Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 05

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Hai, ngày 05/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 6,22-29

22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi.23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? “26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? “29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

 

3. SUY NIỆM

 “Các ông hãy ra công làm việc…
để có được lương thực thường tồn” (Ga 6,27).

Như Mẹ:  Đức Giêsu nhắc nhở dân chúng ngày xưa là đừng chú tâm vào cái ăn; Chúa cũng nhắc nhở chúng ta ngày nay là đừng quá chú tâm vào việc tìm cách thỏa mãn những nhu cầu thể xác mà lơ là việc tìm kiếm lương thực nuôi sống đời sống tâm linh của mình: Lời Chúa, Thánh Thể. Đó là thần lương mang lại sự sống đời đời cho chúng ta.

Với Mẹ: Chúa ơi, ngày nay con luôn phải vất vả vì cơm áo, gạo tiền. Con biết rõ là những thứ đó chẳng đem lại vinh phúc vĩnh cửu cho con, mà nhiều lúc nó lại khiến con ngày càng xa Chúa. Xin cho con được gặp Chúa hằng ngày trong Thánh Thể, nhờ thế con mới được bình an.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin giúp con luôn biết hướng lòng tìm về Mình Máu Thánh Chúa qua việc siêng năng tham dự thánh lễ.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

 

BÀI 9: SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC MARIA

TẠI CÔNG ĐỒNG VATICANO II

Đức Gioan Phaolô II ôn lại vài điểm chính của đạo lý công đồng Vaticanô II về Đức Maria. Trước hết, công đồng đã bàn về Đức Maria trong văn kiện về Hội thánh, thay vì soạn một văn kiện riêng biệt. Đức Maria được nhìn trong mối tương quan với Chúa Kitô và với Hội thánh. Dưới một viễn ảnh mới, Người được nhìn nhận như là “Mẹ của Hội thánh”, cũng như là “điển hình” và “mẫu gương” cho Hội thánh.

1.- Hôm nay tôi muốn dừng lại để suy nghĩ về sự hiện diện đặc biệt của “Mẹ của Hội thánh” tại một biến cố chắc hẳn là quan trọng nhất trong thế kỷ chúng ta: công đồng Vaticano II được khai mạc do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII vào sáng ngày 11 tháng10 năm1962 và kết thúc do Đức Phaolô VI, ngày 8 tháng 12 năm 1965.

Một sắc thái Maria đã được ghi nhận nơi Công đồng này ngay từ khi triệu tập. Trong tông thư “Celebrandi Concilii Oecumenici” (11.4.1962), vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Gioan XXIII, đã muốn ký thác công đồng cho sự chuyển cầu quyền năng của Đức Maria, “Người mẹ của ơn thánh và vị bảo trợ trên trời của Công đồng”.

Kế đó, năm 1962, nhân dịp lễ Đức Maria chịu thanh tẩy, Đức Gioan XXIII đã ấn định khai mạc Công đồng vào ngày 11 tháng 10, và giải thích sự chọn lựa này là để nhớ đến công đồng Êphêsô vào ngày hôm đó đã công bố Đức Maria là “Theotokos”, Thân mẫu Thiên Chúa. Rồi trong bài diễn văn khai mạc, Đức Thánh Cha đã ký thác cho Đức Maria dưới tước hiệu “Kẻ Cứu giúp các Kitô hữu, Kẻ Cứu giúp các Giám mục” để xin Người cầu bầu với tình mẹ để cho công tác của Công đồng được kết thúc mỹ mãn.

Các Nghị phụ của Công đồng cũng hướng tới Đức Maria một cách minh thị trong sứ điệp gởi cho thế giới vào ngày khai mạc Công đồng, khi viết như sau: “Chúng tôi, những kẻ thừa kế các tông đồ, đang kết hiệp trong kinh nguyện cùng với Đức Maria, Thân mẫu Đức Giêsu, họp thành một đoàn tông đồ duy nhất”; như thế các nghị phụ đã muốn nối kết, trong sự thông hiệp với Đức Maria, với Hội Thánh nguyên thủy đón chờ Chúa Thánh Thần (xc. Cv1,14).

2.- Trong khóa họp thứ hai của Công đồng, người ta đã muốn du nhập thiên bàn về Đức Trinh nữ Maria vào trong Hiến chế về Hội thánh. Sáng kiến này, tuy đã được Ủy ban thần học giới thiệu rõ ràng, nhưng đã gợi lên nhiều ý kiến tương phản.

Một vài người nghĩ rằng việc lồng trong Hiến chế về Hội Thánh thì sẽ không nêu bật đủ sứ mạng rất đặc biệt của Thân mẫu Đức Giêsu ở trong Giáo Hội; vì thế, họ đã chủ trương soạn ra một văn kiện riêng biệt thì mới có thể diễn tả được chức phẩm cao quý, sự thánh thiện tuyệt vời, vai trò vô song của Đức Maria trong cuộc cứu chuộc mà Con của Người đã thực hiện. Thêm vào đó, họ cho rằng Đức Maria phần nào ở trên Hội thánh, vì thế họ bày tỏ sự lo ngại rằng việc gắn liền đạo lý Đức Maria trong chương bàn về Hội Thánh thì sẽ không làm nổi bật xứng đáng những đặc ân của Đức Maria, vì sẽ thu gọn chức vụ của Người ngang với những phần tử khác của Hội thánh (Acta Synodalia, II, III, 338-342).

Đối lại, một vài người khác đã ủng hộ đề nghị của Ủy ban thần học, muốn trình bày đạo lý Đức Maria và về Hội Thánh trong một văn kiện duy nhất. Theo họ, hai thực thể này không thể được tách rời ra tại một công đồng chủ trương tái khám phá bản chất và sứ mạng của dân Thiên Chúa. Vì thế, cần phải bày tỏ sự gắn bó sâu xa với Đấng đã trở thành điển hình và mẫu gương của Hội thánh về đức trinh khiết và về chức làm mẹ. Thực vậy Đức Trinh Nữ Maria, trong tư cách là phần tử ưu việt của cộng đoàn Giáo hội, đã chiếm một chỗ đứng đặc biệt trong đạo lývề Hội thánh. Ngoài ra khi nêu bật sự liên kết giữa Đức Maria và Hội Thánh, đạo lý của Công đồng về Đức Maria sẽ trở nên dễ hiểu hơn đối với các Kitô hữu thuộc phái Tin Lành (Acta Synodalia, II, III, 343-345).

Như vậy, các Nghị phụ, tuy được thúc đẩy do cùng một lòng yêu mến Đức Maria, nhưng đã muốn nêu bật những khía cạnh khác nhau của khuôn mặt của Người, nên đã đi đến những chủ trương đạo lý khác nhau. Một vài người muốn chiêm ngưỡng Đức Maria cách đặc biệt trong mối tương quan với Chúa Kitô; một số người khác thì muốn nhìn ngắm Người như là một phần tử của Hội Thánh.

3.- Sau khi cân nhắc thâm sâu về đạo lý và bàn xét về thiên chức của Đức Maria Thân Mẫu Thiên Chúa cũng như về sự hiện diện đặc biệt của Người trong đời sống Hội thánh, các nghị phụ đã quyết định xen khảo luận về Đức Maria vào trong văn kiện của Công đồng bàn về Hội thánh (Acta Synodalia II, III, 627).

Bản lược đồ mới về Đức Trinh Nữ Maria, được soạn ra để được xen vào Hiến chế Tín lý về Hội thánh, đã cho thấy một sự tiến triển thần học quan trọng. Việc nhấn mạnh đến đức tin của Đức Maria cũng như việc đặt đạo lý của Đức Maria trên nền tảng Kinh Thánh đã trở thành những yếu tố quan trọng và hữu ích để làm giàu cho lòng sùng kính và sự học hỏi của các Kitô hữu về Đức Thánh Mẫu. Với dòng thời gian, những nguy cơ về sự “hạ bệ” mà một vài nghị phụ lo ngại đã không xảy ra: sứ mạng và những đặc ân của Đức Maria đã được khẳng định một cách rộng rãi; sự cộng tác của Người vào công trình cứu rỗi của Thiên Chúa đã được nêu bật; việc dung hợp giữa sự cộng tác của Đức Maria với đạo lý về Đức Kitô Đấng Trung gian duy nhất đã thành sáng tỏ hơn.

Hơn nữa, lần đầu tiên, huấn quyền của Công đồng đã trình bày cho Giáo hội một học thuyết về vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu chuộc của Đức Kitô và trong đời sống của Hội thánh.

Vì thế chúng ta phải nhìn nhận rằng sự lựa chọn của các nghị phụ thực là một quyết định do Chúa quan phòng, bởi vì nó đã mang nhiều hậu quả phong phú cho công cuộc nghiên cứu đạo lý sau này.

4.- Trong các khóa họp Công đồng, đã có một thỉnh nguyện của nhiều nghị phụ muốn tăng gia đạo lý về Đức Maria với những định tín về vai trò của Đức Maria vào công trình cứu chuộc[1]. Khung cảnh đặc biệt của các cuộc tranh luận về Đức Maria tại công đồng Vatican II đã không cho phép chấp nhận những ước nguyện đó, dù khá phổ biến. Dù sao thì toàn bộ những học thuyết của Công đồng về Đức Maria vẫn được vững chắc và quân bình, và những đề tài nói trên tuy không được định tín, nhưng đã được bàn giải sâu xa trong toàn bộ khảo luận về Đức Maria.

Vì thế những dè dặt của một vài nghị phụ đối với tước hiệu “Mẹ Trung gian” đã không ngăn trở Công đồng một lần sử dụng nó, và khẳng định, – cùng với vài từ ngữ khác-, vai trò trung gian của Đức Maria qua việc chấp thuận lời thiên sứ truyền tin để trở thành người mẹ trong hệ trật ân sủng (xc. HT 62)[2]. Ngoài ra, Công đồng đã khẳng định sự hợp tác của Người “một cách hết sức đặc biệt” vào công trình tái tạo đời sống siêu nhiên trong các linh hồn (xc. HT 61). Sau cùng dù tránh sử dụng tước hiệu “Mẹ của Hội thánh”, bản văn của Hiến chế đã nhấn mạnh rõ ràng rằng Hội thánh đã tôn kính Đức Maria như là người mẹ rất đáng yêu mến[3].

Đọc suốt khảo luận của chương 8 của Hiến chế Tín lý về Hội thánh, chúng ta thấy rằng những sự dè dặt về từ ngữ đã không ngăn trở việc trình bày một đạo lý với nội dung sâu sắc tích cực, biểu hiện của niềm tin và lòng yêu mến đối với Đấng mà Hội thánh nhận là mẹ và mẫu gương cho đời sống của mình.

Mặt khác, những quan điểm khác nhau của các nghị phụ, nảy lên trong các cuộc tranh luận tại Công đồng, quả là nằm trong chương trình của Chúa quan phòng, bởi vì khi đối chiếu và hòa hợp với nhau, các ý kiến đó giúp cho lòng tin và thảo hiếu của dân Chúa một sự trình bày hoàn bị và quân bình hơn về thiên chức của Thân mẫu Chúa Giêsu và về vai trò của Người trong công trình cứu chuộc.

BÀI 10: MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG PHÁP

TRÌNH BÀY ĐẠO LÝ VỀ ĐỨC MARIA

Những bài huấn giáo về Đức Maria sẽ chú trọng vào hai phần chính: 1/ Phần đạo lý, bàn đến chức vụ của Đức Maria trong Mầu nhiệm Nhập thể và Nhiệm thể (tức là Hội thánh). 2/ Phần thực hành, sau khi ý thức vai trò của Đức Maria trong đời sống của Hội thánh và của từng tín hữu, chúng ta cảm thấy sự cần thiết phải bắt chước các mẫu gương nhân đức và tín thác nơi tình hiền mẫu của Người.

1.- Trong chương 8 của Hiến chế tín lý về Hội thánh, công đồng Vaticanô II đã muốn trình bày “chức vụ của Đức Maria trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Nhiệm Thể của Chúa Kitô, cũng như những nghĩa vụ của những con người đã được cứu chuộc đối với Thân Mẫu Thiên Chúa”[4], tôi cũng muốn họa theo Công đồng để trình bày, trong những bài huấn giáo sau đây, một toát lược căn bản đức tin của Hội thánh về Đức Maria, tuy phải khẳng định – giống như Công đồng – là không muốn trình bày “toàn bộ đạo lý đầy đủ” cũng như không muốn “giải quyết những vấn đề mà các nhà thần học còn đang tranh luận” (xc. HT 54)[5].

Trước hết, tôi muốn trình bày “chức vụ của Đức Trinh nữ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Nhiệm Thể”, dựa trên những dữ kiện của Kinh thánh và truyền thống của các Tông đồ cũng như lưu ý tới sự tiến triển đạo lý trong Giáo hội cho tới ngày hôm nay.

Ngoài ra, xét vì vai trò của Đức Maria trong lịch sử cứu độ được liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm của Đức Kitô và của Hội Thánh, cho nên tôi sẽ không bỏ qua việc quy chiếu vào hai mầu nhiệm đó, vì khi đặt đạo lý của Đức Maria vào đúng vị trí thì sẽ khám phá ra sự phong phú dồi dào của nó.

Việc tìm hiểu mầu nhiệm củaThân mẫu Chúa Cứu Thế thật bao la và trải qua giòng lịch sử đã thu hút nhiều vị mục tử và nhiều nhà thần học. Có tác giả muốn nêu bật những khía cạnh cơ bản của Thánh mẫu học, nên đã bàn tới Đức Maria trong thiên khảo luận về Đức Kitô hoặc về Hội thánh. Tuy nhiên, dù vẫn duy trì mối tương quan với hết tất cả mầu nhiệm đức tin, Đức Maria đáng được dành một thiên khảo luận riêng biệt, nhằm làm sáng tỏ thân thế và chức vụ của Người trong lịch sử cứu rỗi dựa trên Kinh thánh và truyền thống Hội thánh.

2.- Ngoài ra, theo hướng đi của Công đồng, xem ra cũng cần phải trình bày “những nghĩa vụ của những người đã được cứu chuộc đối với Thân mẫu Thiên Chúa, Thân mẫu Đức Kitô, Mẹ của loài người, đặc biệt là của các tín hữu”.

Thực vậy, vai trò mà Thiên Chúa đã muốn dành cho Đức Maria trong công trình cứu chuộc đòi hỏi các Kitô hữu không những là đón tiếp và lắng nghe Mẹ, mà còn là các hành động cụ thể diễn tả ra cuộc sống những tâm tình Phúc âm của Đấng đã đi tiên phong trước Hội thánh về đức tin và sự thánh thiện. Như thế Đức Maria đã được dành một chỗ đứng có tác dụng đặc biệt về cách thức cầu nguyện của các tín hữu. Chính Phụng vụ của Hội thánh đã nhìn nhận một vị trí đặc biệt dành cho Mẹ trong việc đạo đức và trong cuộc sống của người tín hữu.

Cần phải nhấn mạnh rằng đạo lý về lòng tôn kính Đức Maria không phải là hậu quả của cảm tình ướt át. Mầu nhiệm Đức Maria là một chân lý mạc khải hướng tới trí năng của các tín hữu và đòi hỏi những người giữ vai trò nghiên cứu và dạy dỗ trong Giáo hội phải có một phương pháp suy tư đạo lý không kém nghiêm túc so với phương pháp được áp dụng trong toàn bộ môn thần học.

Mặt khác, chính Đức Giêsu đã mời các người đương thời không nên bị lôi cuốn bởi sự phấn khởi khi trông thấy Thân mẫu của Người: bà Maria được tuyên dương là có phúc nhất là vì đã lắng nghe Lời của Chúa và đem ra thực hành (xc. Lc 11,28).

Chúng ta không nên chỉ chiều theo tâm tình nhưng phải để cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần dìu dắt khi tìm hiểu Thân mẫu Đức Giêsu và cách Người đóng góp vào chương trình cứu độ.

3.- Bàn về sự chừng mực và quân bình cần duy trì trong đạo lý cũng như là trong lòng sùng kính Đức Maria, Công đồng đã khuyên nhủ các nhà thần học và các nhà giảng thuyết Lời Chúa rằng “cần phải tránh hết mọi sự thái quá ngang trái …”(xc. HT 67).

Những sự thái quá này xảy ra nơi luồng “phóng đại”, khi họ muốn áp dụng cho Đức Maria những ưu phẩm của Đức Kitô và hết mọi đặc sủng của Giáo hội[6].

Không, khi trình bày về Đức Maria, cần phải duy trì sự khác biệt vô song giữa bản thể con người của Đức Maria và bản thể thiên tính của Đức Giêsu. Không thể lấy sự “tối đa” làm tiêu chuẩn cho Thánh mẫu học, bởi vì môn này phải luôn luôn quy chiếu về những gì mà mặc khải đã làm chứng về các hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Trinh nữ chiếu theo sứ mạng cao cả của Người.

Một cách tương tự như vậy, Công đồng cũng khuyến khích các nhà thần học và các nhà giảng thuyết hãy “tránh não trạng chât hẹp”, nghĩa là tránh cái nguy cơ “giảm thiểu”[7] được biểu lộ qua các chủ trương đạo lý hoặc chú giải Kinh thánh hoặc những việc đạo đức; khuynh hướng này ra như là dẹp bỏ tầm quan trọng của Đức Maria trong lịch sử cứu rỗi, sự trọn đời đồng trinh và sự thánh thiện của Người.

Chúng ta nên luôn luôn tránh những chủ trương cực đoan bởi vì chúng ta cần phải dựa vào chân lý mặc khải, được diễn tả trong Thánh kinh và truyền thống các thánh tông đồ.

4.- Chính Công đồng đã cống hiến cho chúng ta một tiêu chuẩn để phân định đạo lý chân chính về Đức Maria: “trong Hội thánh, Đức Maria chiếm một chỗ cao nhất và gần nhất với chúng ta sau Chúa Kitô” (HT 54).

Chỗ đứng cao nhất: chúng ta cần phải khám phá tầm quan trọng của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu chuộc. Tuy nhiên, đó là một sứ mạng luôn luôn quy chiếu về Đức Kitô.

Chỗ đứng gần nhất với chúng ta: cuộc sống của chúng ta được thấm nhuần sâu đậm do mẫu gương và lời chuyển cầu của Đức Maria. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tự vấn về phần cố gắng của chúng ta để được gần gũi với Người. Toàn thể môn sư phạm của lịch sử cứu rỗi đều mời gọi chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Trinh nữ. Khoa tu đức Kitô giáo ở hết mọi thời đại đều mời gọi chúng ta hãy nghĩ đến Người như một gương mẫu của việc thuận theo ý Chúa. Là khuôn mẫu của sự thánh thiện, Đức Maria dìu dắt những bước đi của các tín hữu trên con đường về thiên quốc.

Vì gần gũi với những biến cố trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, Đức Maria nâng đỡ chúng ta trong lúc thử thách, phấn chấn chúng ta những lúc khó khăn, luôn luôn chỉ tỏ cho chúng ta tiêu điểm của ơn cứu rỗi đời đời. Như vậy, vai trò làm mẹ của Người càng ngày càng nổi bật: Người là Thân mẫu của Thánh tử Giêsu, Người là bà mẹ âu yếm, tỉnh thức đối với mỗi người chúng ta, bà mẹ mà từ thập giá Chúa Cứu chuộc đã ký thác để chúng ta đón nhận như là những người con trong đức tin.



[1] Một số nghị phụ đã yêu cầu công đồng định tín đạo lý Đức Mẹ “Đồng công cứu chuộc” và “Trung gian các ơn”.

[2] Xc. bài 64-65 dưới đây.

[3] Xc. bài 63 dưới đây.

[4] Bố cục chương 8 của Hiến chế Ánh sáng muôn dân, gồm 3 phần. I. Nhập đề (số 52-54). II  Chức vụ Đức Maria trong kế  hoạch cứu độ (số 55-59). III. Đức Maria với Hội thánh (số 60-68).

[5]  Nói cách khác, những bài huấn giáo không giống như các lớp thần học! Đức Thánh Cha không muốn đi sâu vào chi tiết các vấn đề còn tranh luận. Dù vậy, cũng có thể ghi nhận rằng trong loạt bài huấn giáo này, Đức Gioan Phaolô II không chỉ dừng lại ở các tín điều liên quan đến Đức Maria (các bài 23;  26;  37; 54), hoặc những gì đã được Huấn quyền nhìn nhận (chẳng hạn tước hiệu Mẹ của Hội thánh, bài 63), nhưng ngài cũng trình bày quan điểm đối với một vài vấn đề thần học, chẳng hạn: Đức Maria không hề phạm tội, dù chỉ là tội nhẹ (bài 24); Đức Maria đã trải qua cái chết trước khi được sống lại (bài 53); Người là “môi giới” theo nghĩa là hợp tác với Đức Kitô trong tư cách làm mẹ (bài 65; xc bài 48). Không thể áp dụng cho thánh Giuse đặc ân vô nhiễm nguyên tội (bài 23).

[6]  Khuynh hướng “phóng đại” (maximalismus)  muốn gán cho Đức Maria tất cả mọi ưu phẩm như Chúa Kitô (thí dụ: trung gian của hết mọi ơn lành), hay tất cả mọi đặc sủng của Hội thánh (thí dụ: tông đồ, tử đạo, truyền giáo).

[7] Khuynh hướng “giảm thiểu” (minimalismus) muốn cho Đức Maria cũng chia sẻ những khiếm khuyết giống như bao nhiêu thụ tạo khác, thí dụ những nghi nan do dự đứng trước mầu nhiệm đức tin, đời sống vợ chồng thường tình, vv.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment