- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Về bên nhà Mẹ

Người chứng thứ ba là chính tôi, Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, một cựu tù nhân.

Suốt cuộc đời, tôi đã được Đức Mẹ ban nhiều ơn. Nhưng đây tôi chỉ thuật lại một giai đoạn mà ai trong anh chị em cũng biết ít nhiều, nghĩa là từ năm 1975 đến nay.

Trước ngày 15-8-1975, nhiều người đến nơi tôi cư ngụ là Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, để khuyên tôi nghe lời yêu cầu của nhà nước, tự nguyện từ bỏ Sài Gòn, trở về Nha Trang, để tránh nhiều sự khốn khó. Tôi đã cám ơn tất cả, nhưng tôi cương quyết ở lại nhiệm sở.

Tối 14-8-1975, một lần nữa tôi lại tiếp khách và tôi vẫn giữ vững lập trường. Sáng 15-8-1975 tôi dâng lễ Đức Mẹ Lên Trời, phó thác tất cả trong tay Mẹ. Tôi vững tâm vì hôm nay là lễ trọng kính Đức Mẹ La Vang, dù có xảy ra điều gì cũng là có dấu hiệu Đức Mẹ không bỏ tôi.

Đúng thật, tôi được công an phường mời lên dinh Độc Lập lúc 2 giờ chiều, tại đó tôi bị bắt lên xa đưa về Nha Trang, quản thúc tại giáo xứ Cây Vông. Trên đường đi ban đêm, tôi đã đọc kinh “Hãy Nhớ” – “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ…” nhiều lần và cầu nguyện với Mẹ.

Tiếp đó tôi vào biệt giam ở trại Phú Khánh – về trại Thủ Đức – xuống tàu Hải Phòng ra Bắc Việt – lên trại cải tạo Lập Thạch ở núi Tam Đảo – rồi đưa về biệt giam ở trại Thanh Liệt – đến ngày thứ Bảy 13-5-1978 (kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima) tôi được báo tin về quản thúc tại giáo xứ Giang Xá, cách Hà Nội 20 cây số. Ở đây, tôi chỉ được dâng lễ một mình, không làm mục vụ giảng dạy gì cả, không được ra khỏi làng. Trên đường làng phơi đầy rơm, đầu đội mũ cói của một bạn tù ở Bến Tre cho, tay xách túi cói, mặc một bộ bà ba đen, chân đi dép râu, tôi theo ông Quản Trọng, người được nhà nước giao trách nhiệm quản lý tôi, ngỡ ngàng bước vào khuôn viên nhà xứ Giang Xá, nơi nhà nước đã chọn để quản thúc tôi. Đây là một xứ đạo mười năm không có cha xứ, xa lạ, không ai biết tôi.

Vào lúc 4 giờ chiều, các bô lão trong xứ vào thăm tôi. Vẻ mặt họ không mấy thiện cảm. Về sau họ thuật lại: “Chúng con hoài nghi, không biết cha thật hay là cán bộ. Cha cố sao không có áo dòng, không được làm lễ?…”

Để phá bầu không khí căng thẳng, tôi nói:

– Các cụ ở nhà quê mà có ngôi thánh đường khang trang quá. Tôi càng nhìn càng thấy na ná giống một thánh đường nào đây!

Một cụ đáp:

– Thưa cha, ngày xưa cha già Phượng đã vào La Vang để xin mẫu nhà thờ, đem về xây nhà thờ xứ chúng con. Cha già leo lên gác đàn, xem cho tường tận, nhỡ sẩy chân, ngã từ gác đàn xuống nền nhà thờ, không ai biết hết. Đến trưa người ta đi kiếm khắp nơi, mới tìm thấy ngài nằm mê man giữa vũng máu. Cha già Mục đã làm các phép cho ngài. Giáo dân đi về Trí Bưu cách 7 cây số, báo tin cho cố Trung. Cố đạp xe lên. Giữa lúc lúng túng và tuyệt vọng thì nghe tiếng còi ô tô từ xa, cố Trung cho người ra chận xe lại, hóa ra đó là xe một người Pháp đi săn về. Ông ta nghe lời cố yêu cầu “còn nước còn tát”, chở cha già Phượng về bệnh viện Quảng Trị, ông đốc Hi đã hết lòng săn sóc, và lạ lùng thật, cha già Phượng đã dần dần tỉnh lại, nói được, đi được… Cha già Phượng đã về Giang Xá, xây nhà thờ kiểu nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Đến lúc khánh thành, ngài đã mời cố Trung và ông đốc Hi ra Giang Xá dự tiệc mừng khánh thành và cám ơn họ.

Nghe cụ nói thế, tôi kể cho các cụ nghe:

– Các ông biết không? Vào năm 1698 tức là một trăm năm trước khi Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, ông cụ tổ của tôi, từ miền Bắc, đã chịu phép rửa tội ở Cửa Hội. Khi vua Lê và chúa Trịnh biết, đã định bắt bớ vì cụ là quan triều. Cụ tổ tôi đã xuống thuyền cùng gia đình vượt biển vào tị nạn ở Trí Bưu, La Vang, là vùng đất của chúa Nguyễn. Cho đến cách đây hơn một trăm năm, thời phân sáp, triều vua Tự Đức, cả gia đình bị đi phân sáp vào Huế. Thân sinh cụ nội tôi phải ở tù vì đạo. Đến lúc tha đạo, gia đình ở lại luôn tại Huế.

Một cụ nghe thế thì cho biết:

– Thưa cha, có cụ trùm Năm, là ông trùm cựu của chúng con vừa đi Nam thăm cố Cẩn là bố của cha Thinh về.

Tôi hỏi:

– Thế thì cụ có thăm ông Thận không?

Cụ đáp:

– Thưa cha có đấy ạ.

– Các ông có biết tại sao ông Thận lại vào trong Huế không?

– Thưa cha chúng con cũng lờ mờ lắm.

Tôi giải thích:

– Vốn cụ bà Quận công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài lấy chồng ở Huế, nên đã đem cháu là ông Thận vào nuôi ăn học ở trong ấy. Các ông có biết không? Ông Thận là ông phòng bộ giúp lễ cho tôi hằng ngày cho đến lúc tôi bị bắt!

Mọi người nhìn nhau sửng sốt. Tôi nói tiếp:

– Chính cụ bà Phước Môn, là bà của các ông, lại là vú đỡ đầu của mẹ tôi. Và con gái đầu của bà đã kết bạn với cậu của tôi là cụ Hiệp Tá Ngô Đình Khôi.

Các bô lão quá xúc động. Họ nhìn nhau, nói:

– Lạ lùng thật! Đức Mẹ La Vang đưa cha về với chúng con. Thật nói được cha là họ hàng của chúng con. Làm sao người ta lại chọn chỗ này mà đưa cha về! Quyền phép Đức Mẹ thật!

Rồi các cụ bảo nhau:

– Thôi, vậy ta biết thật là cha phải chịu khó vì Hội Thánh. Từ đây ta phải bảo vệ cha, và giấu kỹ, đừng cho bên ngoài biết mối quan hệ giữa cha và chúng ta, kẻo người ta sẽ đưa cha đi và ta mất cha.

Càng nói chuyện với các cụ, tôi càng xúc động nghẹn ngào, nước mắt cứ muốn tuôn trào ra. Lạy Mẹ La Vang, làm sao mà con ra đến miền Bắc, đi cải tạo, lại được nhà nước “chọn” “nhà thờ La Vang” để con về trú ngụ bên nhà Mẹ. Đâu có thể chọn nơi nào ở miền Bắc, có những mối quan hệ gần gũi như vậy!

Muôn đời con cám ơn Đức Mẹ La Vang. Chính ở đây, bên nhà Mẹ, con đã tiếp tục viết các sách đạo đức và làm việc tông đồ trong âm thầm. Cũng chính ở nơi đây, bên nhà Mẹ, con đã biết, đã yêu mến Giáo Hội và đồng bào miền Bắc.

Tôi dừng ở đây, mặc dù còn nhiều ơn khác Đức Mẹ La Vang đã ban cho tôi.

Roma, 6-8-1998

HY. Nguyễn Văn Thuận

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]