức Maria với Ba Ngôi còn được lặp lại qua những lời chính xác khi mô tả mối tương quan của Thân mẫu Chúa với Hội thánh: “Người đã được trao tặng chức vụ và phẩm giá là Thân mẫu của Con Thiên Chúa, và vì thế trở thành ái nữ của Chúa Cha và Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (HT 53).

Tước phẩm căn bản của Đức Maria là “Thân mẫu Con Thiên Chúa”, được đạo lý và phụng tự Kitô giáo diễn đạt với tước hiệu là “Thân mẫu Thiên Chúa”.

Đây là một tước hiệu phi thường, bày tỏ sự hạ mình của Con một Thiên Chúa trong cuộc Nhập thể của Người, và gắn liền với sự tự hạ là đặc ân cao quý trao tặng cho một thụ tạo được gọi sinh ra Ngôi Lời về xác thịt.

Là Mẹ của Chúa Con, Đức Maria là “ái nữ của Chúa Cha” một cách độc nhất vô nhị. Mối tình mẹ của Người có thể so sánh phần nào với tình Cha của Thiên Chúa.

Ngoài ra, tuy dù mỗi Kitô hữu là “Đền thờ Chúa Thánh Thần” theo như lời tông đồ Phaolô đã nói (1Cr 6,19), nhưng lời khẳng định đó mang một ý nghĩa khác thường nơi Đức Maria: thực vậy, ở nơi Người mối tương quan với Chúa Thánh Thần đã được tô điểm với chiều kích hôn ước. Tôi đã nhắc lại điểm này trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế: “Chúa Thánh Thần đã ngự xuống ở trên Người, và Người đã trở thành hiền thê trung tín vào lúc truyền tin, khi đón tiếp Lời của Thiên Chúa thật” (số 26)[1].

5.- Mối tương quan đặc biệt của Đức Maria với Chúa Ba Ngôi đã mang lại cho Người một tước phẩm vượt xa trên mối tương quan của các thụ tạo khác. Công đồng đã nói tới điều đó một cách minh thị như sau: do “hồng ân siêu việt” Đức Maria đã vượt xa hết mọi loài thụ tạo” (HT 53). Tuy vậy, phẩm tước cao vời đã không ngăn cản Đức Maria trở thành liên đới với từng người chúng ta, thực vậy, Hiến chế Ánh sáng muôn dân nói tiếp như sau: “Người đã liên kết, trong dòng dõi Ađam, với tất cả những người cần được ơn cứu rỗi” và Người “đã được cứu chuộc một cách tuyệt vời nhờ vào công trạng của Con mình”.

Chúng ta thấy rõ ý nghĩa chính xác của những đặc ân ban cho Đức Maria và của những mối tương quan đặc biệt với Chúa Ba Ngôi: những đặc ân đó nhằm biến Người trở nên xứng đáng cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại. Vì thế sự cao cả vô biên của Thân mẫu Chúa là một hồng ân của tình thương mà Chúa dành cho tất cả mọi người. Khi tuyên xưng Người là “kẻ có phúc” (Lc 1,48), mọi thế hệ tuyên dương những “kỳ công” (Lc 1,49) mà Đấng Toàn năng đã thực hiện nơi Người nhằm tới toàn thể nhân loại khi Chúa “nhớ lại lòng khoan dung” (Lc 1,54).

 

BÀI 12: ĐỨC MARIA TRONG “PHÚC ÂM TIÊN KHỞI”

Việc trình bày đạo lý về Đức Maria cần phải dựa trên mặc khải, được biểu lộ qua Thánh kinh và Thánh truyền. Khởi đầu việc khảo sát các bản văn Kinh thánh nói về Đức Maria từ Cựu ước, bài hôm nay bàn về đoạn Sáng thế (3,15) được đặt tên là “Phúc âm tiên khởi”. Đức Thánh Cha sẽ còn trở lại đoạn văn này trong bài 21, khi bàn về tín điều “Vô nhiễm nguyên tội”.

 

1.- “Các sách của Cựu ước đã mô tả lịch sử cứu độ, trong đó việc xuất hiện của Đức Kitô vào thế giới đã được chuẩn bị một cách tiệm tiến. Những tài liệu nguyên khởi này, khi được đọc trong Hội thánh và được hiểu dưới ánh sáng của mặc khải trọn vẹn, đã từ từ cho thấy khuôn mặt của một người nữ: Thân mẫu Đấng Cứu thế” (HT 55).

Qua những lời trên đây, Công đồng Vaticano II nhắc cho chúng ta nhớ rằng khuôn mặt của Đức Maria đã được phác họa ngay từ buổi khởi nguyên của lịch sử cứu độ. Khuôn mặt ấy đã thoáng hiện ngay từ những bản văn của Cựu ước, nhưng chỉ được hiểu rõ tường tận khi được “đọc trong Hội thánh” và được giải thích dưới ánh sáng của Tân ước.

Thực vậy, Chúa Thánh Thần khi linh ứng cho các tác giả khác nhau của Thánh Kinh, đã định hướng mặc khải Cựu ước về Đức Kitô, Đấng sẽ đến thế gian từ cung lòng của Trinh nữ Maria.

2.- Trong số những lời Kinh thánh tiên báo Thân mẫu Đấng Cứu thế, trước hết Công đồng đã trưng dẫn những lời mà Thiên Chúa mặc khải chương trình cứu độ sau khi ông Ađam và bà Evà sa ngã. Thiên Chúa nói với con rắn, tiêu biểu của thần dữ, như sau: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng dõi của mi và dòng dõi của người nữ; người này sẽ đạp dập đầu mi và mi sẽ rình để cắn gót chân của người”(St 3, 15).

Những lời vừa nói, được truyền thống Kitô giáo từ thế kỷ thứ XIV đặt tên là “Phúc âm tiên khởi” (Protoevangelium), đã hé mở cho chúng ta thấy ý định cứu độ của Thiên Chúa ngay từ buổi khai nguyên của nhân loại. Thực vậy, đứng trước tội lỗi, theo như trình thuật của tác giả sách thánh, thì phản ứng đầu tiên của Thiên Chúa không phải là trừng phạt những tội nhân, nhưng là mở ra cho họ một nhãn giới cứu độ và kêu gọi họ tham gia trực tiếp vào công trình cứu chuộc. Như vậy Chúa đã tỏ ra lòng quảng đại bao la ngay cả đối những kẻ xúc phạm đến Người.

Ngoài ra, những lời của Phúc âm tiên khởi còn cho thấy sứ mạng đặc biệt của người phụ nữ, dù đã đi trước người nam trong việc chiều theo sự cám dỗ của con rắn, nhưng theo chương trình của Thiên Chúa, lại trở thành người đồng minh thứ nhất của Chúa. Trước đây bà Evà đã trở thành đồng minh của con rắn lôi kéo con người vào vòng tội lỗi. Thiên Chúa lật ngược lại tình hình, loan báo rằng Người sẽ biến người đàn bà trở thành thù địch của con rắn.

3.- Các nhà chú giải Kinh thánh đều đồng ý rằng bản văn của sách Sáng thế, dựa theo nguyên bản Hipri, đã gán tác động kháng cự con rắn không phải là trực tiếp cho người nữ, nhưng là cho dòng dõi của bà. Tuy vậy bản văn cũng nêu bật vai trò của người nữ trong việc chiến đấu chống lại kẻ cám dỗ: thực vậy, kẻ chiến thắng con rắn sẽ là hậu duệ của bà.

Người nữ đó là ai? Bản văn Kinh thánh không cho biết danh tánh của người đó, nhưng hé mở cho thấy một phụ nữ mới, đã được Chúa định để sửa chữa sự sa ngã của bà Evà: thực vậy bà ấy đã được gọi để chấn hưng chức vụ và phẩm giá của phụ nữ và góp phần vào việc thay đổi vận mạng nhân loại, bằng việc hợp tác vào cuộc chiến thắng của Thiên Chúa đối với thần dữ qua sứ mạng làm mẹ.

4.- Dưới ánh sáng của Tân ước và của truyền thống Hội thánh, chúng ta biết rằng người “nữ mới”[2] được Phúc âm tiên khởi loan báo là chính Đức Maria, và chúng ta nhìn nhận ở nơi “dòng dõi” của bà (St 3,15), người con, Đức Giêsu, kẻ chiến thắng quyền năng của Satan nhờ mầu nhiệm Vượt qua.

Đồng thời, chúng ta nhận thấy rằng mối thù địch mà Chúa đã đặt giữa con rắn và người nữ, đã được thể hiện nơi Đức Maria bằng hai cách. Là đồng minh của Thiên Chúa và thù địch của ma quỷ, Đức Maria đã được thoát khỏi vòng thống trị của Satan nhờ việc thụ thai vô nhiễm, khi mà Người được nhào nặn trong ân huệ của Thánh Thần và được gìn giữ khỏi mọi tì vết của tội lỗi. Ngoài ra, khi liên kết với công trình cứu chuộc của Con mình, Đức Maria đã được lôi kéo vào vòng chiến đấu chống lại thần dữ.

Như thế, hai tước hiệu Vô nhiễm nguyên tội và Đồng công cứu chuộc, được đức tin Hội thánh gán cho Đức Maria để tuyên dương vẻ đẹp tinh thần và sự thông dự sâu xa vào công trình tuyệt diệu của sự cứu chuộc, đã bày tỏ sự đối kháng không đội trời chung giữa con rắn và bà Evà mới.

5.- Các nhà chú giải sách thánh và các nhà thần học nhận định rằng ánh sáng của bà Evà mới, tức là Đức Maria, từ những trang sách Sáng thế đã được phóng rọi lên toàn thể chương trình Cứu độ, và họ đã nhìn thấy trong bản văn đó mối dây liên kết giữa Đức Maria và Hội thánh. Ở đây chúng ta hân hoan ghi nhận rằng danh từ “người nữ”, được dùng một cách tổng quát trong bản văn của sách Sáng thế, thúc đẩy chúng ta đặc biệt liên kết các phụ nữ với Đức Trinh nữ Nazarét và với nhiệm vụ của Người trong công trình cứu chuộc. Các phụ nữ cũng được Thiên Chúa kêu gọi dấn thân vào cuộc chiến đấu chống lại thần dữ.

Giống như bà Evà, các phụ nữ cũng có thể nhượng bộ trước những sự quyến rũ của Satan; nhưng nhờ sự liên đới với Đức Maria, họ nhận được một sức mạnh cao cấp hơn để chiến đấu với thù địch, và như vậy họ trở thành những đồng minh đầu tiên của Thiên Chúa trên con đường cứu rỗi.

Sự liên minh huyền diệu giữa Thiên Chúa với người nữ đã được biểu lộ qua nhiều hình dạng khác nhau ngay cả vào thời đại của chúng ta: qua việc các phụ nữ chuyên cần cầu nguyện cá nhân vào cử hành phụng tự, qua việc phục vụ cuộc huấn giáo và chứng tá của lòng bác ái, qua vô vàn ơn gọi phụ nữ vào đời thánh hiến, qua việc giáo dục đạo đức trong gia đình…

Tất cả những dấu hiệu này tạo nên sự hiện thực cụ thể của lời tiên báo trong Phúc âm tiên khởi. Thực vậy, bản văn này, khi gợi ý mở rộng tầm áp dụng danh từ “người nữ” đến mức phổ quát, ở trong và ở ngoài biên cương hữu hình của Hội thánh, cho thấy rằng ơn gọi độc nhất của Đức Maria không thể nào tách rời khỏi ơn gọi của toàn thể nhân loại, và cách riêng ơn gọi của mỗi người phụ nữ. Ơn gọi của họ được soi sáng nhờ sứ mạng của Đức Maria, được tuyên dương là người đồng minh đầu tiên của Thiên Chúa trong cuộc chống lại Satan và sự dữ.



[1] Mối liên hệ của Đức Maria với Chúa Thánh Thần được bàn rộng ở Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số  721-726.

[2] Xc. dưới đây: bà “Evà mới” (bài 33); và “thiếu nữ Sion mới” (bài 18).

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment