Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 02

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Sáu, ngày 02/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 6,1-15

1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? “6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.7 Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:9 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! “10 Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.”13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! “15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

 

3. SUY NIỆM

“Đức Giêsu cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn” (Ga 6,11).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn tình con thảo với Chúa Cha trong suốt hành trình sống ở thế gian. Người đã đón nhận hồng ân từ nơi Cha mình, để rồi ban phát hồng ân ấy cho con người. Hồng ân ấy là hồng ân Cứu Độ, được đổi bằng chính Máu của Chúa Giêsu trên thánh giá. Chúng ta được mời gọi dâng lời tạ ơn Cha về hồng ân cao cả đó cùng với Chúa Giêsu.

Với Mẹ: Lạy Chúa, qua hình ảnh “chiếc bánh”, Chúa Giêsu nói, con nghĩ tới của ăn nuôi dưỡng đức tin, lòng mến… đó là Lời Chúa. Xin cho con có lòng say mê Lời Chúa, tìm kiếm những giá trị thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu mỗi ngày một tốt hơn.

Nhờ Mẹ: Mẹ ơi, xin giúp con sống xứng đáng là con cái Chúa qua việc luôn khao khát thi hành ý muốn của Người.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 3: DUNG NHAN CỦA THÂN MẪU ĐẤNG CỨU THẾ

Trong những thế kỷ đầu tiên, Đức Maria được nhìn trong tương quan với Ngôi Lời Nhập thể, với các tước hiệu “Thân mẫu Đức Giêsu, Thân mẫu Thiên Chúa”. Dần dần các tín hữu để ý đến sự hợp tác của Người vào công trình cứu độ của Đức Kitô; từ đó Người được nhìn nhận như là “Thân mẫu Đấng Cứu chuộc”, “Kẻ đồng thụ nạn”, “Mẹ tinh thần của nhân loại”. Ý nghĩa của những đề tài này sẽ được khai triển trong các bài 47-50.

1.- Khi nói rằng “Đức Trinh nữ Maria được nhìn nhận và tôn kính như là Thân mẫu Thiên Chúa, Thân mẫu Đấng Cứu thế.” (HT 53), Công đồng đã muốn chúng ta chú ý tới mối liên hệ giữa chức làm mẹ của Đức Maria với ơn Cứu độ.

Sau khi đã ý thức vai trò làm mẹ của Đức Maria, – đã được đạo lý và phụng tự của các thế kỷ đầu tiên tôn kính như là Mẹ trinh khiết của Đức Giêsu Kitô và là Mẹ của Thiên Chúa -, sang thời Trung cổ lòng đạo đức và suy tư thần học của Hội thánh đã đào sâu sự cộng tác của Đức Maria vào công trình của Chúa Cứu thế.

Có thể giải thích lý do của sự chậm trễ này ở chỗ các Giáo phụ và các Công đồng đầu tiên của Giáo Hội chú trọng tới mầu nhiệm về bản thể của Đức Kitô cho nên đã bỏ qua những khía cạnh khác của tín điều. Dần dần chân lý mạc khải mới có thể được phát biểu với tất cả nội dung phong phú của nó. Trải qua các thế kỷ, thần học về Đức Maria (Thánh mẫu học) luôn luôn hướng về thần học về Đức Kitô (Kitô học). Chân lý về Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa được Công đồng Êphêsô công bố nhằm khẳng định một ngôi vị duy nhất của Đức Kitô. Một điều tương tự như vậy đã xảy ra khi đào sâu sự hiện diện của Đức Maria trong chương trình cứu độ.

2.- Vào cuối thế kỷ thứ II, thánh Irênêô, môn đệ của ông Pôlicapô, đã nêu bật sự đóng góp của Đức Maria vào công trình cứu chuộc. Thánh Irênêô đã hiểu biết giá trị của sự ưng thuận của Đức Maria vào lúc Truyền tin, khi ông nhận thấy sự vâng lời và sự tín thác của Trinh nữ Maria vào sứ điệp truyền tin như là phản chứng hoàn toàn với sự bất tuân và bất tín của bà Evà, mang lại hiệu quả may lành cho số phận nhân loại. Thật vậy, cũng như bà Evà đã gây ra sự chết thì Đức Maria với lời “xin vâng” đã trở thành “nguyên nhân cứu rỗi” cho chính mình và cho tất cả nhân loại (xc. Chống lại các lạc giáo 3.22,4). Tuy nhiên đây chỉ là một ý kiến chưa được các giáo phụ khác khai triển.

Vào cuối thế kỷ thứ X, đạo lý này được phát biểu một cách có hệ thống lần đầu tiên trong quyển “Cuộc đời Đức Maria” do một đan sĩ Byzantin tên là Gioan Geometra. Ở đây Đức Maria đã được liên kết với Đức Kitô, theo chương trình của Thiên Chúa, trong suốt công trình cứu độ, qua việc thông dự vào thập giá và chịu đau khổ vì phần rỗi của chúng ta. Người đã kết hiệp với Đức Kitô “trong hết mọi hành động, thái độ và ý muốn”. Đức Maria đã kết hợp vào công trình cứu độ của Đức Giêsu bằng tình yêu của một bà mẹ, một tình yêu được ân sủng thúc đẩy và tăng thêm sức mạnh siêu việt: người không có mê đắm thì lại tỏ ra động lòng trắc ẩn hơn cả.

3.- Bên Tây phương, Thánh Bênađô (qua đời năm 1153), đã hướng về Đức Maria và chú giải cảnh dâng hiến Đức Giêsu trong đền thờ như sau: “Thánh Trinh nữ ơi, xin hãy dâng Con của Người, xin hãy dâng tiến cho Thiên Chúa hoa trái của lòng mình. Vì sự hòa giải của chúng con xin hãy dâng lên hy lễ thánh thiện đẹp lòng Chúa, để cho chúng con được hòa giải với tất cả mọi người” (Bài giảng 3 nhân lễ Thanh tẩy, số 2)

Một đồ đệ và bạn thân của thánh Bênađô, ông Arnalđô Chartres, đã nêu bật sự dâng hiến của Đức Maria trong hy lễ núi Calvariô. Ông ta đã phân biệt ở nơi thập giá “hai bàn thờ: một bàn thờ ở trong trái tim của Đức Maria, một bàn thờ ở nơi thân xác của Đức Kitô. Đức Kitô đã hiến tế xác của mình còn Đức Maria đã hiến tế hồn của mình”. Đức Maria đã hiến tế trong tinh thần qua việc kết hiệp sâu sắc với Đức Kitô và khẩn cầu ơn cứu rỗi cho thế giới: “Điều mà bà mẹ kêu xin thì Con chuẩn y và Cha đã trao ban” (Bảy lời của Chúa trên Thập giá).

Từ đó trở đi, các tác giả đã trình bày đạo lý về sự cộng tác đặc biệt của Đức Maria vào hy lễ cứu chuộc.

4. Đồng thời, đề tài về Đức Maria “đồng thụ nạn” đã được phát triển trong phụng tự và lòng đạo đức bình dân, đặc biệt qua những bức tượng vẽ Đức Maria chịu đau khổ. Sự tham dự của Đức Maria vào bi kịch thập giá đã biến cho biến cố này trở thành hết sức đậm tình người và giúp cho các tín hữu đi sâu vào mầu nhiệm: sự đồng khổ của bà mẹ giúp hiểu biết thêm cuộc khổ hình của Người Con.

Với việc tham dự vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô, Đức Maria được nhìn nhận như là bà mẹ thiêng liêng của hết mọi người. Bên Đông phương, ông Gioan Geometra thưa với Đức Maria như sau: “Người là mẹ của chúng con”. Khi tạ ơn Đức Maria “vì những khổ hình và đau khổ đã chịu đựng vì chúng con” ông ta đã vạch lên tình hiền mẫu và những đặc trưng của một bà mẹ đối với hết những kẻ được lãnh nhận ơn cứu chuộc.

Bên Tây phương, đạo lý về tình mẹ thiêng liêng được phát triển với thánh Anselmô khi ông ta quả quyết rằng: “Bà là mẹ… của sự hòa giải và của những người được hòa giải, mẹ của sự cứu độ và những người được cứu độ” (xc. Oratio 52,8).

Đức Maria không ngừng được tôn kính như là Thân mẫu Thiên Chúa, nhưng sự kiện Người trở thành mẹ của chúng ta đã mang lại cho chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa của Người một khuôn mặt mới và mở ra cho chúng ta con đường kết hiệp thắm thiết hơn với Người.

5.- Chức hiền mẫu của Đức Maria đối với chúng ta không phải chỉ bao gồm một mối liên hệ về tình cảm mà thôi: nhờ những công trạng và nhờ lời cầu bầu, Người đã đóng góp hữu hiệu vào việc chúng ta được sinh ra về tinh thần và vào sự tăng trưởng đời sống ơn thánh nơi chúng ta. Vì lý do đó Đức Maria đã được gọi là: “Mẹ của ân sủng”, “Mẹ của sự sống”.

Tước hiệu “Mẹ của sự sống” đã được thánh Grêgôriô Nissênô sử dụng và được ông Guerrico Igny (qua đời năm 1157) giải thích như sau: “Người là Mẹ của Sự Sống nhờ đó tất cả mọi người được sống: khi sinh ra Sự Sống này, thì một cách nào đó Người đã sinh hết những người sẽ được sống. Duy chỉ một người đã được sinh ra, nhưng tất cả chúng ta đã được tái sinh” (In Assumptione I,2).

Một bản văn thuộc thế kỷ thứ XIII, mang tựa là “Mariale”, đã dùng một hình ảnh rất táo bạo khi gọi việc tái sinh chúng ta là “một cuộc sinh đẻ đau đớn” trên núi Calvariô, nhờ đó “Người trở thành bà mẹ tinh thần của tất cả nhân loại”; thật vậy “trong lòng dạ trinh trắng của mình Người đã thụ thai, bằng sự đồng khổ nạn, tất cả các con cái của Hội thánh”

6.- Công đồng Vaticano II, sau khi đã khẳng định rằng Đức Maria “đã cộng tác một cách hết sức đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu chuộc…”, đã kết luận như sau: “vì thế mà đối với chúng ta Người đã trở thành bà mẹ trong hệ trật ân sủng” (HT 61) và như vậy, công đồng đã xác nhận tâm tình của Giáo hội nhìn Đức Maria bên cạnh Con mình như là bà Mẹ tinh thần của toàn thể nhân loại.

Đức Maria là mẹ của chúng ta: chân lý đầy an ủi này, – được Giáo hội trình bày càng ngày càng rõ rệt và sâu đậm -, đã và còn nâng đỡ đời sống thiêng liêng của tất cả chúng ta và khích lệ chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng kể cả những lúc đau khổ.

 

 

 

 

BÀI 4

ĐỨC MARIA

TRONG KINH THÁNH VÀ TRONG SỰ SUY TƯ THẦN HỌC

Đức Thánh Cha ôn lại sự tiến triển đạo lý về Thánh-mẫu-học. Dựa trên những dữ kiện căn bản của Tân ước, ngành này đã đào sâu thêm những chân lý liên quan đến bản thân và sứ mạng của Đức Maria, điển hình qua việc tuyên bố hai tín điều “Vô nhiễm nguyên tội” và “Hồn xác lên trời”. Đừng kể sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của Thánh-mẫu-học là lòng đạo đức bình dân, phát biểu cảm quan đức tin của Dân Chúa.

 

1.- Trong những bài trước, chúng ta đã thấy rằng đạo lý về chức làm mẹ của Đức Maria từ công thức đầu tiên “Thân mẫu của Đức Giêsu” dần dần bước sang công thức “Thân mẫu của Thiên Chúa” hoàn bị hơn, cho tới những khẳng định về bà mẹ tham gia vào việc cứu độ nhânloại.

Đối với các khía cạnh khác của đạo lý về Đức Maria cũng cần phải chờ nhiều thế kỷ thì mới có thể đạt tới sự xác định minh nhiên về các chân lý mạc khải liên quan tới Người. Những trường hợp điển hình của chặng đường đức tin nhằm khám phá ra sâu xa hơn chức phận của Đức Maria trong lịch sử cứu độ là hai tín điều: Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và Hồn xác lên trời, đã được hai vị tiền nhiệm của tôi tuyên bố, đó là Đức Piô IX năm 1854, và Đức Piô thứ XII nhân dịp năm thánh 1950[1].

Thánh-mẫu-học là một môn thần học độc đáo: trong ngành này lòng mộ mến Đức Maria của Dân Kitô giáo lắm lần đã trực giác vài khía cạnh của mầu nhiệm về Đức Trinh nữ trước khi các nhà thần học và các vị mục tử chú ý tới.

2. Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng các sách Phúc âm cung cấp rất ít dữ kiện về thân thế và cuộc đời Đức Maria. Dĩ nhiên là chúng ta ước mong có nhiều chi tiết dồi dào hơn để giúp hiểu rõ hơn về người Thân mẫu của Đức Giêsu.

Lòng khao khát đó coi như cũng không được thỏa mãn khi bước sang các tác phẩm khác của Tân Ước, bởi vì ở đây cũng chẳng thấy phát triển đạo lý rõ rệt về Đức Maria. Các thư của Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta một tư tưởng rất là phong phú về Đức Kitô và về sự nghiệp của Ngài, nhưng chỉ giới hạn vào một đoạn súc tích rằng Thiên Chúa đã sai Con của mình đến, “sinh bởi một người nữ” (Gl 4,4).

Về gia đình của Đức Maria chúng ta cũng thấy hầu như không có gì. Đừng kể những trình thuật về thời thơ ấu, trong Phúc âm nhất lãm chúng ta chỉ thấy có hai lần nhắc tới Đức Maria: một lần khi nói tới mưu toan của các “anh em” nghĩa là những bà con muốn dẫn Đức Giêsu về lại Nazarét (xc. Mc 3, 21; Mt 12, 48); một lần khác, khi đáp lại lời chúc tụng của một phụ nữ về hạnh của bà mẹ của Đức Giêsu (Lc 11, 27).

Tuy nhiên, ông Luca trong Phúc âm thời thơ ấu, – với những chuyện Truyền tin, Thăm viếng, Sinh hạ Đức Giêsu, Tiến dâng Hài nhi trong đền thờ, và gặp lại Người giữa các thầy dạy lúc lên 12 tuổi -, thì không những đã cung cấp cho chúng ta một vài dữ kiện quan trọng, mà còn trình bày cho chúng ta một thứ “tiền thánh mẫu học” hết sức hữu ích. Các dữ kiện của ông Luca đã được gián tiếp bổ túc do ông Matthêu khi thuật lại việc truyền tin cho thánh Giuse (1,18-25), tuy chỉ liên quan tới việc thụ thai trinh khiết của Đức Giêsu mà thôi.

Hơn nữa, Phúc âm theo ông Gioan đã đào sâu giá trị lịch sử cứu rỗi của vai trò Thân mẫu Đức Giêsu, khi ghi nhận sự hiện diện của bà vào lúc bắt đầu và kết thúc cuộc đời công khai của Chúa. Sự can dự của Đức Maria ở bên cạnh Thánh giá mang một tầm ý nghĩa đặc biệt, khi mà Người lãnh nhận từ Con của mình đang hấp hối chức vụ làm mẹ của người môn đệ dấu yêu, và qua người đó, làm mẹ tất cả các Kitô hữu (xc Ga 1, 12 và Ga 19, 25-27). Sau hết, Tông đồ công vụ đã nhắc tới đích danh Thân mẫu của Đức Giêsu ở giữa các phụ nữ của cộng đoàn tiên khởi vào những ngày chờ đón lễ Ngũ tuần (x. Cv 1, 14).

Ngược lại, chúng ta không biết gì về cuộc đời của Đức Maria sau biến cố Ngũ tuần cũng như về ngày giờ và hoàn cảnh tạ thế, bởi vì không có những chứng tích của Tân ước hay của những nguồn sử liệu chắc chắn. Chúng ta chỉ có thể giả thiết rằng Người tiếp tục sống với tông đồ Gioan và theo sát sự phát triển của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.

3.- Những dữ kiện ít ỏi về cuộc đời dương thế của Đức Maria đã được bù lại bằng phẩm tính và sự phong phú thần học của chúng, mà khoa chú giải Kinh thánh hiện đại đã vạch ra.

Mặt khác, chúng ta cần phải nhớ lại rằng viễn tượng của các tác giả Phúc âm hoàn toàn tập trung vào Chúa Kitô và chỉ nhắc tới bà Mẹ trong tầm mức có liên hệ tới việc loan báo Tin mừng của Người Con. Như Thánh Ambrosiô đã ghi nhận, khi trình bày mầu nhiệm Nhập thể, thánh sử “đã không cần đi tìm những chứng cớ nào khác về Đức trinh khiết của Đức Maria, vì không muốn tỏ ra rằng mình lo bảo vệ Đức Trinh nữ hơn là công bố một mầu nhiệm” (Expositio in Lucam, 2, 6).

Trong việc này chúng ta có thể nhận ra một ý định của Chúa Thánh Thần. Người muốn gợi lên trong Hội thánh một nỗ lực truy tầm luôn đặt trung tâm điểm nơi mầu nhiệm của Đức Kitô, không tản mạn về những chi tiết của cuộc đời Đức Maria nhưng nhằm khám phá ra vai trò của Mẹ trong công trình cứu chuộc, sự thánh thiện bản thân và chức vụ làm mẹ trong đời sống các Kitô hữu.

4.- Khi hướng dẫn nỗ lực truy tầm của Hội thánh, Chúa Thánh Thần cũng đòi hỏi Hội thánh hãy thu nhận những tâm tình giống như Đức Maria. Khi kể lại cuộc sinh hạ Đức Giêsu, ông Luca ghi nhận rằng thân mẫu của Người đã gìn giữ tất cả những điều đó, “chiêm niệm ở trong tâm hồn” (2,19), nghĩa là cố gắng “thu thập đối chiếu” (symballousa) với cái nhìn sâu sắc tất cả những biến cố mà Mẹ đã trở thành một chứng nhân ưu tuyển.

Một cách tương tự như vậy, dân Thiên Chúa cũng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy để hiểu biết sâu xa tất cả những gì đã được nói về Đức Maria, hầu tiến triển trong việc hiểu biết sứ mạng của Người đã được liên kết mật thiết với mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Trong việc phát triển Thánh-mẫu-học, Dân Chúa đã đóng một vai trò hết sức đặc biệt. Dân Chúa, qua việc khẳng định và làm chứng đức tin, đã cộng tác vào sự tiến triển đạo lý về Đức Maria. Thánh-mẫu-học không phải chỉ là thành quả của các nhà thần học tuy dù vai trò của họ không thể nào thiếu trong việc đào sâu và trình bày sáng suốt những dữ kiện đức tin và cảm nghiệm Kitô giáo.

Lòng tin của những người đơn sơ đã được Đức Giêsu ca ngợi, vì Người đã nhìn nhận đó như là sự bày tỏ đường lối diệu kỳ của Cha lân tuất (xc. Mt 11, 25; Lc 10, 21). Lòng tin chất phác đó, trải qua các thế kỷ, vẫn tiếp tục tuyên dương những kỳ công của lịch sử cứu độ, mà các nhà thông thái không thấy. Lòng tin này, rất hợp điệu với tính đơn sơ của Đức Trinh Nữ, đã góp phần vào việc tiến triển của sự nhận thức về sự thánh thiện bản thân cũng như về giá trị cao siêu trong sứ mạng làm mẹ của Đức Maria.

Mầu nhiệm của Đức Maria thúc đẩy hết mọi người Kitô hữu, trong niềm hiệp thông với Hội thánh, hãy “chiêm niệm trong tâm hồn” điều mà mặc khải Phúc âm đã khẳng định về Thân mẫu Chúa Kitô. Dựa trên luận lý của kinh Magnificat, mỗi người sẽ cảm nghiệm ở nơi mình, theo gương của Đức Maria, tình yêu của Thiên Chúa và sẽ khám phá qua những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã thực hiện nơi Đấng “đầy ơn phúc” một dấu hiệu của tình thương âu yếm của Thiên Chúa đối với con người.



[1] Nên biết là Hội thánh đã tuyên bố  bốn “tín điều” (chân lý mặc khải) về Đức Maria: 1/ Mẹ Thiên Chúa; 2/ Trọn đời đồng trinh; 3/ Vô nhiễm nguyên tội; 4/ Hồn xác lên trời. Hai tín điều đầu tiên đã thành hình ngay từ các thế kỷ đầu tiên.  Hai tín điều cuối thì được xác nhận vào thế kỷ XIX và XX. Trong các bài huấn giáo sau đây, các tín điều được trình bày dọc theo  cuộc đời Đức Maria: 1/ Thụ thai vô nhiễm (bài 23); 2/ Đồng trinh (bài  26); 3/ Thân mẫu Thiên Chúa (bài 37); 4/ Hồn xác lên trời (bài 54).

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment